Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Khách nước ngoài chia sẻ bí kíp đi chợ Sapa

Hầu như mỗi ngày ở Sapa lại có một buổi họp chợ của đồng bào dân tộc, mang những nét độc đáo và hấp dẫn riêng.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sapa


Ngày nào ở Sapa cũng có một buổi họp chợ – nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa như rau củ, hoa quả, gia cầm. Mỗi chợ lại có nét thú vị và số lượng người tham dự khác nhau.

Những cách nhận biết trang phục dân tộc, cách trả giá, di chuyển và tham quan… ở một số chợ vùng cao tại Sapa được khách nước ngoài chia sẻ một cách chi tiết, rõ ràng trên chuyên trang du lịch Goasean của tổ chức ASEAN. Dưới đây là 5 chợ vùng cao và một số mẹo vặt giúp cho chuyến du lịch khám phá của bạn tại Sapa thêm phần thú vị.

Các chợ nổi tiếng ở Sapa

Chợ Cốc Ly


Khu chợ Cốc Ly chủ yếu bán rau và gia cầm.

Cứ mỗi dịp thứ ba, chợ phiên Cốc Ly lại khuấy động không khí vùng cao khi người Mèo, người Dao Đen, người Nùng và người Tày sinh sống gần bờ sông Chảy cùng tụ họp. Điều khiến chợ Cốc Ly trở nên sặc sỡ chính là những trang phục truyền thống rực rỡ, nhiều sắc màu của người Mèo.

Dù hàng hóa ở đây không mấy hấp dẫn du khách (đa phần là rau và gia cầm), bạn sẽ không thể ngừng háo hức khi dạo quanh những hàng may vá thêu thùa của người dân tại đây. Nếu thích hòa mình vào nền văn hóa dân tộc, bạn có thể trả giá tại khu chợ nhỏ nhưng không kém phần náo nhiệt này.

Chợ Bắc Hà



Chợ Bắc Hà thường bị than phiền là quá thương mại bởi lẽ đây là khu chợ lớn nhất Sapa, cũng dễ tiếp cận hơn các khu chợ vùng cao khác và là nơi lý tưởng cho những người ở Sapa tham quan trong một thời gian ngắn. Ở đây hội tụ đủ dân tộc thiểu số có mặt trong vùng, đặc biệt là người Mèo.

Một điểm khá thú vị là bạn sẽ tìm thấy những chú trâu và nghé con khá to béo – một mặt hàng độc đáo ở khu chợ. Chưa hết, nếu may mắn, bạn còn được xem những người chơi chim khoe tài với nhau trong tiếng hót véo von của loài chim.

Chợ Lùng Khấu Nhin



Điểm đặc sắc của chợ Lùng Khấu Nhin không thuộc về chợ mà nằm ở cảnh quan dọc đường tới đây. Từ Sapa, bạn sẽ đi qua đèo Trạm Tôn, cung đường cao nhất Việt Nam với độ cao 1.900 m. Tùy thuộc vào thời tiết, bạn sẽ cảm thấy nghẹt thở khi ngắm nhìn phong cảnh từ độ cao này.

Trong chợ Lùng Khấu Nhin, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện với những tộc người ít được biết đến như Thái Trắng. Dù trang phục của cá dân tộc này không được sặc sỡ như người Dao Đen hay người Mèo, trò chuyện cùng họ trong chợ phiên nghĩa là bạn đã tiếp nhận sự hồn hậu, thân thiện của họ rồi.

Chợ Sín Chéng



Cách đây không lâu, chợ Sín Chéng vẫn còn biệt lập với khách bên ngoài – nhưng chính vì vị trí xa xôi mà du khách hiếm khi tới đây tham quan. Đường từ thị trấn Sapa tới đây, bạn sẽ băng qua những khung cảnh nguyên sơ vẫn chưa chịu sự tàn phá của con người.

