Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Cẩm nang khám phá xứ Thanh

Vùng đất vừa có biển xanh vừa có núi cao và những món ăn độc đáo sẽ khiến bạn hài lòng với những trải nghiệm khó quên.
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp bí ẩn của Campuchia

Thanh Hóa là tỉnh rộng, ở mỗi vùng biển, đồng bằng, vùng núi đều có những điểm đến hấp dẫn.

Di chuyển

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa khá thuận tiện cho việc di chuyển đến. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bạn có thể đi xe khách, tàu hỏa.

Từ các tỉnh phía Nam, có các chuyến bay mỗi ngày đến sân bay Thọ Xuân (cách TP Thanh Hóa 30 km).

Di chuyển trong thành phố và các huyện lân cận đều có các tuyến xe bus để lựa chọn.

Các điểm tham quan

Biển Sầm Sơn cách trung tâm TP Thanh Hóa 16 km, mỗi hè đều đón đông đảo khách tới, các bãi tắm rộng, sóng to, cát mịn. Đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, núi Trường Lệ cũng là những điểm tham quan nổi tiếng.
Biển Sầm Sơn ngày hè thu hút khách du lịch. Ảnh: Mạnh Cường

Biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) mới được khai thác du lịch, vẫn giữ được những nét hoang sơ. Đặc biệt bạn có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân chài nơi đây.

Biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) có dịch vụ du lịch tương đối phát triển nhưng không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Hãy đi chợ sớm và mua hải sản tươi ngon với giá rẻ, nhờ dịch vụ của nhà dân, bạn sẽ thấy yêu thích nơi này.

Cầu Hàm Rồng bắc qua Sông Mã là một biểu tượng của ý chí và sự kiên cường của xứ Thanh anh hùng, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử như điện Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng... Vùng đất Thọ Xuân này có món nem nướng và bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng có thể mua về làm quà.

Thành nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới, thuộc huyện Vĩnh Lộc, được xem là điểm đầu của con đường di sản miền Trung. Tham quan di tích thành cổ sừng sững cùng năm tháng, đừng quên thưởng thức món chè lam Phủ Quảng thơm giòn làm từ gạo nếp, mật mía, lạc, gừng... cùng ly nước chè xanh.
Thành nhà Hồ ngày nắng. Ảnh: Má Lúm

Từ Thành nhà Hồ đi thêm 40 km, bạn sẽ đến suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Đây là dòng suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh, có hàng nghìn con cá chen chúc, gắn với những câu chuyện lưu truyền của người dân nơi đây. Gần suối có hang núi rất đẹp, gọi là động Cây Đăng. Trong động có thạch nhũ mang nhiều hình thù đẹp mắt.

Dọc theo cung đường miền tây xứ Thanh có nhiều điểm đến thu hút dân xê dịch như Pù Luông, Kho Mường, bản Nủa, Phố Đòn, Thác Hươu, Cổ Lũng... cùng khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, Thái, Dao...

Ở phía tây nam, cách trung tâm thành phố 36 km, vườn quốc gia Bến En là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với núi, rừng, sông, hồ đa dạng. Đặc biệt ở đây có hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Đi thuyền trên sông và thưởng thức những món ăn từ cá mè, khám phá phong tục tập quán của người Thái là những trải nghiệm đáng nhớ ở Bến En.

Ngoài ra những huyện miền biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn cũng có những nét đẹp riêng, những lễ hội của ngư dân và những làng nghề truyền thống như làm chiếu cói Nga Sơn, làm mắm tép...

Ẩm thực

Cũng như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực xứ Thanh đa dạng với các món ăn mang đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau.

Ở các huyện phía tây, có canh lá đắng, cá suối nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc. Ở các huyện bán sơn địa như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn có bánh gai, nem nướng, bánh răng bừa, chè lam...

Các huyện vùng biển có mắm tép Hà Yên, gỏi cá nhệch Nga Sơn, mực khô, các món từ hải sản.

TP Thanh Hóa được xem là “thiên đường” ăn vặt với các món nem chua, chả tôm, bánh khoái, cháo canh, bánh cuốn, ốc hút, chè... ở phố Nhà Thờ, Trường Thi, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành...

Lưu ý

Khi đến các huyện vùng cao, hãy hỏi người dân về phong tục, thói quen sinh hoạt để tránh những hiểu lầm không mong muốn.

Thanh Hóa là vùng đất rộng, bạn cần lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi và các điểm đến để có thể đủ thời gian.

Một số cung đường tham khảo

Hà Nội - Ninh Bình - Nga Sơn - Hậu Lộc - biển Hải Tiến - TP Thanh Hóa - Vườn quốc gia Bến En.

Hà Nội - TP Thanh Hóa - Lam Kinh - Thành nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương - Thạch Thành - Hà Trung - Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) - Trung Lý (Mường Lát) - Quan Hóa - Bá Thước - Cẩm Thủy - TP Thanh Hóa.

Má Lúm (VnExpress)

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Một ngày du ngoạn cố đô di sản Jogja

Trong hành trình khám phá đất nước vạn đảo Indonesia, du khách đừng quên ghé thăm Yogyakarta – cố đô thanh bình với những ngôi đền di sản nghìn năm kỳ vĩ.

Xem thêm: Đắm say thiên đường hạ giới Raja Ampat

Yogyakarta (gọi tắt là Jogja) là trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java, Indonesia, có những ngôi đền nghìn năm huyền bí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là hành trình gợi ý cho chuyến khám phá nhanh ở Jogja trong một ngày.
Jogjo nổi tiếng là một trung tâm của nghệ thuật cổ điển Java tốt và văn hóa như batik, ballet, kịch, âm nhạc, thơ ca và múa rối. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Buổi tối hôm trước: Khởi hành từ Việt Nam đi Indonesia

Từ Việt Nam có nhiều hãng hàng không bán vé máy bay tới Jakarta như: Cebu Pacific, Lion Air, Air Asia, Tiger Airways, Vietnam Airlines… Bạn sẽ khởi hành từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bay đến Kuala Lumpur, Malaysia, quá cảnh. Từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur bay mất 2h5 phút để đến Jakarta. Indonesia có cùng múi giờ với Việt Nam nên rất tiện cho du khách theo dõi thời gian bay.

Đối với dân phượt đặt tiêu chí tiết kiệm lên hàng đầu, bạn có thể chọn bay giờ tối đi Jakarta, nghỉ đêm tại sân bay để sáng sớm đến Jogja. Lưu ý khi bay hãng Air Asia là sảnh đi quốc tế và sảnh đi nội địa ở cùng tầng một của Terminal 3 (Nhà ga số 3) tại sân bay Soekarno Hatta. Do đó, bạn sẽ giảm được thời gian di chuyển giữa các nhà ga và tìm chuyến bay.

Khi đến sân bay Soekarno Hatta ở tầng trệt Terminal 3, bạn xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Indonesia. Lúc lên máy bay, nhân viên hàng không sẽ phát phiếu khai nhập cảnh và bạn điền đầy đủ thông tin vào phiếu. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, bạn di chuyển theo lối thang cuốn từ tầng trệt lên tầng một và tìm chỗ ngả lưng trong lúc chờ nối chuyến bay nội địa. Sân bay vào ban đêm rất lạnh do hệ thống điều hòa, du khách chú ý mang theo áo ấm, khăn mỏng để giữ ấm và cả miếng nilon trải sàn để nằm.

Sáng sớm hôm sau: Bay từ Jakarta đi Yogyakarta mất một giờ

Làm thủ tục cho chuyến bay nội địa từ Jakarta đi Jogja, lệ phí bay nội địa 40.000 Rupiah (100.000 đồng). Bạn nên đổi sẵn tiền Rupiah (tiền của Indonesia) từ Việt Nam, phòng trường hợp đến sân bay địa phương quá khuya hoặc quá sớm mà các quầy đổi ngoại tệ chưa mở cửa.

7h30 – 8h00: Đến sân bay Adisutjipto (Jogja)

Bước ra phía ngoài, bạn sẽ thấy các quầy của những công ty du lịch và vận chuyển. Du khách có thể gửi hành lý tại quầy của Adipura Transport với giá từ 10.000 Rupiah (25.000 đồng) cho một túi hành lý. Tại đây nhận giữ hành lý từ 7h đến 20h, nếu gửi qua đêm thì giá đắt hơn.

8h30 – 11h: Tham quan quần thể đền thờ Ấn độ giáo Prambanan

Prambanan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1991. Ảnh:Phan Ngọc Hạnh.

Từ sân bay Adisutjipto, bạn đi chuyến buýt 1A khoảng 45 phút đến Prambanan với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Tiếp đó du khách mua vé ở các trạm chờ xe buýt có lợp mái tôn và bao bọc bằng những khung cửa kính. Khi xe đến, bạn xếp hàng cùng người dân địa phương, nhân viên của trạm sẽ soát vé rồi mời từng hành khách bước lên xe.

Khu quần thể Prambanan là đền thờ Ấn độ giáo (Hindu) lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991. Prambanan gồm có các đền: Prambanan, Sewu, Bubrah và Lumbung, với tháp chóp nhọn điển hình trong kiến trúc đền của đạo Hindu. Ba vị thần tối cao của đạo Hindu được thờ trong quần thể đền Trimurti gồm: thần Sáng tạo Brahma, thần Bảo vệ Vishnu và thần Hủy diệt Shiva. Tuy không đồ sộ bằng quần thể Angkor ở Campuchia và trải qua trận động đất năm 2006, song đến nay, Prambanan vẫn uy nghiêm với những chóp đền cao nhọn cùng các trầm tích rêu phong.

Trước khi vào tham quan đền, bạn sẽ được nhân viên khu di sản cho mượn xà rông in hoa văn, biểu tượng ngôi đền với dòng chữ Prambanan Indonesia để quấn ngang hông, thể hiện sự tôn kính trước khi tiến vào bên trong tham quan ngôi đền. Nhờ chiếc xà rông này, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp và ấn tượng. Giá vé vào tham quan là 171.000 Rupiah (430.000 đồng), nếu có thẻ sinh viên quốc tế sẽ được giảm còn một nửa.

11h30 – 16h: Chiêm ngưỡng quần thể Phật giáo Borobudur

Di sản thế giới Borobudur tọa lạc cách trung tâm Jogja khoảng 42 km và được mệnh danh là “ngôi đền quyến rũ”. Cùng với Prambanan, quần thể Phật giáo Borobudur đã chứng minh quá khứ vàng son của đạo Phật và đạo Hindu tại Indonesia. Theo tiếng cổ, Borobudur có nghĩa là "đền thờ Phật trên núi". Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm từ thế kỷ thứ 8, dưới vương triều Syailendra sùng đạo Phật. Đền được xây trên đỉnh đồi, giữa vùng đồng bằng, phía sau là một dãy núi, khiến cho ngôi đền nổi bật.

Quần thể đền Borobudur gồm nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh một tháp chính cao 42 m với 12 tầng tháp. Để lên đến đỉnh tháp cao nhất, du khách phải trèo lên các bậc thang và đi qua các hành lang của 12 tầng tháp với tổng chiều dài 5 km. Mỗi tầng tháp có những bức phù điêu chạm trổ tinh tế mô tả đời sống của đức Phật và trần thế.
Borobudur được mệnh danh là ngôi đền quyến rũ. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Để đến Borobudur, bạn đi ba chuyến xe buýt. Chuyến thứ nhất đi từ Prambanan đến trạm Jombor mất 30 phút với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Chuyến kế tiếp đi từ trạm Jombor đến trạm Mengui tốn thêm 30 phút với giá 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau cùng, bạn đi xe từ trạm Mengui đến trạm Borobudur (gần tu viện Phật giáo Mendut) mất 15 phút với 2.500 Rupiah (5.000 đồng).

Tại khu vực cách ngôi đền một km có nhiều xe ngựa tập trung. Nếu không muốn đi bộ từ chỗ đó đến trước cổng đền, bạn có thể thuê một chuyến xe ngựa chở được 4 khách với giá 5.000 Rupiah (12.500 đồng). Giá vé vào tham quan đền Borobudur là 190.000 Rupiah (475.000 đồng).

Quanh khu vực trạm Mengui có những chiếc xe đẩy bán rất nhiều món ăn đường phố đặc trưng văn hóa Indonesia. Bạn có thể thưởng thức món Bakso (mì bò viên, trứng với rau).

16h15 – 19h: Di chuyển từ Borobudur về trung tâm Jogja

Tham quan xong ngôi đền, bạn đi xe ngựa ra bến xe Borobudur gần đó, rồi đón buýt về trạm Jombor 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau đó, từ trạm Jombor đến sân bay Jogja để lấy hành lý ký gửi lúc sáng sớm với giá vé xe 3.000 Rupiah (8.000 đồng).

19h30: Nhận phòng khách sạn ngay trung tâm cố đô Jogja và nghỉ ngơi

Tối hôm đó bạn nhận phòng và nghỉ ngơi ở Jogja. Sáng hôm sau bạn đón buýt hay taxi ra sân bay Adisutjipto (Jogja) để làm thủ tục bay về hoặc tiếp tục khám phá các điểm đến khác của Indonesia.

