Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Khác biệt văn hóa uống cà phê của Hà Nội và Sài Gòn

Bước vào quán, cùng một loại thức uống nhưng người Sài Gòn gọi cà phê sữa đá, còn người Hà Nội lại gọi là cà phê nâu.
Cả người Sài Gòn và Hà Nội đều xem cà phê là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tuy nhiên mỗi nơi lại có sự khác biệt không thể lẫn vào đâu được. Dưới đây là sự so sánh thú vị giữa cách thưởng thức cà phê của người Sài Gòn và người Hà Nội.

Người thưởng thức

Đối với người Sài Gòn, cà phê là loại thức uống phổ biến của mọi tầng lớp, lứa tuổi, từ người già đến người trẻ. Nó là câu cửa miệng để làm cái cớ rủ rê bạn bè: “Cà phê không?”. Chỉ với cái gật đầu, ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc nhiều con người với nhau. Họ có thể uống cà phê vào bất cứ giờ nào trong ngày, có thể vào buổi sáng sớm với tờ báo còn thơm mùi mực in, trên chiếc ghế đẩu ngay tại lề đường. Có lúc, người Sài Gòn lại thức thật khuya nhấm nháp ly cà phê bên một người bạn thân, ngắm sự tĩnh lặng đến kỳ lạ của phố xá lúc lên đèn.
Xem thêm: Những góc ngồi quan sát nhịp sống người Sài Gòn

Người Hà Nội lại khác, chuộng cà phê nhất phải kể đến những bậc lão thành, dân kinh doanh đam mê công việc. Họ thường chỉ nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng trong không khí se lạnh và vài tia nắng len lỏi qua tán cây. Người Hà Nội không ngồi quá lâu, nhưng điềm nhiên chẳng vội vã. Đối với họ, thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, ẩn chứa câu chuyện dài cần kể.

Khi thưởng thức cà phê, người Hà Nội điềm nhiên chẳng vội vã

Địa điểm uống

Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng. Các địa điểm phục vụ loại thức uống này ở Sài Gòn cũng rất đa dạng về thể loại, từ cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê bệt cho đến cà phê sân vườn…

Tại Hà Nội thì khác, do đất chật người đông nên các quán cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán theo phong cách phố cổ, hoặc ngồi tạm ngay vỉa hè. Đặc biệt nhiều khi các vị khách còn sẵn sàng ngồi chung một bàn san sát nhau vì hết chỗ.

Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng

Cách gọi cũng khác…

Khi bước chân vào quán, người Sài Gòn muốn uống cà phê pha chút sữa, họ sẽ gọi cà phê sữa đá, bạc xỉu hoặc cà phê sữa tươi. Dĩ nhiên cả ba loại đều có mức độ đậm nhạt khác nhau. Cà phê sữa đá được xem như một nét khó quên trong lòng những ai yêu hương vị cà phê, đến nỗi khi đi xa cứ vương vấn mãi.

Riêng người Hà Nội, họ gọi món cà phê pha sữa là cà phê nâu. Đó là loại cà phê sữa đặc, không uống đá và nhiều cà phê nên có vị đắng hơn so với Sài Gòn. Hà Nội hầu như không có bạc xỉu, nếu lúc nào đó người Hà Nội muốn bắt chước người Sài Gòn gọi một ly như thế, chắc chắn người đó sẽ bị chủ quán ở Hà Nội xem là “người ngoại đạo”. Từ này hiện nay vẫn chưa phổ biến tại Hà Nội, dù một số quán cũng bắt đầu cập nhật vào thực đơn thức uống.

Nắm bắt được sự quen thuộc cũng như ý nghĩa của ly cà phê sữa đá tại Sài Gòn và cà phê nâu tại Hà Nội, VinaCafé Chất cho ra đời hai dòng sản phẩm riêng biệt là Hà Nội cà phê nâu và Sài Gòn cà phê sữa đá để phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền. Đây là sản phẩm được áp dụng công nghệ đột phá với cà phê được làm hoàn toàn từ 100% nước cốt đầu tiên của cà phê rang xay nguyên chất, mang đến cho người dùng ly cà phê sữa đá uống liền đúng chất pha phin kiểu Việt.

Chỉ cần thưởng thức qua ly cà phê hòa tan, cả người Sài Gòn lẫn Hà Nội đều như tìm thấy lại được chính hương vị tại quê nhà của mình.

Hoàng Ngân (VnExpress)

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Những lý do phải đến Hà Nội vào mùa xuân

Nếu bạn còn băn khoăn không biết có nên đến Hà Nội vào thời gian này hay không thì 5 lý do dưới đây sẽ tiếp cho bạn thêm động lực.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

1. Thời tiết ấm áp


Hà Nội xuân về ẩm ướt dịu dàng trong những cơn mưa bụi

Thời tiết của Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa thu và mùa xuân là thời điểm phù hợp nhất để đi du lịch. Nếu Hà Nội mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè thì trời oi bức và nóng nực, mùa thu bảng lảng những cơn gió heo may se lạnh thì mùa xuân lại có những cơn mưa phùn lây rây làm nao nao lòng người.

Người ta vẫn thường nói thích Hà Nội nhất khi thu về, vì khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… Nhưng với nhiều người lại thích Hà Nội khi xuân tới.

Nếu ghé thăm Hà Nội vào mùa xuân, bạn nên mặc thêm áo dài tay hoặc đem theo áo khoác nhẹ để tránh bị ho nhé!

2. Những làng hoa xuân đẹp ngẩn ngơ

Những làng hoa đẹp ngẩn ngơ mỗi độ xuân về. Ảnh: Caoanhtuan

Nói đến thú chơi hoa Tết, có lẽ không đâu sánh bằng Hà Nội. Con người Hà thành hào hoa tao nhã và mang nét thanh lịch của đất kinh kỳ nên thú chơi của họ cũng rất công phu. Xuân về, người Hà Nội thường rủ nhau đến những làng hoa quanh thành phố để thưởng lãm.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km, làng Tây Tựu (Từ Liêm) có nghề trồng hoa lâu đời, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 250 triệu bông hoa. Tây Tựu nổi bật với những cánh đồng trồng hoa cúc vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. Vào ngày giáp Tết, đồng hoa violet tím, hoa layon, hoa thược dược lại có dịp khoe sắc trong tiết trời lạnh giá.

Làng đào Nhật Tân nổi tiếng từ lâu với giống đào bích cho hoa đẹp, nở đều, sắc thắm… Những ngày này, vườn đào lại tấp nập, rộn ràng hơn bởi nhiều bạn trẻ đến ngắm hoa hay chụp ảnh bên gốc đào tươi thắm. Những tà áo dài thướt tha, đèn lồng, lì xì, câu đối đỏ cùng sắc màu của các loài hoa trong vườn đào khiến người người, nhà nhà cảm nhận rõ nét hơn không khí xuân rộn ràng đang đến gần.

3. Hoa đào khoe sắc trên từng con phố


Tháng giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát. Những cánh hồng yêu kiều mỏng manh trong làn mưa bụi khiến lòng người chợt thấy nao nao. Hoa đào đủ loại len lỏi trên những con phố, như mang mùa xuân về từng ô cửa, từng mái nhà.

Tết càng đến gần mà thiếu đi những cành đào thì khí xuân cũng vợi mất một nửa. Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Hình ảnh đó gợi về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội rất đỗi bình yên, dịu dàng.

4. Hoa ban, hoa sữa lãng mạn

Tháng 3 Hà Nội trắng muốt mùa hoa sữa

Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa li ti bắt đầu nở rộ và phủ trắng những tán cây xanh mướt. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông khoác một tấm áo trắng xóa, đấy là mùa xuân đã gọi hoa sưa về. Trên các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Bưởi… vào mỗi độ tháng 3, hoa sưa nở trắng trời tạo nên khung cảnh vô cùng quyến rũ.

Xuân về, đường phố Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi sắc màu của hoa ban tím. Thời tiết Hà Nội những ngày này ẩm ương, nồm và thất thường như con gái vậy. Những lúc ấy chỉ thèm ngủ vùi dưới một hàng ban tím để thấy tâm hồn thật bình yên.

5. Mùa xuân - mùa lễ hội

Hà Nội - mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch

Hàng loạt lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức để tưởng nhớ những nhân vật truyền thuyết, lịch sử như: Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung - người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng Giêng) thờ Thánh Gióng - vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng) tưởng nhớ công lao của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng Giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi...

Đặc biệt, lễ hội Chùa Hương là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta. Du khách đến đây không chỉ cầu phúc, cầu may, mà còn được thăm thú cảnh đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ thú.

Ngoài ra, nhiều lễ hội làng vùng ngoại thành Hà Nội cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách như lễ hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian, Tây Phương, lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức), làng gốm (Bát Tràng), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)...

Theo Timeout Vietnam

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Báo Anh so sánh du lịch ở Hà Nội và TP HCM

Trang du lịch Roughguides nhận xét cả Hà Nội và TP HCM đều là "thiên đường ẩm thực" nhưng hương vị cà phê và cuộc sống về đêm mỗi nơi lại mang nét riêng.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

Dưới đây là một số điểm khác biệt cũng như tương đồng giữa hai thành phố lớn của Việt Nam.

Văn hóa

Hà Nội và TP HCM đều có những công trình như bảo tàng, đền chùa và kiến trúc thuộc địa ấn tượng. Cả hai cùng có nhà thờ là di tích Pháp cổ và những điểm diễn múa rối nước truyền thống.

TP HCM có nhiều công viên chủ đề hơn, vì thế nếu bạn thích các trò chơi như đu quay, tàu lượn... hãy đến phương Nam. Nếu thích xem triển lãm, Hà Nội là lựa chọn tốt hơn với nhiều địa chỉ hấp dẫn trưng bày các tác phẩm mỹ thuật và nghệ thuật đương đại.

Người dân thủ đô có đôi chút khó gần và người TP HCM lại cởi mở hơn. TP HCM cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây nhiều hơn Hà Nội, đặc biệt là Hoa KỳPháp. Những xu hướng mới nhất của giới trẻ, sự bùng nổ trong kinh doanh và công nghệ cũng hội tụ ở thành phố này. 

Nhà thờ Đức Bà ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Roughguides

Cuộc sống về đêm

Theo quy định, hầu hết các hàng quán đều đóng cửa sau nửa đêm vì vậy khách quốc tế có thể thấy một số chỗ đóng cửa sớm hơn lệ thường.

TP HCM có thể "thức khuya" hơn so với Hà Nội mặc dù ở thủ đô cũng có rất nhiều quán bar phục vụ du khách đi tiệc muộn. Những con đường hẹp trên khu phố cổ Hà Nội khi đêm xuống thực sự sống động với hàng nghìn người dân và du khách cùng tìm chốn vui chơi, ăn uống. Các hàng quán đồ ăn vặt, thịt nướng, chân gà... la liệt hè phố.

Nhiều quán bar ở TP HCM biểu diễn nhạc sống cuối tuần và phục vụ những ly cocktail hấp dẫn. Nếu bạn tìm kiếm một tối vui chơi, một câu lạc bộ đêm có điều hòa nhiệt độ, nơi có thể tiệc tùng vài tiếng đồng hồ thì TP HCM là lựa chọn tốt nhất.

Ẩm thực

Du khách có thể tìm được các hàng ăn ngon, rẻ ở Hà Nội và TP HCM. Đặc biệt, ẩm thực đường phố đa dạng và xuất hiện khắp nơi khiến du khách "không thể cưỡng được" dù ở đâu đi nữa. Hà Nội nổi tiếng với phở, một trong các món ăn truyền thống của Việt Nam mà bạn có thể tìm thấy quán ăn ở bất kỳ con phố nào.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Ẩm thực đường phố ở TP HCM cũng nhiều không kém ở Hà Nội nhưng khẩu vị có phần ngọt hơn. Cả hai nơi đều là "thiên đường ẩm thực" và có rất nhiều món ngon chờ bạn khám phá hơn là bánh mì và phở.

Văn hóa cà phê ảnh hưởng từ người Pháp đều có ở hai thành phố lớn. Cà phê ở TP HCM ngọt hơn nhưng không đậm đà. Mặc dù hai nơi cùng có nhiều món đồ ăn uống ngon hấp dẫn du khách quốc tế, TP HCM vẫn nhỉnh hơn Hà Nội về sự phóng khoáng và chất lượng khi chọn lựa. 

Bánh xèo - một trong những món đặc sản của Việt Nam bạn có thể tìm thấy cả ở Hà Nội và TP HCM. Ảnh: Roughguides

Mua sắm

Hà Nội là lựa chọn lý tưởng để mua đồ thủ công mỹ nghệ và các món hàng làm từ lụa. Những người thợ thủ công chuyên về chạm khắc gỗ, thêu thùa và làm hàng sơn mài, bạn dễ dàng tìm thấy trên các con phố cổ.

TP HCM cho bạn nhiều lựa chọn khi mua đồ lưu niệm, chợ Bến Thành, các cửa hàng đồ hiệu ở con đường sầm uất Đồng Khởi. Thành phố này là miền đất của những siêu thị gồm rất nhiều cửa hàng, nhãn hiệu nổi tiếng...

Thư giãn

Hà Nội phát triển nhanh chóng với những tòa nhà cao tầng đến mức bạn sẽ phải bước ra khỏi khu phố cổ mới có thể tìm được đường chân trời. Cả Hà Nội và TP HCM đều đông đúc với khoảng 8 triệu dân. Những con phố của Hà Nội tắc đường tới mức rất khó di chuyển vào giờ cao điểm và không ngừng ồn ào.

Giao thông ở cả hai thành phố luôn tấp nập với rất nhiều xe máy, ôtô. Những con phố mới rộng hơn của TP HCM hiện nay cũng cho phép mọi người di chuyển dễ hơn. Do đó, đi bộ trong thành phố vẫn chưa có vẻ yên bình.

Hà Nội vào tháng 1 có thời tiết khá lạnh, có khi chỉ khoảng 17 độ C, trong khi TP HCM hiếm khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Vì độ ẩm cao nên bạn sẽ luôn bị ra mồ hôi dù ở thành phố nào đi nữa.

Ở Tp. Hồ Chí Minh, để trốn nắng nóng bạn hãy tới công viên nơi có những cây lớn tỏa bóng xanh mát, hoặc vườn bách thảo...

Hồ Hoàn Kiếm được mệnh danh là "trái tim" của Hà Nội, một địa điểm hấp dẫn đối với tất cả người dân lẫn du khách. Đây là nơi bạn vừa có thể thoát khỏi sự xô bồ trên các con phố vừa được quan sát người già tập thể dục hoặc thư giãn bên những ván cờ...

Hồ Hoàn Kiếm trong khoảnh khắc thanh bình. Ảnh: Roughguides

Du lịch trong ngày

Vịnh Hạ Long đẹp như mơ với những núi đá vôi nổi trên giữa mặt nước phẳng lặng, là một trong các điểm đến thu hút du khách bậc nhất của Việt Nam. Du khách có thể dễ dàng đặt tour từ Hà Nội tới đây.

Địa đạo Củ Chi chỉ cách TP HCM khoảng 2 giờ đi xe, đồng thời là địa điểm du lịch trong ngày lý tưởng. Địa đạo được xây dựng trong chiến tranh, cho phép du khách tham quan các lối đi, hầm hào, bẫy bằng cách trực tiếp chui xuống tận nơi.

 Hương Chi (VnExpress)

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Các làng hoa Tết vào mùa

Nhật Tân, Thái Phiên hay Tân Quy Đông, các làng hoa nổi tiếng cả nước, sắp vào vụ hoa lớn nhất trong năm, có thể trở thành bối cảnh tốt cho các du khách thích chụp ảnh.
Xem thêm: Du xuân ở khắp mọi miền đất nước

Làng hoa Nhật Tân, Hà Nội

Nhật Tân không chỉ nổi tiếng trong giới yêu hoa mà còn với nhiều bạn trẻ Hà Nội. Những năm gần đây, làng hoa Nhật Tân là nơi lui tới thường xuyên của những người thích chụp ảnh với cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương, cúc họ a mi, bách nhật… Gần Tết âm lịch, làng hoa Nhật Tân khoác lên mình vẻ rực rỡ với những vườn đào bắt đầu nở.

Làng hoa Nhật Tân rực rỡ dịp xuân về. Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn

Nhật Tân được biết đến với những giống đào nổi tiếng, kỹ thuật ghép, tỉa cành, phối giống độc đáo chỉ có các nghệ nhân trồng đào trong làng mới biết. Giáp Tết, những vườn đào trổ nụ, chuẩn bị đơm hoa, tạo nên khung cảnh mang đậm màu sắc Tết miền Bắc.

Làng hoa Tây Tựu, Hà Nội

Nổi tiếng không kém là làng hoa Tây Tựu với lịch sử lâu đời và diện tích trồng hoa lớn bậc nhất Hà Nội. Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 20 km, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Tây Tựu không được nhiều du khách lui tới nhưng chính vì vậy, bạn có thể thong dong tận hưởng không khí yên bình, mang trọn vẻ đẹp của một làng hoa ngoại thành.

Tây Tựu chủ yếu trồng những loại hoa truyền thống, nổi tiếng nhất là các giống cúc như đại đóa, vạn thọ, cúc tím, cúc trắng, vàng. Ngày tết, những ruộng hoa xen kẽ thêm sắc màu rực rỡ của hoa hồng, đồng tiền, violet, hoa cánh bướm, lay ơn hay thược dược.

Làng hoa cúc huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, Quảng Ngãi

Địa phận huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức là khu vực trồng hoa cúc nổi tiếng không chỉ riêng tại Quảng Ngãi mà toàn bộ miền Trung. Những loại cúc được trồng ở đây rất đa dạng, từ cúc pha lê, cúc mâm xôi, cúc vàng, cúc đại đóa…

Tới Mộ Đức vào thời điểm này, bạn có thể đắm chìm trong không gian bạt ngàn sắc vàng của cúc và cảm nhận không khí bận rộn của người dân chuẩn bị cho Tết.

Mộ Đức có nhiều giống cúc đẹp. Ảnh: Trí Tín

Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, Lâm Đồng

Thái Phiên là một trong những làng hoa chính và nổi tiếng nhất tại Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố tầm 7 km. Đây là nơi cung cấp nhiều loại hoa cho Đà Lạt và cả nước.

Thái Phiên nổi tiếng với các giống hoa ngoại nhập đặc sắc như cúc Nhật, cúc Indonesia, lay ơn, cúc đỏ, ly ly trắng, cẩm tú cầu.

Làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp

Nằm bên bờ sông Tiền, mảnh đất Sa Đéc trù phú là vựa hoa lớn nhất miền Tây Nam Bộ, chuyên cung cấp hoa cho thị trường miền Nam. Dọc đường làng, hai bên là những thửa ruộng mênh mông trăm hoa đua sắc.

Càng gần Tết, người dân càng bận rộn hơn, chuẩn bị cho những chuyến hoa đi khắp miền. Xe chở hàng đậu đầy hai bên con đường chạy xuyên qua làng hoa. Các giống hoa ở Tân Quy Đông cũng rất đa dạng, từ các loại cúc vạn thọ, hoa hồng, hoa cánh bướm, thược dược, cho đến vô số giống cây cảnh trang trí đường phố.

Người dân Sa Đéc rất hồn hậu, thân thiện. Bạn có thể thoải mái chụp ảnh bên cạnh những vườn hoa đang vào vụ hoặc trò chuyện với bà con địa phương.

Đồng cúc vàng ở Tân Quy Đông. Ảnh: yeunhiepanh

Minh Đức (VnExpress)

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

7 trải nghiệm không thể bỏ qua vào mùa đông Hà Nội

Mùa đông Hà Nội là thời điểm thích hợp để nhâm nhi ly cà phê nóng với bạn bè, hẹn nhau ở Nhà thờ lớn đón Giáng sinh hay chụp ảnh lưu niệm với những cánh đồng hoa đang rộ nở.
Xem thêm: Những món điểm tâm quen thuộc của mùa đông Hà Nội


Nhà thờ Hà Nội là một trong những công trình từ thời Pháp thuộc với tuổi đời hơn 120 năm. Trong đêm Giáng sinh, nhà thờ cổ kính được trang hoàng thêm lộng lẫy với những ánh đèn màu và khung cảnh tái hiện Chúa sinh ra đời. Ngồi nhâm nhi một ly trà chanh với bạn bè, ngắm nhìn công trình in dấu ấn thời gian và cùng đếm ngược tới thời khắc Giáng sinh là một trong những trải nghiệm thú vị trong mùa đông Hà Nội mà bạn không nên bỏ qua. Ảnh: laodong


Nếu ưa thích vận động, bạn hãy dành một buổi chiều muộn đạp xe quanh hồ Tây. Bạn sẽ ngạc nhiên vì không khí hồ Tây mùa đông với những màn sương mờ bàn bạc, ánh sáng hoàng hôn chiếu loang loáng mặt hồ thanh bình. Du khách có thể dạo bước trên ''con đường Hàn Quốc'' (ven Hồ Tây) hoặc tạt vào hàng quán ven hồ thưởng thức món ốc nóng, đồ nướng với bạn bè. Vẻ tĩnh lặng của hồ Tây sẽ đưa du khách tạm quên đi những bộn bề của thành phố. Ảnh: Minh Đức


Với những căn nhà mang dấu ấn thời Pháp cùng nhiều phòng tranh, nhà hàng mang phong cách châu Âu, đường Tràng Tiền là địa điểm đi bộ lý tưởng cho du khách để cảm nhận không khí vừa lãng mạn vừa sôi động của mùa đông Hà Nội. Đi hết đường, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh nhà hát lớn Hà Nội mang dáng dấp của nhà hát ở Paris. Thưởng thức một tách cà phê, ghé thăm những phòng tranh hay lướt qua phố sách gần đó sẽ đem lại cho bạn những phút giây thư giãn. Ảnh: Minh Đức


Cây cầu hơn 100 tuổi Long Biên mỗi tối luôn nhộn nhịp người thong dong tản bộ, tạm xa dần ánh sáng thành thị. Âm thanh của cuộc sống vang lên với tiếng còi tàu hỏa, tiếng vòng quay xe đạp của những người buôn bán từ khắp nơi trở về nhà sau ngày làm lụng vất vả. Bạn có thể sà vào một hàng ngô, khoai nướng hay trà nóng ở ngay trên cầu để tạm quên cái giá rét của mùa đông Hà Nội. Ảnh: Minh Đức


Khu phố cổ đã vài trăm tuổi với những nét đặc trưng của đất Kinh Kỳ là nơi tập trung nhiều hàng quán, các điểm vui chơi, ăn uống cho giới trẻ và du khách trong cũng như ngoài nước. Nếu chưa nghĩ ra việc sẽ đi đâu và ăn gì tại Hà Nội thì phố cổ sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Dạo đêm phổ cổ cuối tuần, thưởng thức các màn trình diễn nhạc dân tộc, hiện đại và những món ăn “gọi tên” mùa đông như cháo quẩy, ốc nóng, bánh rán…chắc chắn để lại cho bạn ấn tượng thú vị. Ảnh: Hương Chi


Tháng 12 là lúc phố phường Hà Nội tràn ngập những xe bán hàng rong chở đầy cúc họa mi, hoa cánh bướm, cúc vàng... Với nhiều bạn trẻ, đây là thời điểm thích hợp để có những bộ ảnh tuyệt đẹp với cả loài hoa dân dã như hoa cải vàng. Ảnh: trave5


Bạn có thể ngồi cà phê quanh năm, nhưng các quán đã vài chục tuổi tại Hà Nội trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết trong những ngày đông. Nhâm nhi tách cà phê ấm nóng, ngồi co ro bên dãy bàn ghế nhỏ và nghe những bản nhạc xưa sẽ làm bạn có một cảm nhận rất riêng không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Ảnh: danetrinidad

Minh Đức

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Suối Yến đẹp như tranh vẽ mùa hoa súng

Cứ khoảng cuối thu đầu đông, hoa súng ở suối Yến (còn gọi là Yến Vĩ), một con suối nằm trong khu di tích thắng cảnh chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) lại nở rộ, đẹp như tranh vẽ.Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương
Dọc hai bên bờ suối Yến, hoa súng đang trổ bông tạo thành từng chụm đẹp như tranh vẽ - Ảnh: Bá Quỳnh

Trong ánh nắng ban mai dịu mát của mùa thu, rời xa phố thị ồn ào náo nhiệt, không có gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước trong vắt cảm nhận không khí yên bình, dịu dàng, tĩnh lặng của suối Yến mùa hoa súng nở.

Hoa súng thường nở rực rỡ vào buổi sáng và cụp lại vào buổi trưa, khoe sắc hồng dọc hai bên bờ suối. Hoa thưởng nở đơn lẻ, nhưng chính sự lững lờ, đơn lẻ, thấp thoáng trên mặt nước tạo nên nét đẹp đặc biệt của loài hoa này.

Một số hình ảnh tại suối Yến được Du lịch Tuổi Trẻ Online ghi nhận vào ngày 12-11 vừa qua:
Nằm cách Hà Nội khoảng 60km, đến đây du khách chỉ mất thêm 240.000 tiền thuê đò là có thể đi khắp suối Yến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa súng và ngắm cảnh - Ảnh: Bá Quỳnh
Quang cảnh một nhánh suối Yến - Ảnh: Bá Quỳnh
Vẻ đẹp nên thơ thường thấy trên dòng suối Yến mỗi độ hoa súng nở - Ảnh: Bá Quỳnh
Nước suối Yến trong vắt in hình cây cối - Ảnh: Bá Quỳnh
Thấp thoáng những nụ hoa súng ngoi lên mặt nước trên dòng suối Yến - Ảnh: Bá Quỳnh
Những bông súng e ấp dưới nắng thu dịu mát - Ảnh Bá Quỳnh
Như một tấm thảm trên mặt nước - Ảnh: Bá Quỳnh
Hoa súng thường nở vào sáng sớm mai và chụm lại vào buổi trưa. Vì vậy, nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa súng thì thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng từ 6 - 9g sáng - Ảnh: Bá Quỳnh
Du khách chụp ảnh bên dòng suối Yến thơ mộng mùa hoa súng - Ảnh: Bá Quỳnh
Hoa súng vừa tô điểm cho dòng suối Yến đồng thời tạo thu nhập chính cho người dân nơi đây. Mỗi một bó hoa súng được người dân hái bán với giá 50.000 đồng - Ảnh: Bá Quỳnh

Quỳnh Anh

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Những món điểm tâm quen thuộc của mùa đông Hà Nội

Bún riêu cua, phở bò, cháo sườn, bánh cuốn, bánh giò nóng là những món ăn quen thân, đồng hành cùng người dân Thủ đô mỗi sáng, trước khi đi học, đi làm.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Hà Nội vốn là nơi tập trung tinh hoa ẩm thực của nhiều vùng miền nên người Hà Thành có rất nhiều lựa chọn đa dạng cho bữa sáng. Trong tiết đông lạnh giá, các món ăn dưới đây được nhớ đến nhiều hơn cả.

Bún riêu cua

Bát bún riêu chỉ đơn giản gồm bún, gạch cua, hành hoa và nước chan nóng hổi nhưng vẫn luôn hấp dẫn thực khách, đặc biệt là những sớm mùa đông lạnh giá. Bắt đầu ngày mới với tô bún riêu nóng hổi, thưởng thức trọn vẹn hương vị của gạch cua bùi ngậy, bún trắng và rau thơm sẽ là lựa chọn hoàn hảo, nhẹ nhàng dành cho bạn. Người Hà Nội thường rỉ tai nhau những quán bún riêu ngon ở phố Triệu Việt Vương, Hàng Buồm, ngã tư Quang Trung, chợ Ngọc Hà...
Giá từ 25.000 - 30.000 đồng một bát bún nhiều gạch cua thơm ngon. Nếu muốn chắc bụng, bạn có thể gọi thêm giò hoặc bò tái. Ảnh: Afamily.

Phở bò

Phở bò được đa số người Hà Nội yêu thích bởi tìm một quán phở bò ngon ở gần nơi ở không khó, giá cả lại phải chăng. Bát phở bò Hà Nội nguyên gốc có vị ngọt lừ của xương bò, mùi thơm của thịt bò vừa chín đến, màu nước phở trong, sợi phở mềm... là lựa chọn số một cho bữa sáng ngày đông lạnh giá. Những thương hiệu phở Cồ, Sướng, Thìn, Bát Đàn... luôn mang đến sự hài lòng cho thực khách để bắt đầu ngày mới.
Phở vừa cung cấp năng lượng vừa giúp tỉnh người và làm ấm cơ thể, giá trung bình từ 25.000 – 60.000 đồng tùy nơi. Ảnh: Lê Thương

Cháo sườn

Phổ biến nhất trong các món ăn sáng của người Hà Nội phải kể đến cháo sườn. Để có được bát cháo sườn ngon đúng điệu, đòi hỏi người đầu bếp phải tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định trong việc ninh xương, gạo và nêm nếm gia vị. Người Hà Nội thích ăn cháo sườn kèm ruốc hoặc quẩy nóng, đôi khi có thể kết hợp cả hai tùy khẩu vị từng người. Tuy không no lâu nhưng vị đậm đà từ nước hầm xương thịt, thơm ngọt của ruốc và giòn tan, bùi bùi từ quẩy cũng khiến bạn bắt đầu ngày mới nhiều hứng khởi.
Bạn có thể thưởng thức cháo sườn ở các khu chợ hoặc những quán nhỏ trên phố Phan Đình Phùng, Ngõ Huyện, Ấu Triệu, Hàng Bồ, Hồ Đắc Di… Ảnh: Nguyễn Trang

Bánh cuốn nóng

Một đĩa bánh nóng, nhân bên trong khá đa dạng cho thực khách lựa chọn như gà, tôm, thịt, trứng… cùng bát nước chấm chả thịt viên hoặc chả quế thơm ngon, bánh cuốn là món ăn ưa thích, lành bụng được đông đảo người dân, từ già đến trẻ ưa dùng. Mùa đông ngồi trong quán, đợi cô chủ tráng từng chiếc bánh mỏng, dẻo dai, tỏa ra mùi thơm trong làn khói mỏng, chấm vội vào bát nước đầy chả mà thưởng thức thì không biết ăn bao nhiêu cho đủ.
Với giá từ 15.000 – 40.000 đồng một suất, bạn đã có đủ năng lượng cho ngày mới. Ảnh: Vietbao.vn

Một vài địa chỉ nổi tiếng ở Hà Nội cho bạn là ở phố: Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Mai, bà Triệu, Duy Tân, Hàng Bồ, Hàng Gà, Thanh Trì, Hàng Than…

Bánh giò nóng

Chiếc bánh giò nóng có thể dễ dàng mang đi là ý hay cho những ai dậy muộn. Nếu tranh thủ được thời gian ít ỏi, bạn cũng có thể ngồi xuống ăn nhanh chiếc bánh mà không phải đợi chờ lâu. Chiếc bánh mềm bột gạo tẻ, nhân thịt mộc nhĩ thơm lừng bên trong không kén người ăn. Nếu chưa thực sự vừa lòng với sự đơn điệu của món ăn, bạn có thể gọi thêm giò, chả tùy khẩu vị ăn cho đã miệng.
Giá cho một đĩa bánh nhiều đồ ăn đi kèm khoảng 25.000 - 30.000 đồng, bạn có thể tìm ăn ở vỉa hè các con phố Thụy Khuê, Lương Định Của, Nguyễn Công Trứ... vào mỗi sáng. Ảnh: Lan Itou

Lê Thương

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Những món chè ấm lòng khi thu se lạnh ở Hà Nội

Bát chè sắn quánh dẻo thơm mùi gừng, chè cốm xanh thoang thoảng hương thơm của lúa non sẽ làm ấm lòng du khách khi thu về.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nếu có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức món chè từ gánh hàng rong hay quán ven đường để cảm nhận mùa thu đang lan tỏa.

Chè sắn

Bát chè sắn nóng hổi cùng vị cốt dừa ngọt, thơm mát mùi gừng rất thích hợp ăn vào những ngày mát dịu. Thường để nấu món này người ta phải ngâm sắn trong nước vo gạo hay nước muối loãng 7 - 8 tiếng để ra hết nhựa rồi mới đem luộc. Sau đó, sắn được thái thành những miếng nhỏ, thêm đường, gừng thái sợi rồi đun trên bếp lửa liu riu. Cho bột sắn dây đã được quấy bằng nước nguội vào khuấy nhanh tay để chè không bị vón cục.
Chè sắn đặc quánh với vị thơm của sắn và dừa hòa quyện. Ảnh: N.Sao

Bát chè sắn có màu nâu nhẹ và hơi quánh, thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận những miếng sắn dẻo quyện cùng sợi dừa giòn, thơm thơm mùi gừng. Bạn có thể thưởng thức chè sắn tại phố Lý Quốc Sư, với giá 15.000 đồng một bát, tuy nhiên quán chỉ bán vào buổi trưa. Buổi chiều bạn có thể ăn ở hàng chè ngay đầu phố Hoa Lư.

Chè cốm

Lang thang trên phố Hà Nội, thưởng thức món chè cốm ngay ở các quán bên đường, cảm nhận vị dẻo, bùi, phảng phất mùi thơm là một trải nghiệm thú vị.
Vào thu, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm rong trên nhiều con phố. Hương cốm thơm len lỏi khắp các ngóc ngách Hà Nội. Ảnh: Lê Thảo

Để chế biến chè này không khó, chỉ cần một chút cốm non, bột sắn dây, đường phèn. Tạt vào quán ven đường, khi gọi, chủ quán mới múc chè từ trong chiếc nồi được ủ ấm, rắc thêm chút dừa nạo sợi nhỏ, trắng tinh điểm trên bát chè xanh mướt, rất bắt mắt.

Chỉ cần hít hà thôi cũng đã cảm nhận cả một không khí mùa thu Hà Nội tràn vào trong huyết quản. Bạn có thể ăn ở chợ Thành Công, phố Đinh Liệt, Ngô Thì Nhậm..., giá 10.000 - 15.000 đồng một bát.

Chè khoai môn

Chè khoai môn ngọt dịu với trân châu, cốt dừa luôn hấp dẫn thực khách. Nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn, chỉ vài củ khoai môn, chút gạo nếp thơm, vài lát gừng cộng thêm sự tỉ mỉ của người nấu.
Bát chè khoai môn sóng sánh với trân châu dai dai. Ảnh: Diệu Kim

Các hạt trân châu dai sần sật, cộng với vị bùi của khoai môn, vị ngọt béo của nước cốt dừa sẽ hấp dẫn bạn. Để thưởng thức, bạn có thể ghé qua phố Lý Quốc Sư hoặc ngõ chợ Nam Đồng, giá khoảng 20.000 đồng một bát.

Bánh trôi Tàu, lục tàu xá

Đây là món ăn khá hấp dẫn giới trẻ mỗi khi thời tiết se lạnh. Bánh trôi Tàu thường là hai viên bột với nhân khác nhau dầm trong thứ nước sóng sánh thơm phức mùi gừng.

Lục tàu xá là chè đậu xanh được nghiền nát và thơm ngát mùi vỏ quýt, có màu vàng óng. Trên màu vàng ươm của đậu xanh điểm xuyết hạt trắng trong của bột năng, chút vàng nâu của vỏ quýt khô.
Bánh trôi tàu được rắc thêm chút lạc rang, ăn rất bùi và ngậy. Ảnh: N.Sao

Bạn có thể thưởng thức những món ăn này ở đường Nguyễn Hữu Huân, giá khoảng 15.000 đồng một bát.

Anh Phương

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Những món chả làm xiêu lòng người Hà Nội

Chả cốm, chả rươi hay chả cá từ lâu là một số món ăn đặc trưng của Hà Nội, nhất là trong những ngày thu se lạnh.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Các món chả góp phần làm nên sự đa dạng cho kho tàng ẩm thực Việt Nam. Ở rất nhiều quán ăn ở Hà Nội bán các loại chả dưới đây.

Chả cốm

Tháng 9 mùa thu Hà Nội, những con đường ngập sắc lá vàng và gánh hàng rong chở cốm len lỏi khắp các ngõ ngách Hà Nội. Đó cũng là lúc xuất hiện món chả cốm ngon trứ danh, từ quán hàng bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng.

Chả cốm là món ăn thường xuất hiện trong các quán ăn từ bình dân đến sang trọng. Ảnh: emdep

Những hạt cốm dẻo, thơm, xanh có thể dùng để ăn chơi cùng chuối tiêu hay nấu thành xôi, chè, bánh cốm, cốm xào... Nhưng đặc trưng nhất có lẽ là món chả cốm với hương thơm vương vất.

Chả cốm không dùng các loại gia vị dậy mùi như hành, tỏi… vì sẽ làm mất hương cốm. Chả ngon khi được hấp sơ trước khi rán và càng thơm hơn khi được bọc trong lá sen, có thể ăn cùng với cơm, xôi, bánh mì hay bún đậu mắm tôm. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt nạc băm, dẻo của hạt cốm bên trong và giòn xốp của lớp vỏ bên ngoài.

Bạn có thể ăn ở quán trên phố Hàng Khay, ngõ Phất Lộc, phố Hoàng Cầu. Món ăn này được ăn kèm với bún đậu mắm tôm, có giá 35.000 - 40.000 đồng một suất.

Chả rươi

Rươi là một món ăn đặc sản nhưng chỉ có theo mùa. Vào độ tháng 9, 10 âm lịch là lúc rươi sinh sản và phát triển. Món ăn này là đặc sản nhưng cũng rất thách thức người ăn nếu nhìn thấy những con rươi sống loe ngoe.

Vào mùa, khắp các chợ đều có những quán hàng bán rươi màu xanh nhạt ửng sắc bạc. Khi vớt lên người ta rửa qua bằng nước lạnh cho sạch hết nhớt và rác, sau đó cho vào nước nóng già để rụng bớt lông, để ráo nước rồi mới chế biến.

Chả rươi rất kén người ăn. Ảnh: Đinh Hương

Rươi được trộn đều cùng một chút thịt băm nhuyễn, hành, thì là, vỏ quýt thái sợi nhỏ, trứng gà, cuối cùng mới cho gia vị để rươi không bị vỡ. Cách làm đơn giản nhưng cũng phải có bí quyết với tỷ lệ pha trộn để sao cho rươi không vị vỡ, mà món chả vẫn đậm đà, người ăn cảm nhận được vị béo của rươi.

Chả rươi có vị thơm ngon, ngọt, bùi, ngậy của rươi và vị thơm nhẹ của vỏ quýt khiến bạn muốn ăn mãi không thôi. Những người sành ăn thường cuốn chả rươi với lá lốt, ăn rất ngon, lạ miệng. Một số quán ăn như trên phố Lò Đúc, Gia Ngư... bán với giá khoảng 15.000 đồng một miếng.

Chả mực

Chả mực có ở rất nhiều nơi, làm từ mực mai tươi ngon được đánh bắt từ biển. Ở nhiều vùng biển có mực nhưng không phải nơi đâu cũng làm được chả mực thơm ngon và đậm hương vị như Hạ Long.

Muốn làm chả ngon người chế biến phải giã bằng tay, và đều cho đến khi mực dẻo kết dính với nhau là được.

Những miếng chả mực ăn giòn, dai và đậm đà vị biển. Ảnh: nauanngon

Chả mực được nêm một chút nước mắm, hạt tiêu giã giập và nắm thành từng miếng, thả vào chảo dầu nóng chiên vàng. Khi ăn cảm nhận được vị ngọt, giòn, dai và đậm hương vị biển cả. Chả mực được chấm cùng tương ớt hay nước mắm nguyên chất đều ngon. Ở Hà Nội bạn có thể ăn ở một số nhà hàng hải sản ở đường Nguyễn Khánh Toàn, phố Hàng Đậu...với giá 80.000 đồng một đĩa.

Chả cá

Chả cá là món dễ ăn hấp dẫn được khẩu vị của nhiều người. Cách làm chả không khó, nguyên liệu chủ yếu là cá còn tươi, thịt chắc, có thể để nguyên miếng hoặc quết nhuyễn.

Để tăng độ kết dính, người ta cho thêm một chút thịt nạc trộn lẫn rồi cho một số gia vị như hành, thì là, tiêu, ớt... sau đó cặp tre tươi hoặc vỉ nướng trên lò than hoa. Người nướng phải quạt lửa vừa đủ để chả cá chín phần bên trong mà không bị cháy.

Những lát chả cá vàng ươm, hấp dẫn. Ảnh: Thảo Nghi

Cắn miếng chả cá còn nóng, mùi thơm đặc trưng của thì là tỏa ra nhè nhẹ, hòa quyện với vị chả cá đượm nồng gia vị mà thấy nức lòng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở nhà hàng phố Giảng Võ, Đường Thành, Thái Hà với giá khoảng 160.000 đồng một suất.

Anh Phương

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Mỗi du khách khi có dịp dừng chân nơi đây đều không thể bỏ lỡ những sản vật lừng danh như nem Phùng, giò chả Ước Lễ, rau sắng chùa Hương và nhiều sản vật khác.
 
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nem Phùng

Nem Phùng nếu tính tuổi chắc cũng đến 100 tuổi, món ăn bình dị, đậm hương vị quê hương đồng nội đã đi sâu vào trong tâm trí của những thực khách đã một lần thưởng thức nem Phùng. Tiếng lành đồn xa, cha truyền con nối, tiếng thơm lại nối tiếp tiếng thơm để rồi mỗi lần nhắc đến quê hương người gái đảm Đan Phượng là một lần người ta thì thầm với nhau rằng: “ở đó có đặc sản Nem Phùng”.

Nem Phùng được bán dưới hai hình thức: nem quả (mỗi gói khoảng 200g) hoặc theo cân (200.000 đồng một kg). Nhà 4-5 người, bạn mua 400g là ăn thoải mái.

Nem gồm thịt cả mỡ cả nạc, chần qua nước sôi thái nhỏ, bì lợn luộc kỹ, thái sợi trộn với thính. Nem không dùng chất bảo quản nên chỉ để được 2 ngày là cùng. Thành phần của nem hơi giống nem nắm Nam Định nhưng mỡ ít hơn.

Ăn kèm với nem là lá sung, đinh lăng chấm với nước tương vàng chứ không phải là nước mắm như một số loại nèm khác. Bạn có thể dùng chính lá sung hoặc bánh đa nem để cuốn.

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, nơi đây không quá sầm uất như nhiều con phố khác ở Hà Nội, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Hảo Cường, Nem Phùng Bà Hải Phở… mỗi cơ sở đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng mến khách, dịu dàng niềm nở.

Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Thôn chỉ rộng khoảng 1km vuông, với gần 450 hộ dân. Người Ước Lễ không nhớ rõ nghề làm giò, chả quê mình có từ khi nào, chi biết rằng tiếng chày giã thịt nghe đã quen thuộc khi họ còn tấm bé.

Giò Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác. “Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở nhân trong, có nhiều lỗ nhỏ. Miếng giò ăn ngon, giòn, không bị bã. Ðặc biệt là giò Ước Lễ không bao giờ pha bột, có lẽ vì vậy mà luôn được khách hàng tín nhiệm.

Rau sắng

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Rau sắng mua về được nhặt tách riêng lá và cọng, dùng để nấu canh. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ màng. Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Nước canh sôi, nêm chút muối rồi cho lá rau sắng và các cọng thân đã rửa sạch vào nước. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.

Rau sắng ngày nay được coi là rau sạch, đưa vào các siêu thị như một thứ rau cao cấp, bán từng lạng cân. Ngoài vị ngọt ngon, rau sắng quý vì hiếm vì một năm chỉ có trong vài tuần, cây sắng mọc cheo leo tận núi cao và cũng vì cả giai thoại “Muốn ăn rau sắng chùa Hương…”.

Mơ Hương Tích

Một trong những đặc sản chùa Hương không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân phải kể đến mơ Hương Tích, một sản vật tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất Hương Sơn.

Mơ Hương Tích còn có cái tên “độ nhị mai” bởi nét đặc biệt một năm trổ bông hai lần và cho hai lần quả.


Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, không những là loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể về các bệnh tim mạch mà mơ còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân. Người ta thường ngâm rượu mơ làm thuốc, ngâm mơ lấy nước uống giúp thanh nhiệt mùa hè.

Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn, thịt dày có mùi thơm đặc biệt là ngon nhất. Đến chùa Hương hãy chọn loại mơ này về ngâm với đường. Sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.

Mỗi khi có dịp ghé chân nơi đây, du khách thường không bỏ lỡ sản vật hấp dẫn này mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.

Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử.


Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột. Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng và cả một chút ngậy của thịt lợn. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.

Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam dẻo dẻo, uống một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

Chè củ mài

Củ mài cũng là đặc sản của Chùa Hương. Bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài được nấu ngay tại đây. Chè củ mài, món ngon giải khát cho du khách khi hành hưng trên tuyến đường lên động Hương Tích. Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của vùng núi chùa Hương vào những ngày lễ Phật Đản.


Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.

Cách làm chè củ mại cũng rất dễ, khi đun sôi nước cho củ mài vào đun thật nhừ, lấy đũa cái đánh tan thành bột, sau cho mật ong hoặc cho đường trắng vào đảo đều, rồi múc lên bát để nguội ăn với oản mịn, xôi vò. Đây là món ẩm thực chay tịnh, du khách trẩy hội chùa Hương thường mua củ mài về làm quà để thưởng thức hương vị chè củ mài Chùa Hương.

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.


Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Hà Tây còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn ở làng cổ Đường Lâm với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.


Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.
(Theo Gia đình & Xã hội)

Bài đăng phổ biến