Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Là ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) đang trở thành điểm đến mới lạ với du khách thích khám phá mùa hoa dã quỳ.


Chư Đăng Ya, theo tiếng của người J'rai có nghĩa là củ gừng dại. Ngày nay, nơi đây còn mang dấu tích của núi lửa từng hoạt động hàng triệu năm với miệng núi hình phễu, những viên nham thạch lẫn trong đất đỏ bazan màu mỡ. 


Khởi hành từ thành phố Pleiku, du khách đi khoảng 30 km về hướng đông bắc sẽ tới xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này chính là con đường hoa dã quỳ dẫn tới chân núi lửa.



Điểm nhấn của núi lửa Chư Đăng Ya chính là sắc vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ. Nơi đây, du khách sẽ dễ bắt gặp, làm quen với những đứa trẻ tinh nghịch ở buôn Plơi Iagri, một làng cổ của người J'rai dựng dưới chân núi.


Từ tháng 11 trở đi là mùa hoa dã quỳ bung nở trên khắp Tây Nguyên. Ở Chư Đăng Ya, hoa dã quỳ bung nở sặc sỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi bởi thứ đất đỏ phì nhiêu nuôi dưỡng cây cối.


Dã quỳ là loài hoa gắn với truyền thuyết tình yêu của đồng bào Tây Nguyên. Hoa thường nở vào cuối tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm.


So với những nơi khác ở Gia Lai, nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1-2 độ do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Miệng núi không có nước và cũng không ai mang được nước lên lên đây nhưng hoa cỏ, cây cối trên núi vẫn xanh tươi.


Theo những bậc cao niên ở buôn Plơi Iagri, từ thời Pháp thuộc, sườn núi lửa Chư Đăng Ya được tận dụng để trồng cà phê nhưng sau năm 1970, một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi toàn bộ đồn điền cà phê. Ngày nay, đất đai trên núi được chia đều cho nông dân trong xã để canh tác hoa màu như bí đỏ, khoai lang, dong riềng...


Một nhánh cây khô nổi bật giữa sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. 


Người dân thu hoạch củ dong riềng, một trong những loại cây trồng chủ đạo ở giữa miệng núi lửa vì chịu được khô hạn.



Bí đỏ và khoai lang được xem là sản vật nổi tiếng ở Chư Đăng Ya. Theo người dân địa phương, từ nhiều năm, nhờ đất đỏ bazan trên núi nên củ quả trồng được đều tươi tốt, đậm đà, ngọt bùi hơn so với những nơi khác. 


Những đứa trẻ J'rai mang gùi lên rẫy dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. 


Không chỉ có hoa dã quỳ, khi lên đỉnh Chư Đăng Ya, du khách sẽ có dịp khám phá những bãi cỏ xanh ngút ngàn, giống như đi giữa thảo nguyên.


Theo Vnexpress

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Mê mẩn thành phố cổ nguyên vẹn dưới đáy hồ đẹp đến khó tin

Bạn có hay tồn tại một thành phố 1.300 tuổi được mệnh danh là “Atlantis của Phương Đông” đến nay vẫn nguyên vẹn dưới đáy hồ nhân tạo.

Thiên Đảo Hồ là một hồ nước nhân tạo nằm ở tỉnh Thuần An, Chiết Giang, Trung Quốc. Hồ nước được hình thành từ năm 1959 khi chính phủ quyết định xây dựng trạm thủy điện ở sông Tân An và đã "chôn giấu" một thành phố cổ kỳ vĩ nơi đáy hồ. 


Đúng như tên gọi, Thiên Đảo gồm 1.078 các hòn đảo lớn và vài nghìn đảo nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp lòng hồ. Thiên Đảo có diện tích là 573 km vuông và có dung lượng nước lưu trữ 17,8 km khối. Các đảo trong hồ có tổng diện tích vào khoảng 86km vuông.

Hồ Thiên Đảo nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ nhưng ít ai biết rằng, sự kỳ vĩ đó không chỉ dừng lại ở trên mặt hồ mà còn ẩn giấu ở phần dưới đáy hồ.


Chính nỗ lực thăm dò đáy hồ Thiên Đảo lần đầu tiên vào năm 2001 đã giúp các chuyên gia phát hiện ra một số công trình kiến trúc ở đáy hồ, với 265 vòm bao gồm cổng ra vào và các công trình cầu cống.

Sau nhiều lần thăm dò sau đó, đội thợ lặn Big Blue của Thượng Hải tìm thấy Sư Thành (Shi Cheng) – một thành phố cổ bị nhấn chìm nằm dưới đáy hồ Thiên Đảo, sâu 40m.


Sư Thành - hay Thành phố Sư Tử - được xây dựng tại chân núi Ngũ Sư, trong giai đoạn Đông Hán (khoảng năm 25 - 200). Công trình này được đặt tên là “Thành phố Sư Tử” vì ở đó có ngọn núi Ngũ Sư nằm ở ngay phía sau thành phố. 

Sư Thành có 5 cổng, mỗi cổng thành có một tòa tháp lớn với diện tích tương đương với 62 sân bóng đá. Trước khi bị nhấn chìm dưới nước, Sư Thành có sáu con đường chính xây bằng đá, được sử dụng để kết nối mọi ngõ ngách trong thành phố.

Trước khi Sư Thành bị ngập nước, 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm. Ít ai ngờ, nằm sâu bên dưới Thiên Đảo Hồ từng là một trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.



Qua những tấm ảnh mà đội thợ lặn đã chụp được, giới chuyên gia nhận thấy Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng, hay các Hán tự cổ trên bức tường.


Theo National Geographic, khi lặn xuống tới độ sâu 28m, ánh sáng không còn chiếu được tới đây nữa. Đèn trang bị cho thợ lặn chỉ có khả năng chiếu sáng khoảng 2 mét. 

Tuy vậy, họ đã phát hiện ra rằng dù đã nằm ở độ sâu từ 26 - 40m dưới đáy hồ, công trình kiến trúc này gần như nguyên trạng, không bị hư hại nhiều, ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng vẫn còn nguyên vẹn. 


Các chuyên gia cho rằng, môi trường nước xung quanh đã bảo vệ thành phố nên kiến trúc nơi đây không hề bị bào mòn. Tuy vậy, câu trả lời thực sự vẫn là bí ẩn mà giới khoa học đang kiếm tìm.


Được biết, thành phố Sư Tử đã bị nhấn chìm xuống nước khi nhà hoạch định Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng đập Tân An vào năm 1959. Và để thu hút khách du lịch, họ đang lên kế hoạch biến nơi đây thành địa điểm tham quan du lịch.

Theo tạp chí Our World: "Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước. Với những tàu ngầm đặc biệt có chiều cao 3,8m, chiều dài 23m và sức chứa 48 hành khách trị giá 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ VND), tất cả mọi người đều có thể thăm thú thành phố dưới nước".



Nhiều người cho rằng, công trình này là phiên bản nhỏ của thành phố Atlantis và là một trong những thành viên của bộ sưu tập kỳ quan thế giới phiên bản thu nhỏ ở Trung Quốc

Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho hay, việc sử dụng tàu ngầm trong vùng hồ này có thể tạo ra những luồng sóng mạnh ở dưới đáy hồ và điều này có thể phá hủy thành phố cổ. 

Nguồn: BBC, Dailymail, Wikipedia

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Hành trình theo chân các nhà thám hiểm vĩ đại

Từ nơi đồng bằng châu Phi đến điểm cực Bắc xa xôi, bạn có thể trải nghiệm nhiều con đường lịch sử thú vị khác nhau theo chân những nhà thám hiểm nổi tiếng. Những bí ẩn chưa lời giải đáp, và cơ hội trải nghiệm các nền văn minh mới luôn thôi thúc con người dấn thân. Dù bản đồ thế giới đã gần được khai phá hết, theo chân các nhà thám hiểm nổi tiếng cũng sẽ mang đến trải nghiệm mới mẻ, khó quên đối với mỗi người.


Dưới đây là 4 cuộc hành trình bạn nên thử ít nhất một lần trong đời.

Con đường tơ lụa đi qua châu Âu và châu Á


Marco Polo rời Venice (Italy) khi mới 17 tuổi. Một hành trình vĩ đại đã đưa ông đến với Con đường tơ lụa huyền thoại, qua Trung Đông, vượt dãy núi Parmir, đi sâu vào Mông CổTrung Quốc.

Vào thời điểm đó, đây vẫn là những bí mật mà người châu Âu chưa thể chạm tới. Thế nhưng con đường ấy lại mang đến danh vọng cho Marco Polo. Ông dành 17 năm gắn bó bên Hoàng đế Hốt Tất Liệt với vai trò cố vấn, một người bạn tin cậy.

Trong khoảng thời gian đó, Marco có cơ hội khám phá nhiều miền đất kì bí và hùng vĩ. Ông đã chia sẻ câu chuyện của mình trong cuốn Marco Polo du ký. Đây được cho là cuốn sách đầu tiên kể về những chuyến thám hiểm.

Lời khuyên cho du khách: Hãy một lần tự mình trải nghiệm Con đường tơ lụa. Hầu hết các nhánh giao thương trên con đường này vẫn đang tồn tại, chạy dài qua Đông Âu, Trung Á, Trung Đông và Trung Quốc.

Du khách có thể di chuyển bằng các phương tiện gắn máy, tận mắt nhìn ngắm sa mạc hay dãy núi hùng vĩ, những đồng cỏ, thảo nguyên rộng lớn của châu Á.

Nếu tìm được nguồn cảm hứng, bạn có thể bắt đầu chuyến đi từ Bắc Kinh, Trung Quốc và dừng chân tại điểm cuối cùng là thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm : 3 thị trấn đẹp tựa cổ tích ở Châu Âu

Hành trình khám phá trái tim của châu Phi


Samuel Baker là nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu người Anh sống ở thế kỷ thứ 19. Ông cùng vợ là Florence đã đặt chân đến nhiều nơi ở châu Phi.

Samuel có công lớn trong việc tìm ra thượng nguồn của sông Nile. Ông cũng tham gia một số cuộc viễn chinh khám phá vùng đất Trung Phi.

Samuel Baker được cho là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra hồ Albert, một trong những hồ nước lớn ở Uganda. Tận mắt chứng kiến nạn buôn bán nô lệ da đen ở châu Phi, ông trở thành một trong những người tiên phong đứng lên ủng hộ việc giải phóng nô lệ.

Lời khuyên cho du khách: Theo chân Samuel và phu nhân Florence Baker khám phá lịch sử là một ý tưởng không tồi. Chuyến hành trình dài này bắt đầu từ Gondokoro (bây giờ là Juba) thuộc Nam Sudan, đến Baker’s View, nơi ông nhìn thấy hồ Albert lần đầu tiên vào năm 1864.

Lộ trình kéo dài 500 dặm đòi hỏi du khách phải chuẩn bị đủ tư trang cần thiết, bởi chỉ có một vài ngôi làng nhỏ trên đường đi.

Căng buồm đi về Tây Bắc, đi dọc theo dòng Congo


Henry Morton Stanley là nhà thám hiểm nổi tiếng với những cuộc hành trình khám phá châu Phi. Ông được nhiều người biết đến với câu nói: “Bác sĩ Livingstone, đó có phải ngài không?”. Đây là những lời đầu tiên Henry nói khi tìm thấy David Livingstone và đoàn thám hiểm của ông, những người bị cho là đã mất tích ở Tanzania vào năm 1871.

Henry Morton Stanley cũng được ghi nhận cho những nỗ lực tìm kiếm thượng nguồn sông Nile và việc phát hiện ra hồ Victoria. Đóng góp lớn nhất của ông chính là đưa sông Congo vào bản đồ thế giới. Ông đã mất 999 ngày ở nơi châu Phi hoang sơ để hoàn thành công trình nghiên cứu này.

Lời khuyên cho du khách: Dù sông Congo chảy qua vùng rừng núi và những nơi còn hẻo lánh ở châu Phi, bạn sẽ không phải tốn nhiều thời gian như ngài Henry để đi hết chiều dài của nó.

Xuôi dòng Congo, một trong những con sông dài và sâu nhất thế giới, du khách có thể tìm hiểu về cuộc sống của người bản địa và ngắm nhìn thiên nhiên hoang dã. Để đảm bảo an toàn, du khách cần chuẩn bị thật kỷ lưỡng bởi chuyến đi này sẽ không có điểm dừng chân giữa chặng.

Xem thêm: 8 điểm du lịch trăng mật lý tưởng năm 2016

Đi tìm thành phố mất tích của người Inca


Đầu thế kỷ 20, sử gia người Mỹ, Hiram Bingham III, đã dành quãng thời gian lớn để khai phá vùng Nam Mỹ. Ông kể về chuyến hành trình từ Buenos Aires, Argentina đến Lima, Peru trong một cuốn sách của mình.

Hiram nổi tiếng với công lao tìm ra Machu Picchu, dù ông đã nhầm lẫn. Hiram cho rằng đây là thành phố thuộc thung lũng Vilcabamba, nơi mà ông từng cất công tìm kiếm. Thực tế, vào thế kỷ 15, Machu Picchu được xây dựng làm nơi nghỉ hè cho Hoàng đế Pachacuti.

Bất chấp sự nhầm lẫn của nhà thám hiểm này, Machu Picchu vẫn được coi là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế giới. Bingham đồng thời là một giáo sư làm việc ở hai đại học danh tiếng: Harvard và Yale (Mỹ). Ông là một trong hình mẫu của nhân vật Indiana Jones trong loạt phim phiêu lưu lừng danh của Hollywood.

Lời khuyên cho du khách: Machu Picchu chắc chắn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn và đáng để khám phá nhất thế giới. Dù vậy, du khách vẫn có nhiều sự lựa chọn khác để thỏa mãn khao khát khám phá đất nước Peru.

Một trong số đó là chuyến đi 8 ngày trên con đường Choquequirao, dọc dãy Andes, qua những tàn tích của đế chế Incan và các pháo đài trên đỉnh núi hoang vu.

Con đường rất ít nhà leo núi lựa chọn này sẽ mang đến cho du khách cơ hội khám phá vùng đất mà Bingham từng đi qua cách đây một thế kỷ, theo cách trọn vẹn nhất.

Theo Popular Mechanics, Zing

Bài đăng phổ biến