Phan Ngọc Hạnh (VnExpress)

Trải nghiệm nên thử trong 24h ở đảo Bali

Với nắng gió chan hòa, bãi biển cát trắng mịn, những ngôi đền đạo Hindu và dải ruộng bậc thang mênh mông..., đảo Bali, Indonesia hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm khó quên.
Xem thêm: 19 lý do khiến bạn thích mê hòn đảo thiên đường Bali

Du khách đặt chân đến đảo Bali, Indonesia nhất định đừng bỏ lỡ những địa điểm tuyệt đẹp cũng như hoạt động thú vị dưới đây:

Ghé thăm đền Pura Luhur Batukaru

Nằm ngay dưới chân núi Batukaru, Pura Luhur Batukaru là một ngôi đền linh thiêng đối với các tín đồ theo đạo Hindu. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11, là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cư dân bản địa. Một số nơi trong đền sẽ đóng cửa tham quan và chỉ mở vào các dịp lễ đặc biệt của đạo Hindu.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh rờn của ruộng bậc thang Jatiluwih

Một tiếng đồng hồ sẽ cho phép bạn tha hồ chụp ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của ruộng bậc thang Jatiluwih. Nơi đây được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi thú vị cho bạn thư giãn giữa không gian thiên nhiên xanh mát. Hãy yêu cầu hướng dẫn viên chia sẻ thêm về “Subak”, đây là một phương thức canh tác nông nghiệp lâu đời của người bản địa.
Ruộng bậc thang Jatiluwih hút hồn du khách bởi vẻ đẹp xanh ngời và bao la của nó. Ảnh: TripAdvisor.

Vừa ăn trưa vừa ngắm cảnh ở nhà hàng Á J Terrace

Bạn thoải mái thưởng thức bữa trưa giống như người dân ở đảo Bali, vừa ăn vừa ngắm cảnh mây trời luôn là một chủ đề hấp dẫn. Nhớ chọn món “nasi goring” (cơm rang) hay “nasi campur” (cơm trộn) để thử.

Đi chợ Pasar Merta Sari

Chợ ở đây diễn ra náo nhiệt và đầy màu sắc, bày bán rất nhiều mặt hàng từ rau quả, gia vị, trái cây,…cho đến những món quà lưu niệm dành cho du khách. Nhớ mua kèm một nải chuối để cho khỉ ăn khi bạn gặp chúng trên đường về.

Giải nhiệt ở thác Gitfit

Gitfit còn có tên gọi khác là thác Sinh Đôi và chỉ mất 15 phút đi bộ từ đường chính. Đây là điểm lý tưởng cho bạn giải nhiệt giữa tiết trời nắng nóng, chìm đắm trên những dòng nước mát lạnh. Trên đường đi, hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn biết tên từng loài hoa, thực vật và hãy mang theo quần áo nếu bạn có ý định tắm hay bơi ở đây.
Đền Ulun Danu Bratan được xây dựng nhằm tôn thờ vị thần nước vào năm 1633. Ảnh: Tâm An.

Tham quan đền Ulun Danu Bratan

Được Vua Mengwi xây dựng vào năm 1633 để tôn thờ vị nữ thần nước Dewi Danu, do đó đền Ulun Danu Bratan còn có tên gọi là “đền nước”. Đây, là điểm đến được du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các ngôi đền còn lại. Đền nằm bên bờ hồ thiêng Bratan, vốn là miệng của núi lửa đã ngưng hoạt động. Nơi đây có khí hậu dễ chịu, thích hợp cho du khách tham quan và chụp cảnh ngoài trời.

Ngắm hoàng hôn ở đền Tanah Lot

Đền Tanah Lot luôn hiện diện trong các ấn phẩm giới thiệu về du lịch ở thiên đường Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được người dân tôn kính là những vị thần bảo vệ Bali thoát khỏi những điều kém may mắn. Hãy cùng người dân Bali đợi xếp hàng để được ban phước lành. Bạn nên cân nhắc thời gian đến đây vào lúc thủy triều xuống thấp mới có thể đi bộ ra đền. Nhớ mang theo máy ảnh cá nhân để ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn.
Đền Tanah Lot và nhà hàng Melasti là hai địa điểm ngắm hoang hôn tuyệt vời. Ảnh:Tâm An.

Ăn tối ngay tại nhà hàng hải sản Melasti

Dù đây không phải là địa chỉ để thưởng thức ẩm thực ở Bali, nhưng đổi lại bạn có thể vừa ngắm hoàng hôn, nhâm nhi vài ly rượu và thưởng thức bữa tối để kết thúc chuỗi ngày dài khám phá hòn đảo xinh đẹp này.

Vĩnh Hy (Theo TripAdvisor)

Bài đăng phổ biến