Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Những trải nghiệm không ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá sinh vật biển trong xác máy bay, xem lân tinh dưới biển hay trượt tuyết trên núi cao 1.500 m là các trải nghiệm du khách thường bỏ qua khi đến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm: Những điều chỉ người Thổ Nhĩ Kỳ mới hiểu

Lặn biển Địa Trung Hải


Chỉ cách Kaş khoảng 10 phút đi tàu, đây là một trong những điểm lặn nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ vì du khách có thể khám phá chiếc máy bay Dakota DC-3 vẫn còn nguyên động cơ, cánh quạt, bộ tiếp đất... Cỗ máy này được sản xuất từ thế chiến thứ hai, từng được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng và bị chìm vào năm 2009, hiện nay đang nằm ở độ sâu 21 m dưới đại dương. Chiếc máy bay trở thành nơi trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển như rùa, bạch tuộc, cá đuối...

Lướt sóng ở bán đảo Çeşme


Du khách mất khoảng một giờ di chuyển từ İzmir đến địa điểm lướt sóng tuyệt nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Gió và sóng chính là yếu tố làm cho bán đảo Çeşme trở thành nơi yêu thích của hầu hết vận động viên và người yêu lướt sóng trên thế giới. Những người mới tập hay đạt trình độ trung bình đều có thể tới lướt sóng ở các vùng vịnh Alaçatı và Urla. Còn các tay chơi chuyên nghiệp với lướt ván diều thì tìm cảm giác mạch ở biển Pırlanta.

Đắm mình dưới biển và ngắm lân tinh

Yakamoz được bình chọn là từ đẹp nhất thế giới năm 2007, nghĩa là “lân tinh” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là “ánh trăng sáng dưới mặt nước” nhưng chỉ hiện tượng khi các sinh vật phù du nổi lên và phát sáng trên biển, để lại ánh sáng lấp lánh. Thời điểm tuyệt vời nhất để trải nghiệm cảnh tượng này là khi trăng non, ánh sáng yếu. Du khách có thể nhào xuống nước và tận mắt ngắm nhìn “Yakamoz”.

Ngắm thành phố cổ đại từ máy bay


Ephesus, nơi lưu dấu của đế chế La Mã xưa, hiện còn lại tòa tháp thư viện của Celsus và nhà hát lớn có 25.000 ghế ngồi. Hàng triệu du khách tới đây thường chỉ xem những khu sàn đá hoa cương, mà rất ít người ngắm toàn cảnh Ephesus từ trên cao. Ngồi máy bay là cách hay nhất để bạn thấy được kích cỡ cũng như bề dày lịch sử của thành phố cổ đại này.

Cùng gia đình trải nghiệm cuộc sống hoang dã


Thị trấn Dalyan, nằm trong khu bảo tồn đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi có vùng đất thấp ven biển, hồ nước ngọt Köyceğiz, sông Dalyan nối liền biển Địa Trung Hải. Ngoài ra Dalyan còn có bãi biển İztuzu, nơi sinh sản của loài rùa quý hiếm. Bạn có thể ngồi thuyền qua sông, đi bộ xuyên những khu rừng nhỏ tới thành phố cổ Kaunos, thả lỏng cơ thể trong các bể tắn bùn hay suối nước nóng gần sông Dalyan và hồ Köyceğiz. Hoặc du khách đi thuyền khám phá thế giới tự nhiên, hoang dã của các loài dê, lừa, rùa, cua xanh, cá đối xanh…

Trekking kết hợp khám phá ẩm thực


Dân trekking ở Thổ Nhĩ Kỳ hay nghe tới con đường Lycian ven theo bờ biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, đất nước này còn rất nhiều lối đi hấp dẫn hơn. Bạn có thể kết hợp đi bộ và khám phá ẩm thực ở tỉnh Çorum bằng cách đi theo hướng đông từ Ankara. Đây là lối đi của những chuyến giao thương thời xa xưa ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là con đường nhập cư vào đất nước này. Thời gian đi đẹp nhất là khoảng tháng 4 – 11, con đường ẩm thực bao gồm 25 lối đi bộ, 7 lối đạp xe và 702 km cho người đi ô tô.

Trượt tuyết trên núi cao 1.500 m


Mọi người thường nghĩ đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ là tận hưởng mùa hè với các môn chơi trên biển. Khoảng tháng 11 – 4, các ngọn núi lại là nơi đáng đến nhất. Dân trượt tuyết đều đến với khu nghỉ dưỡng Karrtalkaya, chỉ cách Istanbul 3 giờ đi, nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển trên dãy núi Köroğlu. Đây là điểm vui chơi mùa đông tuyệt vời. Tới đây, du khách có thể tham quan, thử sức mình ở Dorukkaya, công viên trượt tuyết duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hương Chi (theo Matadornetwork)

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Nguồn gốc bánh trứng Macao nổi tiếng

Món bánh trứng biểu tượng của ẩm thực Macao thực chất bắt nguồn từ một loại bánh pa tê sô của Anh. 

Nhiều người thường nghĩ món bánh trứng nổi tiếng ở Macao là sản phẩm mà người Bồ Đào Nha mang tới trong thời gian đô hộ. Nhưng thực chất, bánh trứng "huyền thoại" Macao ngày nay được một thợ làm bánh người Anh sáng tạo ra. Adrew Stow là tác giả món bánh trứng đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Macao, biến đảo Coloane thành thiên đường dành cho những du khách yêu thích món bánh pastry (bánh ngàn lớp) trên khắp thế giới.
Món bánh trứng nổi tiếng mê hoặc cả những thực khách khó tính nhất.

Đến thăm cửa hàng bánh khiêm tốn của Stow ngày nay, thử một miếng bánh pastel de nata lấy cảm hứng từ bánh tarts với lớp vỏ pastry xốp, nhân kem trứng béo ngậy và sốt caramen bên trên, khiến người ta nhớ đến hương vị quen thuộc của Stow sau 10 năm ông mất. “Anh ấy lao vào mọi thứ và chẳng có sự e dè nào khi trong bếp”, bà Eileen, em gái của Stow chia sẻ. “Anh ấy như ông lão 60 tuổi trong thân hình một thanh niên, bởi vậy anh ấy chẳng bao giờ sợ việc thay đổi các công thức để biến chúng thành của riêng mình”.
Bên trong tiệm bánh Lord Stow trên đảo Coloane.

Stow mở tiệm bánh nổi tiếng Lord Stow tại quảng trường trung tâm trên đảo Coloane từ năm 1989. Khi đến đây, ông làm việc với vai trò dược sĩ công nghiệp, đầu tư vào doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhưng thất bại. Sau đó ông quyết định mở một tiệm bánh.

“Vào những năm 80, nhiều người Bồ Đào Nha đến Macao lập nghiệp bởi ai cũng nhận thấy nhiều cơ hội lớn với nền kinh tế đang phát triển ở đây”, Jason Wordie, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, tác giả cuốn Macao – Con người và Địa danh, Quá khứ và Tương lai giải thích. Vào thời điểm đó, bánh tart sữa trứng bán trong các tiệm bánh địa phương có lớp vỏ mỏng được nhập khẩu từ Hong Kong, ảnh hưởng nhiều của bánh tart trứng Anh quốc và trông hình thức chưa hấp dẫn.

Khách sạn Hyatt Regency Macao cũng từng phục vụ bánh trứng trong bữa ăn tự chọn nhưng là phiên bản bánh trứng pastel de Belem của Lisbon, có nhiều nhân sữa trứng giống thạch hơn và thêm bột ngô. Không đi theo công thức bánh trứng truyền thống của Hyatt, Stow sáng tạo công thức của riêng ông, loại bỏ bột ngô với cảm hứng từ những chiếc bánh trứng ngậy kem kiểu Anh. Stow không dùng khuôn mà dùng tay làm vỏ bánh.

Kết quả của sự phối hợp công thức kiểu Bồ Đào NhaAnh là chiếc bánh trứng mang hơi thở xứ sở sương mù nhiều hơn, nhẹ, vỏ xốp và sốt caramel bên trên. Phần sốt caramel giữ nguyên từ phiên bản bánh trứng Bồ Đào Nha được sáng chế bởi những vị tu sĩ thế kỷ 18 trong Tu viện Jeronimos tại giáo xứ Belém.
Hàng dài người xếp hàng để thưởng thức bánh trứng Macao. Ảnh: Cherilucas.

Các cửa hàng bánh trứng Stow mở đều thành công. Mặc dù lúc đầu có gặp khó khăn bởi người Bồ Đào Nha thì coi thường loại bánh lai tạp và người Trung Quốc lại nghĩ những chấm sốt caramel trên mặt bánh gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên sau đó, tiệm bánh Lord Stow trên đảo Coloane đột nhiên trở nên nổi tiếng.

Các nhà báo bắt đầu viết về ông và tiệm bánh nhỏ như một điểm du lịch ẩm thực cần phải ghé thăm khi đến Macao. Năm 1997, Stow mở cửa hàng đầu tiên tại Hong Kong. Bánh trứng với công thức đặc biệt của ông nổi tiếng khắp thế giới. Hàng dài người xếp hàng chờ được nếm thử “một miếng từ thiên đường”. Từ đó, bánh trứng tiệm Lord Stow trở thành hình ảnh quen thuộc của ẩm thực Macao.

Như Bình (theo BBC)

Vẻ đẹp miền núi phía Bắc Việt Nam trên báo nước ngoài

Bộ ảnh Việt Nam của nhiếp ảnh gia Rehahn được trang Boredpanda đăng tải, chủ yếu xoay quanh con người và phong cảnh ở vùng núi phía Bắc.
Xem thêm: Việt Nam qua những tấm hình siêu rộng


Miêu tả về Việt Nam, trang Boredpanda viết nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hút khách trong hơn thập kỷ qua với người dân thân thiện, phong cảnh hoang sơ và nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Trên hình là dòng sông Nho Quế nhìn từ đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang.

Bắt nguồn từ cảm hứng đó, nhiếp ảnh gia Pháp tiếp tục thực hiện hành trình 12 ngày khám phá miền núi phía bắc Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng... Trên hình là một phụ nữ Dao Đỏ.


Cụ ông Lùng Leo Phố, 78 tuổi, dân tộc La Chí. Trò chuyện với Rehahn, ông cho biết mình phải dành nhiều ngày để dẫn nước về nhà bằng những đường ống làm bằng tre.


Từ ngọn núi cao lớn đến ruộng lúa xanh rì hay ánh nhìn thơ ngây của trẻ em dân tộc, Rehahn đã mang đến cho người xem vẻ đẹp ẩn giấu của đất nước Đông Nam Á này. Đây ảnh là hoàng hôn trên ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.


Lân Thị Lợi là một bé gái dân tộc Lô Lô Đen. Em sống ở một ngôi làng nhỏ, gần Bảo Lạc (Cao Bằng). Em không biết nói tiếng Kinh vì em không đi học.


Hai chị em đang chơi đùa ngay bên cạnh đường.


Cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang.


 chị em dân tộc Mông đang ăn cơm trưa.


Ngôi nhà chênh vênh trên cao nguyên đá.


Với những bức hình ghi được sau chuyến đi, anh đang lên kế hoạch cho cuốn sách ảnh sắp tới của mình về hơn 50 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trước đó, anh từng cho ra mắt cuốn sách ảnh "Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản".

Vy An - Ảnh: Rehahn

Bài đăng phổ biến