Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Mắm cua - ngửi ghê ghê, ăn dễ mê

Nhiều người mới ngửi lắc đầu, bịt mũi rồi vội né xa chẳng khác gì Tây ăn bún đậu mắm tôm, nhưng khi đã "chịu được mùi" là ghiền lúc nào không hay.
Xem thêm: 12 món ngon ăn là mê của đất Bình Định

Miền đồng “xứ nẫu” Bình Định có một loại mắm độc nhất vô nhị, đó là mắm cua. Người dân đi làm đồng mà bắt được con cua, con rạm là lập tức đem về làm mắm. Sau khi rửa sạch, bỏ yếm, toàn bộ con cua được cho vào cối giã thật nhuyễn, rồi dùng nước sạch để lọc tách xác bã khỏi phần nước cua. Nước này được trút vào nồi hoặc chậu, đậy kín và cứ để thế qua đêm cho “lên tuổi” hay “bị ử” như cách gọi của người dân địa phương.

Sau một đêm “lên tuổi”, nồi nước cua xuất hiện một mùi khăn khẳn khá khó ngửi, giống như bã cua để ngoài trời nắng vài tiếng mùa hè vậy. Nguồn gốc của thứ mùi đặc trưng này là do chất đạm trong thịt cua bị phân hủy. Giờ chỉ cần bắc nồi to, phi hành khô cho thơm và vàng, rồi đổ nước cua vào chưng thành mắm.

Do đã được “lên tuổi” nên sẽ xảy ra hiện tượng kết tủa thành gạch trong quá trình chưng mắm cua. Sau khi hoàn thành, nồi mắm cua sẽ có màu nâu đặc trưng của mắm, trên bề mặt loang loáng ánh đỏ của gạch cua, và tỏa thứ mùi khiến người chưa quen “phát sợ” còn người đã quen thì tứa nước miếng đầy khoang miệng.

Húp thử một muôi nhỏ mắm cua, bạn sẽ thấy nồng nàn hương vị ‘thôi thối” nhưng lại ngầy ngậy, beo béo. Bạn sẽ hỏi: Mắm cua ăn thế nào? Đơn giản là mắm cua dùng để ăn kèm cơm hay chan bún đều “lợi hại mức độ tối đa” cả.

Múc một bát mắm cua nóng ra, sau đó dùng để chấm rau luộc hay rau sống, ăn kèm cơm nóng. Đơn giản thế thôi nhưng nồi cơm bị thổi bay lúc nào không biết. Vào những hôm mưa rả rích, “xứ nẫu” buồn đến nẫu cảnh, nẫu người, miệng có khi chỉ thèm một tô cơm trắng nóng hổi ăn với mắm cua và rau lang luộc. Hoặc chỉ cần dùng mắm cua chan vào bát bún tươi, bẻ thêm vào quả ớt xanh thì ăn chẳng biết đâu là điểm dừng. Mắm cua là món ăn dân dã nhưng sức gây nghiện của nó nhờ cái mùi chẳng kém gì mùi mắm tôm với dân Bắc hay mùi thơm của trái sầu riêng với người Nam.
Bún mắm cua ăn dễ ghiền. Ảnh: Eccook

Dọc theo con đường Tây Sơn Thượng Đạo, băng qua con đèo An Khê, mắm cua lên Pleiku để biến hóa thành một thứ đặc sản chỉ có ở Phố Núi: Bún mắm cua. Ở đây, bún mắm cua được chế biến cầu kỳ hơn, tuy nhiên, hồn cốt của món ăn này là mắm cua thì không thay đổi phương thức chế biến.

Một gánh bún mắm cua thường có một nồi mắm cua luôn được giữ sôi liu riu trên bếp than, bên trong có măng le khô thái mỏng, lập lờ những quả trứng vịt đã luộc chín và bóc vỏ. Ngoài ra còn có thịt ba chỉ đã xào săn, nem chua, chả (giò) heo hoặc bò, bóng (bì) heo chiên phồng và muôn vàn rau sống…

Bún tươi, sau khi trụng nước sôi, được trút vào tô, rồi lần lượt bên trên là quả trứng vịt, vài miếng thịt ba chỉ xào săn, một khẩu nem chua hoặc chả, vài miếng bóng heo chiên phồng, giá đỗ. Sau cùng, một muôi mắm cua kèm măng le sẽ được chan lên tô bún để hoàn tất công đoạn chế biến. Tô bún được bưng ra bàn kèm rổ rau sống gồm xà lách, ngổ, húng quế, húng bạc hà, bắp chuối.

Múc một thìa tương ớt đỏ cay xè cho vào, kế đó là thìa mắm nêm rồi khéo léo dùng đũa trộn đều tô bún để mọi nguyên liệu thấm đẫm mắm cua và tương ớt. Ăn bún kèm các loại rau sống và vài tép tỏi tươi, bạn sẽ được hưởng một thứ đồ ăn có hương vị mạnh mẽ và dữ dội.

Vị mắm cua mằn mặn nhưng béo nồng, măng bùi bùi, rau sống tươi mát, ớt cay xé, tỏi thơm nồng, bì heo chiên giòn rụm… Hiếm có thứ bún mắm nào trên đời lại nồng nàn, đậm đà, quyến rũ như bún mắm cua Pleiku. Cái giá cho một tô bún mắm cua hấp dẫn như thế chỉ là 10.000 đồng. Quá rẻ cho một món đặc sản.

Một hàng bún mắm cua ở phố Núi Pleiku. Ảnh: Parsley

Rất nhiều người khi tới Phố Núi đã lắc đầu quầy quậy khi mới ngửi thấy mùi mắm cua, thế nhưng, sau khi đã “chịu mùi”, họ lại tâm đắc với thứ mắm có mùi thơm ngất ngây, mặn mòi, đậm đà này.

Nếu đến Phố Núi, bạn hãy cố gắng “vượt qua sợ hãi” để thưởng thức món bún mắm cua “thối” này. Bạn có thể tìm thấy quán bán bún mắm cua ở đường Phùng Hưng vào buổi chiều hoặc cổng chợ đêm ở trung tâm thành phố Pleiku, nơi có bán bún mắm cua từ tối đến khuya muộn. Biết đâu, bạn sẽ trở thành tín đồ mới của thứ đặc sản “mới ngửi thì ghê ghê, hễ ăn được là mê” này.

(Theo Ngoisao)

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Chiếc áo thần kỳ giúp phượt thủ du lịch không cần biết tiếng

Trong chuyến du lịch Việt Nam, phượt bằng xe máy từ Bắc vào Nam, 2 anh chàng đã nảy ra ý định sáng tạo một chiếc áo đặc biệt với 40 ký tự cơ bản.
Xem thêm: 9 cách giúp bạn quyết định đi du lịch bụi một mình


George Horn và Florian Nast là 2 phượt thủ người Thụy Sĩ, từng gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ khi đi du lịch, đặc biệt là ở những nơi tiếng Anh hầu như chẳng phát huy tác dụng. Trong chuyến du lịch Việt Nam, phượt bằng xe máy từ Bắc vào Nam, 2 anh chàng đã nảy ra ý định sáng tạo một chiếc áo "thần kỳ".


"Du lịch nước ngoài, đặc biệt là những vùng xa xôi quả thật tuyệt vời nhưng không phải lúc nào cũng toàn niềm vui, nhất là khi gặp rắc rối với những nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, chỗ ở mà khi đó bạn lại không thể giao tiếp với người bản xứ", một trong hai nhà sáng tạo chiếc áo Iconspeak nói.


Ý tưởng về chiếc áo đặc biệt chứa 40 ký tự cơ bản được Geogre và Florian nghĩ tới khi chiếc xe của hai người gặp trục trặc trên chặng đường rong ruổi ở miền Trung Việt Nam. Việc giải thích vấn đề mình đang gặp phải với người dân xung quanh gần như là không thể. Cuối cùng, sau khi về được thành phố Nha Trang, hai người đã bắt đầu suy nghĩ về một bảng ký tự hình ảnh những nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhất của một dân du lịch bụi, để khiến việc di chuyển và giao tiếp dễ dàng hơn.


"Nhiều lần, chúng tôi đã phải đối mặt với một rào cản ngôn ngữ mà chỉ được khắc phục bằng cách vẽ những biểu tượng mình muốn trên một mảnh giấy hoặc xuống mặt đất để người dân hiểu. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là tuyệt vời để có một bộ ký tự cố định, in trên áo là tiện nhất, để tránh việc làm rơi hay đánh mất. Khi cần, bạn chỉ việc trỏ vào những hình ảnh đó là người khác có thể hiểu bạn muốn gì", Geogre nói.


Và thế là, chiếc áo Icon Speak ra đời. Sau đó không lâu, chiếc áo trở thành mặt hàng hot mà bất cứ dân du lịch nào cũng muốn sở hữu. Ngoài 40 ký tự đơn giản, bạn có thể kết hợp chúng để biểu đạt những ý phức tạp hơn.





Chiếc áo có nhiều màu sắc, kiểu dáng 3 lỗ hoặc có tay. Giá bán chính hãng là 33 USD, tuy nhiên có rất nhiều nơi làm nhái chiếc áo tương tự.

8 di tích chiến tranh ở Việt Nam nên một lần ghé qua

Nhà tù Hỏa Lò, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương... đều là những điểm đến dọc chiều dài đất nước còn in dấu ấn của thời chiến tranh.
Xem thêm: 10 điểm đến khắp Việt Nam cho người hoài cổ
Nếu yêu thích lịch sử, muốn dành thời gian tìm hiểu những địa danh, thắng cảnh lịch sử nổi tiếng của nước ta, bạn hãy thử tới các địa danh này, nơi nhiều du khách quốc tế gợi ý.

1. Nhà tù Hỏa Lò

Nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội được Pháp xây dựng năm 1896 với tên gọi Maison Centrale là nơi giam giữ các tù nhân chính trị. Hơn 2.000 người đã bị giam giữ tại đây chỉ trong giai đoạn nửa đầu những năm 1950 với những điều kiện sinh hoạt tồi tệ.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hỏa Lò là nơi giam giữ phi công Mỹ bị phía Việt Nam bắt sống và được gọi một cách giễu cợt là “Ngục thất Hà Nội”. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Dougglas Peterson, và ứng viên tổng thống Mỹ năm 2008 John McCain là những tù nhân nổi tiếng tại đây.

2. Khu vực phi quân sự, miền Trung Việt Nam

Vùng phi quân sự chia cắt hai miền nam bắc Việt Nam là một trong những nơi giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Bạn có thể tham gia những tour du lịch từ Huế đến những địa danh như di dích Trường Bồ Đề và Nhà thờ Long Hưng cũng như một vài đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ.

Khu căn cứ quân sự Khe Sanh hiện nay là một bảo tàng, nơi tưởng niệm mà bạn sẽ bắt gặp trên đường đi. Những chiếc xe tăng cũ của Mỹ, đại bác, vỏ máy bay trực thăng… được trưng bày ngoài trời tại đây.

3. Cầu Hiền Lương


Cầu Hiền Lương (Quảng Trị) bắc qua sông Bến Hải chia cắt hai miền Nam Bắc của Việt Nam từ 1954 cho đến lúc thống nhất đất nước. Cây cầu chứng nhân lịch sử về những nỗ lực đến hy sinh cả tính mạng để dành độc lập. Ngày nay, cây cầu là đài tượng niệm cho sự thống nhất của dân tộc. Bạn chỉ có thể đi bộ trên cầu vào dịp 30/4 hằng năm, người dân hai bên bờ sông Bến Hải đều tổ chức kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước.

4. Đài tưởng niệm và bảo tàng cầu Hiền Lương

Nằm tại bờ phía Nam của cầu Hiền Lương (Quảng Trị) là một nhà bảo tàng nổi bật với 6 bia tưởng niệm và tượng người phụ nữ bồng con. Trong bảo tàng còn có tượng vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những gian trưng bày hình ảnh, di tích như mảnh vỡ máy bay, mảnh bom….

5. Địa đạo Vịnh Mốc

Làng Vịnh Mốc (Quảng Trị) vốn nằm trong vùng oanh tạc tự do trong cuộc chiến tranh lịch sử. Điều này khiến cho những người dân ở đây không thể nào sống theo cách thông thường được và họ quyết định định cư dưới lòng đất và xây dựng địa đạo Vịnh Mốc. Không chỉ là nơi để ở, địa đạo còn là nơi vận chuyển vũ khí và thiết bị từ đảo Cồn Cỏ.

6. Khu tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai

“Tìm và diệt” vốn là một nhiệm vụ phổ biến trong chiến tranh, và quân đội Mỹ đã đốt trụi toàn bộ ngôi làng và thảm sát tất cả người dân. Và địa danh gây được sự chú ý lớn của công chúng chính là Mỹ Lai (Quảng Ngãi), mặc dù vụ thảm sát không chỉ dừng tại đấy.

Khi đến đây, bạn sẽ thấy tượng đài một người phụ nữ giơ tay lên trời, bên cạnh là thi thể của người nhà. Bảo tàng ở đây cũng có những bức hình về vụ thảm sát và những di vật như trang phục… và tất cả đều đầy vết đạn.

7. Địa đạo Củ Chi


Đây không phải là nơi dành cho những người sợ không gian chật hẹp. Địa đạo Củ Chi (ngoại thành TP HCM) là nơi quan trọng đối với những chiến sĩ cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ nay đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Lối vào địa đạo được ngụy trang cẩn thận và rất khó bị phát hiện.

Đi xuống địa đạo và bạn sẽ ở trong một mạng lưới những đường đi hoàn toàn không có ánh sáng và nhỏ hẹp. Ngoài địa đạo, ở đây cũng là nơi tái tạo lại những chiếc bẫy thủ công như hầm chông và cửa sập.

8. Bảo tàng Di tích Chiến tranh

Nếu bạn muốn tìm hiểu cặn kẽ về cuộc chiến tại Việt Nam, hãy đến đây. Bảo tàng ở TP HCM này có khu trưng bày, các infographic về những liệt sĩ và những người mất tích trong chiến tranh. Gian nhà chính của bảo tàng là nơi trưng bày những tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Khoảng sân nhỏ tại đây có xe tăng và những khí tài quân sự khác.

(theo Whenonearth)

Bài đăng phổ biến