Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Bún ốc Hàng Chai - đậm đà hương vị gia truyền

Vị nước dùng chua thanh, thêm chút cay của ớt chưng quyện vào mùi béo ngậy của từng con ốc sẽ làm bạn khó quên.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Từ một gánh hàng nhỏ rong ruổi trên khắp con phố Hà Nội, giờ đây hàng bún của cô Thêm trở thành điểm đến nổi tiếng cho những thực khách yêu thích món bún ốc. Dù không gian chật hẹp, chỉ đơn giản là những chiếc ghế nhựa, hàng bún ốc duy nhất ở phố Hàng Chai này luôn chật kín người.

Cô Thêm là thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề này và đã bán được hơn 25 năm. Với bí quyết chế biến gia truyền, hương vị của món bún ốc của quán khó có thể tìm được ở nơi khác.
Tuy được nhiều người biết đến, cô Thêm vẫn giữ hình ảnh gánh bún truyền thồng như cách để nhớ đến bà và mẹ mình. Đây cũng là cách gợi nhớ hình ảnh về Hà Nội một thời xưa cũ. Ảnh: Phong Vinh

Những con ốc nhỏ, to trong tô bún nóng hổi, vàng giòn béo múp, cắn một miếng vừa ngậy, vừa dậy lên vị ngọt. Bún ăn theo kiểu chan nước dùng nóng vào bát, có thêm vài cọng hành lá, mấy miếng cà chua… kèm rau sống thơm ngọt lại mát. Món ăn này sẽ không ngon nếu thiếu đi chút ớt chưng.

Điều đặc trưng của tô bún Hàng Chai là chỉ gồm có bún, ốc và vài gia vị đi kèm như hành lá, cà chua, nhưng không vì vậy mà thiếu đi hương vị. Bù lại, nước dùng trong vắt, có phần chua hơn so với bún ốc khác nhưng vẫn rất thanh, đậm đà và vừa miệng, tạo nên hương vị quyến rũ khó cưỡng lại.

Tô bún ốc được bưng ra bắt mắt với màu xanh của lá hành, đo đỏ của cà chua và vàng ươm của những con ốc. Tùy theo khẩu vị, bạn có thể cho thêm gia vị cho vừa miệng như chanh, sa tế,... Để đáp ứng nhu cầu thực khách, quán còn có cho thêm thịt bò trần nếu được yêu cầu, nhờ đó vị cũng đậm đà hơn.
Tô bún ốc Hàng Chai chỉ với giá 30.000 đồng. Nếu ăn thêm thịt bò trần, bạn sẽ trả khoảng 15.000 đồng cho 1 lạng. Ảnh: Phong Vinh

Quán mở cửa từ 7h sáng đến 13h trưa. Đến với hàng bún lúc nào cũng tấp nập này, bạn phải tự tìm cách để xe và chỗ ngồi rồi đợi đến lượt ăn bún. Nghe có vẻ "cực nhọc" nhưng bạn sẽ khó quên hương vị gia truyền của tô bún nơi đây.

Phong Vinh

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Những món ăn sáng hấp dẫn ở Phan Rang

Tô bánh canh nóng hổi, chiếc bánh xèo bốc khói nghi ngút hay miếng sứa giòn sực... là những món quà sáng thơm ngon dễ dàng chinh phục được du khách.
Xem thêm: 8 điểm đến hấp dẫn ở Phan Rang
Nói đến xứ sở Phan Rang, nhiều người hình dung đến khung cảnh màu xanh thơ mộng của bãi biển, những dải cát dài hoang sơ quyến rũ. Thế nhưng, vùng đất đầy nắng gió này còn sở hữu ẩm thực đa dạng cuốn hút bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bánh canh chả cá

