Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Món ngon nức tiếng gắn liền phố cổ Hà Nội

Chỉ cần nhắc đến bánh cuốn, bún chả hay chả cá, những người dân bản địa sẽ lập tức nghĩ ngay đến các con phố cổ ở thủ đô lâu nay nổi tiếng với món ăn này.
Xem thêm: 5 điểm hẹn ăn uống cuối tuần thú vị ở Hà Nội

Hầu như không ai rõ từ khi nào, những món ăn này trở nên quen thuộc đối với người Hà Nội và gắn liền tên phố như một thương hiệu rất riêng.

Chả cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng lâu nay là một địa điểm quen thuộc không chỉ với người dân Hà Nội mà còn cả du khách. Nằm trên phố Chả Cá, ngay lối vào quán là bảng hiệu hình ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi câu cá. Bước vào nhà hàng, cảm giác xưa cũ toát lên khi đặt chân lên từng bậc cầu thang gỗ.

Mỗi suất chả cá Lã Vọng có giá 170.000 đồng. Ảnh: Đoàn Xuân

Để làm chả cá ngon, người chế biến phải sử dụng cá nheo, cá quả hay cá chiên cắt khúc, chỉ lấy phần thịt, ướp với các loại gia vị như hạt tiêu, nước mắm, riềng, mắm tôm... khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, cá được kẹp vào vỉ, nướng trên than hồng cho chín vàng.

Khi thực khách ngồi ăn, nhân viên mới cho cá vào chảo mỡ để chiên, ăn cho nóng và không bị tanh. Cùng ăn kèm món này là rau hành hoa, thì là được nhúng trong chảo cho tái, thêm chút bún, rau mùi, húng.

Bún chả Hàng Mành

Nói đến bún chả, nhiều người thường nghĩ ngay đến quán Đắc Kim ở phố Hàng Mành. Không gian quán nhỏ nhưng rất đông, thường ngồi tràn ra vỉa hè.

Bún chả Hàng Mành hấp dẫn thực khách bởi chả rất mềm và được cách pha chế nước mắm rất ngon. Ảnh: foodspotting

Điểm nổi bật ở quán là món chả có hương vị riêng, thịt mềm, dính chút mỡ. Để có miếng chả vàng thơm, người chế biến phải rất cầu kỳ trong khâu chọn nguyên liệu và tẩm ướp. Thịt ba chỉ hoặc thịt nách được băm nhỏ, tẩm ướp gia vị, hành tỏi và nước mắm ngon rồi nướng trên than hoa tạo nên mùi vị thơm quyến rũ. Mỗi suất ăn được chuẩn bị khá đầy đặn, nhiều bún, thịt và có giá 50.000 đồng.

Bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân

Nổi tiếng nhất trong các hàng bánh đúc ở Hà Nội, quán ở Lê Ngọc Hân chiều nào cũng tấp nập khách. Không gian nơi đây nhỏ, hai tầng, nằm khiêm nhường trong ngõ số 8. Bánh đúc Lê Ngọc Hân có hương vị rất ngon, giá lại hợp lý 15.000 đồng mỗi bát.

Bát bánh đúc nóng có cả đậu phụ, ớt chưng. Ảnh: Hưng Simpleman.

Bột làm bánh đúc vừa mềm lại vừa dai, vị ngậy và ấm nóng, chìm trong nước chan đậm đà. Nhân bánh gồm thịt băm xào mộc nhĩ, một chút rau mùi thái nhỏ cho dậy vị, hành phi thơm phức và vài miếng đậu rán vàng ươm. Vị ngọt của thịt quyện cùng hành, rau mùi tạo nên hương vị hấp dẫn không quán nào có được.

Bánh cuốn Hàng Gà

Hà Nội có nhiều hàng bánh cuốn, một trong những nơi nổi tiếng phải kể đến phố Hàng Gà. Bánh cuốn ở đây ngon và mềm hơn hẳn so với các hàng khác và là địa chỉ quen thuộc đối với dân Hà thành.

Cách tráng bánh ở quán này từng được miêu tả trong cuốn Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam. Ảnh: Út Liên

Quán mở cách đây hàng chục năm, điểm hút khách nằm ở lớp bánh mỏng, mềm và nhân được chế biến khéo léo. Bên trong là nhân thịt, nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ, tôm bóc nõn cuộn lại và rắc lên chút hành phi vàng ruộm. Ngoài ra, nước chấm ở đây cũng được pha có độ cay vừa phải, chua dịu. Khách quen tới đây thường chọn nhân tôm thịt nấm để thưởng thức.

(Theo VnExpress)

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Ba quán mì tôm đặc biệt trong lòng phố cổ Hà Nội

Mì chua ngọt, mì gà tần hay mì tim cật giản dị nhưng chế biến khác đi đôi chút, làm hương vị thêm hấp dẫn.
Xem thêm: Những món ăn vặt đầy mê hoặc đất Hà thành

Gói mì mang hình ảnh hai con tôm đỏ, giấy bìa vàng từ lâu đã là một phần ký ức của nhiều thế hệ 7X cho tới 9X. Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hơn, nhiều cao lương mĩ vị hơn nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen ăn các món chế biến từ mì gói.

Ngay trong lòng phố cổ Hà Nội, bạn có thể tìm thấy 3 quán mì tôm được chế biến cầu kỳ hơn đôi chút, dù đơn giản nhưng luôn đông khách vào bất kể khung giờ nào.

Mì chua ngọt Hàng Tre

Mở cửa được tầm nửa năm nhưng quán mì tim chua ngọt ở góc phố Hàng Tre đã có lượng khách rất đông, thường tập trung trước giờ làm buổi sáng. Vẫn là gói mì quen thuộc nhưng chủ quán đã chế biến thêm tim cật và rau cải để ăn no bụng hơn. 
 
Bếp chế biến của quán được đặt ngay ở vỉa hè cho khách ăn yên tâm. Ảnh:Nguyên Chi

Chủ quán sở hữu một bí quyết về món dấm tỏi để chế biến nước dùng, cho mùi vị thơm, chua chua ngọt ngọt, không ngấy cho bát mì đơn giản. Tim cật được xào qua cho chín tới, rau cải cũng được chủ quán thêm vào khá hào phóng nên một bát mì đầy đủ ở đây là no bụng cho một bữa sáng.

Ai đến quán lần đầu cũng sẽ thấy quen bởi đây chính là địa chỉ bánh tráng trộn nổi tiếng trên phố Hàng Tre, nhưng chủ quán tranh thủ bán mì tim vào buổi sáng. Điểm đặc biệt là phần bếp chế biến được đặt ngay trước cửa ra vào, sát vỉa hè. Nào nồi đun dấm tỏi, chảo xào tim cật, nồi nước dùng, tất cả đều bày ngay trước mắt khách ăn, nên bạn có cảm giác yên tâm hơn về khâu vệ sinh.

Khách ăn ngồi ngay trên vỉa hè, chỉ vài chiếc bàn nhựa và mấy chiếc ghế con con nhưng khách đã quen thì luôn tìm tới.

Mì gà tần Hàng Bồ

Không phải quảng cáo nhiều, cư dân trong phố hầu như không ai không biết tới quán mì gà tần ngồi dọc ngã tư Lương Văn Can - Hàng Bồ. Dẫu chẳng có quán xá tử tế, vài chiếc bàn đặt sát đường, ngồi dọc theo vỉa hè chật hẹp của 2 góc phố thì quán mì ở đây hàng chục năm vẫn chẳng khi nào vắng khách, trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực phố cổ. Cứ hễ chủ quán nghỉ bán một hôm hay chuyển địa điểm là giới trẻ mê ăn quà vặt ở Hà Nội lại được phen xôn xao.

Quán mì gà tân nổi tiếng ở góc phố Lương Văn Can. Ảnh: Yến Hoa

Quán chẳng cần biển hiệu, khách quen cứ thế tới, tự biết để xe ở đâu, ngồi vào bàn mà không cần nhân viên đon đả đón khách. Cái thú ăn quà vặt ở Hà Nội là vậy, nhiều khi phải tự phục vụ từ bưng bê đến dắt xe nhưng một khi đã nghiện thì chẳng ai nề hà.

Bát mì ở đây có giá không hề rẻ nhưng hương vị rất ngon nên thương hiệu cứ thế hình thành. Món ăn được tạo thành từ hai nguyên liệu chính, một là nồi gà tần thuốc bắc thơm thoang thoảng đặc trưng với thịt gà, rau ngải cứu, táo tàu, hạt sen, kỳ tử... Nước dùng có vị ngọt của thịt gà, kết hợp với vị đắng nhè nhẹ của các vị thuốc bắc, màu nâu sậm, bốc khói nghi ngút. Thịt gà chắc, thơm ngon, chấm với muối tiêu chanh càng gia tăng vị hấp dẫn của bát mì tưởng như giản dị.

Mì tim Hàng Khoai

Quán mì tim phố Hàng Khoai đông khách về khuya. Ảnh: Tô Nhật Hoàng

Quán mì tim bà Hồng phố Hàng Khoai tuy không được quảng cáo rầm rộ nhưng lại rất đông khách. Quán mở từ khá lâu nhưng theo nhiều thực khách thì chất lượng không hề thay đổi. Bát mì ngọt đậm vị ngọt từ nước luộc thịt, ninh xương, miếng tim dai dai, cuống tim sần sật, rau cải ăn kèm cho đỡ ngán. Chỉ vậy mà dù phải ngồi ở vỉa hè thì cũng chẳng ai phàn nàn. Quán mở từ sẩm tối tới khuya nên có lượng khách không nhỏ là cánh đàn ông sau giờ làm, nghỉ chơi sau trận bóng đá đêm hay các bạn trẻ đi chơi về khuya.

(Theo Ngoisao)

Trà xương sườn nổi tiếng Singapore

Món Bak Kut Teh - trà xương sườn không chỉ là một vị thuốc bổ mà còn có hương vị thơm ngon nên rất phổ biến và được ưa chuộng ở Singapore.
Xem thêm: 4 món ăn trưa cực hút khách ở đảo quốc Sư tử

Bak Kut Teh có nghĩa là trà xương sườn, một món ăn rất quen thuộc và được ưa chuộng ở Singapore. Tuy vậy, đây thực chất lại là một món canh, trong đó sườn heo được hầm trong nhiều giờ cùng nước sốt có tỏi, hành, tiêu với một chút bí quyết nêm các loại thảo mộc và gia vị khác như đinh hương, quế, mùi... Tất cả thành phần hoà quyện một cách hài hoà với nhau, làm nên món súp có hương vị thơm dịu, ngọt thanh mà vẫn rất đậm đà. Món ăn này cũng có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún, quẩy và rau xanh, thường được dùng làm bữa sáng hoặc tối.
 
Bởi thành phần các nguyên liệu chính và cách chế biến mà món ăn được đặt tên là Bak Kut Teh, có nghĩa là trà xương sườn. Ảnh: Yourcoastalbend

Có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của Bak Kut Teh. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và được du nhập vào Singapore từ thế kỷ 19 bởi người Mân Nam. Bên cạnh đó lại có ý kiến khác là món trà xương sườn ra đời từ thời xa xưa ở Singapore.

Tương truyền, một người ăn xin đói khổ tới một tiệm mì thịt heo để xin đồ ăn. Lúc ấy, chủ quán tuy cũng rất khó khăn và thiếu thốn nhưng vẫn động lòng thương cảm. Ông lấy một vài mảnh xương heo còn sót lại ninh lên, nêm vào đó các loại gia vị bình dân mà ông dùng như hồi hương, hạt tiêu để tăng thêm hương vị và tạo cho món ăn có màu như nước trà. Kể từ đó, trà xương sườn ra đời và trở thành món ăn rất phổ biến trong tầng lớp lao động nghèo khó ở Singapore. Bởi được chế biến từ những nguyên liệu rẻ tiền nhưng nó lại có nguồn dinh dưỡng và năng lượng dồi dào đủ để cung cấp cho họ trong cả một ngày dài lao động mệt nhọc.

Món ăn tuy được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản và rẻ tiền nhưng lại có nguồn dinh dưỡng cao. Ảnh: Singapore.com

Khi ăn Bak Kut Teh, để tăng thêm hương vị, người Singapore thường dùng xì dầu có thêm tỏi, ớt băm nhỏ để làm sốt chấm. Ngoài ra trà ô long cũng được uống kèm bởi nó sẽ làm dịu đi độ ngậy và béo của sườn heo, khiến cho món ăn không bị ngán. Hiện nay ở Singapore có hai loại Bak Kut Teh phổ biến nhất là Teochew và Klang. Nước dùng chính là điểm khác biệt giữa hai loại canh này. Trong khi Teochew Bak Kut Teh có vị cay và nồng đặc trưng thì Klang Bak Kut Teh lại có phần nước dùng đậm sánh do có nhiều thảo dược hơn bình thường.

Khi đến Singapore, du khách có thể tìm thấy cửa hàng phục vụ Bak Kut Teh ở bất cứ đâu nhưng những địa chỉ có món ăn này ngon nhất là trên phố Beach Road, New Bridge hay đường Poh Seng.
 
(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến