Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

9 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An

Cháo lươn, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương… là những món ăn đặc sản rất nên thử khi có dịp đến với xứ Nghệ.Xem thêm: Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Cháo lươn


Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị. Để nấu được món cháo lươn ngon thì trước hết bạn phải chọn được loại lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc. Lươn luộc chín, xé thịt dọc sợi, xào nấu cẩn thận.

Mùi thơm của lươn bay thoảng trong gió khiến chẳng ai có thể cầm lòng được. Nếu đến Vinh, bạn hãy thử món cháo ngon tuyệt này, đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên.

Nhút Thanh Chương

Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.


Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. Người xứ Nghệ sống vì tình vì nghĩa, và phải chăng vì cả món nhút ngọt lành nữa?.

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt…


Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Vị mặn ngọt hòa lẫn tạo ra hương vị đặc biệt của tương, nếu làm nước chấm có dính thêm mẻ đậu thì có vị ngọt bùi.

Bánh bèo

Khác với bánh bèo Huế làm từ bột gạo, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo là nhân tôm hoặc nhân thịt, những con tôm được làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị, khi ăn càng thơm và càng ngọt bùi.


Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon, không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau thơm (rau mùi),… Ăn một miếng bánh bèo, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô và vị thanh mát của rau sống.
Xem thêm: Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Bánh mướt

Bánh mướt ở Nghệ An nhìn qua cũng khá giống với bánh cuốn ở ngoài bắc nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng và ăn lúc nguội có vị mềm mát, dễ chịu. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn, được cuộn tròn, trắng trong, mềm mịn. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ xay nhuyễn và ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no.


Bánh mướt đơn giản, không cầu kỳ chỉ cần nước bột gạo phải ngon. Bánh mướt có thể ăn cùng bát xáo lòng cũng cực kỳ ngon.

Cháo canh

Cháo canh dường như đã trở thành “thương hiệu” không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Nghệ An. Nét đặc trưng của món này là những sợi bánh được làm từ bột mì. Sợi mì phải mềm và dai, nhúng qua nước ấm rồi để ráo, sau đó trộn với bột gạo.


Tuy nhiên để có một món cháo canh ngon cần phụ thuộc nhiều vào phần nước dùng được hầm từ xương ống. Đợi khi nước xương được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là đã có một món cháo canh ngon lành.

Bánh đa xúc hến

Bánh đa xúc hến là một món nhậu quen thuộc vào những dịp hội họp bạn bè của người dân xứ Nghệ. Hến được đãi từ sông Lam, tách vỏ béo, xào cùng hành mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan trở thành những chiếc thìa xúc hết với hương vị ngọt, bùi, thơm phưng phức đầy quyến rũ. Gia vị để ăn cùng bánh đa là lạc giã dập, rau sống và ớt cho những người muốn thêm chút vị cay nồng cho món ăn này.

Mực nháy nướng Cửa Lò

Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ.


Mùi thơm của mực nướng chấm với gia vị chua chua, ngọt ngọt hoặc chỉ cần tương ớt thôi là đã quá tuyệt vời. Mực nháy nướng ở Nghệ An nằm trong top 10 đặc sản hải sản Việt Nam.

Cam xã Đoài

“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Những vần thơ của Phạm Tiến Duật dường như đã lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An.


Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.

(Theo Báo Đất Việt)

10 phong tục, lễ nghi bạn cần biết trước khi du lịch Thái Lan

Thái Lan nổi tiếng là đất nước Phật Giáo lâu đời với hàng nghìn lễ nghi, phong tục. Trước khi đi du lịch đến xứ sở chùa Vàng, bạn cần biết 10 phong tục, lễ nghi sau đây để tránh gặp phải những rắc rối và phiền phức khi bạn ở đất nước xinh đẹp này.
Xem thêm: 10 hòn đảo Thái Lan đẹp, đồ ăn ngon và đi lại dễ

1. Phong tục chào hỏi


Thái Lan là một đất nước xinh đẹp có nền văn hóa giàu có với rất nhiều truyền thống lâu đời, thú vị và một xã hội luôn đặt sự tôn trọng Phật giáo lên hàng đầu. Chào, cảm ơn hay tạm biệt ai đó đã đi vào truyền thống Thái với cái gọi là Wai. Đây là một động tác chắp tay lại, giống như khi cầu nguyện, đưa lên ngực hoặc đầu và cúi đầu chào. Phong tục, cử chỉ Wai được áp dụng ở mọi nơi trên Thái Lan và là dấu hiệu bày tỏ lòng kính trọng cũng như chào đón hoặc cảm ơn.

2. Lòng tôn kính đối với Hoàng gia


Hoàng gia là nền tảng trong văn hóa Thái Lan, những người trong hoàng gia luôn được người dân Thái Lan kính trọng nhất. Sẽ là một sai lần lớn nếu bạn có những nhận xét xấu về đức Vua hay bất kì ai trong hoàng tộc, dù chỉ là đùa. Hình ảnh của nhà Vua được dùng để tô điểm cho rất nhiều nơi. Một trong những phong tục khác của Thái là phải đứng khi hát bài “hoàng ca” ở các sự kiện thể thao, phim ảnh hay các sự kiện công khai khác.

Nếu bạn đi du lịch Thái Lan, khi họ hát bài hát “Hoàng ca” bạn nên dừng lại giữ trật tự để tỏ lòng tôn kính.

3. Bài hát quốc ca


Thái Lan là đất nước tôn kính Phật giáo và Hoàng gia, nên tất cả những gì liên quan đến đất nước họ đều được tôn trọng. Bài hát quốc ca của họ được phát hai lần mỗi ngày. Bài hát quốc ca Thái Lan mỗi khi được phát lên thì mọi người dân dù đang ở đâu cũng phải ngừng lại, đứng thẳng với niềm tự hào dân tộc.

4. Cẩn thận với cái đầu và chân bạn


Mọi bộ phận trên cơ thể người đều có ý nghĩa riêng trong nền văn hóa Thái. Người Thái rất coi trọng cái đầu, đây là nơi linh thiêng nhất của một người, tùy tiện chạm vào đầu ai đó là sự vô lễ và sỉ nhục to lớn. Chân là nơi “kém giá trị” nhất, và họ coi là bất lịch sự nếu bạn để chân cao hơn đầu một ai đó, đặc biệt là khi người đó có địa vị xã hội cao hơn. Nguyên tắc này cũng ảnh hưởng nhiều đến cách người Thái ngồi, chân của họ không bao giờ chĩa vào người đối diện. Chĩa hay chạm vào bất cứ cái gì bằng chân đều là mất lịch sự.

Một trong những phong tục nhạy cảm khác mà khách du lịch cần phải biết là cởi giày trước khi vào các công trình tôn giáo hay nhà của bất cứ ai. Hay là giẫm chân lên trên đồng bath Thái có hình quốc vương sẽ bị khiển trách tại quốc gia này.

5. Chú ý cách ăn mặc


Vì là một đất nước Phật giáo lâu đời nên người Thái hay đánh giá thông qua diện mạo và bề ngoài của con người. Bạn nên ăn mặc gọn gàng để thể hiện lòng kính trọng đối với tôn giáo của họ, việc bạn ăn vận luộm thuộm được xem như không tôn trọng họ và sẽ khiến họ phật ý. Các khu vực tôn giáo rất nhạy cảm về việc ăn mặc. Đến đây bạn phải kín đáo, những người mặc quần ngắn, váy ngắn, áo dây, áo ba lổ có thể bị từ chối vào các đền chùa đến khi nào có sự thay đổi phù hợp.

6. Kiềm chế cảm xúc

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân Thái Lan thường chú ý giữ cho cuộc sống luôn được vui vẻ. Do vậy tại “đất nước của những nụ cười” thể hiện cảm xúc tích cực trong các giao tiếp xã hội cũng rất quan trọng trong văn hóa Thái. Giận dữ là điều không thể tha thứ ở Thái Lan, nếu ai đó bắt đầu nóng giận, họ thường bỏ đi để bình tĩnh lại. Trong phong tục Thái Lan, nếu không cho đối tác thấy được sự nóng tính thay vì sự đàng hoàng có thể dẫn đến kinh doanh thua lỗ và nhận được cái nhìn xa lánh từ các đồng nghiệp.


Vậy nên rèn luyện tính kiên nhẫn là cách tốt nhất áp chế cơn nóng giận. Thậm chí khi thông báo một tin xấu hay rơi vào một tình huống khó khăn, nụ cười vẫn có thể nở trên môi của những người liên quan. Khi gười Thái giải quyết sự bất đồng, các lỗi nhỏ họ sẽ nói “Mai pen rai” (Không có gì đâu mà); khi một người nói “mai pen rai” thì có nghĩa là sự việc không hề quan trọng, có thể coi là không có va chạm nào và sẽ không làm ai đổi nét mặt cả. Ở Thái Lan, một nụ cười với những người nghèo khó được xem như đang thể hiện sự tử tế với những ai trong cuộc.

Một điều mà bạn cũng cần lưu ý là không nên thể hiện tỉnh cảm quá thân mật trước mặt người khác, như thế là không tôn trọng nền văn hóa tôn kính của đất nước họ. Ở Thái Lan, người ta chỉ thường thấy bạn bè nắm tay nhau, còn các cặp đôi rất ít khi làm thế trừ khi họ đang ở những nơi Tây hóa.

7. Màu sắc trang phục của người dân Thái Lan trong tuần


Một trong những phong tục rất hay của đất nước Thái Lan, bắt nguồn từ truyền thuyết mỗi ngày trong tuần đều đại diện cho một màu cụ thể bắt. Không phải tất cả đều tuân theo phong tục này nhưng bạn dễ thấy nhiều người mặc màu vàng vào thứ Hai để chào mừng sự ra đời của nhà vua hay màu xanh dương vào thứ Sáu để chào mừng ngày hoàng hậu ra đời.

8. Ăn uống lịch sự

Trong mỗi bữa ăn của người Thái đều có đầy đủ các dụng cụ và có công dụng riêng nhưng bạn nên thử tìm ra cái nào phù hợp với món mình đang ăn. Ví dụ, khi ăn bún có thể dùng đũa và khi ăn cơm có thể dùng muỗn và nĩa. Thức ăn trong nhà hàng thường được phục vụ trong dĩa lớn, từ đây mọi người mới lấy về chén của mình. Họ xem những người lấy nhiều thức ăn và ăn nhanh là những người thô lỗ. Một trong những truyền thống khác của Thái là chừa lại một ít thức ăn trên dĩa ở cuối bữa ăn để nói rằng đã ăn đủ và không cần dọn thêm thức ăn nữa.

9. Mặc cả

Người Việt ta thường có thói quen mặc cả mỗi khi mua hàng hóa gì đó, người Thái cũng có thói quen như vậy. Những nơi có giá niêm yết thường là nhà hàng và siêu thị, nhưng ở những nơi không có nhãn giá, như chợ, hay lúc thuê xe đạp, nên mặc cả để có giá tốt nhất. Cũng nên nhớ rằng, tip không phải là hành động phổ biến, không ai mong chờ điều này cả, vì thế bạn đừng lạm dụng quá khi đi du lịch.

10. Quà tặng


Khi tặng quà ở Thái Lan, món quà không bao giờ được gói trong giấy màu xanh lá, đen và xanh dương vì những màu này liên quan đến đám tang. Tương tự như vậy, không bao giờ chọn hoa vạn thọ hay cẩm chướng vì hai loại hoa này cũng gợi nhớ đến đám tang. Theo văn hóa Thái, những món quà tốt nhất là chocolate, các loại hoa phù hợp hoặc là trái cây.
Sưu tầm

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Điều cần biết khi 'săn' hoa hướng dương ở Nghệ An

Dù không thu phí ở các cánh đồng hoa hướng dương tại Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An, khách đến tham quan vẫn phải đi theo đoàn và có tính tổ chức.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch mùa hoa hướng dương, cải trắng ở Đà Lạt

Nghĩa Đàn là một huyện vùng núi nằm phía bắc của tỉnh Nghệ An, cách Vinh 90 km và Hà Nội khoảng 300 km. Vài năm gần đây, Nghĩa Đàn được biết đến là địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh bên cánh đồng hoa hướng dương. Vườn hoa nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Đến đây bạn sẽ được thả mình trong không gian yên bình của đồng hoa rộng bất tận và chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè.

Thời gian hoa nở

Hoa hướng dương nở vào hai mùa trong năm, tháng 3-4 và tháng 11-12. Thời gian này là lúc hoa nở rộ và đẹp nhất, nên bạn có thể bắt đầu hành trình đến Nghĩa Đàn.

Cánh đồng hoa hướng dương cách thành phố Vinh khoảng 100 km

Di chuyển

Nếu bạn đi xe riêng từ Hà Nội, di chuyển tới Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn Hồ Chí Minh, từ đây chạy thẳng khoảng 200 km là sẽ tới. Nếu đi xe khách, bạn đến bến Mỹ Đình, Nước Ngầm để bắt xe về Nghĩa Đàn. Thời gian di chuyển khoảng 4-5 giờ, giá vé 150.000 - 160.000 đồng.

Từ TP HCM, bạn có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa về Vinh rồi đi tiếp.

Nếu đang ở Vinh, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, xe khách hoặc thuê xe đến Nghĩa Đàn. Từ Vinh, bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường Hồ Chí Minh rẽ phải, chạy theo đường mòn là tới.

Ăn nghỉ

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 là thời điểm khách du lịch đến tham quan vườn hoa rất đông vì vậy bạn nên đặt phòng trước. Du khách có thể qua đêm tại các nhà nghỉ ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm hoặc thị trấn Thái Hòa, bởi đó là những vị trí gần với vườn hoa hướng dương. Nếu không bạn có thể quay về Vinh để nghỉ.
 
Đi du lịch Nghệ An bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản ở đây như cháo lươn, nhút, tương Nam Đàn, mùng muối, cà muối … Khi về, bạn có thể mua kẹo cu đơ để về làm quà cho người thân

Tham quan

Sau khi tham quan, chụp ảnh cánh đồng hoa hướng dương, bạn có thể ghé thăm các địa điểm xung quanh như cánh đồng trồng cỏ Mombasa, cánh đồng ngô ngút tầm mắt với hệ thống tưới tiêu hiện đại, trại bò sữa... Ngoài ra, bạn cũng nên đến Kim Liên để thăm quê Bác.

Cánh đồng hoa thu hút rất đông khách đến chụp ảnh, đặc biệt là cuối tuần. Ảnh:Tuấn Đào

Lưu ý

Cánh đồng hoa hướng dương được trồng để phục vụ chăn nuôi nên du khách được tham quan, chụp ảnh tự do. Vì vậy khi đến hãy giữ gìn, bảo vệ cánh đồng hoa để mọi người cùng được thưởng ngoạn.

Nếu đi xe riêng, hãy đỗ xe theo đúng chỉ dẫn để có lối đi cho mọi người. Không để giấy tờ, tư trang, tiền bạc trong cốp xe để tránh một số kẻ trộm, móc cốp... Tự bảo quản vật dụng mang theo, đề phòng kẻ xấu lợi dụng lúc đông người để lấy cắp.

Khi thuê thang hoặc chụp ảnh, ăn uống, bạn nên hỏi giá trước khi sử dụng tránh trường hợp bị chặt chém.

Vì thời tiết hiện giờ đang nắng nóng bất thường, bạn cần chuẩn bị nón, mũ, ô để bảo vệ sức khỏe.

Khi đến tham quan trang trại bò, cánh đồng cỏ Mombasa, bạn phải đi theo đoàn du lịch, không đi cá nhân, đây là quy định của ban quản lý cánh đồng hoa. Khi đến đó sẽ có hướng dẫn viễn du lịch dẫn bạn đi tham quan.

Võ Tuyết (VnExpress)

Bài đăng phổ biến