Hiển thị các bài đăng có nhãn Đà Lạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đà Lạt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Đà Lạt rực vàng mùa hoa dã quỳ tháng 10

Bên cạnh những loại hoa kiêu sa, màu vàng rực rỡ có phần hoang dại của dã quỳ đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho xứ sở hoa Đà Lạt.
 
Xem thêm: Đà Lạt lãng mạn mùa cuối năm

Dã quỳ là loài hoa dại, phổ biến ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc. Tuy nhiên, nói đến mùa dã quỳ người ta thường nhắc đến Đà Lạt, bởi chỉ ở đây mới có thể cảm nhận được một màu vàng trải dài khắp các con đường.


Hoa dã quỳ thuộc loài cúc, bông to và rực rỡ như hướng dương. Ảnh: dulichdalat.

Không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa, hoa dã quỳ nở còn là thời điểm du khách tìm về thành phố Đà Lạt, để được hòa mình với khung cảnh mộng mơ và hơn cả là để đắm chìm trong màu vàng hoang dại của dã quỳ. Dã quỳ tuy không lớn như hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi bung nở đã tạo nên một thảm vàng rực rỡ. Sắc vàng ấy như sưởi ấm cao nguyên lạnh giá cùng ánh mặt trời và mê hoặc bất kỳ ai lạc bước ngang qua.

Hoa dã quỳ đẹp nhất vào buổi sáng, khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa. Bạn có thể bắt gặp sắc vàng ươm nắng của dã quỳ ở bất cứ nơi đâu, từ trong lòng thành phố bên những căn biệt thự nhỏ xinh, đến những con đường tỏa đi muôn hướng.

Thường để đắm mình trong màu vàng quyến rũ của dã quỳ, bạn nên chọn xe máy làm bạn đồng hành, để có thể len lỏi khắp các con đường, sườn đồi hay ngõ nhỏ nơi dã quỳ đua sắc khoe hương. Ngoại ô thành phố là nơi hoa dã quỳ mọc nhiều nhất. Tuy không phải là loại hoa trồng được con người chăm sóc nhưng hoa ở đây mọc thành bụi lớn.


Hoa dã quỳ rực nở trên triền đồi như thảm vàng ngút mắt. Ảnh: dulichdalat.

Đoạn từ D’ran lên Đà Lạt là cung đường đẹp bậc nhất cao nguyên Lang Bian, không chỉ bởi rừng thông và đường đèo uốn lượn, mà còn bởi màu hoa dã quỳ đã nhuộm vàng dọc hai bên đường. Nếu đi vào sáng sớm, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào cõi tiên với những tầng mây la đà, dưới đất ẩn hiện màu vàng hoang hoải xen lẫn trong làn sương mờ ảo.

Đoạn từ Liên Khương về Đà Lạt cũng là cung đường ngắm dã quỳ thích mắt. So với đường từ D’ran, cung đường này dễ đi vì trải nhựa suốt tuyến và vẻ đẹp lôi cuốn của bạt ngàn dã quỳ. Hoa mọc ven đường trải dài uốn lượn như dải lụa vàng dẫn lối đưa du khách về với thành phố cao nguyên.

Càng đi, hoa càng nhiều thêm, rực rỡ một màu vàng ngút mắt, lấn át dần màu lá xanh, khiến những vòng bánh xe như vội vàng, cuống quít đuổi theo những triền hoa vàng miên man, về tận đến thành phố lúc nào không hay.


Những con đường hoa dã quỳ đã góp phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ. Ảnh: dulichvietnam

Tuy trong trung tâm thành phố không nhiều dã quỳ như ở ngoại ô, nhưng ngay trong Thung lũng tình yêu bạn cũng có thể tìm thấy màu vàng mê dại ấy. Giữa muôn sắc hoa lung linh sặc sỡ người ta vẫn dễ dàng nhận ra màu vàng không thể trộn lẫn của những cánh dã quỳ. Bên cạnh đó, những vườn hoa dã quỳ vàng rực tại sân ga Đà Lạt cũng khiến không ít du khách ngẩn ngơ. Bởi chẳng thế mà nơi đây trở thành nơi ghi lại những khung hình hạnh phúc của các cặp uyên ương.

Hoa nở khắp nẻo đường, vàng rực trên đồi xa, từng ngõ nhỏ của phố núi, len lỏi qua những con ngõ nhỏ, e ấp bên bờ rào… Dã quỳ vô tình tạo cho cao nguyên Đà Lạt trở nên đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết.
 
(Theo PhunuNews)

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Trải nghiệm các cung đường đèo đẹp vào Đà Lạt

Để tiến vào trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp ngay từ những con đường cửa ngõ qua đèo Chuối, đèo Prenn, hay đèo Ngoạn Mục.
Xem thêm: Đà Lạt lãng mạn mùa cuối năm

Tháng 9 là lúc những cơn mưa mùa hạ bắt đầu thưa dần, để lại những mảng màu đặc trưng của mùa thu trong không khí se lạnh. Cảm giác dễ chịu, khiến ai nấy đều khoan khoái và hào hứng ghé thăm Đà Lạt, dù không phải lần đầu đến.

Đèo Chuối, nối liền Đồng Nai với Lâm Đồng

Sáng sớm, mây mù giăng kín trên mọi nẻo đường ở đèo Chuối, khiến khung cảnh thật huyền ảo. Ảnh: Xuân Lộc.

Nằm cách TP HCM hơn 150 km, thuộc thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, đèo Chuối là con đèo đầu tiên của cao nguyên Lâm Viên, nối Đồng Nai và Lâm Đồng. Cũng nhiều khúc cua tay áo nhưng đèo Chuối lại ít nguy hiểm và không quá dài.

Cái tên “đèo Chuối” gắn liền với vùng đất ngày xưa trồng nhiều chuối hay ví von “đèo Chúi” vì có những đoạn dốc cao khiến người đi chúi xuống khá nhiều. Cung đèo để lại khá nhiều ấn tượng đối với các tay phượt khi bước vào cửa ngõ của vùng đất cao nguyên xanh mát.

Nếu bạn chạy xe máy sẽ cảm nhận rõ rệt không khí mát lạnh ùa vào mặt và xua tan mệt mỏi. Bạn sẽ được ngắm những mảng màu xanh tươi của núi rừng trên những khúc cua gấp, đoạn đèo dốc,…

Đèo Prenn, chiêm ngưỡng rừng thông và những dòng thác dữ

Đèo Prenn được đặt tên theo tiếng Chăm có nghĩa là “xâm chiếm”, có chiều dài 11 km và nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10 km.

Đèo uốn lượn qua những ngọn núi cao, xuyên qua các rừng thông bạt ngàn, để lại những khúc cua nguy hiểm. Càng tiến sâu vào thành phố, du khách càng cảm nhận rõ rệt tiết trời mát mẻ của thành phố tình yêu, nơi quyến rũ du khách dừng chân trải nghiệm chinh phục các dòng thác dữ Prenn, Datanla.

Đèo Bảo Lộc, nơi đất trời hòa quyện

Những khúc cua nguy hiểm luôn khiến du khách đi dè chừng. Ảnh: Xuân Lộc.

Đèo Bảo Lộc dài 10 km với khoảng 107 khúc cua gấp và có độ dốc cao, là cung đường lý tưởng thách thức các tín đồ yêu thích khám phá và chinh phục. Con đường đèo chạy qua những dãy núi hùng vĩ, các vách đá cao nhô ra sát lề đường, phía dưới là vực thẳm hàng trăm mét và đi xuyên qua các cánh rừng xanh um.

Trên đường, bạn sẽ bắt gặp những dòng thác nhỏ đổ từ vách đá cao xuống, đôi lúc nước bắn tung tóe lên người khách. Những bụi hoa dại ven đường thi nhau khoe sắc, thấp thoáng đồi thông, đồi chè mênh mông phía dưới đoạn đèo, khiến cho khung cảnh nơi đây vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Đèo Mimosa, nơi gắn liền với một loài hoa

Còn có tên là đèo Prenn 2, nằm song song với đèo Prenn, Mimosa là con đèo mang tên của một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt. Với chiều dài khoảng 10 km dẫn vào trung tâm thành phố, đèo uốn lượn hiền hòa qua những rừng thông vun vút từ đoạn thác Prenn để rồi nói lời “xin chào” và dành tặng du khách hàng hoa mimosa rực rỡ sắc vàng.

So với đèo Prenn, Mimosa thiếu vắng những khúc cua nguy hiểm, nhưng không hề kém phần thú vị. Nơi đây hấp dẫn du khách bằng chính sự hiền hòa của các thung lũng thấp thoáng trong sương trắng và những hàng hoa mimosa bung nở hai bên đường.

Đèo Ngoạn Mục, cung đường hiểm trở bậc nhất ở phía nam

Với chiều dài khoảng 18.5 km, uốn lượn qua núi non trập trùng và rừng thông tạo thành những khúc cua như “con rắn khổng lồ”, đèo Ngoạn Mục luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Ảnh: Wiki.

Đúng như tên gọi của nó, đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha, nối Đà Lạt với Ninh Thuận, khiến biết bao du khách ấn tượng với phong cảnh núi non trùng điệp.

Mang trong mình hai kiểu khí hậu “mát mẻ” của Đà Lạt và “khô nóng” của Ninh Thuận, vì thế, nếu bạn để ý trên đường đi sẽ cảm nhận được cả hai tiết trời. Cảnh quan xung quanh cũng thay đổi từ ở dưới địa phận Ninh Thuận lên đến đất Lâm Đồng.

Địa thế hiểm trở, những khúc cua ngoằn ngoèo, độ dốc cao chênh vênh, các thác nước, con suối chảy róc rách dưới chân đồi vọng lại từ xa, khiến du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Xuân Lộc

Những món ngon Đà Lạt níu chân du khách

Bánh tráng nướng, mì Quảng hay nem nướng... sẽ khiến những ngày ở Đà Lạt thêm kỷ niệm.

Xem thêm: Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Bánh tráng nướng


Món bánh tráng nướng cơ bản nhất có hai thành phần chính là bánh tráng và trứng gà, được điểm xuyết thêm ít hành lá và tép khô. Ngày nay có rất nhiều loại bánh tráng, đa dạng về nhân cho bạn lựa chọn như trứng cút, xúc xích, khô bò, phô-mai.. Bánh nướng trên than hồng, sau khi nướng chín và giòn đều, bạn có thể gấp lại làm đôi, hoặc để nguyên chiếc. Bánh tráng nướng được dân xê dịch truyền tai nhau nên thử ở chợ Đà Lạt, hoặc đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Hoàng Diệu- Trần Nhật Duật... với giá 10.000-15.000 đồng một cái.

Nem nướng


Nem Đà Lạt ăn cùng bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế... và chấm nước tương được pha chế riêng. Nước chấm ở đây nấu từ xương heo được ninh kỹ lọc lấy nước cốt, cùng tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị, nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng rang, tạo vị ngọt và béo. Ở Đà Lạt nổi tiếng nhất là quán nem Bà Hùng trên đường Phan Đình Phùng và chợ Chi Lăng. Một phần nem nướng cho một người ăn khoảng 30.000 đồng.

Bánh bèo


Bánh bèo Đà Lạt hơi giống với bánh bèo miền Trung, có chút khác biệt trong hương vị. Bánh bèo chén Đà Lạt được làm từ bột gạo tẻ pha chút bột lọc chứ không phải làm hoàn toàn từ bột gạo tẻ như nhiều nơi khác. Chính vì vậy mà bánh bèo chén ở đây hơi trong, dai, không quá dính và khi ăn thì không quá mềm cũng không quá cứng. Nước sốt làm từ tôm, thịt băm nhỏ, thêm một ít da lợn chiên giòn và chén nước nắm chua ngọt bên cạnh. Bạn có thể ghé quán bánh bèo trên đường Phan Đình Phùng để thưởng thức với giá 25.000 đồng một phần.

Bánh canh


Bánh canh được bán ở nhiều đường phố Đà Lạt nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh Xuân An trên đường Nhà Chung. Trong cái không khí se lạnh của Đà Lạt, tô bánh canh bốc khói nghi ngút chưa ăn đã thấy ấm lòng. Thêm chút hành ngò xắt nhỏ trộn với củ hành tươi xắt mỏng cùng với tiêu xay và những miếng ớt đỏ càng làm tăng thêm hương vị nồng nàn, đậm đà hấp dẫn. Giá một tô là 25.000-35.000 đồng.

Cháo gà


Thời tiết se lạnh của Đà Lạt khiến món cháo gà, miến gà rất đắt hàng. Sau khi lang thang ngắm thành phố buổi đêm, dừng chân quán nhỏ, thưởng thức tô cháo gà nấu loãng, bỏ nhiều hành và tiêu để thêm ấm bụng. Các quán ngon nên ghé ở đường Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Huyền Trân Công Chúa... với giá 25.000-30.00 đồng một tô, gỏi gà từ 40.000 đồng một đĩa.

Mì Quảng


Mì Quảng ở Đà Lạt mang hương vị đậm đà, nước dùng có bỏ thêm củ sắn (củ đậu) nên khá ngọt, sợi mì vàng óng, miếng thịt sườn non hay cốt lết thấm màu hạt điều hấp dẫn, bên trên rắc thêm đậu phộng, vài miếng bánh tráng mè nướng giòn. Muốn ăn thập cẩm thì có thêm trứng cút, tôm tươi hay miếng giò nạc. Mỳ Quảng được bán như một món ăn sáng tại rất nhiều đường phố ở Đà Lạt, nổi tiếng trên đường Hoàng Văn Thụ, Nhà Chung... với giá 20.000-30.000 đồng một tô.

Trái cây kem


Dù buổi tối Đà Lạt lạnh run, ai đến Đà Lạt cũng muốn thử món trái cây kem lạnh buốt này. Đơn giản chỉ là dĩa kem, trái cây như dưa hấu, thanh long, bơ, mít... thêm chút nước cốt dừa. Đặc biệt nếu đến Đà Lạt vào mùa bơ, món kem bơ luôn được du khách gọi nhiều nhất. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi có hai quán trái cây kem luôn đông khách, với giá từ 10.000-20.000 đồng một dĩa tùy loại.

Sữa chua phô-mai


Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ “truy tìm” khi đến Đà Lạt, được làm như sữa chua thông thường nhưng khéo léo cho thêm phô-mai trong nguyên liệu. Sữa chua phô-mai có vị béo, dẻo, chua chua, được bán ở một gia đình rất nổi tiếng ở đường Khe Sanh, với giá 7.000 đồng một hũ.

Má Lúm

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Ngồi sưởi ấm bên lò đúc chờ bánh căn chín, tìm đến ấp Ánh Sáng để thưởng thức tô bún bò giò... sẽ khiến bạn thật sự hòa nhịp vào một ngày mới cùng người dân thành phố sương mù.



Ở một nơi có khí hậu giá lạnh như Đà Lạt, những chiếc bánh căn vàng ươm nóng hổi luôn được nhiều người lựa chọn cho bữa điểm tâm. Món ăn không dùng dầu mỡ mà được đúc chín trên khuôn đất nung tạo ra mùi thơm của bánh với chút cháy cạnh.


Bạn có thể ăn kèm bánh căn với mắm nêm hoặc nước mắm mỡ hành. Sự kết hợp này khiến cho miếng bánh càng thêm đậm đà. Trong cái lạnh buổi sớm, người dân Đà Lạt thường ngồi quây quần bên lò đúc để vừa sưởi ấm, vừa chờ bánh chín để thưởng thức bữa ăn sáng. Những câu chuyện ngày mới vì thế cũng rôm rả hơn.


Trên con phố nhỏ của ấp Ánh Sáng, người dân lại yêu thích ăn bún bò giò để khởi đầu ngày mới thật “ấm bụng”. Tô bún đúng khẩu vị Đà Lạt thường không quá nồng mùi nước hầm sả bò mà chỉ cần có vị ngọt thanh, mùi thơm thoang thoảng để khi ăn sẽ hài hòa với phần giò heo.


Tùy theo khẩu vị mà có thể thêm chanh hoặc nước mắm ngâm ớt, gắp thêm một chút rau sống thái vụn để tô bún tăng thêm hương vị.


Ít cầu kỳ hơn so với những món ăn nóng hổi khác ở Đà Lạt, bánh mì xíu mại là một bữa sáng nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn. Một phần đầy đủ của bữa sáng này chỉ bao gồm bát nước xíu mại thơm lừng và ổ bánh mì giòn rụm để ăn kết hợp. Cái lạnh của xứ sở sương mù càng khiến món ăn trở nên ngon miệng.


Hầu hết người dân ở thành phố này đều thích ăn mọi thứ thật nóng hổi. Do vậy chủ quán đặt một lò than ấm để mọi người có thể nướng lại bánh mì nóng giòn hơn.


Một buổi sáng nhẹ nhàng sẽ chầm chậm kết thúc cùng với giọt cà phê tí tách. Trong quán cà phê bình dân nhỏ bé, mọi người thường nói với nhau những câu chuyện chung hoặc chơi vài ván cờ để tạm quên đi cái lạnh ngoài trời.


Bên ly cà phê cao nguyên ấm áp, bạn có thể hòa mình vào câu chuyện cùng mọi người, hoặc đắm chìm trong bản nhạc xưa để cảm nhận trọn vẹn một buổi sáng thư thả ở thành phố này.

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Việt Nam đẹp dung dị trong ảnh nghệ thuật

Chùm ảnh này đang được trưng bày ở triển lãm ảnh 'Vì cộng đồng' tổ chức tại khách sạn Hilton Hà Nội.



Triển lãm diễn ra trong ngày 30/3, trưng bày và bán đấu giá 12 bức ảnh nghệ thuật về đất nước - con người Việt Nam nhằm ủng hộ quỹ học bổng vì trẻ em Việt. "Chiều vàng Tú Lệ" của tác giả Nguyễn Trung Quân là một trong những tác phẩm đó. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mùa vàng của ruộng bậc thang Tây Bắc khiến nhiều người mê đắm.


Hà Nội những ngày mưa như khoác lên mình một tấm áo trầm lắng và huyền bí hơn. Mưa "thổi" vào những con đường, góc phố hương vị tươi mới. Mưa như người nghệ sỹ vẽ lên những bức tranh sống động và lung linh màu sắc hơn. Và mưa cũng viết nên câu chuyện về Hà Nội một sớm bình yên, có người phụ nữ tần tảo mang hoa về làm đẹp cho phố. Ảnh: Cao Anh Tuấn.


Bức ảnh "Mẹ về chợ" ghi lại hình ảnh người mẹ gánh hàng hải sản tới chợ sớm ở vùng biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Cao Anh Tuấn.


Làng gốm Bàu Trúc có lẽ là làng nghề cổ truyền đặc biệt nhất nước Nam. Tại đây, những người phụ nữ Chăm Pa đóng vai trò là “thợ cả”, đàn ông chỉ phụ trợ trong việc làm gốm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình.


Những đứa trẻ dân tộc Raglai đón một mùa hè thật khác so với các bạn miền xuôi cùng trang lứa. Công việc hàng ngày của các em là chăn trâu để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.



Tết Trung thu với trẻ em vùng cao (Y Tý, Lào Cai) vẫn là một điều lạ lẫm. Và để những đứa trẻ miền biên ải đón cái tết thiếu nhi trọn vẹn thì còn khó khăn gấp bội phần. Ảnh: Lê Việt Khánh.


Khi hoa lê trắng muốt nở bung và vạn vật đất trời như giao hòa làm một, bà con dân tộc Thái tại Yên Châu, Sơn La bắt đầu một vụ mùa mới - vụ chiêm xuân. Bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến các thửa ruộng tuyệt đẹp nối tiếp nhau như nấc thang dẫn lên thiên đường. Từng đám mạ xanh non đang chuẩn bị gieo xuống mảnh đất màu mỡ, hít no khí trời để vươn lên, trổ ra những bông lúa trĩu hạt. Gieo mạ non không chỉ là gieo xuống sự sống mà còn gieo cả niềm hy vọng cho một vụ mùa bội thu. Ảnh: Lê Hồng Hà.


Những ánh nắng ban mai vẽ nên những vệt dài lao xao trên bờ cát, người và biển cùng hát: rạo rực, xôn xao ở Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Phú Đức.


“Ánh mắt Mường Phăng” đầy ám ảnh trên thung lũng Mường Phăng – cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ảnh:Nguyễn Trung Quân.



Bãi rêu Nha Trang đẹp nhất vào mùa xuân, khi loài cây thủy sinh này phát triển mạnh và phủ kín những gồ đá, trông xa giống như những viên ngọc bích khổng lồ nằm lười biếng đợi người mài giũa. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.


Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 150 km, Bắc Sơn là một điểm đến xinh đẹp và yên bình. Du khách chắc chắn sẽ bị hớp hồn bởi những thửa ruộng trải dài khắp thung lũng như một tấm thảm khổng lồ rực rỡ sắc màu của tự nhiên. Từng thửa ruộng đan xen giữa màu của nước, của lúa và của những tia nắng trải dài trong thung lũng tạo nên một "bức tranh thổ cẩm" đẹp đến mê hồn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.



Bình minh trên đỉnh Du Sinh đã gấp gọn màn đêm u tối. Cả thành phố Đà Lạt bồng bềnh trong sương khói trông thật mê hồn. Ảnh: Nguyễn Tô Minh.


Hà Đan

Bài đăng phổ biến