Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

7 đặc sản miền Tây mùa nào cũng có

Không cần phải là mùa nước nổi, những món ngon dân dã hóa đặc sản của miền Tây như bánh xèo, bún cá, lẩu mắm… luôn níu chân du khách bằng hương vị đậm đà khó quên.
Xem thêm: Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Cá lóc nướng trui


Về Bến Tre, Tiền Giang hay An Giang… vào bất kỳ tháng nào, bạn cũng sẽ được người miền Tây hiếu khách mời món ăn dân dã này. Cá lóc vừa bắt dưới ao, rửa sạch, xuyên que tre từ miệng tới đuôi, sau đó cắm xuống đất và ém rơm khô xung quanh để nướng. Người nướng phải ước chừng được lượng rơm vừa đủ để cá chín tới, chín đều. Rơm tàn, cá được cạo lớp vảy bên ngoài bằng một bó rơm khô nhưng mềm mại đủ để không bị tróc da cá. Cá lóc nướng được ăn cùng rau sống, cuốn bánh tráng, sẽ thấy thịt cá chín mềm, vị thơm nồng của các loại rau. Ảnh: Má Lúm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Bánh xèo


Bánh xèo thường được đổ trong chảo lớn và có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm... Nước chấm đóng vai trò quan trọng với vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường... Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm. Bạn có thể ghé bất cứ chợ nào ở các tỉnh miền Tây để ăn bánh xèo với giá 8.000 - 10.000 đồng một cái. Ảnh: Má Lúm.

Bún cá


Đây là món ăn không thể bỏ qua với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng... Không giống bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Nước dùng chính là thành phần tốn nhiều thời gian nhất trong việc chế biến món ăn này. Để nấu nước dùng, người dân thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước trong và có vị ngọt. Ảnh: Khánh Bằng.

Cháo cá lóc rau đắng


Nguyên liệu để chế biến món ăn này chính là cá lóc đồng. Cá lóc to, được làm sạch, ướp gia vị, hấp chín, lọc hết xương, tách thịt cá ra riêng đĩa. Rau đắng đất mọc tự nhiên trong vườn nhà. Cháo được nấu bằng gạo tẻ nở bung hết hạt, ninh thật kỹ. Tô cháo gồm thịt cá lóc, chút nấm rơm, một ít tương, lạc, giá, rắc một ít tiêu, hành, rau thơm thái nhỏ, gừng tươi, ớt, chanh. Đĩa rau đắng xanh tươi, mới ăn thì thấy rất đắng, sau cùng lại thấy vị ngọt nơi cổ họng, làm tô cháo cá lóc dân dã thật khó quên. Ảnh: Lam Linh.

Lẩu mắm

Nồi lẩu mắm được nấu khá cầu kỳ. Nước lẩu được nấu từ mắm sặc, mắm trèn và mắm linh với nước dừa hoặc nước hầm xương heo. Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ... Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát. Món lẩu mắm Cần Thơ là đặc sản trứ danh bạn nên thử khi về xứ này, ghé các quán ăn ở khu vực Bãi Cát, chợ Mới, đường Nguyễn Văn Cừ… Ảnh: Thanh Viên.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Bánh tằm bì


Bánh tằm bì gồm những sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo, được cho vào một chiếc đĩa, sau đó cho bì thái sợi, thịt heo xắt mỏng, ít rau thơm, dưa leo, giá sống, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho khách. Phần bì giòn bùi, thịt heo nướng thơm ngon, nước cốt dừa vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Khi ăn món này, trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng có thể chan thêm ít nước mắm ngọt. Ảnh: Khánh Hòa.

Gà hấp lá trúc


Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang, có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp CampuchiaTịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Gà sau khi làm sạch, ướp với gia vị thì “nhồi bụng” bằng nấm mèo, hành lá, bún… và hấp cùng lớp lá trúc. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Ảnh: Vĩnh Hy.

Má Lúm (VnExpress)

Những quán ăn vặt hút khách ở Đà Nẵng

Bánh tráng nướng, da heo trộn hay ram bắp là những món ăn vặt rất thú vị cho một buổi chiều lang thang ở Đà Nẵng.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn Huế - Đà Nẵng - Hội An

Du khách có thể thưởng thức những món ăn vặt với giá 15.000 - 40.000 đồng.

Bánh tráng hẻm Lê Đình Dương

Nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc phố Lê Đình Dương, gần khu vực Cầu Rồng, quán ăn nhỏ nhưng từ lâu đã thu hút khách bản địa ở Đà Nẵng. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều món ăn vặt ở đây sau khi khám phá thành phố biển như bánh tráng trứng, bánh kẹp, bánh pate.... Món được nhiều thực khách lựa chọn hơn cả là bánh tráng nướng giống kiểu Đà Lạt 
.
Những chiếc bánh tráng nướng giòn rụm là món quà vặt thú vị khi lang thang Đà Nẵng. Ảnh: yeudanang

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn rụm, nhân gồm lạp xưởng, trứng, mỡ hành... đầy đặn, béo mà ăn không cảm giác bị ngấy. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Da heo trộn, bánh bột lọc Lý Thái Tổ

Quán sạch sẽ, thoáng mát nằm trên đường Lý Thái Tổ, là thiên đường ăn vặt cho giới trẻ ở Đà Nẵng. Nhiều thực khách đến đây rất thích thú với món da heo trộn.

Những miếng da heo được luộc chín rồi xắt thành sợi mỏng, trộn cùng với các loại rau thơm, cà rốt hay đu đủ nạo sợi, chút hành khô phi thơm và nước chấm được pha chua ngọt. Điểm xuyết lên trên đĩa da heo trộn là lạc rang được giã dập, bùi bùi.

Da heo trộn là món ăn đường phố hấp dẫn thực khách. Ảnh: bepgiadinh

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận độ dai sần sật của bì, độ giòn của đu đủ hay cà rốt thái sợi, thoảng vị hành phi lẫn trong thứ nước trộn hấp dẫn. Ngoài ra ở đây cũng có món bánh bột lọc tôm khá ngon. Giá các món từ 15.000 đến 30.000 đồng một đĩa.

Ram bắp Phan Tứ

Quán bình dân nhưng không gian lịch sự, thoáng mát, chuyên phục vụ các đặc sản xứ Quảng, nằm trên đường Phan Tứ. Đến đây bạn nhất định phải thử món ram bắp thơm ngon.

Cách chế biến món ăn này rất đơn giản, bắp non được nạo ra, thêm chút trứng gà và thịt bằm rồi cuốn vào chiếc bánh tráng, rán vàng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị giòn tan của bánh tráng cuốn cùng rau sống, rất thích hợp cho ăn bữa nhẹ vào buổi chiều.

Ram bắp là món ăn vặt phù hợp cho bữa ăn nhẹ buổi chiều. Ảnh: cadn

Vừa ngồi thưởng thức các món ăn vặt nơi đây, bạn vừa được cảm nhận những làn gió biển mát rượi thổi vào. Ngoài ra du khách có thể thử các món ăn khác như ram cuốn cải, bún thịt nướng, nem lụi... giá từ 20.000 đến 40.000 đồng mỗi suất.

Bánh tráng kẹp Núi Thành

Nằm ở đường Núi Thành, quận Hải Châu, quán ăn này có đủ các loại bánh tráng, nhưng nhiều thực khách mê mẩn nhất là bánh ướt trứng, bánh ướt pate hay bánh tráng kẹp...

Bánh tráng kẹp giòn rụm. Ảnh: Út Faifoo

Những chiếc bánh tráng được phết lên một lớp trứng cút, hành khô phi thơm, hành lá nướng trên than hồng đến khi giòn tan, tỏa mùi thơm phức cuốn hút bất cứ thực khách nào ghé qua. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Mỗi vùng đất đi qua đều mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị về nền văn hóa, ẩm thực. Nếu đến Cần Thơ, bạn đừng quên thưởng thức món nem nướng Cái Răng, bánh tét lá cẩm hay chuối nếp nướng từ lâu đã nức tiếng.

1. Bánh tét lá cẩm

Một món ăn nhất định bạn phải thử khi đến xứ gạo trắng nước trong là bánh tét lá cẩm, một món ăn mang hương vị đặc trưng mà không vùng nào có được. Bánh tét có màu sắc tuyệt đẹp, được làm bằng cách đun sôi nước lá cẩm rồi lấy nước đun cùng gạo nếp dẻo với nước cốt dừa. Nhân bánh tét được làm bằng thịt, trứng vịt muối.


Bánh tét lá cẩm với màu sắc bắt mắt và hương vị khác lạ

Muốn bánh có màu đẹp phải chọn những lá cẩm tươi, không được lẫn lá héo. Thịt lợn tươi được tẩm ướp vừa vặn cho ngấm rồi xào qua cùng nước cốt dừa trước khi gói bánh rồi đem luộc trong vòng 5 tiếng.

Xắt một miếng bánh đưa lên miệng, cảm nhận vị ngọt của thịt, của trứng muối mằn mặn cứ lan tỏa nơi đầu lưỡi.

2. Nem nướng Cái Răng

Nói đến nem nướng, ở nhiều vùng đất đều có nhưng ở mỗi nơi bạn lại cảm nhận những hương vị và cách chế biến khác nhau. Không như những loại nem đặc sản nổi tiếng khác, nem nướng chở nổi Cái Răng lại có hình dạng dài, hình đốt chuyên dùng để cuốn bánh tráng và các loại rau thơm đi kèm.

Nguyên liệu để làm nem chủ yếu từ thịt lợn được quết nhuyễn rồi vo tròn lại thành từng viên nhỏ. Người chế biến xâu từng viên nem tròn trĩnh qua một chiếc thanh tre chuốt nhỏ đầu, rồi khéo léo nướng trên bếp than hồng làm sao cho thịt chín ở bên trong, mà bên ngoài không bị cháy xém hay quá khô, thơm nức và mướt mỡ.


Nem nướng Cái Răng


Đĩa nem được dọn ra gồm những xiên thịt chín mềm, thơm nức vùng đĩa rau sống xanh mướt, khế chua, chuối chát, đĩa bánh hỏi trắng và bát nước chấm.

Khi ăn, thực khách chỉ cần tuốt nhẹ những viên nem, cuốn cùng chút rau sống khế, chuối, bánh hỏi vào trong lớp bánh tráng mỏng, chấm ngập trong thứ nước tương ngọt thơm, thêm chút đậu phộng và ớt bằm nhỏ, cả nhận vị ngon ngọt cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Chuối nếp nướng

Đây là món ăn đã được nhiều tạp chí trên thế giới vinh danh. Trái chuối nhỏ xinh, không quá mập mạp được bóc vỏ. Gạo nếp ngâm qua đêm cho nở, mềm gạo rồi đãi sạch, trộn thêm chút muối rồi cho vào nồi hấp chín, thỉnh thoảng đổ thêm chút nước dừa cho ngọt, thơm.


Chuối nếp nướng, món ăn dân dã


Gạo nếp được tán nhuyễn rồi bọc chuối vào, cho lên bếp nướng cho đến khi chuyển sang màu vàng. Chuối nếp nướng ngon là những trái bên ngoài ăn giòn nhưng bên trong vẫn mềm, trái chuối không bị nhũn.

Song An (theo DanTri)

Bài đăng phổ biến