Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Cẩm nang du lịch 'vương quốc dừa sáp' Trà Vinh

Ngoài những miệt vườn sông nước sum xuê cây trái, cồn nổi ven biển... Trà Vinh còn nổi bật nhờ bản sắc văn hóa phong phú, kết hợp từ 3 dân tộc Kinh, Khơ Me và Hoa.
Xem thêm: 6 chợ nổi độc đáo ở miền Tây

Trà Vinh nằm trong khu vực các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Với địa hình thuận lợi trên, du khách không chỉ tới Trà Vinh mà còn có thể kết hợp chuyến đi đến các vùng khác.

Thời gian du lịch

Thời điểm du lịch đẹp nhất là từ tháng giêng đến tháng 5 âm lịch, tháng 10 âm lịch (lễ hội Ok Om Bok).

Phương thức di chuyển

Trà Vinh cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 145km, nên du khách có thể di chuyển dễ dàng bằng xe khách. Các hãng xe như Tấn Cường, Thanh Thủy, Kim Hoàng, Định An… chạy tuyến đường Hồ Chí Minh - Trà Vinh có giá từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Địa điểm lưu trú

Nhà nghỉ, khách sạn tại Trà Vinh không có nhiều nơi quy mô hoành tráng, tuy nhiên phòng ốc sạch sẽ, an toàn, giá cả phải chăng. Giá cho một đêm dao động từ 240.000 đến 580.000 đồng.

Một số khách sạn đáng tin cậy để du khách lựa chọn như: Cửu Long, Thanh Trà, Gia Hòa 1, Lưu Luyến, Hoàng Phúc… Đặc biệt vào các dịp lễ hội du khách nên đặt phòng trước, tránh tình trạng không tìm được nơi trọ.

Điểm tham quan hấp dẫn

Ao Bà Om: Tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh, Ao Bà Om là điểm tham quan nổi tiếng và thu hút du nhiều khách thập phương đến với Trà Vinh. Ao dài 500m, rộng 300m được xung quanh bởi những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổim. Bên cạnh việc tham quan, chụp ảnh thưởng ngoạn khung cảnh trong lành nơi đây du khách sẽ được nghe kể về sự tích ra đời của ao.
Quang cảnh xanh mát của ao Bà Om. Ảnh: Wiki.

Biển Ba Động: bãi biển trải dài hàng chục km trên 3 xã của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh . Biển Ba Động đang trở hành một điểm đến lý tưởng của du khách bởi sự hoang sơ, bãi cát dài cùng những hàng dương chạy dọc theo bờ biển. Đến đây, du khách có dịp thưởng thức các loại đặc sản như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn Chà là, cá kèo kho gợt ... với giá cả phải chăng.

Khu du lịch sinh thái Rừng Đước: cách bãi biển Ba Động không xa, huyện Duyên Hải còn được thiên nhiên ban tặng một khu rừng đước rộng hơn 200ha. Với trên 20 năm tuổi đời, khu du lịch là nơi bảo tồn, tái tạo các loại động vật hoang dã bao gồm thú rừng, chim muông và thủy hải sản đặc trưng của vùng trước nguy cơ cạn kiệt.

Chùa Hang: một trong những ngôi chùa đẹp nhất Trà Vinh. Cách trung tâm thành phố Trà Vinh 5km theo quốc lộ 54, cổng chùa giống như một cái hang nên người dân nơi đây gọi là chùa Hang. Ngôi chùa rộng 10ha thuộc phái Phật giáo Nam tông Khơ Me, Chùa chiếm vai trò quan trọng về đời sống và tinh thần đối với người dân nơi đây.
Chùa Hang, một trong những ngôi chùa đẹp nhất Trà Vinh. Ảnh: wiki.

Bên cạnh các điểm tham quan nổi bật trên, du khách còn có thể đến thăm Chùa Âng, Chùa Cò, Chùa Vàm Rây....

Lễ hội truyền thống

Lễ hội Nghinh Ông: được xem là lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu ở Trà Vinh diễn ra vào tháng 5 âm lịch, bày tỏ lòng biết ơn của ngư dân đối với đất trời, biển cả cũng như cầu cho một mùa đi biển mới mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu. Khách thập phương được dịp tham gia các trò chơi truyền thống như đi cà kheo, xem hát bội, đua thuyền…

Lễ hội Chôl Chnăm Thmây: Lễ Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Me diễn ra giữa tháng 3 âm lịch. Lễ hội đánh dấu năm mới, tuổi mới với nhiều điều may mắn, mùa vụ bội thu và được kéo dài trong 3 ngày. Ngày thứ nhất (Chôl sangkran Chmây) mọi người chuẩn bị quần áo đẹp và lễ vật lên chùa làm lễ rước đại lịch.

Ngày thứ hai (Wonbơf) làm lễ dâng cơm cho các nhà sư và đắp núi cát biểu lộ cầu mưa, cầu phúc cho mọi người. Ngày thứ 3 (Lơm săk) làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư để cầu siêu cho những người đã mất, xin tha thứ cho những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ. Trong những ngày này bà con Khơ Me còn đi thăm hỏi, chúc sức khỏe với nhau và cùng tham gia các hoạt động như thả diều, đánh quay lửa…

Lễ hội Ok Om Bok: hay còn gọi là lễ Cúng Trăng diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch, là hội truyền thống lâu đời của đồng bào Khơ me. Người dân tổ chức lễ Cúng Trăng để tỏ lòng biết ơn đối với mặt Trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, đem lại sự ấm no.

Các hoạt động diễn ra tại lễ hội như thả đen gió, kéo co, đập nồi… Năm 2014, lễ hội Ok Om Bok của người Khơ Me tỉnh Trà Vinh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mọi người đang chuẩn bị thả đèn trong lễ hội Ok Om Bok. Ảnh: Thinh Duy Quach.

Lễ hội Tết Nguyên Tiêu: là một lễ hội dân gian truyền thống khá tiêu biểu của cộng đồng người Hoa trên đất Trà Vinh tổ chức ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm tại chùa Ông Bảo huyện Trà Cú cách thành phố Trà Vinh 45km.

Lễ hội còn có tên gọi khác là Cúng Ông Bảo, một vị thần cai quản sức khỏe, tính mạng con người. Nghi thức được tiến hành trong khung cảnh huyền bí, linh thiêng luôn được hàng ngàn người trẩy hội chờ đón.

Ẩm thực

Dưới đây là 3 món ăn nổi bật mà du khách nên thử một lần khi đến với mảnh đất dừa sáp Trà Vinh.

Chù ụ rang me: Đây là đặc sản của vùng Ba Động. thuộc họ nhà cua. Chù ụ được làm sạch, bỏ lên chảo dầu, hành, tỏi đập dập, cho nước cốt me vào và nêm nếm sao cho có vị chua ngọt vừa ăn. Thịt chù ụ rất chắc, vỏ giòn ngon chứa nhiều can-xi. Đây là món ăn rất phù hợp với người thích đồ biển. Ngoài ra người Trà Vinh còn làm các món chù ụ kho nghệ, xào hành, hấp bia...Một đĩa chù ụ rang me dành cho 2 người ăn có 6 - 7 con với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng.

Cháo ám: Cháo nấu từ cá lóc, cá phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Cá nguyên liệu kèm có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng. Cháo ám cần có mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn. Giá một tô cháo ám từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Bánh canh Bến Có: Ngoài thịt heo, món ăn này còn có cật, gan, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn. Không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong, người ta có thể nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị. Bánh canh Bến Có giá giao động khoảng 20.000 đến 25.000 đồng một tô.

Quà mua về

Du khách có thể mua sắm cho mình và người thân các món quà mang đậm hương vị mảnh đất Trà Vinh như: tôm Khô Vinh Kim, rượu Xuân Thạnh, dừa sáp Cầu Kè, bánh tét Trà Cuôn ….

Mến Nguyễn

Hoàng hôn giữa ngã ba sông và rừng tràm mùa nước nổi

Tháng 9, 10, những cánh đồng ở An Giang trắng xóa nước, cũng là lúc hoa điên điển vàng bung nở. Khi ấy, những chiếc thuyền nhỏ lại lướt trên sóng nước thả lưới bắt tôm, cá, khung cảnh đẹp như một bức tranh.
Xem thêm: Tràm Chim, thiên đường mùa nước nổi

Ngay từ bây giờ, bạn có thể lên lịch khám phá miền Tây sông nước với những hoạt động thú vị dưới đây.

Đạp xe tham quan cánh đồng lúa hay các vườn cây ăn trái

Đến An Giang, ngoài ngồi ghe xuồng thăm chợ nổi, khám phá miền quê sông nước, bạn đừng quên trải nghiệm bằng xe đạp. Rất nhiều du khách thích thú khi được đạp xe, luồn lách qua những hàng dừa rợp bóng mát, cây trái trĩu quả rất đặc trưng của miền sông nước Cửu Long, để tìm hiểu cuộc sống của người dân.

Không gì thú vị bằng hòa mình vào khung cảnh thanh bình, thoáng đãng và dừng lại trò chuyện cùng với người dân hồn hậu.

Tắm đồng, bắt tôm cá

Theo chân những người dân đi bắt tôm, cá trên những cánh đồng nước nổi là trải nghiệm bạn sẽ không bao giờ quên.

Đây là một hoạt động rất thú vị khi vào mùa nước nổi. Lúc này trên những cánh đồng mênh mông ở khu vực Tịnh Biên, Tân Châu, An Phú nước đổ về trắng xóa cả một vùng, cao tới 2 mét. Dạo chơi trên các cánh đồng, buông lưới giăng câu, thỏa sức bắt cá linh, cá sặc và ngụp lặn trong dòng nước phù sa hay hái những bông hoa điên điển về ăn lẩu cá là những trải nghiệm mà cả khách Tây và khách ta đều yêu thích.
Xem thêm: Mùa nước nổi, về miền Tây ăn lẩu cá linh bông điên điển

Luồn lách bằng xuồng giữa cánh rừng tràm

Thêm một trải nghiệm thú vị khi đến miền Tây là lên những chiếc thuyền nhỏ luồn lách vào giữa rừng tràm Trà Sư, hít thở bầu không khí trong lành. Giữa bốn bề sông nước, bạn thong dong đi dưới tán tràm mát rượi, ngắm những bông súng, bông sen khoe sắc, lặng nghe tiếng mái dầm khua nước, cá quẫy dưới sông và cảm nhận được cuộc sống thanh bình.

Khi tới tháp canh Trà Sư, leo lên tận đỉnh, bạn có thể thu vào tầm mắt cả một vùng trời đất mênh mang, ngắm những cánh chim chao nghiêng trên bầu trời tìm đường về tổ.
Tận hưởng bầu không khí trong lành trong rừng tràm Trà Sư.

Bơi giữa lưng chừng núi

Sau ngày dài thăm thú, trải nghiệm khác biệt dành cho bạn là bơi lội và thư giãn trong làn nước xanh mát tại một khách sạn cheo leo bên sườn núi Sam. Từ đây buông tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy những rặng núi xanh rì bao bọc, phía dưới là cánh đồng xanh mát trải dài ngút tầm mắt.

Tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ và không gian tĩnh lặng nơi đây, bạn như quên đi hết bao bộn bề của cuộc sống.

Ngắm hoàng hôn giữa ngã ba sông

Ngay thị xã Châu Đốc, nơi gặp gỡ của sông Tiền và sông Hậu, bạn có thể ngồi ở những khách sạn bên bờ sông, ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống khiến cả một vùng nước sóng sánh ánh vàng. Lặng nghe tiếng mái chèo khua hay tiếng xuồng máy, như được thả hồn vào một vùng quê yên ả, thanh bình.
Hoàng hôn chiếu xuống mặt nước óng vàng.

Anh Phương

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Đà Lạt rực vàng mùa hoa dã quỳ tháng 10

Bên cạnh những loại hoa kiêu sa, màu vàng rực rỡ có phần hoang dại của dã quỳ đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho xứ sở hoa Đà Lạt.
 
Xem thêm: Đà Lạt lãng mạn mùa cuối năm

Dã quỳ là loài hoa dại, phổ biến ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc. Tuy nhiên, nói đến mùa dã quỳ người ta thường nhắc đến Đà Lạt, bởi chỉ ở đây mới có thể cảm nhận được một màu vàng trải dài khắp các con đường.


Hoa dã quỳ thuộc loài cúc, bông to và rực rỡ như hướng dương. Ảnh: dulichdalat.

Không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa, hoa dã quỳ nở còn là thời điểm du khách tìm về thành phố Đà Lạt, để được hòa mình với khung cảnh mộng mơ và hơn cả là để đắm chìm trong màu vàng hoang dại của dã quỳ. Dã quỳ tuy không lớn như hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi bung nở đã tạo nên một thảm vàng rực rỡ. Sắc vàng ấy như sưởi ấm cao nguyên lạnh giá cùng ánh mặt trời và mê hoặc bất kỳ ai lạc bước ngang qua.

Hoa dã quỳ đẹp nhất vào buổi sáng, khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa. Bạn có thể bắt gặp sắc vàng ươm nắng của dã quỳ ở bất cứ nơi đâu, từ trong lòng thành phố bên những căn biệt thự nhỏ xinh, đến những con đường tỏa đi muôn hướng.

Thường để đắm mình trong màu vàng quyến rũ của dã quỳ, bạn nên chọn xe máy làm bạn đồng hành, để có thể len lỏi khắp các con đường, sườn đồi hay ngõ nhỏ nơi dã quỳ đua sắc khoe hương. Ngoại ô thành phố là nơi hoa dã quỳ mọc nhiều nhất. Tuy không phải là loại hoa trồng được con người chăm sóc nhưng hoa ở đây mọc thành bụi lớn.


Hoa dã quỳ rực nở trên triền đồi như thảm vàng ngút mắt. Ảnh: dulichdalat.

Đoạn từ D’ran lên Đà Lạt là cung đường đẹp bậc nhất cao nguyên Lang Bian, không chỉ bởi rừng thông và đường đèo uốn lượn, mà còn bởi màu hoa dã quỳ đã nhuộm vàng dọc hai bên đường. Nếu đi vào sáng sớm, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào cõi tiên với những tầng mây la đà, dưới đất ẩn hiện màu vàng hoang hoải xen lẫn trong làn sương mờ ảo.

Đoạn từ Liên Khương về Đà Lạt cũng là cung đường ngắm dã quỳ thích mắt. So với đường từ D’ran, cung đường này dễ đi vì trải nhựa suốt tuyến và vẻ đẹp lôi cuốn của bạt ngàn dã quỳ. Hoa mọc ven đường trải dài uốn lượn như dải lụa vàng dẫn lối đưa du khách về với thành phố cao nguyên.

Càng đi, hoa càng nhiều thêm, rực rỡ một màu vàng ngút mắt, lấn át dần màu lá xanh, khiến những vòng bánh xe như vội vàng, cuống quít đuổi theo những triền hoa vàng miên man, về tận đến thành phố lúc nào không hay.


Những con đường hoa dã quỳ đã góp phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ. Ảnh: dulichvietnam

Tuy trong trung tâm thành phố không nhiều dã quỳ như ở ngoại ô, nhưng ngay trong Thung lũng tình yêu bạn cũng có thể tìm thấy màu vàng mê dại ấy. Giữa muôn sắc hoa lung linh sặc sỡ người ta vẫn dễ dàng nhận ra màu vàng không thể trộn lẫn của những cánh dã quỳ. Bên cạnh đó, những vườn hoa dã quỳ vàng rực tại sân ga Đà Lạt cũng khiến không ít du khách ngẩn ngơ. Bởi chẳng thế mà nơi đây trở thành nơi ghi lại những khung hình hạnh phúc của các cặp uyên ương.

Hoa nở khắp nẻo đường, vàng rực trên đồi xa, từng ngõ nhỏ của phố núi, len lỏi qua những con ngõ nhỏ, e ấp bên bờ rào… Dã quỳ vô tình tạo cho cao nguyên Đà Lạt trở nên đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết.
 
(Theo PhunuNews)

Bài đăng phổ biến