Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Mù Cang Chải và hành trình đi tìm sự an yên

Một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt chính là Mù Cang Chải.

Một ngày nào đó nếu bỗng dưng bạn cảm thấy quá mệt mỏi, quá chán nản với những mối lo “cơm áo gạo tiền” với mối quan hệ “chẳng thể đi đến đâu” hay với những áp lực của bộn bề công việc thì “liều thuốc” mà bạn cần nhất chắc chắn là một chuyến đi. Và một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt đó là Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải mùa lúa chín. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải là một huyện miền Tây của tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Những năm trở lại đây xứ Mù được dân ham mê dịch chuyển vô cùng yêu thích. Mù Cang Chải chinh phục và hút hồn người từ con đường đến những cảnh vật xung quanh. Đến Mù Cang Chải bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước bao la đất trời. Bạn sẽ được đắm mình trong sự yên bình của núi rừng Tây Bắc mà quên đi những muộn phiền, âu lo thường ngày.

Điều may mắn nhất đó là hiện nay Mù Cang Chải ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến Mù Cang Chải được dân xê dịch yêu thích đến vậy. Bạn sẽ vẫn thấy những người dân tộc nơi đây vô cùng chân chất, thậm chí nếu bạn dựng lều ven đường người ta sẽ sẵn sàng mời bạn về nhà ngủ. Hay nếu bạn hỏi đường vài ba đứa trẻ đang nô đùa chúng chẳng ngần ngại dắt bạn đến tận nơi bạn tìm. Điều tôi thích nhất ở Mù đó là người dân ở đây không bắt chuyện với tôi hòng để bán vài ba thứ đồ lưu niệm hay những đứa trẻ không nở những nụ cười ngây ngô chào khách để mong được cho kẹo.

Cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây hoàn toàn không có khái niệm về những món đồ công nghệ hiện đại như iPhone, iPad… Sự thiếu thốn về vật chất của những đứa trẻ nơi đây sẽ cho bạn thấy bạn đang đủ đầy và may mắn đến nhường nào. Những đứa trẻ nơi đây có điều kiện học tập rất hạn chế nhưng chúng thực sự rất ngoan từ cách cư xử với người lạ đến cách giúp đỡ cha mẹ hằng ngày.

Những đứa trẻ dân tộc đáng yêu ở Mù Cang Chải. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng để lại lòng người những luyến tiếc, nhớ nhung khi ra về. Nhưng mùa xứ Mù đông vui nhất có lẽ chính là khi lúa chín. Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, nếu có dịp lên đây bạn sẽ không thể không thốt lên kinh ngạc trước cảnh đẹp của tự nhiên, của đất trời, và thành quả từ những bàn tay lao động của con người. Những thuở ruộng bậc thang vàng ruộm màu lúa chín uốn lượn nối tiếp nhau đến ngút tầm mắt. Hương thơm của lúa mới sẽ khiến bạn chỉ muốn hít hà cho thỏa. Âm thanh của núi rừng hòa quyện với tiếng nói cười rôm rả của các mẹ các chị đang cúi lưng thu hoạch lúa thật khiến người ta ao ước thứ hạnh phúc giản đơn mà hiếm hoi nơi thị thành này.

Mù Cang Chải vào mùa nước đổ (tháng 5, tháng 6) cũng hiện lên trước ống kính của các nhiếp ảnh gia vô cùng tuyệt vời dù những tấm ảnh mùa này ít xuất hiện hơn mùa lúa chín. Màu xanh của trời in bóng lên những thuở ruộng ngập nước hòa cùng màu đỏ của đất và dường như trở nên hoàn hảo hơn khi lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Khi đó, màu sắc ở xứ Mù là một sự trái ngược hoàn toàn với mùa thu lúa chín rực rỡ, có vẻ lạnh lùng, nhưng huyền bí và cuốn hút theo một cách rất riêng. Bạn vẫn có thể bỡ ngỡ khi nhìn thấy những tấm gương soi khổng lồ trên các mặt ruộng, chả khác gì khi thấy một thảm lúa vàng óng ả.

Mù Cang Chải mùa nước đổ. Ảnh: Lekima Hung

Lên Mù Cang Chải, dân du lịch thường quen chạy cung đường xuôi theo QL 32, qua Nghĩa Lộ, Tú Lệ, sau đó vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, rồi vào đất Mù Cang Chải. Gần đây, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khánh thành, nhiều người đã đổi tuyến chạy qua Lào Cai, vượt đèo Ô Quy Hồ và địa phận Tân Uyên - Than Uyên thuộc Lai Châu rồi mới đến Mù Cang Chải. Tuyến đi mới tuy có dài hơn, nhưng thời gian di chuyển chỉ ngang tuyến đường cũ, đường xá rộng rãi, không đông đúc và có nhiều cảnh đẹp chắc chắn lần đầu bạn nhìn thấy.

Hãy lên Mù Cang Chải một lần để hiểu vì sao nơi đây luôn thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước.

(Theo NgoiSao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến