Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Ba ngày du ngoạn Huế - Đà Nẵng - Hội An

Thăm lăng tẩm Huế, ngắm Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà và tận hưởng không khí phố Hội chậm rãi về đêm là những trải nghiệm bạn không thể bỏ qua trên hành trình khám phá miền Trung.

Dưới đây là gợi ý lịch trình tham quan ba điểm Huế - Đà Nẵng - Hội An trong 3 ngày.

Ngày 1: Hồ Chí Minh (Hà Nội) – Huế


Cầu Tràng Tiền, Huế, các buổi tối thường có chợ đêm. Ảnh: Đạt Mura.

Bạn nên đáp chuyến bay tối tới Huế, ở lại một đêm để có thể cảm nhận trọn vẹn khung cảnh thanh bình của Huế.

Bắt đầu buổi sáng ở Huế với món cơm hến, cháo hến, bún hến. Bạn hãy đến thôn Vĩ Dạ. Huế bằng cách đi bộ hoặc thuê xích lô chở đi để thưởng thức món này. Giá mỗi phần chỉ 8.000 - 10.000 đồng.

Ăn sáng xong bạn hãy tìm một quán cà phê cóc nhâm nhi, tận hưởng không gian yên bình, nhẹ nhàng trong nắng sớm.

Điểm tham quan tiếp theo bạn nên đi là kinh thành Huế với giá vé 150.000 đồng/ người. Kinh thành được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Các di tích trong thành có: Kỳ đài (cột cờ), trường Quốc Tử Giám, điện Long An, bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế, đình Phú Xuân, hồ Tịnh Tâm, tàng thư lâu, viện cơ mật – tam tòa, đàn xã tắc, cửu vị thần công.

Bữa trưa, bạn hãy ghé hàng bánh canh bà Đợi để thưởng thức, giá một tô là 20.000 đồng. Món bánh canh ở đây được làm bằng bột gạo, có vài con tôm, chả, thịt và hành, gia vị, bột ớt để riêng, khách tự nêm nếm vừa khẩu vị của mình.

Khoảng 14h bạn đến chùa Thiên Mụ tham quan và sau đó hãy ngồi thuyền dọc theo sông Hương để về lại trung tâm thành phố. Thời tiết thuận lợi và cảnh đẹp trên dòng sông Hương cũng đáng để bạn trải nghiệm.

Tối bạn hãy thử cảm giác ngồi xích lô dạo Huế đêm và thử các loại bánh bột lọc, bánh bèo, nậm, lọc hoặc ăn bún bò huế ở đường Lý Thường Kiệt đối diện bưu điện. Đi dọc sông Hương buổi tối và dạo chợ đêm là một lựa chọn không tồi. Ghé ăn bắp nướng và mực, cá khô nướng bên vỉa hè cùng đám bạn trò chuyện rôm rả trước khi kết thúc một ngày thảnh thơi ở Huế.

Ngày 2: Huế - Đà Nẵng


Góc nhìn Đà Nẵng từ phía bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đạt Mura.

Bạn đặt trước xe đón tại khách sạn buổi sáng và di chuyển về Đà Nẵng. Vé xe chất lượng cao khoảng 180.000 đồng/người, mất hơn 2 tiếng. Đến Đà Nẵng, bạn gửi đồ ở khách sạn và thuê xe máy làm một vòng thành phố tìm chỗ ăn sáng.

Bạn có thể ăn sáng với bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh hoặc ghé chợ Đà Nẵng ăn cao lầu. Trong chợ cũng bán khá nhiều món, tùy khẩu vị bạn có thể thưởng thức.

Sau đó tới bán đảo Sơn Trà, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về hướng đông bắc. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm các hoạt động như: khám phá rừng già; tắm biển ở bãi Bụt; tham gia câu cá cùng ngư dân, lặn biển ngắm san hô; thăm hải đăng Tiên Sa, chùa Linh Ứng và ngắm toàn cảnh thành phố từ đỉnh Sơn Trà; đến Mũi Nghê – nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên của Đà Nẵng…

Buổi trưa tìm đến món bánh tráng thịt heo nổi tiếng ở Đà Nẵng. Bạn có thể ăn tại quán Trần hoặc quán Bà Nghi ở Trần Phú.

Về khách sạn nghỉ ngơi, 2h chiều xuất phát một vòng đi tham quan các cây cầu như Trần Thị Lý, Thuận Phước, Nguyễn Văn Trỗi và Sông Hàn. 4h chiều bạn về biển Mỹ Khê tắm biển và ăn hải sản.

Tối dạo cầu Rồng, thưởng thức cà phê Memory gần đó. Khuya một chút hãy tìm ăn thêm món ốc hút, bánh tráng nướng hay bún mắm nêm, phá lấu. Kết thúc một ngày ở Đà Nẵng, nghỉ ngơi lấy sức để sáng sớm ngày hôm sau tiếp tục hành trình.
 
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Ngày 3: Đà Nẵng – Hội An


Chùa Cầu ở Hội An, một điểm du lịch hút khách nằm ngay trung tâm phố Hội. Ảnh:Đạt Mura.

Ăn sáng xong bạn đón xe buýt đi Hội An, giá vé là 25.000 đồng. Dọc đường bạn có thể ghé Ngũ Hành Sơn để leo lên đỉnh và ngắm Đà Nẵng từ trên cao.

Hội An khá nhỏ nên bạn chỉ cần đi bộ là có thể tham quan hết hoặc thuê xe đạp để đi xa hơn. Hãy ăn thử thịt nướng xiên que ở đây và bạn sẽ không cưỡng lại được mùi thơm khi đi ngang qua. Khoảng 16h, bạn đạp xe ra biển An Bàng cách trung tâm khoảng 5 km. Biển ở đây không nhộn nhịp bằng Cửa Đại, chủ yếu khách đến để ngắm và ăn hải sản.

Hội An có điểm thú vị là mỗi thời gian trong ngày bạn sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Ban ngày khá nóng và nhộn nhịp. Buổi tối thì vắng hơn và dường như mọi người cũng chậm lại. Đêm xuống toàn bộ khu phố cổ lên đèn, đẹp lung linh, bạn hãy thử thả thuyền hoa đăng trên sông Hoài. Ngoài ra, hãy ghé vào quán nhỏ kêu một chai bia, thả mình theo điệu nhạc và nhìn ngắm mọi người đi lại trên phố. Tối bạn ghé ăn tại quán cơm gà Bà Buội, bởi nếu chưa thưởng thức cơm gà và cao lầu thì coi như chưa biết Hội An.

Hôm sau bạn hãy dậy thật sớm để cảm nhận phố cổ vào buổi sáng. Không gian hoàn toàn yên tĩnh, những ngôi nhà ở khu phố cổ vẫn chưa mở cửa. Dường như chỉ có mình bạn trong khu phố cổ, tha hồ hít thở không khí trong lành, chụp ảnh mà không bị dính một du khách nào vào khung hình của mình. Trước khi rời đi, bạn hãy ghé quán cóc gần sông Hoài, ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng, sau đó bắt xe buýt trở về Đà Nẵng rồi đi thẳng ra sân bay.

Kết thúc hành trình ngắn và hứa hẹn sẽ quay trở lại, ở lại lâu hơn ở mỗi nơi để cảm nhận hết được cảnh đẹp và con người nơi đây.

Xem thêm: 15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

Bùi Ngọc Hà

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Giếng trời – điểm hấp dẫn cho dân phượt Đà thành

Nằm ở phía tây bắc khu bảo tồn Bà Nà – Núi Chúa, Đà Nẵng, nhưng địa hình hiểm trở, gập gềnh nên Giếng Trời vẫn là một chốn biệt lập và hoang sơ.
Xem thêm: Du lịch mạo hiểm hấp dẫn tại Đà Nẵng
 
Giếng Trời nằm trong khu bảo tồn Bà Nà – Núi Chúa, Đà Nẵng, nơi có khu du lịch Bà Nà Hills nổi tiếng. Cảnh vật hoang sơ chính là nguồn cảm hứng đối với dân phượt, với các loại hình dã ngoại như trekking, leo núi, cắm trại hay tắm suối.


Xuất phát từ bãi giữ xe của khu cáp treo Bà Nà, phượt thủ phải chinh phục 7,5 km đường đèo dốc quanh co, vượt suối băng rừng để đến được "phượt điểm" này. Qua được con dốc đầu tiên thì chặng đường còn lại rất dễ đi.


Cũng vì thế mà nơi đây như một chốn biệt lập và hoang sơ. Hai dòng suối từ phía tây của khu rừng Bà Nà hợp lưu tại một hẻm núi rồi đổ xuống.


