Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Trải nghiệm nên thử trong 24h ở đảo Bali

Với nắng gió chan hòa, bãi biển cát trắng mịn, những ngôi đền đạo Hindu và dải ruộng bậc thang mênh mông..., đảo Bali, Indonesia hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm khó quên.
Xem thêm: 19 lý do khiến bạn thích mê hòn đảo thiên đường Bali

Du khách đặt chân đến đảo Bali, Indonesia nhất định đừng bỏ lỡ những địa điểm tuyệt đẹp cũng như hoạt động thú vị dưới đây:

Ghé thăm đền Pura Luhur Batukaru

Nằm ngay dưới chân núi Batukaru, Pura Luhur Batukaru là một ngôi đền linh thiêng đối với các tín đồ theo đạo Hindu. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11, là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cư dân bản địa. Một số nơi trong đền sẽ đóng cửa tham quan và chỉ mở vào các dịp lễ đặc biệt của đạo Hindu.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh rờn của ruộng bậc thang Jatiluwih

Một tiếng đồng hồ sẽ cho phép bạn tha hồ chụp ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của ruộng bậc thang Jatiluwih. Nơi đây được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi thú vị cho bạn thư giãn giữa không gian thiên nhiên xanh mát. Hãy yêu cầu hướng dẫn viên chia sẻ thêm về “Subak”, đây là một phương thức canh tác nông nghiệp lâu đời của người bản địa.
Ruộng bậc thang Jatiluwih hút hồn du khách bởi vẻ đẹp xanh ngời và bao la của nó. Ảnh: TripAdvisor.

Vừa ăn trưa vừa ngắm cảnh ở nhà hàng Á J Terrace

Bạn thoải mái thưởng thức bữa trưa giống như người dân ở đảo Bali, vừa ăn vừa ngắm cảnh mây trời luôn là một chủ đề hấp dẫn. Nhớ chọn món “nasi goring” (cơm rang) hay “nasi campur” (cơm trộn) để thử.

Đi chợ Pasar Merta Sari

Chợ ở đây diễn ra náo nhiệt và đầy màu sắc, bày bán rất nhiều mặt hàng từ rau quả, gia vị, trái cây,…cho đến những món quà lưu niệm dành cho du khách. Nhớ mua kèm một nải chuối để cho khỉ ăn khi bạn gặp chúng trên đường về.

Giải nhiệt ở thác Gitfit

Gitfit còn có tên gọi khác là thác Sinh Đôi và chỉ mất 15 phút đi bộ từ đường chính. Đây là điểm lý tưởng cho bạn giải nhiệt giữa tiết trời nắng nóng, chìm đắm trên những dòng nước mát lạnh. Trên đường đi, hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn biết tên từng loài hoa, thực vật và hãy mang theo quần áo nếu bạn có ý định tắm hay bơi ở đây.
Đền Ulun Danu Bratan được xây dựng nhằm tôn thờ vị thần nước vào năm 1633. Ảnh: Tâm An.

Tham quan đền Ulun Danu Bratan

Được Vua Mengwi xây dựng vào năm 1633 để tôn thờ vị nữ thần nước Dewi Danu, do đó đền Ulun Danu Bratan còn có tên gọi là “đền nước”. Đây, là điểm đến được du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các ngôi đền còn lại. Đền nằm bên bờ hồ thiêng Bratan, vốn là miệng của núi lửa đã ngưng hoạt động. Nơi đây có khí hậu dễ chịu, thích hợp cho du khách tham quan và chụp cảnh ngoài trời.

Ngắm hoàng hôn ở đền Tanah Lot

Đền Tanah Lot luôn hiện diện trong các ấn phẩm giới thiệu về du lịch ở thiên đường Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được người dân tôn kính là những vị thần bảo vệ Bali thoát khỏi những điều kém may mắn. Hãy cùng người dân Bali đợi xếp hàng để được ban phước lành. Bạn nên cân nhắc thời gian đến đây vào lúc thủy triều xuống thấp mới có thể đi bộ ra đền. Nhớ mang theo máy ảnh cá nhân để ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn.
Đền Tanah Lot và nhà hàng Melasti là hai địa điểm ngắm hoang hôn tuyệt vời. Ảnh:Tâm An.

Ăn tối ngay tại nhà hàng hải sản Melasti

Dù đây không phải là địa chỉ để thưởng thức ẩm thực ở Bali, nhưng đổi lại bạn có thể vừa ngắm hoàng hôn, nhâm nhi vài ly rượu và thưởng thức bữa tối để kết thúc chuỗi ngày dài khám phá hòn đảo xinh đẹp này.

Vĩnh Hy (Theo TripAdvisor)

Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định

Hòa mình vào bãi biển hoang sơ với nước xanh biếc, vững tay lái trên những cung đường quê để thăm một vài làng nghề và trải nghiệm những món ngon, ẩm thực đặc sắc là điều mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm miền đất võ.

Xem thêm: Lễ hội xuân tại đất võ Bình Định

Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải nam Trung Bộ. Du khách đi xe ô tô giường nằm từ Hà Nội đến Quy Nhơn có giá một vé là 570.000 - 650.000 đồng tốn gần một ngày di chuyển. Nếu xuất phát từ Sài Gòn, du khách mua vé khoảng 250.000 – 350.000 đồng và mất 13 giờ ngồi xe.

Ngoài ra, máy bay là lựa chọn hợp lý cho những người muốn tiết kiệm thời gian di chuyển. Hiện nay có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air khai thác đường bay Hà Nội – Quy Nhơn và Sài Gòn – Quy Nhơn. Giá vé một chiều từ Hà Nội dao động 1,5 – 3 triệu, từ Sài Gòn là khoảng 480.000 – 1,3 triệu.

Dưới đây là hành trình gợi ý 3 ngày du lịch ở Bình Định cho du khách tham khảo.

Ngày 1: Quy Nhơn - Đồi Cát Nhơn Lý - Biển Trung Lương, Vĩnh Hội

Sáng đến thành phố Quy Nhơn, nhận phòng khách sạn và tham quan những địa điểm xung quanh thành phố Quy Nhơn.

8h: Sau khi ăn sáng, du khách đưa xe qua đầm Thị Nại để đến với Nhơn Lý. Ở đây bạn sẽ thả hồn với khí trời lồng lộng gió từ ghềnh Eo Gió và xem sự kiến tạo lạ lùng từ nhiều đụn cát, hay chơi trò trượt cát trên đồi Nhơn Lý.
Người dân đánh cá trên biển Vĩnh Hội.

10h: Tham quan xong, bạn tiếp tục hành trình về với biển Trung Lương, một bãi biển hoang sơ ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Nơi này còn có di tích chùa Ông Núi (còn được gọi là chùa Linh Phong) rất linh thiêng thu hút nhiều du khách thập phương đến viếng thăm.

12h: Tiếp tục hành trình băng qua một con đèo khá ngắn để về biển Vĩnh Hội, nơi này có nhiều hàng phi lao với bãi biển đầy cát trắng tinh. Bạn có thể cắm trại và nghỉ dưỡng cùng bạn bè. Phía sau bãi biển có nhiều lán trại người địa phương dựng lên bán nước giải khát, võng cho du khách nghỉ ngơi. Không gian rất yên tĩnh, không ồn ào và ít bị chặt chém. Bạn hãy thưởng thức hải sản ở đây hoặc nếu đến đúng thời điểm có thể mua hải sản và nhờ người dân chế biến.

15h: Sau khi tắm biển, nghỉ mát thỏa thích, du khách đến xã Phước Hòa thăm tháp cổ Bình Lâm. Đây là một tháp của người Chăm được bảo tồn rất tốt. Cũng trên hành trình trở lại thành phố biển Quy Nhơn, bạn có thể viếng mộ ông tổ nghề Hát Bội – Đào Tấn ở xã Phước Nghĩa. Từ đây chạy thêm một đoạn sẽ gặp thị trấn Tuy Phước, rẽ trái theo quốc lộ 19 về chợ Dinh và tới thành phố Quy Nhơn.

Buổi tối du khách có thể tản bộ ở các công viên, dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu với một ly nước mía hay vài hạt hướng dương trong gió biển mát rười rượi.

Ngày 2: Làng Rượu Bàu Đá - Bảo Tàng Tây Sơn - Làng Dệt Hà Ri

7h: Sau khi dùng điểm tâm, du khách có thể khởi hành sẽ đến làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc thuộc huyện An Nhơn thăm quan làng nghề rượu Bàu Đá, sau đó sang làng bún An Thái. Các cơ sở làm bún nằm bên đường nên du khách rất tiện tham quan. Tiếp tục đến bảo tàng Tây Sơn tham quan, chụp ảnh, xem tiết mục trống trận được dựng lại hết sức quy mô.
Cách nấu rượu của người dân làng Bàu Đá.

11h30: Thăm khu du lịch Hầm Hô với những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Tới đây du khách có thể tắm suối, chèo thuyền, ăn trưa với đặc sản chim mía hay các món địa phương khác. Trong buổi trưa ngồi ở các nhà sàn, bạn hãy tận thưởng sự thoải mái khi vừa trò chuyện với bạn bè, vừa nghe chim ca vang trời.

14h: Sau khi ăn trưa du khách tranh thủ hỏi đường về làng Dệt Hà Ri đã được người Bana gìn giữ suốt 100 năm qua tại huyện Vĩnh Thạnh. Từ đây men theo đường cũ về với thủy điện Định Bình, một công trình hết sức quy mô của tỉnh Bình Định.

16h: Quay về Quy Nhơn. Buổi tối đến quảng trường trung tâm thưởng thức cà phê, dạo phố cùng bạn bè, ngắm phố phường, hay thưởng thức đặc sản biển, nem chả, cơm gà...

Ngày 3: Trại Phong Quy Hòa - Ghềnh Ráng - Tháp Đôi - Con đường ẩm thực

7h: Du khách có thể ra biển Quy Nhơn tắm biển sớm hoặc dạo biển. Sau đó về ăn sáng cùng bạn bè hoặc gia đình.

9h: Sau khi ăn sáng sẽ thăm khu du lịch Ghềnh Ráng. Đến đây du khách sẽ viếng mộ Hàn Mặc Tử... và chụp hình ở bãi Trứng, nơi mà trước đây Nam Phương hoàng hậu thường đến viếng thăm.

Từ đây tiếp tục men theo một con đường nhỏ sẽ tới trại phong Quy Hòa, nơi mà nhà thơ danh tiếng Hàn Mạc Tử trút hơi thở cuối cùng. Sau khi đi vòng quanh, du khách có thể ra bãi biển gần đó để ngồi dưới hàng phi lao ngắm biển, thả hồn vào sóng biển mây xanh trong không khí yên tĩnh.
Biển Quy Nhơn xanh mát vào những sớm hè.

11h30: Trở về Quy Nhơn ăn trưa, sau đó đến di tích Tháp Đôi nằm trong trung tâm thành phố. Tháp rất đẹp, tráng lệ và lưu dấu mãi với thời gian. Các cặp đôi thường tới đây chụp ảnh cưới để làm lưu niệm.

15h: Du khách có thể ra đường Ngọc Hân Công Chúa thưởng thức hải sản các loại, bánh canh, gỏi cuốn với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng một đĩa ốc hay tô cánh banh, gỏi cuốn. Đây là địa chỉ bình dân, hợp túi tiền với sinh viên nhưng dần được khách du lịch chọn lựa.

Trở về phòng sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị ra bến xe, nhà ga xe lửa và kết thúc hành trình thú vị.

Thinh Duy Quach (VnExpress)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Măng cuốn nhồi thịt ở Hà Giang

Khi ăn một miếng măng cuốn nhồi thịt, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, đắng của măng kết hợp với béo của thịt và mùi thơm nhẹ từ rau răm.

Xem thêm: Sắc vàng trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Đặt chân đến Hà Giang và khám phá ẩm thực vùng miền, nhiều thực khách vẫn thường tìm thưởng thức món dân dã măng cuốn nhồi thịt.

Để làm món này không quá khó, nhưng quan trọng nhất là phải tìm được nguyên liệu măng vầu. Ở Hà Giang, măng vầu còn gọi là măng đắng, được hái vào khoảng tháng Chạp âm lịch vì khi ấy sẽ dễ chọn được những đọt măng non. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn.

Người ta thường dùng măng để chế biến thành nhiều món như đem đi hầm xương đối với măng củ. Đối với măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) thì phần thân sẽ xào tỏi, phần lớp ngoài đem đi cuốn thịt.
Măng cuốn nhồi thịt được trình bày bắt mắt khi hoàn thành. Ảnh: cafestyle

Măng mang về trước tiên sẽ được luộc chín, có nhà kỹ tính còn luộc 2-3 lần, ngâm muối để giảm bớt độ chua và mùi nồng của măng. Sau khi luộc thì vớt măng ra để nguội và đem cuốn.

Phần nhân làm bằng thịt gà được băm nhuyễn trộn với trứng, hành, rau răm và hạt tiêu. Bạn chỉ việc xúc nhân đổ lên lớp măng, cuốn đều tay cho chặt rồi cho vào nồi hấp. Đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra. Vị hơi ngọt pha với chút đắng của măng vầu kết hợp với thịt gà nhuyễn, béo, mùi thơm của rau răm tạo nên món ăn nhẹ nhàng nhưng khá ấn tượng.

Ngoài nguyên liệu thịt gà, nhiều người còn sử dụng thịt heo, nhưng chọn loại thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ để tăng thêm vị ngon. Thịt cũng được trộn với trứng và rau răm, khi nêm nếm không để nhân quá mặn vì như vậy khi cuốn lớp măng sẽ làm măng nhờn nhợn đắng.

Nước chấm cũng góp phần tạo nên linh hồn cho món ăn. Ngày trước người dân thường nấu nước mẻ, cho khoảng ba thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước, gia vị vào là có chén nước chấm mang vị chua chua và thơm. Tuy nhiên bây giờ nhiều người dùng nước chấm tỏi ớt cho nhanh gọn.

Món này cũng thường được dùng để đãi khách quý vào dịp Tết. Chỉ cần một đĩa măng cuốn, cơm nếp chín và rổ rau cải non làm rau ghém là mâm cơm đã được xem là thịnh soạn. Bạn có thể thưởng thức món này ở các tỉnh miền núi phía bắc hay ngay tại Hà Nội ở trên đường Hoàng Ngân, Cầu Giấy. Một phần có giá khoảng 40.000 đến 50.000 đồng.

Lan Thoa (VnExpress)

Bài đăng phổ biến