Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Vòng quanh thế giới ngắm trang phục cưới truyền thống của các cặp đôi

Lựa chọn trang phục trong ngày cưới là một trong những vấn đề đặc biệt được quan trọng vào sự kiện trọng đại của cuộc đời. Và với trang phục truyền thống, mỗi quốc gia khác nhau lại có nét đặc trưng văn hóa riêng.Xem thêm: Những cầu treo ổ khóa tình yêu nổi tiếng trên thế giới
Váy cưới màu trắng cổ điển ngày nay đã trở nên phổ biến. Ít ai biết rằng, chính Nữ hoàng Victoria là người đầu tiên khởi xướng nên xu hướng diện váy cưới màu trắng khi bà kết hôn cùng Hoàng tử Albert vào thế kỷ thứ 18. Có nguồn gốc từ phương tây, sau đó, váy cưới trắng lan rộng và phổ biến tại các nước châu Âu, Bắc và Nam Mỹ rồi tới thế giới.

Tuy nhiên, ở một số nền văn hóa, đặc biệt là châu Á và châu Phi, các cặp vợ chồng trẻ vẫn thích diện trang phục truyền thống trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời. Phía sau những bộ váy cưới lộng lẫy thể hiện nét truyền thống riêng biệt ở mỗi quốc gia.

Cùng vòng quanh thế giới để chiêm ngưỡng những bộ váy cưới tuyệt đẹp ở các nước:

Nhật Bản

Trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật luôn là chiếc kimono mang đậm nét văn hóa và bản sắc riêng. Vào ngày cưới, cô dâu sẽ mặc bộ kimono trắng có tên gọi Shiro maku. Họ cũng sử dụng thêm chiếc mũ cưới trùm đầu, kèm theo ví tiền nhỏ, con dao có vỏ bọc và quạt truyền thống. Ngoài bộ kimono trắng mặc lúc làm lễ, cô dâu còn thay đổi khoảng 5 bộ kimono có màu sắc và hoa văn khác nhau.

Ghana


Trang phục cưới truyền thống của người Ghana - quốc gia thuộc khu vực Tây Phi có màu sắc rất rực rỡ. Tùy theo từng gia đình có sở thích khác nhau sẽ lựa chọn những tấm vải mang nhiều họa tiết khác nhau.

Romania


Đa số giới trẻ người Romania ngày nay thích tổ chức những đám cưới mang phong cách hiện đại, trẻ trung. Tuy nhiên, ở những vùng xa thành phố, người ta vẫn thấy đám cưới mang nghi lễ truyền thống. Dù diện tích Romania không lớn, những mỗi vùng lại có bộ trang phục cưới của riêng mình.

Indonesia


Ở quốc gia "vạn đảo", đám cưới của người Indonesia có thể khác biệt từ đảo này sang đảo khác. Với hơn 300 nhóm sắc tộc cùng 6 tôn giáo lớn, quốc gia này là điểm ngõ tập trung của những nền văn hóa và văn minh khác nhau.

Scotland


Scotland, các chú rể thường mặc những chiếc váy của gia tộc mình. Sau lễ cưới, chú rể đặt chiếc khăn choàng đồng màu lên vai cô dâu, tượng trưng cho việc công nhận đây chính là thành viên mới trong gia đình.

Ấn Độ


Cô dâu Ấn Độ trong ngày cưới thường lựa chọn chiếc váy truyền thống có màu đỏ hoặc hồng. Tại những vùng ở khu vực phía Bắc, những người phụ nữ đã lập gia đình có truyền thống bôi dấu đỏ nằm ở vị trí giữa trán.

Pakistan


Pakistan là quốc gia Hồi giáo, truyền thống của họ có rất nhiều điểm chung với Ấn Độ. Các cô dâu thường vẽ hình henna cầu kỳ lên tay và mặc chiếc váy cưới truyền thống màu đỏ.

Trung Quốc


Trang phục cưới truyền thống ở Trung Quốc là màu đỏ. Trong văn hóa Trung Hoa, đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, còn màu trắng lại là tang tóc, thường dùng trong tang lễ. Sau lễ cưới, chú rể sẽ bỏ tấm màn che đầu màu đỏ khỏi đầu cô dâu của mình.

Hawaii, Mỹ


Trong đám cưới truyền thống ở đảo Hawaii, cả cô dâu và chú rể đều diện màu trắng. Đặc biệt, các cô dâu sẽ được tô điểm mái tóc của mình bằng vòng hoa tươi duyên dáng.

Malaysia


Tại Malaysia, hầu hết các lễ cưới đều tổ chức theo truyền thống Hồi giáo. Trong đó, cô dâu sẽ chọn chiếc váy cưới mang màu sắc bắt mắt như tím thẫm, kem hay xanh dương.
(Theo DanTri)

Bộ tộc sống dựa vào những con bò

Người Brokpa sống ở Bhutan nuôi bò yak để lấy lông dệt nên các bộ trang phục truyền thống, làm mũ che mưa, làm bạt dựng lều hay lấy sữa pha trà và bơ dùng hàng ngày.
Xem thêm: Bộ tộc 'người cá' ở Malaysia
 

Brokpa là một bộ tộc sống ở hai làng Merak và Sakten thuộc vùng đất hẻo lánh phía đông Buhtan. Đây là nơi luôn có sương mù bao phủ và nằm ở chân dãy núi Himalaya.


Người Brokpa xuất thân từ vùng Tshoona, Tây Tạng, và nguồn sống chính là những loài động vật. Họ đã sống ở khu vực biên giới gần bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ hàng thế kỷ qua bằng nghề nuôi bò yak, cừu và một số gia súc khác. Bò yak, cừu được nuôi để lấy lông làm len và cả thịt.



Tuy nhiên, những năm gần đây, Vương quốc Bhutan đang trên đà phát triển, cuộc sống của người Brokpa cũng bị tác động ít nhiều.

Nhiếp ảnh gia AJ Heath đã ở Bhutan một năm để làm việc, và một trong những dự án của anh là tìm gặp bộ tộc Brokpa khi tới làng Merak và Sakten vào tháng 7/2015.


AJ Heath đã dành hai tuần để sống cùng dân làng và thực hiện các bộ ảnh tập trung vào 4 nhóm dân tộc chính ở Bhutan. Heath chia sẻ: "Hầu như du khách đều đến làng ở một đêm khi phải trekking 4-5 ngày, vì vậy dân làng rất bất ngờ và tò mò khi thấy tôi ở lại lâu hơn".

Người Brokpa sống bằng nghề nuôi gia súc vì họ ở vùng đất cao, điều kiện không thích hợp để trồng trọt.


Một trong những phụ kiện đặc biệt của họ là chiếc mũ từ lông bò yak. Nó được thiết kế để tránh mưa táp vào mặt khi gắn thêm các lọn tóc.

Heath cho biết: "Hầu hết người tôi chụp ảnh đều mời tôi uống trà sữa và thêm vài cốc Ara (một loại đồ uống địa phương)". Dù sống ở nơi hoang vu và hẻo lánh, người dân Brokpa rất vui, hào hứng khi được chụp ảnh.


"Người Bhutan thân thiện, thích được chụp ảnh. Không quá nhiều nơi trên thế giới mà người dân lại gửi lời "cảm ơn" vì được chụp", Heath chia sẻ. Tuy vậy, anh vẫn là một nhiếp ảnh gia thận trọng để không ảnh hưởng nhiều đến họ. Heath đã ở trong nhà của người dân Brokpa để dễ dàng tìm hiểu, đi lại, gặp gỡ mọi người.


Chăm sóc bò yak là một công việc quan trọng của người Brokpa. Chỉ những con bò đực đã thiến và bò cái mới bị thu hoạch lông. Vào mùa hè, người Brokpa lại di cư vì họ thường di chuyển quanh vùng để tìm nơi tốt hơn cho việc chăn thả gia súc.


Cuộc sống của người Brokpa phụ thuộc rất nhiều vào các con vật họ nuôi. Trang phục họ mặc, mũ họ đội làm từ len của lông bò yak, kể cả chiếc lều của họ cũng từ làm bằng len, tuy càng ngày bạt nhựa càng được dùng nhiều hơn.


Bò yak cũng đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của người Brokpa,. Không chỉ lấy thịt, họ còn vắt sữa để uống. Họ có thể uống cả chục cốc trà (làm từ bơ sữa bò yak) hàng ngày.


Là một nhiếp ảnh gia tài liệu chuyên nghiệp, Heath đã săn được những khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống thường ngày của người Brokpa, trong bối cảnh đất nước Bhutan đang thay đổi rất nhanh chóng.


Như lối sống đặc biệt của người Brokpa, phong cảnh nơi họ ở cũng cuốn hút người nghệ sĩ. Anh chia sẻ: "Đó là sự kết hợp của một cánh rừng rậm, những thung lũng băng giá lớn và các vùng đồng cỏ mênh mông".


Một con đường mới sắp được xây dựng ở đây sẽ giúp cho cuộc sống của họ thuận lợi hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nuôi bò yak và cừu.


Heath có ghi lại hình ảnh mua sắm và hàng hóa xuất hiện trong các ngôi làng. Các loại hàng hóa bọc trong túi nilon đang thay đổi dần cách sống và chế độ ăn của họ.

Tuy nhiên, việc nhập và sử dụng các mặt hàng này sẽ khiến họ xả ra các loại rác thải không thể phân hủy. Hơn nữa, khi du khách khắp nơi đổ đến, văn hóa và truyền thống của người Brokpa sẽ bị đe dọa nhiều hơn.
 
(Theo VnExpress)

Lang thang Chiang Mai, thử cà phê phong cách Thái

Chiang Mai ở miền Bắc Thái Lan không chỉ nổi tiếng với nhiều ngôi đền đẹp, các lễ hội màu sắc, những khu chợ sôi động... mà còn có hàng trăm quán cà phê.
Xem thêm: 10 điều chỉ có thể trải nghiệm ở Chiang Mai

Với mật độ dày đặc các quán cà phê, việc lựa chọn một nơi thật thoải mái để thưởng thức những tách cà phê hay trà hảo hạng không dễ. Nhưng hãy thử tham khảo những nơi dưới đây nhé:

1. Graph Café

Graph Cafe có khá nhiều món nước phù hợp với những du khách đang mệt mỏi.

Đây là quán cà phê nhỏ nằm giữa trung tâm của Chiang Mai và luôn đông khách. Được trang trí theo phong cách đơn giản của châu Âu, Graph Cafe có khá nhiều món nước phù hợp với những du khách đang mệt mỏi mà tiêu biểu là cà phê lạnh với thành phần chính là rượu, cà phê và khí Nitro. Bạn chắc chắn sẽ không thể quên được cảm giác ngậy ngậy, mát lạnh và tỉnh táo. Đây cũng là quán cà phê tuyệt nhất để thưởng thức loại thức uống đặc biệt này.

Điểm hạn chế của quán là không gian khá nhỏ, vì thế bạn có khả năng cao là phải xếp hàng mới có chỗ ngồi trong quán.

2. Akha Ama La Fattoria

Cà phê ở đây là một lẽ sống chứ không đơn thuần là một thức uống.

Điều khiến bạn chú ý đầu tiên khi bước vào quán chính là sự chi tiết của mọi thứ, từ nội thất cho đến các sản phẩm cà phê. Bạn có thể nghĩ ngay đến việc cà phê ở đây là một lẽ sống chứ không còn là một thức uống đơn thuần nữa. Đây cũng là một trong những quán cà phê đông khách nhất ở Chiang Mai.

Ngoài cà phê, trong quán còn phục vụ nhiều loại nước uống và đồ ăn khác nhau với chất lượng hảo hạng. Chủ quán cà phê này, anh Le Ayu, hợp tác với những người trồng cà phê ở vùng này và giúp đỡ họ trong công việc trồng trọt, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đến thưởng thức cà phê tại đây không chỉ giúp bạn có cơ hội thưởng thức những loại thức uống ngon miệng mà còn là để giúp đỡ cho những người nông dân ở Chiang Mai.

3. Doppio Ristr8o

Nếu bạn là fan của loại cà phê ristretto, chắc chắn Doppio Ristr8o sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

Sở hữu một cái tên ấn tượng, quán cà phê này là nơi rất nổi tiếng với những người sành cà phê ở Thái Lan. Nếu bạn là fan của loại cà phê ristretto, chắc chắn nơi đây sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

Với công thức 50% là espresso và 50% còn lại sẽ do bạn quyết định liều lượng, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về loại thức uống được pha chế dành riêng cho mình. Ngoài món nước mang thương hiệu của quán, Doppio Ristr8o cũng là một trong những cửa hàng cà phê có tiếng nhất ở đây với một danh sách tương đối nhiều các loại thức uống khác nhau.

4. The Nimmanian Club

Nimmanian Club có không gian bên trong quán trông giống một quầy bar.

Đây là một nơi tương đối thú vị khi các bartender (người pha chế rượu) và barista (người pha chế cà phê) cùng làm việc với nhau. Chắc chắn bạn sẽ được trải nghiệm nhiều điều chưa từng biết đến. Với không gian bên trong quán trông giống một quầy bar và một menu cực kiỳ bắt mắt, bạn sẽ có cảm tưởng như mình đang không phải ở trong một quán cà phê. Bạn có thể gọi các món cà phê truyền thống như espresso hay thử những món nước mới lạ tại đây đều được.

5. Omnia Café

Tại đây cũng có loại cà phê phin giống Việt Nam.

Đây có lẽ là quán cà phê sở hữu tất cả mọi thứ ở mức độ tương đối cao. Họ có thể pha chế tất cả các loại đồ uống với chất lượng cực ổn. Với việc rang cà phê trực tiếp tại quán, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến loại thức uống của mình được chế biến từ những nguyên liệu hảo hạng nhất.

Bạn có thể tận hưởng cả hai loại cà phê: một pha bằng nước nóng và một pha bằng nước lạnh. Nếu bạn ưa thích loại cà phê phin hơn, đừng ngần ngại mua cho mình một tách nhé. Bạn có thể học cách thưởng thức cà phê ngay trong quán và học thêm được kha khá những điều mới mẻ về cà phê khi đến đây.
 
(Theo NgoiSao)

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Cuộc sống huyền bí của một geisha người Australia

Đối với nhiều người, geisha vẫn là hiện thân của sự tinh tế và ân sủng, là người gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Bốn geigha khoác lên mình những chiếc áo dày cộp, tối tăm và u buồn như mùa đông Nhật Bản, lặng lẽ đi xuyên qua khu rừng phủ đầy tuyết trắng. Điểm nhấn duy nhất của họ là cầm trên tay những chiếc ô đỏ rực rỡ như ánh bình minh, thêm chút màu vàng quý phái phía trên đỉnh - những màu sắc gợi lên sự bùng nổ và xóa tan đi cảm giác lạnh lẽo, đơn sắc của những ngày đầu năm.
 
Các geisha đi xuyên qua cánh rừng phủ đầy tuyết. Ảnh: CNN.

Những hình ảnh quen thuộc này thường gợi cho du khách nhớ lại khung cảnh diễm lệ, thơ mộng của thế kỷ 19 trong các bản in khắc gỗ của họa sĩ thiên tài Hokusai. Tuy nhiên ẩn dưới hình ảnh tưởng chừng như cổ điển này lại luôn là những câu chuyện gian nan của thời hiện đại.

Dẫn đầu tốp geisha đến Niseko - khu nghỉ mát trượt tuyết trên hòn đảo phía bắc Hokkaido - là Fiona Graham, một cô gái người Australia. Cô lần đầu đến xứ sở mặt trời mọc vào năm 15 tuổi và trở thành geisha người phương Tây đầu tiên tại Nhật vào năm 2007. Hiện Fiona sống và làm việc dưới cái tên Sayuki. Một phần công việc chính của cô là tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi, để du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng các geisha thực hành các kỹ năng phục vụ như rót trà, ca múa. Theo cô, đây là cách giúp mọi người có một cái nhìn cụ thể và hiểu biết về thế giới bí ẩn của các geisha - một nghề truyền thống và nổi tiếng, được giữ gìn qua 400 năm nay.

Fiona - geisha phương Tây đầu tiên tại Nhật Bản. Cô chỉ trích tác phẩm "Hồi ức của một geisha" vì nội dung thiên quá nhiều về sex, trong khi cuộc sống của các geisha trên thực tế đơn giản là những người nghệ sĩ thực thụ. Ảnh: CNN.

Sayuki lần đầu tiếp cận với sự quyến rũ của nghề geisha khi cô làm một bộ phim tài liệu về đề tài này. Khác với các đạo diễn khác, Sayuki không tìm hiểu về cuộc sống của các geisha dưới ống kính camera mà quyết định thâm nhập vào đó để hiểu rõ và truyền thống cũng như kỹ năng của họ.

Sayuki nhớ lại về thời điểm cô quyết định chuyển sang một hướng rẽ mới của cuộc đời: "Thế giới geisha thật sự rất xinh đẹp và lối sống của họ cũng rất tinh tế. Nhưng thực sự, để sống một cuộc sống tươi đẹp ở bất kỳ quốc gia nào cũng không phải là điều dễ dàng".

Để trở thành người phụ nữ phương Tây đầu tiên làm geisha, cô gái từng có bằng MBA tại Oxford đã phải trải qua một năm dài khắc nghiệt và vất vả để học tất cả nghi thức trà đạo. Cô được Yukiko - một cựu geisha oai nghiêm trong thập niên 1960 đồng thời là một geisha "mẹ"- ủng hộ, nhờ đó cô được chấp nhận vào vị trí thực tập sinh. Geisha "mẹ" là những người phụ nữ đã luống tuổi cai quản Okiya (hay nhà geisha) do riêng mình lập ra để quản lý người mới vào nghề. Cái tên Sayuki do Yukiko đặt cho Fiona.

Tai Kyoto, khu Gion là điểm đến thu hút du khách nức tiếng bởi là nơi trú ngụ của nhiều geisha. Ảnh: Japan-guide.

Dù là người nước ngoài, Sayuki cũng không có ngoại lệ khi học việc. Cô cũng phải làm người hầu tại những buổi tiệc được tổ chức trong trà quán để quan sát các geisha đàn chị. Đối với Sayuki, cái khó nhất là học cách ngồi xổm trên hai chân trong tư thế quỳ và tay nâng khay thức ăn nặng trịch trong nhiều giờ. Khi trở thành geisha chính thức, Sayuki được phát một bộ kimono màu xanh lơ tuyệt đẹp và một dải lưng thêu - tất cả trị giá đến 20.000 USD. Sau đó cô ngồi lên chiếc xe kéo và đi khắp khu vực geisha để chính thức giới thiệu bản thân với các chủ trà quán, cửa hiệu và đồng nghiệp. Lần xuất hiện đầu tiên như thế có tính nghi thức riêng tư và người nhà không được mời đến.

Sau nhiều năm ở Nhật Bản, Sayuki không còn mang dáng vẻ của một cô gái phương Tây năng động mà trở thành một người phụ nữ thanh lịch trong bộ kimono tơ màu hồng, thu hút sự chú ý của mọi người khi bước qua những con đường dẫn đến ngôi đền Sensoji ở Tokyo. Dân địa phương ở quận cổ Asakusa biết đó là một geisha thực thụ dù cô là một phụ nữ Australia cao ráo với đôi mắt xanh màu oliu. Từ kiểu búi tóc tròn cho đến đôi vớ tabi, từ đầu đến chân của Sayuki đều được trang điểm hoàn hảo đến mức mọi người trên đường phố đều phải thốt lên: Cô ấy đẹp quá!

Khi đi qua một đám đông du khách người Nhật mặc kimono cách điệu, Sayuki cảm thấy rất khó chịu. Cô cho biết: "Họ không mặc áo ngực. Và điều đó gây bực tức cho các geisha lớn tuổi. Hành vi khoe đường cong cơ thể bị coi là thô tục, rẻ tiền. Geisha là những nghệ sĩ làm việc toàn thời gian chứ không phải là đối tượng phục vụ nhu cầu tình dục".

Cô cũng hăng hái xua tan định kiến của nhiều du khách về việc geisha là những cô hầu bàn tô son trát phấn lòe loẹt, khúm núm trước đàn ông, và chứng minh họ là những nghệ sĩ thực thụ. Khách hàng nam giới ngày nay của họ bao gồm những chính khách, doanh nhân và những người nổi tiếng trong xã hội. Những người đàn ông giàu có này phải trả trung bình 400 USD cho một giờ được geisha phục vụ. Sayuki nói: "Geisha không bao giờ tiết lộ những gì mà họ nghe được từ khách hàng".

Nhưng đôi khi Sayuki thừa nhận cô cũng thích mặc lại quần áo theo phong cách phương Tây. Trong những lúc đó, khi lang thang qua các con đường ở quận Asakusa như một du khách bình thường, tình cờ có một người phụ nữ Nhật thân thiện chặn cô lại và chỉ cho cô thấy một geisha ngoại. "Những lúc đó, tôi chỉ vui vẻ mỉm cười. Tôi gìn giữ cuộc sống Sayuki cho riêng tôi". Cô gái trẻ cho biết chưa có ý định giải nghệ và muốn làm nghề này lâu nhất có thể.

Thông tin thêm:

Trong xã hội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai, geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước, mang lại niềm vui cho những quý ông bằng tiếng đàn, điệu múa, lối ăn nói hoạt bát, duyên dáng... Được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy "chuẩn mực". Tất cả để tôn vinh nghề "làm đẹp cho đời chứ không phải kinh doanh thân xác".

Một số quận geisha ở Tokyo:

Kyoto được biết đến như "thánh địa" của các geisha, Tokyo cũng có các quận geisha của riêng mình, bao gồm Shinbashi, Asakusa,Yoshicho, Kagurazaka, Hachioji và Mukojima. Chúng được gọi chung làTokyo Roku hanamachi.

Các quán trà nơi geisha xuất hiện thường có quy định rất khắt khe. Một trong số đó chỉ có người Nhật mới được tham dự. Tuy nhiên nếu du khách biết tìm đúng người, bạn sẽ có cơ hội được tham gia vào các buổi tiệc thú vị này.

Mukojima là nơi du khách có thể tham gia vào các buổi biểu diễn có sự xuất hiện của geisha, và thưởng thức các món ăn truyền thống của Nhật Bản.

Quận geisha ở Kyoto:

Gion là nơi nổi tiếng nhất tại cố đô, tọa lạc gần đại lộ Shijo, nằm gần đền Yasaka về phía đông và sông Kamo về phía tây. Nơi đây có nhiều cửa hàng, quán ăn và các khu mua sắm, phù hợp với thị hiếu của du khách.

(Theo CNN)

Trò đùa với tử thần trên sàn đấu bò tót

Trước trận đấu, võ sĩ chính sẽ mặc trang phục truyền thống và làm lễ trong nhà thờ. Họ sẽ dùng màu vải đỏ trên người để dụ con bò và đâm cho tới khi nó chết rồi cắt tai ăn mừng.
Xem thêm: Những thành phố du lịch đáng sợ nhất thế giới

Alvaro Lorenzo, 20 tuổi, có vẻ ngoài thư sinh là một trong những võ sĩ đấu bò trẻ nhất Tây Ban Nha.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho trận đấu diễn ra tại Aranjuez, gần thành phố Madrid, Lozenro cần sự giúp đỡ của các trợ lý. Họ là hai người đàn ông sẽ có mặt trong suốt trận đấu để cung cấp thêm dụng cụ khi Lozenro cần. 
Có vẻ ngoài của một thư sinh hơn là võ sĩ, Alvaro Lorenzo, 20 tuổi, đang chuẩn bị cho trận đấu bò đầy cam go.

Võ sĩ đấu chính gọi là Tosero sẽ mặc trang phục truyền thống của Tây Ban Nha để tham gia thi. Đó là một bộ đồ sặc sỡ, với màu đỏ chủ đạo, các chi tiết màu vàng đi kèm và một chiếc áo sơ mi trắng có thắt cà vạt. Thiết kế của bộ trang phục này giúp Tosero dễ dàng di chuyển khi chiến đấu. Trước đó, người trợ lý sẽ mặc đồ cho võ sĩ, quá trình chuẩn bị phải được thực hiện hoàn toàn trong im lặng.

Tosero sẽ tới nhà thờ nhỏ của trường đấu bò để cầu nguyện. Đây là thủ tục truyền thống họ phải làm trước thời khắc trận đấu diễn ra.

Mở màn trận đấu, con vật sẽ bị võ sĩ đâm một nhát, rồi phi nhiều cây giáo vào cơ thể khiến nó yếu dần đi. Võ sĩ tiếp tục đâm lao vào lưng bò để làm nó mất máu.

Vẻ mặt của võ sĩ trẻ tuổi trở nên căng thẳng trong suốt trận đấu bò.

Tiếp đến, Tosero sẽ gây sự chú ý nhằm nhử con vật về phía họ để đâm chết nó bằng nhát cuối cùng. Bước kết thúc màn trình diễn là cắt tai con bò. Họ coi đây như biểu tượng của thành công và thể hiện cho sự cổ vũ, hoan hô từ phía khán giả.

Nhiều nước trên thế giới đã có lệnh cấm đấu bò, đồng thời các tổ chức bảo vệ động vật như PETA luôn gay gắt lên tiếng, nhưng hàng năm vẫn có rất nhiều con bò bị giết vì môn thể thao đẫm máu này.

Số người xem cũng giảm đi nhanh chóng vì ý thức về việc có thể gia tăng bạo lực trong khi diễn ra trận đấu. Lượng võ sĩ tham gia đấu bò cũng giảm đáng kể, từ 3.300 người vào năm 2008 xuống còn dưới 500 người vào năm 2013. Hiện nay, con số này vẫn tiếp tục giảm mạnh.

Vì cách đối xử man rợ với các con vật mà sự phản đối môn đấu bò ngày càng tăng ở Tây Ban Nha. Hơn 2/3 người dân đất nước này đã lên tiếng chống lại môn thể thao truyền thống.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến