Hiển thị các bài đăng có nhãn rừng tràm Trà Sư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn rừng tràm Trà Sư. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm ở biên giới với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho bạn thấy rõ nét nhất về văn hóa, con người và thiên nhiên vùng biên Châu Đốc.

Rừng tràm Trà Sư

Đi xuồng vào rừng tràm Trà Sư

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư cách trung tâm Châu Đốc khoảng 25 km. Nếu bạn đi nhóm 3-5 người, vé giá sẽ là 65.000 đồng một người, sau đó được ngồi tắc ráng rồi chuyển qua điểm đi ghe chèo tay. Từ đây, những nhân viên chèo ghe hồn hậu sẽ chở bạn tham quan rừng tràm trong vòng 1 - 1h30 phút. Không gian xanh mát với vạt bèo ngập tràn mặt nước, trên cao là tán tràm che bóng, xung quanh còn có những con cồng cộc, cò, sếu... đi kiếm mồi.

Sau thời gian tham quan, bạn quay lại điểm trung chuyển của ghe chèo tay và tắc ráng. Khu vực này có dịch vụ ăn uống trưa. Bạn có thể thưởng thức những món lẩu, canh chua đặc trưng miền tây mùa nước nổi. Du khách muốn nhìn ngắm toàn cảnh rừng tràm thì leo lên đài quan sát ngay tại đây.

Miếu Bà Chúa xứ núi Sam

Miếu Bà nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.

Làng người Chăm Châu Giang

Một ngôi nhà sàn người Chăm nằm ngay cạnh bến đỗ xe buýt ở Châu Giang, Châu Đốc. Ảnh: Hương Chi

Từ trung tâm Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang, giá vé là 5.000 đồng/người và xe máy. Đây là một trong những điểm dừng thú vị với những người thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và con người Chăm. Không khí đời sống thanh bình, người dân vẫn còn ăn mặc trang phục truyền thống và gìn giữ nhiều nét đẹp dân tộc mình.

Tới làng Chăm Châu Giang du khách được chiêm ngưỡng các nhà thờ xây theo phong cách Hồi Giáo với thánh đường lớn, hay các ngôi nhà sàn đặc trưng văn hóa Chăm. Một số nhà trong làng còn làm bánh bông lan thủ công với khuôn đồng, kỹ thuật dùng than nóng để làm chín bánh. Nếu đi về phía Tân Châu, bạn còn tìm tới được những người gìn giữ nghề dệt truyền thống.

Thú vị nhất là dịp làng có đám cưới, bạn sẽ quan sát, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Chăm.

Chợ biên giới Tịnh Biên

Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan với Campuchia khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia. Đi vòng quanh chợ bạn có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt, không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng... Nếu cái nắng vùng biên làm bạn mệt mỏi, các hàng chè, nước, ăn uống nằm bao quanh chợ sẽ là điểm nghỉ chân thích hợp. Một trái dừa nước lớn giá 10.000 - 15.000 đồng hoặc 5.000 - 10.000 đồng một chai nước thốt nốt sẽ xua tan mệt mỏi. 

Biển chỉ dẫn hướng đi Tịnh Biên và cửa khẩu hải quan qua Campuchia. Ảnh:Hương Chi

(Theo VnExpress)

Một ngày giữa vùng rừng tràm Trà Sư

Du khách sẽ được tận hưởng thiên nhiên trong lành, xanh mướt, yên bình và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà tình quê.
Xem thêm: Hoàng hôn giữa ngã ba sông và rừng tràm mùa nước nổi

Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình ở vùng ngập nước phía Tây sông Hậu đã tạo dấu ấn rất riêng trong lòng du khách với những trải nghiệm thú vị. Hãy thử một lần đến nơi đây để cảm nhận trọn vẹn sự yên bình và nên thơ của miệt sông nước miền Tây Nam bộ. Du khách có thể đến Châu Đốc theo cung đường phổ biến nhất là từ TP HCM. Bạn chạy xe theo quốc lộ 1A đi qua cầu Mỹ Thuận, rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc, qua phà Vàm Cống để sang Long Xuyên (An Giang). Từ Long Xuyên, du khách chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Hành trình đến với Châu Đốc dài khoảng 250 km.

