Hiển thị các bài đăng có nhãn Cần Thơ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cần Thơ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Những điều thú vị về chợ nổi Cái Răng vừa được chứng nhận di sản văn hóa

Tên Cái Răng vốn xuất phát từ ngôn ngữ Khmer có nghĩa là cà ràng (bếp bằng đất nung).

Xem thêm: Một ngày về xứ Tây Đô vi vu sóng nước
Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch trao cho Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) sáng 9/7. Sau gần 100 năm hoạt động, khu chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ được tôn vinh trong ngày hội du lịch được tổ chức trên chính khu Chợ nổi Cái Răng. Chứng nhận khẳng định giá trị của chợ và nhắc nhở ý thức giữ gìn, bảo vệ một nét văn hóa đặc trưng miền Tây sông nước.

Chợ nổi nhộn nhịp quanh năm. Ảnh: Mr. True

Theo các nghiên cứu văn hóa Nam bộ, tên Cái Răng vốn xuất phát từ ngôn ngữ Khmer có nghĩa là cà ràng (bếp bằng đất nung) do từ đầu thế kỷ 20, ven con sông này có nhiều hộ người Khmer sản xuất cà ràng. Khoảng những năm 1915, khi các con kênh ở miền Tây được người Pháp cho đào, việc thông thương bằng xuồng bè bắt đầu xuất hiện, khu vực này trở nên nhộn nhịp.

Cùng với chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp ở Hậu Giang, chợ nổi Cái Răng dần được hình thành với hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập. Ghe hàng của người Việt bán rau củ quả, còn ghe buồm của người Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung), người Hoa thì bán tạp hóa.

Khi mới hình thành, Chợ nổi Cái Răng nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu cùng với ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá tề tụ khiến chợ nhộn nhịp quanh năm.

Đến thập niên 90 của thế kỷ 20, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời từ vị trí ban đầu qua khỏi cầu Cái Răng hướng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1 km. Hiện chợ nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, từ Sài Gòn về, chỉ cần qua khỏi cầu Cái răng vài trăm mét là đến. 

Khách nước ngoài thích thú khi được ăn điểm tâm trên ghe. Ảnh: Mr. True

Không còn nhiều ghe bán cà ràng của những người Khmer, hiện người kinh doanh trên Chợ nổi Cái Răng chủ yếu là người Việt, cứ mùa nào thức ấy, hoa củ quả trên chợ nổi có đủ quanh năm, người bán chuyên chở đầy ghe thuyền, cắm cây sào thật cao, treo đầy củ quả đang bán để khách hàng nhìn thấy, bán hết hàng thì rời bến để tiếp tục đi lấy hàng từ các tỉnh.

Sung túc phong phú nhưng không bán cả ngày, chợ họp từ mờ sáng và nhộn nhịp nhất tầm 7h sáng, đến khoảng 9h thì tan. Khách vì thế nếu muốn tham quan phải dậy từ sớm. Chỉ cần đến bến sẽ có thuyền dịch vụ chở đi tham quan mà không cần phải ăn sáng trên bờ bởi không chỉ mua bán hoa củ quả, ghe thuyền trên sông còn phục vụ ăn uống với các món phở, hủ tiếu, cà phê.

Tạo sự hấp dẫn bởi mô hình giao thương trên sông nước, Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến thăm Cần Thơ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, chợ Nổi đã đón đến vài trăm nghìn lượt người đến tham quan.
(Theo NgoiSao)

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Mỗi vùng đất đi qua đều mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị về nền văn hóa, ẩm thực. Nếu đến Cần Thơ, bạn đừng quên thưởng thức món nem nướng Cái Răng, bánh tét lá cẩm hay chuối nếp nướng từ lâu đã nức tiếng.

1. Bánh tét lá cẩm

Một món ăn nhất định bạn phải thử khi đến xứ gạo trắng nước trong là bánh tét lá cẩm, một món ăn mang hương vị đặc trưng mà không vùng nào có được. Bánh tét có màu sắc tuyệt đẹp, được làm bằng cách đun sôi nước lá cẩm rồi lấy nước đun cùng gạo nếp dẻo với nước cốt dừa. Nhân bánh tét được làm bằng thịt, trứng vịt muối.


Bánh tét lá cẩm với màu sắc bắt mắt và hương vị khác lạ

Muốn bánh có màu đẹp phải chọn những lá cẩm tươi, không được lẫn lá héo. Thịt lợn tươi được tẩm ướp vừa vặn cho ngấm rồi xào qua cùng nước cốt dừa trước khi gói bánh rồi đem luộc trong vòng 5 tiếng.

Xắt một miếng bánh đưa lên miệng, cảm nhận vị ngọt của thịt, của trứng muối mằn mặn cứ lan tỏa nơi đầu lưỡi.

2. Nem nướng Cái Răng

Nói đến nem nướng, ở nhiều vùng đất đều có nhưng ở mỗi nơi bạn lại cảm nhận những hương vị và cách chế biến khác nhau. Không như những loại nem đặc sản nổi tiếng khác, nem nướng chở nổi Cái Răng lại có hình dạng dài, hình đốt chuyên dùng để cuốn bánh tráng và các loại rau thơm đi kèm.

Nguyên liệu để làm nem chủ yếu từ thịt lợn được quết nhuyễn rồi vo tròn lại thành từng viên nhỏ. Người chế biến xâu từng viên nem tròn trĩnh qua một chiếc thanh tre chuốt nhỏ đầu, rồi khéo léo nướng trên bếp than hồng làm sao cho thịt chín ở bên trong, mà bên ngoài không bị cháy xém hay quá khô, thơm nức và mướt mỡ.


Nem nướng Cái Răng


Đĩa nem được dọn ra gồm những xiên thịt chín mềm, thơm nức vùng đĩa rau sống xanh mướt, khế chua, chuối chát, đĩa bánh hỏi trắng và bát nước chấm.

Khi ăn, thực khách chỉ cần tuốt nhẹ những viên nem, cuốn cùng chút rau sống khế, chuối, bánh hỏi vào trong lớp bánh tráng mỏng, chấm ngập trong thứ nước tương ngọt thơm, thêm chút đậu phộng và ớt bằm nhỏ, cả nhận vị ngon ngọt cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Chuối nếp nướng

Đây là món ăn đã được nhiều tạp chí trên thế giới vinh danh. Trái chuối nhỏ xinh, không quá mập mạp được bóc vỏ. Gạo nếp ngâm qua đêm cho nở, mềm gạo rồi đãi sạch, trộn thêm chút muối rồi cho vào nồi hấp chín, thỉnh thoảng đổ thêm chút nước dừa cho ngọt, thơm.


Chuối nếp nướng, món ăn dân dã


Gạo nếp được tán nhuyễn rồi bọc chuối vào, cho lên bếp nướng cho đến khi chuyển sang màu vàng. Chuối nếp nướng ngon là những trái bên ngoài ăn giòn nhưng bên trong vẫn mềm, trái chuối không bị nhũn.

Song An (theo DanTri)

Bài đăng phổ biến