Hiển thị các bài đăng có nhãn Istanbul. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Istanbul. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Đến Thổ Nhĩ Kỳ đắm say trong khung trời cảnh đẹp

Đến với Thổ Nhĩ Kỳ bạn sẽ có được những phút giây thật tuyệt vời, được đắm chìm trong không gian cảnh đẹp mà chẳng thể tìm kiếm ở một nơi nào khác.

Đến Thổ Nhĩ Kỳ đắm say trong khung trời cảnh đẹp

Thành phố ngầm Cappadocia

Thành phố ngầm Cappadocia

Vẻ đẹp diệu kỳ từ các cột đá sừng sững có hình khối gợi cảm ở Cappodocia sẽ là khung hình tuyệt vời cho các nhiếp ảnh gia. Độc đáo nhất ở đây là các thành phố ngầm, các nhà thờ được xây dựng tinh xảo trong hang động và những ngôi nhà xinh xắn ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè trên các ngọn núi đá vôi hình nấm.

Cung điện Dolmabahce

Cung điện Dolmabahce

Cung điện nổi tiếng này được xây dựng từ thế kỉ thứ 19, dưới thời hoàng đế Abdulmecit. Cung điện Dolmabahce mang phong cách hiện đại, với 285 phòng, 43 salon. Để thể hiện sự quy mô, bề thế, Hoàng đế đã sử dụng đến 14 tấn vàng, 40 tấn bạc và hơn 4.500 m2 thảm dệt thủ công để làm nguyên vật liệu xây dựng. Sẽ là điểm đến đầy thú vị cho những khách du lịch đam mê về kiến trúc.

Istanbul

Istanbul

Istanbul là một trong những điểm dừng chân đầu tiên nếu là lần đầu bạn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Là một trong những thành phố năng động bậc nhất thế giới, Istanbul có sự pha trộn thú vị giữa Âu và Á, quá khứ và hiện tại, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Thành phố có đến 64 đền thờ Hồi giáo, trong đó Blue Mosque nổi tiếng nhất với tường bên trong nhà thờ được lát bằng đá xanh tạo nên vẻ đẹp lung linh.

Tu viện Sumela

Tu viện Sumela

Tu viện Sumela nằm ở Trabzon, một tỉnh ở vùng Đông Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm du lịch này tọa lạc trên một vách núi cheo leo với độ cao 1.200m, trong thung lũng Altindere. Với vẻ đẹp huyền bí, cổ kính, tu viện Sumela đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Ephesus

 Ephesus

Ephesus là thành phố của những di tích khổng lồ và những con đường lát đá cẩm thạch. Tàn tích hùng vĩ của thành phố Ephesus là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Là một trong những thành phố La Mã hoàn chỉnh nhất còn tồn tại ở khu vực Địa Trung Hải, Ephesus là nơi hoàn hảo để trải nghiệm cuộc sống hoàng kim của Đế chế La Mã. Để khám phá hết những địa danh nổi bật của thành phố Ephesus, bạn sẽ mất ít nhất là nửa ngày hoặc lâu hơn. Vì vậy, hãy lên kế hoạch trước để có thể thoải mái tham quan nơi đây.

Tổng hợp


Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Istanbul - thành phố loạn lạc nhưng đầy sức hút

Thu hút lượng khách nhiều hơn cả dân số nước Bỉ nhưng Istanbul lại thường bị biến động bởi các cuộc tấn công, đảo chính.

Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Tối 15/7, Istanbul chứng kiến cuộc đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của hàng trăm binh sĩ và nhiều xe tăng. Trong 6 tháng đầu năm, cũng đã có 5 vụ tấn công xảy ra tại Istanbul đều nhằm vào du khách. Hầu hết những vụ này do các nhóm khủng bố người Kurd nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS lên kế hoạch và thực hiện.

Tuy nhiên, Istanbul - thành phố nối liền hai lục địa Á - Âu cũng có những điều thú vị riêng được trang Turkeytravelcentre thống kê.

Istanbul từng là thủ đô của nhiều đế chế hùng mạnh như La Mã, Byzantine và Ottoman. Ngày nay, nó là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không phải là thủ đô. 

Istanbul từng là thành phố đông dân nhất thế giới. Ảnh: Maastrichtuniversity.

Dưới thời Ottoman, thành phố này nổi tiếng với 1.400 nhà vệ sinh công cộng, con số được đánh giá là "quá nhiều" vào thời bấy giờ. Trong khi đó, không một phần nào còn lại của châu Âu có nhà vệ sinh công cộng.

Hoa Tulip, biểu tượng của Hà Lan, lại có nguồn gốc từ Istanbul.

