Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

4 món kem được ưa chuộng tại Sài Gòn

Kem là món luôn được người Sài Gòn ưu ái khi nghĩ đến món giải nhiệt. Cùng điểm qua các món kem được ưa thích nhất tại thành phố này.

1. Kem trái dừa


Đây là món kem có tiếng của Sài Gòn từ nhiều năm nay. Kem thay vì đựng trong ly, dĩa thì được đặt trong trái dừa. Sau khi ăn xong kem, bạn có thể ăn cả phần cơm dừa non, giòn ngọt. Phần kem bên trong trái dừa khá đa dạng, có nơi sử dụng kem dừa; cũng có những nơi dùng các loại kem vani, chocolate, dâu... tùy thích.

Kem trái dừa không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt, trái dừa trắng phau dọn ra, mát lạnh cả tay, lại giữ được lạnh nên kem lâu tan hơn, vị thơm hơn. Bên trên mỗi quả dừa còn được trang trí với mứt, đậu phộng hay một cây dù giấy nhỏ xinh, rất ra chất món ăn miền nhiệt đới. Món kem này được bán khá phổ biến, từ nhà hàng sang trọng cho đến lề đường bình dân.

Xem thêm: Thưởng ngoạn cảnh đẹp kết hợp ẩm thực Hạ Long

2. Kem nhãn


Mỗi ly kem nhãn thường có một ít thịt nhãn phủ lên trên, khi ăn sẽ thấy rõ vị ngọt lịm trong cổ họng. Phần kem của món kem này có nhiều vị như dừa, socola, dâu, sầu riêng...

Trên ly kem nhãn, bao giờ cũng có đậu phộng chiên béo ngậy. Một ly kem nhãn thường khá nhỏ nhưng khi dùng xong, ít ai thòm thèm, muốn ăn thêm ly nữa bởi vị ngọt đậm của nhãn và kem ăn nhiều dễ gắt cổ. Thương hiệu kem nhãn nổi tiếng nhất ở Sài Gòn chính là kem nhãn Chú Tám.

3. Kem xôi


Dù khá phổ biến ở Hà Nội nhưng kem xôi lại được xem như món lạ của Sài Gòn. Món này bắt đầu xuất hiện ở khu làng đại học - quận Thủ Đức. Sau nhiều năm, kem xôi giờ đã được nhiều người biết đến hơn, tuy nhiên, món ăn vặt mát lạnh này vẫn còn khá khó tìm ở Sài Gòn. Thành phần của kem xôi gồm kem và xôi.

Kem xôi Thanh Hằng và một số quán kem xôi không tên nữa có mặt tại đường D2 quận Bình Thạnh, đường Trường Sơn quận 1... đều có điểm chung là sử dụng xôi vò cho món này, còn kem có thể là kem dừa, kem socola. Phía trên ly kem xôi luôn được rắc dừa nạo hoặc đậu phộng rang. Kem xôi là món dễ ăn, khi ăn dễ nghiện. Vị ngọt và lạnh của kem, hòa với vị bùi của hạt xôi nếp, cái ngọt thanh sần sật của dừa sợi và đậu phộng rang mang đến hương vị rất tuyệt.

Xem thêm: Bánh mì Sài Gòn vào top 10 món ngon đường phố

4. Kem kí cắt cục


Kem kí từng là loại kem được cả người lớn và trẻ nhỏ tại Sài Gòn ưa chuộng để giải nhiệt ngày hè. Kem kí nhiều màu, nhiều vị nhưng thật ra chẳng có mùi vị gì rõ ràng trừ vị dừa, vị cà phê và vị lá dứa. Loại kem này không dẻo, không béo ngậy mà còn xốp và hơi cứng, đến mức có thể cắt ra thành cục và xếp lên đĩa ăn nhâm nhi từ từ không lo chúng chảy quá nhanh. Về chất lượng, nguồn gốc, người ăn biết thừa màu của kem là phẩm màu, hương vị của kem là hương vị nhân tạo.

Dù thế, nó vẫn có cái ngon riêng khiến không ít người ghiền. Kem kí bây giờ muốn ăn cho ngon và đúng vị xưa, thì phải tìm đến đường Hải Thượng Lãng Ông hay Nguyễn Trãi vào buổi tối. Đĩa kem kí dọn ra, miếng này chồng miếng kia, đủ màu sắc, bên trên rắc đậu phộng rang và dừa nạo, rưới sirô, thêm ít mứt chua chua ngọt ngọt. Người ăn cứ thế ngồi ghế đẩu, bàn nhựa, nhâm nhi từng thìa xem xốp ngọt, ngắm phố xá xe cộ trước mặt. Đây quả là thú vui khó tả những ngày trời hanh nóng khó ngủ.

Theo Trí thức trẻ

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Bê chao - món nhất định phải thử khi đến Mộc Châu

Mộc Châu không chỉ gây thương nhớ bởi phong cảnh đẹp mà cả bởi những món đặc sản của vùng đất này, nhất là bê chao.


Xem thêm: 7 món ngon Thái Lan phải thử khi đến Bangkok

Cao nguyên Mộc Châu không chỉ hấp dẫn khách du lịch với những thắng cảnh tuyệt đẹp. Hơn hết, ở đây còn mời gọi với biết bao đặc sản. Bê chao là một trong những món ăn mà được nhiều người yêu thích nhất.

Mùa hoa cải nở trắng nơi cao nguyên Mộc Châu cũng là lúc khách du lịch khi đến đây nhớ nhiều đến những món ngon nóng hổi của núi rừng. Ngày thu, khách du lịch chắc chắn không thể không tạt vào quán ven đường và trải nghiệm bê chao nổi danh sẽ khiến bạn yêu thêm mảnh đất thắm tình này.

Nguyên liệu để làm món này ngon nhất là bê đực khoảng một tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ càng tốt bởi bê non chỉ bú sữa mẹ sẽ có vị thơm và mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được. Trong số những món bê thường thấy như xào lăn, hấp sả, tái chanh... thì bê chao có lẽ là món ăn được chế biến đơn giản nhất nhưng hương vị lại thuộc hàng đặc sản, khó quên nhất.


Người làm chọn thịt bê loại ngon, xắt thịt thành từng miếng con chì, đem chần qua nước sôi để thịt bê bớt hôi và săn lại sau đó đem ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, sa tế… trong khoảng 5 đến 10 phút cho ngấm đều rồi chao qua dầu sôi.

Khâu chao bê rất quan trọng. Người đầu bếp phải căn độ nóng của dầu và thời gian chao thật hợp lý để có được món bê chao hoàn hảo nhất. Nguyên tắc là chỉ thả thịt bê vào khi dầu đang sôi và nóng, nhúng nhanh vào rồi vớt ra ngay bởi nếu chao lâu quá thịt bê sẽ bị dai, mất đi vị ngọt của thịt, còn nếu non lửa bê sẽ bị sống.

Khi vừa nhắc bê chao ra khỏi bếp, mỡ vẫn còn sôi xèo xèo tí tách trên những miếng thịt, người ta bày lên đĩa, rắc lên chút vừng rang và lá chanh thái sợi vô trông cùng hấp dẫn. Nhâm nhi miếng thịt thơm ngọt, miếng rau chấm cùng nước tương bùi bùi, miếng da dai dai, nhấp thêm ngụm rượu táo mèo lại càng làm dậy lên cái vị đậm đà của đặc sản phố núi, khiến cho du khách đã thưởng thức một lần sẽ chẳng thể nào quên.

Xem thêm: Bánh mì Sài Gòn vào top 10 món ngon đường phố


Đi dọc quốc lộ 6, đoạn từ Mai Châu sang Mộc Châu và cả trong thị trấn, du khách sẽ thấy có rất nhiều hàng quán treo biển bán bê chao bán dọc đường. Tuy nhiên, không phải quán nào chế biến cũng ngon. Bạn có thể ăn ở một số quán ở tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Công Trường Mộc Châu, nằm ngay trên đường QL6 như quán: 64 Mộc Châu, Xuân Bắc 181, 70 Mộc Châu…

Giá cho một đĩa bê chao nhỏ khoảng 70.000 đến 100.000 đồng, đĩa to 150.000 đến 200.000 đồng. Ngoài ra, đến với Mộc Châu mùa lạnh, bạn còn được thưởng thức những món ăn đặc sản khác như cá suối, rau tầm bóp, cải mèo, măng rừng, nậm pịa, thắng cố, cơm lam, ốc đá...

Theo Ngoisao

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

6 điều cần lưu ý khi đi du lịch Chùa Hương

Chùa Hương là một di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng của nước ta, thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trẩy hội chùa Hương cũng vì thế mà trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt nhất là mỗi dịp đầu xuân.


