Hiển thị các bài đăng có nhãn Buôn Mê Thuột. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Buôn Mê Thuột. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Văn hóa thưởng thức cà phê 3 miền Việt Nam

Có bao giờ bạn trải nghiệm văn hóa thưởng thức cà phê 3 miền ở Việt Nam chưa? Hà Nội uống cà phê thế nào, Sài Gòn uống cà phê ra sao nhỉ? Còn thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột thì sao, người dân ở đó họ có sành điệu với cà phê không? Hãy điểm qua vài nét trong cách "khám phá" cà phê của mỗi vùng miền nhé? 

Hà Nội  - Cà phê nâu “không vội được đâu” 

Hà Nội vẫn giữ những nét đẹp cổ kính từ phố phường cho đến cách thưởng thức cà phê. Dạo quanh Hà Nội vào những ngày sáng sớm, chủ yếu những người trung niên cho đến lớn tuổi cùng nhâm nhi ly cà phê, cốc trà nóng và làm hơi thuốc lào. Họ bình thản, nhẹ nhàng và từ tốn. Con người và nhịp sống ở Hà Nội chầm chậm mỗi ngày như thế.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội 


Người Hà Nội có cà phê đen và cà phê nâu, vị không quá ngọt như cà phê Sài Gòn. Thị dân thủ đô vẫn còn trung thành với những chiếc phin bằng thiếc, cách pha cà phê “cũ” và từ tốn. Phải chăng việc chờ từng giọt cà phê rơi xuống, tạo thành từng tiếng “tách tách” trong ly đã trở thành thú vui tao nhã? Không vội vàng, không hối hả là điểm nhấn đáng nhớ trong phong cách thưởng thức cà phê của người Hà Nội

Cà phê -  Thú vui người Sài Thành


Trái ngược hẳn với thủ đô xa xôi, Sài Gòn ai ai cũng hối hả trong từng nhịp sống, có phần vội vã và gấp rút. Vậy nên cà phê sữa đá “take away” được người Sài Gòn đặc biệt yêu thích vì hương vị thơm ngon và có phần tiện lợi hơn.

Hương cà phê người Sài Gòn thích có vị hơi ngọt hơn so với cà phê nâu của Hà Nội. Họ thường đem những ly cà phê “take away” đến nơi công sở để thưởng thức, và xem nó như một thức uống “đánh thức” tinh thần làm việc vào mỗi sáng thức dậy.


Ở thành phố này, ai cũng uống cà phê, từ công nhân cho đến dân công sở, sinh viên, người làm việc tự do…họ thưởng thức cà phê bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào trong ngày. Các quán cà phê dường như là một địa điểm lý tưởng để làm việc và tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Những người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam cũng vô cùng yêu thích vị cà phê sữa đá ấy. Chút đắng chút thơm chút ngọt cùng hòa quyện với nhau. 

Nét riêng tại thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột 

 
Nhiều người hay nói rằng, người Buôn Mê chỉ trồng cà phê được chứ không biết uống cà phê. Nghĩ thế là nhầm rồi nhé! Người nơi đây uống cà phê rất kĩ càng, những quán cà phê rang xay tại chỗ sẽ được ưu ái hơn. Còn có những người khắt khe trong việc chọn Robusta hay Arabica và tỉ lệ được pha trộn giữa các loại với nhau. 
  

Địa điểm uống cà phê cũng là một yếu tố cực kì quan trọng, người Buôn Mê thích những nơi có phong cách hướng đến thiên nhiên, xung quanh nhiều cây cối hoặc uống cà phê ở những nhà sàn của người dân tộc Ê-Đê.

Xem thêm: 24 giờ không chán ở Buôn Mê Thuột 

Nguồn ảnh: Internet
Tham khảo: L'officiel

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

5 điểm đến nhất định phải đi trong tháng 1

Đà Lạt vào mùa hoa mai anh đào, biển Đà Nẵng và đảo Phú Quốc không có bão, rất thích hợp để du khách lên kế hoạch đi nghỉ.
Bước vào thời khắc chuyển mùa từ đông sang xuân, tháng 1 mang đến những ngày mát dịu, nắng cũng không gay gắt như mùa hè. Đây chính là thời điểm tốt nhất để bạn đến những nơi yêu thích như Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Đà Lạt

Khung cảnh mùa xuân ở Đà Lạt. Ảnh: Bùi Châu Nhã Vy

Sau khi đã khoác lên mình màu vàng rực của dã quỳ hay màu trắng tinh khôi của cải trắng, Đà Lạt đang chuẩn bị chuyển mình sang màu hồng dịu dàng của mai anh đào phố núi. Vào bất kỳ thời điểm nào, Đà Lạt cũng có những mùa hoa khoe sắc khiến du khách mê mẩn. Bước vào tháng 1, hoa anh đào nở nhuộm hồng những con đường từ Đà Lạt đến Cầu Đất. Không khí mát mẻ trong lành của phố núi khiến du khách đến đây thêm dễ chịu.

Dù đã qua Festival hoa, Đà Lạt không vì thế mà giảm đi sức hút vốn có. Vẫn còn những đồi chè bát ngát mênh mông, các con đèo lạnh buốt vào buổi sớm hay mùi sữa đậu nành nóng hổi trên phố Tăng Bạt Hổ khiến ai cũng muốn thử qua… Đến Đà Lạt vào những ngày này để cảm nhận không khí chuẩn bị đón tết của người dân địa phương và hòa mình vào sắc mai anh đào mỗi năm chỉ có một lần.
Xem thêm: Những món ngon Đà Lạt níu chân du khách

Sapa

Đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Lê Hồng Hà

Cáp treo có độ cao chênh lệch nhất thế giới sẽ được khánh thành vào ngày 25/1, giúp du khách rút ngắn thời gian chinh phục đỉnh Fansipan chỉ còn 20 phút. Từ trên cáp treo, du khách được tận hưởng không gian trong lành với quang cảnh tuyệt vời của một thị trấn xinh đẹp nằm ẩn giữa muôn trùng núi non.

Sapa từ lâu đã thu hút du khách trong và ngoài nước bởi khung cảnh hùng vĩ. Từ con đèo Ô Quy Hồ huyền thoại đến những bản làng với các thửa ruộng bậc thang rộng lớn đã làm cho Sa Pa trở thành một nơi rất đặc biệt. Không chỉ vậy, đời sống văn hóa của các dân tộc cũng làm cho Sa Pa có một sức hút khó cưỡng với nhiều khách du lịch yêu thích khám phá.
Xem thêm: Sapa mùa xuân đến sớm

Buôn Mê Thuột

Màu rừng đặc trưng vào mùa khô của rừng quốc gia Yok Don. Ảnh: Hữu Thành

Nhắc đến Buôn Mê Thuột, người ta thường nghĩ ngay đến những cánh đồng cà phê bạt ngàn. Chưa hết, Buôn Mê Thuột còn hút hồn khách du lịch bởi những thác nước cao ngất hùng vĩ, vườn quốc gia mênh mông bí ẩn hay vẻ đẹp của dòng Serepôk huyền thoại.

Đến với Buôn Mê Thuột, bạn có thể trải nghiệm cưỡi voi vượt suối ở buôn Đôn, ngắm thác Dray Sap, Dray Nur cuồn cuộn tung bọt trắng xóa, thả hồn chìm đắm trong vẻ đẹp của hồ Lak hay thưởng thức các món thịt thơm nức mũi. Đêm đến, không thể thiếu âm thanh rộn vang núi rừng của cồng chiêng Tây Nguyên trong bữa tiệc với rượu cần và ngủ đêm, ở nhà dài như người dân bản xứ thứ thiệt.
Xem thêm: 8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Đà Nẵng

Chiều ở công viên Biển Đông. Ảnh: Lâm Minh Hiệp

Tháng 1 có lẽ là thời điểm thích hợp cho những du khách muốn đi du lịch tiết kiệm. Đến Đà Nẵng vào thời điểm này là một lựa chọn thông minh vì không khí mát mẻ và giá dịch vụ rẻ hơn so với đi vào các tháng hè.

Bạn đừng quên ghé qua Bà Nà Hills, lên chùa Linh Ứng để ngắm mây bồng bềnh dưới chân, tham quan hồ Hòa Trung như một thảo nguyên xanh mướt hay tham gia trò chơi trượt thác dài gần 3 km ở Hòa Phú Thành rất thú vị. Những cây cầu rực rỡ về đêm sẽ khiến bạn muốn quay trở lại thành phố này nhiều lần.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Đảo Phú Quốc

Bãi Sao. Ảnh: Atadi

Theo lời khuyên của người dân địa phương thì thời gian để đi Phú Quốc thích hợp nhất chính là trước tết Âm Lịch. Đây là thời điểm nơi đây vắng bóng du khách nhất và hải sản cũng vào mùa nhiều nhất. Chỉ cần dong thuyền ra khơi một chốc là có đủ nào cá, ghẹ, mực… cho bữa nhậu thịnh soạn giữa biển.

Thời gian này, biển ở Phú Quốc êm, nắng dịu làm cho màu nước càng trở nên trong xanh đặc trưng. Đảo Ngọc không chỉ có biển, mà còn được bao phủ bởi màu xanh mướt của rừng. Nếu thích phiêu lưu, bạn hãy thuê một chiếc xe máy chạy vòng quanh đảo, để khám phá đời sống người dân ở Bãi Thơm, xuyên rừng trên các cung đường để đến với những điểm hoang sơ như làng chài Rạch Tràm, Rạch Vẹm…
Xem thêm: 20 điều không nên bỏ lỡ khi ở Phú Quốc

Theo Ivivu

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Nếu có dịp đặt chân đến Tây Nguyên, du khách đừng quên chinh phục ngã ba Đông Dương, ngắm sao đêm ở Măng Đen hay xem biểu diễn cồng chiêng.
Xem thêm: Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Dưới đây là 8 điều làm cho chuyến đi Tây Nguyên của bạn thêm phần thú vị và đáng nhớ.

Ghé thăm "đôi mắt Pleiku"

Biển Hồ (hồ T’Nưng) là một trong những hồ nước tự nhiên thơ mộng nhất Tây Nguyên. Hồ nước này được hình thành từ một miệng núi lửa và rất rộng. Người ta ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai và người dân thành phố Pleiku.
Vẻ đẹp của Biển Hồ. Ảnh: Thuonghieuvn

Đứng trên bờ nhìn ra xa, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của nước biển. Hồ nằm trên núi, nên khi du khách đứng trên bờ, gió từ hồ nước với gió rừng sẽ tạo cảm giác mát lạnh. Đạp xe băng qua những cánh rừng là cách bạn nên làm để khám phá vẻ đẹp bí ẩn trong "đôi mắt Pleiku" ấy.

Xem một buổi biểu diễn cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc ở Tây Nguyên. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Tất cả lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… đều phải có tiếng cồng chiêng như thứ để nối kết mọi người trong cùng một cộng đồng.

Thưởng thức cà phê tại "thủ phủ cà phê"

Thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu được xem như là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam. Đến đây bạn không chỉ nhìn ngắm những đồn điền cà phê xanh ngút tầm mắt, mà còn được thưởng thức ly cà phê thơm ngon nhất. Ngồi uống một ly trong làng cà phê Trung Nguyên, vào một buổi chiều mưa, đó có thể là ly cà phê đáng nhớ nhất mà bạn từng thưởng thức.

Ngắm sao đêm ở Măng Đen

Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.200 m so với mặt nước biển, thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Đây được coi như dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, nhiệt độ thường dưới 22 độ C. Rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh và rừng thông cổ thụ rộng lớn nằm dọc theo quốc lộ 24. Ngoài ra Măng Đen còn có nhiều hồ thác, suối và cảnh quan đẹp.

Đặc biệt, Măng Đen được mệnh danh là một trong những địa điểm đẹp nhất để ngắm sao ở Việt Nam. Nếu bạn đến đây vào lúc trời khô và quang mây, hãy chọn cho mình một bãi cỏ hay ban công thoáng đãng để chìm vào khoảnh khắc lãng mạn của sao trời.

Chinh phục ngã ba Đông Dương

Cửa khẩu Bờ Y, nơi một con gà cất tiếng gáy cả ba nước cùng nghe là địa chỉ không thể bỏ qua nếu bạn có dịp đến Tây Nguyên. Là ngã ba biên giới giữa Việt Nam – LàoCampuchia, đây là cột mốc lãnh thổ quan trọng của quốc gia.
Không ít những bạn trẻ đên Tây Nguyên để thỏa chí chinh phục được ngã ba Đông Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn.

Có nhiều đường và phương tiện để đến với xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nếu từ phía bắc, bạn có thể đáp máy bay đến Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và tiếp tục tìm xe khách để đến Ngọc Hồi. Ngoài ra, xe khách chạy từ TP HCM, hay các tỉnh ở dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… đến Kon Tum rất nhiều.

Sau khi tham quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, theo con đường hơn 10 km vòng vèo quanh mấy ngọn đồi, từ đây leo những bậc thang để chạm đến cột mốc làm bằng đá hoa cương là bạn đã đặt chân tới ngã ba Đông Dương. Cột mốc nằm trên đỉnh núi có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, ghi danh ba quốc gia.

Cưỡi voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn

Là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước, vườn quốc gia nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía tây bắc.

Du khách đến đây sẽ tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, xe đạp địa hình trong các cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, ban đêm, bạn có thể đi xem các loài thú hoang dã, ban ngày đi du thuyền độc mộc trên dòng Sêrêpok thơ mộng. Ngoài ra, tham quan buôn làng, thưởng thức rượu cần với nhiều món đặc sản hấp dẫn đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên cũng là ý tưởng hay.

Tham quan thác nước hùng vĩ Dray Sáp

Thác Dray Sáp hay thác Chồng, là thác nước có bề mặt trải dài hơn 500 m, cao gần 20 m chia làm 3 phần: thượng, trung và hạ. Mỗi năm vào đầu mùa mưa, dòng nước của con thác đổ ầm ầm, tung bọt nước trắng xóa, vì vậy người Ê-đê hay gọi là thác khói. Ngọn thác có địa hình nằm trong một khu vực nhiều hang động, cây rừng, dây leo chằng chịt, bốn bề vang động âm thanh, cộng thêm đường lên thác quanh co, gập ghềnh với nhiều tảng đá đầy rêu phong. Những điều đó khiến nơi đây trở thành một danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.

Khám phá Tây Nguyên những mùa hoa

Tháng 12 là thời điểm lý tưởng để du khách đến Tây Nguyên bởi diễn ra nhiều lễ hội và là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trên đất đỏ bazan.

Đầu tháng 1, cả Tây Nguyên chuyển mình trong màu lá của những cánh rừng cao su. Nhìn ngắm khung cảnh các hàng cây cao su trút lá, bạn sẽ thấy Tây Nguyên hiện lên thật khác lạ.

Tháng 3, những rẫy hoa cà phê trắng muốt bắt đầu nở vào mỗi dịp xuân về. Mỗi vụ hoa thường nở 2 – 3 đợt cho đến cuối mùa xuân.
Rừng cao su thay lá tuyệt đẹp ở Gia Lai. Ảnh: phuot

Theo Ivivu

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bún đỏ - món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk

Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch Đà Lạt

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.

Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.

Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, ngoài đến Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, thăm dòng Sêrêpôk, bạn đừng quên thưởng thức món bún đỏ nổi tiếng. Ảnh: iviet.

Ngoài ra, thịt ba chỉ được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị.

Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút... Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.

Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút... cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa hàng trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát.

Anh Phương (VnExpress)

Bài đăng phổ biến