Huyền thoại văn học người Anh Agatha Christie viết tác phẩm nổi tiếng "Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông" (Murder on the Orient Express) tại khách sạn Pera Palas ở Istanbul.

Istanbul là một thành phố liên lục địa, bắc ngang qua eo biển Bosphorus - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới - ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nối biển Marmara và biển Đen. Trung tâm lịch sử và thương mại của Istanbul nằm ở phần thuộc châu Âu, và chỉ có 1/3 dân số cư trú ở phần thuộc châu Á.

Dân số ở Istanbul (13 triệu người) nhiều hơn dân số cả nước Bỉ (hơn 11 triệu người).

Hầu hết người bán hàng ở Istanbul nói tiếng Anh, nhưng tốt nhất du khách nên kiểm tra lại giá tiền in trên sản phẩm hoặc dùng máy tính cộng tổng số tiền để tránh sự hiểu nhầm do phát âm.

Istanbul từng được đặt những tên khác nhau trong quá khứ nhưByzantium, Constantinople, Stamboul và Tsarigrad.
 
(Theo VnExpress)

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Turkish Delight, viên kẹo ngọt mang bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ

Nổi tiếng là dân tộc hảo ngọt, kẹo trở thành món ăn rất được yêu thích, đặc biệt là Turkish Delight - món được mệnh danh "quốc hồn quốc túy" ở nước này.

Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Được xem như ngã tư của các nền văn minh, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa hai lục địa Âu - Á. Vì vậy, lịch sử văn hóa, ẩm thực cảnh quan thiên nhiên đất nước này rất đa dạng và phong phú. Tới bất kỳ thành phố, thị trấn nào ở đây, bạn sẽ thấy vô số bánh, kẹo đầy màu sắc và ngọt ngào có tên gọi chung là Turkish Delight, hay tên gọi khác là lokum.

Lokum là loại bánh kẹo đa dạng về hương vị và màu sắc.

Đây được xem là nét văn hóa đặc trưng độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ và từng xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích. Nó có mùi vị huyền diệu, phổ biến khắp vùng Balkan và Trung Đông. Người Thổ vốn chuộng ngọt nên sản xuất ra rất nhiều loại lokum dẻo với các vị, cách chế biến khác nhau. Màu sắc đa dạng và cả loại có nhân, chẳng hạn đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân…

Kẹo được làm dưới dạng thạch dẻo với mùi thơm tinh tế của hoa hồng, chanh và bạc hà. Nguyên liệu chính là đường và bột mì. Sau khi làm chín và trở nên mềm mại, khi ăn, thực khách sẽ có cảm giác kẹo dính vào tay. Vì lẽ này, chúng được phủ một lớp đường bột bên ngoài nên trông càng hấp dẫn.

Xưa kia, lokum chỉ dành cho giới quý tộc bởi thành phần chủ yếu là nhựa cây nhũ hương, một loại ở vùng Địa Trung Hải. Người làm lấy nhựa bằng cách rạch các đường nhỏ trên vỏ cây. Nhựa nhũ hương có công dụng đặc trưng là chữa bệnh nên khá đắt tiền, được sử dụng cả trong sản xuất rượu, kem và một số loại bánh Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên ngày nay, đa số kẹo có được độ dẻo từ bột bắp nên giá thành đã bình dân hơn nhiều và bày bán khắp nơi như đặc sản.

Cửa hàng bán lokum lâu đời nhất Instabul.

Ngoài lokum, du khách còn tìm thấy nhiều loại bánh ngọt khác của Thổ Nhĩ Kỳ như Baklava, Kadayif, Revani, Keskul… Muốn ăn đúng kiểu, bạn nên gọi một tách trà nóng để nhâm nhi cùng trong thời tiết se lạnh.

Nhiều hộp lokum ở đây được đóng gói rất xinh xắn, dễ thương, phù hợp làm quà cho bạn bè, người thân và cả chính mình. Một buổi sáng cuối tuần thảnh thơi, ngồi bên tách trà hay cà phê thơm, ăn lokum, những khoảnh khắc và khoảng thời gian thú vị ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xinh đẹp sẽ lại ùa về.
(Theo VnExpress)

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Những mảng màu rực rỡ ở Istanbul

Thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đẹp thâm trầm và sâu lắng nhờ có các nhà thờ, cung điện mà còn sặc sỡ và sống động bởi các tòa nhà sơn gam màu nóng, cùng những ô cửa sổ xếp đặt như khối hình lạ mắt.

Xem thêm: Ấn tượng con phố sắc màu ở San Francisco

Nhắc đến Istanbul người ta nghĩ ngay tới các nhà thờ Hồi giáo, cung điện, phố cổ, khu chợ và những chú chim hải âu ở eo biển Bosphorus. Đế chế Ottoman đã để lại những dấu tích không thể xóa mờ trên từng công trình kiến trúc của thành phố này.


Tuy nhiên, ngày nay Istanbul có thêm một vẻ đẹp khác, mới lạ và hiện đại hơn mà ít người biết tới. Yener Torun, kiến trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia 32 tuổi, đã bỏ công khám phá và chia sẻ lên mạng xã hội những bức hình khó tin về Istanbul.


Anh cho biết: "Tôi bắt đầu tìm kiếm những đường nét, màu sắc và hình khối mới cho mọi người thấy một góc khác của Istanbul. Tôi tin rằng những thay đổi về diện mạo giúp cả mình và mọi người hiểu hơn về thành phố này".


Ngay cả cư dân Istanbul cũng khó tin những bức ảnh của Yener Torun được thực hiện ở chính thành phố họ đang sinh sống.


Để có được các bức hình với màu sắc, đường nét độc đáo, Torun thường phải tới những khu vực công nghiệp và một số vùng ngoại ô đang phát triển của thành phố.


Việc phát hiện nhiều tòa nhà mới, đẹp như vậy không hề dễ dàng. "Chính vì thế tôi dành hầu hết thời gian rảnh để kiếm tìm chúng và coi đây như một cuộc săn lùng châu báu thú vị" - Torun chia sẻ.











Ảnh: Amusingplanet

Cung điện Topkapi - Giấc mơ và nước mắt của đế quốc Ottoman

Topkapi giống như một thành phố thu nhỏ, là nơi các nhà vua của đế chế Ottoman sinh sống suốt 400 năm.
Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách


Cung điện Topkapi nằm gần eo biển Bosphorus, là nhân chứng cho những vinh quang tột độ cũng như bi kịch đau lòng nhất trong lịch sử Đế quốc Ottoman. Nơi đây từng là chỗ ở của quốc vương, hậu cung và nhiều người thân khác của nhà vua suốt 400 năm. Ảnh: Minute Travel Guide.


Cung điện được xây dựng tại trung tâm thành phố Istanbul từ năm 1466 đến năm 1478 theo lệnh vua Mehmet II. Sau những cuộc chinh phục vào năm 1453, nhà vua cần tìm một chỗ ở mới để cai trị đế chế và Topkapi ra đời trên chính những di tích còn sót lại của triều đại Byzantine, tiếp nối vinh quang của quyền lực thời trước. Ảnh: Istanbul meet and greet service.


Với ước mơ đó, cuối thế kỷ 15, Topkapi thành nơi cư trú chính của nhà vua và các cung tần mỹ nữ. Từ đây, Topkapi trở thành nơi vua nghỉ ngơi, làm việc và trị vì. Vào thời kỳ hưng vượng nhất, đế chế này trải rộng khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Ảnh: Lonely Planet.

Bên trong Topkapi là một thành phố lớn với hàng trăm căn nhà, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ dưỡng của vua, nơi giải trí và khu sinh sống của cung tần mỹ nữ. Hậu cung được xây dựng với nhiều phòng ốc trang trí lộng lẫy, trưng bày nhiều vật phẩm quý giá phô bày sự giàu có xa hoa của các nhà vua Hồi giáo. Nơi này cấm tuyệt đối đàn ông và hoàng tử cũng chỉ được ở tại đây cho tới năm 16 tuổi. Ảnh: World Wanderista.

Trong thế kỷ 16 và 17, Ottoman là một trong những thể chế chính trị lớn mạnh nhất thế giới và là quyền lực duy nhất của châu Âu thách thức mọi sự nổi dậy ở phương Tây. Tuy nhiên, đầu thế kỳ 17, đế quốc Ottoman bắt đầu suy yếu do các quốc vương thường chỉ vui thú chốn hậu cung và không đủ quyền lực đàn áp những cuộc nổi dậy khiến sức mạnh dần suy tàn. Ảnh: Haqqitours.

Sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ, ngày 3/4/1924, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã biến cung điện thành viện bảo tàng lưu giữ những di tích còn sót lại của một triều đại và là bảo tàng đầu tiên của quốc gia này. Cung điện có hàng trăm phòng nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó mở cửa cho du khách tham quan. Ảnh: Tokapi palace.

Nhiều tòa nhà bằng gỗ đã biến mất hoặc thay thế bằng những tòa nhà mới hơn, nhưng các phần chính của công trình vẫn được giữ nguyên vẹn tới ngày hôm nay. Cung điện Topkapi là một phần trong quần thể di tích lịch sử ở Istanbul được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985. Ảnh: Mikes travel guide.

(Theo VnExpress)
(

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Du lịch tiết kiệm ở Istanbul chỉ 1 triệu mỗi ngày

Hành trình gợi ý cho 3 ngày lang thang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hết khoảng 3,5 triệu đồng, bao gồm các chi phí cơ bản ăn ở và tham quan.

Xem thêm: Vài lưu ý cơ bản cho người sắp đi Thổ Nhĩ Kỳ

Istanbul không chỉ là địa điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho gia đình, mà còn không kém phần hấp dẫn đối với các phượt thủ có nhu cầu tiết kiệm ngân sách. Dưới đây là lịch trình du ngoạn Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) theo cách tiết kiệm dành cho du khách lần đầu đến với vùng đất này và chỉ có thời gian trong 3 ngày 2 đêm. Các chi phí cơ bản được quy đổi sang tiền VND, chưa bao gồm vé máy bay từ Việt Nam và các chi phí cá nhân lặt vặt khác.

Sultanahmet là điểm dừng chân của hầu hết các danh thắng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nơi ở: Từ 300.000 đồng/đêm tại khách sạn Ast ở Sultanahmet (phòng đôi, có bữa sáng), 2 đêm khoảng 600.000 đồng.

Điểm tham quan: Hagia Sophia, Nhà thờ Xanh, Cung điện Topkapi, Cung điện chìm, Chợ Lớn, Nhà thờ Sultan Eyup, khoảng 500.000 đến 600.000 VND.

Phí đi lại: Khoảng 150.000 VND (để mua thẻ Istanbulkart và 7 tuyến đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt)

Ăn uống: khoảng 850.000 VND (áp dụng cho 2 bữa mỗi ngày). Tổng chi phí ăn uống cho 2,5 ngày là 2.150.000 đồng.

Tổng cộng: khoảng 3.500.000 VND.

Đặt chân đến Istanbul

Từ sân bay Ataturk, bắt tàu điện ngầm đến trung tâm Istanbul, khu Sultanahmet (nơi khách sạn Hanedan tọa lạc). Bạn có thể mua xu (gọi là jeton) để trả tiền vào thành phố bằng tàu điện ngầm. Nếu dùng phương tiện công cộng, bạn sẽ tiết kiệm nhiều hơn nếu mua thẻ Instanbulkart (thường có giá khuyến mãi).

Chọn mua thẻ ở sân bay (tốn khoảng 50.000 VND) và cần nạp vào ít nhất 50.000-75.000 VND để đi tàu điện ngầm. Dừng chân tại trạm Zeytinburnu, và bắt xe điện đến quảng trường Sultanahmet.
Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Dạo quanh thành phố

Khi đã đến Sultanahmet, bạn đã tới rất gần với hầu hết điểm du lịch nổi tiếng nhất Istanbul. Do vậy, hãy nhanh chóng gỡ bỏ hành lý vào khách sạn để có thể nhanh chóng rảo bộ vào thành phố.

Nếu muốn khám phá ngoại đô Sultanahmet, chỉ cần leo lên xe điện đi về phía Bắc (băng qua cây cầu dẫn đến những địa điểm như tháp Galata) và quẹt thẻ Istanbulkart - mỗi tuyến chỉ tốn chừng 16.000 VND.

Điểm thờ phụng nghìn năm tuổi ở Hagia Sophia

Đi xe điện tham quan thành phố là lựa chọn hợp lý nếu đã quá mỏi chân

Có rất nhiều câu chuyện về Hagia Sophie. Nơi đây từng là nhà thờ lớn nhất thế giới, được xây dựng từ năm 537 và cho đến nay, vẫn gắn liền với mọi thăng trầm của thành phố Istanbul.

Từ khi Istanbul còn mang tên là Constantinople, Hagia Sophie đã là một nơi thờ phụng - nhưng của nhiều vị thần khác biệt. Ban đầu, đây là nhà thờ chính thống Hy Lạp, sau đó được đổi thành nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã, trước khi biến thành nhà thờ Hồi giáo. Sau cùng, tách biệt khỏi mọi tôn giáo, nơi đây trở thành một bảo tàng độc đáo nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những biểu tượng Thiên Chúa giáo kề cận bên các bản khắc Hồi giáo.

Đại chỉ: Sultan, Ahmet, Ayasofya Meydani, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Giá vé: 150.000 - 230.000 VND

Cung điện Topkapi cổ kính

Cung điện Topkapi sở hữu rất nhiều danh hiệu: “Di tích lịch sử của Istanbul”, nằm trong số di sản thế giới của UNESCO, cũng là một trong những lâu đài hoàng gia cổ kính nhất hành tinh. Được xây dựng vào những năm 1400, cung điện Topkapi từng là nơi ở xa hoa của các sultan (cùng các thê thiếp) và mọi thứ mà một sultan phải có: vườn cây, bệnh viện riêng, châu báu, nhà thờ, cửa hàng. Ngày nay, cung điện được biến thành bảo tàng từ năm 1924 và mở cửa tham quan với giá vé vô cùng thấp.

Đại chỉ: Công viên Gulhane, gần quảng trường Sultanahmet, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá vé: 242.000 VND

Nhà thờ Xanh

Nhà thờ Sultan Ahmet (còn được gọi là Nhà thờ Xanh) là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất nhì Istanbul. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì nó được lát tới 20 nghìn viên gạch xanh. Được xây dựng từ thế kỷ 17, Nhà thờ Xanh là nhà thờ duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ có đến 6 minaret (tháp cao) và được người dân xem như một nơi thờ phụng linh thiêng cho tới ngày nay.

Nhà thờ miễn phí vào cửa. Du khách phải bỏ giày dép ra ngoài trước khi đi vào. Phụ nữ phải dùng khăn choàng quấn đầu.

Địa chỉ: Sultanahmet Camii, 34122 Sultanahmet, Fatih, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà thờ đóng cửa vào giờ cầu nguyện và giờ thuyết pháp: Imsak/Fajr - 2 tiếng trước bình minh; Güneş/Tulu - Bình minh; Ögle/Zuhr - Giữa ngày; Ikindi/Asr - Chiều; Aksam/Maghrib - Mặt trời lặn; Yatsi/Isha - Ngay trước khi tắt nắng

Khám phá bí mật tại Cung điện chìm


Có một thế giới ngầm dưới những con đường trong thành phố - Bình chứa hoàng cung La Mã, hay còn gọi là "Cung điện chìm” của Istanbul. Dù được xây dựng với chức năng dẫn nước sạch vào thành phố từ hồ Balkan, Cung điện chìm sở hữu vẻ đẹp tráng lệ, những phòng chứa ngầm có sức chứa khoảng 100 nghìn tấn nước được nâng lên các trụ đá hoa cương chạm khắc. Nơi đây từng là bối cảnh cho tập phim From Russia with Love của serie 007.

Địa chỉ: Alemdar Mh., Yerebatan Cd. 1/3, 34410 Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Giá vé: 150.000 VND

Mua sắm ở chợ trời lớn nhất thế giới

Chợ Lớn là điểm mua bán tấp nập của phố cổ Istanbul kể từ thế kỷ 15. Trải dài qua 61 phố phường, Chợ Lớn gồm có hàng nghìn cửa hàng lớn nhỏ bày bán mọi mặt hàng bình dân và sang trọng. Ngay cả khi không đến để mua quà lưu niệm, dạo quanh chợ cũng sẽ mang lại nhiều trải nghiệm hay - hòa mình vào ngôi chợ đã tồn tại vài trăm năm nay, thưởng thức cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đậm đà, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật xung quanh mình. Chợ miễn phí ra vào cho mọi người.

Địa chỉ: Beyazit Mh, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bày tỏ sự thành kính trước mộ anh hùng ở nhà thờ Eyup sultan

Nhà thờ Eyup sultan là một địa điểm hành hương của người Hồi từ khắp nơi trên thế giới, vì vai trò quan trọng của nó trong lịch sử chính trị thành phố cũng như nguồn cội của đạo Hồi. Nhà thờ không chỉ là nơi hoạt động tôn giáo, mà còn là lăng tẩm được dựng lên tại nơi mà nhiều người cho rằng Ebu Eyüp el-Ensari, nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến chống quân Ottoman của người dân thành Istanbul, đồng thời là bạn của nhà tiên tri Hồi Giáo Muhammad, đã ngã xuống và được chôn cất sau đó.

Được xem như nơi linh thiêng nhất Istanbul, Nhà thờ Eyup Sultan thu hút những người Hồi giáo hành hương đến lăng mộ Ebu Eyüp el-Ensari cho đến tận ngày nay. Vé vào cửa nhà thờ là tùy thuộc thiện tâm.

Địa chỉ: Islambey, Eyüp Sultan Bulvarı, Eyüp Sultan Meydanı, 34050 Eyüp/İstanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Di chuyển: Bắt xe điện từ Sultanahmet đến Eminonu, sau đó bắt phà Halic Hatti (Sừng Vàng) đến Eyup.

Dùng bữa tại Gaziantep Burc Ocakbasi

Mỗi bữa ăn ngon ở đây, bạn sẽ phải trả trung bình từ 150.000 đồng trở lên

Dù đi du lịch tiết kiệm, bạn vẫn có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon tại nhà ăn Gaziantep Burc Ocakbasi nép mình trong một con hẻm nhỏ cạnh Chợ Lớn. Hầu hết các món ăn hiện diện trong thực đơn đều khá ngon, từ kepab, món cuốn, pizza Thổ Nhĩ Kỳ cho đến sa lát và bánh mì.

Những người kiêng ăn thịt heo, bò cũng sẽ được đáp ứng ở Istanbul. Các loại thịt đều được mua bán ngay tại địa phương, được giết mổ theo luật halal (làm thịt súc vật theo luật Hồi giáo), các món ăn thông thường không có thịt ăn và các loại thịt bị hạn chế khác.

Địa chỉ: Parçacilar Sokak 12, Kapalı Carsı, 34200 Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Giá cả bữa ăn từ: 150.000 VND trở lên

Vĩnh Hy (theo Skyscanner)

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Khu mua sắm lâu đời nhất thế giới ở Istanbul

Grand Bazaar ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ thường được xem là khu mua sắm lâu đời nhất trong lịch sử với trên 3.000 tiểu thương bán đủ mặt hàng.
Xem thêm: Những trải nghiệm không ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Grand Bazaar được xây dựng từ giữa thế kỷ 15, vẫn hoạt động cho đến tận ngày nay, trở thành điểm du lịch thu hút khách nhất thế giới và số lượng người mua sắm hằng năm lên tới 91 triệu người. Chợ gồm rất nhiều sạp hàng chuyên bày bán các đồ thủ công như trang sức, đồ da, thảm trải sàn, vải dệt và đổ cổ.

Một góc chợ Grand Bazaar ở Istanbul

Trước khi tham quan Grand Bazaar, có một số cửa hàng du khách nhất thiết phải ghé vào qua lối Nuruosmaniye, ví dụ như cửa hàng của Sevan Bıçakçı, thợ thiết kế trang sức nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc tại Kutlu Han.

Nổi lên với nghệ danh “Vua Nhẫn”, Bıçakçı sử dụng kỹ nghệ khảm mosaic vi mô để tạo ra những tác phẩm đáng kinh ngạc lấy cảm hứng từ chính Istanbul. Những tuyệt tác này đã làm say lòng không ít ngôi sao nổi tiếng và được bày bán tại những cửa hàng danh giá nhất thế giới như Barney’s, Stanley Korshak và Maxfield.

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nhiều cửa hang trang sức quý giá, đẹp như thế này trong chợ Grand Bazaar

Đến Grand Bazaar, bạn như choáng ngợp trước vô vàn những món đồ gốm xứ tinh xảo

Một nhà thiết kết trang sức đang lên của Thổ Nhĩ Kỳ, Arman Suciyan, người từng làm cộng sự của nghệ nhân trang sức người Anh Stephen Webster rất nhiều năm, cũng là người đoạt giải thưởng Elle Style Award 2013, cũng mở một cửa hàng ở Cam Han trên Fenari Sokak để trưng bày các tác phẩm kỳ bí, thoát tục của mình.

Cửa hàng Sofa Art & Antiques, nằm ngay trước sân Nuruosmaniya, là địa chỉ lý tưởng của những món đồ cổ, đồ nghệ thuật, bản in, thư pháp, các bức tiểu họa của người Ottoman, đồ điêu khắc, vải vóc, sách và rất nhiều món hàng khác.

Những chiếc bình cổ được chạm trổ rất tinh tế

Ngoài gốm xứ, đồ nghệ thuật, bản in, thư pháp, các bức tiểu họa cũng được bán khá nhiều

Khi đặt chân vào Grand Bazaar qua cổng Nuruosmaniye, bạn sẽ bắt gặp những con phố dài nhộn nhịp như Kalpakçılar chuyên bày bán đồ trang sức, hay chính xác hơn là vàng, giá thuê sạp ở đây có thể lên tới khoảng 80.000 đô la một năm. Những sạp hàng nhỏ xíu này không chỉ nổi tiếng với khách du lịch mà còn là nơi người Thổ Nhĩ Kỳ lui tới mua vòng tay hoặc các đồng vàng để tặng trong dịp đám cưới – một truyền thống vẫn còn lưu tới ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm của chợ, İç Bedestan, là khu vực buôn bán lâu năm nhất của ngôi chợ này. Còn được gọi bằng cái tên Cevahir Bedestan, nơi đây tập trung những món hàng quý báu nhất của chợ trong suốt chiều dài lịch sử, cũng là nơi đấu giá các nô lệ mãi cho đến giữa thế kỷ 19. Ngày nay, hàng chục cửa hàng đồ cổ đã mọc lên ở đây và bày bán các chứng tích lịch sử Byzantine và Ottoman, cùng những mặt hàng thủ công truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các du khách có thể dành hàng giờ để trò chuyện cùng các chủ cửa hang để tìm hiểu về nghề truyền thống tại đây

Lồng đèn được thiết kế theo kiểu truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ

Bạn là tín đồ yêu lụa là, có thể ghé tham quan cửa hàng Cashmere

Đồ thủ công L’orient là một trong những cửa hàng bé nhỏ có chứa vô số đồ cổ, các kho báu văn hóa như bộ sưu tập rối Karagöz đầy đủ nhất của Thổ Nhĩ Kì, từng được đưa tin trên các báo New York Times và Herald Tribune.

Con đường Hahcilar song song đó là nơi bày bán rất nhiều món quà lưu niệm hay ho như tiệm Abdulla, cửa hàng chuyên bán các loại khăn tắm bông mềm mại, xà phòng tự nhiên, cọ tẩy da chết, v.v. Cửa hàng Cocoon là nơi chuyên cung cấp các loại mũ nỉ, phục sức Trung Á cổ, vải dệt, chưa kể đến gối, túi xách, giày và các quà tặng khác.

Cửa hàng bán vải vóc làm từ bông dệt bằng tay và các khuy trùm đầu, hàng ngày thu hút khoảng 250.000 người ghé tham quan

Quẹo sang đường Takkeciler, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tấm thảm giàu sức sáng tạo của cửa hàng Dhoku, nhà tiên phong trong sản xuất thảm Thổ Nhĩ Kì kết hợp truyền thống và hiện đại, với các mặt hàng từ thảm vá cổ điển đến thảm kilim hiện đại, rực rỡ. Cũng trên đường này, cửa hàng Yazzma chuyên bán các loại vải gia dụng để trải bàn, gối, và nhiều mặt hàng khác.

Từ đây, du khách có thể ghé qua đường Gani Celebi để đến với cửa hàng AK Gümüş, chuyên bày bán các tác phẩm nghệ thuật vùng Trung Á, vô số trang sức và nữ trang. Nếu đã mỏi mệt, không nên bỏ qua Havuzlu, một cửa hàng dành cho các thương nhân đã hoạt động từ năm 1960. Nơi đây có đầy đủ không gian trong nhà, ngoài trời, phục vụ bánh mì kẹp doner kebab và các món ăn gia đình.

Nhớ ghé các quầy hàng bán tranh nghệ thuật để thưởng thức

Đi về phía đường Yağlıkçılar, hãy vào thăm quan những cuộn vải chất lượng nhất từ khắp nơi trên thế giới ở Yazmacı Necdet Danış. Ngoài ra, ở đây còn bán khăn choàng, đồ khoác ngoài và quà tặng có liên quan đến chất liệu vải độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ. Cửa hàng giày dân gian Nesim trên cùng con đường chuyên bày bán đủ loại giày sandal da truyền thống, giày thể thao đầy đủ màu sắc. Gần đó là cửa hàng Army of Love, cũng là nơi gây bất ngờ nhất trong chợ, chuyên bày bán áo jacket quân đội cũ được thiết kế lại.

Tọa lạc ở Zincirli Han, Şişko Osman được nhiều người xem như quê hương của các loại thảm Thổ Nhĩ Kì. Sang phía đường Kurkçular, du khách có thể thỏa thích mua các loại đồ da, đặc biệt là áo khoác da tại cửa hàng Koç Deri.

Các mặt hàng thực phẩm khô cũng được bán ở đây

Dù vào thời điểm nào, chợ Grand Bazaar cũng không lúc nào vắng khách cả

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Mavi Köşe, một kho tàng những món đồ vô giá và lịch sử hoạt động lâu đời. Cửa hàng này đã hoạt động ròng rã nửa thế kỷ, cũng là nơi du khách có thể tìm thấy những món đồ cổ thú vị, độc nhất vô nhị.

Theo Dailysabah, Mymodernmet

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Những lưu ý bỏ túi khi du ngoạn Istanbul

Nếu muốn có giấc ngủ ngon bạn không nên đặt phòng trong khu Taksim, và vào giờ cao điểm hãy tìm buýt nhanh hoặc đi tàu điện để tránh bị tắc đường.
Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Dưới đây là một số điều giúp bạn có chuyến du lịch Istanbul thú vị và an toàn hơn.

Tránh các điểm biểu tình đông đúc

Vừa qua tại Ankara, xảy ra hai vụ nổ bom liên tiếp làm 86 người chết và 186 người bị thương. Ngay sau đó, rất nhiều người xuống đường biểu tình ở các khu vực trung tâm, đông đúc của Istanbul như quảng trường Taksim. Nếu du lịch những ngày này, du khách nên cẩn trọng và hạn chế tới các địa điểm biểu tình, đông người để tránh gặp nguy hiểm.

Không ở khu quảng trường Taksim

Vì là điểm tụ họp của những người thích chơi đêm, lại không có giờ giới nghiêm nên Taksim luôn náo động cho tới sáng sớm hôm sau. Thay vì đặt phòng ở đây, bạn hãy kiếm chỗ tại khu Galata hoặc Cankutaran, cũng ở vị trí trung tâm nhưng về đêm yên tĩnh hơn.

Tuy vậy, bạn vẫn nên thử trải nghiệm Istanbul về đêm. Đó là thời điểm nhiều nơi đóng cửa nhưng Taksim vẫn thức tỉnh và tràn trề sức sống.
Du khách và người dân nhộn nhịp trên các con phố ở Taksim. Ảnh: tourforturkey.

Đừng nghĩ bạn đang ăn đồ Hy Lạp

Thổ Nhĩ KỳHy Lạp có nhiều điểm chung về ẩm thực đến mức đã tranh cãi rất lâu dài về việc bên nào mới là tác giả đầu tiên của các món ăn. Người Thổ Nhĩ Kỳ rất tự hào về ẩm thực nên sự lầm tưởng của bạn có thể khiến họ bị tổn thương, hoặc tệ hơn là tức giận. Với nhiều người vị phomat có thể giống của feta, rượu giống ouzo nhưng hãy hỏi người bồi bàn tên tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng nhớ chúng.

Hãy nhận lời mời uống trà

Việc mời một tách trà truyền thống ở Thổ Nhĩ Kỳ tương tự với hành động gửi lời mời kết bạn trên mạng xã hội vậy. Khi bạn được mời tới nhà hay quán để uống trà, nghĩa là họ muốn nói "tôi muốn rủ bạn ngồi và trò chuyện đôi phút". Vì vậy, bạn không nên từ chối tách trà trừ phi có việc quá gấp gáp.

Người Thổ Nhĩ Kỳ rất hòa nhã, gần gũi, kể cả khi có bất đồng ngôn ngữ.

Không nên vào quán pudding

Băng qua thánh đường Hagia Sophia, bạn sẽ thấy Pudding Shop, từng là nơi tụ tập của các du khách trên con đường du mục tới Kathmandu. Tuy nhiên, quán không còn như cách đây 50 năm, dù còn tên cũ, bên trong bây giờ là một nhà hàng bình thường như bao nơi khác.

Tarhi Sultanahmet Koftecisi là một địa chỉ đáng đánh dấu trong sổ ẩm thực của bạn. Thực đơn không nhiều nhưng đây là món ăn bản địa cho người Thổ Nhĩ Kỳ, giá cả phải chăng và luôn sẵn lòng đóng gói đồ cho bạn đem đi. Bạn hãy thử món kofte, một loại thịt cừu viên nướng, chế biến cùng salad đậu và súp đậu lăng.
Một góc phố rực rỡ sắc màu ở Istanbul. Ảnh: fineartamerica.

Hạn chế đi taxi

Giao thông ở Istanbul rất trì trệ, đặc biệt là những giờ cao điểm. Vì vậy bạn không nên bắt taxi hay buýt để đi. Nếu bạn cần đi xa và không thể đi bộ, hãy tìm ga tàu điện, buýt nhanh (metrobus). Dù các phương tiện này cũng đông đúc, tốc độ của chúng vẫn nhanh hơn rất nhiều so với taxi và buýt thường.

Hãy mang theo bản đồ để đi bộ

Hệ thống ngõ phố là một trong những niềm tự hào của Istanbul. Đó là những con ngõ hẹp, trang trí phía trên là các khu nhà dân phơi quần áo đủ màu sắc, đôi khi còn có các con dốc lên xuống ở những ngọn đồi. Có thời gian rảnh rỗi lang thang bạn hãy ghé vào Galata, nơi hội tụ các quán cà phê, cửa hàng, điểm phục vụ nhạc và những địa chỉ nghệ thuật thú vị.

Lưu ý về trang phục khi vào các thánh đường

Phụ nữ thường phải trùm kín đầu bằng khăn mới được vào. Mọi người không được mặc áo hai dây, quần hay váy ngắn (nếu mặc vậy bạn sẽ được yêu cầu dùng khăn pashmina và quấn lên người để che chắn).

Giữ trật tự nơi tôn nghiêm

Các thánh đường đều có giờ cầu nguyện riêng, tuy nhiên mọi người có thể chọn bất kỳ thời điểm nào để tham quan. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều trường hợp thánh đường mở cửa cho khách và các tín đồ vẫn cầu nguyện. Hãy cố gắng nói nhỏ, hạn chế dùng điện thoại và nếu muốn chụp ảnh người cầu nguyện cần thận trọng.

Hương Chi

Bài đăng phổ biến