Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Kiêu sa hoa ban trắng ở Điện Biên anh hùng

Cứ mỗi dịp tháng 3 là người dân muôn nơi lại đổ về “chảo lửa” Điện Biên, nơi có những cánh ban trắng đang bung nở căng tràn sức sống trên nền vết tích của chiến thắng chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Đây cũng là dịp du khách được chứng kiến các hoạt động vui chơi, ca hát trao duyên rộn ràng của nam nữ thanh niên Thái Đen, Thái Trắng hay hòa mình vào “Lễ hội hoa ban năm 2016” hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc.

Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…

Đến Điện Biên vào tháng 3, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh khiết của hoa ban trắng

Ngày hội hoa Ban hay còn gọi là hội Xên bản, xên mường của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên được tổ chức long trọng hàng năm nhằm cầu phúc, cầu mưa cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, vui chơi, ca hát, trai gái giao duyên. Vào hội, các bế nhà sàn luôn sáng ánh lửa để đồ xôi, luộc gà, thái măng hay có nhà mổ lợn bày cỗ cùng từng vò rượu cần lớn, nhỏ để chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái trong trang phục chỉnh tề đổ ra khắp các nẻo đường có nhiều hoa ban để chọn ra những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất dành tặng người yêu và bố mẹ bởi đối với người Thái thì hoa Ban là loài hoa biểu tượng cho tình yêu, lòng hiếu thảo và biết ơn.

Hòa mình vào Ngày hội hoa ban của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên

Cũng trong ngày hội này, trai gái trên bản dưới mường thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo dưới trăng ánh trăng, trước hoa Ban trắng thanh khiết trên nền xanh thẫm của núi rừng Tây Bắc. Họ tặng nhau những tín vật định tình như tấm phà (mặt váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của suối rừng để hy vọng mối tình nên duyên chồng vợ. trên dòng sông Đà, sông Mã diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền.

Ký ức lịch sử oai hùng

Dù chiến tranh đã lùi xa gần 62 mùa hoa ban bung nở nhưng dường như mỗi tấc đất của thành phố “lòng chảo” Điện Biên vẫn toát lên niềm kiêu hãnh và tự hào về một trận chiến 56 ngày đêm được ví như “Đống Đa của thế kỷ XX, một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, để đến với vùng đất thành phố lòng chảo Điện Biên oai hùng

Vượt qua cổng trời Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo đất Việt, từng dòng người tấp nập đến với Điện Biện không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kiêu sa của loài hoa ban mà còn là để thăm lại chiến trường và tri ân những người con của đất nước đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, cho những cánh hoa ban sung mãn trên bầu trời Điện Biên rạng rỡ chiến công.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa

Nằm ở độ cao trên 1.000m trong một khu rừng nguyên sinh, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa. Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm.

Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...

Phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc ở Hồ Pá Khoang

Bên cạnh khu di tích là hồ Pá Khoang, nơi đây thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng bởi nó sở hữu phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc thay đổi theo mùa.

Nếu không đến với khu đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp và là nơi diễn ra trận chiến cam go và kéo dài nhất đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam, thì hẳn là ta chưa từng đến Điện Biên. Cũng chính tại nơi đây là nơi có dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc. Sở dĩ phải sử dụng kế sách này là bởi trên đỉnh đồi, trung tâm của cứ điểm có một hầm ngầm, là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát được bố trí nhiều ụ súng, hỏa lực mạnh nhằm ngăn chặn quân ta vượt qua đỉnh đồi. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng.

Hố bộc phá đánh dấu đòn quyết định đưa quân ta làm chủ hoàn toàn đồi A1

Ngày nay, du khách có thể thấy một số manơcanh lính Pháp được trưng bày trong hầm nhằm tái hiện lại khung cảnh năm xưa. Cùng với A1, căn hầm sẽ mãi là chứng tích rõ ràng nhất về “cuộc chiến 5 quả đồi” để mô tả sự ác liệt nhất là tại cứ điểm quan trọng này.

Nghĩa trang liệt sỹ A1, nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía nam, nghĩa trang liệt sỹ A1 được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
 

(Theo DanTri)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến