Hiển thị các bài đăng có nhãn tour Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tour Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Có thể nói thật khó để tim thấy một nơi nào trên đất nước này giống như Hà Nội. Khó có thành phố nào có cả nét thơ mộng của Đà Lạt, náo nhiệt của Sài Gòn và nét cổ kính của Huế, Hội An…

Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

Nếu bạn chưa từng một lần đến Hà Nội, hãy dành vài ngày ngắn ngủi ghé thăm thủ đô bình dị này!

Thời gian thích hợp để đi du lịch Hà Nội

Hà Nội 4 mùa đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là mùa thu vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… quãng thời gian tuyệt vời nhất trong năm, Hà Nội bỗng trở nên dịu dàng và lãng mạn sau cái nóng oi bức của mùa hè. Với tôi tới Hà Nội mùa thu là thích nhất!



Mùa xuân và mùa đông Hà Nội lạnh, nhiều bạn bè của tôi ở Sài Gòn tò mò về cái lạnh của Hà Nội. Nếu bạn chưa từng tận hưởng giá rét miền Bắc thì đi du lịch Hà Nội mùa đông cũng rất thú vị. Khi ấy ra đường nhìn ai cũng dễ thương như  con gấu bông, thở ra khói, quần áo thì đủ màu và còn quàng khăn cổ, đội mũ len, đeo găng tay nữa.

Mùa hè Hà Nội thì khỏi nói, nóng – oi bức – kẹt xe – bụi đường… nóng tới mức lúc nào cũng chỉ muốn nhảy xuống hồ bơi hoặc chui vào một quán bia hơi nào đấy lấy bia dội lên đầu cho khỏi nóng. Mùa hè ở Hà Nội thường người ta đi Sapa , Mộc Châu hoặc Cát Bà, Hạ Long… để tránh nóng.

Đi du lịch Hà Nội bằng phương tiện gì?

Bạn có thể đến Hà Nội bằng máy bay, xe ô tô khách, xe máy hoặc tàu hỏa (tàu lửa). Nếu ở xa tôi nghĩ rằng thuận tiện nhất là đi máy bay. Ở gần thì có thể chọn đi xe ô tô khách, tàu hỏa hoặc xe máy.
Lưu ý: bạn nên hỏi giá trước khi bắt đầu đi và nên chọn những hãng taxi lớn như Mai Linh hoặc Nội Bài để tránh trường hợp bị chém.
- Tàu hỏa (tàu lửa): Giá vé tàu Bắc – Nam giao động từ 750.000 đ đến 1.300.000 đ một chiều chiều tùy thuộc vào loại vé (ghế cứng, mềm, giường nằm). Mất hơn 2 ngày (45 – 50h để đến Hà Nội)
- Ô tô khách: Có hai hãng xe khách lớn chạy tuyến Bắc Nam là Hoàng Long và Mai Linh. Bạn có thể mua vé tại bến xe miền Đông, xe thường chạy từ khoảng 6h chiều. Giá vé gần đây nhất khoảng 900.000đ/vé giường nằm.
- Xe máy: Nếu bạn đi bằng xe máy thì quá tuyệt! Hành trình này cực kì đẹp, khoảng 1 tuần chạy xe là tới Hà Nội. Trên đường đi bạn có thể ghé Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị… chơi. Bạn sẽ được chinh phục những con đèo đẹp tuyệt vời như Cù Mông, đèo Cả, đèo Hải Vân và chinh phục cả quốc lộ 1A nữa.
Khi tới Hà Nội: di chuyển bằng taxi, xe ôm (hoặc thuê xe máy) và xe bus trong thành phố. Nhưng tốt nhất là thuê một chiếc xe máy để tiết kiệm chi phí. (Giá khoảng 50 – 200.000 đ/1 ngày). Và nhớ hỏi trước giá khi đi xe ôm.

Địa điểm du lịch Hà Nội

Hà Nội có rất nhiêu địa điểm du lịch để bạn ghé thăm, tuy nhiên còn tùy thuộc vào thời gian bạn ở lại và tài chính. Bên dưới đây tôi sẽ liệt kê một vài địa điểm để bạn tham khảo.

Địa điểm văn hóa: Hà Nội có rất nhiều địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như Lăng Bác, chùa Một Cột, Văn Miếu, Hoàng Thành, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, hồ Gươm, hồ Tây, phố Cổ.

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, người Hà Nội thường tới đây xem lễ hạ kéo cờ (6h sáng) và hạ cờ (9h tối). Khi ấy tất cả mọi người đứng trang nghiêm – Ảnh: Trần Đức Khôi

Địa điểm lãng mạn: cầu Long Biên, hồ Gươm, hồ Tây, bãi đá sông Hồng, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ.
Địa điểm vui chơi: nhà thờ lớn. Trà đá vỉa hè ở bất cứ đâu. Bia hơi Tạ Hiện, café bờ hồ (Hồ Hoàn Kiếm), cafe Lâm, bar cỏ dành cho dân bụi ở Phố Cổ, Vincom Bà Trị, Vincom Maga Mall Royal city (Nguyễn Trãi), công viên nước Hồ Tây, rạp chiếu phim quốc gia, The Garden Mễ Trì, tòa nhà Keangnam hơn 70 tầng…

Phố Tây của Hà Nội – Tạ Hiện. Giống như Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện của Sài Gòn nhưng không đông bằng.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương

Các địa điểm du lịch gần Hà Nội:

- Làng gốm Bát Tràng (cách Hà Nội 15km về phía Long Biên)
- Làng cổ Đường Lâm (cách Hà Nội hơn 30km về phía Hà Tây, đi lối Nhổn hoặc đại lộ Thăng Long)
- Thành Cổ Loa (nằm ở phía huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km)
- Vườn quốc gia Ba Vì (Nằm ở phía Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 30km)
- Tây Thiên thiền viện & Tam Đảo (cách Hà Nội 50km về phía Vĩnh Phúc)
- Chùa Hương (cách Hà Nội khoảng 50km)

Ẩm thực Hà Nội

Ẩm thực Hà Nội mang đậm nét văn hóa của người Tràng An xưa, có hương vị đặc trưng rất riêng. Có rất nhiều món ngon để bạn thưởng thức:
- Phở: món ăn đặc trưng nhất của Hà Nội. Tôi đã ăn Phở ở Sài Gòn và Nam Định nhưng thấy Phở Hà Nội là ngon nhất. Hà Nội có đủ loại phở: phở bò (nổi tiếng phở Thìn bờ hồ hoặc 11 Lò Đúc), phở gà (172 Tôn Đức Tháng và Quán Thánh), phở cuốn (Tây Hồ), phở trộn (Lãn Ông) và phở áp chảo (Bát Đàn). Mỗi loại phở đều có một đặc trưng riêng và món nào cũng rất ngon. Tôi đặc biệt thích món phở cuốn.

Ngoài ra còn có rất nhiều món ăn ngọn đặc trưng khác như cốm Làng Vòng, thịt chó Nhật Tân, chả cá Lã Vọng, bún chả, bún thang, bánh cuốn Thanh Trì, bánh Tôm Hồ Tây, chân gà nướng, nầm bò nướng, bún đậu mắm tôm…

Ở Hà Nội không ăn nhanh như ở Sài Gòn, đến đây bạn có thể từ từ chọn món và thưởng thức. Đừng quên hỏi giá trước khi ăn nhé! Tôi thường nghe bạn bè trong Nam kể về việc bị chém khi đi ăn, mua sắm ở Hà Nội chỉ vì nói giọng miền Nam. Đây là một trong những điều không được hay của những người bán hàng, nhưng bạn đừng lo đấy chỉ là một số ít thôi…

Khách sạn tại Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ. Không khó gì để có thể tìm được một phòng cho mình, giá từ 150 – 300.000 đ/1 đêm là loại trung bình. Còn khách sạn 3 sao, 4 sao ở Phố Cổ thì đắt hơn và chủ yếu dành cho khách du lịch nước ngoài. Bạn có thể tìm khách sạn, nhà nghỉ ở Long Biên, quận Hai Bà Trưng.s
Nếu bạn đi bụi và cần trợ giúp về phòng nghỉ tôi có thể cho bạn ở nhờ, phòng tôi ở Mỹ Đình cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km.

Những điều tôi thích ở Hà Nội

Đầu tiên có thể kể đến con gái Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng bởi những cô gái với nước da trắng và giọng nói nhẹ nhàng ở đây.

Mùa thu Hà Nội đẹp tuyệt vời! Có lẽ là đẹp nhất trong tất cả các mùa thu mà tôi từng biết.
Người ta thường nói “Hà Nội đẹp nhất về đêm”, mà đúng thế thật. Khi đêm xuống thì Hà Nội khoác lên mình một diện mạo mới: không còn ồn ào, không tiếng còi xe, chỉ còn tiếng đêm im lặng trên những con đường vắng và những người quét rác, bán hàng rau chuẩn bị cho phiên chợ sáng sớm. Muốn thấy cuộc sống Hà Nội về đêm bạn có thể ghé thăm chợ đầu mối hoa quả ở chân cầu Long Biên vào lúc 3 – 4h sáng.
Nếu bạn tò mò đêm Hà Nội ra sao, hãy ghé thăm bài viết này của tôi Hà Nội về đêm

Hà Nội có 4 mùa, tôi rất thích mùa đông ở Hà Nội được thở ra khói và quàng khăn.
Hà Nội có thể thoải mái nghe điện thoại ngoài đường mà chẳng sợ bị giật như Sài Gòn.
Hà Nội cũng thơ mộng, tuy không bằng Đà Lạt nhưng ít mưa hơn Đà Lạt rất nhiều.
Hà Nội có nhiều mùa hoa: hoa sữa trên đường Nguyễn Du (mùa thu), hoa sưa trên đường Phan Đình Phùng (mùa xuân – tháng 3), hoa đào ở Nhật Tân (mùa xuân –  tháng 2), hoa ban trắng gần Lăng Bác (mùa đông), hoa sen ở Hồ Tây (mùa hè tháng 5 – 6)

Và còn rất nhiều điều nữa để bạn tự khám phá!

Đi phượt đêm ở Hà Nội

Hà Nội về đêm không sôi động như  Sài Gòn, người dân ở đây có thói quen đi ngủ trước 11h. Nhưng nếu bạn muốn thấy thêm một Hà Nội khác như tôi nói ở trên: không còn ồn ào, không tiếng còi xe, chỉ còn tiếm đêm im lặng trên những con đường vắng… thì bạn có thể đi tìm. Có rất nhiều bạn sinh viên ở Hà Nội thường tổ chức những buổi phượt đêm, tôi thấy điều ấy rất thú vị vì nó sẽ cho bạn cái nhìn khác về thành phố này. Tuy nhiên nếu đi buổi đêm thì bạn nên mang theo giấy tờ tùy thân kẻo bị công an hoặc cảnh sát cơ động kiểm tra nhé!

Nên xem bài: Lời khuyên khám phá Hà Nội

Những điều cần lưu ý khi đi du lịch Hà Nội

Người Hà Nội thích uống cafe và trà nóng, nhưng thường ngồi lâu để bàn công việc chứ không để giải khát như ở Sài Gòn.
- Du lịch Hà Nội vào mùa hè nên chọn trang phục gọn nhẹ, thấm mồ hôi vì thời tiết lúc đó rất nóng bức. Ngược lại nếu đến Hà Nội vào mùa đông nên mang theo áo khoác, trang phục lạnh vì nhiệt độ có khi xuống dưới 10 độ.
- Ở Hà Nội có rất nhiều đền, chùa nên các bạn ở trong Nam đi du lịch Hà Nội nên mặc trang phục kín đáo, không mặc váy ngắn, quần short… đến những nơi linh thiêng hoặc vào thăm lăng Bác.
- Phố cổ Hà Nội như một mê cung, đi đến đây tốt nhất bạn nên mang theo một tấm bản đồ du lịch.
- Khi mua sắm tại những khu chợ bạn nên trả giá, người bán hàng tại Hà Nội nhiều khi khó tính và không được lịch sự bởi thế nếu bạn chỉ có ý định xem mà không mua thì nên đi vào buổi chiều. Vì vào buổi sáng họ kiêng hỏi mà không mua, họ quan niệm như thế là xui cho cả ngày. Khi trả giá cũng đừng nên trả giá quá gay gắt, hay chỉ trả một giá rồi đi, tốt nhất nên trả giá lần một, rồi thêm lên một chút, dù có không mua được món đồ cũng nên mỉm cười và cảm ơn người bán hàng. Nói với họ bạn muốn đi xem thêm các hàng hóa khác trước khi quyết định có mua hay không.
- Nếu bạn nói giọng miền Nam rất dễ bị cho một cái giá “miền Nam”. Như kiểu “cho con một tô Phở” thì giá sẽ cao hơn với “cho cháu một bát Phở”. Hay những người xe ôm già sẽ gắt gỏng…

Xem thêm Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội


Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

Hà Nội của tôi ồn ào, náo nhiệt và xô bồ là thế. Nhưng Hà Nội đẹp, bình dị, thân thương có lẽ ít người nhận ra. Có thể vì bạn chưa từng một lần đặt chân đến và họ (những người sống ở đây) chưa xa Hà Nội bao giờ, chưa xa cái không khít ngột ngạt giờ tan tầm, chưa xa mùi hương hoa sữa nhức mũi, chưa xa cái lạnh miền Bắc… những điều ấy quá đỗi thân thuộc đến mức khó nhớ, khó thấy đẹp, khó yêu.

Nhưng bạn ở xa tới du lịch Hà Nội cũng cần tìm hiểu những lưu ý sau:

Thời tiết

Miền Bắc có bốn mùa rõ rệt trong năm. Chính vì vậy thời tiết là điều bạn cần quan tâm khi đi du lịch. Mùa hè trời thường rất nắng nóng, mùa đông thì rất lạnh, mùa xuân thì hay mưa phùn, ẩm ướt. Ngoại trừ việc bạn muốn trải nghiệm sự khác biệt về thời tiết thì chọn vào những mùa đặc biệt. Còn nếu không thì mùa thu khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm tốt nhất để bạn đi.

Đặt phòng khách sạn tại Hà Nội

Nếu bạn lần đầu đến Hà Nội thì nên nên trải nghiệm việc lưu trú ở phố cổ một lần. Hãy chọn và đặt các khách sạn ở gần Nhà Thờ Lớn, Mã Mây, Hàng Hành, Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Gai... Từ đây bạn có thể thưởng thức sự nhộn nhịp về đêm của trung tâm Hà nội một cách dễ dàng nhất.

Còn với những người muốn một sự yên tĩnh thì nên đặt phòng khách sạn quanh Hồ Tây là rất đáng cân nhắc. Khi đó bạn có thể thuê một chiếc xe máy để giảm chi phí đi lại. Ở đây, bạn có được không khí trong lành nhất của Hà Nội, cũng như thưởng thức sự lãng mạn của Hồ Tây mỗi khi chiều xuống. Một không khí có lẽ Tp.HCM sẽ không có được.

Ăn uống tại Hà Nội

Hà Nội có truyền thống ẩm thực lâu đời với nhiều món ngon nổi tiếng như phở, phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác bánh phở mỏng và mềm, thưởng thức món Chả Cá Lã Vọng, Chả cá Lã Vọng được ăn kèm với bún cùng các loại rau thơm: hành hoa, hành củ, thì là, húng lạc và lạc rang chấm kèm nước mắm tôm hoặc nước mắm ngon . Món này được ăn lúc nóng nghi ngút, vừa ăn vừa ngâm nga mới thấy hết được vị ngọt của thịt cá, tận hưởng hương thơm ngào ngạt của chả cá và các loại gia vị. Ngoài ra bạn cũng nên một lần thưởng thức món  bánh cuốn Thanh Trì hay Bánh Tôm Hồ Tây, cốm làng vòng..

Các giấy tờ cần thiết

Khi đi du lịch các bạn cần lưu ý mang theo các giấy tờ tùy thân sau:
- CMND gốc hoặc hộ chiếu, bằng lái xe, vé tàu xe, các giấy tờ đặt chỗ và dịch vụ khác (nếu có)…

- Trẻ em có bản chính hoặc bản sao giấy khai sinh có chứng thực.

- Sổ tay nhỏ ghi chép những địa chỉ, số điện thoại có thể liên lạc nếu bạn có việc cần liên hệ.

- Bản sao giấy đăng ký kết hôn (1 khách nước ngoài + 1 khách Việt Nam ở chung phòng)

- Phiếu xác nhận đặt phòng của Discounttravel để làm thủ tục đăng ký khách sạn.

Nên xem: Kinh nghiệm sắp xếp đồ khi đi du lịch

Tiền, thẻ ATM

Dĩ nhiên là đi du lịch sẽ phải mang theo tiền nhưng cũng không nên mang quá nhiều. Vì vậy phải chuẩn bị thật kỹ để đế lúc lên đường có khi lại quên.

Ngoài ra để thuận tiện thì bạn nên đem theo thẻ ATM để tránh xảy ra mất mát hoặc trường hợp hết tiền còn có thể gọi cho người thân nhờ hỗ trợ.

Vệ sinh cá nhân

Để thuận tiện cho việc vệ sinh cá nhân bạn cũng nên chuẩn bị:

- Bàn chải, kem đánh răng, dung dịch súc miệng, lược, khăn mặt.

- Dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dung dịch tẩy trang.

- Kem và đồ dùng cạo râu cho nam, các loại mỹ phẩm.

Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân trong những chuyến du lịch, bạn cần mang theo xà phòng diệt khuẩn để giữ cho đôi tay luôn sạch sẽ, giảm thiểu khả năng ngộ độc thực phẩm.

Đồ điện tử

Để có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ hay để thư giãn và có thể giải quyết công việc từ xa bạn nên mang theo một số vật dụng sau:

- Bản đồ

- Máy chụp ảnh, pin, sạc, thẻ nhớ

- Máy nghe nhạc Ipod/ Discman/MP3, pin

- Đồ sạc pin cho điện thoại di động, máy chụp ảnh, quay phim, laptop, Ipad.

Lưu ý: Bạn nên xếp gọn trong túi chống thấm nước.

Y tế

Bạn cũng nên lưu ý mang theo thuốc cảm, băng cá nhân, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc say tàu xe, máy bay... để đề phòng những lúc bị cảm hay tai nạn bất ngờ tại điểm du lịch.

Trang phục

- Quần áo

Các bạn chú ý nên mang theo những bộ quần áo gọn nhẹ, dễ giặt và dễ gấp nhỏ. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý mang theo nón, áo mưa, dù gấp nhỏ để tránh mưa và tránh nắng.

Đi biển: Khi đi biển các bạn cần mang theo quần áo tắm, khăn, kem chống nắng, nón rộng vành...

Đi leo núi: Trang phục gọn gàng, giầy đế thấp (bata hoặc giày thể thao là tốt nhất), trang phục giữ ấm, khăn quàng...

- Giày dép

Khi đi du lịch bạn phải di chuyển thường xuyên và đi bộ khá nhiều. Do đó bạn cần chuẩn bị giày, dép đế mềm để thuận tiện và thoải mái di chuyển.

Những lưu ý khác

Hầu hết mọi người đều có cách nhìn chung rằng: sử dịch các dịch vụ tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đều không tốt như ở Tp.HCM. Chính vì vậy bạn cũng nên chuẩn bị cho mình sự sẵn sàng để đón nhận những “hạt sạn”, những “khó chịu” trong khi sử dụng các dịch vụ ở đây, với những lưu ý sau:
 - Trong hành lý tư trang để tại khách sạn, Quý khách lưu ý khoá lại hành lý cẩn thận trước khi rời khách sạn, không nên để các đồ có giá trị lớn hoặc tiền bạc trong hành lý để tại khách sạn.

- Trong trường hợp khách gặp vấn đề về sức khỏe thì phải báo ngay cho lễ tân khách sạn để nhờ giúp đỡ.

- Đối với những khách có bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch…cần phải mang theo thuốc đặc trị.
- Khi đi mua sắm, bạn tránh xem hàng vào lúc sáng sớm, tránh hỏi giá nhiều mà không có ý định mua.

- Nên tham khảo giá cả ở nhiều nguồn khác nhau và nhất định phải trả giá để tránh việc “bị hớ” hoặc bị “chặt chém” khi mua hàng.

- Hãy có một tấm bản đồ để xác định quãng đường đi, tránh việc bị người khác (xe ôm, taxi) đưa đi lòng vòng rồi tính tiền. Hãy hỏi về giá cả trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào. Cách tốt nhất là bạn nên nhờ lễ tân tại khách sạn mình ở tư vấn, giúp đỡ khi cần thông tin.

- Để thưởng thức hết vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc kỳ vĩ ở các chùa lớn thì không nên đi các chùa vào mùa lễ hội.

 - Không nên chọn đi Sapa nếu chưa đặt được dịch vụ cần thiết từ trước. Vì số lượng các toa tàu hỏa có hạn, số lượng buồng phòng khách sạn cũng hạn chế; bạn có thể phải mua vé tàu hỏa với giá rất đắt và không có phòng để nghỉ ngơi. Vào những kỳ nghỉ dài ngày cho tất cả mọi người thì không nên đi. Vì bạn sẽ phải đi chợ miền núi với toàn người miền xuôi, sự thú vị khi khám phá nét văn hoá đặc trưng của vùng cao sẽ giảm đi rất nhiều.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch chùa Hương dịp tết 2014

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Kinh nghiệm một lần du lịch Hà Nội

Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến luôn cuốn hút du khách bởi nét cổ kính, yên bình lạ kỳ. Một chuyến tham quan quanh Hà Nội sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm khó quên về 36 khu phố nghề cổ kính của Hà Nội xưa, Văn miếu Quốc Tử Giám – biểu trưng của một thủ đô giàu truyền thống hiếu học, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn – trái tim của Tràng An Hà Nội, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Q. Tây Hồ – nơi an nghỉ ngàn thu của Bác Hồ kính yêu…

Hà nội đẹp nên thơ vào mùa thu

Khí hậu

Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho vùng Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều; mùa đông lạnh, ít mưa. Ở Hà Nội, từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa. Từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa đông thời tiết khô ráo. Giữa hai mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng.

Thời gian du lịch

Thời gian tuyệt nhất để du lịch ở Hà Nội là từ tháng 9 đến tháng 11 hay từ tháng 3 đến tháng 4 lúc thời tiết êm dịu và ấm áp. Từ tháng 11 đến tháng 3 ít mưa hơn nhưng thời tiết có khi rét đậm rét hại, nhất là vào buổi tối. Còn từ tháng 5 đến tháng 9, tiết trời oi bức, thỉnh thoảng có mưa lớn.

Di chuyển

Từ TP.HCM, bạn có thể đi ra Hà Nội bằng tàu hỏa, ô tô hoặc máy bay.
Đặt vé tàu từ TP.HCM ra Hà Nội tại ga Sài Gòn: 01 Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TPHCM, ĐT: 08. 39 318 952. Hiện nay có nhiều loại vé cho bạn chọn (ghế cứng, ghế mềm, giường nằm có máy lạnh…), giá từ khoảng 782.000VND/vé/người trở lên. Tàu dừng tại ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn.

Nếu đi ô tô, bạn có thể chọn các hãng như Hoàng Long (ĐT: 0988 259 568), xe Mai Linh (08 39292929), xe Tân Đạt ((08) 218.1056 – 090.66.88.567)… Xe khởi hành từ bến xe Miền Đông, ghế ngồi và giường nằm giá từ 550.000VND/vé, đã bao gồm thức ăn và nước uống. Thời gian đi ô tô khoảng dưới 60 giờ do xe phải dừng lại vào các bữa ăn nên sẽ lâu hơn tàu hỏa.

Máy bay là phương tiện di chuyển nhanh nhất ra Hà Nội đồng thời giá cũng cao nhất. Thời gian bay là 1h45 phút, thời gian chờ đợi làm thủ tục khoảng 2 giờ, tổng thời gian bạn di chuyển từ TP.HCM đến trung tâm Hà Nội khoảng 5 tiếng đồng hồ. Giá vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội có nhiều mức, dao động từ 1,2 triệu đồng/vé/người trở lên.

Cách di chuyển từ sân bay về trung tâm Hà Nội

1. Đi bằng xe ô tô của sân bay

- Xe ô tô khách của sân bay có giá 35.000VND/người xe về đến số 1 phố Quang Trung, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội (xe của sân bay Nội Bài hoặc xe hãng đỗ tại đó – mình ko nhớ tên).

- Nếu bạn đi Jestar, hãng này có ô tô đưa về đến số 204 Trần Quang Khải, giá cũng 30.000 – 35.000VND/người

Từ 2 điểm trên bạn có thể bắt xe taxi hoặc xe ôm để về địa điểm mong muốn. Nhớ hỏi kỹ giá cả ngay từ đầu.

2. Đi bằng xe taxi


Ra khỏi sân bay rẽ tay phải là có rất nhiều xe taxi đỗ ở đó, bạn nên chọn hãng có tên biển gắn tại chỗ dành cho xe taxi. Trước khi lên xe, hãy hỏi giá và yêu cầu trả trọn gói từ sân bay về đến địa điểm bạn mong muốn. Về đến trung tâm Hà Nội thì hiện nay giá khoảng 300.000VND.

3. Đi bằng xe buýt

- Bạn ra đường lớn bắt xe buýt sỗ 7 về bãi chung chuyển Cầu Giấy hết khoảng 4.000VND. Tiếp đó bắt xe 32 hoặc 25 từ đây về bến xe Giáp Bát hết khoảng 4.000VND nữa.

- Bạn cũng có thể bắt xe số 17 từ sân bay Nội Bài về Long Biên giá khoảng 4.000 – 6.000VND.

Đi xe buýt có ưu điểm là giá rẻ nhưng phải chờ đợi, hên xui là lâu hoặc nhanh nhé! Ngoài ra nếu mà nhiều hành lý thì cũng không tiện lắm đâu.

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Xe máy là phương tiện di chuyển thuận lợi nhất ở Hà Nội

Đi lại tham quan ở Hà Nội

Các điểm tham quan ở Hà Nội không quá xa nhau nên bạn có thể thuê xe máy và tự lái đi tham quan. Muốn thuê được xe bạn phải đặt chứng minh thư và từ 4 – 10 triệu đồng (tùy xe). Giá thuê từ 10.000 – 15.000 VND/giờ và 60.000 – 100.000 VND/ngày. Một số địa chỉ: Số 5 Đinh liệt, 53 Trần Hưng Đạo, 23 E Hai Bà Trưng…

Tất nhiên bạn cũng có thể chọn phương tiện khác là xe ôm hay taxi. Mẹo nhỏ cho bạn là nên hỏi giá và trả giá trước khi đi bất cứ đâu.

Khách sạn

Số lượng khách sạn ở Hà Nội trên iVIVU là gần 300. Bên cạnh những khách sạn 5 sao sang trọng với giá phòng lên đến vài triệu đồng/đêm cũng có rất nhiều khách sạn 1 và 2 sao giá rẻ – giá thấp nhất từ 92.000 VND/phòng/đêm. Khu vực phố cổ tập trung mật độ khách sạn dày đặc, rất tiện cho bạn nghỉ ngơi và lên lịch trình thăm thú tất cả những địa danh nổi bật tại Hà Nội.

Một số điểm tham quan thú vị khi đến Hà Nội

Một số địa danh chỉ cách trung tâm Hà Nội một vài km như: Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà hát lớn Hà Nội, di tích nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long

Cổng vào làng cổ Đường Lâm

Xa hơn thì có bảo tàng dân tộc học Việt Nam, làng cổ Đường Lâm (thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km), làng lụa Vạn Phúc (thuộc P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 10 km), làng gốm Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km), thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương (cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km, thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), Chùa Hương (quần thể nhiều ngôi chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km), Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km)…

Các khu mua sắm

1. Phố Hàng Bạc

Là một trong những con phố lâu đời nhất ở thủ đô Hà Nội có truyền thống làm bạc từ thế kỷ XIII khi các miếng bạc được mang tới đây từ các ngôi làng nông thôn theo sắc lệnh của vua Lê Thánh Tông. Các hàng hóa làm bằng bạc vẫn còn được sản xuất ở đây với các công nghệ chế tạo bí mật được truyền từ nhiều thế hệ. Đây là một con phố quyến rũ có bề dày lịch sử và văn hóa để du khách khám phá về kim hoàn Việt Nam. Thời gian mở cửa: 10:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

2. Phố Hàng Gai


Hay còn được gọi là phố tơ lụa, nhiều sản phẩm được dệt nên bởi bàn tay những thợ thủ công tài hoa. Kinh nghiệm khi mua là nên bắt đầu trả giá khoảng 50% so với mức giá người bán đưa ra và trả tiền không quá 70% giá ban đầu. Đây cũng là con phố tuyệt vời để mua các sản phẩm làm bằng giấy như tranh vẽ, quyển sổ, đèn…Thời gian mở cửa: 09:00 – 20:00 giờ. Địa điểm: phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

3. Chợ Đồng Xuân


Là ngôi chợ lớn nhất ở Hà Nội và luôn nằm trong danh sách các điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến đây. Chợ thường bán đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc quần áo… Chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt thứ 7 còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ đặc sắc. Suốt dọc tuyến phố đi bộ Hàng Đào và chợ đêm Đồng Xuân, du khách có thể khám phá một phố cổ Hà Nội lung linh trong ánh đèn và mua sắm những hàng lưu niệm. Thời gian mở cửa: 07:00 – 21:00 giờ. Địa điểm: Số 1 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 900m về hướng Bắc. Chợ đêm Hà Nội họp từ: 7h00 – 12h00, tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Địa điểm: Dọc phố Hàng Đào và quanh chợ Đồng Xuân

Món ngon Hà Nội


Ẩm thực Hà Nội đặc trưng bởi vị thanh, ngọt, nhẹ nhàng như phong thái người Tràng An xưa nay. Song cùng với sự phát triển về mọi mặt, ẩm thực Hà Nội cũng du nhập những tinh hoa của nhiều vùng miền trên cả nước, biến đổi theo phong cách riêng. Những món ăn nổi tiếng và phổ biến nhất ở Hà Nội gồm có: Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, nộm bò khô, các món ăn từ vịt, kem Tràng Tiền, ốc luộc, chân gà nướng, bún ốc, nem tai Bà Hồng…

Kinh nghiệm tham quan, du lịch Hà Nội

Bánh tôm Hồ Tây


Ngoài ra, một số món ăn ít phổ biến hơn nhưng cũng rất đặc trưng cho ẩm thực thủ đô gồm: Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh dày Quán Gánh, Bánh Tôm Hồ Tây, bún thang, bún mọc, đậu phụ Mơ, giò chả Ước Lễ, bún đậu mắm tôm…

Xem thêm: 10 món ngon không thể bỏ qua ở Hà Nội

Mua quà Hà Nội cho bạn bè và người thân

Cốm làng Vòng


Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng. Cốm thường có vào đầu mùa thu. Nếu được bạn nên nhờ người quen ở Hà Nội mua dùm để mua đúng loại cốm ngon, giá hợp lý.

Cốm làng Vòng

Ô mai Hàng Đường


Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như: mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít… Trên phố hàng Đường có nhiều hiệu ô mai lâu đời và nổi tiếng như: Tiến Thịnh (số 21 Hàng Đường), Gia Lợi (16 Hàng Đường), Gia Thịnh (13 Hàng Đường), Hồng Lam (11 Hàng Đường). Ngoài ra, hiệu ô mai Vạn Lợi ở 38A phố Hàng Da (Q. Hoàn Kiếm) cũng rất nổi tiếng. Giá ô mai các loại dao động từ 7.000 – 12.000 VND/lạng, bạn có thể mua theo lạng hoặc mua các hộp đã đóng sẵn.

Bánh cốm Hàng Than


Để có một chiếc bánh cốm thơm ngon tinh khiết, người làm bánh phải chọn những hạt cốm đuợc làm từ hạt thóc nếp già, cho ra loại cốm già loại một, cốm đều, mịn màng, thơm, tinh khiết, không mốc, không chua. Cốm được làm ra cho vào hũ tránh mốc, ẩm để có thể làm bánh được quanh năm. Tuy nhiên, bánh cốm ngon nhất vẫn là bánh được làm vào mùa thu, mùa cốm. Bánh cốm nổi tiếng nhất Hà Nội được bày bán trên phố Hàng Than, nổi tiếng nhất là cửa hàng Nguyên Ninh số 11 dốc Hàng Than. Hiện nay giá bánh từ 5.000 – 6.000 VND/chiếc.

Lụa Hàng Gai, lụa làng Vạn Phúc


Một số cửa hàng bán lụa có uy tín ở phố Hàng Gai gồm: Khai silk, Công Silk, Hà Đông silk, Thao Silk, Lê Minh, Tân Mỹ. Tại mỗi cửa hàng đều niêm yết giá, giá ở đây nhỉnh hơn so với tại làng lụa Vạn Phúc.

Khăn lụa Vạn Phúc

Ở làng Vạn Phúc, bạn có thể trả giá để giảm từ 20%-30%. Tuy nhiên, một số cửa hiệu lớn trong làng đã niêm yết giá nên bạn khó lòng được giảm. Cửa hàng lụa nổi tiếng nhất tại làng lụa Vạn Phúc là Dung Từ. Có thể đến tận xưởng để mua lụa xịn, khổ rộng, giá khoảng 100 – 200.000 VND/mét.

Tại Hàng Gai cũng như làng Vạn Phúc cũng có nhiều cửa hàng bán lụa giá rẻ nhưng chất lượng khó bảo đảm. Mẹo kiểm tra lụa là thử kéo mạnh mép vải, lụa không bị xô hoặc rút sợi lụa xịn ra đốt sẽ có than rơi lả tả, chứ không còn nguyên hình sợi vải.


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Lời khuyên khám phá Hà Nội

Tham quan Bảo tàng dân tộc học, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, dạo bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm hay thưởng thức ly cà phê hè phố là những gì tờ NewZealand Herald mách nhỏ cho du khách khi đặt chân đến Hà Nội

Tờ NewZealand Herald ngày 26/3 đã có bài viết nói về những lời khuyên khi tham quan Hà Nội của Việt Nam. Đồng thời, tờ báo cũng gợi ý cho du khách các đồ uống hấp dẫn ở thủ đô nghìn năm văn hiến.

1. Thưởng thức cà phê

“Di sản” cà phê của Việt Nam đã có từ những năm kháng chiến chống Pháp. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Hãy dừng lại ở một quán ven đường thủ đô Hà Nội và thưởng thưởng một ly cà phê đậm đà hương vị.
Nếu bạn thực sự là tín đồ cà phê thì nên gọi một ly cà phê đen. Còn nếu bạn muốn thử nghiệm vị đắng của loại đồ uống này thì một ly cà phê nâu (cà phê có sữa) là một lựa chọn hợp lý.

2. Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Việt Nam, quốc gia có 54 dân tộc anh em với nhiều phong tục tập quán sinh sống thực sự là một nét văn hóa độc đáo cho du khách nước ngoài tìm hiểu.
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tại thủ đô Hà Nội có khuôn viên rộng, trong đó có các kiểu nhà rông, nhà sàn đặc trưng của từng dân tộc. Ngoài ra, ở đây, bạn cũng có thể thử tài âm nhạc của mình bằng cách thổi khèn, thổi sáo hay gõ nhạc cụ dân tộc đến từ các vùng miền khác nhau.

3. Nhà hát múa rối nước Thăng Long

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước mang đầy tính sáng tạo của người Việt.
Tại nhà hát múa rối nước Thăng Long nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, các chương trình biểu diễn múa rối nước diễn ra 4 lần/ngày do đó du khách có thể thoải mái lựa chọn thời gian đến xem và thưởng thức chương trình nghệ thuật này.

4. Thưởng thức bia Hà Nội

Bia Hà Nội, đồ uống đặc trưng của người dân thủ đô giá chỉ có xấp xỉ 1 USD (tức 20.000 đồng) một chai. Du khách có thể uống bia ngay trên vỉa hè với nhiều người trong không khí rất vui vẻ. Thậm chí, ở nhiều tuyến phố Hà Nội, du khách còn được thưởng thức các điệu nhạc vui nhộn trong khi ngồi uống bia.

5. Chú ý đi đường

Không thể phủ nhận một điều rằng cảnh giao thông ở Hà Nội lúc tan tầm như một “đàn ong vỡ tổ”. Với số lượng 2 triệu xe máy, chưa kể hàng loạt phương tiện giao thông khác, du khách nên chọn phương án đi bộ trên vỉa hè để được an toàn.

6. Món ăn đường phố

Nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội đó là đồ ăn bán ngay trên vỉa hè, trong các ngõ và hẻm phố. Chỉ cần chiếc ghế nhựa và chiếc bàn nhựa cao bằng đầu gối là du khách có thể ngồi thưởng thức các món ăn này.
Đủ âm thanh, hương vị “bị” pha lẫn vào nhau làm ồn ào cả một góc phố chắc chắn sẽ để lại ấn tượng cho du khách.

7. Tham quan các di tích lịch sử

Nhà tù Hỏa Lò, cột cờ Hà Nội hay phố Khâm Thiên, nhiều khu phố khác là những điểm di tích lịch sử mà du khách nên dừng chân khi đi tới thủ đô Hà Nội.
Mỗi di tích lịch sử đều gắn liền với một sự kiện mà người Hà Nội đã phải trải qua. Đây thực sự là những điểm đến mà du khách nước ngoài không nên bỏ qua khi đặt chân đến thủ đô của Việt Nam.

8. Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm, lá phổi của thủ đô Hà Nội, được bao bọc với những hàng cây xanh là điểm dừng chân cho du khách vào mỗi buổi chiều.
Cây cầu Thê Húc dẫn du khách đi từ bên ngoài vào trong đến Ngọc Sơn là địa điểm đẹp cho du khách chụp ảnh. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà tập dưỡng sinh quanh Hồ Hoàn Kiếm chắc chắn sẽ để lại ấn tượng trong lòng du khách khi tới đây.

(Nguồn: Zing)

Bài đăng phổ biến