Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Con đường đặc biệt chỉ xuất hiện vào mùa đông

Mùa hè, sông Zanskar chảy ở các hẻm núi sâu của dãy Himalaya nhưng đến mùa đông, nó biến thành một con đường băng đá dày và là lối đi duy nhất ở vùng núi hiểm trở và biệt lập này.

Biệt lập trong hàng thế kỷ

Bao quanh là rất nhiều núi cao của dãy Himalaya hùng vỹ, ước tính độ cao trung bình của các đỉnh núi là 3.600 m, đỉnh cao nhất của khu vực thung lũng Zanskar (Ấn Độ) là 7.000 m nên nơi này bị tách biệt với thế giới bên ngoài trong hàng thế kỷ. Zanskar là một phần của vùng Ladakh mà người dân nhắc đến là: "Vùng đất cằn cỗi và quá cao tới nỗi chỉ có những kẻ thù hung dữ nhất hoặc bạn bè tốt nhất mới muốn đến đây thăm chúng tôi".

Điểm sáng

Nằm biệt lập so với thế giới vì đặc điểm địa lý và không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài, Zanskar vẫn là một trong những thành lũy cuối cùng của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng cổ. Tuy nhiên, thung lũng này dần trở thành một điểm sáng trong vài năm trở lại đây khi BBC tới đây quay chương trình Human Planet. Chương trình nói về những đứa trẻ phải đi bộ khoảng 100 km để tới trường học sau kỳ nghỉ đông.

Những thay đổi

Ban đầu Zanskar là một cộng đồng dân cư nhỏ bé tự duy trì bằng các hoạt động như chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Tuy nhiên cùng với những thay đổi, giáo dục dần trở thành ưu tiên hàng đầu, trẻ em được gửi tới các thị trấn lớn như Kargil hay Leh để đi học.
Vào mùa hè, người dân địa phương gửi con cái tới trường, đi buôn bán hoặc tìm việc bên ngoài bằng cách đi qua một con đường có từ năm 1979 để kết nối vùng thung lũng xa xôi với Kargil. Trước khi có đường đi, người dân phải di chuyển rất vất vả vượt qua các địa hình núi cao để ra ngoài vào mỗi mùa hè.

Con đường băng thay thế

Vào mùa đông, tuyến đường dài 230 km xuyên qua vùng núi cao 5.000 m gọi là Penzi La không thể sử dụng được vì những đợt tuyết lớn. Tuy nhiên, người dân Zanskar đã có một lối đi để ra khỏi thung lũng dù thời tiết lạnh lẽo. Đó chính là dòng sông Zanskar khi bị đóng băng ở nhiệt độ - 40 độ C, nước sông đông cứng tạo lớp băng dày trên bề mặt. Mọi người gọi đây là Chadar, liên kết Zanskar với các vùng bên cạnh vào các tháng đông giá lạnh.

Xem thêm: Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Sự phức tạp của băng đá tự nhiên

Từ lớp băng cứng trải rộng khắp vùng, tuyến Chadar bao quanh cả một khu cảnh quan khổng lồ. Dòng chảy nhanh sâu phía dưới các phiến băng và điều kiện thời tiết tạo ra áp lực cực lớn lên bề mặt băng đông cứng.

Nghệ thuật đi bộ trên băng

Tuyến đường bằng băng Chadar dài chừng 100 km là lối đi duy nhất cho những người dân sống trong vùng thung lũng hẻo lánh Zanskar. Sự di chuyển này chỉ diễn ra vào khoảng tháng 1, 2 dù khi đó điều kiện tự nhiên thử thách con người với bề mặt sông vừa tan vừa đóng băng. Tuy vậy, người Zanskar vẫn đi bộ ở khu vực tưởng chừng không thể vượt qua này.

Kỹ năng đi trên mặt băng

Đối với người ở nơi khác tới phải mất khoảng 7 - 10 ngày mới đi hết Chadar, tuy nhiên đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ Zanskar chỉ tốn 4 ngày di chuyển. Họ mang theo hành lý bằng một chiếc xe gỗ kéo. Họ kéo chúng qua mặt sông đóng băng một cách nhanh nhẹn, rất hiếm khi bị trượt, ngã.

Cầu nguyện cho chuyến đi an toàn

Ở vùng đất khắc nghiệt, niềm tin kiên định trở thành một chỗ dựa vững chắc. Người Zanskar tin vào các vị thần sẽ phù hộ cho họ khi vượt qua chặng đường khó khăn một cách an toàn. Họ treo rất nhiều cờ, cắm hương trầm và khata (một loại khăn truyền thống trong các lễ hội) bên lề đường.

Nơi trú ẩn tránh lạnh giá

Những vách đá bao quanh con sông băng trong hẻm núi ẩn chứa một số động nhỏ có thể trở thành nơi ở tạm thời cho người dân trên đường di chuyển. Dân bản xứ đã dùng các hang này từ hàng thế kỷ qua như điểm tạm dừng, họ nói rằng những không gian nhỏ này khá là ấm cúng và có thể giữ nhiệt.

Những mối đe dọa tới vùng hoang dã

Từ xưa, khi con đường băng giá hình thành từ mặt sông vẫn còn là một cảnh tượng thiên nhiên hoang tàn. Nơi đây chỉ xuất hiện một số loài vật như cừu xanh hay báo tuyết. Ngày nay, con người đã có mặt ở hầu hết các chặng của tuyến đường. Chadar được mệnh danh là "tuyến trekking hoang vu nhất trên thế giới", tuy nhiên các tác động thương mại và du lịch đang đe dọa hệ sinh thái nhạy cảm và nền kinh tế của khu vực.

Xem thêm: Hành trình theo chân các nhà thám hiểm vĩ đại

Tác động từ biến đổi khí hậu

Năm ngoái, một vụ lở đất ở gần sông Zanskar đã làm cho tuyến đường bộ bị đóng cửa suốt mùa đông. Năm nay, băng không hoàn toàn đông cứng làm cho người dân địa phương chờ hoặc buộc phải vượt qua vùng nước lạnh. Với một con đường mới đang xây dựng và nhiệt độ tăng lên từng ngày, tuyến đường bằng băng đá tuổi đời hàng thế kỷ của vương quốc cổ đại ở Zanskar sẽ sớm chỉ còn trong truyền thuyết.


Theo BBC, Vnexpress

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

9 nguyên tắc ứng xử khi đến Nhật

Nhật là đất nước tương đối cô lập giữa đại dương. Nhiều du khách sẽ cảm thấy một số nguyên tắc ứng xử ở xứ sở mặt trời mọc khá kỳ lạ.

1. Luôn tháo giày khi vào nhà

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, cần phải biết đầu tiên khi du lịch Nhật Bản. Nếu có người mời bạn vào nhà, đừng quên tháo giày và đặt trên kệ ở lối ra vào.


Xem thêm: 10 mẹo để tránh sốc văn hóa khi du lịch

2. Ưu tiên phụ nữ là điều không phổ biến

Cử chỉ lịch thiệp có nguồn gốc từ phương Tây, khi đàn ông luôn nhường phụ nữ đi trước, giữ cửa thang máy…rất hiếm thấy ở Nhật Bản.
Du khách nữ khi bước đến cửa một tòa nhà, nơi một người đàn ông Nhật vừa đi ra, đừng mong đợi họ sẽ giữ cửa mở để chờ bạn vào. Tất nhiên, không phải mọi người đàn ông Nhật Bản đều như vậy.

3. Cúi chào liên tục


Đây được xem là hành động lịch sự tối thiểu. Cúi đầu thể hiện bạn tôn trọng người đối diện, thay cho lời chào.

4. Luôn xếp hàng

Chen hàng là một trong những cử chỉ thô lỗ tại xứ sở Phù Tang. Ngay cả khi có việc gấp như sắp trễ tàu, người Nhật đều tuân thủ nguyên tắc này một cách tuyệt đối.

5. Trường đại học là sàn diễn thời trang

Giới trẻ, sinh viên các trường đại học ở Nhật Bản rất quan tâm đến trang phục. Nhiều sinh viên, nhất là nữ giới, đi học với váy và giày cao gót như đang đi dự một buổi tiệc.

6. Có riêng đội ngũ nhồi nhét người vào tàu cao tốc


Tàu hỏa, tàu cao tốc ở Nhật Bản đặc biệt đông đúc vào buổi sáng và những giờ tan tầm. Các trạm dừng có một đội ngũ riêng, có nhiệm vụ đẩy, nhồi nhét hành khách vào các toa xe để tàu khởi hành đúng giờ.

Xem thêm: Bí kíp để có chuyến du lịch châu Á vui vẻ

7. Luôn nói Itadaki masu trước khi ăn

Cụm từ Itadaki masu là một lời mời, phép lịch sự cơ bản trước khi bắt đầu bữa ăn. Hãy đặt tay lên ngực và nói câu này trước khi cầm bát đũa. Ngoài ra, sau khi ăn xong, du khách có thể nói Gochiso sama, như một lời cảm ơn.

8. Tạo tiếng động khi ăn mì


Xì xụp húp một bát mì được xem là cử chỉ lịch sự tại Nhật Bản, cho thấy thực khách rất thích món ăn này. Tuy nhiên, du khách chỉ nên tạo tiếng động khi ăn mì nước bằng một cái bát/tô.

9. Ăn bạch tuộc sống

Bạch tuộc sống là món ăn rất được người Nhật yêu thích. Khi con vật bị cắt thành nhiều phần, cơ thể nó vẫn chuyển động. Đừng ngần ngại chấm một cái vòi đang ngoe nguẩy vào nước tương và ăn ngay.
Ngoài ra, các món ăn sống tại Nhật Bản còn bao gồm mực, tôm, bào ngư...


Theo Wasa-bi, Zing

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Là ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) đang trở thành điểm đến mới lạ với du khách thích khám phá mùa hoa dã quỳ.


Chư Đăng Ya, theo tiếng của người J'rai có nghĩa là củ gừng dại. Ngày nay, nơi đây còn mang dấu tích của núi lửa từng hoạt động hàng triệu năm với miệng núi hình phễu, những viên nham thạch lẫn trong đất đỏ bazan màu mỡ. 


Khởi hành từ thành phố Pleiku, du khách đi khoảng 30 km về hướng đông bắc sẽ tới xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này chính là con đường hoa dã quỳ dẫn tới chân núi lửa.



Điểm nhấn của núi lửa Chư Đăng Ya chính là sắc vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ. Nơi đây, du khách sẽ dễ bắt gặp, làm quen với những đứa trẻ tinh nghịch ở buôn Plơi Iagri, một làng cổ của người J'rai dựng dưới chân núi.


Từ tháng 11 trở đi là mùa hoa dã quỳ bung nở trên khắp Tây Nguyên. Ở Chư Đăng Ya, hoa dã quỳ bung nở sặc sỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi bởi thứ đất đỏ phì nhiêu nuôi dưỡng cây cối.


Dã quỳ là loài hoa gắn với truyền thuyết tình yêu của đồng bào Tây Nguyên. Hoa thường nở vào cuối tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm.


So với những nơi khác ở Gia Lai, nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1-2 độ do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Miệng núi không có nước và cũng không ai mang được nước lên lên đây nhưng hoa cỏ, cây cối trên núi vẫn xanh tươi.


Theo những bậc cao niên ở buôn Plơi Iagri, từ thời Pháp thuộc, sườn núi lửa Chư Đăng Ya được tận dụng để trồng cà phê nhưng sau năm 1970, một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi toàn bộ đồn điền cà phê. Ngày nay, đất đai trên núi được chia đều cho nông dân trong xã để canh tác hoa màu như bí đỏ, khoai lang, dong riềng...


Một nhánh cây khô nổi bật giữa sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. 


Người dân thu hoạch củ dong riềng, một trong những loại cây trồng chủ đạo ở giữa miệng núi lửa vì chịu được khô hạn.



Bí đỏ và khoai lang được xem là sản vật nổi tiếng ở Chư Đăng Ya. Theo người dân địa phương, từ nhiều năm, nhờ đất đỏ bazan trên núi nên củ quả trồng được đều tươi tốt, đậm đà, ngọt bùi hơn so với những nơi khác. 


Những đứa trẻ J'rai mang gùi lên rẫy dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. 


Không chỉ có hoa dã quỳ, khi lên đỉnh Chư Đăng Ya, du khách sẽ có dịp khám phá những bãi cỏ xanh ngút ngàn, giống như đi giữa thảo nguyên.


Theo Vnexpress

Bài đăng phổ biến