Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ẩm thực miền Tây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Mỗi vùng đất đi qua đều mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị về nền văn hóa, ẩm thực. Nếu đến Cần Thơ, bạn đừng quên thưởng thức món nem nướng Cái Răng, bánh tét lá cẩm hay chuối nếp nướng từ lâu đã nức tiếng.

1. Bánh tét lá cẩm

Một món ăn nhất định bạn phải thử khi đến xứ gạo trắng nước trong là bánh tét lá cẩm, một món ăn mang hương vị đặc trưng mà không vùng nào có được. Bánh tét có màu sắc tuyệt đẹp, được làm bằng cách đun sôi nước lá cẩm rồi lấy nước đun cùng gạo nếp dẻo với nước cốt dừa. Nhân bánh tét được làm bằng thịt, trứng vịt muối.


Bánh tét lá cẩm với màu sắc bắt mắt và hương vị khác lạ

Muốn bánh có màu đẹp phải chọn những lá cẩm tươi, không được lẫn lá héo. Thịt lợn tươi được tẩm ướp vừa vặn cho ngấm rồi xào qua cùng nước cốt dừa trước khi gói bánh rồi đem luộc trong vòng 5 tiếng.

Xắt một miếng bánh đưa lên miệng, cảm nhận vị ngọt của thịt, của trứng muối mằn mặn cứ lan tỏa nơi đầu lưỡi.

2. Nem nướng Cái Răng

Nói đến nem nướng, ở nhiều vùng đất đều có nhưng ở mỗi nơi bạn lại cảm nhận những hương vị và cách chế biến khác nhau. Không như những loại nem đặc sản nổi tiếng khác, nem nướng chở nổi Cái Răng lại có hình dạng dài, hình đốt chuyên dùng để cuốn bánh tráng và các loại rau thơm đi kèm.

Nguyên liệu để làm nem chủ yếu từ thịt lợn được quết nhuyễn rồi vo tròn lại thành từng viên nhỏ. Người chế biến xâu từng viên nem tròn trĩnh qua một chiếc thanh tre chuốt nhỏ đầu, rồi khéo léo nướng trên bếp than hồng làm sao cho thịt chín ở bên trong, mà bên ngoài không bị cháy xém hay quá khô, thơm nức và mướt mỡ.


Nem nướng Cái Răng


Đĩa nem được dọn ra gồm những xiên thịt chín mềm, thơm nức vùng đĩa rau sống xanh mướt, khế chua, chuối chát, đĩa bánh hỏi trắng và bát nước chấm.

Khi ăn, thực khách chỉ cần tuốt nhẹ những viên nem, cuốn cùng chút rau sống khế, chuối, bánh hỏi vào trong lớp bánh tráng mỏng, chấm ngập trong thứ nước tương ngọt thơm, thêm chút đậu phộng và ớt bằm nhỏ, cả nhận vị ngon ngọt cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Chuối nếp nướng

Đây là món ăn đã được nhiều tạp chí trên thế giới vinh danh. Trái chuối nhỏ xinh, không quá mập mạp được bóc vỏ. Gạo nếp ngâm qua đêm cho nở, mềm gạo rồi đãi sạch, trộn thêm chút muối rồi cho vào nồi hấp chín, thỉnh thoảng đổ thêm chút nước dừa cho ngọt, thơm.


Chuối nếp nướng, món ăn dân dã


Gạo nếp được tán nhuyễn rồi bọc chuối vào, cho lên bếp nướng cho đến khi chuyển sang màu vàng. Chuối nếp nướng ngon là những trái bên ngoài ăn giòn nhưng bên trong vẫn mềm, trái chuối không bị nhũn.

Song An (theo DanTri)

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Ẩm thực Khmer qua bánh cống và bún nước lèo Sóc Trăng

Hai món dân dã nhưng mang nét văn hóa ẩm thực của người Khmer ở Sóc Trăng sẽ khiến bạn thêm ấn tượng với mảnh đất miền Tây này.
Xem thêm: Mì sụa - món ăn của người Hoa ở Sóc Trăng

Đến với Sóc Trăng, du khách không thể bỏ qua món bánh cống và bún nước lèo đặc trưng.

Bánh cống giòn rụm

Lần đầu tiên tới Sóc Trăng, bạn dễ gặp những xe bán bánh cống vàng rộm ở dọc đường hay trong các khu chợ. Đây chính là món bánh quen thuộc của đồng bào Khmer.

Điều đặc biệt của bánh cống nằm ở chỗ, nguyên liệu làm vỏ bánh không phải là bột mì hay bột gạo, mà nó là sự hòa quyện giữa đậu nành và gạo. Hai nguyên liệu này đều phải chọn loại ngon, ngâm nước cho nở đều. Gạo được xay thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh được đậm đà. Đậu xanh hấp chín, nguyên hạt. Nhân bánh làm từ thịt heo với tôm bóc vỏ bằm nhuyễn.

Lý giải tên gọi bánh cống, khuôn làm bánh bằng nhôm hình tròn, trên có tay cầm để khi đổ bánh dễ dàng cho việc vớt, người Sóc Trăng gọi là cống. Khi dầu sôi, người làm bánh nhúng khuôn vào trong chảo để khi đổ bột bánh không bị dính. Đổ một nửa bột vào khuôn sau đó cho đậu xanh, nhân thịt tôm vào đổ tiếp một nửa bột lên trên, đặt hai con tôm bên cạnh nhúng khuôn bánh xuống chảo dầu đang sôi.

Khi thấy khuôn bánh nổi lên là đã chín, dùng que tre hoặc dao cạy nhẹ khuôn lấy bánh ra, lật trên chảo dầu thêm lần nữa cho chín vàng đều, vớt lên vỉ để ráo dầu.

Bánh cống- món ăn không thể bỏ qua khi ghé Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Quí

Bánh cống ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, bánh đậm đà giòn rụm cùng vị thanh mát của rau. Chỉ đơn giản vậy thôi mà lưu luyến những du khách yêu thích khám phá văn hóa Khmer.

Bánh cống được bán ở nhiều chỗ tại Sóc Trăng, nhưng ngon nhất là ở chính nơi được cho là nguồn gốc của nó - ngã ba đường vào chợ Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (cách TP Sóc Trăng khoảng 8 km). Mỗi chiếc bánh cống có giá 8.000 đồng.

Bún nước lèo đậm đà

Hương vị đặc trưng của bún nước lèo Sóc Trăng là nhờ mắm bò hóc, một loại mắm đặc trưng của người Khmer làm bằng cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi đem ủ muối từ 6 tháng trở lên. Để nấu nước lèo, đầu tiên phải rã mắm trong nước sôi, chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng.

Nước lèo được nấu bằng xương ống, xương sườn lợn, tôm ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt. Hoặc nước lèo nấu từ củ cải trắng và thêm nước dừa tươi cho có độ ngọt thanh, sau đó nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên. Nước lèo ngoài các hương vị như: sả đập dập, ớt… đặc biệt không thể bỏ sót vài tép ngải bún, một loại cây gia vị đặc biệt của người Khmer.

Ngải bún bên cạnh việc khử mùi tanh của mắm, còn gia tăng hương thơm cho nồi nước lèo. Góp phần vào thành công của món ăn này là loại bún của Sóc Trăng, được làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Qua quá trình chế biến, tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.

Bún nước lèo Sóc Trăng mang đậm nét ẩm thực Khmer. Ảnh: Má Lúm

Người bán hàng chần bún qua nước lèo xong, cho vào tô, xếp lần lượt cá, tôm, thịt quay, thêm chút hẹ, giá và múc nước lèo rưới lên bún. Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo. Tô bún có mùi thơm của sả, ngải bún, vị mặn đậm đà của mắm và chút giòn của thịt heo quay, dai dai của tôm, mùi hơi hăng của rau thơm.

Về Sóc Trăng, bạn có thể ghé ăn bún nước lèo ngon ở đường Võ Đình Sâm, Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng) hoặc thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên) với giá 20.000 - 25.000 đồng một tô.

Má Lúm (VnExpress)

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Nồi lẩu với vị ngọt, thơm của các loài cá cùng rau đặc trưng miền Tây khiến du khách ăn hoài không chán.
Xem thêm: Lẩu cháo gà ác nức lòng du khách miền Tây

Người miền Tây gọi các loại cá nhỏ sống trong kênh, rạch, ao là hủng hỉnh (hay hủn hỉn). Vào mùa nước nổi, cá này nhiều vô kể như cá lòng tong, lòng ròng, thia lia, cá sặc... Chúng thường xuất hiện trong những bữa ăn của người dân lao động. có thịt ngọt, thơm, xương mềm.

Vào mùa, người dân thường đánh bắt làm mắm cá, còn lại để ăn kèm với lẩu, rất ngọt nước. Cá sau khi đánh bắt từ kênh rạch được rửa sạch, cắt bỏ đầu rồi để ráo, ướp thêm chút gia vị.

Nước làm lẩu được chế từ các loại mắm hủng hỉnh, nấu cùng nước dừa hay nước hầm xương lợn. Mắm cá sau khi lọc bỏ xương, nêm nếm theo bí quyết riêng để chế ra nồi nước dùng lẩu. Nồi lẩu ngon phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này. Nếu thiếu vị mắm, nồi lẩu cũng mất ngon hoặc mặn quá cũng làm mất đi hương vị.
Các loại cá nhỏ sống ở kênh rạch được làm sạch và nấu thành một nồi lẩu mắm, gọi là lẩu mắm hủng hỉnh, ăn kèm rau đặc trưng của sông nước miền Tây. Ảnh: Anh Phương

Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang làm hương vị và sắc màu của món lẩu mắm cá thêm dân dã. Có nhiều loại rau như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ... Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát.

Nồi lẩu sẽ mang đến bạn vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, cay nồng của ớt, hạt tiêu và vị ngọt của cá. Ngày nay nhiều nhà hàng có món lẩu mắm và được coi là đặc sản của miền Tây, giá khoảng 250.000 đồng một nồi.

Anh Phương

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Lẩu cháo gà ác nức lòng du khách miền Tây

Món lẩu cháo nóng hổi thơm mùi đậu xanh với thịt gà ác băm cả xương sần sật, sẵn sàng làm nao lòng bất cứ ai ghé đến miền Tây.
Xem thêm: Thịt trâu nhúng mẻ - món ăn dân dã miền Tây

Vùng sông nước miền Tây nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản lạ miệng. Du khách đến thăm nơi này sẽ không thể quên nồi lẩu cá kèo, tô cháo cá lóc rau đắng hay đĩa bánh hỏi bò đun thơm phức. Lẩu cháo gà ác cũng là một trong những đặc sản khó quên của miền sông nước này.

Đúng như tên gọi, thành phần chính của món lẩu là thịt gà ác. Nguyên liệu này cho vào lẩu cháo không được để nguyên con mà phải băm nhuyễn cả xương. Chính vì vậy, đầu bếp phải chọn những con gà ác còn nhỏ và mềm thịt. Phần thịt gà sau khi băm sẽ được tẩm ướp gia vị đậm đà rồi để trên đĩa, chờ đến khi thực khách chuẩn ngồi xuống chỗ mới cho vào nổi lẩu.

Món lẩu cháo gà ác được ăn kèm với rau, trứng cút hoặc trứng vịt lộn. Ảnh: Nhà Quê Quán.

Ngoài gà ác, gạo và nước nấu cháo cũng không kém phần quan trọng. Gạo sẽ được ninh thật kĩ đến khi bung ra, nhừ và thơm phức. Gạo thường được nấu cùng nước gà để món lẩu có vị ngọt đậm đà. Ở nhiều nơi đầu bếp còn cho đậu xanh vào nấu cùng để món ăn thêm ngọt bùi. Ngoài ra, để có được nồi cháo vừa miệng, hành lá, tiêu đen,...cũng là những thành phần không thể thiếu.

Khi các nguyên liệu chính đã được chuẩn bị xong, một bếp lửa nhỏ sẽ được đặt giữa bàn, để nồi lẩu cháo lên trên. Sau đấy, thực khách tự cho phần gà ác băm nhuyễn vào nồi. Tùy theo đầu bếp hoặc thực khách mà nồi lẩu sẽ có thêm trứng cút hoặc trứng vịt lộn.

Đến khi nồi cháo sôi là thực khách đã có thể múc ra bát để thưởng thức. Cách ăn đúng nhất là cho rau vào đáy bát rồi múc cháo lên trên. Những loại rau quen thuộc như rau muống, cải xoong, ngải cứu non,...đều có thể ăn kèm với lẩu cháo gà ác. Chỉ với một thìa cháo, thực khách đã có thể cảm nhận vị ngọt bùi của đậu xanh, đậm đà của thịt gà ác sần sật vì lẫn xương cùng vị ngậy của trứng cút hoặc vịt lộn.

Món lẩu cháo gà ác hấp dẫn rất thích hợp cho những du khách đến với miền Tây trong một ngày mát mẻ. Tuy vậy, thực khách cũng có cơ hội được thưởng thức món ăn này tại Sài Gòn nếu ghé đến đường Cao Thắng, quận 3 hoặc đường Ba Vì, quận 10.

Vân Giang

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Mì sụa - món ăn của người Hoa ở Sóc Trăng

Mì sụa được làm từ đậu nành, cọng mì có màu vàng óng và lớn hơn các loại mì khác, được nhiều du khách yêu thích khi ghé thăm Sóc Trăng.
Xem thêm: 6 chợ nổi độc đáo ở miền Tây

Mì sụa có nguồn gốc từ món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng. Dần dần món này trở nên phổ biến, được nhiều người dân bản địa yêu thích.

Mì sụa có hai loại chính: mặn và không mặn. Những người sành ăn thì cho rằng mì sụa mặn ngon nhất. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau, loại ngọt dùng để nấu chè, loại mặn làm các món xào. Món này ăn kèm với nước tương ớt hoặc mắm chanh ớt tùy theo khẩu vị từng người.

Mì sụa thường được dùng trong các bữa điểm tâm sáng. Món ăn không chỉ dân dã mà còn ngon, rẻ và đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho một ngày lao động của người dân xứ này.

Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị dai của sợi mì, vị béo ngọt của thịt, cùng với vị mặn cay, chua của nước tương, ớt, chanh. Tô mì xào thường được ăn kèm với bát nước dùng cho đỡ ngấy. Nước dùng có thể được hầm với thịt giò heo cùng với hương thơm từ lá ngò, hành lá, hành phi, tiêu xay…khiến người ăn cảm thấy ngọt miệng và sảng khoái hơn khi húp từng muỗng.

Loại mì sụa ngọt thường được dân ở Sóc Trăng nấu chè với trứng gà luộc. Món chè này được nấu chủ yếu trong các bữa tiệc sinh nhật, với hàm ý màu đỏ lòng trứng gà sẽ mang đến cuộc sống thêm may mắn và đầy đặn hơn.

Hiện nay các quán ăn trong thành phố đều có bán món này như tiệm mì Thúy, Hiệp Lợi, chợ trung tâm thanh phố… Hoặc bạn có thể mua mì sợi tươi về chế biến theo cách riêng của mình.

Xuân Lộc

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Đặc sản "nghĩ đến là thèm" khi du lịch Cà Mau

Cà Mau là vùng đất trời phú cho hệ sinh thái đa dạng nên cũng sản sinh ra nhiều loại đặc sản hấp dẫn du khách. Khi tới du lịch Cà Mau, du khách có thể lựa chọn nhiều loại đặc sản để mang về làm quà.
 


Cá lóc khô là một đặc sản của Cà Mau

Tôm khô Cà Mau

Tôm khô Cà Mau nổi tiếng là tôm khô Rạc Gốc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hàng năm cứ vào tháng 11 âm lịch là bà con tại Rạch Gốc lại vào mùa làm tôm khô. Để sản suất ra được những con tôm khô ngon, chất lượng, ngày xưa bà con thường luộc rồi phơi thủ công, nhưng ngày nay, nhiều hộ gia đình đãđầu tư máy sấy để con tôm đảm bảo độ ngon ngọt.


Tôm khô Rạch Gốc

Chị Thanh bán hàng thực phẩm đồ khô tại chợ phường 7, Cà Mau cho biết, để có được sản phẩm mang hương vị đặc trưng của rừng, biển, người làm tôm khô cũng phải có bí quyết riêng khi luộc tôm. Tôm phải được luộc trong nước thật sôi từ 5-6 phút, rồi mới cho muối vào luộc tiếp khoảng 4 phút nữa sau đó đem ra phơi hoặc sấy khô thủ công.

Hiện nay, giá tôm khô ở Cà Mau dao động từ 450 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng tùy vào kích cỡ con tôm. Tôm khô Cà Mau chủ yếu là tôm tự nhiên được người dân thu hoạch ở các vuông nước mặn và ngoài biển.

Tôm khô có nhiều loại to nhỏ khác nhau. Loại to dùng để làm nộm, xào. Loại nhỏ để nấu canh và rim kho quẹt.

Cá kèo khô

Cá kèo khô luôn luôn có trong danh bạ những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. Vùng bán đảo Cà Mau nổi tiếng nhiều cá kèo với câu nói cửa miệng "cá kèo nổi như mù u rụng".

Trong trí nhớ của những người dân Cà Mau, ngày xưa hằng năm cứ vào mùa mưa, cá kèo lại nổi lên đầy khắp các kênh rạch. Đây là mùa đánh bắt cá kèo rộ nhất trong năm. Nhưng hiện nay, cá kèo tự nhiên hiếm hơn nên nhiều bà con nông dân đã thả trong vuông đầm nhà mình.

Cá kèo có dáng bơi khá đặc biệt, không chìm trong nước như các loại cá khác mà đầu cứ nổi lên khỏi mặt nước, thân dựng đứng dưới nước.

Cá kèo khô Cà Mau nổi tiếng khắp nơi.

Chế biến cá kèo khô rất đơn giản. Tuy nhiên cá kèo khô phải có độ mặn vừa phải, nướng lên ăn với cơm trắng hay dùng với cháo trắng thì không thể chê vào đâu được.

Hiện nay, cá kèo khô được bán cho du khách với giá từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg.

Mắm cá lóc

Cá lóc miền Tây là đặc sản nổi tiếng khắp nơi nhưng cá lóc Cà Mau lại để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó quên.

Cá lóc Cà Mau là cá tự nhiên, được người dân thả trong các đầm, vuông và họ thu hoạch hàng năm. Cá lóc không to, chỉ 2 – 3 lạng/con sẽ được người dân dùng để làm mắm. Người ta sẽ lựa những con cá còn tươi, làm sạch hết phần ruột, cho muối vào trong bụng, phủ kín lưng rồi cho cá vào các khạp, chum, vại lớn, đặt lên bề mặt cá một vài tấm nan được đan bằng tre, nứa.

Sau khi ủ muối xong, cá được lấy ra bỏ lớp muối đầu, ủ tiếp với thính chừng 1 tháng rồi mới chao qua nước đường, mang đi ủ, phơi nắng nhiều lần nữa mới cho ra hũ mắm như ý.


Cá lóc khô.

Mắm cá lóc rất ngon, dù ăn sống hay chưng với thịt. Còn nếu dùng làm lẩu ăn chung với rau và một số loại rau rừng khác thì chỉ ăn một lần là không sao quên được mùi vị đặc trưng. Mắm cá lóc ở Cà Mau bán với giá 120-150 nghìn đồng/kg.

Ngoài mắm cá lóc, Cà Mau còn đặc sản cá lóc khô. Cá lóc được bà con phơi hoặc sấy khô. Cá lóc khô bán với giái 200-300 nghìn đồng/kg. Cá lóc khô ăn vẫn giữ được vị ngọt của cá, vị dẻo của thịt cá. Cá lóc khô có thể dùng để nướng, rim thịt, sốt cà chua…

Ba khía

Khi du lịch Cà Mau, du khách còn có thể mua con ba khía mang về làm quà, chế biến các món ăn.

Ba khía Rạch Gốc là đặc sản đã có thương hiệu vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả.

Khoảng tháng 7, 8 âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.

Mắm ba khía có giá 50 đến 80 nghìn đồng/kg.

Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được.

Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc với sả và ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt, gồm sả băm nhuyễn trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn.

Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm là một món ăn không thể quên đối với du khách.
 
(Theo Infonet)

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Đặc sản không thể bỏ qua ở miền đất mũi Cà Mau

Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc là nơi hội tụ của những đặc sản ngon và độc đáo.

Xem thêm: Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

 
Bún nước lèo của vùng Tây Nam bộ nổi tiếng ở vùng Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu...Nước lèo được nấu từ một số loại mắm như mắm cá linh, mắm cá sặc... mang nét đặc trưng riêng.
Bún riêu của người nam bộ có hương vị như bún bò Huế.

Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi Cà Mau được ăn chung với nem nướng, giá cả phải chăng từ 20 đến 25 nghìn đồng/suất.

 

Bồn bồn xào tôm một món ăn không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm đất Mũi.

 

Gỏi cổ hũ dừa, tôm và thịt. Cổ hũ dừa là phần ngọn của cây dừa, ăn vào có vị béo ngậy của dừa và vị giòn tan của cổ hũ dừa khiến du khách ấn tượng khó quên.

 

Cơm cháy chấm kho quẹt ở Cà Mau bạn cũng không nên bỏ qua.

 

Cá mao ếch sống ở vùng đất mặn Cà Mau, ngày nay người dân ở đây nuôi cá này trong vuông, thịt cá trắng có vị dai, ngọt thanh mang đậm hương vị đặc trưng của cá vùng nước mặn. Cá mao ếch nướng muối ớt là ngon nhất.

 

Tại miền Đất Mũi, cá thòi lòi được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như kho tương, nướng muối ớt, nấu chua, làm gỏi cá với lá lìm kìm... nhưng món ngon phổ biến nhất, được mọi người yêu thích nhất là món cá thòi lòi nướng tiêu



Cá lóc ở vuông được bà con bắt lên làm mắm nguyên con. Sau khi cá ngấm gia vị sẽ được lấy ra để chế các món khác. Nhưng món mắm cá lóc sốt tiêu là ngon nhất. Vị mặn và thơm dai của mắm cá lóc rất hợp với cơm nguội

 

Cá trê đồng nướng than hoa. Món ăn đặc sản ở rừng U Minh

 

Cua biển ở Cà Mau nổi tiếng khắp cả nước. Thịt cua thơm ngon và đặc thịt. Giá của từ 100 đến 400 nghìn đồng tùy từng loại.

 

Hào ở xã Đất Mũi - được bà con nuôi trong vuông, giống con hàu ở miền bắc nhưng con Hào ăn thơm và không béo như hàu sữa.

 

Lẩu cá bớp với mẻ giá cực rẻ, chỉ với 120 nghìn đồng/nối cho 3 người ăn.
 

Lẩu chua cá kèo ăn với rau bắp chuối.
 

Rau bắp chuối ở Cà Mau rất sẵn, có vị mềm mềm ăn với lẩu chua rất hợp.

Theo Khánh Ngọc (Infonet)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Nếu từng một lần nếm thử món dưa hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện.
Xem thêm: Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Bồn bồn hay thủy hương là một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả, gặp rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Là cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Đoạn thân trắng của bồn bồn sẽ được dung để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: baoanhdatmui.

Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, tước bỏ phần lá bên ngoài rồi bẻ lấy lõi màu trắng bên trong (củ hũ) là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.

Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn quả thật khó có thể quên.

Món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được.

Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn nhiều người.
Dưa bồn bồn muối chấm cá kho rất đưa cơm. Ảnh: vietcaravan

Nếu như dưa bồn bồn biến tấu thành kim chi khi ăn có vị thơm cay, lạ thì khi đem kho cùng cá nạc thịt lại trở thành món ăn mới vô cùng hấp dẫn. Khi ấy, vị chua của bồn bồn mất hẳn mà vị tanh của thịt cá cũng chẳng còn, thay vào đó là vị béo ngậy, ngọt đậm đà. Đặc biệt khi kho cùng tép thì nồi bồn bồn lại càng trở nên hấp dẫn, ăn cùng bát cơm nóng quả thực chẳng có gì tuyệt bằng.

Ngoài ra, các bà các mẹ ở đây còn sáng tạo thêm món dưa bồn bồn trộn làm đồ nhậu lai rai khi khách tới nhà. Dưa bồn bồn rửa sạch, chẻ sợi nhỏ sau đó trộn chung với tỏi, ớt, đường. Hệt như cách làm một số món trộn khác nhưng lại rất bắt cơm. Thỉnh thoảng món bồn bồn trộn còn được cho thêm tôm hay tép đồng để tăng vị đậm đà. Bữa ăn đôi khi chỉ có đĩa bồn bồn trộn mà cả chủ nhà và khách cứ ngồi lai rai mãi không thôi.

Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ.
Món dưa bồn bồn muối chua được bày bán ở chợ. Ảnh: redcloudworld

Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.

Du khách có thể thưởng thức đặc sản bồn bồn khi đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang...

Ngoài bồn bồn, các đặc sản nên thử khi đến miền Tây: lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu mắm, đuông dừa, ốc nướng tiêu, bánh tằm bì...


Đỗ Huyền

3 món lẩu nức tiếng miền Tây

Lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm rau đắng và lẩu cá linh bông điên điển là những món hấp dẫn bạn nên thử khi đến miền Tây.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Vào những ngày thời tiết se mát, mọi người quây quần ăn nồi lẩu nóng sốt thì cảm giác không gì bằng. Một nồi lẩu thông thường bao gồm một nồi nước dùng, rau sống và hải sản, thịt, cá... để trong một cái đĩa. Khi nào ăn chỉ việc đợi nước sôi và gắp rau hoặc đồ ăn sống cho vào nồi.

1. Lẩu cháo cua đồng

Để có một lẩu cháo cua đồng thơm ngon, loại cua được chọn để chế biến là yếu tố quan trọng nhất. Cua đồng phải tươi, được rửa sạch, bỏ yếm, gỡ mai, sau đó giã nát thịt cua, nêm nếm vừa ăn và cho vào nồi nước sôi. Thịt cua sau khi cho vào nồi sẽ tạo thành từng mảng lớn, cắn một miếng vị thơm của cua làm ngây ngất vị giác.

Nồi lẩu còn được cho thêm nấm rơm, hành tím, hẹ để tăng thêm hương vị. Lưu ý món cháo nấu cua đồng không được nấu đặc mà phải loãng để người dùng nhúng rau. Rau ăn kèm với lẩu cháo cua đồng rất đa dạng như rau ngót, mồng tơi, rau má... Bạn cũng có thể xắt sợi củ gừng để ăn kèm nhằm làm dậy vị của nồi lẩu. Lẩu cháo cua đồng không cần dùng kèm với bún hoặc mì.
Nồi lẩu cháo cua đồng thơm ngon được dùng kèm với nhiều loại rau. Ảnh:monanmientay.

2. Lẩu mắm rau đắng

Chỉ cần một lần húp nước dùng của nồi lẩu mắm, đoan chắc bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đậm đà của nó. Lẩu mắm được xem là món ăn đặc sản của người dân Tây Nam Bộ. Một nồi lẩu mắm ngon tuyệt đối không được thiếu cà tím và mắm. Với vị ngọt dễ chịu, chút cay cay thơm mùi sả quyện cùng mùi thơm của mắm.

Mắm nấu cho món này phải có ít nhất ba loại: mắm sặt, mắm trèn và mắm linh. Trong nồi lẩu còn có nhiều loại nguyên liệu khác như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Lẩu mắm thường được ăn kèm với nhiều loại rau, trong đó ngon nhất phải nói đến rau đắng. Ngoài ra, còn có rau cù nèo (kèo nèo), bông súng, rau muống, rau nhút, đậu rồng... Người dân miền tây thường ăn lẩu mắm với bún, rau dùng kèm cũng chỉ nhúng vào nước dùng sôi và lấy ra liền.
Những loại hải sản được bày sẵn ra đĩa, chỉ khi nào ăn mới bắt đầu cho vào nồi nước dùng sôi. Ảnh: Depplus.

3. Lẩu cá linh bông điên điển

Miền tây bước vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Cũng vào mùa này, loại bông điên điển đua nhau nở rộ khắp mé sông. Có lẽ vì vậy mà người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu cá linh ngon nức nở.

Cá linh tươi được làm sạch ướp gia vị đậm đà, cho nước dừa vào nồi lẩu để nấu, dầm chút me lấy vị chua rồi biến hóa nêm nếm cho vừa ăn. Trên mặt lẩu, cũng cho thêm tỏi phi và rau ngò gai. Cá linh không cho vào nước lẩu ngay từ đầu vì cá vốn nhỏ và mau chín, nên chỉ khi nào mọi người đã sẵn sàng dùng bữa mới trút cá linh vô nồi và cho thêm bông điên điển vào. Món lẩu cá linh nên dùng kèm với bún hoặc cơm nóng.
Nhúng bông điên điển vào nồi lẩu rồi lấy ra ăn liền để giữa được độ giòn và ngọt của bông. Ảnh: Thiện Nguyễn

Các tỉnh miền tây còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Tên đầy đủ phải là miền tây Nam Bộ nhưng thường được gọi tắt là miền tây. Khu vực này gồm 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Miền tây cách TP HCM không xa nên có thể đi bằng xe máy, xe khách hoặc xe du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, để đi hết các tỉnh miền Tây sẽ cần ít nhất từ 8-10 ngày, thậm chí hơn. Bạn có thể chọn một số tour tổ chức đi vài tỉnh tiêu biểu ở miền tây với mức giá chỉ tầm từ 480.000 - 580.000 đồng trở lên.

Thảo Nghi

Mùa nước nổi, về miền Tây ăn lẩu cá linh bông điên điển

Khi cánh đồng miền Tây vàng rực bông điên điển, những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về là lúc người dân ở đây được thưởng thức món ăn đậm chất hương đồng gió nội.
Xem thêm: Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây
Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... nước đã ngập trắng đồng. Đó cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh, những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, để rồi kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc.
Những con cá linh béo tròn bằng ngón tay người lớn, tươi roi rói trông thật hấp dẫn. Ảnh: Tiêu Phong.

Cá linh đánh bắt được người dân bán cho các thương lái, hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản nổi tiếng, một niềm tự hào của người dân miền Tây mỗi khi nước lũ về.
Ngoài bông điên điển, ăn kèm món lẩu này còn có rau muống, rau nhút... Ảnh: Tiêu Phong.

Tên gọi của món ăn cũng là hai thành phần chính tạo nên món lẩu thơm ngon này. Đầu tiên là cá linh, những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Đầu tiên, phi thơm tỏi, cho nước dùng vào nấu sôi. Tùy theo khẩu vị mà nước dùng có vị chua ngọt khác nhau.
Nồi lẩu bốc khói với hương thơm thoang thoảng khiến thực khách không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của món ăn. Ảnh: Tiêu Phong.

Sau khi chuẩn bị xong các bước, món lẩu được dọn lên bàn để mọi người cùng thưởng thức. Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút... tùy theo ý thích của từng người. Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm.

Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà. Nếu có dịp du ngoạn miền Tây vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng của người dân xứ bưng biền.

Tiêu Phong

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Thịt trâu nhúng mẻ - món ăn dân dã miền Tây

Thịt trâu dai, mềm quyện lẫn cùng nước mẻ được pha khéo léo với vị chua, mặn ngọt, cay tới hốc mũi khiến bạn vừa ăn vừa muốn hít hà.

Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Trâu nhúng mẻ là món ăn đặc sản của miền Tây, được các nhà hàng biến tấu và chế biến theo nhiều cách với hương vị khác nhau.

Trâu nhúng mẻ muốn ngon phải chọn loại thịt tươi, được cắt ngang thớ rồi ướp các gia vị như sả, ớt, tỏi, muối, bột ngọt, đường trong vòng một giờ cho ngấm.

Nước mẻ được nhúng thịt trâu cũng được pha chế sao cho đủ chua, không bị gắt, và có vị cay của ớt, thơm của sả. Thịt trâu được bày lên đĩa, bên trên là những lát hành tây xắt mỏng.
Thịt trâu nhúng mẻ với thứ nước dùng chua, thanh, có vị thơm thơm của sả. Ảnh:khuyenmaivang

Món ăn này không thể thiếu được các loại rau của miền Tây như bông điên điển, bông so đũa hay những mầm cải nhỏ, bông súng, kèo nèo, rau ngổ... Chính những loại rau này sẽ góp phần làm nên hương vị cho món trâu nhúng mẻ.

Khi ăn chỉ cần nhúng qua thịt trâu vào nồi nước mẻ kèm các loại rau bày sẵn, vừa có tác dụng thanh nhiệt, vừa bổ dưỡng. Các quán tại miền Tây còn kèm thêm đọt nhãn lồng, lá tai tượng ăn cùng với bún tươi. Giá một nồi lẩu khoảng 250.000 đồng.

Anh Phương

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, tắc kè xào lăn, canh lươn trứng kiến là những món đặc sản từng làm say mê nhiều thực khách khi đặt chân tới mảnh đất sen hồng.

Xem thêm: Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Dưới đây là một số món ăn du khách nên thử nếu có dịp ghé thăm Đồng Tháp.

Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đấtĐây là món ăn được đánh giá ngon, mát, bổ và cách làm cũng khá đơn giản. Sau khi dùng nước sôi cạo vẩy cho sạch, bỏ lòng, bạn chặt rắn thành từng khúc dài chừng tấc tay, đem hầm cho nhừ để lấy nước ngọt rồi vớt ra để riêng.

Tiếp theo, đổ gạo và đậu xanh vào xoong nước hầm rắn, khi cháo chín nêm nếm cho vừa miệng. Xé thịt rắn hổ đất thành từng miếng nhỏ trộn với chanh và rau răm. Lấy một ít thịt rắn cho vào mỗi tô cháo, rắc thêm tiêu hành và trộn đều trước khi dùng.

Ngoài nấu cháo đậu, bạn có thể thưởng thức thêm món dồi rắn. Ảnh: phuotvietnam

Tắc kè xào lănKhông chỉ dùng để ngâm rượu chữa bệnh, tắc kè ở Đồng Tháp còn được biến tấu thành các món ăn ngon và trở thành đặc sản. Trước khi chế biến, đầu bếp chặt bỏ đầu tắc kè, nhúng sơ vào nước sôi để dễ cạo sạch lớp vảy. Sau đó chặt thành từng miếng nhỏ, ướp với đại hồi và tiểu hồi rồi xào cho săn lại. Cuối cùng cho một ít nước cốt dừa vào, để lửa liu riu để gia vị, nước cốt ngấm đều vào thịt.

Khi thấy nước dừa sắc lại, bạn múc thịt ra đĩa và rắc đậu phộng rang xay lên. Món này sẽ ngon hơn khi nhâm nhi cùng với rượu.



Vị cay nồng của rượu, béo ngậy của đuôi, mỡ và sụn tắc kè, ngọt của nước dừa và vị thơm đậu phộng sẽ đánh thức vị giác của bạn. Ảnh: thongtintieudung

Canh lươn nấu trứng kiếnCác món ăn từ lươn khá quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng canh lươn nấu với trứng kiến bạn chỉ có thể thấy ở xứ Đồng Tháp. Món ăn này có cách chế biến độc đáo và tạo vị giác cho người thưởng thức.

Lươn được làm sạch, sau đó cho nguyên con vào nồi nước sôi, đảo qua đảo lại vài vòng. Tiếp đến, bạn trút rau muống vào, nếu có thêm lá me non sẽ ngon hơn, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Bạn lựa chọn trứng kiến còn non, bóp nát cho ra sữa, rồi bỏ vào nồi. Gặp nước nóng, trứng kiến chín căng phồng lên, nước canh dần chuyển sang màu trắng đục và bắt đầu dậy mùi. Sau đó, bạn dùng muỗng múc canh nóng hổi vừa thổi vừa dùng.


Vị béo, chua hăng của trứng kiến hòa quyện với vị chua chua của lá me non, ngọt của lươn là những điểm độc đáo hấp dẫn thực khách ở món ăn này. Ảnh:tiepthigiadinh

Xuân Lộc (VnExpress)

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

Vị ngọt của cá lóc vừa tới chín, vị đậm đà của nước mắm ngon, hương thơm của gạo lẫn trong vị đắng của rau khiến món cháo tống trở thành đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Cà Mau.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Ghé thăm vùng đất tận cùng của Tổ quốc, nhiều du khách tìm ăn món cháo tống không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai mà còn vì là đặc sản nổi tiếng.

Đây là món ăn mang đậm chất vùng miền được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng đất - thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như lẩu cá, lẩu mắm.

Khi ăn cháo rau đắng sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng khi nuốt qua cổ họng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đọng lại. Thường vào mùa khô, rau đắng mới sẵn có và được coi là tinh hoa của đất, mọc lên từ những gốc rạ, thân mảnh mai, màu trắng muốt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
Cháo tống miền Tây với vị ngọt tới chín của cá, vị đắng của rau hòa quyện, tạo nên món ăn hấp dẫn, quyến luyến thực khách. Ảnh: dacsanthonque

Cá lóc ở miền Tây ngon nổi tiếng, thịt cá thơm ngon và béo ngậy. Những con cá đánh bắt được làm sạch, lọc hết thịt, còn lại đầu xương và lòng cho vào nồi luộc chín lấy nước dùng để nấu cháo cho đến khi gạo sóng sánh nhựa.

Thịt cá lóc được thái mỏng tang, thêm chút gia vị, hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm ngon. Khi ăn, người chế biến mới cho rau đắng lót dưới đáy bát, trên bày thịt cá rồi múc cháo đang sôi lục bục trên bếp đổ vào, thêm chút hạt tiêu, nước mắm, ớt tươi, vậy là có một bát cháo tống ngon đậm đà.

Lớp cá ở dưới với nhiệt độ nóng của cháo mà tới chín, không bị bở, nát và vẫn giữ được độ ngọt. Lấy đũa lật miếng cá ở phía dưới, ăn cùng với cọng rau đắng, chút rau thơm, cảm giác vị ngọt, đắng hòa quyện cứ tan ở đầu lưỡi, khiến du khách muốn ăn mãi không thôi.

Về miền Tây, món cháo tống rất thích hợp ăn khuya, bạn có thể dễ dàng tìm trong các quán nhậu. Những người đàn ông miệt sông nước sau một ngày lao động cực nhọc, ngồi lai rai cùng nhau thường ăn một bát cháo, giá khoảng 30.000 đồng, vừa ấm bụng, vừa giải rượu rất tốt.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ
Bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân.

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương (VnExpress)

Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Trái chuối nướng ngòn ngọt được bọc bên ngoài lớp bột nếp, chan nước cốt dừa thơm lừng và rắc thêm một ít đậu phộng tạo thành món ăn dân dã ở miền Tây.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Người dân miền Tây vốn hảo ngọt, nên những món ăn như bánh, chè, xôi, rau câu được bày bán rất phong phú. Trong đó, du khách không thể bỏ qua món chuối nếp nướng.

Nguyên liệu làm chuối nếp nướng rất đơn giản. Bạn chọn loại chuối xiêm, vừa chín tới, chặt đem về ủ. Vài hôm sau chuối vàng ươm mới dùng để chế biến. Chuối được lột vỏ, ướp chút đường và muối để có vị đậm đà. Đặc biệt, chuối phải được nướng trên bếp than hồng và để nguyên trái mới đúng điệu.
Người nướng phải trở luôn tay cho đều các mặt. Khi lá chuối cháy sém vàng, lớp vỏ ngả màu và mùi thơm bốc lên là bánh chín. Ảnh: Liêu Lãm

Món chuối nếp nướng này sẽ không thể đạt được hương vị trọn vẹn nếu thiếu đi nước cốt dừa và đậu phộng. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm béo của cốt dừa và đậu phộng rang tạo thành món ăn đơn giản mà níu chân du khách.

Có rất nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối được bọc bên ngoài lớp bột nếp trộn trước với nước cốt dừa rồi đem bọc trong lá chuối. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giưc được hương vị.

Với 5.000 - 7.000 đồng, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của món ăn này mà ít nơi đâu có được. Địa chỉ nổi tiếng với chuối nếp nướng là quán trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy món này ở một số nơi khác như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ...
“Khi ăn, sự nóng giòn của lớp bột nếp bên ngoài hoà quyện với nước cốt dừa béo ngậy, và miếng chuối ngọt bùi, tôi cảm giác như cả miền Tây sông nước, giản dị như ngập tràn trong từng dây thần kinh vị giác” – chia sẻ của bạn Liêu Lãm trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Liêu Lãm
Phong Vinh (VnExpress)

Bài đăng phổ biến