Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Những điểm đến không thể bỏ qua ở Malaysia

Đất nước Malaysia rộng lớn chưa đựng vô vàn những trải nghiệm du lịch hấp dẫn cuốn hút cả những vị khách du lịch khó tính nhất. Mỗi điểm đến lại ghi dấu ấn với du khách theo một cách riêng khó lẫn. Dưới đây là những điểm đến du lịch tuyệt vời nhất mà bạn không nên bỏ qua.
Xem thêm: Những lưu ý khi du lịch Malaysia

1. Kuala Lumpur

Kuala Lumpur chắc chắn là điểm đến hàng đầu tại Malaysia mà không du khách nào có thể bỏ lỡ. Trong lòng thủ đô của Malaysia là hàng chục trung tâm thương mại lớn nhỏ với bầu không khí mua sắm nhộn nhịp diễn ra quanh năm. Đặc biệt Bukit Bintang là con đường mua sắm sầm uất nhất Kuala Lumpur nơi tập trung hàng loạt shopping mall lớn san sát nhau, với đủ loại mặt hàng và đủ mức giá, nhiều nhất là quần áo, kính mũ, giày, dép… Nếu bạn muốn tìm những món quà lưu niệm theo kiểu thủ công tinh tế, Central Market là điểm đến không thể bỏ qua. Khu chợ cũng là điểm đến thú vị để trải nghiệm sự pha trộn đặc sắc giữa văn hóa mua sắm của người Hoa và người Malay vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.


Để nhìn ngắm toàn bộ Kuala Lumpur, tháp Menara Kuala Lumpur (KL Tower) cao 421 mét là nơi tốt nhất để có thể quan sát toàn thành phố từ trên cao 360 độ. Không chỉ mang đến cơ hội được chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố, du khách có thể trải nghiệm những bộ phim 4D đặc sắc hay thử thách lái xe trên “đường đua” F1. Một địa điểm nổi tiếng không kém để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố tại cây cầu nối tháp đôi Petronas ở tầng thứ 41 của 2 toà tháp, nếu đi vào buổi tối, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp lung linh của Kuala Lumpur khi trời tắt nắng.


Nếu muốn tìm hiểu về một góc đặc biệt của Malaysia, bạn nên ghé thăm bảo tàng ngân hàng tiền tệ Negara. Bảo tàng lưu giữ lịch sử hình thành và phát triển của đồng Ringit cũng như đánh dấu những cột mốc quan trọng của nền kinh tế tài chính Malaysia. Ngoài ra, bên cạnh những kiến thức về lịch sử tiền tệ của Malaysia, khách tham quan cũng được tìm hiểu thêm về lịch sử tài chính của toàn thế giới, về những quy luật cơ bản như cung – cầu, tiền – hàng…

2. Putrajaya

Putrajaya là điểm đến khá mới với du khách, đây là thủ đô hành chính của Malaysia và nằm cách thủ đô Kuala Lumpur 25 km. Putrajaya được xây dựng theo mô hình thành phố vườn với các công trình nhà cửa chỉ chiếm 25% diện tích, còn lại là không gian cho công viên, khu thể thao và vườn thiên nhiên.

Putrajaya thể hiện tham vọng của Malaysia khi muốn xây dựng một thành phố in đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật của Malaysia và chỉ do người Malaysia thiết kế. Điểm nhấn làm Putrajaya trở nên “là một, là riêng, là thứ nhất” chính là những giá trị truyền thống đang hiện hữu trong mọi ngõ ngách của thành phố. Những ngọn đèn đường cách điệu như những bó đuốc vĩnh cửu soi sáng cho toàn thành phố.

 
Du khách ghé thăm đền thờ Hồi giáo Masjid Putra sẽ được chiêm ngưỡng một công trình tôn giáo tuyệt đẹp với mái vòm màu hồng soi bóng xuống mặt hồ trong veo, tạo nên cảnh sắc vô cùng kỳ ảo. Những cây cầu bắc qua hồ Putrajaya là một nét quyến rũ khác của thành phố, đó là cây cầu Putra – cầu hai tâng đầu tiên của Malaysia, cầu Seri Gemilang với những tháo được trang trí bằng vàng và đá cẩm thạch.


Trung tâm hội nghị Putrajaya nằm trên một quả đồi mà từ đó du khách có thể phóng tầm mắt ra khắp thành phố. Vở nhạc kịch “Rain Forrest” được tổ chức tại trung tâm hội nghị Putrajaya là chương trình bạn không thể bỏ qua. Sự kết hợp của âm nhạc, nội dung hấp dẫn cũng với những màn trình diễn mang tính thử thách cao, vở nhạc kịch thể hiện quan điểm yêu thương và gần gũi thiên nhiên của người dân Malaysia.

3. Genting – Thành phố trong mây

Cao nguyên Genting được mệnh danh là “thành phố trong mây” nằm cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 50 km. Đây còn là thành phố giải trí đúng nghĩa với sòng bạc, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, phòng hòa nhạc… được xem là Las Vegas giữa lưng chừng trời của Malaysia. Các sòng bạc ở Genting được trang bị một số lượng máy đánh bạc khổng lồ, hiện đại bậc nhất thế giới, với đủ mọi trò và mở cửa 24/24 vào tất cả các ngày trong tuần. Những sòng bài này hầu như chỉ dành cho du khách ngoại quốc vì phần lớn người Malaysia theo đạo Hồi, không được phép đánh bạc.

Một trong các điểm tham quan thu hút nhất trên cao nguyên Genting chính là công viên chủ đề Theme Park. Có rất nhiều trò chơi hấp dẫn khác nhau, phù hợp với mọi lứa tuổi. Vào ngày cuối tuần công viên sẽ có những màn trình diễn vui nhộn của những chú hề cùng các con linh vật đáng yêu.


Trước khi lên đỉnh núi thì du khách sẽ thấy miếu Thanh Thủy Nham. Chủ của Genting là người xây ngôi miếu này với mục đích thờ phụng nền Phật giáo Chin Swee. Kiến trúc miếu mang phong cách truyền thống của người Trung Hoa, tạo nên sự thanh tịnh và cổ xưa.

4. Malacca – Nơi giao thoa văn hóa Đông Tây

Với những du khách muốn trải nghiệm nét đẹp cổ điển, rất nên chọn thành phố Malacca xinh đẹp.


Đây là thành phố cổ nhất của Malaysia. Sắc màu đời sống, kiến trúc và tôn giáo ở Malacca đậm chất lịch sử, pha trộn các nét văn hóa Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Anh, và Hà Lan.

Những dãy phố cổ, pháo đài, nhà thờ, quán cà phê ven sông ở Malacca toát lên vẻ cổ kính, đẹp và bình yên đến ngỡ ngàng. Malacca lãng mạn, nên thơ, êm đềm, rất được lòng những ai yêu thích nhiếp ảnh.

Chụp ảnh ở Quảng trường Hà Lan, tản bộ ở dãy phố Jonker street hay dọc theo bờ sông tìm mua các món quà lưu niệm, thăm thú pháo đài Famosa, pháo đài St.John, Bảo tàng Hàng Hải, sẽ là những kỷ niệm đẹp khó phai mờ trong lòng du khách.

5. Johor Bahru thiên đường vui chơi và mua sắm

Một điểm đến nổi tiếng khác, được coi như một thiên đường du lịch mới nổi, là thành phố Johor Bahru. Du khách Việt Nam mới biết Johor Bahru từ 1-2 năm trở lại đây. Johor Bahru có cả núi, rừng và biển đảo, nổi tiếng với nông trại Desaru và những phố ẩm thực lâu đời.

Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến là những công viên giải trí theo chủ đề đang thu hút nhiều “fan” trên toàn thế giới: công viên Legoland, công viên Hello Kitty, công viên Angry Bird, công viên Khủng Long…


Các gia đình đã “lạc” đến Johor Bahru thì không muốn về nữa. Thế giới giải trí ở Legoland hay Hello Kitty là nơi thỏa sức vui đùa, chụp ảnh không biết chán. Johor Bahru cũng có những trung tâm mua sắm “hoành tráng” như Johor Premium Outlet là nơi lý tưởng để săn lùng hàng hiệu giảm giá.


(Theo DanTri)

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Mù Cang Chải và hành trình đi tìm sự an yên

Một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt chính là Mù Cang Chải.

Một ngày nào đó nếu bỗng dưng bạn cảm thấy quá mệt mỏi, quá chán nản với những mối lo “cơm áo gạo tiền” với mối quan hệ “chẳng thể đi đến đâu” hay với những áp lực của bộn bề công việc thì “liều thuốc” mà bạn cần nhất chắc chắn là một chuyến đi. Và một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt đó là Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải mùa lúa chín. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải là một huyện miền Tây của tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Những năm trở lại đây xứ Mù được dân ham mê dịch chuyển vô cùng yêu thích. Mù Cang Chải chinh phục và hút hồn người từ con đường đến những cảnh vật xung quanh. Đến Mù Cang Chải bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước bao la đất trời. Bạn sẽ được đắm mình trong sự yên bình của núi rừng Tây Bắc mà quên đi những muộn phiền, âu lo thường ngày.

Điều may mắn nhất đó là hiện nay Mù Cang Chải ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến Mù Cang Chải được dân xê dịch yêu thích đến vậy. Bạn sẽ vẫn thấy những người dân tộc nơi đây vô cùng chân chất, thậm chí nếu bạn dựng lều ven đường người ta sẽ sẵn sàng mời bạn về nhà ngủ. Hay nếu bạn hỏi đường vài ba đứa trẻ đang nô đùa chúng chẳng ngần ngại dắt bạn đến tận nơi bạn tìm. Điều tôi thích nhất ở Mù đó là người dân ở đây không bắt chuyện với tôi hòng để bán vài ba thứ đồ lưu niệm hay những đứa trẻ không nở những nụ cười ngây ngô chào khách để mong được cho kẹo.

Cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây hoàn toàn không có khái niệm về những món đồ công nghệ hiện đại như iPhone, iPad… Sự thiếu thốn về vật chất của những đứa trẻ nơi đây sẽ cho bạn thấy bạn đang đủ đầy và may mắn đến nhường nào. Những đứa trẻ nơi đây có điều kiện học tập rất hạn chế nhưng chúng thực sự rất ngoan từ cách cư xử với người lạ đến cách giúp đỡ cha mẹ hằng ngày.

Những đứa trẻ dân tộc đáng yêu ở Mù Cang Chải. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng để lại lòng người những luyến tiếc, nhớ nhung khi ra về. Nhưng mùa xứ Mù đông vui nhất có lẽ chính là khi lúa chín. Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, nếu có dịp lên đây bạn sẽ không thể không thốt lên kinh ngạc trước cảnh đẹp của tự nhiên, của đất trời, và thành quả từ những bàn tay lao động của con người. Những thuở ruộng bậc thang vàng ruộm màu lúa chín uốn lượn nối tiếp nhau đến ngút tầm mắt. Hương thơm của lúa mới sẽ khiến bạn chỉ muốn hít hà cho thỏa. Âm thanh của núi rừng hòa quyện với tiếng nói cười rôm rả của các mẹ các chị đang cúi lưng thu hoạch lúa thật khiến người ta ao ước thứ hạnh phúc giản đơn mà hiếm hoi nơi thị thành này.

Mù Cang Chải vào mùa nước đổ (tháng 5, tháng 6) cũng hiện lên trước ống kính của các nhiếp ảnh gia vô cùng tuyệt vời dù những tấm ảnh mùa này ít xuất hiện hơn mùa lúa chín. Màu xanh của trời in bóng lên những thuở ruộng ngập nước hòa cùng màu đỏ của đất và dường như trở nên hoàn hảo hơn khi lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Khi đó, màu sắc ở xứ Mù là một sự trái ngược hoàn toàn với mùa thu lúa chín rực rỡ, có vẻ lạnh lùng, nhưng huyền bí và cuốn hút theo một cách rất riêng. Bạn vẫn có thể bỡ ngỡ khi nhìn thấy những tấm gương soi khổng lồ trên các mặt ruộng, chả khác gì khi thấy một thảm lúa vàng óng ả.

Mù Cang Chải mùa nước đổ. Ảnh: Lekima Hung

Lên Mù Cang Chải, dân du lịch thường quen chạy cung đường xuôi theo QL 32, qua Nghĩa Lộ, Tú Lệ, sau đó vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, rồi vào đất Mù Cang Chải. Gần đây, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khánh thành, nhiều người đã đổi tuyến chạy qua Lào Cai, vượt đèo Ô Quy Hồ và địa phận Tân Uyên - Than Uyên thuộc Lai Châu rồi mới đến Mù Cang Chải. Tuyến đi mới tuy có dài hơn, nhưng thời gian di chuyển chỉ ngang tuyến đường cũ, đường xá rộng rãi, không đông đúc và có nhiều cảnh đẹp chắc chắn lần đầu bạn nhìn thấy.

Hãy lên Mù Cang Chải một lần để hiểu vì sao nơi đây luôn thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước.

(Theo NgoiSao)

Ba món nhất định phải thử ở ngõ chợ Đồng Xuân

Bước vào con ngõ đầy mùi khói của thịt nướng hay mùi thơm chua dịu của bát bún ốc sẽ làm bạn muốn thưởng thức ngay.
Xem thêm: 5 điểm hẹn ăn uống cuối tuần thú vị ở Hà Nội

Ngõ Đồng Xuân nhỏ, dài chỉ vài trăm mét, nằm bên sườn chợ Đồng Xuân nhưng nổi tiếng là thiên đường ăn uống giá rẻ, mỗi ngày thu hút cả nghìn lượt khách Tây lẫn khách ta.

Bún chả kẹp que tre

Quán bún chả kẹp que tre nằm khuất trong ngõ Đồng Xuân là một trong những quán ít ỏi còn sót lại ở Hà Nội. Quán mở đã lâu năm nên nhiều thực khách ở Hà Nội biết đến bởi món bún chả làm theo phong cách cổ truyền, bọc lá xương xông và kẹp vào que tre, nướng trên than hồng.

Những que thịt được nướng trực tiếp trên bếp than hồng thu hút thực khách. Ảnh:Phong Vinh

Thịt dùng để nướng chả là loại thịt ba chỉ ngon, được thái mỏng, ướp nước mắm, đường, hạt tiêu rồi kẹp vào những que tre nhỏ, trông rất hấp dẫn. Phần chả viên còn có lá xương sông hoặc lá lốt bọc bên ngoài. Điểm đặc biệt thú vị ở quán là thứ gia vị độc đáo mà ít nơi nào có được, nước giấm sấu, giấm me tự làm ăn với bún. Thêm chút nước này vào bát nước chấm cũng mang vị khác lạ, chua dịu, thơm thơm.

Mỗi suất bún chả ngõ Đồng Xuân gồm 2 que chả miếng, 2 que chả băm lá lốt, có giá khoảng 35.000 đồng. Tuy nhiên do quán khá đông vào các buổi trưa, tối nên việc gửi xe phải đưa vào tận trong ngõ.

Bún riêu ốc

Quán bún ốc nhỏ, ít chỗ ngồi nằm gần cuối ngõ chợ Đồng Xuân hàng ngày khách ra vào tấp nập. Vào giờ cao điểm, bạn còn không có cả chỗ ngồi. Có hai loại bún ốc là bún ốc nguội và bún ốc chan. Bún ở đây ngon nhất là phần nước dùng vừa miệng, thơm nhẹ vị nếp cái dùng làm giấm bỗng, thêm chút cay cay của ớt. Ngoài nước dùng ngon, ốc ở đây cũng được xử lý kỹ nên không có vị tanh mà thịt rất mềm, chắc, ăn giòn giòn, béo ngậy.

Bát nước ốc vị thanh thanh ăn kèm bún rối và các loại rau. Ảnh: Phong Vinh

Bún ốc ở đây không thêm giò, chả hay thịt bò theo xu hướng mà nhiều hàng quán đang làm, vì vậy bát bún có vị thanh và nhẹ nhàng hơn hẳn.

Bát bún ốc được ăn kèm với một đĩa rau sống rất tươi, ngoài các gia vị như giấm, ớt tự chưng còn có cả một hũ sấu dầm nước mắm để bạn có thể gia giảm tùy theo khẩu vị của từng người. Giá khoảng 25.000 đồng một bát. Quán khá nhỏ, tốt nhất bạn nên gửi xe ở chợ Đồng Xuân rồi đi bộ vào. Nên ăn vào buổi tối sẽ vắng khách và bạn không phải chờ lâu.

Phở tíu

Phở tíu cũng là một món ăn quen thuộc, khá nổi tiếng ở ngõ chợ bởi sự khác lạ so với phở thông thường. Không nhiều nước như bát phở bò tái, chín, cũng chẳng ít nước như phở trộn, phở tíu được dùng với nước xâm xấp, ăn cùng thịt nạc được thái mỏng, bản to, lạc rang, hành khô.

Phở tíu được trộn với các loại rau thơm như rau mùi, kinh giới, húng. Ảnh: Phong Vinh

Khi ăn thực khách sẽ dùng thìa đũa đảo đều để bánh phở ngấm gia vị, nước trộn. Phở tíu có hương vị thơm, ngậy của hành khô, lạc rang và vị ngọt đậm đà của thịt quay kết hợp với vị chua chua của giấm. Quán nhỏ, đông khách nên muốn không chờ đợi bạn phải tới sớm. Giá bát phở tíu khoảng 25.000 đồng.

Bài đăng phổ biến