Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Nhật Bản - vùng đất của nụ cười và niềm tin tuyệt đối

Alice Williams, du khách người Australia, lần đầu tiên đặt chân tới Tokyo đã có cảm nhận Nhật Bản là một đất nước của nụ cười, lòng nhiệt tình và niềm tin tuyệt đối.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Một trong những điều Alice ấn tượng nhất khi đến Tokyo chính là mùi tàu điện ngầm vào giờ cao điểm. Đó là thứ mùi dễ chịu như tóc mới gội và vải mới giặt vậy. Điều thứ hai là mọi người đều giữ yên lặng khiến Alice phải thấy ngại khi bỗng hắt xì, và 1/3 số hành khách đeo khẩu trang.

Người bạn đi cùng Alice giải thích: “Đó không phải vì họ sợ lây vi khuẩn từ phía bạn mà chỉ đơn giản là họ đang bị ốm và không muốn người khác bị lây. Có lẽ chẳng đâu như đất nước này người ta tôn trọng tuyệt đối không gian cá nhân của người khác như vậy”.

Kể cả ở những nơi đông đúc, người Nhật cũng không tỏ ra khó chịu và luôn giữ vẻ tươi cười. Ảnh: Alice Williams

Không những thế, nếu bạn đứng im trong vòng 30 giây và tỏ vẻ bối rối, chắc chắn sẽ có người đến gần đề nghị được giúp đỡ, hoặc đứng xếp hàng yên lặng đằng sau mà không cần lý do.

“Người dân Nhật Bản lịch sự một cách khó tin. Khi tôi bước vào cửa hàng Uniqlo, tất cả nhân viên đều cúi đầu chào khách. Từng nhân viên sẽ cúi đầu chào bạn và thủ quỹ sẽ xin lỗi trước khi hỏi tiền thanh toán", Alice chia sẻ.

Dù muốn hay không, chính những hành động nhỏ ấy lại tác động ngược lại chúng ta, khiến mọi người trở nên lịch sự và tôn trọng lẫn nhau hơn. Ở cạnh người Nhật, tự các du khách như Alice cảm thấy kém văn minh hơn rất nhiều.

Hàng trăm thùng bia đặt bên ngoài đền thờ ở Nhật. Nếu là ở Australia, chắc chắn chúng đã bị đem đi. Ảnh: Alice Williams

Người Nhật đề cao lợi ích tập thể thay vì cá nhân. Họ luôn ý thức hành động của mình sẽ ảnh hưởng ra sao đến mọi người, từ đó hình thành “văn hóa xấu hổ”. Vì vậy, trật tự xã hội được duy trì thông qua nỗi lo sợ không được chấp thuận hay bị tẩy chay khỏi cộng đồng.

Một điều nữa cũng làm Alice và người bạn ngạc nhiên, đó là người Nhật có lòng tin tuyệt đối và sự trung thực đáng kinh ngạc. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hàng trăm chiếc xe xếp cạnh nhau bên ngoài tòa nhà và chẳng cái nào có khóa. Một vùng đất mà người dân đặt hàng trăm thùng bia và rượu sake tại đền thờ nhưng chẳng có ai đem chúng đi.

Ví dụ về sự thẳng thắn của người Nhật. Ảnh: Alice Williams

Ở Nhật, nói “không” được xem như bất lịch sự và thường họ chỉ đơn giản là không trả lời hoặc lảng tránh như một cách để giữ thể diện. Vì vậy, đừng bao giờ đòi hỏi điều gì mà người Nhật không thể đáp ứng.

Alice tâm sự: “Có một lần tôi và bạn trai hỏi mượn ô của nhân viên khách sạn. Người đó mỉm cười và một lúc sau xuất hiện cùng hai chiếc ô từ phòng sau. Khi đi dưới mưa, tôi nhận ra người nhân viên đó đã nhường ô của mình cho chúng tôi. Người Nhật thường hy sinh nhu cầu của mình chỉ để tránh phải nói không”.

Hải Thu (VnExpress)

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

9 trải nghiệm không thể bỏ qua ở Đài Bắc

Thưởng thức tô mỳ bò nghi ngút khói, mua sắm tại Wufenpu, tắm suối nước nóng, tham quan Vườn quốc gia Dương Minh... là những trải nghiệm nên thử khi đến Đài Bắc, Đài Loan.

Xem thêm: Cẩm nang du lịch đến hòn đảo xinh đẹp Đài Loan

Xì xụp mỳ bò


Bạn không thể rời Đài Bắc mà chưa nếm qua tô mỳ thịt bò nghi ngút khói. Miếng thịt bò đầy đặn, ăn cùng sợi mỳ lớn, nước dùng đậm đà, tất cả hòa quyện làm thỏa mãn khẩu vị thực khách. Mỗi nhà hàng sẽ có công thức riêng, do đó bạn nên ghé qua nhiều nơi để có cái nhìn toàn diện. Thậm chí, Đài Bắc còn tổ chức hẳn Festival Mỳ bò quốc tế.

Mua sắm tại Wufenpu

Hãy tạm quên những cửa hàng thời trang sang trọng và đến với thiên đường mua sắm ngoài trời Wufenpu. Giữa vô số quầy hàng đầy đủ quần áo và phụ kiện, bạn hoàn toàn có khả năng tìm thấy những nhãn hiệu độc với giá cả hợp lý. Từ giày cao gót cho đến áo đầm, bạn có khả năng cháy túi với những món hàng được bày bán ở đây. Lưu ý, bạn nên mang nhiều tiền mặt. Chợ nghỉ vào thứ Hai hàng tuần.

Tắm suối nước nóng


Đài Loan nổi tiếng nhờ có nhiều suối nước nóng thư giãn. Quận Beitou là nơi có hàng loạt khách sạn, spa ở đủ mức giá phù hợp túi tiền du khách. Nếu dư dả, bạn có thể chọn resort sang trọng với suối nước nóng riêng ở Beitou.

Thử thách bao tử tại chợ đêm Shilin


Chợ đêm Shilin náo nhiệt chính là nơi bạn tìm thấy những món ăn đường phố ngon nhất như: mực xiên nướng, gà nướng, trứng ốp lết. Bạo dạn hơn, bạn có thể thử món đậu phụ thối. Dĩ nhiên, thực đơn ăn uống của bạn sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu trà sữa trân châu, thức uống ưa thích của người Đài Loan.

Trèo núi đá tại Long Động

Long Động là địa điểm dã ngoại lý thú, lý tưởng cho những người thích leo núi với những mỏm đá dựng thẳng từ đại dương, ở độ cao 500 m. Nếu không thích leo trèo, bạn có thể lặn ngụp vào dòng nước trong xanh, ngắm nhìn những loài cá vùng nhiệt đới. Dù có làm gì đi nữa, đây cũng sẽ là trải nghiệm khó quên cho mọi du khách.

Chiêm ngưỡng Cố Cung


Hãy nâng cao khiếu thẩm mỹ khi đến với bảo tàng Cố Cung - nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật Trung Quốc lớn nhất thế giới, sở hữu một kho tàng những hiện vật quý giá có niên đại vài nghìn năm. Bạn đừng quên chiêm ngưỡng những họa phẩm trên nền vải lụa, đá quý và bộ sưu tập đồ đồng. Số lượng hiện vật ở đây rất lớn, do vậy hãy lên kế hoạch tham quan kỹ càng.

Viếng đền Hướng Thiên


Có rất nhiều đền miếu ở Đài Bắc, nhưng nếu thời gian hạn hẹp, đền Hướng Thiên là nơi bạn nên đến. Đền thờ phụng Quan Công - vị anh hùng cổ đại và cũng là nơi thu hút du khách nhất thành phố. Tản bộ trong khuôn viên đền, bạn sẽ bắt gặp các thầy bói đang trò chuyện với người đến cầu phước. Đây cũng là cách để cảm thụ nền văn hóa Đài Loan.

Leo đến Công viên quốc gia núi Dương Minh



Với một vùng thảo nguyên rộng lớn, suối nước nóng cùng rất nhiều cảnh đẹp, công viên quốc gia núi Dương Minh tựa như một thiên đường nằm ở rìa Đài Bắc. Nơi đây cũng rất lý tưởng để dừng chân sau một ngày tham quan mệt mỏi.

Công viên đặc biệt đông đúc vào mùa xuân, khi những tán cây anh đào nở rộ. Nếu yêu thích leo núi, bạn có thể đi đến vùng núi Ấm Trà gần đó để chiêm ngưỡng cảnh đẹp.

Ghé thăm khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch


Bia tưởng niệm ấn tượng này được xây dựng để tưởng nhớ người đứng đầu chính quyền Đài Loan Tưởng Giới Thạch. Khuôn viên khu tưởng niệm bao gồm sảnh hòa nhạc, rạp chiếu phim. Đây là nơi lý tưởng để tản bộ khi chiều tà. Có khá nhiều người tới đây để tập thái cực quyền, do vậy đừng e ngại cùng tham gia.

Vĩnh Hy (VnExpress)

Nguồn gốc chiếc bánh trứng Macao nổi tiếng

Món bánh trứng biểu tượng của ẩm thực Macau thực chất bắt nguồn từ một loại bánh pa tê sô của Anh.
Xem thêm: Lịch trình 24h khám phá Macau cho gia đình

Nhiều người thường nghĩ món bánh trứng nổi tiếng ở Macau là sản phẩm mà người Bồ Đào Nha mang tới trong thời gian đô hộ. Nhưng thực chất, bánh trứng "huyền thoại" Macao ngày nay được một thợ làm bánh người Anh sáng tạo ra. Adrew Stow là tác giả món bánh trứng đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Macao, biến đảo Coloane thành thiên đường dành cho những du khách yêu thích món bánh bánh ngàn lớp trên khắp thế giới.

Món bánh trứng nổi tiếng mê hoặc cả những thực khách khó tính nhất

Đến thăm cửa hàng bánh khiêm tốn của Stow ngày nay, thử một miếng bánh pastel de nata lấy cảm hứng từ bánh tarts với lớp vỏ pastry xốp, nhân kem trứng béo ngậy và sốt caramen bên trên, người ta nhớ đến Stow sau 10 năm ông mất.

“Anh ấy lao vào mọi thứ và chẳng có sự e dè nào khi trong bếp”, bà Eileen, em gái của Stow chia sẻ. “Anh ấy như ông lão 60 tuổi trong thân hình một thanh niên, bởi vậy anh ấy chẳng bao giờ sợ việc thay đổi các công thức để biến chúng thành của riêng mình”.

Stow mở tiệm bánh nổi tiếng Lord Stow tại quảng trường trung tâm trên đảo Coloane từ năm 1989. Khi đến đây, ông làm việc với vai trò dược sĩ công nghiệp, đầu tư vào doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhưng thất bại. Sau đó ông quyết định mở một tiệm bánh.

Bên trong tiệm bánh Lord Stow trên đảo Coloane

“Vào những năm 80, nhiều người Bồ Đào Nha đến Macao lập nghiệp bởi ai cũng nhận thấy nhiều cơ hội lớn với nền kinh tế đang phát triển ở đây”, Jason Wordie, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, tác giả cuốn Macao - Con người và Địa danh, Quá khứ và Tương lai giải thích. Vào thời điểm đó, bánh tart sữa trứng bán trong các tiệm bánh địa phương có lớp vỏ mỏng được nhập khẩu từ Hong Kong, ảnh hưởng nhiều của bánh tart trứng Anh quốc và trông hình thức chưa hấp dẫn.

Khách sạn Hyatt Regency Macao cũng từng phục vụ bánh trứng trong bữa ăn tự chọn nhưng là phiên bản bánh trứng pastel de Belem của Lisbon, có nhiều nhân sữa trứng giống thạch hơn và thêm bột ngô. Không đi theo công thức bánh trứng truyền thống của Hyatt, Stow sáng tạo công thức của riêng ông, loại bỏ bột ngô với cảm hứng từ những chiếc bánh trứng ngậy kem kiểu Anh. Stow không dùng khuôn mà dùng tay làm vỏ bánh.

Kết quả của sự phối hợp công thức kiểu Bồ Đào NhaAnh là chiếc bánh trứng mang hơi thở xứ sở sương mù nhiều hơn, nhẹ, vỏ xốp và sốt caramel bên trên. Phần sốt caramel giữ nguyên từ phiên bản bánh trứng Bồ Đào Nha được sáng chế bởi những vị tu sĩ thế kỷ 18 trong Tu viện Jeronimos tại giáo xứ Belém.

Hàng dài người xếp hàng để thưởng thức bánh trứng Macao. Ảnh: Cherilucas

Các cửa hàng bánh trứng Stow mở đều thành công. Mặc dù lúc đầu có gặp khó khăn bởi người Bồ Đào Nha thì coi thường loại bánh lai tạp và người Trung Quốc lại nghĩ những chấm sốt caramel trên mặt bánh gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên sau đó, tiệm bánh Lord Stow trên đảo Coloane đột nhiên trở nên nổi tiếng.

Các nhà báo bắt đầu viết về ông và tiệm bánh nhỏ như một điểm du lịch ẩm thực cần phải ghé thăm khi đến Macao. Năm 1997, Stow mở cửa hàng đầu tiên tại Hồng Kông. Bánh trứng với công thức đặc biệt của ông nổi tiếng khắp thế giới. Hàng dài người xếp hàng chờ được nếm thử “một miếng từ thiên đường”. Từ đó, bánh trứng tiệm Lord Stow trở thành hình ảnh quen thuộc của ẩm thực Macau.

VnExpress

Bài đăng phổ biến