Du khách đi du lịch chùa Hương không chỉ để cúng lễ, cầu may mà còn để thưởng ngoạn phong cảnh non nước mênh mông, nên thơ của vùng đất Phật. Tuy nhiên, để có một chuyến hành hương về với cõi Phật ý nghĩa, an toàn, du khách cần chú ý những điểm sau:

1. Đi theo nhóm


Du lịch Chùa Hương, du khách nên đi theo nhóm khoảng 5 – 7 người sẽ tốt hơn là đi đơn lẻ 1 – 2 người và trước khi xuất phát bạn cũng nên chủ động đổi tiền lẻ. Trang phục đi lễ chùa cần trang nhã, đứng đắn. Đồng thời để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chuyến đi, du khách nên lựa chọn cáp treo để lên chùa và đi bộ xuống để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng non nước. 

2. Chủ động đồ cúng lễ


Chuẩn bị đồ cúng lễ rất quan trọng khi đi lễ chùa và tốt nhất là bạn nên chuẩn bị sẵn ở nhà để có thể vừa tiết kiệm tiền bạc, lại vừa chủ động thời gian. Du khách nên mang theo lễ ngọt như vàng, hương, hoa quả, rượu cúng, bánh kẹo cùng tiền lẻ và không nên dâng lễ mặn (gà, xôi, giò,…). Trong trường hợp chưa chuẩn bị trước ở nhà, du khách có thể mua ở khu vực suối Yến. Càng đi sâu vào trong, các hàng bày bán đồ cúng càng nhiều nhưng giá thành khá đắt và thậm chí có thể tăng gấp đôi.

3. Không theo lời “cò” mời chào


Cũng như nhiều khu du lịch khác, ở Chùa Hương có khá nhiều “cò” chuyên câu kéo khách. Do đó, để tránh bị lừa đỏa, chặt chém, du khách nên mua vé tại điểm bán vé của Ban tổ chức đặt ở ngày cổng khu di tích với mức vé 50.000 đồng/người. Khi đi đò, nếu đi 1-2 người, du khách nên đi thẳng đến suối Yến để tìm đò ghép và trước khi xuống đò cũng nên thỏa thuận giá cả rõ ràng với những người ngồi cùng, tránh trường hợp bị tăng tiền hay nhồi nhét thêm người. Đối với tuyến Hương Tích, giá đò hiện tại là 35.000 đồng/người.

4. Cẩn trọng đối với các trò đỏ đen, dịch vụ bói toán và trộm cắp


Mặc dù các lực lượng chức năng đã dẹp bỏ nhưng những sới bạc đỏ đen vẫn tiếp tục tái diễn mỗi mùa lễ hội. Với các thủ đoạn lôi kéo, rất nhiều du khách đi du lịch Chùa Hương đã bị hấp dẫn và rồi mất tiền oan bởi các trò bịp bợm. Ở khu vực chùa, tại suối Giải Oan cũng xuất hiện khá nhiều người coi bói dạo và du khách không nên tin tưởng đẻ tránh ảnh hưởng tới hành trình cúng lễ. Đồng thời, do mỗi mùa lễ hội chùa Hương lại tập trung rất đông người nên nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để tranh thủ móc trộm ví, điện thoại của du khách nên mọi người cần hết sức cẩn thận và cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình.

5. Hỏi giá và mặc cả trước khi mua đồ


Để tránh trường hợp mua hàng hóa bị “đội” giá lên gấp nhiều lần, trước khi quyết định mua bất kỳ một món hàng nào du khách cũng nên hỏi rõ giá cả. Một số đặc sản ở chùa Hương như rau sắng hay mơ rừng sẽ có giá hợp lý hơn so với nơi khác nếu mua ở gần suối Yến.

6. Gọi vào đường dây nóng nếu gặp sự cố


Để đảm bảo cho các du khách khi đi du lịch tại chùa Hương, ban tổ chức lễ hội đã công khai số điện thoại đường dây nóng – 0912558905 để tất cả các du khách có thể liên lạc khi gặp phải trường hợp “chặt chém” hay bất kỳ vấn đề đối với các dịch vụ khi tham gia lễ hội. Đồng thời, tại nhiều điểm tham quan cũng có các chốt công an để có thể đảm bảo an toàn cho du khách.

Theo dulichkhatvongviet

Bài đăng phổ biến