Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Những chuyến du hành vĩ đại nhất thế giới động vật

Nói đúng hơn những hành trình này là những cuộc di cư để chúng tìm đến một nơi ở mới dễ chịu hơn khi giao mùa. Bạn có tin những sinh vật này lại có thể kiên trì vượt qua chặng đường hàng ngàn km để đi tìm vùng đất hứa ? Chưa kể bao nhiêu hiểm nguy từ thiên nhiên hay các kẻ thù săn mồi khác đang đe dọa trong chuyến du lịch thế kỷ này.

Những chuyến di cư vĩ đại nhất thế giới động vật

Rùa biển

Rùa biển

Rùa biển là một loài có chuyến di cư vượt biển ngoạn mục nhất thế giới : khi đến tuổi trưởng thành, rùa cái sẽ vượt đại dương để trở về đúng nơi chúng được sinh ra để làm tổ và đẻ trứng. Lần ghi nhận dài nhất là một con rùa lưng da băng qua Thái Bình Dương, từ bãi biển làm tổ ở Papua, Indonesia; chúng bơi hướng về phía đông đến bang Oregon, Mỹ rồi quay lại.Chuyến vượt biển này dài hơn 20.000 km và cũng là quãng đường di cư dài nhất của một loài bò sát từng được ghi nhận. Hiện tượng này đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với khoa học và thu hút rất nhiều du khách đổ về chiêm ngưỡng hàng năm.

Chuồn chuồn

Chuồn chuồn

Chuồn chuồn là một loài cũng có khả năng di chuyển với một quãng đường dài. Chuyến di cư của chúng đôi khi có thể kéo dài tới 4 thế hệ, với mỗi thế hệ sẽ di chuyển một phần hành trình tương tự như cuộc đua tiếp sức. Đây cũng là cuộc di cư lớn nhất trong tất cả các loài côn trùng từng được phát hiện. Chuồn chuồn thường xuất hiện theo mùa mưa từ mùa mưa ở Ấn Độ cho đến mùa mưa ở miền Đông và Nam châu Phi. Một số các chuyên gia đã làm một cuộc ghi nhận quãng đường di chuyển của chuồn chuồn kéo dài từ Ấn Độ đến Maldives, Seychelles, Mozambique, Uganda và quay trở lại, tổng cộng hành trình dài 14,000 đến 18,000 km.

Các loài chim

Các loài chim

Hằng năm, có khoảng 1,800 các loài chim trên thế giới thực hiện chuyến du lịch đường dài. Vài cuộc hành trình đó là một trong những chuyến di cư lâu đời nhất trên thế giới. Chẳng hạn như loài nhạn biển Bắc Cực được cho là có chuyến di cư dài nhất trong tự nhiên, khoảng 70,811 km tức là gần với khoảng cách đi theo đường zig zag giữa Bắc Cực và Nam Cực. Còn Limosa lapponica (một loài thuộc họ chim Dẽ) thực hiện các “chuyến bay thẳng” đáng nể từ New Zealand và Trung Quốc. Hay loài chim cánh cụt hoàng đế mủm mĩm ở Nam cực cũng di chuyển để tránh mùa đông khắc nghiệt từ tháng 10 đến đầu tháng 12.

Tuần lộc Bắc Mỹ

Tuần lộc Bắc Mỹ

Tuần lộc Bắc Mỹ là loài có chuyến di cư dài nhất trong lịch sử các loài động vật có vú trên cạn. Trung bình hàng năm, chúng di chuyển một quãng đường khoảng 4,828 km từ Canada và Alaska tới vùng đồng bằng bên bờ biển Bắc cực. Mục đích chính là tìm kiếm nguồn thức ăn dinh dưỡng và tránh cái rét buốt cắt da khắc nghiệt.

Cá ngừ và cá hồi

Cá ngừ và cá hồi

Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được biết đến là một trong những kiện tướng bơi lội thần tốc và có khả năng hoàn thành chuyến di cư dài trong thời gian ngắn nhất. Một con cá ngừ có thể đi 25.000 dặm giữa Mỹ và Nhật Bản chỉ trong 20 tháng.

Cá hồi đỏ được xem là một trong số các loài có tập tính sống kỳ lạ và bí ẩn nhất trong thế giới động vật : bơi ngược dòng để sinh sản.Cứ sau 4 năm, hàng triệu con cá hồi đỏ lại trở về sông Adams, Canada để sinh sản và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Khi về môi trường nước ngọt, thân cá sẽ chuyển dần sang màu đỏ, đầu cá lại có màu xanh lục. Vì bơi ngược dòng nước chảy xiết và không có thức ăn nên những con cá hồi đỏ sẽ chết sau khi đẻ trứng.

Ngỗng đầu sọc

Ngỗng đầu sọc

Ngỗng đầu sọc là một vận động viên bay cao đáng nể khi có thể vượt qua đỉnh Everest tương đương với gần 9000m để di cư từ Ấn Độ đến vùng phụ cận Tây Tạng. Hành trình của chúng dài gần 8,000 km và mất hơn 2 tháng để đến nơi. Trên đường đi, thỉnh thoảng những con ngỗng đầu sọc này cũng dừng lại nghỉ chân,ngoại trừ quá trình chinh phục nóc nhà của thế giới trong 8 tiếng. Đặc biệt hơn chính là chúng đạt đến độ cao ngất ngưởng như vậy chỉ bằng cách đập cánh mãnh liệt, không lợi dụng sức gió hoặc vận dụng dòng khí lưu hướng lên trên.


Nguồn: tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến