Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Phong tục đưa ông Công, ông Táo về trời của người Việt

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn nên hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phong tục đưa ông Công, ông Táo về trời của người Việt

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.

Phong tục đưa ông Công, ông Táo về trời của người Việt

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Lễ vật


Đồ lễ để cúng ông Công ông Táo thường có một bộ mã ông Công, ba bộ mã ông Táo và mâm cỗ. Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Ý nghĩa của cá chép 


Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời. Một số gia đình còn mua cá chép giấy để đốt cùng vàng mã sau khi cúng. 

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Mâm cỗ tiễn ông Công, ông Táo


Ngoài những món đồ vàng mã đi kèm cho ông Công, ông Táo, thì mâm cơm cúng ông công trong này này không thể thiếu những món ăn lễ mặn như xôi gà, chân giò luộc, các món được nấu kèm với nấm, măng... lễ chay thì bao gồm trầu, cau, hoa quả, hương hoa, giấy vàng, giấy bạc… Tùy vào gia cảnh mỗi nhà hoặc phong tục từng vùng miền mà những món mặn hay đồ chay được thêm bớt cho phù hợp.


Ngày nay, các bà nội trợ không còn chỉ lo việc nhà như trước, nên có phần bận rộn. Vì thế mâm cỗ đưa ông Táo cũng có phần thay đổi theo cách tiện lợi nhất, đơn giản nhất. Các món trên mâm cỗ thường thấy là bánh chưng, giò, nem thì đã có bán sẵn, còn thịt đông, cá kho, hành muối làm từ trước hoặc thậm chí cũng có thể mua sẵn, đến đúng hôm đó thì chỉ cần luộc gà, nấu canh, làm món xào nóng là xong. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì mâm cỗ vẫn rất trông tươm tất.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến