Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Cơ hội mặc kimono chụp ảnh với hoa anh đào ở Hạ Long

Du khách đến lễ hội thường niên của Hạ Long sẽ được chiêm ngưỡng và tạo dáng với 50 cây hoa anh đào và 80 cây mai vàng Yên Tử.
Xem thêm: Vịnh Hạ Long lọt top 10 điểm câu cá thú vị nhất thế giới

Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử diễn ra từ ngày 18/3 đến 21/3 tại quảng trường 30/10, Hạ Long, Quảng Ninh, với chủ đề Hội nhập - Hợp tác và Phát triển. Nếu như các năm trước, lễ hội chủ yếu triển lãm các cành anh đào thì năm nay, ban tổ chức đã nhập 50 cây anh đào từ Nhật Bản, tạo điểm nhấn cho sự kiện. Tại đây cũng trưng bày 80 cây mai vàng Yên Tử và nhiều sinh vật cảnh khác.

Các bạn trẻ mặc trang phục truyền thống Nhật Bản tại lễ hội hoa anh đào năm 2015. Ảnh: Minh Cương

Ngoài ra, du khách tham gia lễ hội còn được thưởng thức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Nhật như trình diễn trang phục truyền thống và hiện đại của hai nước; các tiết mục do các nhóm nhạc, ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Hội nghị hợp tác xúc tiến và đầu tư phát triển về du lịch, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, triển lãm giới thiệu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và một số trò chơi dân gian của Việt Nam và Nhật Bản...
 
Những bông hoa anh đào khoe sắc trong lễ hội năm 2015.

Lễ hội là dịp để giới thiệu hình ảnh quốc hoa anh đào và văn hóa Nhật Bản tới nhân dân thành phố Hạ Long và khách du lịch; cũng như di sản thế giới Hạ Long đến với Nhật Bản. Qua đó, sự kiện sẽ giúp tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư về du lịch, thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước. Năm nay là lần thứ 4 lễ hội được tổ chức.

Vy An (VnExprss)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

5 điều chưa biết về tượng sư tử biển ở Singapore

Tượng Merlion phun nước từ miệng được đúc bằng xi măng, những chiếc vảy bên ngoài được làm từ đĩa sứ, còn đôi mắt là 2 tách trà màu đỏ.
Xem thêm: 10 trải nghiệm miễn phí ở Singapore

Nếu chưa tham quan tượng sư tử biển thì bạn coi như chưa "check in" Singapore. Bức tượng sư tử biển có tên Merlion - con vật được tưởng tượng với đầu sư tử và mình cá này là hình ảnh tiêu biểu nhất của đất nước Singapore.


Tượng sư tử biển trên đảo Sentosa

Bức tượng nguyên bản sư tử biển cao 8,6 m, nặng 70 tấn, được đặt trong công viên Merlion Park rộng 2.500 m2, ngay vịnh Marina. Đầu sư tử tượng trưng cho con vật mà Hoàng tử Sang Nila Utama đã nhìn thấy khi khám phá ra vùng đất Singapura vào thế kỷ 11 trước Công nguyên, được ghi chép trong "Biên niên sử Mã Lai" và đuôi cá tượng trưng cho thành phố cổ xưa Temasek (nghĩa là “biển” trong tiếng Java) - tên gọi của Singapore trước khi được đổi tên mới là “Singapura” (nghĩa là “thành phố sư tử” trong tiếng Phạn). Tượng Sư tử biển Merlion là hình ảnh tượng trưng cho sự khởi đầu bình dị của Singapore vốn trước đây là một làng chài. Công viên sư tử biển Merlion ngày nay là địa điểm công cộng, mở cửa tự do và không thu bất kỳ khoản phí nào.
 
Bức tượng sư tử biển ở Merlion Park

Bức tượng Merlion lớn phun nước ra từ miệng này được đúc bằng xi măng Fondue, những chiếc vảy bên ngoài được tạo thành từ những chiếc đĩa sứ, còn đôi mắt được tạo thành từ 2 tách trà nhỏ màu đỏ.

Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore thời bấy giờ, đã chủ trì buổi lễ đặt tượng Merlion vào năm 1972. Một tấm bảng đồng được dựng lên để kỷ niệm sự kiện tốt đẹp này với câu đề tặng, “Tượng Merlion được lắp đặt tại đây như là một biểu tượng chào đón tất cả các du khách đến tham quan Singapore”.

Bức tượng được đặt lại ở vị trí hiện nay vào năm 2002, cách vị trí cũ khoảng 120 m, ngay đối diện khách sạn Fullerton và nhìn thẳng ra vịnh Marina.

Ngoài bức tượng lớn nhất, hiện Singapore còn có 4 bức tượng sư tử biển khác gồm: 


Tượng trên đỉnh Faber

- Sư tử con Merlion Cub cao 2 m, nặng 3 tấn và được đặt cách tượng sư tử lớn khoảng 28 m, lùi sâu vào phố, cũng nằm trong khuôn viên của Merlion Park.

- Sư tử biển cao 37 m trên đảo Sentosa, nơi đây cũng chính là một khu tham quan, khách du lịch có thể trèo lên tận đỉnh.

- Sư tử biển cao 3 m ở Sở Du lịch gần đường Grange, khánh thành năm 1995.

- Sư tử biển cao 3 m nằm trên đỉnh Faber (Mount Faber).

Mai Anh tổng hợp

Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Về Mỹ Tho ăn hủ tiếu, ghé Cần Thơ ăn bánh cóng, tiện dừng chân ở Bạc Liêu chén cơm ba khía muối rồi mua chút bánh pía làm quà ở Sóc Trăng.
Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về".

Cá lóc nướng trui Vĩnh Long

Cá lóc nướng cuốn với bánh tráng là món ăn tuyệt hảo

Ngoài đặc sản trái cây bốn mùa, cá lóc nướng trui đậm vị đồng quê là món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi về Vĩnh Long. Cá lóc nướng trui được nướng theo kiểu "rừng rú" nhưng ăn một lần là ghiền bởi phải khéo tay và nướng đúng điệu thì cá ăn mới thơm, thịt mới ngọt.

Dùng một que tre tươi chuốt nhọn đầu rồi đâm xuyên từ miệng đến đuôi cá. Sau đó cắm que xuống đất, phủ rơm lên và đốt. Thoạt tiên trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng nướng được cá ngon mà không bị khét hoặc sống. Phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống, khi ăn có mùi tanh còn rơm nhiều quá cá khét thì ăn bị đắng.

Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Cá lóc nướng trui thường dùng với bánh tráng, rau thơm, khế, húng lủi, giá sống, chuối chát, dưa leo... và chấm kèm với nước mắm tỏi ớt, me.
Hủ tiếu khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long, song hủ tiếu Mỹ Tho là danh bất hư truyền, bởi dù chỉ ăn một lần cũng làm người ta nhớ mãi. Món ăn được nấu từ sợi hủ tiếu khô cùng với nước lèo từ thịt bằm nhỏ, lòng và xương tủy heo. Hủ tiếu Mỹ Tho được ăn kèm với giá, hẹ, xà lách và một số loại rau sống khác. Nước chấm đi kèm là nước tương tỏi ớt pha chút giấm đường, giúp tô hủ tiếu thêm thơm ngon, bắt mắt.

Một tô hủ tiếu ngon thì sợi hủ tiếu phải trong và dai, không bị bở hay mềm. Hủ tiếu Mỹ Tho ngày nay có mặt khắp mọi nơi ở miền Tây, song về Tiền Giang thì phải ăn món này mới đúng điệu.
Xem thêm: Lịch trình ba ngày du ngoạn Tiền Giang dịp năm mới

Canh chua cá linh bông điên điển Đồng Tháp

Lẩu cá linh ăn cùng bông điên điển là món ăn yêu thích của du khách

Bông điên điển là loài cây mọc hoang đặc trưng ở miền Tây. Bông hoa nhỏ, màu vàng, thường được chế biến theo kiểu luộc hay xào tỏi. Nhưng bông điên điển ngon nhất vẫn là khi được nấu món canh chua với cá linh mùa nước nổi. Cá linh bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng. Từ khoảng tháng 11 âm lịch, nước rút, lúc này cá về nhiều ăn không hết, ngoài nấu canh chua, người dân tích trữ, ủ thành nước mắm ăn dần.

Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm, giòn và bùi của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Kẹo dừa Bến Tre


Kẹo dừa Bến Tre vốn nổi tiếng từ lâu bởi nơi đây được mệnh danh là xứ dừa với những cánh đồng dừa bạt ngàn bất tận. Về Bến Tre không những được uống nước dừa thả ga, du khách còn có dịp thưởng thức món kẹo dừa thơm ngon, béo ngậy.

Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa là cơm dừa khô, nếp, đường và đậu phộng. Ngày nay kẹo dừa phong phú về chủng loại bởi đã được người dân sáng tạo ra nhiều hương vị như kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa cacao... để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống ăn kèm rau cải, xà lách

Cái tên lạ tai của loại bánh này xuất phát từ hình dáng như cái cống sâu. Bánh cống là một món ăn dân dã của người Cần Thơ với nguyên liệu chính từ bột, thịt băm, đậu xanh và tôm tươi.

Khi chế biến, bột bánh trộn đều với đậu xanh, thịt băm (đã được xào chín trước đó) và cho vào khuôn, để tôm tươi lên trên, sau đó đem cho vào chảo dầu nóng chiên đến khi chín thì vớt ra. Bánh cống ăn nóng để giữ độ giòn và thơm, thường ăn kèm với rau sống như cải xanh, xà lách, diếp cá... và chấm nước mắm tỏi ớt.
Xem thêm: Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Rượu đế Gò Đen, Long An

Rượu đế Gò Đen là đặc sản nổi tiếng của Long An nói riêng và của miền Tây nói chung. Tên gọi Gò Đen của loại rượu này xuất phát từ địa danh ba 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức. Đây là địa danh tập trung nhiều lò nấu rượu nhất từ hơn 100 năm trước.

Rượu đế Gò Đen được nấu 100% từ nếp nguyên chất và men gia truyền để đảm bảo không cồn và vị thơm, ngon, ngọt khi uống. Bí quyết để rượu thơm ngon và chất lượng nằm ở khâu chọn nếp, thường là nếp cái, nếp mỡ hay nếp than được trồng tại địa phương. Vì thế, rượu đế Gò Đen là loại thức uống mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch về Long An.
Xem thêm: Một ngày lang thang ở làng nổi Tân Lập

Ba khía muối Bạc Liêu

Không phải ngẫu nhiên mà loài ba khía đi vào âm nhạc với bài hát Anh ba khía. Bởi lẽ loài ba khía là thực phẩm dân dã, hình dáng không đẹp nhưng thịt thì ngon ngọt, đặc trưng cho ẩm thực miền Tây.

Đặc biệt, món ba khía muối là món ăn không thể bỏ qua khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu. Ba khía muối mua ở chợ về đem gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh. Đợi ba khía ngấm gia vị tầm 30 phút là có thể ăn được. Dân sành ăn thường trộn ba khía sẵn để hôm sau mới ăn cho thấm hết gia vị, ăn sẽ đậm đà hơn. Ba khía muối ăn với cơm là hết sảy, nước ba khía mằn mặn ứa ra hòa trộn với vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt rất thú vị.
Theo Ngoisao

Bài đăng phổ biến