Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Trung thu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam

Trung thu xứ Bắc thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế; miền Trung rộn ràng với lễ hội, còn mùa trăng đất phương Nam lại rất ấm áp nghĩa tình.
Là một trong những lễ hội với người Việt, mùa trăng tháng tám ở 3 miền Bắc - Trung - Nam mang những nét văn hóa rất đặc trưng.

Tinh tế Trung thu ở miền Bắc

Miền Bắc đón thu sang với một sự chuyển mình rõ rệt của đất trời. Vẻ thơ mộng đầy lãng mạn khiến tâm hồn mỗi người như mềm mại đi cùng thời tiết ôn hòa dễ chịu. Trung thu xứ Bắc bởi thế luôn thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế, gắn liền với niềm vui của vụ mùa bội thu, của cốm xanh thơm ngát, của những quả chín như hồng, như bưởi.

Chuẩn bị cho mùa trăng tháng tám, khắp các phố phường Hà Nội sẽ ngập tràn quà bánh, lồng đèn. Giữ nét truyền thống ngàn năm Thăng Long cổ kính, trọng lễ trọng tình nên từ rất sớm, những hộp bánh Trung thu sẽ được cẩn trọng chọn lựa đầy chăm chút.

Bánh được mang biếu các bậc trưởng thượng trong họ tộc, gia đình trước tiên. Sau đó, sẽ đến những hộp bánh biếu láng giềng, bạn bè thân hữu, những đối tác khách hàng đã nhiều năm gắn bó. Mỗi hộp bánh đều ẩn chứa trong ấy từng tình cảm thiêng liêng, với ước mong bền chặt mối thâm giao. Hộp bánh cuối cùng sẽ được chọn vào khoảng 10 ngày trước Trung thu, đặt lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Đây cũng sẽ là hộp bánh “phá cỗ đêm Rằm”, để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức từng hương vị tinh túy dưới bóng trăng, cùng tách trà thơm ấm áp.

Lễ hội náo nhiệt cùng mùa trăng miền Trung

Tại miền Trung, dải đất hẹp giao thoa giữa văn hóa Bắc bộ và Nam bộ lại ngập tràn màu sắc lung linh, Trung thu nghiêng nhiều về phần hội hơn so với phần lễ. Đây luôn là dịp để mọi người tạo nên không khí rộn ràng, vui nhộn cho cả trẻ em lẫn người lớn. Phố cổ Hội An rực rỡ ánh đèn lồng. Người người đổ xô ra đường, hòa vào các trò chơi dân gian. Huế cổ kính và trầm mặc cũng trở nên tưng bừng với những mâm cỗ đón trăng tinh tế được chăm chút, mang đến bao nhiêu háo hức cho con trẻ.

Việc thưởng thức các hương vị Trung thu được chú trọng đặc biệt tại dải đất miền Trung - nơi nổi tiếng với sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong ẩm thực. Muôn hình vạn trạng kiểu bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon được các gia đình chọn mua bởi lẽ, với miền Trung, không gì vui hơn đêm Trung thu quây quần cả gia đình cùng nhau thưởng thức bánh, trẻ con chơi đùa rộn rã.

Ấm áp nghĩa tình cùng mùa trăng đất phương Nam

Là miền đất mới, nơi hội tụ đủ mọi nét văn hóa đổ về, nơi của sự hào sảng, chân thành, sẵn lòng giúp đỡ nhau của người đi mở cõi luôn được coi trọng, Trung thu phương Nam mang màu sắc rất riêng. Với phương Nam, văn hóa biếu tặng dịp Trung thu là điều đầu tiên cần nhắc đến. Ở xứ “khởi nghiệp” này, bà con xa không bằng xóm giềng gần, hầu như ai cũng đã được nhận biết bao sự giúp đỡ vô tư từ người khác. Thế nên, Trung thu trở thành dịp để bày tỏ lòng tình thương quý với những người cùng gắn bó, đã trở nên thân thương hơn cả một gia đình.

Với người Việt, Trung thu là dịp Tết thứ hai trong năm. Đây là dịp để mỗi người về với gia đình, cùng chia sẻ những giây phút thân tình ấm áp. Trông trăng phá cỗ, người thân bày tỏ tình cảm với nhau, doanh nghiệp tri ân đối tác... 

Từ trước Trung thu hơn một tháng, các công ty, xí nghiệp đã đặt bánh biếu tặng nhân viên, đối tác, khách. Những hộp bánh đầu tiên các gia đình ở miền Nam chọn mua thường cũng chính là để thay tấm lòng trân trọng gửi đến bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, khách hàng.

Miền Nam cũng hội tụ không ít người con xa quê vào lập nghiệp, thế nên, việc rộn ràng chuẩn bị những hộp bánh thật đẹp, thật ngon để mang về quê cũng được chú trọng. Và dường như chính những chiếc vé xe đặt vội, những hộp bánh Trung thu được nâng niu xách trên tay trong chuyến “Trung thu là lúc về bên gia đình” ấy đã trở thành một nét tưng bừng, rộn rã rất riêng của Trung thu đất phương Nam…

Thư Kỳ

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Đảo yến có bãi tắm đôi tự nhiên

Leo núi Du Hạ, tắm ở bãi biển đôi nước xanh trong và ghé hang yến xem loài chim làm tổ là những hoạt động du khách sẽ trải nghiệm trong một ngày chu du Hòn Nội, Nha Trang.



Hòn Nội là một đảo yến thuộc thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Để tới đây, du khách phải mất hơn một giờ đi tàu từ cảng Cầu Đá. Quãng đường dài khoảng 25 km (chừng 13 hải lý).


Đảo thuộc quản lý của một công ty du lịch nên không thể đi tự túc, mà bắt buộc bạn phải đặt tour trong ngày, không ở qua đêm với giá 350.000 đồng một người. Tour bao gồm ăn sáng với bánh ngọt và nước suối trên tàu, ăn trưa tại nhà hàng trên đảo, ăn nhẹ trái cây buổi chiều, xe đưa đón khách sạn và tàu ra đảo, tàu đáy kính xem san hô, đi tham quan hang yến.


Du khách chỉ có thể khởi hành đi Hòn Nội trong khoảng tháng 3 đến tháng 9, những tháng còn lại do mưa bão sóng mạnh nên tàu không chạy. Mỗi chuyến có ít nhất 25 khách.


Từ TP HCM, bạn có thể đi bằng máy bay, ô tô hoặc tàu hỏa để tới Nha Trang. Khi chọn tour đi Hòn Nội, bạn sẽ có xe đưa đón tại khách sạn ra bến cảng.


Đến Hòn Nội, du khách có thể tham quan bãi tắm đôi, điểm đặc biệt của hòn đảo này với cát mịn, nước trong xanh, mát lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi Hòn Ngoại, Hòn Sam cách Hòn Nội chỉ vài phút đi tàu.


Núi Du Hạ trên đảo cao 90 m, nằm gần sát biển. Leo lên đến đỉnh núi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy bãi tắm đôi được tạo nên từ một doi cát cong cong. Biển nơi đây yên ả, nước trong màu ngọc bích, bạn vừa thỏa thích tắm biển, vừa ngắm nhìn san hô sống và các loài cá màu sắc.


Đến Hòn Nội, bạn nên ghé thăm hang yến và tìm hiểu về nghề nuôi yến. Những tổ yến được thu hoạch làm hai lần vào tháng 3 và 8.


Khi tới thăm các hang yến và tìm hiểu đời sống loài chim này bạn sẽ bắt gặp khá nhiều chòi canh của những người dân địa phương.

Bùi Ngọc Hà - Ảnh: SaRu

Những câu hỏi thường gặp khi du lịch Côn Đảo

Đến với Côn Đảo du khách có thể mua mứt hạt bàng làm quà, du ngoạn các đảo nhỏ hoặc tham quan những điểm đến lịch sử và tâm linh nổi tiếng.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo



Côn Đảo cách Vũng Tàu 179 km, TP HCM 230 km, và Cần Thơ 165 km. Nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng mịn, dãy núi bao quanh tạo nên một khung cảnh yên bình. Du khách tới đây sẽ có cảm giác được thoát khỏi những mệt mỏi của công việc cũng như trên chặng đường di chuyển.



Đạp xe khám phá trên Côn Đảo. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Nên đi thời gian nào


Bạn nên hạn chế tới Côn Đảo trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 2 năm sau. Đây là lúc biển động, chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo thường rất đắt đỏ do tàu bè chuyên chở hàng hóa không thể ra đảo.


Các tháng 3 - 9 là thời gian biển êm, các trận mưa ở Côn Đảo thường ngắn nên không ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách.


Di chuyển đến Côn Đảo có phức tạp không


Đường bộ và đường thủy


Du khách đặt vé ô tô hoặc tàu đến Vũng Tàu trước khoảng 1 – 3 tuần qua điện thoại rồi lấy vé tàu tại cảng Cát Lở. Có 2 tàu khách được đưa vào hoạt động là Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10. Giá vé từ 150.000 đến 200.000 đồng một người, tùy loại ghế ngồi hay giường nằm. Tàu xuất phát là 17h và đến cảng Bến Đầm, Côn Đảo khoảng 6h sáng hôm sau.

Đường hàng không


Các chuyến của hãng Vietnam Airlines chặng TP HCM - Côn Đảo có giá khoảng 1,5 triệu đồng một vé, Cần Thơ - Côn Đảo khoảng 950.000 đồng một vé.


Từ Bến Đầm hoặc sân bay, bạn có thể đi vào trung tâm đảo bằng xe ôm, xe lam giá 30.000 đồng một người hoặc taxi với giá 250.000 đồng một chuyến. Cả 2 địa điểm này đều cách trung tâm thành phố khoảng 12 km nhưng theo hai hướng ngược nhau.

Di chuyển tại Côn Đảo


Tại đảo lớn Côn Sơn bạn có thể tham quan bằng các phương tiện sau:


Xe máy giá có cho thuê khoảng 100.000 - 150.000 đồng một ngày, tùy xe số hay tay ga.


Trên đảo chỉ có hai cây xăng gần chợ nên bạn nhớ đổ xăng trước khi đi. Đến điểm tham quan bạn cứ để xe đúng nơi quy định là không phải lo lắng nhiều về an toàn.



Khung cảnh trước cảng Bến Đầm. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Du khách tay lái yếu có thể thuê xe ôm với giá 300.000 đồng một ngày để đi mọi nơi trên đảo. Người lái sẽ là hướng dẫn viên du lịch tự nguyện cho bạn với sự nhiệt tình và vui vẻ. Lựa chọn khác là thuê xe đạp với giá khoảng 30.000 đồng một ngày.


Nghỉ đêm ở đâu


Côn Đảo có một khách sạn 5 sao là Six Senses Côn Đảo, nhiều khách sạn, resort 3 hoặc 4 sao như Côn Đảo, Côn Đảo Sea Travel, ATC ... Giá trung bình các phòng ở đây từ một triệu đồng.


Cũng ngay trên đường Tôn Đức Thắng có rất nhiều khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, giá chỉ khoảng 300.000 -500.000 đồng.


Bạn cũng có thể ở lại qua đêm trên các đảo nhỏ ở nơi cho phép dã ngoại hoặc có lều, võng. Tuy nhiên, các đảo nhỏ không có hàng quán nên nếu muốn ở qua ngày, bạn phải chuẩn bị đồ ăn.


Điểm tham quan nào nổi tiếng


Những điểm đến tìm hiểu lịch sử và tâm linh: nghĩa trang Hàng Dương, di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, bảo tàng Côn Đảo, đền thờ bà Phi Yến, miếu và mộ của Hoàng tử Cải, chùa Núi Một.

Các điểm thăm thú thiên nhiên: Bãi Đầm Trầu, rừng Ông Đụng, mũi Cá Mập, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre lớn, hòn Cau, vịnh Đầm Tre…


Đặc sản là gì





Cua mặt trăng đánh bắt trên Côn Đảo. Ảnh: Phương Thu Thủy.


Đặc sản của Côn Đảo là cá mú đỏ, giá khoảng 800.000 đồng một kg. Thịt cá trắng, dai và rất thơm.Tôm hùm và tôm mũ ni, giá khoảng 1,5 triệu đồng một kg.


Mực một nắng, sá sùng, cua mặt trăng, ốc vú nàng… cũng là những món không nên bỏ qua. Điều đặc biệt là giá cả của các nhà hàng ở đây tương đối giống nhau, nên không cần phải chọn lựa nhiều.


Nên mua quà nào


Ngoài hải sản khô và tươi, hạt bàng là một đặc sản mà du khách nên thử khi đến Côn Đảo. Hạt bàng rang muối hay tẩm đường và gừng là một món quà đặc biệt bạn dành cho người thân ở nhà. Một hũ mứt hạt bàng có giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng.


Phương Thu Thủy

Bài đăng phổ biến