Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Vẻ đẹp miền núi phía Bắc Việt Nam trên báo nước ngoài

Bộ ảnh Việt Nam của nhiếp ảnh gia Rehahn được trang Boredpanda đăng tải, chủ yếu xoay quanh con người và phong cảnh ở vùng núi phía Bắc.
Xem thêm: Việt Nam qua những tấm hình siêu rộng


Miêu tả về Việt Nam, trang Boredpanda viết nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hút khách trong hơn thập kỷ qua với người dân thân thiện, phong cảnh hoang sơ và nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Trên hình là dòng sông Nho Quế nhìn từ đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang.

Bắt nguồn từ cảm hứng đó, nhiếp ảnh gia Pháp tiếp tục thực hiện hành trình 12 ngày khám phá miền núi phía bắc Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng... Trên hình là một phụ nữ Dao Đỏ.


Cụ ông Lùng Leo Phố, 78 tuổi, dân tộc La Chí. Trò chuyện với Rehahn, ông cho biết mình phải dành nhiều ngày để dẫn nước về nhà bằng những đường ống làm bằng tre.


Từ ngọn núi cao lớn đến ruộng lúa xanh rì hay ánh nhìn thơ ngây của trẻ em dân tộc, Rehahn đã mang đến cho người xem vẻ đẹp ẩn giấu của đất nước Đông Nam Á này. Đây ảnh là hoàng hôn trên ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.


Lân Thị Lợi là một bé gái dân tộc Lô Lô Đen. Em sống ở một ngôi làng nhỏ, gần Bảo Lạc (Cao Bằng). Em không biết nói tiếng Kinh vì em không đi học.


Hai chị em đang chơi đùa ngay bên cạnh đường.


Cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang.


 chị em dân tộc Mông đang ăn cơm trưa.


Ngôi nhà chênh vênh trên cao nguyên đá.


Với những bức hình ghi được sau chuyến đi, anh đang lên kế hoạch cho cuốn sách ảnh sắp tới của mình về hơn 50 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trước đó, anh từng cho ra mắt cuốn sách ảnh "Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản".

Vy An - Ảnh: Rehahn

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

6 địa điểm lãng mạn liên tục xuất hiện trong phim Hàn

Cũng chính nhờ những thước phim đẹp đẽ được quay tại các danh thắng này mà lượng khách du lịch đến Hàn Quốc ngày càng tay.
Xem thêm: Những khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc
Du lịch Hàn Quốc ngày càng phổ biến đối với du khách nhờ một phần những bộ phim truyền hình lãng mạn. Những thước phim đó đã làm rất nhiều khán giả thích thú và muốn được ghé thăm nơi mà diễn viên họ yêu thích từng đóng phim. Dưới đây là danh sách 6 điểm thăm quan ở Hàn Quốc thường xuất hiện trên phim thu hút rất đông lượng khách du lịch.

Tháp Namsan


Tháp Namsan không chỉ là biểu tượng nổi bật ở Seoul mà còn là một trong 5 điểm tham quan thường xuất hiện trên phim Hàn Quốc. Nơi được quay nhiều nhất là cáp treo, đài quan sát và khu vực dưới chân tháp. Khi leo lên tới đỉnh, du khách sẽ nhìn được toàn cảnh thủ đô Seoul và các khu vực lân cận khác.

Các bộ phim tiêu biểu: My girl, Vườn sao băng, Hoàng tử gác mái…

Đảo Jeju


Đảo Jeju quyến rũ du khách không chỉ bằng cảnh sắc tuyệt trần mà còn vì là địa điểm quay nhiều bộ phim nổi tiếng. Các địa điểm ở Jeju thường được ưu ái đưa lên màn ảnh là bờ biển Yongmeori lộng gió, ngọn hải đăng gần khách sạn Pyoseon Haevichi, trường đua ngựa, cánh đồng hoa cải.

Các bộ phim tiêu biểu: Chuno, Iris, Vườn sao băng, Tôi là Kim Sam Soon, Nàng Dae Jang Geum...

Gwanghwamun


Gwanghwamun là một thành phố lịch sử 600 năm tuổi cổ xưa ở Hàn Quốc. Đây là nơi ở của Sejong Đại đế và Đô đốc Yi Sun Shin. Khi dừng chân tham quan nơi này trong chuyến du lịch Hàn Quốc, du khách sẽ thấy được bức tượng vua Sejong đang ngồi rất hoành tráng ngay trung tâm quảng trường Gwanghwamun.

Các bộ phim tiêu biểu: Iris, Queen In Hyun’s Man…

Làng dân gian Hàn Quốc


Làng dân gian Hàn Quốc là nơi còn lưu giữ rất tốt lối sống của người dân địa phương trong triều đại Joseon. Vì thế, nó là một điểm tham quan thường xuất hiện trên các phim Hàn lấy bối cảnh trong triều đại Joseon. Du khách sẽ được thấy những ngôi nhà truyền thống và vật dụng sinh hoạt hàng ngày được bảo quản rất cẩn thận, còn khá nguyên vẹn.

Các bộ phim tiêu biểu: Jumong, Sungkyunkwon Scandal, The Moon Embracing The Sun…

Petite France


Lấy cảm hứng từ câu chuyện “Hoàng tử bé” nổi tiếng, Petite France là một ngôi làng mang phong cách Pháp với khu vườn cây xinh đẹp ở Hàn Quốc. Không khí nơi này rất thoáng đãng, mát mẻ vì được xây trên một ngọn đồi. Làng Petite France có thể chứa tối đa khoảng 200 khách du lịch với 34 phòng. Ngoài ra, nơi này còn có cửa hàng bán hương liệu, cửa hàng lưu niệm và một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc về Gà trống Gallic - biểu tượng của nước Pháp.

Các bộ phim tiêu biểu: Khu vườn bí mật, Bản giao hưởng định mệnh, Vì sao đưa anh tới…

Vườn bách thảo Byeokchoji

Nằm ở ngoại ô Seoul, vườn bách thảo Byeokchoji là nơi bảo tồn các loài thực vật quý hiếm của Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Khi ghé tham quan nơi này, du khách sẽ được thưởng thức món ăn và nước uống làm hoàn toàn từ thảo mộc ở nhà hàng trong vườn bách thảo này. Khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ở đây chính là bối cảnh được nhiều đạo diễn lựa chọn để quay phim.

Các bộ phim tiêu biểu: Cô nàng đẹp trai, 49 ngày, Thợ săn thành phố…

Chuseok - Tết Trung thu cổ truyền của người Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngày Tết lớn nhất và quan trọng nhất trong năm không phải là Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, mà là Tết Trung thu.

Xem thêm: 8 lễ hội hoa cải nổi tiếng ở Hàn Quốc

Khi những cơn mưa và những đợt nóng gay gắt thất thường cuối cùng của mùa hè kết thúc, cả đất trời Hàn Quốc bắt đầu chuyển mình đẹp dịu dàng trong nắng thu và mọi người náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok - một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất tại Hàn Quốc.

Tết Trung thu là thời điểm mà nhà nhà đều vào vụ thu hoạch. Lương thực và hoa quả đầy nhà, sung túc. Sau Trung thu thì Hàn Quốc bước vào mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt, lương thực chỉ còn là những gì đã chuẩn bị được từ mùa thu.

Điều kiện khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người Hàn Quốc. Do đó, trong xã hội hiện đại ở Hàn Quốc, ngày Tết Trung thu người người đều phải về quê xum họp với đại gia đình, trong khi ngày Tết Nguyên đán thì người Hàn Quốc có thể về quê hoặc không nhất thiết phải về quê.

Cũng giống như Việt Nam và các quốc gia Á Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, ngày Tết Chuseok (Tết Trung thu) ở Hàn Quốc cũng diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, mỗi quốc gia dựa trên những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa khác biệt, đều chỉ mượn chiếc bình hình thức để thay vào đó những men rượu riêng, thể hiện tinh thần và sức sống nội tại của riêng mình.

Ở Việt Nam Tết Trung thu ban đầu là tết của người lớn để mừng mùa màng bội thu, cúng tổ tiên rồi dần dần được chuyển thành Tết dành cho thiếu nhi, nhưng ngày tết này lại không được công nhận là ngày nghỉ lễ chính thống. Trái lại, ở một đất nước công nghiệp “tham công tiếc việc” như Hàn Quốc, mọi người sẽ được nghỉ tới 3 ngày để nghỉ ngơi và chuẩn bị đón chào ngày Tết Chuseok.

Trong ngày đầu tiên nghỉ Tết Trung thu ở Hàn Quốc, hàng triệu người từ thủ đô Seoul đổ về quê tạo nên nạn tắc đường khủng khiếp (thường là thời gian di chuyển gấp 3-4 lần so với ngày thường) và người Hàn Quốc gọi hiện tượng này là cuộc đại di dân.

Nguồn gốc của ngày Chuseok

Từ Chuseok có nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” để ám chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nữa. Nguồn gốc của Chuseok vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng Tết Chuseok còn có những tên gọi khác như Hangawi, Gabae - ngày Gia bài (tương truyền vào thời Shinla, đến ngày này, nhà vua thường tổ chức cho các công chúa chơi trò chơi thi dệt vải trong cung điện, ai thua sẽ phải chuẩn bị các tiết mục múa hát và các món ăn).

Những hoạt động trong ngày Chuseok

Charye


Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm. Nếu như vào ngày Tết Nguyên đán, món ăn điển hình là Tteok-guk (canh bánh gạo) thì vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo được dùng để cúng bái là Mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch). Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để “hưởng lộc” của tổ tiên ban cho. Một đặc điểm trong văn hóa ẩm thực nói chung cũng như văn hóa tế lễ nói riêng ở Hàn Quốc đó là các món ăn được bày trong các đĩa nhỏ, gọi là banchan. Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày lễ như thế này, người phụ nữ trong gia đình luôn là người bận rộn và vất vả nhất để chuẩn bị đồ cúng và các món ăn cho các thành viên khác trong gia đình.

Beolcho và Seongmyo

Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là việc thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên - nghi thức Beolcho và Seongmyo. Các hoạt động này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Vào ngày Chuseok, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Những trò chơi truyền thống

Ganggangsulae


Đây là trò chơi tiêu biểu trong dịp Chuseok được truyền lại từ những người phụ nữ thuộc tỉnh Seonamhaean. Cách thức của trò chơi này là dưới ánh trăng đêm rằm, các cô gái sẽ nắm tay nhau xếp thành vòng tròn vừa hát và vừa nhảy múa. Trong xã hội nông nghiệp, trăng rằm là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, rất tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ. Bởi thế, ngày mãn nguyệt (ngày trăng tròn) còn được ví như người phụ nữ đến kì “khai hoa nở nhụy”. Trò chơi Ganggangsulae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ.

Juldarigi - kéo co

Đây là trò chơi phổ biến dành cho tất mọi lứa tuổi. Các đội được phân chia đồng đều về số người, giữa các thôn xóm, các làng cũng có thể chia đội với nhau để thi thố. Số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian thi càng kéo dài. Tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười và những khuôn mặt hăng say lấp lánh mồ hôi khiến cho bầu không khí của ngày Tết Chuseok thêm rộn ràng, vui nhộn.

Ssireum - đấu vật

Trong những ngày Tết Chuseok, môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình. Trên bãi cỏ hoặc trên bãi cát, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng là người trụ lại đến cuối cùng và được tôn vinh là Jangsa (tráng sĩ) và được nhận rất nhiều các giải thưởng của dân làng.

Olgesimni - tục treo ngũ cốc khô trước cửa

Sau khi thu hoạch, người Hàn Quốc sẽ chọn ra trong mỗi loại ngũ cốc những bó chín đượm nhất, đẹp nhất để treo lên cột nhà, cửa chính hay trước hiên nhà. Những bó ngũ cốc được chọn này sẽ được dùng làm hạt giống cho năm sau, để làm bánh cúng tổ tiên, cúng ông địa hoặc được dùng để thiết đãi khách khi nhà có tiệc. Phong tục này thể hiện tính tuần hoàn của đất trời, mùa màng và ước nguyện có những mùa màng sung túc, bội thu.

Các món ăn tiêu biểu ngày Chuseok

Songpyeon


Là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, gạo không dính, có nhân là vừng, đậu, đậu đỏ. Nếu như bánh Trung Thu ở Việt Nam được làm theo hình tròn hoặc hình vuông (tượng trưng cho trời đất) thì bánh Songpyeon được nặn thành hình bán nguyệt. Sau khi nặn xong, bánh sẽ được cho vào chõ hấp, bên dưới có lót lớp lá thông để tạo cho bánh có hương vị thanh khiết.

Chuseok còn được gọi là ngày tết của các loại bánh. Tuy mỗi địa phương đều có những phương thức và nguyên liệu làm bánh khác nhau nhưng tất thảy đều sử dụng những ngũ cốc tươi mới được thu hoạch để tạ ơn đất trời, tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu. Theo truyền thuyết, các cô gái nào làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ gặp được ý trung nhân tuấn tú. Chính vì thế, trong ngày Chuseok, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau nặn bánh và bầu chọn xem ai là người làm ra chiếc bánh đẹp nhất trong tiếng cười đầm ấm vui vẻ.

Toranguk - canh khoai sọ


Khoai sọ, tiếng Hán còn được gọi là thổ noãn - nghĩa là trứng dưới lòng đất. Vì khoai sọ chứa nhiều tinh bột và có nhớt nên khi chế biến, nhất thiết phải luộc qua nước muối hoặc nước vo gạo. Canh khoai sọ thường được ninh cùng với ức bò hoặc gân bò và được coi là món canh bổ dưỡng, thanh đạm rất thích hợp để thưởng thức vào mùa thu.

Rượu Baekju - bạch tửu

Vào dịp Chuseok, người Hàn Quốc rất thính tụ tập ăn uống với gia đình, tiếp đãi bạn bè nên trên bàn tiệc không thể thiếu men rượu. Ngoài loại rượu thông thường là Soju còn có một loại rượu truyền thống được làm từ gạo mới gọi là Baekju.

Theo Thông tin Hàn Quốc

Bài đăng phổ biến