Thêm vào đó, chợ là nơi tụ họp người Mèo Trắng, Mèo Hoa, Dao Trắng và người Giáy tạo nên sự kết hợp những trang phục dân tộc vô cùng đa dạng. Bạn sẽ cảm thấy háo hức khi quan sát từng tốp người dân tập tụ tập bàn tán, trò chuyện với nhau, tạo nên bầu không khí giao tiếp đang dần mất đi tại những thành phố hiện đại ở Việt Nam.

Chợ Mường Hum



Tọa lạc gần biên giới Trung Quốc, đây có lẽ là khu chợ xa xôi nhất nhưng có phong cảnh đẹp nhất ở Sapa. Các dân tộc thiểu số tới phiên chợ này gồm: người Hà Nhì, người Phù Lá, người Dao Đen, người Giáy, người Mèo Đỏ, người Mèo Đen. Vì cách Sapa khá xa, bạn sẽ hiếm gặp các du khách tại đây, giúp cho bầu không khí thêm phần yên tĩnh hơn rất nhiều.

Đi lên một chút nữa, bạn sẽ đến với hang động Mường Vi. Hệ thống hang đá vôi ở đây khá giống với khung cảnh tuyệt đẹp mà bạn có thể gặp ở Vịnh Hạ Long.

Những điều cần biết trước khi xuất phát


Chụp ảnh


Điều đầu tiên cần ghi nhớ chính là, dù các địa điểm này không cấm khách du lịch, luôn nhớ bạn được góp mặt ở đây là nhờ lòng hiếu khách, không phải nghĩa vụ của người dân, do vậy hãy tôn trọng họ.

Nếu bạn muốn chụp hình, hãy xin phép người dân trước khi bấm máy. Nếu đi cùng hướng dẫn viên, hãy yêu cầu họ giúp bạn làm điều này – bằng cách chỉ bạn nói tiếng dân tộc, hoặc giúp bạn phiên dịch. Trường hợp xấu nhất, bạn chỉ cần đưa máy ảnh tới gần cằm và biểu cảm mắt. Người dân tộc sẽ hiểu dấu hiệu này và sẽ bày tỏ thái độ chấp thuận hay khó chịu nếu bị chụp hình.

Trả giá


Nếu đặt chân đến khu chợ buôn bán hàng dệt may và hàng thủ công, bạn sẽ tìm thấy cả các mặt hàng dệt tay và dệt máy (đặc biệt ở Bắc Hà). Hàng dệt tay, từ se sợi đến nhuộm vải, có thể mất từ vài giờ đến vài tháng để làm. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra hàng dệt tay vì chúng mềm hơn và có những hoa văn lạ mắt ở trên mặt thêu. Một số hàng dệt của người H’Mông cũng có màu sắc trầm như xanh thẫm, đen và màu chàm, sẽ mất thời gian nhuộm lâu hơn. Đừng ngại trả giá, nhưng cũng đừng quá ki bo vài đồng lẻ với người dân ở đây.

Trang phục


Một số chợ như Bắc Hà có đường đi khá thuận tiện và khách du lịch có thể đi xe hơi tới đây. Tuy nhiên các chợ phiên khác sẽ tiêu hao của bạn không ít năng lượng và sức lực. Nếu đang nhắm tới những khu chợ xa xôi như Sín Chéng, Lùng Khấu Nhin, bạn nên chuẩn bị giày đi bộ và cả tâm lý thám hiểm.

Thời tiết Sapa khá thất thường, vừa nắng đó mà đã mưa ngay được. Chưa kể, nhiệt độ cũng lên xuống với biên độ lớn và có sự thay đổi về áp suất. Do vậy, bạn nên mang theo áo mưa vào áo khoác nhẹ để mặc khi leo núi.

Theo Ivivu

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Cẩm nang du lịch Sapa

Sapa hấp dẫn du khách cả 4 mùa trong năm. Bạn có thể chuẩn bị kế hoạch để lên đường khám phá thị trấn xinh đẹp này bất cứ lúc nào.
Xem thêm: Thương hiệu Sapa qua những món ngon

Sapa là thị trấn du lịch nổi tiếng của huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, nằm cách Hà Nội khoảng 330 km. Nơi đây từng là khu nghỉ dưỡng của người Pháp nên còn lưu lại lối kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu.


