Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Khác biệt văn hóa uống cà phê của Hà Nội và Sài Gòn

Bước vào quán, cùng một loại thức uống nhưng người Sài Gòn gọi cà phê sữa đá, còn người Hà Nội lại gọi là cà phê nâu.
Cả người Sài Gòn và Hà Nội đều xem cà phê là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tuy nhiên mỗi nơi lại có sự khác biệt không thể lẫn vào đâu được. Dưới đây là sự so sánh thú vị giữa cách thưởng thức cà phê của người Sài Gòn và người Hà Nội.

Người thưởng thức

Đối với người Sài Gòn, cà phê là loại thức uống phổ biến của mọi tầng lớp, lứa tuổi, từ người già đến người trẻ. Nó là câu cửa miệng để làm cái cớ rủ rê bạn bè: “Cà phê không?”. Chỉ với cái gật đầu, ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc nhiều con người với nhau. Họ có thể uống cà phê vào bất cứ giờ nào trong ngày, có thể vào buổi sáng sớm với tờ báo còn thơm mùi mực in, trên chiếc ghế đẩu ngay tại lề đường. Có lúc, người Sài Gòn lại thức thật khuya nhấm nháp ly cà phê bên một người bạn thân, ngắm sự tĩnh lặng đến kỳ lạ của phố xá lúc lên đèn.
Xem thêm: Những góc ngồi quan sát nhịp sống người Sài Gòn

Người Hà Nội lại khác, chuộng cà phê nhất phải kể đến những bậc lão thành, dân kinh doanh đam mê công việc. Họ thường chỉ nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng trong không khí se lạnh và vài tia nắng len lỏi qua tán cây. Người Hà Nội không ngồi quá lâu, nhưng điềm nhiên chẳng vội vã. Đối với họ, thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, ẩn chứa câu chuyện dài cần kể.

Khi thưởng thức cà phê, người Hà Nội điềm nhiên chẳng vội vã

Địa điểm uống

Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng. Các địa điểm phục vụ loại thức uống này ở Sài Gòn cũng rất đa dạng về thể loại, từ cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê bệt cho đến cà phê sân vườn…

Tại Hà Nội thì khác, do đất chật người đông nên các quán cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán theo phong cách phố cổ, hoặc ngồi tạm ngay vỉa hè. Đặc biệt nhiều khi các vị khách còn sẵn sàng ngồi chung một bàn san sát nhau vì hết chỗ.

Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng

Cách gọi cũng khác…

Khi bước chân vào quán, người Sài Gòn muốn uống cà phê pha chút sữa, họ sẽ gọi cà phê sữa đá, bạc xỉu hoặc cà phê sữa tươi. Dĩ nhiên cả ba loại đều có mức độ đậm nhạt khác nhau. Cà phê sữa đá được xem như một nét khó quên trong lòng những ai yêu hương vị cà phê, đến nỗi khi đi xa cứ vương vấn mãi.

Riêng người Hà Nội, họ gọi món cà phê pha sữa là cà phê nâu. Đó là loại cà phê sữa đặc, không uống đá và nhiều cà phê nên có vị đắng hơn so với Sài Gòn. Hà Nội hầu như không có bạc xỉu, nếu lúc nào đó người Hà Nội muốn bắt chước người Sài Gòn gọi một ly như thế, chắc chắn người đó sẽ bị chủ quán ở Hà Nội xem là “người ngoại đạo”. Từ này hiện nay vẫn chưa phổ biến tại Hà Nội, dù một số quán cũng bắt đầu cập nhật vào thực đơn thức uống.

Nắm bắt được sự quen thuộc cũng như ý nghĩa của ly cà phê sữa đá tại Sài Gòn và cà phê nâu tại Hà Nội, VinaCafé Chất cho ra đời hai dòng sản phẩm riêng biệt là Hà Nội cà phê nâu và Sài Gòn cà phê sữa đá để phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền. Đây là sản phẩm được áp dụng công nghệ đột phá với cà phê được làm hoàn toàn từ 100% nước cốt đầu tiên của cà phê rang xay nguyên chất, mang đến cho người dùng ly cà phê sữa đá uống liền đúng chất pha phin kiểu Việt.

Chỉ cần thưởng thức qua ly cà phê hòa tan, cả người Sài Gòn lẫn Hà Nội đều như tìm thấy lại được chính hương vị tại quê nhà của mình.

