Hiển thị các bài đăng có nhãn Mua sắm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mua sắm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Lịch trình 5 ngày mua sắm mệt nghỉ ở Kuala Lumpur

Với lịch trình 5 ngày, bạn sẽ ghé qua hầu hết các trung tâm thương mại đình đám nhất quanh thủ đô Malaysia.

Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên phong phú, Kuala Lumpur còn là địa chỉ được các tín đồ mua sắm ở Việt Nam yêu mến. Thủ đô của Malaysia luôn được bầu chọn trong danh sách "thiên đường mua sắm" tốt nhất châu Á và thế giới.

Du khách Việt có thể lựa chọn các đường bay thẳng của 4 hãng hàng không, tiết kiệm thời gian, có nhiều đợt giảm giá vé trong năm. Hàng hóa ở Kuala Lumpur rất đa dạng về chủng loại và giá tiền, bao gồm từ các nhãn hàng cao cấp cho tới những thương hiệu bình dân.

Yếu tố quan trọng nhất được du khách quan tâm chính là tỷ giá đồng tiền hiện tại của Malaysia khá thuận lợi cho hoạt động mua sắm, chỉ khoảng 5.300 đồng đổi 1 ringgit, thấp hơn rất nhiều so với trước đây, khoảng 7.000 đồng đổi 1 ringgit vào năm 2013.

Các trung tâm thương mại ở Kuala Lumpur mọc lên rầm rộ mỗi năm. Từ khu trung tâm cho tới các thành phố vệ tinh, đâu đâu du khách cũng sẽ bị lạc bước vào thiên đường mua sắm. Một năm, Malaysia có 3 đợt giảm giá khủng, bao gồm: Super Sale (1/3-31/3), Mega Sale (15/6-31/8), Year End Sale (1/11-31/12) với mức giá giảm kỷ lục có thể lên tới 70-80% với các thương hiệu lớn.

Ngày 1 và 2

Bukit Bintang

Nằm trong trung tâm thành phố Kuala Lumpur, Bukit Bintang là khu vực tập trung nhiều trung tâm mua sắm hàng đầu Malaysia, với các tên tuổi: Pavilion Kuala Lumpur, Starhill Gallery, Fahrenheit 88, Lot 10, Low Yat Plaza, Berjaya Times Square.

Nổi bật nhất là Pavillion, nằm cuối con đường Jalan Bukit Bintang xa hoa, được bao quanh bởi hàng loạt khách sạn 3-5 sao, nơi có đài phun nước pha lê cao nhất Malaysia. Du khách chỉ mất 10 phút đi bộ đến KLCC - trung tâm thành phố nơi có tháp đô Petronas.

Đến với Pavillion, bạn có thể đi bằng các phương tiện: xe bus hop on hop off, xe bus miễn phí Rapid KL City, tàu monorail.

Trong Bukit Bintang, bạn cũng có thêm gợi ý là trung tâm Fahrenheit 88 với 130 cửa hiệu mua sắm, sở hữu cửa hàng Uniqlo lớn nhất Malaysia, cửa hàng Brand Outlets duy nhất ở Bukit Bintang nơi có rất nhiều sản phẩm thời trang giá bèo.

Suria KLCC


Đây là một khu phức hợp hoàn chỉnh từ căn hộ, khách sạn, trung tâm thương mại, triển lãm... mang tầm cỡ quốc tế ở Malaysia - nơi nổi tiếng với tòa tháp đôi từng đạt nhiều kỷ lục thế giới. Hơn 30 cửa hàng của các thương hiệu cao cấp chỉ có ở Suria KLCC như Chanel, Giorgio Armani, Dolce & Gabanna, Alexander McQueen, Coach Men, Dior Homme... Bạn có sự lựa chọn đa dạng về các gian hàng đồ ăn, thức uống của địa phương và quốc tế.

Không chỉ mua sắm, bạn có thể lên tầng 42 tham quan skybridge - cây cầu nối 2 tòa tháp, xem nhạc nước biểu diễn lúc 20h hàng ngày, cho trẻ con khám phá khoa học ở Petrosains Discovery Centre, tham quan thủy cung. Du khách yêu nghệ thuật có thể tới triển lãm mỹ thuật, nhà hát, công viên chỉ cách vài bước chân. Tối đến, có thể ngồi ở Skybar trên khách sạn Traders Hotel vàchiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục từ toà tháp đôi về đêm.