Là món ăn được bày bán nhiều ở Phan Rang nên du khách có thể tìm thấy dễ dàng. Một tô bánh canh nóng hổi sẽ gồm sợi bánh, chả cá, cá dầm, ngò thơm, hành lá và phía trên rắc thêm chút tiêu đen. Thực khách khi thưởng thức sẽ pha thêm chút mắm ớt cay cay và vắt thêm miếng chanh cho vừa miệng. Sợi bánh canh to vừa phải, cọng bánh bản mỏng đặc trưng, khi ăn cảm nhận rõ độ mềm, mịn và dẻo, khác lạ rõ rệt so với những vùng khác.
Với giá 10.000 đến 15.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức tô bánh canh chất lượng đầy hấp dẫn. Ảnh: Văn Trãi

Trong tô bánh canh phải nhắc đến những miếng chả cá tươi ngon. Chả được làm từ loại cá của vùng biển địa phương như nhồng, rựa, thác lác... Cá này phải được mua từ sáng sớm tinh mơ ở các cảng biển. Người làm sẽ lóc phần thịt cá ra để làm chả, phần xương đem đi cho vào nồi nước lèo để thêm vị ngọt. Để thưởng thức món ăn tròn vị, bạn có thể đến quán Nhường trên đường Ngô Gia Tự.

Bánh xèo

Du khách đến Phan Rang đừng nên bỏ qua món bánh xèo. Vị của bánh xèo Phan Rang khác hẳn với loại bánh ở vùng đất Nam bộ. Bánh được làm từ bột gạo, đổ bằng khuôn của gốm Chăm Bàu Trúc, nhân bánh là thịt, trứng và các loại hải sản như tôm, mực... Chiếc bánh được đổ một lớp mỏng, nhỏ xinh, phủ lên trên là giá đỗ và nhân. Chờ tới khi bánh chín vàng rụm, mùi thơm phức bốc lên, người bán sẽ dùng vá dẹp để cạy bánh.
Bánh xèo Phan Rang chỉ có giá từ 2.000 đến 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Khánh Hòa.

Vào những ngày trời se mát, mọi người ngồi quây quần bên lò than hồng rực, thưởng thức chiếc bánh xèo nóng hổi, vàng giòn... giúp thực khách cảm nhận được nét tinh túy của ẩm thực Phan Rang. Bạn có thể thưởng thức món bánh xèo dọc vỉa hè đường Quang Trung.

Bánh căn

Có hình dáng bé nhỏ như chiếc bánh khọt Nam bộ, bánh căn là món ăn dân dã ở đây. Phần nhân bánh được chế biến với nhiều hương vị đặc trưng hấp dẫn. Nguyên liệu chính là bột gạo. Từ cách ngâm bột, pha trộn thêm cơm nguội khi xay nhuyễn cho đến đo lường lượng nước và gạo đều được thực hiện kỹ lưỡng để bánh không bị nhão hoặc cháy khi nướng.
Bạn có thể bắt đầu bữa sáng với món đặc sản Phan Rang với giá chỉ 20.000 đồng. Ảnh: Tiêu Phong.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, người làm đã tất bật quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng. Khi khuôn bánh tỏa ra hơi nóng, họ sẽ đổ bột vào. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân bánh cho thêm mực, trứng, thịt, tôm... tùy theo ý thích người ăn. Bánh vừa chín tới, người bán sẽ cạy ra rồi thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh được điểm thêm màu sắc nên nhìn càng ngon hơn. Bánh căn phải được ăn kèm với nước cá kho, cho thêm xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...

Bún sứa

Sứa bắt đầu xuất hiện vào mùa đông và gia tăng số lượng nhiều vào mùa xuân, những mùa còn lại khá hiếm hoi. Chính vì vậy, không phải lúc nào thực khách cũng được thưởng thức món ăn này. Một tô bún sứa đầy đủ sẽ có bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, điểm xuyết thêm những cọng ngò xanh và bên trên rắc thêm vài hạt đậu phộng.
Bạn có thể thưởng thức món này trên đường Lê Lợi ở Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Bún sứa được ăn kèm với bắp chuối, rau muống bào, giá sống và quan trọng nhất là mắm ruốc. Đây chính là gia vị làm cho tô bún thêm phần thi vị hài hòa. Trộn tô bún sứa đều tay và chậm rãi thưởng thức từng miếng sứa, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị giòn sực của sứa, vị béo của đậu phộng, đậu hũ hay vị mằn mặn của mắm ruốc. Tất cả pha trộn tạo nên món ăn đậm đà bản sắc.

Văn Trãi (VnExpress)

Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Ngoài bánh canh hẹ, bột lọc, Phú Yên còn nổi tiếng với món bánh bèo chén hấp dẫn mà chỉ có gạo xứ Nẫu mới cho ra món ăn chơi thơm và dẻo đến vậy. 
Xem thêm: Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Cách làm bánh bèo khá đơn giản, đầu tiên gạo thơm được đem xay nhuyễn đến khi thành bột. Thêm một chút muối vào bột, đổ từ từ nước lạnh và khuấy thật đều tay. Tiếp tục đổ vào nước sôi, khuấy đến khi bột tan đều mới thôi. Sau đó, ngâm bột qua đêm hoặc khoảng 4 đến 6 tiếng. Việc này giúp bánh khi ăn không có mùi bột chua và dai hơn.
Một khay bánh bèo khoảng 10 chén có giá 10.000 đến 15.000 đồng. Ảnh: Khánh Bình

Khi gần đổ bánh, người làm sẽ gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi nhằm giúp bột trong hơn. Đổ đi bao nhiêu nước trắng thì thay vào đó bấy nhiêu nước ấm và khuấy nhẹ tay.

Sau đó, họ múc từng muỗng bột vào chén nhỏ và làm chín bằng cách hấp cách thủy. Khoảng 7 đến 8 phút, khi thấy chén bánh đổi sang màu trắng đục cũng là lúc bánh chín. Quyện vào từng chén nhỏ là hương bột gạo thơm nồng nàn lan tỏa.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Riêng bánh mì sau khi chiên giòn được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn.

Sau khi hoàn thành, người làm sẽ rắc ít chà bông, bánh mì và cả mỡ hành lên từng chiếc bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là nước mắm chua ngọt.

Trong tiết trời buổi tối se mát ở Phú Yên, cầm chén bánh bèo nóng hổi trên tay rưới lên từng muỗng nước mắm có vị cay khá đậm sẽ làm bạn cảm thấy món ăn chơi này ngon đến lạ lùng. Để thưởng thức được bánh bèo đúng vị, thực khách có thể tìm đến các hàng quán dưới chân núi Nhạn.

Lan Thoa (VnExpress)

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Bún cá ở phố núi Mộc Châu

Sợi bún mềm cộng với miếng cá giòn dai, hòa thêm vị ngọt thanh của nước dùng sẽ làm bạn khó quên món ăn ngon của phố núi Mộc Châu.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cá lóc (cá quả) được làm sạch, sau đó phần xương và đầu được tận dụng để nấu nước dùng. Nhờ đó, món này có vị ngọt tự nhiên, khác với bún cá lóc trứ danh ở miền Tây đậm đà vị của mắm ruốc.

Người chế biến còn cho thêm cà chua và một số nguyên liệu khác như dọc mùng,, tỏi, hành,... khiến tô bún thanh đạm mà không tanh mùi cá. Riêng phần thịt cá sau khi lóc được ướp thêm chút gia vị cho đậm đà rồi chiên giòn.

Điều khác biệt ở món này là được dùng chung không chỉ với rau sống mà còn trái sung muối xổi. Sung được bỏ cuống, ngâm nước cho hết mủ, sau đó cắt thành khoanh tròn, mỏng vừa ăn rồi ngâm vào chậu nước pha muối và chanh khoảng 30 - 40 phút cho trắng. Cuối cùng, trộn sung ráo nước với hỗn hợp nước mắm, muối, đường, nước cốt chanh và nước lọc. Tùy vào sở thích mà bạn cho thêm tỏi và ớt cho vừa miệng.

Nhờ những miếng sung giòn cay, món ăn không ngán nếu bạn ăn lần thứ 2. Ảnh: Phong Vinh


Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc được chiên giòn, bắp chuối cắt mỏng và màu xanh của dọc mùng. Bên cạnh tô bún là rổ rau xanh tươi kèm thêm chén sung muối, ớt và chanh làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.