Hoàng Ngân (VnExpress)

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

9 quan niệm du lịch lạ lùng trên thế giới

Máy bay của Trung Quốc không có hàng ghế số 4, dân Serbia tạt nước phía sau người chuẩn bị đi du lịch để mang lại may mắn còn ở người Italy lại tránh khởi hành vào ngày 17.
Xem thêm: Quy tắc về tiền tip ở các nước

Nhiều người Mỹ phát hoảng vì thứ 6 ngày 13 và họ luôn tránh đi du lịch vào dịp đó. Tuy nhiên đây không phải sự mê tín duy nhất. Du khách ở nhiều nơi trên thế giới đều có những quan niệm lạ lùng mỗi khi họ lên đường.

Nepal

Sau khi một số máy bay của Nepal gặp sự cố kỹ thuật, hãng hàng không Nepal Airlines đã giết... 2 con dê để giải quyết vấn đề. Chiếc Boeing 757-200 gặp trục trặc về điện, ngoài ra còn phải sửa chữa một số chỗ cơ học, Nepal Airlines đã cúng tế những con vật để bày tỏ lòng tôn kính tới Akash Bhairab, một vị thần Hindu cai quản và bảo vệ bầu trời. 

Hàng không Nepal từng hiến tế hai con dê cho Akash Bhairab, vị thần cai quản và bảo vệ bầu trời. Ảnh: Thinkstock

Serbia

Theo truyền thống Serbia, việc tạt nước sau lưng một người đang chuẩn bị đi du lịch, hoặc phỏng vấn tìm việc, sẽ đem lại may mắn và đảm bảo mọi điều đều kết thúc tốt đẹp.

Mỹ

Nhiều người Mỹ rất sợ con số 13. Từ các bộ phim kinh dị cho tới những câu chuyện cổ, con số vô hại này vẫn khiến con người e sợ. Vì lý do đó mà nhiều khách sạn ở Hoa Kỳ không có tầng 13. Theo tờ USA Today, 13% độc giả cho biết họ thấy rất phiền khi phải nhận phòng ở tầng 13.

Trung Quốc

Nếu lên một chuyến bay của hàng không Trung Quốc, hẳn bạn sẽ phải bất ngờ khi không thấy hàng ghế số 4. Tại Trung Quốc, từ chỉ số 4 phát âm gần giống với từ "chết". Chính sự hoảng sợ khó hiểu này khiến cho nhiều hàng khách không muốn ngồi ở hàng ghế số 4. Điều này dẫn tới các hãng hàng không Trung Quốc cũng chỉ đánh số liên tiếp 3, 5 cho các hàng ghế trên máy bay.

Bạn sẽ hiếm thấy có hàng ghế số 4 trên các máy bay của Trung Quốc vì số 4 phát âm gần giống từ chết. Ảnh: Thinkstock

Na Uy

Trước một buổi biểu diễn ở Mỹ, các diễn viên thường nói "break a leg" với ý nghĩa chúc may mắn và thành công. Còn ở Na Uy, người dân thường dùng cụm từ "Tvi Tvi" cũng cùng nghĩa là chúc may mắn. Nghĩa đen cụm từ như đặt lời nguyền rủa lên người được chúc trước khi họ bắt đầu một hành trình. Người Na Uy tin rằng câu chúc sẽ giúp họ không gặp phải những điều xấu xa nữa.

Ukraine

Thiền là một phương pháp giảm căng thẳng rất tốt và cũng là lý do để người Ukraine thực hiện điều đó trước một chuyến đi dài. Thực ra, đây không hẳn là thiền mà chỉ đơn thuần mọi người ngồi cùng nhau giữ yên lặng trước khi du lịch.

Italy

Tại Italy, 17 là con số mang điềm xấu và tồi tệ nhất vì có nghĩa là "tôi đã sống" khi dịch ra chữ số La Mã. Nếu bạn đã sống rồi đồng nghĩa bạn sẵn sàng để chết và người Italy không thích ý nghĩ đó chút nào. Vì điều này mà những người dân đất nước hình chiếc ủng hiếm khi khởi hành vào ngày 17.

Bosnia và Herzegovina

Bỏ một củ tỏi vào hành lý sẽ đem may mắn tới cho bạn. Ảnh: Thinkstock

Ở Bosnia và Herzegovina, người dân quan niệm là mang một củ tỏi trong túi thì bạn sẽ có thêm may mắn.

Ireland

Xưa kia Thánh Martin là một thầy tu, vị thánh bảo hộ cho người nghèo và những người tốt bụng. Tuy nhiên, ông bị ném vào một cối xay và chết do bánh xe nước. Hàng năm người Ireland tổ chức ngày Thánh Martin vào 11/11 và không một loại bánh xe nào được quay vào hôm đó. Nói cách khác là nếu bạn định lên đường bằng các phương tiện đường bộ, hãy đợi tới ngày 12/11.

Hương Chi (VnExpress)

7 luật lệ ăn uống kỳ quặc trên thế giới

Ở Rio Claro, Brazil bạn không được ăn dưa hấu, còn khi đến San Fransico, Mỹ, cho chim bồ câu ăn trên phố hay quảng trường là điều cấm kỵ.

Xem thêm: Những nguyên tắc ăn uống cần lưu ý trên thế giới

Dưới đây là một số luật lệ khiến nhiều du khách bối rối khi đi du lịch, thậm chí có thể bị phạt tiền hoặc tống giam.

Nhịn ăn như người bản xứ

Dù không phải quá kỳ lạ nhưng luật lệ cũng khiến du khách thấy kém thoải mái hơn. Năm 2011, Dubai ra lệnh du khách đi nghỉ ở đây trong khoảng thời gian diễn ra lễ Ramadan phải thực hiện giống người dân.

Điều đó nghĩa là họ không được ăn uống vào ban ngày. Trường hợp du khách phạm luật vì lỡ ăn, uống hay hút thuốc nơi công cộng sẽ đối mặt với một án tù.

Cẩn thận với cải Brussels

Bỉ, bạn sẽ gặp một chút rắc rối nếu rời bàn ăn mà vẫn còn cải Brussels trong đĩa. Ngoài ra, việc ném cải Brussels vào người khách du lịch là điều hoàn toàn hợp pháp. Do vậy, bạn hãy thận trọng và chuẩn bị tinh thần nếu gặp phải tình huống khó chịu này.

Đừng ngạc nhiên nếu bạn bị ném cải Brussels ở Bỉ

Không được ăn kẹo cao su

Nhai kẹo cao su ở các MRT (mạng lưới tàu điện ngầm) của Singapore là phạm luật. Tại đây, việc bán và ăn kẹo cao su đã bị cấm hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, năm 2004, nước này nới lỏng luật và cho phép người dân sử dụng kẹo nếu bác sĩ kê đơn.

Không dưa hấu

Mùa hè nóng nực được giải nhiệt bằng miếng dưa hấu tươi mát chắc chắn rất tuyệt. Nhưng ở Rio Claro, Brazil, bạn sẽ không hề thấy loại quả này trong thực đơn vì nó bị cấm. 

Đến Rio Claro (Brazil) bạn sẽ thấy rất khó hiểu vì ở đây họ bị cấm ăn dưa hấu

Không nhả kẹo cao su trên phố

Vứt rác bừa bãi là một hành động không nên biến thành thói quen. Tuy vậy, rất nhiều người lại không có ý thức, ví dụ như việc nhả kẹo cao su trên đường phố.

Nếu làm thế tại Thái Lan, bạn sẽ phải chịu mức phạt 600 USD hoặc hơn. Không nộp phạt, bạn sẽ bị tống vào tù.

Không được cho chim ăn

Ngồi ở các ghế dài, bóp vụn bánh mì để cho lũ chim ăn khi chúng sà xuống quanh chân là một trong những trải nghiệm thú vị ở nhiều thành phố. Tuy nhiên ở San Fransico, Hoa Kỳ, hành động cho đám bồ câu trên các hè phố hay quảng trường ăn là phạm pháp.

Nếu cho chim bồ câu ăn ở San Francisco bạn sẽ bị phạt

Không nhập hay tự làm bia

Nhập khẩu hay tự ủ và làm bia đều là hành động bất hợp pháp ở Nigeria. Tuy nhiên, uống bia lại lại không hề bị cấm đoán. Bạn có thể mua và uống nếu tìm thấy bia, miễn là đủ 21 tuổi trở lên.

Theo Dailymeal

Bài đăng phổ biến