Nguồn nước từ đó tạo thành dòng thác cao hơn 20 m đổ ầm ầm trắng xóa suốt ngày đêm.


Thác chảy còn hình thành một hồ nước rất sâu hình bầu dục chiều ngang 20 m và chiều dài 25m.


Nước tiếp tục đổ về xuôi thành một con suối lớn.


Cảnh sắc ở đây cũng luôn là nguồn cảm hứng cho những người đam mê nhiếp ảnh.


Đến đây, hòa mình vào dòng nước trong vắt, du khách chắc chắn sẽ khó cưỡng lại việc nhảy xuống hồ tắm mát.


Cảnh vật xung quanh thác và hồ cũng vô cùng hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.


Nằm trong quần thể khu bảo tồn nên hệ thực vật nơi đây còn đa dạng. Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Giếng Trời, du khách có thể đi bộ vừa rèn luyện sức khỏe, vừa khám phá nhưng để tiết kiệm thời gian thì có thể đi xe gắn máy, nên chọn xe số loại tốt.


Ngả lưng trên phiến đá phẳng mát lạnh, tất cả mệt nhọc suốt quãng đường chinh phục, những bề bộn lo toan của cuộc sống chợt biến mất. Chính lúc đó ta lại thấy mình tan ra và hòa lẫn với thiên nhiên tuyệt vời.

Hồ Ngọc Thanh

Hội An trong lành và quyến rũ những ngày thu

Sắc trời chuyển thu mang theo hơi thở của khúc giao mùa ngập tràn trên phố Hội khiến khung cảnh vốn thân thuộc trở nên tươi mới, rộn ràng hơn.
Xem thêm: 15 bức ảnh Hội An nhìn là yêu

Hội An là điểm đến không còn xa lạ đối với du khách trong và ngoài nước, nơi đây luôn cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp trầm mặc, thân thuộc và tiết trời trong lành, mát mẻ khi mùa thu sang. Bước xuống phố, dạo quanh trên các con đường cổ kính, ai cũng rộn ràng, háo hức khi tiết trời thay đổi rõ rệt.

Bình minh ló dạng trên phố Cổ những ngày thu về. Ảnh: Ivivu.

Phố Hội luôn thân thuộc dù bạn mới đến đây vài tháng hay trở lại sau vài năm. Những con hẻm nhỏ uốn lượn, những ngôi nhà cổ tường vàng đậm trên đường Trần Phú, Nguyễn Trãi, Hoàng Văn Thụ… vẫn giữ được nét cổ kính quyến rũ.

Đến với phố Hội, hãy thức dậy thật sớm, bước xuống phố để ngắm bình minh, đi bộ một mình trên phố để tận hưởng không khí ban mai, thả lỏng người đón lấy sự bình yên trước khi phố thị bắt đầu nhộn nhịp. Cảm giác ấy sẽ khiến bạn nhớ mãi, nhớ rất lâu đấy. Bạn sẽ gặp cảm giác yên bình hơn khi tình cờ đến đây vào mùa thu, mùa không có lễ hội hay một kịp kỷ niệm đặc biệt nào cả.

Thời tiết buổi sáng mùa thu nơi đây tuy có ánh nắng nhưng cũng hơi se se, những chiếc lá mùa thu rơi nhẹ trên khung cửa sổ của các ngôi nhà cổ, bầu trời trở nên quang đãng và rộng rãi đến kỳ lạ, không còn cái nóng oi bức, ngột ngạt của ngày hè, Hội An như dịu dàng và quyến rũ trong sự thong thả, rộn ràng của khách tham quan.

Trên phố Hội, ngay từ sáng sớm, đâu đâu cũng thấy người qua kẻ lại, ngược xuôi trên đường với gánh hàng rong mang nét đặc trưng phố Hội bán đồ ăn sáng, những quán ăn ven đường đun lửa nấu mì quảng, cao lầu, hâm xôi… khói bốc lên nghi ngút cùng mùi thơm đánh thức dạ dày của bất kỳ ai. Tôi tìm đến một quán mỳ quảng mang tên CT trên đường Thái Phiên, quán nhìn rất đơn sơ nhưng sạch sẽ, mỳ quảng lại rất ngon, giá chỉ 15.000 đồng. Trong lúc tính tiền, tò mò nên hỏi chị chủ quán CT nghĩa là gì, chị trả lời CT là viết tắt của từ Cẩm Thanh, thì ra chị là người Cẩm Thanh. Ra khỏi quán, dọc theo các con đường Thái Phiên, Phan Chu Trinh, Nguyễn Huệ… đâu đâu cũng thấy bán đồ ăn sáng, đa dạng từ cao lầu, bánh mì, mì quảng, xôi, cơm gà, bánh xiêm, bánh rán… với giá dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng.

Một góc sông Hoài khi về đêm.

Mỗi khi đến Hội An, bạn đừng bỏ lỡ để thưởng thức món cao lầu trứ danh trong ngõ 69 Phan Chu Trinh, cũng ở đây còn có cơm gà bà Buội ngon đúng điệu. Đặc biệt món ăn đơn giản nhưng tiếng tăm lừng lẫy đó chính là cửa hàng bánh mỳ Madame Khánh trên đường Trần Cao Vân, nơi dân du lịch bụi truyền tai nhau rằng “đến Hội An không ghé hàng Khánh cũng như không”.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê trong một hội quán của người Hoa trên đường Trần Phú, nghe những bản nhạc Trịnh nhẹ nhàng, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình, cảnh quan trên phố cổ không còn trầm mặc, tĩnh lặng nữa. Không gian cũng kéo theo chiều gió thổi nhẹ nhàng như muốn tiếp thêm sự tươi mới, vẻ nhộn nhịp ngay trên phố.

Phương tiện di chuyển bây giờ chủ yếu là xích lô, xe đạp, xe máy… nhưng đi bộ trên phố Hội là lựa chọn thú vị nhất, mặc dù khá mệt nhưng bạn có thể đi vào các con hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, cung Trầm Phố… để khám phá, thưởng ngoạn. Cũng có khá nhiều du khách chọn xích lô để đi vòng quanh phố cổ, sông Hoài… ngắm phong cảnh buổi sáng mùa thu, tham quan các cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm, thưởng thức trọn vẹn sắc thu ở trong lòng phố cổ.

Ngôi chợ truyền thống nằm ngay ở trung tâm “thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bồn”, di tích nguyên vẹn vẫn giữ được nét xưa cũ không chỉ rộn ràng với người mua kẻ bán mà còn thu hút rất nhiều du khách đến đây khám phá, đi dạo, ngắm cảnh… đến khu ẩm thực trong chợ để thưởng thức tinh túy ẩm thực Việt ngay trong lòng Hội An với các món ăn bình dân giá rẻ, đặc sản mang tính phố thị, đâm đà hương vị như cao lầu, bánh mỳ, bún bò, xôi.

Các gian hàng ẩm thực được chia thành nhiều hàng quán ngăn nắp dọc theo các lối đi trong khu ẩm thực, phong phú từ món ăn đến đồ uống hay các loại trái cây, kem, chè… du khách có thể dùng tráng miệng sau bữa ăn tại chợ, những gian hàng ẩm thực phục vụ từ sáng sớm đến tối khuya.

Một góc trong chợ Hội An.

Sau một ngày đi bộ thấm mệt, hãy thuê chiếc xích lô để vòng quanh trên con phố và tận hưởng sắc thu thoáng đãng mang đến cơn gió hơi se lạnh, khi phố lên đèn cũng là lúc trên các cung đường tấp nập khách qua lại dạo phố, uống cà phê, mua sắm hay đơn giản lang thang trên phố thả hồn theo cơn gió tận hưởng mùa thu đang bao trùm lên khu phố cổ Hội An. Hội An đẹp nhất vào buổi tối, nếu muốn nhộn nhịp bạn nên bước xuống phố Hội lúc trời chạng vạng vì sau khoảng 10 giờ đêm, các hàng quán, cửa hiệu thời trang… đã đóng cửa trả lại sự thanh bình vốn có cho phố Hội.

Vào ngày 14 âm lịch hàng tháng, tất cả phố Hội sẽ tắt đèn đường và thắp đèn lồng, bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của những chiếc đèn lồng phát sáng, bao trùm lên toàn bộ phố hội, đặc biệt trên dòng sông Hoài, sông Thu Bồn ánh đèn hoa đăng phát sáng tạo nên không gian lung linh, huyền bí và vô cùng thú vị.

Bài đăng phổ biến