Du khách có thể đi xe máy hoặc nếu đi xe khách thì có rất nhiều hãng xe chạy tuyến TP HCM - Châu Đốc. Các hãng xe này thường khởi hành từ bến xe miền Tây hoặc tại văn phòng của các hãng xe ở TP HCM. Giá vé dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một vé (tùy xe dạng thường hoặc xe chất lượng cao). Xe dừng tại bến xe Châu Đốc hoặc tại văn phòng của các hãng xe tại Châu Đốc (hầu hết các hãng xe đều có dịch vụ xe đưa đón miễn phí tại Châu Đốc). Ngoài ra, chỉ với 48.000 đồng, mỗi du khách có thể vào tham quan và trải nghiệm cả khu rừng tràm Trà Sư thú vị nơi đây.


Nằm bên ngã ba của sông Châu Đốc và sông Hậu, TP Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của An Giang nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Với hệ sinh thái đa dạng cùng vẻ đẹp ấn tượng của thiên nhiên ban tặng, rừng tràm Trà Sư được ví như "con đường nước" và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách.


Khu rừng này nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. Cảnh vật vào rừng tràm xanh mướt một màu và mát mẻ quanh năm. Đường vào rừng tràm được trải nhựa đến tận cổng rừng. Tới Trà Sư, du khách sẽ đi bộ khoảng 500 mét là vào cửa rừng.


Những đầm bèo bao la và hàng cây xanh mát dọc bên đường sẽ tạo cho du khách một cảm giác gần gũi, thân thiện. Tại đây, du khách sẽ được những chiếc tắc ráng đưa vào tham quan cả khu rừng tràm.


Với diện tích gần 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh của tràm, phía dưới là đám bèo tây mơn mởn giăng kín mặt nước. Du khách sẽ được tắc ráng rẽ nước để đưa vào sâu trong rừng tràm để tham quan.


Thi thoảng, du khách sẽ bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng, hoa sen hay trên các vạt bèo. Người lái tắc ráng sẽ dừng máy để du khách có thể thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi đây.


Sau khi tới một bến dừng chân bên trong rừng, du khách sẽ được chuyển sang một chiếc xuồng chèo tay loại nhỏ. Từ đây, chiếc xuồng rẽ con nước đưa du khách vào khu vực đẹp nhất của Trà Sư. Nơi đây có những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước, rất thú vị và nên thơ.


Những cư dân sinh sống ở khu vực rừng tràm vừa chèo ghe vừa là hướng dẫn viên giới thiệu nét đẹp Trà Sư cho du khách. Người chèo ghe sẽ đi thật chậm, đủ để bạn cảm nhận thiên nhiên tĩnh lặng, ngắm những bầy chim đậu trên những cây tràm, chen lẫn với màu xanh thẫm lách qua những bụi tràm cổ thụ, xuyên vào rừng.


Du khách có thể vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực hai bên, cùng những dãy tràm xanh mướt. Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, du khách sẽ thích thú khi chứng kiến những đàn chim bay về tổ rợp cả bầu trời.


Những cây tràm bên lề đường vẫn cao hơn mặt nước hình thành những “con đường nước” quanh co, uốn lượn, xanh mướt một màu. Những "dòng sông bèo" bắt đầu dày đặc hơn trên đường đi vào rừng chim. Đi sâu trong khu rừng này còn có một vương quốc các loài chim nằm sâu trong rừng tràm như cò, sen điên điển, dơi ngựa...

Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11 hàng năm). Bèo cám phủ một tấm thảm màu xanh lên “mặt đường”, hai bên tràm vòng tay che mát. Thỉnh thoảng, tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá... làm xáo động không gian yên tĩnh của cả một khu rừng xanh mướt.


Tại khu rừng này có một đài quan sát để du khách có thể xem tổng thể 845 ha cả khu rừng. Từ trên đài quan sát, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn ở tỉnh Châu Đốc như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Ông Cấm (Thiên Cấm Sơn), tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m nằm trên ngọn núi Ông Cấm và dãy núi Sam...


Sau khi tham quan cả khu rừng tràm, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn tại những mái chòi và cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, thú vị.


Ẩm thực tại khu rừng tràm cũng mang một nét đặc trưng riêng, với những món ăn đúng chất Tây Nam bộ như món cá lóc nướng rơm, canh chua cá linh hoa điên điển...


Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ẩm thực của miệt sông nước phương Nam.


Hà Lâm (theo NgoiSao)

Bài đăng phổ biến