Hiển thị các bài đăng có nhãn toru Hue. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn toru Hue. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Huế thương

Khi nhắc đến miền Trung, ta thường nghĩ đến nắng và gió, cùng sự khô cằn và khắc khổ của tự nhiên. Ấy vậy mà trong cái khắc nghiệt lại chứa một vùng đất trữ tình đậm màu sắc thơ ca. Đó chính là kinh thành Huế mộng mơ, nên thơ và lãng mạn.

Xem thêm: 5 địa điểm lý tưởng du lịch một mình

Huế và những câu hò ví dặm


Xứ Huế vô hình gắn liền với những cơn mưa dầm chứ chẳng phải những con gió Lào thông thốc thổi, hay những trưa hè nắng cháy. Trong cung bậc nào đó, mưa Huế biểu hiện cho “tâm hồn Huế”, là cầu nối biết bao kỷ niệm buồn vui, yêu thương, mơ ước… của những người con xa xứ. Một người con Huế đã viết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”.

Ai đã từng sống với những ngày mưa xứ Huế, khi xa bao giờ cũng mang theo nỗi niềm mưa Huế lê thê đến khắc khoải như nhà thơ, nhà báo Văn Công Toàn từng nói: “Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”. Và cũng không biết tự bao giờ, những câu hò ví dặm, câu ca tiếng hát đã nuôi dưỡng người con của Huế như dòng sữa mẹ ngọt lành, để dù họ có đi đâu về đâu vẫn hoài một niềm khắc khoải nhớ mong.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Nha Trang


Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều triều đại vua chúa đã chọn Huế làm kinh đô trong suốt chiều dài lịch sử, bởi nơi đây với vị thế “rồng chầu hổ phục”, đất an dân của bao thế hệ cha ông đi trước. Vì thế, cho đến tận bây giờ, những lăng tẩm, đền đài trầm mặc là nét đặc biệt của Huế. Kinh thành là một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di tích được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Nhã nhạc cung đình Huế cũng trở thành niềm tự hào của Huế khi được công nhận “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào năm 2003.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An

Huế giữa “tâm linh và đời thực”


Đến với Huế, bạn cần phải có một ngày thư thả dạo quanh kinh thành để tận mắt khám phá những dấu tích còn sót lại của thời vàng son đã qua, để cảm nhận và thấu hiểu văn hóa dân tộc qua từng giai đoạn thăng trầm lịch sử. Trong lúc bước chân dạo quanh những đền đài lăng tẩm, cung điện mà vô tình nghe tiếng chuông chùa văng vẳng từ xa trong ánh tà dương ửng hồng sẽ làm cho bước chân du khách nấn ná, bâng khuâng. Thời khắc ấy, cảnh và người như hòa quyện vào nhau, ranh giới thực - hư giữa đời thường và tâm linh dường như đang gặp gỡ, giao thoa. 



Du ngoạn đất cựu đô, du khách không thể bỏ qua hệ thống lăng tẩm uy nghi và ẩm chứa nhiều triết lý, tư tưởng sâu sắc của các bậc đế vương nhà Nguyễn. Nếu lăng Gia Long uy nghi trong vạt rừng già trầm mặc, lăng Minh Mạng lộng lẫy thì lăng Tự Đức lại đầy suy tư thơ mộng hay lăng Khải Định bề thế, dung hợp uyển chuyển kiến trúc Đông- Tây đều mang lại những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt.
Và trong những buổi chiều tà mênh mang ấy, bạn đừng quên thả lòng mình trên sông Hương để mọi ưu phiền trôi theo con nước, để thanh thản bình yên trước những dòng chảy cuộc đời. Dòng sông ấy như dải lụa hiền hòa miên man chảy, không chỉ là sợi dây gắn kết các di sản của các vua Nguyễn, dòng sông tâm linh của người Huế mà còn mang vẻ đẹp thách thức thời gian. Đi dọc sông Hương cũng đồng nghĩa với việc đi dọc theo chiều dài lịch sử của đất Huế. Chính nét trầm buồn lặng lẽ của sông Hương mà những tác phẩm thi ca đã nối tiếp ra đời như minh chứng cho sự hiện diện của vẻ đẹp tâm hồn Huế.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình - Tour Vũng Chùa

 

“Dạ - thưa” tiếng Huế bây giờ


Nhà thơ Thu Bồn từng khắc họa tính cách của con người Huế qua câu thơ: “Em ơi giọng Huế có chi / Mà trong hoa nắng thềm thì cơn mưa". Phải chăng sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu văn hóa mà con người Huế cũng trở nên dịu dàng? Giọng Huế nhỏ nhẹ, kín đáo và tiếng “dạ, thưa” rất mực ngọt ngào của con gái Huế đã khiến biết bao người say lòng lạc lối. Nếu một lần đến Huế, hẳn bạn cũng sẽ phải lòng chất giọng nhẹ nhàng của con gái Huế. Dẫu mọi thứ có đổi thay, và dù những người con Huế tha phương nơi nào thì giọng nói vẫn là nét đẹp không thể nhầm lẫn với bất cứ một vùng miền nào.

Huế đặc biệt với lối sống nề nếp gia phong, phép tắc do ảnh hưởng của hơn 300 năm thủ phủ Đàng Trong và hơn 140 năm kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng. Người Huế nặng lòng và rất gắn bó với gia đình. Cũng bởi điều này mà dù là một trong những thành phố lớn của Việt Nam nhưng nhịp sống ở Huế lại nhẹ nhàng, khác hẳn Đà Nẵng – nơi cách đó chỉ 100km. Không có những khu công nghiệp sầm uất, người Huế vẫn sống một cách nhẹ nhàng, kín đáo và bình yên thư thái như bao đời trước đó.
Khép lại những mộng mơ của những tà áo tím tung bay trong thành nội, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn bao cảm xúc ngọt ngào như lần đầu tiên đặt chân đến. Dẫu cho vật đổi sao dời, với tôi và hàng triệu du khách, Huế vẫn là những gì bình yên, dịu dàng, thướt tha nhất. Khép lại chuyến ngược xuôi sông Hương, câu hò trên sông trong buổi chiều nắng khuất để trở về với nhịp sống hối hả thường ngày, tôi thầm ước ao sẽ trở lại Huế trong những lúc cần bình yên, trước khi bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời. 

Xem thêm: Những món ăn nổi tiếng từ côn trùng ở Việt Nam
(Nguồn: P. Truyền thông Vietravel)

Bài đăng phổ biến