Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch và cuộc sống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch và cuộc sống. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Những lễ hội độc đáo ở Đài Loan qua các tháng trong năm

Đài Loan là điểm đến hấp dẫn đối với những du khách thích du lịch văn hóa, bởi người dân nơi đây giữ lại được nét văn hóa truyền thống với một loạt lễ hội trải dài qua nhiều tháng.


Cũng như nhiều nơi khác ở châu Á, người Đài Loan đón Tết Âm lịch từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng 1 Âm lịch. Tết Nguyên đán (hay còn gọi là lễ hội mùa xuân) là lúc mọi người xua bỏ hết những điều cũ kĩ của năm đã qua và đón chờ những điều mới mẻ. Đi liền với lễ hội này là hoạt động tiễn ông Táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh bò (fagao), bánh gạo (niangao), cúng Giao thừa, đi lễ chùa, thăm hỏi người thân, bạn bè, cúng Thần tài vào mồng 4 và kinh doanh trở lại vào mồng 5.


Du khách đến với Đài Loan những ngày đầu xuân không nên bỏ lỡ lễ hội đèn trời Bình Khê (Pingxi). Cảm giác hàng nghìn chiếc đèn lung linh, đỏ rực trên nền trời tối là cảnh tượng mà bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Hoạt động truyền thống này xuất phát từ một câu chuyện cổ về dân làng Thập Phần (Shifen) thả đèn lồng lên trời để báo hiệu bình an. Việc thả đèn trời cũng mang ý nghĩa gửi gắm những ước nguyện đến trời cao và bày tỏ lòng thành kính mong điều ước sẽ trở thành sự thật. 


Lễ hội lồng đèn Đài Loan là hoạt động thường niên của vùng đảo xinh đẹp này. Năm sau, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2/3 đến 11/3/2018 tại Gia Nghĩa, Đài Loan. Trong ảnh là lễ hội lồng đèn diễn ra vào năm 2017 ở Vân Lâm (Yunlin)

Những chiếc lồng đèn khổng lồ, đa dạng về kiểu dáng, kích thước và màu sắc là điểm nhấn của hoạt động này, hứa hẹn thu hút những du khách nhí đến với Đài Loan. Bằng cách đưa du lịch, công nghệ, văn hóa và nghệ thuật vào một lễ hội truyền thống, sự kiện là nơi bộc lộ khả năng sáng tạo của các nghệ nhân Đài Loan.


Chương trình năm 2018 bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Khu vực lồng đèn nước sẽ diễn ra chương trình nhạc nước theo tiêu chuẩn quốc tế để mô tả lại quang cảnh tuyệt đẹp của núi A Lý (Alishan), kiến trúc của Bảo tàng Quốc gia Đài Loan… Lồng đèn đất là nơi tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống của các nghệ nhân địa phương; trong khi lồng đèn không khí sẽ được ứng dụng công nghệ, vật liệu và kỹ thuật mới.


Lễ hội pháo hoa Tổ ong Diêm Thuỷ (Yanshui Beehive Fireworks) được tổ chức tại làng Diêm Thuỷ, Đài Nam. Theo Tổng cục du lịch Đài Loan, đây là lễ hội dân gian lớn thứ 3 thế giới, đồng thời là một trong những lễ hội tôn giáo tiêu biểu của Đài Loan.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, không khí tại làng Diêm Thuỷ vô cùng náo nhiệt. Người dân tin rằng càng nhiều tia lửa pháo hoa chạm vào người, những khó khăn xui xẻo sẽ tan biến và nhận càng nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới. Chính vì vậy, lễ hội đã thu hút rất nhiều dân địa phương và khách du lịch từ khắp nơi đổ về.


Lễ hội văn hóa Bảo Sinh, một trong những lễ hội tôn giáo dân gian của Đài Loan, diễn ra trong khoảng ngày 1/4 đến 27/5 hàng năm. Chương trình gồm một chuỗi hoạt động thờ cúng, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống… thu hút nhiều du khách nước ngoài tham gia. Đền Bảo An Đại Long (Dalongdong Baoan) từng lọt vào danh sách Bảo tồn Di sản Văn hóa của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2003.


Lễ hội đua thuyền rồng Lộc Cảng (Lukang) thường diễn ra vào nửa cuối tháng 5 - nửa đầu tháng 6 là dịp để người dân quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương… đến du khách. Xuất hiện từ năm 1978, lễ hội này ngày càng được chú trọng và mở rộng quy mô. Đến năm 2006, đua thuyền rồng Lộc Cảng đã được đưa vào danh sách “12 lễ hội quan trọng ở Đài Loan”.


Nếu có dịp đến với vùng đất Tân Trúc (Hsinchu) vào tháng 8 (tức khoảng tháng 7 Âm lịch), bạn có thể dành thời gian tham dự lễ hội Nghĩa Dân (Nation Yimin Festival) tại miếu Bảo Trung Nghĩa Dân. Hoạt động truyền thống của lễ hội này gồm nâng các cột đèn lồng, thả đèn lồng trên mặt nước, gánh quang gánh trên vai để đi diễu hành, trả lại những miếng vải đen cho gia đình những người phụ nữ trong làng…


Lễ hội múa sư tử ở Cao Hùng (Kaohsiung) là hoạt động ấn tượng tiếp theo trong danh sách lễ hội văn hóa thú vị ở Đài Loan. Vũ điệu của sư tử, biểu tượng cho sức mạnh, xuất phát từ khoảng thời gian nông nhàn của người dân, từ đó tạo nên nét văn hóa đặc sắc. Bạn có thể chùa Guangji, quận Qianzhen để thưởng thức những màn biểu diễn đặc sắc này.


Những lễ hội truyền thống được lưu giữ tốt biến Đài Loan trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích du lịch văn hóa. Không dừng lại ở đó, vùng đất này còn nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, nền ẩm thực phong phú, tính cách người dân thân thiện.

Theo news.zing.vn


Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

8 điểm đến mới của Singapore

Kết thúc hành trình 6 năm "Your Singapore", Tổng cục Du lịch Singapore (STB) vừa chính thức giới thiệu nhận diện thương hiệu mới tại Việt Nam là "Singapore - Passion Made Possible" (tạm dịch: Singapore - Nơi đam mê khơi mở tiềm năng).

Cùng với những kế hoạch truyền thông cho thương hiệu, STB cũng giới thiệu những điểm đến mới cho du khách Việt.

Có những điểm đến hết sức bình dân, một số khác lại khá xa xỉ. Một số điểm đến phù hợp với giới trẻ, những người thích khám phá, đam mê ẩm thực, mua sắm. Một số điểm đến lại chú trọng việc gắn kết gia đình với các hoạt động thể thao, nghỉ dưỡng.

Nếu đã quá quen thuộc với những điểm đến như Sentosa, Marina Bay Sands, vườn thú Safari hay Universal Studio của Singapore thì những gợi ý dưới đây sẽ không làm bạn thất vọng.

Du ngoạn thuyền Bumboat


Di chuyển trên những chiếc thuyền bumboat chạy bằng nhiên liệu sạch là một trải nghiệm mới lạ chỉ có thể được tìm thấy trên sông Singapore

Hành trình sẽ ghé thăm các địa danh nổi tiếng dọc con sông như: Esplanade, Boat Quay, Clarke Quay, Clemenceau và Robertson Quay.

Nhà hàng Monti


Nằm gần bờ sông, dọc Marina Bay, Monti là một địa điểm lý tưởng cho các buổi hẹn hò lãng mạn.

Đêm xuống, Monti khoác lên mình chiếc áo sôi động, biến thành tụ điểm giải trí đêm với những màn trình diễn nhạc sống.

Phòng trưng bày Quốc gia Singapore


Phòng trưng bày thu hút hơn 8.000 tác phẩm từ Bộ sưu tập Quốc gia Singapore.

Đây là viện nghệ thuật thị giác hoàn toàn mới với những bộ sưu tập dành cho công chúng lớn nhất và có giá trị nhất trên thế giới về nghệ thuật đương đại của Singapore và Đông Nam Á từ thế kỷ 19 đến nay.

Por Kee


Là một nhà hàng nổi tiếng với các món ăn phong cách gia đình Trung Quốc truyền thống. Thực đơn của quán rất đa dạng, chủ yếu bắt nguồn từ ẩm thực Quảng Đông. 

Tất cả những món như thịt lợn, đậu hũ, cá hấp, mì tôm đều được làm trực tiếp bằng tay. Ớt và tôm được tẩm ướp với nước sốt đậm đà.

Haji Lane @ Kampong Glam


Kampong Glam là một điểm đến vô cùng thú vị. Khu vực này có một sự pha trộn độc đáo giữa lịch sử, văn hóa và phong cách sống thời thượng.

Từ một làng chài ở cửa sông Rochor, giờ đây Kampong Glam là điểm đến lý tưởng cho các tín đồ thích mua sắm. 

Nơi đây có một dãy các cửa hàng cũng như các quán cafe và quán bar phong cách.

Singapore Sideways Vespa Tour


Đây là một hình thức du lịch mới toanh tại Singapore. Bạn sẽ ngồi bên thùng xe và được tài xế Vespa đưa đến các điểm dừng chân thú vị trong thành phố.

Một tour Vespa sẽ kéo dài từ 60-90 phút, tuỳ lịch trình và thời gian bạn dừng chân. 

Singapore Sideways Vespa Tour sẽ phù hợp hơn với các bạn đi du lịch theo nhóm từ 5-10 người

Nhà hàng Liao Fan Hong Kong


Được biết tới như cửa hàng đạt sao Michelin rẻ nhất thế giới với món cơm gà trứ danh giá chỉ 2 SGD, nhà hàng là địa chỉ thứ hai của món cơm gà quay kiểu Hong Kong.

Bạn phải xếp hàng chờ khá lâu để được thưởng thức món cơm gà đặc biệt này.

Nutmeg & Clove


Nằm ở số 10A Ann Siang Hill, Nutmeg & Clove là quầy bar có lịch sử lâu đời phục vụ các loại cocktail tuyệt hảo.

Menu của Nutmeg & Clove được chia thành 5 nhóm, lấy cảm hứng theo dòng lịch sử của Singapore từ giai đoạn đồn điền thương mại đến thành phố hưng thịnh ngày nay.

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Vẻ đẹp rực rỡ của Sapa vào mùa xuân

Bất cứ khách du lịch nào đến Sapa đều cảm thấy thích thú trước vẻ đẹp và sự bình yên của nơi này. Cũng như những nơi khác Sapa cũng có bốn mùa rõ rệt, vào mùa xuân hoa ban, hoa mận bung nở khiến Sapa trở nên vô cùng rực rỡ.


Những loài hoa thi nhau khoe sắc



Cũng giống như mùa xuân ở những phố núi vùng cao, ở Sapa mùa xuân tiết trời ấm áp, hòa cùng không khí đó là những loài hoa đua nhau khoe sắc. Trong đó nhiều nhất là những loài như: hoa đào, hoa mận, hoa lê, hoa mơ, hoa phong lan, địa lan các loại…

Những cây đào ở Sapa đều mọc từ rất lâu qua thời gian bị rêu phong mốc trắng nhưng vẫn chào xuân bằng những cành hoa đẹp dung dị mà có sức thương nhớ với bất cứ ai khi đến Sapa vào dịp này.

Hoa đỗ quyên nở vào khoảng tháng 2 cho đến hết 30/4 trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Hoa đỗ quyên nở nhiều nhất ở đường chinh phục đỉnh Fansipang. Có đến hơn 50 loài đỗ quyên với nhiều màu đặc trưng: vàng, trắng, hồng, đỏ, tím, điểm tô cho “nóc nhà Đông Dương”. Hoa đỗ quyên nở quanh năm nhưng thắm sắc nhất là vào mùa xuân tạo nên khung cảnh đẹp làm rung động biết bao du khách.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ


Du lịch Sapa vào mùa xuân có thể ngắm những ruộng bậc thang đang no nước để chờ vào vụ mới. Dọc những con đường về bản Cát Cát Sín Chảo, Lao Chải, Tả Van, bà con người dân tộc đang mải mê cho một mùa mới. Những bậc ruộng bậc thang ăm ắp nước xuân về, đôi ba thửa ruộng cấy sớm đang tô điểm màu xanh cho đất. Đất mềm mại của những nương mạ non không kém phần hấp dẫn so với những cánh đồng lúa chín vàng.

Những lễ hội đặc sắc


Du lịch Sapa đầu xuân du khách sẽ được hòa mình vào những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc ở nơi đây như: lễ hội Khèn Sáo, lễ hội Lồng Tồng bản Tả Van người Dao Tuyền, Lễ hội Gầu Tào 11 tháng giêng, âm lịch tại bản Sín Chải Tả Giàng Phìn, Lễ hội Roong Pooc của người Giáy Tả Van, lễ hội cơm mới và hội hoa chuối của người Xa Phó Văn Bàn, lễ hội đền Thượng Rằm tháng Giêng âm lịch…

Không chỉ có thế đến Sapa đầu xuân du khách còn được tham gia những phiên chợ xuân đầy ý nghĩa với mong muốn mua may bán rủi của đồng bào dân tộc nơi đây, với hi vọng một năm tốt lành. Những phiên chợ đầu xuân như chợ Sapa, chợ Cắn Cấu Simacai, chợ Bắc Hà, chợ Cốc Ly luôn luôn là những điều thú vị trong mỗi hành trình tour đến với Sapa.


Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Đi cắm trại chớ quên 5 thứ quan trọng này

Bạn bị mệt mỏi do sự hối hả của nhịp sống hiện đại và muốn thoát khỏi sự nhàm chán của công việc, muốn nghỉ ngơi nhưng lại không thể sắp xếp thời gian? Vậy thì một buổi cắm trại hoàn toàn là phù hợp cho bạn - chi phí thấp, không cần đi quá xa mà vẫn có những giây phút vui vẻ lấy lại tinh thần làm việc. Và nếu đã quyết định đi cắm trại, ngoài những vật dụng cơ bản đừng quên những món đồ quan trọng dưới đây để đảm bảo cho bạn một kỳ nghỉ ngắn ngày hoàn hảo. 


1. Túi cứu thương

Túi cứu thương nên được đặt ở đầu danh sách đồ mang theo ở bất kỳ chuyến đi nào, cắm trại cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên có nhiều người vô tình quên nó hoặc bị những cảm giác hồi hộp lẫn phấn khích lấn át mất sự lo lắng phòng tránh những tình huống xấu. 


Ý tưởng cắm trại gợi lên những suy nghĩ về sự vui vẻ và thư giãn, vì thế mọi người ít khi nghĩ về những thương tích xảy ra mà không nghĩ rằng điều gì cũng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, ngay cả khi không có tai nạn gì lớn thì những vết bầm tím, dị ứng, mụn nước… khá phổ biển ở những nơi mọi người hay đi cắm trại. 


Vì thế, tốt nhất là hãy chuẩn bị bộ đồ y tế sơ cứu bao gồm thuốc khử trùng, thuốc mỡ kháng khuẩn, thuốc giảm đau, aspirin, bông băng… cùng với găng tay và nước rửa tay khô tránh vi khuẩn. 

2. Bịt mắt và nút tai

Nút tai không phải là điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi đi cắm trại, nhưng nếu muốn ngủ ngon thì đừng quên vật dụng nhỏ bé thần thánh này. Tiếng gió, tiếng suối hay tiếng hát hò thâu đêm từ các lều bên cạnh sẽ khiến bạn tỉnh táo ngay cả khi đang muốn ngủ ngon giấc. 


Cả bịt mắt cũng vậy, lều của bạn không phải lúc nào cũng đủ tối để cho bạn giấc ngủ ngon lành. Chính vì thế, hãy mang theo hai món đồ bé nhỏ này nếu muốn có buổi cắm trại tuyệt vời và tinh thần tỉnh táo ngày hôm sau. 

3. Túi đựng rác

Xả rác vô tội vạ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất khi đi cắm trại. Những người ý thức kém thì luôn để lại một đống rác lớn sau bữa tiệc vui vẻ, và những chất thải đó chính là tác nhân hủy hoại môi trường và các loài động thực vật quanh đó. Vì thế, bạn đừng quên cầm theo những túi lớn để gom rác sau những cuộc vui, đem ra khỏi rừng và vứt đúng nơi quy định. Có như vậy bạn mới có thể có những buổi cắm trại vui vẻ về sau ở những chốn hoang sơ. 

4. Pin và sạc dự phòng


Có thể người ta nhớ mang đèn pin, mang đồ điện tử theo nhưng lại thường quên mất pin và các loại sạc dự phòng. Thật tệ nếu như đang ăn tối hoặc muốn dùng đèn đi kiếm củi mà lại hết pin. Ngoài việc sạc đầy các thiết bị thì mang theo pin/sạc dự phòng cũng quan trọng không kém vì hầu hết các buổi cắm trại diễn ra buổi tối, và việc thiếu ánh sáng thì bất tiện vô cùng. 

5. Giấy ướt

Nếu cắm trại ở những khu du lịch được quy hoạch, bạn sẽ có phòng tắm đàng hoàng, nếu cắm trại ven sông/suối/hồ thì sẽ không thiếu nước để rửa mặt mũi tay chân, nấu ăn… Chắc chắn việc đi cắm trại sẽ tốn của bạn không ít mồ hôi, và bụi bẩn thì sẽ không thiếu. Hầu như mọi người cho rằng việc “bẩn” ấy là một phần của việc cắm trại và khỏi cần tắm cũng được, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn bỏ qua khâu vệ sinh. 

Khi ấy thì một bịch giấy ướt sẽ phát huy tác dụng. Làm sạch không cần dùng nước, mặt mũi, chân tay, lau bát đũa… Giấy ướt rẻ và có rất nhiều công dụng không thể phủ nhận, chỉ cần sử dụng xong nhớ gom lại cùng với rác đem về là quá ổn. 

Cắm trại cho bạn cơ hội để thoát khỏi cuộc sống bận rộn, đưa bạn đến gần với thiên nhiên hơn. Sống trong rừng thì luôn khó khăn hơn so với cuộc sống hiện đại rồi, nhưng trong những khó khăn đó có cả những sự phấn khích, hào hứng mà ít khi bạn có được. Và những vật dụng nói trên, cùng với đồ đạc cơ bản của một buổi cắm trại sẽ là hành trang tốt nhất cho bạn có một buổi cắm trại thú vị, ý nghĩa và đáng nhớ.

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

9 mẹo vặt về du lịch

Đây là bài dịch của chị Rosie tác giả của cuốn sách Ta Balo Trên Đất Á, mình đọc và cảm thấy hay rất hợp với ý mình nên xin phép copy về share lên blog cho mọi người cùng đọc.



Paulo Coelho, tác giả của quyển sách nổi tiếng Nhà giả kim, là một trong những tác giả yêu thích của mình. Văn của ông nhẹ nhàng, trầm tĩnh, mang chất thiền và nhiều triết lý. Mình thường chọn những quyển sách của ông như Like the flowing river, Manual of the Warrior of Light… để bầu bạn lúc trên đường, vừa thảnh thơi nghỉ ngơi bên bờ biển vừa đọc sách, hoặc trong những buổi trà chiều một mình đọc chậm rãi và nghĩ ngợi về cuộc đời.

Ông có một bài blog với tựa đề: “9 mẹo vặt về du lịch” gồm những lời khuyên rất hữu ích cho những chuyến đi nhiều trải nghiệm. Trước đây mình đã từng đọc một vài tips của ông trong quyển Like the flowing river. Nay được bạn share bài mới viết của ông với các mẹo đầy đủ, đọc thấy rất thích. Nên vừa dịch vừa “bình luận” thêm để chia sẻ với những người bạn có cùng sở thích đi du lịch như mình.

1/ Tránh xa các bảo tàng.


Đây có vẻ là một lời khuyên vô lý, nhưng bạn hãy thử nghĩ về điều đó xem: nếu bạn đang ở trong một thành phố lạ, thì việc tìm hiểu về hiện tại chẳng phải sẽ thú vị hơn tìm hiểu về quá khứ hay sao? Người ta cảm thấy bắt buộc phải đến thăm các viện bảo tàng đơn giản là vì khi còn nhỏ họ học được rằng du lịch là để tìm hiểu về văn hóa lịch sử. Các bảo tàng mang những ý nghĩa rất quan trọng, nhưng khi ghé thăm chúng bạn cần nhiều thời gian và cả khả năng quan sát – bạn cần biết là bạn muốn xem cái gì ở đó. Nếu không có khi bạn sẽ ra về và cảm thấy rằng mình đã thấy những thứ rất vĩ đại, nhưng lại không thể nhớ chính xác đó là những thứ gì.

* Paulo Coelho đưa ra lời khuyên này nhằm khuyến khích các trải nghiệm tươi mới về vùng đất mà ta ghé thăm. Vì văn hóa trong các bảo tàng là văn hóa chết. Còn văn hóa ngoài đời thực mới là văn hóa sống. Khi đi du lịch, mình cũng thường dành chủ yếu thời gian lang thang quanh các đường phố, các khu chợ, quán xá ven đường… hơn là bảo tàng.

2/ Ghé thăm các quán bar.

Chính các quán bar chứ không phải bảo tàng là nơi cuộc sống của một thành phố diễn ra sinh động nhất. Bar không có nghĩa là các hộp đêm hay vũ trường, mà chỉ là nơi mà những con người bình thường hay ghé đến, uống một ly, suy nghĩ về nước Mỹ, và luôn sẵn sàng để chat chit. Bạn hãy mua một tờ báo, ghé vào quán bar và tận hưởng những câu chuyện bất tận với người lạ. Nếu có ai đó bắt đầu một cuộc tranh luận, dù là nghe có vẻ ngớ ngẩn đi nữa, thì hãy tham gia. Bạn không thể đánh giá vẻ đẹp của một con đường chỉ bằng cách nhìn qua cánh cổng.

* Bar trong ý của tác giả là nơi hơi giống các quán cà phê, trà chanh hoặc quán nhậu bình dân ở mình. Một nơi mà người dân lao động tụ tập làm vài cốc bia sau một ngày làm việc mệt mỏi, trò chuyện với người khác hay đơn giản là nghĩ ngợi về cuộc sống. Văn hóa phương Tây cởi mở và hoạt ngôn nên người ta cũng dễ dàng tham gia các cuộc trò chuyện hay tranh luận bất chợt nổ ra nơi công cộng, kết bạn, làm quen, giao lưu các kiểu.

3/ Hãy cởi mở trò chuyện


Người hướng dẫn du lịch tốt nhất cho bạn là người dân chính gốc ở địa phương, một người biết rõ nơi họ sống như lòng bàn tay, tự hào về nơi đó, nhưng không làm việc cho một công ty du lịch nào cả. Hãy đi ra đường, chọn một người mà bạn muốn nói chuyện, và hỏi họ vài điều (như hướng đi ra nhà thờ, hay bưu điện). Nếu người đó không sẵn sàng trò chuyện, hãy thử lại với người khác. Bảo đảm bằng cách này, bạn sẽ tìm ra một người đồng hành tuyệt vời cho chuyến đi dạo vòng quanh thành phố.

4/ Cố gắng đi du lịch một mình.


Đi du lịch một mình sẽ khó khăn hơn đi chung với người khác vì ta phải tự thân vận động tất cả mọi thứ, nhưng chỉ bằng cách này bạn mới thực sự bỏ đất nước mình lại phía sau. Khi đi du lịch theo nhóm, bạn ở một đất nước khác nhưng vẫn nói tiếng mẹ đẻ, làm những việc trưởng nhóm yêu cầu, và thường dành thời gian trò chuyện với những người chung nhóm hơn là tìm hiểu phong tục địa phương.

5/ Đừng so sánh.

Đừng so sánh bất kỳ thứ gì cả – giá cả, tiêu chuẩn vệ sinh, mức sống, phương tiện di chuyển,… Đi du lịch không phải là để chứng minh rằng mình đang có một cuộc sống tốt hơn người khác. Đi là để tìm hiểu xem người dân ở những nơi khác sinh sống thế nào, họ đối diện với những vấn đề khác nhau trong cuộc sống ra sao, và họ có thể dạy cho ta điều gì.

6/ Hãy tin rằng mọi người có thể hiểu được bạn.

Kể cả khi bạn không nói chung một ngôn ngữ với người dân bản địa khi đi du lịch thì cũng đừng lo lắng. Tôi đã từng đến rất nhiều nơi trên thế giới mà tôi không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với người khác, nhưng tôi luôn tìm thấy ở đó sự giúp đỡ, hướng dẫn, các lời khuyên hữu ích, và ngay cả các cô bạn gái. Một số người nghĩ rằng nếu họ đi du lịch một mình, thì một khi đặt chân xuống phố, họ sẽ bị lạc ngay lập tức. Nhưng chỉ cần bạn mang theo tấm card khách sạn trong túi, và trong trường hợp bị lạc, thì vẫy một chiếc taxi và đưa nó cho người lái xe xem, thì bạn sẽ về đến nơi an toàn.

7/ Đừng mua sắm quá nhiều


Hãy tiêu tiền vào nhứng thứ mà bạn không phải mang theo: vé xem một vở kịch hay, một bữa ăn ngon ở một nhà hàng địa phương nổi tiếng, hay một chuyến tham quan trong ngày. Việc chăm chú mua sắm quá nhiều làm giảm đi thời gian trải nghiệm văn hóa ở nơi ta đến và tăng thêm gánh nặng cho hành lý.

8/ Đừng cố gắng xem cả thế giới trong vòng một tuần.

Ghé thăm một thành phố trong năm ngày là lựa chọn hợp lý hơn nhiều so với việc ghé thăm năm thành phố trong một tuần. Điều làm nên một chuyến đi đáng nhớ là chất lượng của chuyến đi, chứ không phải là số lượng những nơi bạn đã ghé qua. Một thành phố cũng giống như một người phụ nữ vậy, ta cần thời gian để khám phá và tìm ra những nét quyến rũ của cô ấy.

9/ Mỗi chuyến đi là một cuộc phiêu lưu.


Henry Miller từng nói rằng dạo chơi ở một nhà thờ nhỏ không ai biết đến còn tốt hơn nhiều so với việc đến Rome và cảm thấy nhất thiết phải ghé thăm Sistine Chapel (nơi ở chính thức của Giáo hoàng) và bị bao quanh bởi hơn hai trăm ngàn du khách khác. Hãy đến Sistine Chapel, nhưng cũng đừng bỏ qua những con phố địa phương, tự do tìm kiếm những điều khác ngoài những địa danh phổ biến. Những câu chuyện nhỏ, những cảnh trên đường, cho dù không hề lường trước, có thể thay đổi cách nghĩ của bạn về cuộc sống.

* Từng ghé thăm nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, mình phát hiện ra rằng các thành phố, hễ càng lớn thì lại càng cần nhiều thời gian để khám phá và tìm ra đặc trưng của nó. Thoạt nhìn, thành phố nào cũng giống nhau với nhà cao tầng, các công trình kiến trúc đồ sộ và xe cộ tấp nập. Nhưng phải bỏ thời gian lang thang những khu phố nhỏ, ngắm nhìn những bụi cây cảnh, ghé vào quán vắng trong hẻm, hay trò chuyện với người qua đường, thì ta mới phát hiện ra những nét hay ho, những vẻ đẹp ẩn giấu nép kín bên trong thành phố. Chính những điều bé nhỏ long lanh như thế mới là điều mình nhớ nhất về những thành phố mình đã qua.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

9 ngôi làng bên vách đá ngoạn mục đến khó tin

Ngoạn mục đến khó tin, những ngôi làng treo mình lơ lửng bên mép núi sẽ khiến bạn muốn một lần được “đến tận nơi, nhìn tận mắt”.

Xem thêm : 7 nơi đáng đi trong hành trình 70 quốc gia của cô gái người Anh

Manarola (Cinque Terre, Italy): 


Italy không thiếu những nơi lên ảnh tuyệt đẹp, nhưng ấn tượng nhất là chuỗi làng ven biển của Cinque Terre. Cinque Terre (nghĩa là “năm vùng đất”) được tạo thành từ Vernazza, Riomaggiore, Corniglia, Monterosso và Manarola, nằm dọc theo bờ Ligurian thuộc miền bắc Italy. Được bao phủ bởi biển nhà rực rỡ bám sát vào bức tường đá kiên cố, Manarola là khu vực nổi tiếng với rượu vang tuyệt ngon, tranh của Antonio Discovolors, và đặc biệt, hoàn toàn vắng bóng ôtô và đèn hiệu giao thông.

Civita di Bagnoregio (Italy): 


Cách thành Rome khoảng 120 km về phía bắc, Civita Di Bagnoregio là kiệt tác thiên nhiên nằm trên một ngọn đồi, bên trên một hẻm núi. Được thành lập cách đây hơn 2.500 năm, trong suốt thế kỷ 20, cư dân của làng chỉ vẻn vẹn còn lại 6 người. Ngày nay, vào mùa đông, có khoảng 12 người sinh sống và khi hè đến, có đến khoảng 100 người. Ngoài phong cảnh đẹp như tranh, khu vực còn có vài cửa hàng thú vị và một số kiến trúc có lịch sử vài nghìn năm tuổi.

Pitigliano (Italy): 


Thị trấn này nằm trên đỉnh một hòn đá tufa ở độ cao hơn 300 m so với mực nước biển và thường được xuất hiện trên bưu thiếp cũng như các vật phẩm du lịch khác của Italy. Hiện nay Pitigliano có khoảng 300 ngôi nhà với dân số vào cỡ 4.000 người và chỉ có một lối ra kiêm lối vào duy nhất. Đến đây, bạn có thể bắt gặp nhiều ngôi mộ và hang động được chạm khắc từ những vách đá trong suốt nhiều thế kỉ đã được sử dụng làm hầm chứa rượu vang.

Matera (Italy): 


Được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Matera là khu xuất hiện dân định cư lâu đời nhất lịch sử. Từ thời xưa, người dân ở đây đã chạm khắc lên đá vôi để tạo ra những ngôi nhà trông giống như hang động. Có niên đại từ 15.000 năm trước Công nguyên, hiện nay, nhiều ngôi nhà của khu vực đã được “phù phép” thành những quán ăn và khách sạn phong cách.

Rocamadour (Pháp): 


Nằm trong Công viên Causses du Quercy, Rocamadour thu hút hơn một triệu khách du lịch mỗi năm trong khi dân số của vùng chỉ vào khoảng 600 người. Bên cạnh khung cảnh ấn tượng với vách núi hai bên và dòng Alzou chảy ngay bên dưới, địa điểm này còn nổi tiếng với pho mát dê độc đáo và lễ hội pho mát Fete des Fromages.

Azenhas Do Mar (Sintra, Bồ Đào Nha): 


Azenhas do Mar nằm lách mình giữa một bên biển và một bên núi với những ngôi nhà trắng và hồ bơi được chạm khắc từ đá vào những năm 1950. Nằm dọc các vách đá gần Sintra, ngôi làng này nổi tiếng với phong cảnh ngoạn mục và ẩm thực xuất sắc. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức một trong những món ăn ngon nhất Bồ Đào Nha - từ hải sản tươi sống như sò biển, trai, tôm hùm đến súp bánh mì và bánh mousse trái cây, hay đơn giản chỉ là tận hưởng cảm giác thư giãn khi ngắm nhìn bề mặt Đại Tây Dương lấp lánh.

Piodao (Bồ Đào Nha): 


Tọa lạc gần ngay công viên Serra da Estrela, Piodao được xem là một trong những ngôi làng đẹp nhất Bồ Đào Nha với những ngôi nhà chếch lên theo dốc núi. Nhà ở đây được xây bằng vật liệu có sẵn trên khu đồi xung quanh, toàn bộ cửa sổ và cửa ra vào được sơn xanh, đóng vai trò là phần không thể tách rời khỏi tổng thể kiến trúc của làng.

Meteora (Hy Lạp): 


Cái tên "meteora" (tiếng Hy Lap có nghĩa "lơ lửng giữa không trung") như đã nói lên tất cả. Làng Meteora nằm trên những cột đá cao chọc trời có tầm nhìn bao quát đến cả Kalambaka và Kastraki ở phía bắc trung tâm Hy Lạp. Hiển nhiên, khu phức hợp tu viện chính thống giáo phương Đông này không giống bất kỳ nơi đâu khác trên thế giới. Nhưng đáng nói là, chúng có niên đại từ tận thế kỷ 14 và ngày nay, chỉ còn lại 6 tu viện vẫn được mở cửa cho công chúng.

Oia (Santorini, Hy Lạp): 


Mọi ngôi làng của Santorini đều đẹp ngoạn mục, nhưng nổi bật nhất là Oia - vốn nức tiếng với không gian tĩnh lặng và quanh cảnh lãng mạn khi hoàng hôn buông xuống. Nhà ở Oia sử dụng kiến trúc truyền thống với phần thân được chạm khắc từ đá, nổi bật giữa dãy nhà thờ mái vòm xanh nằm dọc theo những con phố hẹp và mái hiên ngập ánh mặt trời. Về đêm, nhiều người tìm đến quảng trường của làng, nhìn ra biển để được tận mắt ngắm nhìn cảnh mặt trời khuất dần khỏi mặt nước.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Văn Miếu đẹp rực rỡ trong đêm 'Thu vọng nguyệt'

Hàng nghìn chiếc đèn lồng được trang trí kết hợp với ánh sáng, âm nhạc đã tạo nên một Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) khác biệt dịp Tết Trung thu 2017.


Tối 29/9, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẹp lạ thường khi được trang trí đèn lồng, hoa đăng màu sắc.


Đây là sự kiện văn hóa mang tên "Thu vọng nguyệt". Trên mặt hồ các dải hoa đăng hồng rực cuốn hút du khách.


"Thu vọng nguyệt” là bản hòa tấu chào đón Tết trung thu năm nay. Sự kiện đánh thức mọi giác quan bằng sự giao thoa của các chất liệu xưa - nay, cũ - mới, truyền thống và hiện đại trong một không gian mang tính biểu trưng văn hóa của Thủ đô. Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Màn trình diễn mang tên “Dòng sông ánh sáng” bằng hàng nghìn chiếc đèn lồng đủ kích cỡ và màu sắc khác nhau treo từ ngoài cổng chạy dọc vào trong tạo nên không gian thú vị.


Ngoài ra còn có nhiều biểu tượng khác mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam.


Những gian hàng đồ chơi Trung thu truyền thống được bày biện giúp cho người trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa bản sắc Việt, qua đó tuyên truyền việc lưu giữ và bảo tồn.


Các trò chơi truyền thống sinh động, hấp dẫn được tổ chức biểu diễn như múa lân, nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... cùng những hoạt động văn hóa dân gian làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he.


Tái hiện lại cảnh chú cuội ngồi gốc cây đa tại khu vực Đại Trung Môn của Văn Miếu.


Mâm cỗ Trung thu tại sân nhà Tiền đường được sắp đặt công phu.


Hình ảnh chiếc đèn ông sao không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Trung thu.


Những gian hàng để các nghệ nhân có thể tương tác với thế hệ trẻ để họ hiểu hơn về các giá trị truyền thống.


Hai du khách đến từ Nga được một nghệ nhân hướng dẫn làm đèn kéo quân.













Bài đăng phổ biến