Sapa có khí trời mát mẻ, dễ chịu. Ảnh: Diệu Huyền

Thời tiết

Sapa có khí hậu cận nhiệt đới nhưng nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển nên không khí quanh năm mát mẻ. Thời điểm du lịch tốt nhất là từ tháng 9 đến tháng 11. Đây là lúc thời tiết Sa Pa ổn định và là lúc lúa chín vàng trên các ruộng bậc thang, tạo nên cảnh sắc đẹp mắt.

Phương tiện

Bạn có thể di chuyển bằng tàu hỏa hoặc ôtô qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Với tàu hỏa, bạn có thể chọn ghế ngồi cứng, mềm hay giường nằm lên thành phố Lào Cai với các mức giá dao động từ 145.000 đồng đến 630.000 đồng, sau đó thuê taxi, xe ôm hoặc xe buýt lên thị trấn. Giá xe buýt từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sa Pa là 28.000 đồng mỗi lượt.

Với du khách chọn ôtô trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mức phí phải trả cho xe dưới 12 chỗ là 300.000 đồng.

Đi lại tại Sapa bạn có thể thuê xe ôm hoặc xe máy. Giá thuê có bảng niêm yết rõ ràng trên các tuyến phố. Với xe máy, giá thuê dao động từ 70.000 đến 120.000 đồng tùy loại xe. Với xe ôm, giá thuê một chiều dao động trong khoảng 40.000-120.000 đồng tùy địa điểm.

Nhà nghỉ

Sapa có nhiều nhà nghỉ và khách sạn với các mức giá khác nhau. Giá tham khảo cho một đêm cho phòng đơn bình dân là 180.000 đồng và khách sạn là 500.000 đồng trở lên.

Ăn uống

Ẩm thực Sapa phong phú, hấp dẫn với nhiều món ngon như cá hồi, cá tầm, đồ nướng, rau cải mèo, su su, cá suối nướng, thịt lợn cắp nách quay, thắng cố... Các quán cà phê và bar cũng là địa điểm lý tưởng của nhiều du khách. Bạn có thể chọn những quán bar với phong cách hiện đại, trẻ trung hay các quán cà phê được trang trí theo hướng hoài cổ.

Điểm tham quan

Nhà thờ đá nằm ngay tại trung tâm thị trấn Sapa. Ảnh: Trịnh Hoàng Như

Nhà thờ đá được xây dựng từ năm 1895, nằm ngay trung tâm thị trấn. Đây là công trình kiến trúc đá cổ do người Pháp xây dựng và được bảo tồn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Khu du lịch núi Hàm Rồng nằm sát trung tâm thị trấn, là một trong những biểu tượng du lịch của Sa Pa. Với diện tích gần 150 ha, nơi đây được xây dựng như một khu vườn thượng uyển. Tới khu du lịch núi Hàm Rồng, du khách có thể tham quan vườn địa lan, vườn đào... hay leo lên độ cao 1.800 m để ngắm toàn cảnh thị trấn. Vé tham quan nơi này là 70.000 đồng một người.

Thác Bạc là thắng cảnh hút khách tại xã San Sả Hồ. Thác có độ cao 200 m, nằm ngay dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Cảnh tượng kỳ vì giữa thiên nhiên của ngọn thác này mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho nhiều du khách. Giá một vé tham quan thác Bạc của người lớn là 10.000 đồng và trẻ em là 5.000 đồng.

Thác Tình yêu là ngọn thác nổi tiếng với câu chuyện tình lãng mạn của nàng Tiên trời và chàng tiều phu trần thế. Không giống thác Bạc có thể nhìn thấy từ đường quốc lộ 4D, du khách muốn tham quan thác Tình yêu phải đi sâu vào rừng, băng qua con đường đất đỏ và khu rừng trúc xanh mát. Giá vé tham quan thác Tình yêu là 35.000 đồng/ người.

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên đường đi thác Bạc, cách Sa Pa 14 km. Đây là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam với 2/3 chiều dài nằm tại Tam Đường (Lai Châu) và 1/3 nằm tại Sa Pa (Lào Cai). Đèo Ô Quy Hồ có khí hậu phân ra hai nửa tại Cổng Trời trên đỉnh. Nếu phía Sa Pa trời mát mẻ thì phía Tam Đường trời nắng khô hanh và ngược lại.

Bản Cát Cát hay còn gọi thôn Cát là một bản người Mông nằm cách thị trấn 2 km. Đây là nơi còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống và chế tác đồ trang sức từ bạc, đồng. Một điểm nhấn du lịch ấn tượng khác của bản Cát Cát chính là những ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian lợp ván gỗ pơ mu. Giá vé tham quan bản Cát Cát là 40.000 đồng/ người.

Bản Tả Phìn là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nằm cách thị trấn 17 km. Đây là nơi sinh sống của người Dao đỏ với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ngoài chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây, du khách còn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn gần đó. Giá vé tham quan là 20.000 đồng cho người.

Đỉnh Fansipang là ngọn núi cao nhất Đông Dương, cách thị trấn Sa Pa 9 km. Với độ cao 3.143 m, Fansipan hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước trong việc chinh phục.

Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sapa 8 km. Nơi đây nổi tiếng với bãi đá cổ có khắc nhiều hình thù khác nhau nằm xen giữa những thửa ruộng bậc thang.

Du khách có thể mua các loại thuốc lá làm quà. Ảnh: Diệu Huyền

Quà mua về

Sapa có nhiều mặt hàng lưu niệm từ thổ cẩm như khăn, túi, ví... mà bạn có thể mua về làm quà. Ngoài ra bạn cũng có thể mua thêm các đặc sản địa phương như su su, rau cải mèo, rượu táo mèo, ruốc cá hồi...

Lưu ý

Đêm tại Sapa khá lạnh nên bạn cần mang thêm áo khoác mỏng. Nên mang theo giầy bệt hoặc giầy thể thao để thuận tiện cho việc tham quan các điểm.

Sa Pa có trung tâm thông tin du lịch được đặt tại phố Fansipang. Đây là nơi du khách có thể tìm hiểu cũng như nhờ tư vấn và tìm kiếm nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan... Tất cả các dịch vụ này đều miễn phí cho du khách. Trung tâm mở cửa từ 7h30 - 20h30 hàng ngày.

Diệu Huyền (VnExpress)

Kinh nghiệm đi lễ hội chùa Hương

Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới, lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
Hành trình đến với chùa Hương không chỉ là hành trình về đất Phật, mà còn là dịp để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên trù phú.
Xem thêm: Chùa Hương ngày khai hội

Lễ hội chùa Hương

1. Đường đi đến chùa Hương

Bạn có thể chọn đi ô tô, xe máy hoặc sinh viên có thể đi xe buýt. Có 2 con đường có thể đi từ Hà Nội.
Thứ nhất, theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương.

Hai là theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương. Tuy nhiên, đường này chỉ dành cho ô tô, nếu bạn đi xe máy thì nên chọn cách thứ nhất hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì.

Ngoài ra bạn cũng có thể chọn xe bus làm phương tiện di chuyển đến chùa Hương.

2. Nên đi Chùa Hương vào thời gian nào

Khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đỉnh cao là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng cùng những hoạt động sinh hoạt văn hóa của lễ hội.

3. Đi chùa Hương mất bao lâu

Để đi được hết các đền chùa ở đây, bạn phải mất tới 2 ngày mới có thể khám phá hết. Nếu đi trong ngày bạn nên thăm đền Trình, chùa Thiên Trù, và động Hương Tích. Đây là những ngôi chùa chính và linh thiêng nhất. Bạn có thể leo núi hoặc với hệ thống cáp treo hiện đại sẽ giúp bạn di chuyển nhanh chóng hơn.