Thực khách có thể thưởng thức món ăn này vào sáng sớm, khi sương còn giăng trên những con đường. Húp nhanh tô bún cá nóng hổi, khói nghi ngút, với vị béo, ngòn ngọt của cá cùng với vị cay, chua của trái sung, tất cả quyện vào nhau sẽ làm ngày mới của bạn ở phố núi tràn đầy năng lượng.

Nếu có dịp lên Mộc Châu, du khách đừng bỏ qua món ăn dân dã này. Bún cá tùy quán, có nơi bán cả ngày nhưng có nơi chỉ bán buổi sáng với giá trung bình 30.000 đồng một tô.

Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Bún sứa Nha Trang - Món ăn mang đậm hương vị biển

Món bún làm từ những miếng sứa giòn kết hợp chả cá chan nước dùng ngọt thanh. Khi ăn, thực khách có thể gắp riêng sứa chấm với nước mắm ớt để cảm nhận rõ hơn độ tươi ngon.
Xem thêm: 15 điều thú vị ở Nha Trang chỉ dân địa phương biết

Là động vật không xương sống, sứa xuất hiện nhiều ở các vùng biển và trở thành món đặc sản, trong đó phải nhắc đến bún sứa Nha Trang.

Chế biến món này cũng không quá kỳ công. Những con sứa còn tươi do ngư dân vớt từ biển ở đảo xa sẽ được làm sạch nhớt, sơ chế theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Loại sứa dùng để làm món bún đặc sản này thường nhỏ, màu trắng đục, mình dày.
Sứa biển dùng trong món bùn thường nhỏ, có màu trắng đục, được ngư dân vớt từ dưới biển ở đảo xa... Ảnh: nhatrangtoday

Nước ăn kèm với bún sứa không phải nấu từ xương ống, thịt mà từ cá biển... trong đó có cá liệt - loại cá nhỏ, không xương, khiến nước lèo trở nên thơm và ngọt.

Tô bún sứa còn bao gồm chả cá được làm từ các loại hải sản ngon nổi tiếng như cá thu, cá nhồng... Chúng được lọc xương để lấy phần thịt cá rồi quết nhuyễn và nặn thành từng viên nhỏ, đem vào chõ hấp cho giữ nguyên mùi vị.

Nói bún sứa đậm đà hương vị biển bởi hầu hết nguyên liệu dùng để chế biến và độ mặn, ngọt của món ăn đều do các loài hải sản, hạn chế dùng nhiều gia vị. Nước dùng của bún sứa trong veo, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.

Khi thưởng thức, chỉ cần lấy bún đã trụng (chần) nước sôi cho vào bát, thêm những miếng sứa trong, giòn lên trên, cùng vài viên chả cá, chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm vài cọng giá đỗ, rau sống tươi xanh.
Bún sứa có vị thanh mát, tác dụng giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Quế Lan

Thực khách sẽ cảm nhận những miếng sứa ngọt, giòn, và mát quyện lẫn vị đậm đà của chả cá thu, cá nhồng lẫn trong thứ nước dùng ngọt thanh. Ăn hết tô bún thấy mồ hôi toát ra, cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát như xua tan đi cái nóng mùa hè.

Chính vì vậy, không chỉ người Nha Trang mà nhiều khách đến đây cũng tìm để thử món bún sứa rất đặc trưng này. Bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin - Bà Triệu... trong thành phố Nha Trang.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch Đà Lạt

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.

Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.

Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, ngoài đến Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, thăm dòng Sêrêpôk, bạn đừng quên thưởng thức món bún đỏ nổi tiếng. Ảnh: iviet.

Ngoài ra, thịt ba chỉ được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị.

Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút... Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.

Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút... cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa hàng trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát.

Anh Phương (VnExpress)

Xôi trắng khâu nhục, món ăn của người xứ Lạng

Những hạt nếp trắng dẻo thơm, bóng mượt ăn cùng với khâu nhục vàng ruộm, đậm đà, thơm mùi mật ong là món ăn bạn không thể quên được nếu lên xứ Lạng.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

Để làm xôi khâu nhục ngon, người ta phải chọn loại gạo nếp nương mới, vo sạch rồi ngâm qua đêm, sau đó đem đồ cho chín, hạt gạo mềm, bóng, thơm. Món này thường có trong những dịp lễ tết, đám hỏi quan trọng của người dân xứ Lạng. Về tên gọi, người dân nơi đây giải thích, khâu có nghĩa là hấp chín đến mềm gục, nhục là thịt.

Thịt để làm khâu nhục phải là thịt ba chỉ, vừa có nạc nhưng cũng có lớp mỡ. Sau khi được rửa sạch, thịt luộc sơ qua rồi dùng tăm đâm nhiều lỗ trên miếng bì cho ngấm gia vị đem quay vàng cùng mật ong. Khi bỏ ra miếng thịt vàng ươm, bì giòn và đậm đà hương vị.
Khâu nhục là món ăn nổi tiếng của người xứ Lạng. Ngoài ăn kèm với xôi trắng, khâu nhục còn được ăn cùng với bánh mì, cơm trắng. Ảnh: mienbiengioi

Gia vị để nấu khâu nhục gồm hành tỏi, gừng băm nhuyễn, húng lìu, tiêu, đường, dầu hào, ngũ vị hương, rượu trắng và không thể thiếu là tàu soi, một loại rau của người dân Tày, Nùng. Nhiều nơi cho thêm khoai môn cắt khúc, ăn cũng rất thú vị.

Thịt ba chỉ quay được thái, ướp cùng với các nguyên liệu trên rồi cho vào đĩa, phía dưới cùng là lá tàu soi,khoai môn ở giữa. Các miếng thịt được đặt sao cho thịt ôm trọn khoai và các gia vị trong lòng. Cho bát thịt vào nồi hấp cách thủy trong vòng 4 tiếng đến khi thịt mềm tơi.

Món khâu nhục ngon có lẽ do khâu tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Khi thưởng thức, miếng thịt thơm, mềm như tan trong miệng, ngấm các gia vị và phần bì mềm ngậy, thơm mùi mật ong, ăn mà không thấy ngán. Khâu nhục ăn kèm với xôi trắng là món ăn mà du khách lên xứ Lạng thường thưởng thức.

Món xôi khâu nhục rất dễ tìm trong các quán ăn nổi tiếng ở xứ Lạng, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một suất.
Anh Phương (VnExpress) 

Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Trái chuối nướng ngòn ngọt được bọc bên ngoài lớp bột nếp, chan nước cốt dừa thơm lừng và rắc thêm một ít đậu phộng tạo thành món ăn dân dã ở miền Tây.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Người dân miền Tây vốn hảo ngọt, nên những món ăn như bánh, chè, xôi, rau câu được bày bán rất phong phú. Trong đó, du khách không thể bỏ qua món chuối nếp nướng.

Nguyên liệu làm chuối nếp nướng rất đơn giản. Bạn chọn loại chuối xiêm, vừa chín tới, chặt đem về ủ. Vài hôm sau chuối vàng ươm mới dùng để chế biến. Chuối được lột vỏ, ướp chút đường và muối để có vị đậm đà. Đặc biệt, chuối phải được nướng trên bếp than hồng và để nguyên trái mới đúng điệu.
Người nướng phải trở luôn tay cho đều các mặt. Khi lá chuối cháy sém vàng, lớp vỏ ngả màu và mùi thơm bốc lên là bánh chín. Ảnh: Liêu Lãm

Món chuối nếp nướng này sẽ không thể đạt được hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo thành món ăn đơn giản mà níu chân du khách.

Có rất nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối được bọc bên ngoài lớp bột nếp trộn trước với nước cốt dừa rồi đem bọc trong lá chuối. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giưc được hương vị.

Với 5.000 - 7.000 đồng, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của món ăn này mà ít nơi đâu có được. Địa chỉ nổi tiếng với chuối nếp nướng là quán trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy món này ở một số nơi khác như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ...
“Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài hoà quyện với nước cốt dừa béo ngậy, và miếng chuối ngọt bùi, tôi cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác” – chia sẻ của bạn Liêu Lãm trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Liêu Lãm
Phong Vinh (VnExpress)

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

6 món ăn kinh điển hễ nhắc tên là muốn đến Tết ngay

Hình ảnh con gà luộc, bát canh măng, đĩa nem rán hay miếng bánh chưng, mứt bí, mứt gừng khiến teen cảm thấy ngày Tết đang rất gần.

Bánh tét, bánh chưng

Bánh tét khác bánh chưng ở chỗ dùng lá dong gói thay vì lá chuối. Ảnh:cukieuviet.com

Trong khi người miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại chuộng bánh tét. Cả hai loại bánh này tương đồng về nguyên liệu và cách nấu, chỉ khác hình dáng và lá gói (bánh tét dùng lá chuối thay vì lá dong).

Theo tục lệ xưa của người Việt Nam, Tết là những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn nên hai loại bánh này có thể để được lâu và ăn dần. Bánh tét thường có nhân mặn với thịt mỡ, đậu xanh (giống bánh chưng) nhưng cũng có loại nhân chuối hoặc đậu đen.

Hành muối

Hành muối được xem là thứ gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết. Ảnh: Eva.vn

Chỉ những ngày giáp Tết, hành muối mới xuất hiện và bày bán khắp các khu chợ, siêu thị. 

Trong mâm cơm truyền thống ngày Tết, hành muối là món không thể thiếu và ngoài bánh chưng, nó còn được ăn cùng giò thủ để chống ngấy.

Giò thủ

Giò thủ có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon. Ảnh: Báo Phụ Nữ

Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) có nguồn gốc từ miền Bắc với thành phần chính là thịt tai, mũi heo xào chín, nén chặt bằng khuôn. Món này có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon, cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh.

Gà luộc, canh măng

Gà luộc ngày Tết còn có ý nghĩa "cát tường", tức là như ý, cầu được ước thấy. Ảnh: Khỏe&Đẹp

Đêm giao thừa, nhà teen nào cũng chuẩn bị một con gà luộc để thắp hương, riêng phần nước đem nấu cùng măng và ăn dần. Dù không phải món ăn cao cấp hay hiếm có khó tìm, tới mỗi dịp Tết, gà luộc và canh măng vẫn mang dấu ấn đặc biệt với mỗi người.

Nem rán

Trong miền Nam, nem rán còn có tên chả giò. Ảnh: Menungon

Món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng phải kể đến nem rán. Loại truyền thống và phổ biến nhất là nhân thịt nạc băm, miến, nấm hương, giá đỗ, trứng. Tất cả trộn đều, sau đó gói trong lá nem thành từng chiếc tròn trịa, cuối cùng là chiên ngập dầu. Món này còn có thể điều chỉnh một số nguyên liệu để tăng thêm hương vị như thay giá đỗ bằng khoai tây hay bổ sung thêm cà rốt, tôm và cua bể.

Ở miền Trung, nem rán còn có tên chả cuốn, riêng Thanh Hóa gọi là chả. Còn tại miền Nam, món này được gọi là chả giò hoặc nem Sài Gòn (theo cách nói của người miền Bắc).

Các loại hạt, mứt

Không chỉ là nét văn hóa ngày Tết, mứt gừng còn có công dụng chống cảm lạnh giữa lúc giao mùa. Ảnh: Coviet.vn

Những ngày giáp Tết, các con phố cổ Hà Nội, trong đó có Hàng Đường, lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua các loại mứt. Nhiều người lớn tuổi nơi đây còn kể lại rằng trước kia, khi tới con phố này, mùi thơm của hoa quả được sên trong đường đã tỏa ra ngào ngạt. Các hộ gia đình nơi đây chủ yếu làm mứt bằng cách thủ công, truyền thống.

VnExpress

Bài đăng phổ biến