Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ra đảo Bé Lý Sơn bắt nhum sọ nấu cháo

Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất sau chuyến đi An Bình (đảo Bé Lý Sơn, Quảng Ngãi), tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời ngay rằng có hai điều tôi nhớ nhất, đó là biển xanh, cát trắng và món cháo nhum.

Nhum tươi ngon mới bắt ở biển An Bình - Ảnh: Iris Trương

Nhum (hay còn gọi là nhím biển, cầu gai) phân bố ở nhiều vùng biển nước ta và không phải là món ăn xa lạ, nhưng ra An Bình tự mình bắt nhum rồi nấu cháo để ăn đến no nê thỏa thích, sau khi đã vùng vẫy đến mệt lử trong biển xanh, cát trắng và sự hoang sơ đến ngây dại của nơi này thì không phải ở đâu cũng có thể có được.

Nhum thường sống ở những vùng biển ven bờ nhiều san hô từ Bình Định đến Quảng Ngãi, trong đó những ghềnh đá ven bờ đảo An Bình nổi tiếng có nhiều nhum.

Ra An Bình vào mùa thu hoạch nhum, khoảng từ cuối xuân đến giữa thu, nếu biết bơi và ưa mạo hiểm bạn có thể tham gia bắt nhum cùng thanh niên trên đảo.
Nhum là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và có thể chế biến thành nhiều món: nhum tái chanh, nhum nướng mỡ hành, xúp nhum… Nhưng dễ ăn và phù hợp với mọi lứa tuổi thì chỉ có cháo nhum. Đối với tôi, món cháo nhum đã thưởng thức ở An Bình là món cháo tuyệt vời nhất trong đời tôi từng thưởng thức cho tới hiện tại.

Bắt nhum ở An Bình trông thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Đơn giản vì chỉ cần mặc đồ bơi, mang chiếc kính lặn tự chế giúp nhìn rõ dưới nước, một chiếc móc sắt để cời nhum là bạn có thể bắt đầu lặn xuống và săn nhum.

Chỉ cần men theo các tảng đá nhiều san hô, rong biển là sẽ nhìn thấy những con nhum to chừng bằng quả cam, gai lông tua tủa như những quả chôm chôm màu sắc sặc sỡ đang bám trên đó. Khẽ dùng móc sắt cời con nhum ra, sau đó nhặt vào thúng phao, thế là đã có nhum để chế biến tùy thích rồi.

Trông thì đơn giản thế nhưng cái khó là ở chỗ nếu bắt nhum không cẩn thận bị gai nhum chích vào tay, hoặc bơi lặn không để ý mà giẫm phải nhum thì sẽ rất nhức và buốt. Bởi vậy đòi hỏi người bắt nhum phải khéo léo, cẩn thận và kiên trì.

Nhum ở An Bình chủ yếu là nhum sọ, màu sắc sặc sỡ, đỏ, vàng, cam, trắng đủ loại. Nhum sọ gai ngắn và mềm hơn nên dễ chế biến hơn nhum gai (hay còn gọi là nhum đen), gai cứng và dài hơn.

Nhum bắt về rửa sạch rong rêu, sau đó lấy dao tách làm đôi. Đầu tiên bạn sẽ tưởng đó là một quả cầu rỗng vì phần lớn bên trong con nhum hoàn toàn trống không. Chỉ khi nhìn kỹ vào bên trong bạn mới thấy sát lớp vỏ nhum là những múi thịt lẫn với trứng nhum có màu vàng tươi rất ngon mắt.

Nhẹ nhàng lấy thìa, đĩa hoặc tốt nhất là thanh tre mỏng khều trứng và thịt nhum ra để vào tô.

Trong khi mấy anh em tôi ngồi bệt trên bãi cát gần nhà hì hụi khều trứng nhum - một trải nghiệm rất thú vị mà không phải lúc nào và ở đâu bạn cũng có thể trải qua, thì trong bếp bác chủ nhà nơi chúng tôi homestay đã bắc một nồi cháo hoa tự bao giờ.

Trứng nhum khều xong có thể đem xào qua với gia vị, hạt tiêu, hành phi thơm cho vừa ăn rồi đợi cho vào cháo. Một số người không thích xào thì cứ thế cho vào cháo luôn, vì như vậy sẽ giữ được vị tươi ngon, nguyên chất của nhum.

Đợi đến khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho trứng nhum vào đun cùng cháo. Ủ cháo trong bếp cho ấm, đến khi nào bắc ra ăn thì rắc thêm ít hành hoa nữa cho thơm là có thể bắt đầu thưởng thức.

Bát cháo nhum thơm lừng bổ dưỡng - Ảnh: Iris Trương

Vùng vẫy chán chê trong làn nước xanh trong văn vắt, chạy nhảy chán chê trên những bãi biển cát trắng phau phau gần nhà - những bãi biển đẹp và nguyên sơ đến ngộp thở mà bạn không thể thấy ở nơi nào khác ngoài An Bình - đến khi đã thấm mệt và ngấm lạnh thì trở về ăn cháo nhum là vừa.

Giữa lúc ấy, một bát cháo nhum nóng hổi, thơm lừng làm bạn hồi sức và tỉnh táo cả người.

Cháo nhum chuẩn mực phải là cháo hoa nấu từ gạo chứ không phải từ bột gạo. Lúc múc cháo ra ăn những hạt gạo phải nở bung, nhuyễn, quyện vào nhau, nước cháo có độ sánh và cháo phải có màu hồng hồng vàng vàng của trứng nhum, thơm thơm của hành.

Ăn cháo nhum tuyệt nhất phải ăn với bánh đa nướng. Trong khi chuẩn bị nhắc cháo ra ăn, nhanh tay quạt một vài chiếc bánh đa trên bếp than cho phồng đều, vàng ươm để đến khi mang ra ăn cùng cháo, bánh hãy còn nóng ấm và giòn. Bẻ nhỏ những miếng bánh đa cho vào bát cháo rồi bắt đầu thưởng thức.

Cháo nhum có một vị ngọt mà không loại bột nêm, gia vị hay nước xương nào có thể mang lại được. Vị ngọt thanh, dịu mà lại rất đậm đà. Đồng thời là một hương vị hấp dẫn vô cùng, tươi ngon, thơm nồng như mùi vị từ nắng và gió từ biển xanh bao la.

Xen giữa những thìa cháo là miếng bán đa giòn tan, ăn hoài không biết chán.
Iris Trương

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

13 món ăn rất ngon vừa quen, vừa lạ của đất cảng Hải Phòng

Bên cạnh những món quen thuộc như nem cua bể, bánh mì cay, bánh đa cua, bún tôm… thì giá bể, chả chìa, cua rang muối, gỏi rau muống tép sông…là những món ngon ít người biết của quê hương Hải Phòng. 
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Giá bể (giá biển)

Giá bể là món ăn mà không phải ai là người Hải Phòng cũng biết về nó. Giá bể là loài sống ở những bãi bồi ven biển, thường có quanh năm nên cũng có khi người ta gọi nó là giá biển. Giá bể có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn. Chân của nó giống như giá đỗ thò ra ngoài. Giá bể được chế biến phổ biến nhất là giá bể xào và nộm giá bể.


Giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn. Tuy nhiên, với nhiều người thiếu kiên nhẫn thì ăn giá bể rất mất thời gian vì phải tách vỏ từng con một để lấy thịt bên trong.

Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà cũng khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn, có thể cho thêm hành phi thơm lên trên. Giá tiền cho một bát cháo khoái là 10k/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng). Ngoài cháo khoái, bạn cũng có thể thưởng thức thêm món cháo sườn hoặc cháo trai.


Cháo khoái thường được bán vào buổi chiều. Bạn sẽ thấy thật tuyệt khi được thưởng thức một bát cháo khoái vào lúc bụng “ngon ngót” mỗi chiều, nhất là trong những ngày đông lạnh như thế này.

Gỏi rau muống tép sông

Được xem là món ăn chơi cũng giống như những món gỏi khác, nhưng gỏi rau muống tép sông đặc trưng ở chỗ rất dân dã, dễ làm và được ưa chuộng. Rau muống có quanh năm và ở mọi nơi nên việc tìm nguyên liệu cho món này cũng không khó. Cái quan trọng nhất trong món gỏi là sự kết hợp hài hòa các gia vị sao cho thật vừa miệng và hấp dẫn từ bề ngoài cho tới hương vị món ăn.


Tép sông con nhỏ, rửa sạch, để ráo, đem rang chín với một chút dầu ăn. Lạc khô rang chín, xát bỏ vỏ và đập dập, húng quế đem rửa sạch thái nhỏ, ít hoa chuối rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, giã dập, ớt thái sợi, bỏ hạt. Cho tỏi, ớt, nước cốt chanh cùng ít đường, mì chính khuấy đều cho tan. Rau muống, hoa chuối trộn với tỏi ớt chua ngọt, sau đó cho hung quế và tép vào, kế tiếp là lạc rang lên trên. Dùng đũa trộn đều các hỗn hợp. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị giòn giòn rất thú vị từ rau muống.

Cơm cháy hải sản

Nhắc đến cơm cháy, nhiều người thường nghĩ đến Ninh Bình. Nhưng người Hải Phòng không nhất thiết phải đến tận Ninh Bình để thưởng thức món cơm cháy đặc biệt đó. Ngay tại đất Cảng cũng có món cơm cháy, nhưng mang đặc trưng của Hải Phòng: cơm cháy hải sản.


Thực ra cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn, nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Cái lạ của cơm cháy là nếu ăn với loại nước sốt nào sẽ có hương vị của nước sốt ấy, nên nước sốt càng ngon thì ăn với cơm cháy càng ngon. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.

Thơm ngon, không ngán và đặc biệt, có thể ăn đến no. Đó là những điều ẩn chứa trong món ăn lạ miệng nhưng rất bình dân này.

Cua rang "muối"

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra một món ngon Hải Phòng vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải.


Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Ốc xào khế

Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản gồm khế chua, củ nghệ, nắm lá tía tô, vài cái lá lốt, mỡ hành hoa, ốc. Các thứ rau hành gia vị nhặt rửa sạch sẽ, khế thái ngang như những ngôi sao nhỏ rồi bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân.


Cho ít dầu ăn vào chảo, phi thơm đầu hành trắng, cho khế đã vắt khô vào đảo, nêm ít mắm muối và nước nghệ vào đảo đều. Khi khế ngấm mắm muối thì cho ốc đã làm sạch vào đảo thêm vài lượt cho ốc thật nóng và ngấm gia vị. Để món ăn thêm thú vị và béo thơm, người Hải Phòng còn cho thêm chuối xanh xào cùng các nguyên liệu. Bắc chảo ra, cho tía tô, lá lốt và hành thái nhỏ vào đảo đều. Cho ra đĩa, rắc lên ít gừng thái mỏng ăn thật nóng rất ngon. Gắp một đũa, ốc thì giòn và béo, khế chua dịu, gia vị đậm đà, quyện với mùi rau hành và tía tô ngon không thể tả.

Chả chìa

Chả chìa với 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…


Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.


Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng.

Bún tôm

Bún tôm cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Lẩu cua đồng

Món lẩu cua đồng tại Hải Phòng có hương vị đậm đà hơn so với các địa phương khác, do người dân Hải Phòng đặc biệt ưa thích những món ăn chế biến từ cua (gồm cả cua đồng và cua bể). Nguyên liệu chính của món này là cua đồng loại tươi, khi ăn nước lẩu ngọt đậm đà với riêu cua, ăn kèm rau, hành, thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn… Các quán lẩu cua đồng ngon cho bạn lựa chọn: Lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.

Nem cua bể

Nem cua bể được xem là món đặc trưng của thành phố Cảng. Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống ở miền Nam hay của người Hà Nội, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông, nên còn được gọi là nem vuông.


Nhân nem gồm có thịt cua tươi, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, trứng, giá… tẩm ướp gia vị vừa miệng. Một điều cũng rất quan trọng để nem có độ giòn, thơm, chính là loại bánh đa cuốn thường chỉ được đặt làm riêng. Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó khéo léo gói thành hình vuông trông đẹp mắt. Khi ăn, người ta kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Bánh mì cay

Bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, ruốc và tương ớt. Bánh được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Đây là món ăn lót dạ được yêu thích của học sinh - sinh viên. Bánh mì cay được bán phổ biến tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh, quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp ở Chợ Con…

Bánh đúc tàu

Món ăn với cái tên khá xa lạ, nhưng đối với các bạn trẻ Hải Phòng thì đây lại là món ăn quen thuộc. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.


Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Những món chả làm xiêu lòng người Hà Nội

Chả cốm, chả rươi hay chả cá từ lâu là một số món ăn đặc trưng của Hà Nội, nhất là trong những ngày thu se lạnh.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Các món chả góp phần làm nên sự đa dạng cho kho tàng ẩm thực Việt Nam. Ở rất nhiều quán ăn ở Hà Nội bán các loại chả dưới đây.

Chả cốm

Tháng 9 mùa thu Hà Nội, những con đường ngập sắc lá vàng và gánh hàng rong chở cốm len lỏi khắp các ngõ ngách Hà Nội. Đó cũng là lúc xuất hiện món chả cốm ngon trứ danh, từ quán hàng bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng.

Chả cốm là món ăn thường xuất hiện trong các quán ăn từ bình dân đến sang trọng. Ảnh: emdep

Những hạt cốm dẻo, thơm, xanh có thể dùng để ăn chơi cùng chuối tiêu hay nấu thành xôi, chè, bánh cốm, cốm xào... Nhưng đặc trưng nhất có lẽ là món chả cốm với hương thơm vương vất.

Chả cốm không dùng các loại gia vị dậy mùi như hành, tỏi… vì sẽ làm mất hương cốm. Chả ngon khi được hấp sơ trước khi rán và càng thơm hơn khi được bọc trong lá sen, có thể ăn cùng với cơm, xôi, bánh mì hay bún đậu mắm tôm. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt nạc băm, dẻo của hạt cốm bên trong và giòn xốp của lớp vỏ bên ngoài.

Bạn có thể ăn ở quán trên phố Hàng Khay, ngõ Phất Lộc, phố Hoàng Cầu. Món ăn này được ăn kèm với bún đậu mắm tôm, có giá 35.000 - 40.000 đồng một suất.

Chả rươi

Rươi là một món ăn đặc sản nhưng chỉ có theo mùa. Vào độ tháng 9, 10 âm lịch là lúc rươi sinh sản và phát triển. Món ăn này là đặc sản nhưng cũng rất thách thức người ăn nếu nhìn thấy những con rươi sống loe ngoe.

Vào mùa, khắp các chợ đều có những quán hàng bán rươi màu xanh nhạt ửng sắc bạc. Khi vớt lên người ta rửa qua bằng nước lạnh cho sạch hết nhớt và rác, sau đó cho vào nước nóng già để rụng bớt lông, để ráo nước rồi mới chế biến.

Chả rươi rất kén người ăn. Ảnh: Đinh Hương

Rươi được trộn đều cùng một chút thịt băm nhuyễn, hành, thì là, vỏ quýt thái sợi nhỏ, trứng gà, cuối cùng mới cho gia vị để rươi không bị vỡ. Cách làm đơn giản nhưng cũng phải có bí quyết với tỷ lệ pha trộn để sao cho rươi không vị vỡ, mà món chả vẫn đậm đà, người ăn cảm nhận được vị béo của rươi.

Chả rươi có vị thơm ngon, ngọt, bùi, ngậy của rươi và vị thơm nhẹ của vỏ quýt khiến bạn muốn ăn mãi không thôi. Những người sành ăn thường cuốn chả rươi với lá lốt, ăn rất ngon, lạ miệng. Một số quán ăn như trên phố Lò Đúc, Gia Ngư... bán với giá khoảng 15.000 đồng một miếng.

Chả mực

Chả mực có ở rất nhiều nơi, làm từ mực mai tươi ngon được đánh bắt từ biển. Ở nhiều vùng biển có mực nhưng không phải nơi đâu cũng làm được chả mực thơm ngon và đậm hương vị như Hạ Long.

Muốn làm chả ngon người chế biến phải giã bằng tay, và đều cho đến khi mực dẻo kết dính với nhau là được.

Những miếng chả mực ăn giòn, dai và đậm đà vị biển. Ảnh: nauanngon

Chả mực được nêm một chút nước mắm, hạt tiêu giã giập và nắm thành từng miếng, thả vào chảo dầu nóng chiên vàng. Khi ăn cảm nhận được vị ngọt, giòn, dai và đậm hương vị biển cả. Chả mực được chấm cùng tương ớt hay nước mắm nguyên chất đều ngon. Ở Hà Nội bạn có thể ăn ở một số nhà hàng hải sản ở đường Nguyễn Khánh Toàn, phố Hàng Đậu...với giá 80.000 đồng một đĩa.

Chả cá

Chả cá là món dễ ăn hấp dẫn được khẩu vị của nhiều người. Cách làm chả không khó, nguyên liệu chủ yếu là cá còn tươi, thịt chắc, có thể để nguyên miếng hoặc quết nhuyễn.

Để tăng độ kết dính, người ta cho thêm một chút thịt nạc trộn lẫn rồi cho một số gia vị như hành, thì là, tiêu, ớt... sau đó cặp tre tươi hoặc vỉ nướng trên lò than hoa. Người nướng phải quạt lửa vừa đủ để chả cá chín phần bên trong mà không bị cháy.

Những lát chả cá vàng ươm, hấp dẫn. Ảnh: Thảo Nghi

Cắn miếng chả cá còn nóng, mùi thơm đặc trưng của thì là tỏa ra nhè nhẹ, hòa quyện với vị chả cá đượm nồng gia vị mà thấy nức lòng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở nhà hàng phố Giảng Võ, Đường Thành, Thái Hà với giá khoảng 160.000 đồng một suất.

Anh Phương

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Mỗi du khách khi có dịp dừng chân nơi đây đều không thể bỏ lỡ những sản vật lừng danh như nem Phùng, giò chả Ước Lễ, rau sắng chùa Hương và nhiều sản vật khác.
 
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nem Phùng

Nem Phùng nếu tính tuổi chắc cũng đến 100 tuổi, món ăn bình dị, đậm hương vị quê hương đồng nội đã đi sâu vào trong tâm trí của những thực khách đã một lần thưởng thức nem Phùng. Tiếng lành đồn xa, cha truyền con nối, tiếng thơm lại nối tiếp tiếng thơm để rồi mỗi lần nhắc đến quê hương người gái đảm Đan Phượng là một lần người ta thì thầm với nhau rằng: “ở đó có đặc sản Nem Phùng”.

Nem Phùng được bán dưới hai hình thức: nem quả (mỗi gói khoảng 200g) hoặc theo cân (200.000 đồng một kg). Nhà 4-5 người, bạn mua 400g là ăn thoải mái.

Nem gồm thịt cả mỡ cả nạc, chần qua nước sôi thái nhỏ, bì lợn luộc kỹ, thái sợi trộn với thính. Nem không dùng chất bảo quản nên chỉ để được 2 ngày là cùng. Thành phần của nem hơi giống nem nắm Nam Định nhưng mỡ ít hơn.

Ăn kèm với nem là lá sung, đinh lăng chấm với nước tương vàng chứ không phải là nước mắm như một số loại nèm khác. Bạn có thể dùng chính lá sung hoặc bánh đa nem để cuốn.

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, nơi đây không quá sầm uất như nhiều con phố khác ở Hà Nội, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Hảo Cường, Nem Phùng Bà Hải Phở… mỗi cơ sở đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng mến khách, dịu dàng niềm nở.

Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Thôn chỉ rộng khoảng 1km vuông, với gần 450 hộ dân. Người Ước Lễ không nhớ rõ nghề làm giò, chả quê mình có từ khi nào, chi biết rằng tiếng chày giã thịt nghe đã quen thuộc khi họ còn tấm bé.

Giò Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác. “Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở nhân trong, có nhiều lỗ nhỏ. Miếng giò ăn ngon, giòn, không bị bã. Ðặc biệt là giò Ước Lễ không bao giờ pha bột, có lẽ vì vậy mà luôn được khách hàng tín nhiệm.

Rau sắng

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Rau sắng mua về được nhặt tách riêng lá và cọng, dùng để nấu canh. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ màng. Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Nước canh sôi, nêm chút muối rồi cho lá rau sắng và các cọng thân đã rửa sạch vào nước. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.

Rau sắng ngày nay được coi là rau sạch, đưa vào các siêu thị như một thứ rau cao cấp, bán từng lạng cân. Ngoài vị ngọt ngon, rau sắng quý vì hiếm vì một năm chỉ có trong vài tuần, cây sắng mọc cheo leo tận núi cao và cũng vì cả giai thoại “Muốn ăn rau sắng chùa Hương…”.

Mơ Hương Tích

Một trong những đặc sản chùa Hương không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân phải kể đến mơ Hương Tích, một sản vật tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất Hương Sơn.

Mơ Hương Tích còn có cái tên “độ nhị mai” bởi nét đặc biệt một năm trổ bông hai lần và cho hai lần quả.


Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, không những là loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể về các bệnh tim mạch mà mơ còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân. Người ta thường ngâm rượu mơ làm thuốc, ngâm mơ lấy nước uống giúp thanh nhiệt mùa hè.

Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn, thịt dày có mùi thơm đặc biệt là ngon nhất. Đến chùa Hương hãy chọn loại mơ này về ngâm với đường. Sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.

Mỗi khi có dịp ghé chân nơi đây, du khách thường không bỏ lỡ sản vật hấp dẫn này mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.

Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử.


Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột. Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng và cả một chút ngậy của thịt lợn. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.

Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam dẻo dẻo, uống một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

Chè củ mài

Củ mài cũng là đặc sản của Chùa Hương. Bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài được nấu ngay tại đây. Chè củ mài, món ngon giải khát cho du khách khi hành hưng trên tuyến đường lên động Hương Tích. Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của vùng núi chùa Hương vào những ngày lễ Phật Đản.


Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.

Cách làm chè củ mại cũng rất dễ, khi đun sôi nước cho củ mài vào đun thật nhừ, lấy đũa cái đánh tan thành bột, sau cho mật ong hoặc cho đường trắng vào đảo đều, rồi múc lên bát để nguội ăn với oản mịn, xôi vò. Đây là món ẩm thực chay tịnh, du khách trẩy hội chùa Hương thường mua củ mài về làm quà để thưởng thức hương vị chè củ mài Chùa Hương.

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.


Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Hà Tây còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn ở làng cổ Đường Lâm với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.


Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.
(Theo Gia đình & Xã hội)

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Món ăn đường phố ở Đà Nẵng níu chân du khách

Đà Nẵng lưu giữ nét ẩm thực rất riêng với nhiều món ăn đường phố làm nao lòng du khách như bún chả cá, bánh canh, ốc hút...
Xem thêm: 45 điều khiến bạn "yêu điên cuồng" Đà Nẵng

Bún chả cá

Chả được chế biến từ cá, bí đỏ và dứa (thơm), còn nước dùng được làm theo cách truyền thống đậm đà hương vị miền Trung. Khi ăn tô bún, bạn có thể cảm nhận được hương vị ngọt ngào của cá biển, vị cay nồng của ớt, tỏi giã nhuyễn và ngọt thanh của mắm tôm khiến du khách phải tấm tắc. Địa chỉ tham khảo là quán trên đường Nguyễn Chí Thanh và Hải Phòng, giá khoảng 25.000 đồng một bát. Ảnh:tuoitrevietdanang

Gỏi chuối

Thành phần chính của món gỏi này là hoa chuối, thịt heo, tôm và đâu phộng rang. Gỏi chuối luôn thu hút khá nhiều thực khách bản địa bởi hương vị dân quê gần gũi. Nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị bằng những món ăn quen thuộc, thơm ngon thì đây là sự lựa chọn phù hợp. Địa chỉ gợi ý là quán trên đường Hải Phòng, giá 30.000 đồng một đĩa. Ảnh: Amthuc365

Bánh canh

Cọng bánh được làm từ sắn, lúa mì hay gạo tùy theo mùa với kích cỡ khá dày, cùng hương vị đậm đà của nồi nước dùng nấu từ thịt heo, cua, cá. Một tô bánh canh nghi ngút mùi thơm ăn cùng bánh mì (xúi quẩy) chiên dai dai khiến không ít thực khách mê mẫn. Các quán bánh canh nổi danh luôn nhộn nhịp thực khách ra vào trên đường Nguyễn Du, Hà Thị Ngân, Đống Đa. Giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Ảnh:caibatvang

Chè

Với giá thành khoảng 5.000 đồng một ly, chè là món ăn vặt đường phố phổ biến ở Đà thành. Đây cũng là món giải khát thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ dưới tiết trời cuối hạ nóng nực. Chè được chế biến khá đa dạng cho khách lựa chọn như chè bắp, trôi nước, khoai môn, đậu ngự, đậu xanh, đậu đỏ, chè bột lọc… Địa chỉ tham khảo là đường Lê Duẩn. Ảnh: caibatvang

Bún mắm

Cá cơm muối chín tới, lọc kỹ lưỡng để tạo thành một loại mắm nêm ngon trứ danh. Các thành phần của tô bún mắm gồm có thịt heo rang khô, rau thơm, đu đủ xanh bào, đậu phộng, hành phi ăn kèm với thịt luộc thái lát, chả… Bạn có thể thưởng thức bún mắm ở bất kỳ nơi nào khi ghé Đà Nẵng. Đông đúc nhất ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng. Giá khoảng 20.000 đồng. Ảnh: Skcs

Ốc hút

Vào buổi tối trên các cung đường Lê Duẩn, Bùi Thị Xuân, Đồng Kè… luôn tấp nập khách đến đây thưởng thức hương vị biển cả với món ốc. Các loại ốc hút, ốc đinh, ốc bươu… được chế biến theo cách riêng biệt không lẫn vào đâu được. Ốc hút giá khoảng 15.000 đồng một đĩa. Ảnh: Khachsandanang

Hoàng Thương

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Thịt trâu nhúng mẻ - món ăn dân dã miền Tây

Thịt trâu dai, mềm quyện lẫn cùng nước mẻ được pha khéo léo với vị chua, mặn ngọt, cay tới hốc mũi khiến bạn vừa ăn vừa muốn hít hà.

Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Trâu nhúng mẻ là món ăn đặc sản của miền Tây, được các nhà hàng biến tấu và chế biến theo nhiều cách với hương vị khác nhau.

Trâu nhúng mẻ muốn ngon phải chọn loại thịt tươi, được cắt ngang thớ rồi ướp các gia vị như sả, ớt, tỏi, muối, bột ngọt, đường trong vòng một giờ cho ngấm.

Nước mẻ được nhúng thịt trâu cũng được pha chế sao cho đủ chua, không bị gắt, và có vị cay của ớt, thơm của sả. Thịt trâu được bày lên đĩa, bên trên là những lát hành tây xắt mỏng.
Thịt trâu nhúng mẻ với thứ nước dùng chua, thanh, có vị thơm thơm của sả. Ảnh:khuyenmaivang

Món ăn này không thể thiếu được các loại rau của miền Tây như bông điên điển, bông so đũa hay những mầm cải nhỏ, bông súng, kèo nèo, rau ngổ... Chính những loại rau này sẽ góp phần làm nên hương vị cho món trâu nhúng mẻ.

Khi ăn chỉ cần nhúng qua thịt trâu vào nồi nước mẻ kèm các loại rau bày sẵn, vừa có tác dụng thanh nhiệt, vừa bổ dưỡng. Các quán tại miền Tây còn kèm thêm đọt nhãn lồng, lá tai tượng ăn cùng với bún tươi. Giá một nồi lẩu khoảng 250.000 đồng.

Anh Phương

Lợn cắp nách, pa pỉnh tộp vùng núi Tây Bắc mùa lúa chín

Những con lợn chỉ to chừng 10 kg, thịt thơm, chắc, nướng lên cùng lá mắc mật hay cá suối tươi ngon nướng trên bếp than hồng là món ăn bạn phải thử khi khám phá Tây Bắc mùa lúa chín.
Xem thêm: 6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Tháng 9, tháng 10, khắp Tây Bắc rực một màu vàng óng của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang. Đến đây, bạn cũng được thưởng thức những món ăn ngon.

Lợn cắp nách

Lên Tây Bắc, bạn dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh này trong các phiên chợ. Ảnh: Blogspot.

Là giống lợn nhỏ, chỉ chừng chục kg, con vật này được người dân miền núi nuôi theo kiểu thả rông. Chúng ăn ngô, khoai, sắn hay rễ cây, rau cỏ trong rừng. Lớn lên bằng thức ăn tự nhiên nên thịt rất sạch.

Thịt lợn cắp nách có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong quán ăn ở vùng cao, bạn dễ dàng thưởng thức những món thịt nướng được tẩm ướp kỳ công cùng gia vị đặc trưng của núi rừng như lá mắc mật, mắc khén... Đĩa thịt nướng được dọn ra có màu vàng ươm như mật ong, dậy mùi thơm, khi ăn cảm nhận vị ngọt, đậm đà.

Tại những phiên chợ trên vùng cao Tây Bắc, bạn có thể thấy người dân tộc gùi trên lưng những tảng thịt xuống chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa. Thịt lợn cắp nách được bán khoảng 130.000 đồng một kg.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp có vị nồng nồng của khói, vị bùi của trâu, vị cay của mắc khén. Ảnh: Blogspot.

Trong những bữa cơm đãi khách của người dân tộc thường có thịt trâu gác bếp. Bạn cũng dễ dàng tìm thấy món này trong các quán ăn ở miền núi.

Trâu gác bếp Tây Bắc được tẩm ướp kỳ công với muối, ớt, gừng, mắc khén và hạt dổi giã nhuyễn nên có mùi bị riêng biệt. Để chế biến món này, thường vào khoảng tháng 8, người dân mổ thịt trâu, chọn thăn, bắp ở vai, lưng... rồi thái thành từng miếng, ướp gia vị, treo lên gác bếp. Khói bếp, hơi nóng khiến thịt trâu khô dần và có mùi đặc trưng.

Xé miếng thịt trâu, bên ngoài trông khô, quắt nhưng bên trong vẫn có màu hồng tươi. Đưa miếng thịt trâu lên miệng, chậm rãi nhai, cảm nhận vị ngọt cứ lan dần. Thịt trâu được bán với giá khoảng 700.000 đồng một kg.

Pa pỉnh tộp

Cá nướng là món ăn được nhiều thực khách lên Tây Bắc thích thú. Ảnh:sonlatourism

Pa pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn đặc sắc của người dân Tây Bắc. Cá suối thường chỉ ăn rong rêu, lá cây và động vật giáp xác nên rất sạch, khi mổ ra không thấy mùi tanh. Khác với cách chế biến ở dưới xuôi, người ta không mổ bụng mà dọc sống lưng, móc hết phần ruột cá.

Pa pỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nào. Sau khi mổ lưng, người ta tẩm ướp gia vị, cho rau thơm thái nhỏ, mắc khén... vào rồi gập con cá cho lên bếp nướng. Khách lên đây thích thú khi nhìn thấy những con cá tươi rói được nướng trên bếp than hồng. Mùi cá quyện cùng hương mắc khén thơm nức, kích thích vị giác, khi ăn thịt béo ngậy, thơm ngon. Giá khoảng 70.000 đồng một kg.

Anh Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Lẩu thả - đặc sản của dân miền biển Phan Thiết

Bỏ những con cá mai nhỏ vào tô, xung quanh bày trứng chiên xắt sợi, thịt luộc, rau, xoài, dưa leo..., sau đó thêm nước chấm, trộn lên là có ngay món lẩu thả.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch mũi Kê Gà

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... Phan Thiết còn đặc sản không kém phần nổi bật là lẩu thả.

Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.
Tùy khẩu vị thành phần phụ của món lẩu thả có thể thêm hay bớt. Ảnh: Thảo Nghi

Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.

Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ.
Khi ăn, độ giòn của bánh tráng hòa cùng vị ngọt nước chấm và thơm mát từ rau xanh, xoài sống... Ảnh: Thảo Nghi

Món này có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần trụng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Phương thức này giống việc ăn gỏi của người Nhật Bản.

Cách làm thứ hai dành cho những thực khách muốn ăn chín. Với tô nguyên liệu ban đầu, bạn múc nước lèo sôi đưa vào tô, thêm bánh tráng và dùng ngay.

Sau khi thưởng thức lẩu thả, chị Lê Khanh, trú tại quận 10, TP HCM đánh giá ngoài cá mai, cá suốt, tinh túy nhất của món này là chén nước mắm đậu phộng rất thơm. "Dù đã no, tôi vẫn muốn ăn nữa vì sợ về Sài Gòn lại thèm", chị chia sẻ.

Nước chấm của món lẩu thả là loại đặc biệt, chế biến bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn... Tỷ lệ pha chế là bí quyết mà thông thường các đầu bếp ít khi chia sẻ.

Thảo Nghi

Bánh quai vạc - món đặc sản khó quên ở Phan Thiết

Cắn miếng bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị dai sần sật từ lớp vỏ, vị mặn của tôm thịt trong phần nhân và chua chua ngọt ngọt của chút nước mắm vương trên đầu lưỡi.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Núi Tà Cú

Người Phan Thiết thường gọi bánh quai vạc thành bánh quai dạc do cách phát âm của địa phương. Mỗi lần về Phan Thiết, đi dọc trên những con đường, bạn đều có thể vô tình bắt gặp món ăn này được bày bán. Những chiếc bánh dinh dính, có màu trắng trong và đỏ, được xếp chồng lên nhau trong một cái thau che kỹ lưỡng bởi lớp ni-lon phía trên.

Bạn có thể ăn tại chỗ, mua về để thưởng thức hay thậm chí tự làm tại nhà. Khi mua về nhà, người bán sẽ dùng một chiếc nĩa nhỏ, xiên vào từng chiếc bánh để kéo nó lên và cho vào hộp, rắc lên phía trên chút hành thái nhỏ và hành phi thơm. Kèm theo đó là một bịch nước mắm được cột kỹ.

Không ai biết chính xác món bánh quai vạc xuất hiện từ khi nào ở Phan Thiết, chỉ biết rằng nó gắn liền với ẩm thực địa phương và đến đây mà không ăn bánh quai vạc thì vẫn chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực.
Bánh quai vạc là món ăn rất quen thuộc với người dân Phan Thiết.

Cách chế biến món bánh quai vạc không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh phải được làm từ bột lọc, chế nước sôi vào sao cho bột chín tới. Sau đó, người làm bánh sẽ nhồi bột cho thật dẻo, điều này đòi hỏi sự khéo léo vì bột lúc này rất nóng. Rồi họ sẽ bứt thành từng viên bột nhỏ ra, dùng chai thủy tinh cán mỏng.

Phần nhân của bánh thì gồm tôm và thịt ba rọi được cắt nhỏ, cho nước mắm, muối tiêu, đường vào trộn chung và đem đi xào chín. Múc một chút nhân vừa phải cho vào giữa miếng bột đã được cán mỏng và xếp đôi chiếc bánh lại. Khi hoàn tất, bánh sẽ được cho vào nồi nước sôi luộc và sau đó bánh chuyển màu trong thì vớt ra xả nước lạnh, trộn chung với chút dầu ăn để bánh không bị dính.

Linh hồn của món bánh quai vạc chính là nước mắm. Nước mắm được pha hơi kẹo (sệt sệt) với nguyên liệu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt mỏng và nêm gia vị khác cho đậm đà.

Khi ăn, bạn chỉ việc chan chút nước mắm vào bánh quai vạc, cho thêm hành phi và hành lá lên trên. Món này có thể ăn không, nhưng cũng có người mua bánh mì về ăn kèm, hương vị rất hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức món này trên đường phố ở Phan Thiết, Bình Thuận, giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một hộp.

Thảo Nghi (VnExpress)

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Thăm “xóm nướng” đêm Lý Sơn


Đêm xuống, khu vực ngã ba gần cầu cảng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) điện sáng trưng. Tại những quán nướng hải sản đơn sơ vừa xuất hiện, khách ngồi ghế xúp hít hà với các món hải sản còn tươi nồng vị biển...
Xem thêm: Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn
Hải sản tươi được bày bán ở "xóm nướng" đêm Lý Sơn - Ảnh: Võ Quý Cầu


Những hàng quán đó, theo dân đảo, mới “mọc” lên khi du khách từ mọi miền đất nước đổ về. Bởi cách đây chừng năm năm, người đến thăm thú đất đảo theo kiểu du lịch “bụi” như bây giờ muốn thưởng thức món ngon từ biển cũng chẳng dễ dàng.

Lý do, những con tàu của Lý Sơn dù đánh bắt ngoài khơi xa hay vùng biển quanh đảo (và cả cánh thợ câu) sau đêm đánh bắt chỉ để lại một phần nhỏ đem về cho gia đình ăn, còn phần lớn chuyển vào đất liền bán chứ để nơi đất đảo thì "biết bán cho ai".

Cũng vì vậy mà trước đây nhiều người cứ nghĩ ra đảo thiếu gì cá tôm, không điện thoại nhờ dân “thổ địa” đặt trước hoặc không làm khách của các ban ngành thì khó lòng kiếm được hải sản tươi sống cho ra hồn để nhậu.

Thậm chí dân xứ Quảng quanh năm ghé đảo vài ba chuyến còn kháo nhau: “Ra đảo là đi công chuyện, còn muốn nhậu mồi ngon thì ghé các quán nhậu ở vùng cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - khu vực tàu Lý Sơn cập đất liền".

Nhưng bây giờ đã khác, đất đảo mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch trong nước và nước ngoài nên nhu cầu ẩm thực của du khách tăng cao. Người dân đất đảo Lý Sơn nhận ra điều này nên sẵn lòng chiều khách.

Từ sáng sớm, những chủ quán đi vét cá tươi từ những thợ câu, những con tàu ghé đảo. Những con cá dìa, cá hồng, mực ống, cá mú, nhum biển, bạch tuộc, cả tôm hùm đang cựa quậy... được thu gom chờ đêm xuống là bày ra trên sạp gỗ, nổi lửa hồng chờ khách.


Tôm hùm còn sống - Ảnh: Võ Quý Cầu


Du khách sau một ngày lang thang nơi đất đảo ngắm những di tích lịch sử của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, những thắng cảnh, miếu mạo chùa chiền trở về tắm táp thì trời cũng vào đêm. Lúc này những hàng quán dân dã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi.

Khách cứ việc đến hỏi mua theo ký, sau đó các chủ quán nhanh tay làm cá, làm mực. Dưới lửa than hồng, những con nhum biển và cá nướng bốc mùi thơm nức mũi. Đặc biệt ở Lý Sơn có cơ man các loài nhuyễn thể. Nào ốc u, ốc đụn đến sò huyết, sò lông đều được bày bán khá nhiều.

Theo yêu cầu của thực khách, chúng được đem nướng hoặc luộc rồi chấm mắm gừng hoặc muối ớt. Nhiều thực khách bị hấp dẫn với món râu bạch tuộc nướng hoặc luộc cho đậu phộng giã nhỏ và rau húng quế chấm với nước mắm ngon rồi đưa cay bằng bia, bằng rượu.

Một số thực khách có bạn bè quen thân còn rủ nhau ngược đường ra phía chùa Hang, đến gần sườn núi nơi có quán xá đã bày bán cho du khách từ khi chiều xuống.

Nhiều chủ quán cứ hít hà nếu du khách ra đảo trong dịp cuối năm âm lịch còn có thể thưởng thức món gỏi tỏi đặc trưng của xứ đảo với dư vị cay cay thơm nồng.

Trong gió biển lồng lộng, trong mồi ngon, khách cứ việc thong thả nhấm nháp và đưa cay bằng rượu ngâm hải sâm, cá ngựa. Khi men đã bốc lên, những câu chuyện về biển khơi, về bão tố, về đội hùng binh đất đảo can trường bắt đầu râm ran...

Khách trả giá xong là... nướng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Nhum, cá biển nướng trên than hồng - Ảnh: Võ Quý Cầu


Đêm càng về khuya, gió biển càng lồng lộng. Một số du khách ngẫu hứng còn ôm đàn hát những bài hát biển khơi. Để khi kết thúc đêm nhậu lại gọi thêm món cháo cá mú, cháo hàu ăn cho nhẹ người.

Hải sản ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ mới được đánh bắt, còn tươi nguyên. Những hàng quán không sử dụng nhiều gia vị như trong đất liền mà chủ yếu là nướng mộc chấm muối ớt, mắm gừng.

Lượt qua những hàng quán, chủ quán đa số là dân đất đảo. Họ không quen “chém chặt" du khách, bởi khách chọn lựa mồi nhậu, mặc cả giá tiền rồi mới đem chế biến thành mồi
Võ Quý Cầu (Theo TTO)

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Hương vị hải sản nướng trên biển đêm Lý Sơn

Mùi thơm của ngao, sò, ốc, mực... trên vỉ nướng sẽ đánh thức vị giác của bất kỳ thực khách nào khi ngồi ăn đêm bên biển ở Lý Sơn.

Xem thêm: Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn

Đến Lý Sơn du khách có thể hưởng trọn vẻ yên bình của biển cùng người dân địa phương và nếm những đĩa hải sản tươi sống. Tất cả nguyên liệu tươi ngon đều được đánh bắt vào ban ngày.

Địa điểm thực khách chọn cho bữa tiệc nướng trên biển tại Lý Sơn thường là khu vực hang Câu. Đây cũng là nơi những ngư dân sau chuyến bám biển dài ngày tụ tập để hàn huyên chuyện trò về công việc và cuộc sống. Vì thế, trải nghiệm ăn hải sản đêm của bạn càng trở nên đặc biệt hơn.

Từ cảng Lý Sơn, bạn men theo con đường ven biển, tới khu vực những cánh đồng tỏi phía đông của đảo. Sau đó, rẽ vào con đường nhỏ dẫn tới khu vực hang Câu, khi thấy ánh sáng le lói của một căn chòi dựng tạm bên biển là bạn đã tìm được đúng nơi cho bữa ăn đêm. Mặc dù ở Lý Sơn không có đèn đường, an ninh trên đảo rất tốt và người dân hiền hậu nên du khách không cần quá lo lắng.
Chỉ cần một vỉ nướng, một chậu than hoa là bạn có thể tự làm tiệc nướng hải sản. Ảnh: Minh Đức


Nếu tới sớm, du khách có nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn của mình hơn như tôm hùm, cua huỳnh đế, mực cơm, ốc, sò huyết… Chủ quán cho biết, anh chỉ bán đúng với số lượng đánh bắt được trong ngày, chứ không nhập về thêm. Khi rảnh tay, anh lại ngồi nhâm nhi vài chén cùng thực khách hoặc giúp họ cách nướng hải sản.

Sau khi khách “đi chợ” xong, nhân viên quán, thường là mấy đứa trẻ con chủ quán sẽ bưng ra một chậu than hoa, vỉ nướng và chỗ hải sản thực khách đã chọn. Giá một kg ốc là 20.000 - 40.000 đồng, một kg ngán, ngao dao động 40.000 - 60.000 đồng và mực có giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng một kg.

Với những du khách chưa có kinh nghiệm, chủ hàng sẽ tận tình giúp bạn nướng và điều chỉnh lửa sao cho nguyên liệu chín đều. Không cần tẩm ướt gia vị, bạn chỉ cần chấm những con ốc thơm và béo ngậy với muối chanh ớt hoặc sa tế để thưởng thức hết mùi vị đậm đà.

Khi nướng mực, màu trắng đổi ngà ngà sang vàng nâu là bạn có thể thưởng thức ngay. Mực mới nướng thịt mềm, không bị dai, có vị ngọt và thơm, thêm một chút mỡ và hành sẽ càng làm dậy mùi của hải sản.
Mùi hương của ngán, ốc, sò sẽ làm cồn cào những vị khách đang đói bụng. Ảnh:Minh Đức

Bạn sẽ phải kiên nhẫn ngồi chờ những con ốc, sò chín và xuýt xoa khi ngửi thấy mùi hương tỏa ra trên vỉ nướng. Trong lúc đó, du khách có thể giao lưu, trò chuyện hoặc được dân địa phương mời rượu. Sau hơn 8h tối, những người dân bắt đầu đi về, không khí biển đêm vắng vẻ đúng nghĩa sẽ được trả lại cho du khách.

Minh Đức

Bài đăng phổ biến