Hiển thị các bài đăng có nhãn Đường Lâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đường Lâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Kẹo dồi và thịt quay đòn nức tiếng Đường Lâm

Thịt quay đòn với phần bì giòn tan, thơm nức húng lìu quyện cùng mùi lá ổi hay kẹo dồi nhân lạc bùi ngậy là những đặc sản mang đậm hồn quê của người dân làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.

Bước qua cánh cổng đã nhuốm màu thời gian, ngắm nếp nhà cổ với mái ngói, tường đá ong ở làng cổ Đường Lâm, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn nức tiếng của một vùng quê thuần nông.
 

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến.

Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.


Thưởng thức kẹo dồi cùng với chén trà, bạn sẽ cảm nhận được cái hồn quê xứ Đoài. Ảnh: laoxao

Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ.

Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Đường Lâm còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ.

Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng. Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng.

Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.

Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Ảnh: datmon
 
Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

24h trải nghiệm vẻ bình yên của Đường Lâm

Đạp xe chầm chậm qua từng ngõ nhỏ hay dừng chân dưới gốc đa xum xuê ở làng cổ Đường Lâm sẽ giúp bạn tìm lại sự bình tâm sau một tuần học tập, làm việc căng thẳng.
Đường Lâm là một xã thuộc Sơn Tây, Hà Nội gồm 9 làng, trong đó Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm liền kề nhau. Từ lâu, điểm đến này được nhiều du khách yêu thích vì sự cổ kính và thanh bình. Bạn có thể dành một ngày cuối tuần để dạo chơi.

7h: Xuất phát

Từ Hà Nội bạn xuất phát theo đại lộ Thăng Long hoặc đường 32 đi Nhổn để tới Đường Lâm với chiều dài quãng đường khoảng 44 km.

8h: Thăm làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng

Trên hành trình, bạn có thể dành thời gian ghé qua làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng nằm tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ, sản phẩm làm ra có mặt trong nhiều ngôi chùa, đình làng Bắc Bộ cũng như một số nước trên thế giới.

Bạn nên tới các cơ sở chế tác để quan sát quy trình tạo ra một bức tượng. Nếu có ý định mua quà lưu niệm, bạn nên lùi lại tới khi ngược về để không phải mang nặng. Sau khoảng nửa tiếng bạn tiếp tục hành trình đến Đường Lâm.

9h15: Dừng chân tại cổng làng

Công trình này xây dựng từ đời vua Lê Thần Tông theo kiến trúc "Thượng gia hạ môn" có nghĩa trên là nhà, dưới cổng.

Cổng làng Mông Phụ xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế. Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh. Trước kia, đây là nơi trú cho người đi tuần hay vài nông dân gánh lúa nghỉ ngơi. Khi dừng lại, bạn có thể thấy rõ không gian lao động và sinh sống tách biệt ở đầu làng.
Từ đây, bạn tiếp tục tiến sâu vào làng cổ. Vé tham quan là 20.000 đồng, gửi xe khoảng 5.000 đồng.

9h30: Tham quan đình làng Mông Phụ

Đây là di tích cấp quốc gia, xây dựng năm 1684 tại vị trí trung tâm và cao nhất làng. Đình xây theo kiểu chữ Công gồm Nghi môn (cổng chính), sân đình, Tả Mạc (nhà bên trái), Hữu mạc (nhà bên phải), và Đại đình (tòa chính). Hai bên hông có hai giếng cổ, được coi như mắt rồng. Nhiều bức hoành phi, câu đối được treo bên trong.

Sau khi tham quan xong, bạn có thể tới quán đối diện để nhấp thử chén nước chè, nhâm nhi cùng vài miếng chè lam, kẹo lạc - đặc sản của làng.

10h: Đạp xe khám phá

Nếu không thích đi bộ, bạn có thể thuê một chiếc xe đạp để khám phá với mức giá 40.000 đồng một ngày. Ảnh: Cao Anh Tuấn.

Hiện nay, Đường Lâm có hơn 900 nhà truyền thống, tập trung chủ yếu ở Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Tất cả đều được xây bằng đá ong, tre, gỗ, xoan, nứa... Nhà nào khá giá hơn thì dùng gỗ quý như đinh, lim, sến, táu.

Kiến trúc các công trình này là nội tự, ngoại khách tức sân nhà thấp hơn mặt đường, Vì lẽ đó, khi trời mưa, nước từ ngoài dồn vào sân rồi mới chảy thoát ra đường cổng.

11h: Chùa Mía

Chùa Mía hay Sùng Nghiêm Tự được xây dựng trên một khu đất cao ở thôn Đông Sàng. Đây là nơi lưu giữ hàng trăm pho tượng Phật làm từ đồng, gỗ, đất sét cùng nhiều di vật quý.

Vào những ngày thường, chùa trở nên tĩnh mịch. Không gian phảng phất khói hương khiến lòng người như trầm lắng lại, nhẹ nhàng và bình an hơn.

11h30: Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh xây dựng từ thời vua Tự Đức. Công trình này có diện tích khoảng 400 m2, dựng theo hình chữ Nhị. Tòa nhà quay hướng đông với kiến trúc cùng họa tiết trang trí đặc trưng. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ một số di vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng.

12h: Ăn trưa

Đây là thời gian để bạn thưởng thức các món đặc sản dân dã của làng cổ như gà mía, thịt kho tàu, canh cua rau đay, cà pháo muối, rau muống luộc chấm tương...

14h: Học cách làm chè lam, kẹo lạc

Đường Lâm nổi tiếng với chè lam, kẹo lạc và tương. Sau thời gian thăm thú, tìm hiểu dấu ấn lịch sử, bạn có thể tới một số hộ gia đình để học làm đặc sản trên. Giá vé một lần là 50.000 đồng. Ở đây, bạn được hướng dẫn cách làm ra một thanh kẹo, gói chè đúng điệu. Nhiều du khách tỏ ra thích thú vì được hòa mình với cuộc sống của người dân địa phương.

16h30: Đạp xe ra ngoài làng ngắm cảnh


Hình ảnh quen thuộc trong ngày mùa ở làng cổ. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh.

Trời chiều mát mẻ, thích hợp cho việc đạp xe ngắm cảnh. Đường Lâm đang vào mùa gặt nên mùi lúa chín bao trùm khắp nơi. Bạn có thể quan sát từng chiếc xe cải tiến chở thành quả lao động để sau đó một vài nhánh lúa rớt lại.

Khi mệt, bạn hãy chọn một góc dưới tán cây xanh để dừng chân. Hít đầy một lồng ngực mùi lúa thơm, nhắm mắt cảm nhận yên bình, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên.

18h: Lên xe trở về Hà Nội nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tuần làm việc mới


Diệu Huyền

Bài đăng phổ biến