4. Các điểm tham quan ở Chùa Hương

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:

- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.

- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.

- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.

- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.

5. Giá vé thắng cảnh Chùa Hương

Giá vé chung là 85.000đ/vé/lượt khách. Trong đó, giá vé thăm quan là: 50.000đ/vé/lượt (người); giá vé đò chất lượng cao là 40.000 đồng/vé/lượt; đò thường là 35.000đ/vé/lượt (áp dụng cho tuyến Hương Tích).

Đối với người lớn từ 60 tuổi trở lên thì mức giá vé thăm quan được ưu đãi giảm 50% chỉ còn 25.000đ/vé/lượt cho 1 hành khách (khi mua vé cần xuất trình CMND hoặc thẻ hội viên Hội người cao tuổi).

Trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé thăm quan, trẻ em trên 10 tuổi được giảm 50% (25.000đ/vé/lượt), trẻ em cao 1,2m trở lên mức phí thăm quan tính như người lớn.

Du khách có nhu cầu thăm quan thêm các tuyến khác như Long Vân, Tuyết Sơn thì chỉ phải chi trả thêm mức phí đò thuyền là 25.000đ/vé/lượt cho 01 khách.

Giá vé cáp treo chùa Hương áp dụng cho lễ hội năm 2015 cũng không thay đổi so với năm 2014. Cụ thể, giá vé cáp treo dành cho người lớn và trẻ em khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé; một chiều lần lượt là là 90.000đ/vé và 60.000đ/vé. Trong đó, trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.

6. Kinh nghiệm khi đi đò

Có rất nhiều cò đò bám theo mời chào bắt khách ở khu vực chùa thậm chí cách xa chùa 20km, bạn không nên đi theo cò đò vì giá vé sẽ bị chặt chém rất cao, hãy mua vé ở cổng hội, hoặc trực tiếp vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến.

Vào dịp lễ hội đông đúc, các nhà đò thường nhồi nhét thêm khách lên đò, để tránh bị tăng tiền, cũng như nhét thêm người, bạn nên thỏa thuận rõ ràng số tiền cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò.

Đặc biệt, bạn phải chú ý an toàn khi ngồi đò.

7. Ăn uống tại Chùa Hương

Dọc đường từ bến đò cho đến động Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng phục vụ với thực đơn khá hợp lý cho bạn lựa chọn, tuy nhiên hãy khảo giá trước để tránh bị chặt chém nếu vào mùa lễ hội và lựa chọn nhà hàng hợp lý nhất.

8. Chuẩn bị đồ lễ khi đi chùa Hương

Khi đi lễ chùa Hương, đồ cúng lễ nên gọn gàng và bạn nên chuẩn bị sẵn từ nhà mang đi để tiết kiệm thời gian và chi phí.

9. Những lưu ý khi mua sắm

Có rất nhiều đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng... nhưng không phải mặt hàng nào được bày bán cũng là hàng có chất lượng tốt, khi mua hãy hỏi giá cả cụ thể, kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng đặc biệt trong mùa lễ hội, bạn hãy hết sức chú ý khi quyết định mua hàng.

Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc vậy nên hãy cẩn trọng.

10. Kinh nghiệm khác khi du lịch chùa Hương

Đến du lịch chùa Hương, bạn sẽ sử dụng rất nhiều đồ ăn thức uống, hãy vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ.

Vào mùa lễ hội thường rất đông đúc nên bạn hãy bảo quản hàng lý tư trang cẩn thận, tránh bị kẻ gian thừa dịp cao điểm móc túi, đánh cắp đồ của bạn.

Trang phục đứng đắn, lịch sự, không nên có những cử chỉ khiếm nhã cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong chùa. Vì sẽ di chuyển nhiều nên bạn hãy chuẩn bị những đôi giày thể thao thay vì giầy cao gót để bảo vệ đôi chân của mình.

Sưu tầm

Bài đăng phổ biến