Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Nếu chọn ra một thứ bánh thuần Việt nhất, ngoài bánh chưng, bánh dày ra thì bánh gio Bắc Giang nằm trong số bánh trái quê nhà giản dị mà lại đầy tinh tế, phổ biến trong các buổi chợ phiên.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Bánh gio gần như không phải riêng của một làng quê cụ thể nào cả, mà là thứ bánh chung của mọi phiên chợ quê. Sở dĩ có tên gọi là bánh gio (bánh tro) vì nước dùng ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau.

Bánh gio là thứ bánh được làm từ gạo nếp và… gio. Không phải thứ “gio” (hay còn gọi là tro) nào cũng làm được bánh. Phải là gio của lá gai lễ ốc (lá găng), lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp. Gio được hòa tan với nước, lắng trong rồi ngâm với gạo nếp cái hoa vàng sẽ cho ra màu nâu vàng trong, lóng lánh như màu hổ phách và tạo ra vị ngai ngái đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Để màu bánh lên đẹp mắt thì việc canh liều lượng nước tro ngâm là quan trọng nhất. Tỷ lệ tro và nước vôi trong hợp lý bởi nếu quá tay bánh sẽ bị nồng, mất ngon. Dùng nước này ngâm gạo nếp đã đãi sạch khoảng 4-5 tiếng rồi vớt ra, để ráo.

Cũng như gói bánh chưng, lá gói bánh gio khi nhúng qua nước sôi phải giữ được màu xanh để tạo nên màu bánh hấp dẫn. Lá gói bánh là lá dong rừng, chọn lá to, bánh tẻ, tước hết gân lá.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Giai đoạn gói bánh đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ. Gạo để ráo nước, pha thêm chút muối rồi được gói vào lá dong, tỉ mỉ nén chặt và tản gạo thật đều cho bánh gọn và đẹp mắt. Gạo phải nằm gọn trong lòng chiếc lá, xong quấn lá, bẻ mép hai đầu cho khít rồi lấy lạt mềm buộc lại, không được buộc quá chặt nhưng cũng không được buộc lỏng.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ vớt ra để nguội. Bánh gio luộc chín có màu vàng nâu (màu hổ phách) trông rất bắt mắt, hấp dẫn và thường được ăn kèm với đường hoặc mật. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện với vị ngọt của đường và sự tài hoa, khéo léo của người thợ làm bánh. Đặc biệt, bánh gio có thể để được từ 5-7 ngày. 

Bánh gio rất dễ tiêu hóa vì thế có thể ăn khi đang đói hoặc khi bụng đã no, bánh còn có hể giảm độ béo khi vừa ăn những đồ ăn giàu đạm, mỡ. Theo kinh nghiệm dân gian, bánh gio còn chữa được kiết lỵ.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Ở nhiều nơi, bánh gio chỉ được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) hay Tết Nguyên đán nhưng với người dân Đa Mai, bánh được làm hàng ngày để bán tại các chợ, giao cho các nhà hàng hoặc làm quà biếu khách phương xa. Trải qua thời gian với bao đổi thay của cuộc sống song người dân Đa Mai vẫn giữ được nghề làm bánh gio - món ăn dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Đã đến Bắc Giang, ghé thăm làng Đa Mai, du khách đừng quên thưởng thức món bánh giản dị hấp dẫn này.


Tổng hợp

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Dạo chơi ở đồi chè Đông Giang, Quảng Nam đẹp như tranh vẽ

Đồi chè Đông Giang, Quảng Nam với khung cảnh đẹp bình yên như tranh vẽ, là điểm đến giúp bạn tạm quên đi mọi muộn phiền, mỏi mệt. Hơn thế nữa, khi đến đây bạn cũng có thể ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời giữa thiên nhiên xanh ngát.



Đồi chè Đông Giang thuộc địa phận xã Jơ Hây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây bốn mùa tươi tốt, mỗi mùa lại khoác lên mình một vẻ đẹp khác nhau, mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.

Mùa xuân căng tràn sức sống, những búp chè non mơn mởn vươn mình đón nắng gió của nhân gian để sinh sôi nảy nở. Mùa hè, dưới nắng vàng ươm như rót mật, màu xanh của chè hòa lẫn nền trời càng thêm hấp dẫn. Mùa thu, khi đất trời mát mẻ, dịu êm hơn sẽ thích hợp để bạn thư thái giữa thiên nhiên rộng lớn. Hay mùa đông, gió lạnh đìu hiu, nơi đây lại khoác lên màu áo lạnh giá nhưng đầy quyến rũ.


Nếu muốn có được những khoảnh khắc đẹp nhất ở đồi chè Đông Giang thì bạn nên tranh thủ dậy thật sớm. Bởi sáng sớm là thời điểm đồi chè đẹp nhất, chạm nhẹ những hạt sương mai mỏng manh còn đọng lại trên lá chè, chờ khi tia nắng chiếu soi, chúng biến hóa thành những hạt long lanh tựa thủy tinh, thanh khiết và đầy sức sống.


Giữa miền Trung khô cằn nắng cháy lại có một đồi chè xanh bát ngát như là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng. Con đường dẫn lên đồi chè Đông Giang cũng khiến người ta mê đắm bởi hai bên là đồi núi trùng điệp, hùng vĩ.


Nhìn từ xa, những luống chè tựa như những dải lụa vắt ngang mời gọi du khách dừng chân ghé thăm. Đồi chè Đông Giang tuy không bao la rộng lớn như các đồi chè ở Thái Nguyên, Sơn La hay Đà Lạt nhưng nơi đây vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với những ai yêu thích du lịch tìm về thiên nhiên.

Hơn thế nữa, khi đến với đồ chè bạn còn được các bác nông dân giới thiệu và hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch chè tươi vô cùng thú vị. Bạn sẽ hiểu rằng để làm nên được những cốc nước chè ngon cần đến rất nhiều công sức và sự tỉ mẩn.


Sau chuyến đi, những hình ảnh ghi lại được ở đồi chè sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá sắc màu cuộc sống.

Theo Wanderlust Tips | Cinet

Du lịch Bangkok, Thái Lan và những cung điện lộng lẫy

Du lịch Bangkok, ngoài việc chiêm bái những ngôi chùa dát vàng hay càn quét chợ Chatuchak sầm uất; bạn đừng quên ghé qua những cung điện lộng lẫy bên dưới. Đây chính là một minh chứng cho sự hùng mạnh cũng như tinh thần chiến đấu ngoan cường giữ vững giang sơn gấm vóc qua hàng thế kỷ của đất nước Thái Lan

Du lịch Bangkok, Thái Lan và những cung điện lộng lẫy

Đại Hoàng Cung Grand Palace 

Đại Hoàng Cung Grand Palace

Tọa lạc tại khu trung tâm thủ đô Bangkok, quần thể kiến trúc cung điện Hoàng gia Grand Palace được xem là niềm tự hào lớn nhất của người dân Thái Lan. Quần thể kiến trúc hoành tráng này nằm trong khuôn viên rộng hơn 2km2, gồm 3 khu vực chính: Hoàng cung, Văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa xây dựng từ những năm 1772. Cung điện vẫn là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện quan trọng, trong đó có cả lễ đăng quang của nhà vua. 

Ngôi Tháp lớn nhất ở đây gọi là Phra Sri Rattana, mang hình dáng như một ngọn núi lớn, bao phủ hàng triệu lá vàng dát mỏng nhập về từ Ý, được dùng để quàn ướp thi hài các nhà vua vừa qua đời. Trấn giữ quanh tháp là tượng những chú voi uy nghiêm, biểu tượng của đất Thái. 

Bên cạnh đó, còn có ngôi chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) xây dựng năm 1785, rộng 945.000m², gồm hơn 100 tòa nhà cao tầng. Không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp kết hợp nhiều kiểu kiến trúc đậm chất Phật giáo, mà ngôi chùa còn là biểu tượng linh thiêng khi sở hữu bức tượng Phật bằng ngọc bích, một báu vật trấn quốc quý hiếm, được tin rằng sẽ mang đến may mắn, phồn vinh, và hưng thịnh cho đất nước. 

✪ Địa chỉ: Na Phra Lan Rd, Khwaeng Phra Borom Maha Ratchawang, Khet Phra Nakhon. 
✪ Giờ mở cửa : 8h30 – 15h30 

Cung điện Ananta Samakhom 

Cung điện Ananta Samakhom

Ananta Samakhom nằm gần cung điện mùa hè Dusit Palace, được khởi dựng vào thời vua Rama V, nhưng mãi đến thời vua Rama VI mới hoàn thành. Mục đích xây dựng cung điện lúc bấy giờ là dùng làm nơi đón tiếp các quan khách nước ngoài và tổ chức hội nghị của hội đồng cố vấn Hoàng gia về vấn đề phát triển đất nước. Ngày nay, ngoài việc phục vụ các chuyến thăm ngoại giao, cuộc họp của nhà nước và những dịp kỷ niệm của Hoàng gia, cung điện còn là điểm du lịch được nhiều du khách thập phương đến tham quan. 

Được thiết kế theo lối kiến trúc thời Phục Hưng kết hợp kiến trúc truyền thống Thái Lan, hai tầng cung điện Anata Samakhom đều lát đá cẩm thạch, phần mái vòm được nhấn nhá bằng bức bích họa tuyệt mỹ tái hiện lại những sự kiện của Hoàng gia từ thời vua Rama I đến vua Rama VI. Bên trong là 24 khu vực nhỏ trưng bày những món trang sức chạm trổ lộng lẫy cùng những tác phẩm mô phỏng vật dụng hoàng gia chế tác công phu và tỉ mỉ như ngai vàng, ghế ngồi trên lưng voi, lọng che, mô hình thuyền rồng của vua,… Căn phòng dài ở tầng phía trên nổi bật với những họa tiết La Mã nổi và hình ảnh hoa cỏ đậm nét phong cách nghệ thuật Baroque và thời Kỳ Phục Hưng. 

✪ Địa chỉ: 71 Uthong Nai Alley, Khwaeng Dusit, Khet Dusit. 
✪ Giờ mở cửa : 9h30 – 16h (trừ thứ Hai).

Cung điện mùa hè Vimanmek Mansion

Cung điện mùa hè Vimanmek Mansion

Được xây dựng chủ yếu bằng gỗ teak, cung điện Vimanmek Mansion được mệnh danh là Cung điện Mùa hè của vua Rama V do được phủ một màu vàng sẫm quyền quý, nguyên là một cung điện hoàng gia của Thái Lan vào đầu thế kỷ 20. Thực tế thì vua Rama V chỉ ở đây trong khoảng thời gian 5 năm (1901 -1906), sau đó thì cung điện bị bỏ trống và mãi đến năm 1925, vua Rama V mới cho phép Hoàng hậu Indharasaksaji đến đây ở. Từ năm 1932, cung điện bị biến thành nhà kho lưu giữ mọi vật dụng của Hoàng gia, và hiện nay là một viện bảo tàng về vua Rama V. 

Vimanmek Mansion lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị từng được các vị hoàng đế, vương phi, hoàng tử, công chúa sử dụng lúc sinh thời như: 7 ngai vàng của 7 triều đại hoàng đế, tượng Phật bằng vàng, những chiếc ngà voi dài hơn 1m, những bộ gốm sứ có niên đại hơn 200 năm, sản phẩm thủ công vàng bạc, đá quý, điêu khắc gỗ, hàng tơ lụa… Căn phòng vua Rama V đã từng ngủ được thiết kế theo kiểu Châu Âu, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại nhất Thái Lan lúc bấy giờ như: bồn rửa mặt, vòi hoa sen, nhà vệ sinh dội nước tự động,… 

✪ Địa chỉ: 5/1 Ratchawithi Rd, Khwaeng Dusit, Khet Dusit. 
✪ Giờ mở cửa : 9h30 – 16h30, trừ những ngày lễ như Tết Dương Lịch 1/1; Tết Songkran 13-15/4; ngày mất vua Chulalongkorn 23/10,… 

Lưu ý khi tham quan cung điện

Lưu ý khi tham quan cung điện

✓ Nên ăn mặc giản dị, không mặc quần áo mỏng nhìn xuyên thấu, không để vai trần hay váy ngắn,… Nam phải mặc quần dài, áo sơ mi có tay. Nếu bạn có trang phục không đúng cách thì có một gian nhà gần lối vào để bạn có thể thuê hoặc mua quần áo. 
✓ Nếu bạn đi dép hoặc dép xỏ ngón thì phải mang tất (nói cách khác là không được đi chân trần dù bất kể dưới hình thức nào). 
✓ Không sử dụng máy ảnh, máy quay phim khi ở bên trong cung điện. 
✓ Không gây ồn ào hoặc đùa giỡn lớn tiếng. 
✓ Trong bất kỳ trường hợp nào, phụ nữ cũng không được chạm hay đưa, nhận bất cứ vật gì trực tiếp cho các nhà sư. 
✓ Không leo trèo lên bất kỳ tượng Phật nào vì những hành động xúc phạm đến tín ngưỡng có thể bị phạt tù.


Nguồn: tổng hợp

Bài đăng phổ biến