Hiển thị các bài đăng có nhãn bánh bèo chén. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bánh bèo chén. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Khác biệt của món bánh bèo ở các vùng miền Việt Nam

Cùng một tên gọi nhưng món bánh bèo ở Hải Phòng, Nghệ An, Huế… lại không giống nhau. Đặc trưng ẩm thực mỗi vùng miền thể hiện rõ trên món ăn này.

Bánh bèo Hải Phòng


Bánh bèo làm từ bột gạo, có nhân là thịt nạc, mộc nhĩ, hành khô nêm nếm vừa miệng. Nước chấm được chế biến từ nước hầm xương, đậm đà, cho thêm hành hoa, ớt tươi và rắc hạt tiêu thơm lừng. Đặc biệt hơn, người ta thả vào bát nước chấm hai miếng chả quế hoặc chả thịt băm để ăn kèm.

Đây không chỉ là món khoái khẩu của người dân đất cảng mà còn là lựa chọn yêu thích của khách du lịch. Khuôn bánh hình chữ nhật được thái nhỏ vừa miếng khi ăn, đặt trên lớp lá chuối tươi đầy hấp dẫn. Mỗi chiếc bánh bèo Hải Phòng có giá khoảng 12.000 – 20.000 đồng, rất hợp để ăn sáng hoặc các bữa lỡ.

Địa chỉ: Bánh bèo trong chợ Lương Văn Can, chợ Vạn Mỹ, chợ Đổng Quốc Bình, chợ An Đồng, 14 Lê Đại Hành, 134 Chùa Hàng – TP. Hải Phòng. Ảnh: Phiêu Linh
Xem thêm: 3 món ngon Hải Phòng không phải ai cũng biết

Bánh bèo Nghệ An


Nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên bởi bánh bèo Nghệ An không có nhiều khác biệt so với món bánh lọc của Huế. Đây là một điều thú vị trong cách gọi tên món ăn ở các vùng khác nhau. Bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Bột bánh được vắt thành hình tròn dẹt rồi gập đôi lại để giữ nhân bên trong. Bánh hình bán nguyệt, trong vắt, nhìn rõ nhân tôm và thịt nạc rất bắt mắt. Bánh được rắc hành khô và rưới nước mắm lên trên khi thưởng thức. Còn có cả bánh bèo rán và bánh bèo lá để du khách chọn lựa.

Địa chỉ: Bánh bèo Nhàn Huế (171 Nguyễn Văn Cừ), bánh bèo rán bà Châu (Trường Thi), bánh bèo lá Lê Hồng Phong - TP.Vinh. Ảnh: songlamplus
Xem thêm: 9 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An

Bánh bèo Quảng Bình


Đĩa bánh bèo này khiến du khách dễ dàng hình dung nguồn gốc tên của món ăn. Những miếng bánh tròn mướt xếp sát nhau trên đĩa như những lá bèo trên mặt sông. Bột bánh là bột gạo được hòa với nước theo tỉ lệ chuẩn, cho vào khuôn tròn dẹt đều tăm tắp, chín trong lửa vừa, có màu trắng mướt mắt, thơm dịu.

Người ta quết một lớp mỡ lên mặt bánh rồi rắc phần tôm chấy lên trên. Tôm thơm bùi, đậm vị biển, được xào trên chảo cho đến khi có màu vàng ruộm đầy kích thích. Tóp mỡ giòn rụm cũng là một thành phần thường xuyên được khách xin thêm. Nước chấm mặn ngọt khi rưới lên đĩa bánh làm những miếng tóp mỡ kêu tanh tách. Thực khách nên ăn khi nước chấm còn nóng.

Bánh bèo Quảng Bình có giá 10.000 – 15.000 đồng/đĩa và chắc chắn bạn sẽ gọi thêm đĩa thứ hai cho đỡ thòm thèm.

Địa chỉ: Bánh bèo Cô Vân (82 Lê Thành Đồng), Dì Tiếp (27 Lê Thành Đồng), bánh bèo O Đào sát đường tránh – TP. Đồng Hới. Ảnh: Phiêu Linh

Bánh bèo Huế


Cố đô Huế nổi tiếng với các món quà bánh, trong số đó bánh bèo chén cũng được nhiều người ưa chuộng. Về thành phần và hương vị, bánh bèo Huế khá giống bánh bèo Quảng Bình, chỉ khác ở cách trình bày món ăn theo đúng phong cách “ăn hương ăn hoa” của người dân nơi đây.

Người ta đổ bột bánh vào những chén nhỏ xíu bằng đường kính trái bóng bàn, sau đó bỏ vào nồi hấp. Bánh chín có màu trắng đục, trên mỗi chén có tôm chấy, tóp mỡ và hành lá phi thơm. Khách hàng rưới nước mắm ớt xanh cay thơm lên từng chén và ăn lần lượt. Với kích cỡ chén bé như vậy, khách thường gọi bánh bèo theo đơn vị khay hoặc chục chén trở lên.

Địa chỉ: Bánh bèo nậm lọc Bà Đỏ (71 Nguyễn Bỉnh Khiêm), bánh bèo Bà Cư (47 Nguyễn Huệ), quán bánh Hàng Me Mẹ (16 Võ Thị Sáu) – TP. Huế. Ảnh: Ngọc Bích

Bánh bèo Quảng Nam


Người dân Quảng Nam lại sử dụng những chén dẹt có đường kính to bằng bát ăn cơm để hấp bánh, do đó bánh cũng dày hơn, dùng để ăn no chứ không ăn chơi như ở nơi khác. Bột bánh ở Quảng Nam thơm thoảng mùi lá dứa rất dễ chịu. Bánh chín khéo là bánh có xoáy ở giữa để đổ sốt tôm lên trên.

Phần tôm không được xào khô mà làm thành sốt đặc với bột năng, khá nồng mùi tỏi băm. Nhiều nơi còn rắc lạc rang bùi bùi lên trên. Khi ăn, thực khách chan thêm nước mắm nguyên chất dầm tỏi sống ớt xanh, vừa ăn vừa xuýt xoa vì vị cay đậm đà.

Bánh bèo Quảng Nam hiện trở thành món ngon ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn, nhưng đã được biến tấu đi khá nhiều. Nếu bạn có cơ hội thưởng thức bánh bèo do chính người dân địa phương chế biến thì mới biết vị chuẩn của nó. Ảnh: quangnamplus
 
(Theo VnExpress)

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Ngoài bánh canh hẹ, bột lọc, Phú Yên còn nổi tiếng với món bánh bèo chén hấp dẫn mà chỉ có gạo xứ Nẫu mới cho ra món ăn chơi thơm và dẻo đến vậy. 
Xem thêm: Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Cách làm bánh bèo khá đơn giản, đầu tiên gạo thơm được đem xay nhuyễn đến khi thành bột. Thêm một chút muối vào bột, đổ từ từ nước lạnh và khuấy thật đều tay. Tiếp tục đổ vào nước sôi, khuấy đến khi bột tan đều mới thôi. Sau đó, ngâm bột qua đêm hoặc khoảng 4 đến 6 tiếng. Việc này giúp bánh khi ăn không có mùi bột chua và dai hơn.
Một khay bánh bèo khoảng 10 chén có giá 10.000 đến 15.000 đồng. Ảnh: Khánh Bình

Khi gần đổ bánh, người làm sẽ gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi nhằm giúp bột trong hơn. Đổ đi bao nhiêu nước trắng thì thay vào đó bấy nhiêu nước ấm và khuấy nhẹ tay.

Sau đó, họ múc từng muỗng bột vào chén nhỏ và làm chín bằng cách hấp cách thủy. Khoảng 7 đến 8 phút, khi thấy chén bánh đổi sang màu trắng đục cũng là lúc bánh chín. Quyện vào từng chén nhỏ là hương bột gạo thơm nồng nàn lan tỏa.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Riêng bánh mì sau khi chiên giòn được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn.

Sau khi hoàn thành, người làm sẽ rắc ít chà bông, bánh mì và cả mỡ hành lên từng chiếc bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là nước mắm chua ngọt.

Trong tiết trời buổi tối se mát ở Phú Yên, cầm chén bánh bèo nóng hổi trên tay rưới lên từng muỗng nước mắm có vị cay khá đậm sẽ làm bạn cảm thấy món ăn chơi này ngon đến lạ lùng. Để thưởng thức được bánh bèo đúng vị, thực khách có thể tìm đến các hàng quán dưới chân núi Nhạn.

Lan Thoa (VnExpress)

Bài đăng phổ biến