Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Những ngày mưa khó quên ở Phượng Hoàng cổ trấn

Những chiếc đèn lồng đỏ làm cổ trấn của Trung Quốc trở nên ấm áp, thơ mộng hơn vào ngày mưa.


Lần đầu tiên đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) đúng dịp mưa đầu tháng 7 vừa qua, Thục Anh (Hà Nội) đã có những trải nghiệm, cảm xúc và cái nhìn khác về nơi này. 

Tôi đến Phượng Hoàng vào những ngày trời mưa đỏng đảnh như Hà Nội bây giờ vậy. Chuyến đi kéo dài gần một tuần nhưng thời gian di chuyển giữa các thành phố đã chiếm đến một nửa. Từ Hà Nội đến Phượng Hoàng, vì thời tiết xấu mà tôi lên đường từ 6h sáng nhưng mãi 1h khuya mới đến nơi, trong đó có 7 tiếng ngồi ôtô. Đêm đó dù tôi đã mệt mỏi rã rời nhưng đến nơi, cổ trấn lung linh trong ánh đèn vàng ấm áp soi bóng xuống mặt nước Đà Giang vẫn khiến tôi đủ sức mơ mộng cho những ngày tới.

Xem thêm: Thu này ta có hẹn với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì


Sáng sớm ở Phượng Hoàng trong trẻo sau cơn mưa đêm hôm trước. Chúng tôi đi xuôi theo con đường chạy dọc bên bờ sông, khi những cánh cửa còn chưa mở và sự im lặng còn buông trên những mái nhà. Trên cầu Hồng Kiều, các cửa hàng cũng chưa hoạt động, chỉ có người đi bộ và dãy đèn lồng còn đang thắp sáng vì trời vẫn mờ sương.

Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của đất nước rộng lớn này không phải là thiên nhiên kỳ vĩ mà chính là những dãy đèn lồng đỏ treo trên những mái hiên còn đang rơi từng giọt nước mưa xuống tán ô của người đi bộ. Giữa cổ trấn mênh mông màu xanh sông nước, màu đỏ của đèn lồng nổi bật hơn trên nền trời xam xám ảm đạm mây giăng kín. Chính những ánh đèn đỏ làm ấm hơn không gian của mùa mưa nơi đây.

Ở Phượng Hoàng, chiếc cầu đá nhảy bắc ngang dòng sông có lẽ là nơi hút khách nhất. Nếu những tấm ảnh của các blogger du lịch chụp tại đây luôn mang vẻ cô đơn và vắng lặng không một bóng người, thì lúc tôi tới là giữa trưa có rất nhiều khách du lịch đang qua lại trên cầu. Dù vậy tôi cũng không bỏ qua cơ hội có một tấm hình ưng ý tại đây.


Cả đoàn ngồi thuyền xuôi dòng Đà Giang chỉ một đoạn ngắn thôi nhưng lại là khoảnh khắc độc đáo nhất tôi cảm nhận được trong chuyến đi. Từng đi thuyền trên vài dòng sông nhưng cảm nhận của tôi không lặp lại lần thứ hai vì mỗi con sông là một câu chuyện. Trên con thuyền hôm ấy có tiếng gió lướt qua bên tai, hòa lẫn với bài hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi phát ra từ điện thoại của một ai đó và nhìn con thuyền lướt chầm chậm trên sông. Dù con sông chẳng tĩnh lặng chút nào vì còn một vài thuyền chở khách du lịch khác nữa, nhưng tôi vẫn cứ thấy như chỉ có một mình tôi với mặt nước xanh biếc và chiếc đèn lồng treo bên cạnh.

Buổi đêm ở Phượng Hoàng cổ trấn không hề ảm đạm như tôi đã nghĩ. Đèn vẫn thắp sáng đến khuya và nhạc vẫn mở trong những quán bar. Tôi chỉ đi bộ dưới lòng đường và ngước nhìn lên hai bên phố. Ở một góc, tôi thấy cánh cửa nhỏ dẫn lên một quán bar phun khói trắng cùng ánh đèn chiếu lên mờ ảo, khiến cho người ca sĩ đứng giữa làn khói như đứng trên sân khấu lớn. Lúc sau tôi lại thoáng nghe giọng nữ hát Lemon Tree vang lên từ quán cà phê nào đó. Mãi như thế cho đến gần nửa đêm.

Xem thêm: Những con hẻm đẹp như trong truyện cổ tích ở nước Ý


Ở tỉnh Hồ Nam, khách du lịch không chỉ dừng chân ở Phượng Hoàng cổ trấn mà còn đến Trương Gia Giới. Tuy nhiên, trong mùa mưa, tôi không thể cảm nhận được nhiều về những thắng cảnh trên cao hay các lối đi bằng kính, vì trời mưa tầm tã, sương mù che khuất mọi góc nhìn. Đứng trên mặt kính, tôi chỉ thấy một màu sương trắng phía dưới.

Núi Thiên Môn cũng bị cơn mưa đầu tháng 7 giấu đi mất, nhưng lúc trời nắng chắc hẳn cảnh tượng phải kỳ vĩ lắm. Tối hôm ấy, tôi được đền bù khi xem chương trình biểu diễn Thiên Môn hồ tiên mà trời không mưa. Tôi từng được xem Ấn tượng Lệ Giang dưới chân Ngọc Long Tuyết Sơn cách đây một năm với sân khấu ngoài trời rất công phu, nhưng về nội dung thì Thiên Môn hồ tiên còn hay hơn nhiều. Câu chuyện tình giữa anh tiều phu và nàng cáo được tái hiện lại trên sân khấu xây dưới chân núi. Các nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng, lúc đứng sát khán giả, lúc lại đứng tít trên đỉnh đồi phía xa. Âm nhạc của vở diễn cũng là yếu tố khiến cho người xem chìm sâu hơn vào thế giới thần tiên, lúc tỉnh lúc mê như đang ở trong mộng.

Tôi từng có định kiến về Trung Quốc khi chọn nơi đi du lịch, phần nhiều vì ở đây không nói tiếng Anh mà tôi lại không hiểu tiếng Trung. Sau một vài chuyến đi, mà gần đây nhất là chuyến đi đến Phượng Hoàng cổ trấn, tôi đã thấy mình dần thay đổi và muốn tìm hiểu thêm về đất nước này. Bỏ qua những ấn tượng tiêu cực mà tôi từng có về đất nước và con người nơi đây, tôi vẫn thấy Trung Quốc là một nơi nhiều bí ẩn mình cần khám phá. 

Theo Cao Xuân Thục Anh

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Nhất định phải nhớ 5 mẹo tránh thất lạc hành lý ở sân bay

Mất hay thất lạc hành lý là điều mà không du khách nào mong muốn, nhất là khi họ vừa trải qua một chuyến bay dài. Dưới đây là những điều bạn nên nhớ để tránh trường hợp hành lý của mình bị hỏng hóc hay mất tích.

Xé thẻ hành lý cũ


Trước một hành trình mới, bạn nên kiểm tra xem trên hành lý còn đính mẩu giấy tag (thẻ) hay không và loại bỏ hẳn chúng. Rất nhiều người đã không thể biết được đâu là mã số mà nhân viên sân bay vừa mới đính trên hành lí vì bị nhầm lẫn với những mã số cũ chưa được loại bỏ. Điều này có thể khiến bạn gặp rắc rối trong khâu kiểm tra hành lý lúc rời sân bay. Hơn nữa, việc này chỉ tốn vài phút thôi nhưng sẽ tiết kiệm được nhiều công cho nhân viên kiểm soát và tránh tình trạng thất lạc hành lý.

Điền thông tin đầy đủ vào thẻ hành lý 


Một hành lý thông thường sẽ luôn chứa đựng thông tin chính xác của chủ nhân ở bảng thông tin. Nếu bạn không muốn ghi rõ địa chỉ nhà riêng của mình thì bạn cũng có thể điền địa chỉ cơ quan, trường học hay chỗ bạn nghỉ lại trong khoảng thời gian đi du lịch. Đồng thời, lịch trình của bạn cũng phải ghi đầy đủ, cụ thể trong bảng thông tin này. Như vậy, bạn có thể nhận lại hành lý của chính mình mà không lo trùng lặp hay thất lạc.

Trong trường hợp nhân viên dưới mặt đất thông báo hành lý của bạn được chuyển nhầm sang máy bay khác và đang trên đường đến sân bay, bạn cũng nên yêu cầu họ đưa một tờ giấy ghi cam kết về tình hình chiếc vali. Ngoài ra, bạn cũng cần lấy số điện thoại để có thể liên lạc và hỏi han tình hình về hành lý của mình.

Sử dụng màng bọc vali


Đây cũng là một cách giúp không bị thất lạc hành lý, đồng thời khiến vali của bạn nổi bật và dễ nhận biết trong quá trình vận chuyển cũng như trên đường băng. Chưa kể đến việc bọc nilon cũng giúp vali tránh được xước xát và hạn chế tình trạng bị móc trộm đồ. Với cách thức này, sẽ mất nhiều thời gian nếu kẻ gian muốn móc đồ trong vali của bạn. Ở sân bay luôn có dịch vụ bọc màng nylon cho hành lý. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền hơn, bạn có thể dán băng keo ở nhà vài vòng rồi dùng cái loại màng bọc thực phẩm quấn nhiều vòng quanh vali. Hiện nay, ngoài thị trường đang có bày bán rất nhiều loại màng bọc với nhiều chất liệu và kiểu dáng đẹp mắt.

Ngoài ra, bạn có thể đánh dấu vali để tránh thất lạc hành lý bằng những mẩu dây màu hay bất cứ thứ gì sặc sỡ để cột vào quai/dây kéo hành lý nhằm nhận diện chúng từ xa trên băng chuyền. Việc “đụng hàng” mẫu mã hành lý ở sân bay là chuyện thường xuyên xảy ra, chính vì thế đây là cách hiệu quả để giúp bạn phân biệt được hành lý của mình từ xa.

Chụp ảnh vali để phòng thất lạc hành lý


Hãy chụp một bức ảnh của hành lý của bạn, nếu chụp bằng điện thoại di động bạn nên giữ điện thoại có hình ảnh đó bên mình thì càng tốt. Nói có sách mách có chứng, một bức ảnh chụp đích thị hành lý của bạn sẽ có giá trị hơn rất nhiều những lời miêu tả không đầu không cuối. Có một cách khác để luôn mang theo hình ảnh đó là bạn hãy in nó ra và kẹp vào giấy tờ phòng thân luôn mang theo bên người, chẳng hạn như trong ví đựng passport. Trong trường hợp bị thất lạc hành lý, bạn có thể để lại bức hình của mình tại quầy “Lost & Found” (Thất lạc & Tìm kiếm) có mặt ở tất cả các sân bay quốc tế để các nhân viên chủ động trong việc xác định vị trí hành lý và danh tính của chủ nhân hành lý đó.

Kê khai tài sản


Bạn nên có một danh mục kê khai những món đồ có trong từng hành lý, hoặc chí ít cũng ghi nhớ trong đầu để có thể dễ dàng trong khâu khai báo với dịch vụ Thất lạc và Tìm kiếm. Một khi danh mục của bạn càng chi tiết thì khả năng đối chứng, xác minh hành lý càng thuận tiện.
Cuối cùng, nếu hành lý của bạn có giá trị lớn như laptop, máy ảnh, đừng ngần ngại mua bảo hiểm. Hành khách có thể mua bảo hiểm cho hành lý và các vật dụng có giá trị cho các nguyên nhân: cháy, nổ, phương tiện chuyên chở bị đâm va, chìm, lật đổ, rơi và mất nguyên kiện hành lý gửi theo chuyến hành trình. Những đồ vật bị mất, thiệt hại theo lời khai của người được bảo hiểm sẽ được cơ quan bảo hiểm xem xét, giải quyết theo giá trị thực tế của nó tại thời điểm bị mất, thiệt hại trên cơ sở so sánh giá tương ứng với đồ vật đó tại nơi bán hàng ở thời điểm trả tiền bồi thường.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Ratatouille – tinh hoa ẩm thực đến từ nước Pháp

Cùng khám phá những điều thú vị xoay quanh món ăn “quốc hồn quốc túy” của ẩm thực Pháp, để hiểu vì sao một món ăn tưởng chừng như đơn giản như Ratatouille lại làm người bản xứ lẫn khách du lịch không khỏi bồi hồi xuyến xao khi thưởng thức ! 


TỪNG LÀ MÓN ĂN BÌNH DÂN


Nhắc đến Ratatouille, chắc hẳn bạn vẫn chưa thể quên chú chuột đầu bếp đáng yêu năm nào trong bộ phim hoạt hình lừng danh của Pixar. Chú chuột Remy, với khả năng nấu ăn thiên phú của mình đã làm nhà phê bình ẩm thực rơi lệ.

Vậy điều gì khiến Ratatouille trở nên đặc biệt? Ratatouille bắt nguồn từ thủ phủ oải hương vùng Provence, nơi nổi tiếng với khí hậu ấm áp Địa Trung Hải. Thời tiết nơi đây tạo nên những món ăn mang đậm dấu ấn nắng và gió của miền Đông Nam nước Pháp, và cái tên Ratatouille dần vượt xa biên giới để trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Người ta tin rằng, Ratatouille ra đời vào cuối thế kỉ 18 tại thành phố Nice – lúc này thuộc công quốc Savoy và là kết quả sáng tạo của những người nông dân nghèo. Ban đầu, đó chỉ là món rau củ hầm đơn giản được thái miếng vuông gọn ghẽ, được bỏ lò cùng sốt cà chua. Dần dần qua thời gian, Ratatouille khẳng định được vị thế của mình và lan tỏa đến những người yêu ẩm thực trên thế giới.


SỰ KẾT HỢP HÀI HÒA ĐẸP ĐẼ


Nguyên liệu làm nên Ratatouille gồm những thành phần chính là cà chua, ớt chuông, dưa leo, cà tím, bí non… Cách làm không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh tế và khéo léo. Ớt chuông có thể nướng lên để dậy vị, thái hạt lựu; cà chua, dưa leo, cà tím… thái lát mỏng. Phần nước sốt bao gồm cà chua, hành tây, ớt chuông nhuyễn mềm, tất cả rộn dầu olive với lá rosemary, có thể thêm một ít tỏi băm nhuyễn để bùng vị thơm. Tất cả cho vào lò nướng. So với việc nấu, món ăn bỏ lò khiến mọi thứ đều chín nhưng vẫn giữ được độ giòn ngọt của rau củ và giữ nóng lâu hơn. Màu sắc bắt mắt của rau củ, cộng thêm một chút tinh tế của rosemary (cây hương thảo) được điểm xuyết trên đĩa làm nên dư vị ngọt ngào thanh khiết khó quên: mềm tan trong miệng, thơm ngọt dịu dàng.

Ratatouille có thể dùng làm món khai vị, nhưng đồng thời nó cũng có thể ăn kèm với cơm, món thịt, vài lát bánh mì hoặc pasta. Hàm lượng calo thấp, giàu vitamin, đây còn là món ruột của những người ăn chay hoặc ăn kiêng.

Có thể nói, Ratatouille là món ăn của mùa hè, khi tất cả những màu sắc tươi đẹp và rực rỡ đều tụ hội trong một món ăn. Bạn có thể ra khu vườn nhà mình, hái vài quả dưa xanh, cà chua chín đỏ, bí ngô chín vàng, và Ratatouille sẽ như là màn trình diễn ẩm thực đầy màu sắc trong một ngày hè đẹp trời.

Nguồn Wanderlust Tips 

Bài đăng phổ biến