Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Mùa hoa mận bung nở trên cao nguyên Mộc Châu

Khoảng tháng 2, 3 cao nguyên Mộc Châu, Sơn La lại chìm trong sắc trắng rực rỡ của những vườn hoa mận bung nở tạo nên một vẻ đẹp hấp dẫn.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu sau tết nguyên đán

 
Năm nay do mưa nhiều kèm theo đợt băng tuyết xuất hiện tại Mộc Châu đúng dịp hoa mận nở khiến những rừng hoa mận bị ảnh hưởng khá nhiều, nhìn từ xa không được rực rỡ như những năm trước.


Tuy nhiên khi lại gần bạn vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của những bông hoa mận trắng muốt đung đưa trong gió.


Những tán mận nở trắng trước mái hiên ngôi nhà sàn của người H'Mông tạo nên không gian vừa yên bình vừa cuốn hút làm say lòng biết bao du khách.


Những khu vực trồng nhiều mận ở Mộc Châu gồm Vân Hồ, Lóng Luông, Tân Lập, Ba Phách… Bước chân vào đây bạn dễ dàng gặp hình ảnh những cô gái H'Mông dạo chơi trong các vườn mận nở hoa trắng muốt.


Những đứa trẻ nô đùa dưới những tán mận trắng tinh khôi.


Khung cảnh bình yên trong một bản nhỏ ở gần quốc lộ 6.


Mận không chỉ mang lại vẻ đẹp cho cao nguyên mà còn là nguồn kinh tế rất lớn cho dân bản. Một cậu bé tinh nghịch nô đùa thích thú dưới gốc mận.


Năm nay mùa hoa mận nở đúng dịp Tết truyền thống của người H'Mông nên dân bản đều mặc quần áo mới đi chơi Tết. Bà con và những thanh niên bản thường tập trung tại một khu vực để tham gia các trò chơi tập thể.


Những cô gái trẻ say sưa với một trò chơi truyền thống trong những trang phục rực rỡ của người H'Mông.


Hiện nay ngoài vẻ đẹp tự nhiên người dân Mộc Châu còn trồng những vườn hoa cải rất đẹp để làm dịch vụ du lịch và chụp ảnh phục vụ du khách. Một vườn hoa cải vàng dưới những tán mận trắng tạo nên khung cảnh mơ màng tuyệt đẹp ở Tân Lập.

Mèo Già (VnExpress)

Kiêu sa hoa ban trắng ở Điện Biên anh hùng

Cứ mỗi dịp tháng 3 là người dân muôn nơi lại đổ về “chảo lửa” Điện Biên, nơi có những cánh ban trắng đang bung nở căng tràn sức sống trên nền vết tích của chiến thắng chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Đây cũng là dịp du khách được chứng kiến các hoạt động vui chơi, ca hát trao duyên rộn ràng của nam nữ thanh niên Thái Đen, Thái Trắng hay hòa mình vào “Lễ hội hoa ban năm 2016” hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc.

Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…

Đến Điện Biên vào tháng 3, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh khiết của hoa ban trắng

Ngày hội hoa Ban hay còn gọi là hội Xên bản, xên mường của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên được tổ chức long trọng hàng năm nhằm cầu phúc, cầu mưa cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, vui chơi, ca hát, trai gái giao duyên. Vào hội, các bế nhà sàn luôn sáng ánh lửa để đồ xôi, luộc gà, thái măng hay có nhà mổ lợn bày cỗ cùng từng vò rượu cần lớn, nhỏ để chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái trong trang phục chỉnh tề đổ ra khắp các nẻo đường có nhiều hoa ban để chọn ra những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất dành tặng người yêu và bố mẹ bởi đối với người Thái thì hoa Ban là loài hoa biểu tượng cho tình yêu, lòng hiếu thảo và biết ơn.

Hòa mình vào Ngày hội hoa ban của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên

Cũng trong ngày hội này, trai gái trên bản dưới mường thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo dưới trăng ánh trăng, trước hoa Ban trắng thanh khiết trên nền xanh thẫm của núi rừng Tây Bắc. Họ tặng nhau những tín vật định tình như tấm phà (mặt váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của suối rừng để hy vọng mối tình nên duyên chồng vợ. trên dòng sông Đà, sông Mã diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền.

Ký ức lịch sử oai hùng

Dù chiến tranh đã lùi xa gần 62 mùa hoa ban bung nở nhưng dường như mỗi tấc đất của thành phố “lòng chảo” Điện Biên vẫn toát lên niềm kiêu hãnh và tự hào về một trận chiến 56 ngày đêm được ví như “Đống Đa của thế kỷ XX, một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, để đến với vùng đất thành phố lòng chảo Điện Biên oai hùng

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo đất Việt, từng dòng người tấp nập đến với Điện Biện không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kiêu sa của loài hoa ban mà còn là để thăm lại chiến trường và tri ân những người con của đất nước đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, cho những cánh hoa ban sung mãn trên bầu trời Điện Biên rạng rỡ chiến công.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa

Nằm ở độ cao trên 1.000m trong một khu rừng nguyên sinh, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa. Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm.

Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...

Phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc ở Hồ Pá Khoang

Bên cạnh khu di tích là hồ Pá Khoang, nơi đây thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng bởi nó sở hữu phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc thay đổi theo mùa.

Nếu không đến với khu đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp và là nơi diễn ra trận chiến cam go và kéo dài nhất đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam, thì hẳn là ta chưa từng đến Điện Biên. Cũng chính tại nơi đây là nơi có dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc. Sở dĩ phải sử dụng kế sách này là bởi trên đỉnh đồi, trung tâm của cứ điểm có một hầm ngầm, là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát được bố trí nhiều ụ súng, hỏa lực mạnh nhằm ngăn chặn quân ta vượt qua đỉnh đồi. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng.

Hố bộc phá đánh dấu đòn quyết định đưa quân ta làm chủ hoàn toàn đồi A1

Ngày nay, du khách có thể thấy một số manơcanh lính Pháp được trưng bày trong hầm nhằm tái hiện lại khung cảnh năm xưa. Cùng với A1, căn hầm sẽ mãi là chứng tích rõ ràng nhất về “cuộc chiến 5 quả đồi” để mô tả sự ác liệt nhất là tại cứ điểm quan trọng này.

Nghĩa trang liệt sỹ A1, nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía nam, nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
 

(Theo DanTri)

Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng

Tháng 3 về báo hiệu sự bung nở trắng muốt của những đồi hoa cà phê và lễ hội đua voi rộn ràng trên vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ví như trái tim Tây Nguyên kiêu hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến thăm các buôn làng – cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi vang vọng tiếng di sản văn hóa cồng chiêng, nhịp nhàng điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài…

Về với trái tim Tây Nguyên kiêu hùng để đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài.

1. Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km, Buôn Đôn được biết đến là nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á. Đến với Buôn Đôn, bạn sẽ được khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… một cách khác biệt khi ngồi trên lưng các chú voi. Một con voi có thể chở 2 - 3 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Sêrêpôk.

Du khách sẽ có cơ hội xem Lễ hội đua voi sôi động ở Buôn Đôn.

Nằm ngay bên bờ sông Sêrêpôk, khu mộ cổ của các Gru (dũng sĩ săn voi) Buôn Đôn xưa là nơi bạn không thể bỏ qua. Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của vua săn voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn.

Một điểm du lịch thu hút khách tham quan khác của Buôn Đôn là cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Cầu bắt đầu từ bên bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và bắc qua một đảo nổi giữa dòng sông. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho du khách.

Ghé thăm nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào ở Buôn Đôn.

Nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào cũng là điểm du lịch đặc sắc nhất ở Buôn Đôn. Được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883, ngôi nhà do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Căn nhà gồm 3 gian, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp đặc trưng của hai nước Lào – Thái với mái hình chóp nhọn, đặc biệt toàn bộ căn nhà đều được làm bằng gỗ, cả phần mái cũng được lợp bằng gỗ cà chít vô cùng công phu, tỉ mỉ. Sàn nhà lại được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của chùa tháp Lào, hoạ tiết và hoa văn cũng được trang trí theo tín ngưỡng người Lào…

2. Buôn Ako Dhong

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km, buôn Ako Dhong hay vẫn thường gọi là Cô Thôn quyến rũ du khách bởi những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê được bảo lưu gần như nguyên vẹn và khung cảnh vườn cà phê trắng muốt thơ mộng vào mỗi dịp tháng 3 xen lẫn với màu xanh rì của những vườn cây ăn trái, khu rừng nguyên sinh cuối buôn giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất Tây Nguyên. Người ta vẫn rỉ tai nhau đến Ako Dhong để nghe về câu chuyện chàng trai Ama Hrin của hơn 60 năm trước đã bắt tay vào công cuộc biến buôn làng Ê đê này trở thành buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên như thế nào.

Kiến trúc nhà dài cổ độc đáo của người Ê đê ở Buôn Ako Dhong

Phải nói không ngoa rằng đặt chân đến buôn Ako Dhong, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào khung cảnh trong bức danh họa nào đó. Trong buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê có vài chục năm tuổi làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt xen lẫn với những ngôi biệt thự mái ngói đỏ tươi mô phỏng theo nếp nhà dài của tổ tiên truyền lại. Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng.

Thưởng thức những buổi diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan làm từ một thân cây trong nhà dài cổ

Nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Cứ mỗi lần gia đình có con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài. Dựa vào các thanh đòn tay được đẽo thủ công từ những thân gỗ nguyên cây dài cả chục mét, người ta có thể biết ngôi nhà đó đã được nối dài bao nhiêu lần và có bao nhiêu người con gái đã đi lấy chồng.

Những người phụ nữ Ê đê ở buôn Ako Dhong vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống để dệt nên những trang phục, túi xách với hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc

Trước cửa ngôi nhà dài có 2 cầu thang đi lên, một câu thang đực dành cho con trai trông thô ráp, một cầu thang dành cho mẹ, con gái và khách gọi là thang cái được điêu khắc kỳ công với biểu tượng đôi bầu vú căng tròn mang hàm ý ca ngợi sự trường tồn của giống nòi cộng đồng người Ê đê. Số bậc thang thường là 5 hoặc 7 vì người Ê đê quan niệm số lẻ mang lại nhiều may mắn hơn.

Vẻ đẹp “nghẹt thở” ở Thác Vợ (Dray Nur) có gốc từ thượng nguồn sông Sêrêpôk

Tại phòng tiếp khách Gah của những ngôi nhà dài này, hàng đêm sẽ có các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan to khỏe dài đến 10 – 12 mét từ một thân cây lớn nhuốm màu thời gian, bên chiếc trống lớn Hgơr, những chiêng núm Mdu và Ana, những chiêng bằng Char, Knati, Hlliang, Khớc, Hluê liang, Mdu khớc diết,… Bên cửa sổ những ngôi nhà dài, những người phụ nữ Ê đê đang mải miết bên khung cửi, dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa thoi, kéo sợi, từng họa tiết hoa văn sống động. Tất cả như tái hiện lại chất huyền thoại hoành tráng trong sử thi Đam San xa xưa với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng.

Chùa Khải Đoan lớn nhất thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến
 
(Theo DanTri)

Bài đăng phổ biến