Jalan Masjid India và Jalan Tuanku Abdul Rahman (khu tiểu Ấn)

Đây là khu vực mua sắm mang nhiều bản sắc địa phương, trong đó nổi bật là "con đường tơ lụa" dọc Jalan Tunku Abdul Rahman, khu phức hợp mua sắm Sogo, Maju Junction, Trung tâm thương mại KJakel Mall

Sogo là một trong những khu phố mua sắm nổi tiếng và lớn nhất Kuala Lumpur, được đặt tại địa điểm đắc địa ở Jalan Tuanku Abdul Rahman.Khách du lịch dễ dàng đến đây bằng nhiều phương tiện như LRT, xe bus và taxi.

Sunway Putra Mall

Cách tháp đôi 4km và Sogo hơn 1 km, Sunway Putra Mall nằm tại Jalan Putra, có 8 tầng với đầy đủ thương hiệu lớn, bao gồm 2 khu liên kết là khu văn phòng và khách sạn.

Ngày 3

IOI City Mall


Khu vực này chỉ cách sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) và trung tâm thành phố Kuala Lumpur 30 phút lái xe, nằm trong IOI Resort City. Vì thế bạn có thể nghỉ đêm tại đây sau một ngày mua sắm cật lực.

Đây là điểm dừng chân với đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm của nhiều thương hiệu bình dân như H&M, Uniqlo, Sasa, Espirit, Nike, Adidas, Cotton On..., được phân bố trong 4 khu vực mua sắm, 380 cửa hàng.

Ngoài mua sắm, du khách có thể tham gia các trò chơi mại hiểm trong khu District 21 có diện tích gần 70.000 m2 hay sân trượt băng trong nhà Icescape chuẩn kích thước Olympic lớn nhất ở Malaysia.

Ngày 4

Sunway Pyramid


Cách trung tâm thành phố hơn 20 km, Sunway Pyramid nằm trong top 10 trung tâm thương mại lớn nhất thế giới và đồng thời là lớn nhất Malaysia, một địa điểm không thể không ghé qua nếu bạn là một du khách ham thích mua sắm.

Nơi đây sở hữu 800 cửa hàng trong 4 khu mua sắm độc đáo, 160 gian hàng ẩm thực, sân băng và công viên. Do cách trung tâm khá xa nên bạn có thể dành ra một ngày nghỉ đêm tại đây trong Sunway Resort, cho con nhỏ vui chơi trong công viên giải trí Sunway Lagoon, Sunway Pyramid.

Ngày 5

Mitsui Outlet Park KLIA SEPANG


Chỉ mất 5 phút để di chuyển từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur và KLIA2, du khách đã có mặt ở trung tâm thương mại 100% châu Á từ điều hành cho tới các hàng hóa. Địa điểm này thích hợp cho ngày cuối cùng của hành trình. Điều đáng nói là phần lớn các mặt hàng ở đây đều là hàng outlet của các thương hiệu lớn.

Với lợi thế gần sân bay KLIA, Mitsui Outlet Park KLIA SEPANG có thể cung cấp các dịch hoàn hảo cho việc vừa bay vừa mua sắm. Điển hình là dịch vụ flight check-in center là nơi du khách có thể gửi hành lý của mình tại đó rồi tự do ngao du mua sắm, hay tự check in tại quầy tự động hoặc máy tính, du khách cũng có thể kết nối máy in để in vé lên tàu bay rất tiện lợi.

Bảng điện tử màn hình LED hiển thị thông tin các chuyến bay không khác gì ngay tại sân bay để khách hàng có thể tiện theo dõi để tránh lỡ chuyến.

(Theo NgoiSao)

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Khu Kondae sầm uất ở Seoul cho tín đồ mua sắm

Khu Kondae là nơi bạn có thể ăn uống, mua sắm, vui chơi và giải trí thỏa thích cả ngày.
Xem thêm: Ba ngày ở Seoul

Khu vực trường Đại học Konkuk năm ở phía Đông Seoul là một trung tâm vui chơi, mua sắm thời trang, làm đẹp, các cửa hàng ăn uống, quán cafe khá nổi tiếng, được biết đến với tên gọi là khu Kondae. Tới đây, bạn sẽ thấy một hình ảnh Seoul trẻ trung, "chất chơi" khác với một Seoul thường ngày.

Khu vực Common Ground

Nổi bật với từng khối container màu xanh bắt mắt, đây là trung tâm thương mại đầu tiên ở Seoul và cũng là lớn nhất trên thế giới được cấu tạo từ container độc đáo. Trong 100 ngày đầu tiên mở cửa, trung tâm đã tiếp đón một lượng khách đông kinh khủng đến với toàn khu Kondae vì danh tiếng của dãy nhà màu xanh này. Nhiều cửa hiệu độc đáo, cửa hàng thiết kế, mang phong cách riêng thu hút lượng khách rất "chất" và trẻ trung.

Ở khu vực sân chính giữa, hàng tuần thường diễn ra các hội chợ theo chủ đề, hay các triễn lãm, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật độc đáo.

Trung tâm thượng mại Start City và phố thời trang Rodeo

Star City là tổ hợp các bách hóa, siêu thị lớn, rạp chiếu phim rạp chiếu phim, nhà sách quy mô lớn, cùng với một dãy các cửa hàng thời trang và nhà hàng. Đặc biệt, có rất nhiều nhà hàng chuyển nhượng thương hiện nổi tiếng trong khu phức hợp này, vì vậy, bạn sẽ được trải nghiệm ăn uống thỏa thích ở bất cứ nơi nào mà bạn chọn.

Địa chỉ: 262, Achasan-ro, Gwangjin-gu, Seoul. Bạn đi tàu điện ngầm đến Nhà ga đại học Konkuk (tuyến số 2, 7).


Con phố phía sau của Common Ground dẫn đến Phố Rodeo, nằm dọc hai bên phố là các thương hiệu cửa hàng thời trang, thể thao,và các nhà hàng. Sẽ là một trải nghiệm cực kỳ thú vị khi ghé thăm các dãy cửa hàng hai bên đường và thưởng thức các nhà hàng ngon.

Địa chỉ: 200, Achasan-ro, Gwangjin-gu, Seoul, đến ga đại học Konkuk, cửa ra số 6, đi bộ khoảng 250m.

Phố ẩm thực

Phố ăm thực Kondae với các nhà hàng phục vụ đa dạng về các món ăn rất nổi tiếng ở Hàn Quốc. Bạn có rất nhiều sự lựa chọn ăn uống từ loại các món ăn Hàn Quốc yêu thích lâu nay như samgyeopsal (thịt lợn ba chỉ nướng) và galbi (sườn bò nướng), cho đến các món ăn kỳ lạ của phương Tây.

Bạn cũng có thể tìm thấy các quán cà phê với những món tráng miệng đang là trào lưu hot. Nhiều nhà hàng và quán bar mở cho đến tận đêm khuya.

 
Địa chỉ: Địa chỉ: Hwayangdong, Gwangjin-gu, Seoul, xuống ga đi cửa số 2, đi bộ 30m.

Chợ Norunsan Golmok và Chợ Yeongdonggyo Golmok

Đây là hai chợ truyền thống ở trong khu vực

Bây giờ là lúc mà các bạn có thể đi dạo quanh thăm các chợ truyền thống, nằm trong các con phố nhỏ theo đúng kiểu Hàn Quốc, thay vì đi đến các trung tâm mua sắm cao cấp. Chợ Norunsan Golmok và Chợ Yeongdonggyo Golmok nằm cách nhà ga Đại học Konkuk khoảng 10 phút đi bộ, là những nơi bạn có thể mua thực phẩm và các mặt hàng gia dụng với giá rẻ.


Các loại đồ ăn nhẹ được bán với giá cả hợp lý cũng thu hút nhiều du khách tới ăn thử. Các du khách nên mang theo tiền mặt vì thanh toán bằng thẻ không phải lúc nào cũng được chấp nhận ở đây.

Địa chỉ: chợ Norunsan Golmok - 491, Ttukseom-ro, Gwangjin-gu, Seoul, chợ Yeongdonggyo Golmok, phía sau chợ Norunsan Golmok. Bạn xuống nhà ga ra cửa số 5, đi bộ khoảng 1 km.

Công viên Ttukseom Hangang

Mất khoảng 15 phút đi bộ hoặc một ga bằng tàu điện ngầm từ Nhà ga Đại học Konkuk sẽ đưa bạn đến Công viên Ttukseom Hangang, một nơi lý tưởng để ngắm cảnh tuyệt đẹp của sông Hangang. Công viên này là một nơi nghỉ ngơi của người dân Seoul trong những ngày cuối tuần để vui chơi, ăn uống ngoài trời, thuê xe đạp. Công viên mở cửa hồ bơi ngoài trời vào mùa hè và sân trượt băng vào mùa đông.


Địa chỉ: 428, Jayang-dong, Gwangjin-gu, Seoul, xuống ga ra cửa ra số 3.

Công viên thiếu nhi Children’s Grand Park

Đây là nơi bạn có thể trải nghiệm một không gian thiên nhiên rộng lớn ngay trong trung tâm thành phố. Công viên có một vườn thực vật và sở thú được bảo tồn rất tốt cùng phong cảnh hữu tình. Khu vườn có đến gần 300 loài thực vật và hơn 70 loài hoa, hơn 4000 động vật bao gồm voi, hồ... Ngoài ra, công viên có nhiều khu vui chơi thiếu nhi có các chương trình trải nghiệm và giáo dục thú vị.


Địa chỉ: 216, Neungdong-ro, Gwangjin-gu, Seoul, bạn đi đến ga Children’s Grand Park, cửa ra số 1.

SuZi (Theo Visit Korea)

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Khu mua sắm lâu đời nhất thế giới ở Istanbul

Grand Bazaar ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ thường được xem là khu mua sắm lâu đời nhất trong lịch sử với trên 3.000 tiểu thương bán đủ mặt hàng.
Xem thêm: Những trải nghiệm không ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Grand Bazaar được xây dựng từ giữa thế kỷ 15, vẫn hoạt động cho đến tận ngày nay, trở thành điểm du lịch thu hút khách nhất thế giới và số lượng người mua sắm hằng năm lên tới 91 triệu người. Chợ gồm rất nhiều sạp hàng chuyên bày bán các đồ thủ công như trang sức, đồ da, thảm trải sàn, vải dệt và đổ cổ.

Một góc chợ Grand Bazaar ở Istanbul

Trước khi tham quan Grand Bazaar, có một số cửa hàng du khách nhất thiết phải ghé vào qua lối Nuruosmaniye, ví dụ như cửa hàng của Sevan Bıçakçı, thợ thiết kế trang sức nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc tại Kutlu Han.

Nổi lên với nghệ danh “Vua Nhẫn”, Bıçakçı sử dụng kỹ nghệ khảm mosaic vi mô để tạo ra những tác phẩm đáng kinh ngạc lấy cảm hứng từ chính Istanbul. Những tuyệt tác này đã làm say lòng không ít ngôi sao nổi tiếng và được bày bán tại những cửa hàng danh giá nhất thế giới như Barney’s, Stanley Korshak và Maxfield.

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nhiều cửa hang trang sức quý giá, đẹp như thế này trong chợ Grand Bazaar

Đến Grand Bazaar, bạn như choáng ngợp trước vô vàn những món đồ gốm xứ tinh xảo

Một nhà thiết kết trang sức đang lên của Thổ Nhĩ Kỳ, Arman Suciyan, người từng làm cộng sự của nghệ nhân trang sức người Anh Stephen Webster rất nhiều năm, cũng là người đoạt giải thưởng Elle Style Award 2013, cũng mở một cửa hàng ở Cam Han trên Fenari Sokak để trưng bày các tác phẩm kỳ bí, thoát tục của mình.

Cửa hàng Sofa Art & Antiques, nằm ngay trước sân Nuruosmaniya, là địa chỉ lý tưởng của những món đồ cổ, đồ nghệ thuật, bản in, thư pháp, các bức tiểu họa của người Ottoman, đồ điêu khắc, vải vóc, sách và rất nhiều món hàng khác.

Những chiếc bình cổ được chạm trổ rất tinh tế

Ngoài gốm xứ, đồ nghệ thuật, bản in, thư pháp, các bức tiểu họa cũng được bán khá nhiều

Khi đặt chân vào Grand Bazaar qua cổng Nuruosmaniye, bạn sẽ bắt gặp những con phố dài nhộn nhịp như Kalpakçılar chuyên bày bán đồ trang sức, hay chính xác hơn là vàng, giá thuê sạp ở đây có thể lên tới khoảng 80.000 đô la một năm. Những sạp hàng nhỏ xíu này không chỉ nổi tiếng với khách du lịch mà còn là nơi người Thổ Nhĩ Kỳ lui tới mua vòng tay hoặc các đồng vàng để tặng trong dịp đám cưới – một truyền thống vẫn còn lưu tới ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm của chợ, İç Bedestan, là khu vực buôn bán lâu năm nhất của ngôi chợ này. Còn được gọi bằng cái tên Cevahir Bedestan, nơi đây tập trung những món hàng quý báu nhất của chợ trong suốt chiều dài lịch sử, cũng là nơi đấu giá các nô lệ mãi cho đến giữa thế kỷ 19. Ngày nay, hàng chục cửa hàng đồ cổ đã mọc lên ở đây và bày bán các chứng tích lịch sử Byzantine và Ottoman, cùng những mặt hàng thủ công truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các du khách có thể dành hàng giờ để trò chuyện cùng các chủ cửa hang để tìm hiểu về nghề truyền thống tại đây

Lồng đèn được thiết kế theo kiểu truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ

Bạn là tín đồ yêu lụa là, có thể ghé tham quan cửa hàng Cashmere

Đồ thủ công L’orient là một trong những cửa hàng bé nhỏ có chứa vô số đồ cổ, các kho báu văn hóa như bộ sưu tập rối Karagöz đầy đủ nhất của Thổ Nhĩ Kì, từng được đưa tin trên các báo New York Times và Herald Tribune.

Con đường Hahcilar song song đó là nơi bày bán rất nhiều món quà lưu niệm hay ho như tiệm Abdulla, cửa hàng chuyên bán các loại khăn tắm bông mềm mại, xà phòng tự nhiên, cọ tẩy da chết, v.v. Cửa hàng Cocoon là nơi chuyên cung cấp các loại mũ nỉ, phục sức Trung Á cổ, vải dệt, chưa kể đến gối, túi xách, giày và các quà tặng khác.

Cửa hàng bán vải vóc làm từ bông dệt bằng tay và các khuy trùm đầu, hàng ngày thu hút khoảng 250.000 người ghé tham quan

Quẹo sang đường Takkeciler, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tấm thảm giàu sức sáng tạo của cửa hàng Dhoku, nhà tiên phong trong sản xuất thảm Thổ Nhĩ Kì kết hợp truyền thống và hiện đại, với các mặt hàng từ thảm vá cổ điển đến thảm kilim hiện đại, rực rỡ. Cũng trên đường này, cửa hàng Yazzma chuyên bán các loại vải gia dụng để trải bàn, gối, và nhiều mặt hàng khác.

Từ đây, du khách có thể ghé qua đường Gani Celebi để đến với cửa hàng AK Gümüş, chuyên bày bán các tác phẩm nghệ thuật vùng Trung Á, vô số trang sức và nữ trang. Nếu đã mỏi mệt, không nên bỏ qua Havuzlu, một cửa hàng dành cho các thương nhân đã hoạt động từ năm 1960. Nơi đây có đầy đủ không gian trong nhà, ngoài trời, phục vụ bánh mì kẹp doner kebab và các món ăn gia đình.

Nhớ ghé các quầy hàng bán tranh nghệ thuật để thưởng thức

Đi về phía đường Yağlıkçılar, hãy vào thăm quan những cuộn vải chất lượng nhất từ khắp nơi trên thế giới ở Yazmacı Necdet Danış. Ngoài ra, ở đây còn bán khăn choàng, đồ khoác ngoài và quà tặng có liên quan đến chất liệu vải độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ. Cửa hàng giày dân gian Nesim trên cùng con đường chuyên bày bán đủ loại giày sandal da truyền thống, giày thể thao đầy đủ màu sắc. Gần đó là cửa hàng Army of Love, cũng là nơi gây bất ngờ nhất trong chợ, chuyên bày bán áo jacket quân đội cũ được thiết kế lại.

Tọa lạc ở Zincirli Han, Şişko Osman được nhiều người xem như quê hương của các loại thảm Thổ Nhĩ Kì. Sang phía đường Kurkçular, du khách có thể thỏa thích mua các loại đồ da, đặc biệt là áo khoác da tại cửa hàng Koç Deri.

Các mặt hàng thực phẩm khô cũng được bán ở đây

Dù vào thời điểm nào, chợ Grand Bazaar cũng không lúc nào vắng khách cả

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Mavi Köşe, một kho tàng những món đồ vô giá và lịch sử hoạt động lâu đời. Cửa hàng này đã hoạt động ròng rã nửa thế kỷ, cũng là nơi du khách có thể tìm thấy những món đồ cổ thú vị, độc nhất vô nhị.

Theo Dailysabah, Mymodernmet

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

7 điểm mua sắm lý tưởng mùa lễ hội 2016 ở Dubai

Lễ hội mua sắm Dubai diễn ra từ ngày 1/1 – 1/2/2016 là một trong những sự kiện hấp dẫn của khu vực Trung Đông. Từ những nhãn hàng quốc tế đến các mặt hàng miễn thuế, đây sẽ là trải nghiệm shopping nhớ đời của các du khách.
Xem thêm: Những món quà lưu niệm độc đáo ở Dubai

Trung tâm thương mại Dubai


Dubai Mall là trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, trải rộng khoảng 110 hecta. Đây là thiên đường để mua sắm, ăn uống, thậm chí còn có cả bể nuôi cá lớn và sân băng. Nếu là tín đồ của các nhãn hàng cao cấp như Gucci, Zara hay các thương hiệu bình dân hơn, bạn sẽ lóa mắt với vô số món hàng tuyệt vời tại đây.

Chợ nước hoa


Bạn mê mệt vì mùi hương của các loại nước hoa, vậy thì không thể bỏ qua chợ Nước hoa tại Dubai. Nền văn minh Trung Đông nổi tiếng với các công thức pha chế hương thơm độc đáo không thể có ở bất kì nơi nào khác. Điểm đặc biệt ở khu chợ này còn nằm ở chỗ, ngoài việc mua sắm các loại nước hoa của mọi thương hiệu, bạn còn có thể tự tạo nên mùi nước hoa mang cá tính riêng của bản thân.

Chợ vàng

Trang sức luôn có sức hấp dẫn với trái tim phụ nữ. Dù là mua cho mình hay người thân, du khách cũng nên ghé qua chợ vàng trong Lễ hội mua sắm Dubai. Tại đây, bạn sẽ tìm được những món hàng rẻ hơn cả Ấn Độ. Từ các loại trang sức tinh tế đến vàng thỏi, hơn 300 sạp hàng lấp lánh ánh vàng sẽ khiến bạn phải hoa mắt và không kìm được nỗi háo hức đến xem.

Bloomingdale


Bạn muốn tìm mua quần áo của các thương hiệu quốc tế với mức giá thấp, hãy đến với cửa tiệm Bloomingdale tọa lạc tại Trung tâm thương mại Dubai. Nơi đây sẽ nâng cấp trải nghiệm mua sắm hàng cao cấp của bạn lên một nấc thang hoàn toàn mới mẻ, là địa điểm lý tưởng để tìm mua những chiếc túi da đắt tiền, những chiếc giày được thiết kế sành điệu mà bạn đã ao ước từ lâu.

Tiệm S*uce

Đây là một địa điểm khác cần ghi chú lại của các tín đồ mua sắm. Từ những những nhãn hiệu nổi tiếng đến những sản phẩm thời thượng đến từ các nhà thiết kế mới nổi, bạn chắc chắn sẽ muốn tìm đến đây để chọn cho mình những bộ cánh sành điệu, độc đáo nhất.

Làng Toàn cầu

Đây không chỉ là nơi mà các thương hiệu quốc tế tụ họp chung một nhà, mà còn trưng bày di sản văn hóa độc đáo của Các tiểu vương quốc Ả Rập. Làng Toàn cầu độc đáo ở chỗ tất cả các quốc gia thành viên sẽ có một gian hàng riêng để bày biện văn hóa và những sản phẩm đặc trưng của mình.

Vào dịp Lễ hội mua sắm Dubai, du khách sẽ được mua sắm, thưởng thức ẩm thực, các hoạt động văn hóa, rút thăm trúng thưởng, thậm chí là chơi môn thể thao đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới.

The Lounge

Lễ hội mua sắm Dubai là một ước mơ của các tín đồ mua sắm và trong trường hợp tiền bạc không phải vấn đề, sao bạn không thử trải nghiệm mua sắm riêng tư khá thú vị. Đầu tiên, bạn sẽ được tư vấn riêng tại trung tâm The Lounge để hiểu rõ về sản phẩm, loại hình mua sắm bạn muốn. Sau đó, một trợ lý shopping riêng dày dặn kinh nghiệm và chuyên môn mua sắm sẽ ra tay hỗ trợ bạn.

Nếu bạn chỉ thích một mình dạo quanh các cửa hàng, hãy đến với cửa hàng Concierge Lunge tại Trung tâm thương mại Dubai. Nơi đây cung cấp dịch vụ chuyển hàng cùng rất nhiều cửa tiệm cao cấp mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi. Bạn sẽ không phải e ngại về việc xách đủ loại túi lớn nhỏ mà chỉ cần dạo quanh, chọn lựa món đồ mình yêu thích mà thôi.

Vĩnh Hy (VnExpress)

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Đi thiên đường mua sắm Quảng Châu chỉ 5 triệu đồng

Có vô vàn cách đi Quảng Châu, dù bạn đi buôn hay đi chơi thì chi phí cả đi lẫn về 3 ngày 2 đêm cũng chỉ khoảng 5 triệu.

Chuẩn bị

Hộ chiếu, visa, tiền nhân dân tệ, vé tàu hoặc vé xe nên đặt trước cho chủ động, tránh việc đến nơi mới mua sẽ có trường hợp bị hết vé, lỡ chuyến.

Visa: bây giờ làm rất nhanh. Bạn có thể làm dịch vụ (khoảng 65 USD) hoặc muốn tiết kiệm thì đến thẳng đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, xin sau 4 ngày là được cấp.

Tiền tệ: nên đổi ở Hà Nội (phố Hà Trung), khuyến cáo không nên đổi tiền ở cửa khẩu (khoảng 3.500 VND/tệ).

Một khu chợ ở Quảng Châu

Di chuyển

Trong các cách đi bằng máy bay, ôtô hay tàu cao tốc thì theo kinh nghiệm di chuyển nhiều lần giữa Hà Nội và Quảng Châu, Nguyễn Thu nhận thấy đi đường bộ là tiện lợi nhất.

Tàu cao tốc (sáng sớm đi, chiều tối tới nơi)

Xuất phát từ Hà Nội lúc 5h sáng, xe đón đến cửa khẩu khoảng 9h. Vé xe: 130.000 đồng, ăn sáng phở gà ở Lạng Sơn: 35.000 đồng.

Làm thủ tục check-in ở cửa khẩu.

Bắt xe đi Nam Ninh, ở đây bạn sẽ gặp rất nhiều người Việt, nếu đi chung sẽ rẻ nhất, giá vé xe cao cấp khoảng 100 tệ/người.

Vào bến tàu Nam Ninh khoảng 13h hoặc hơn chút xíu tùy thuộc vào lái xe.

Bạn nên mua vé tàu lúc 15-16h cho dư giả thời gian, tránh tình trạng gặp trường hợp đột xuất mà bị muộn tàu. Vé tàu khoảng 330 tệ/khứ hồi.

Đến Quảng Châu tầm 19-20h, check-in khách sạn, đi ăn uống, tham quan, mua sắm

Khách sạn: có hai khách sạn bạn sẽ gặp người Việt và giá tương đối tốt là Đức Chính (chủ người Việt) và Gia Viên (màu xanh) cạnh kho cô 7. Giá khách sạn khoảng 180-200 tệ/đêm.

Bến xe Bằng Tường

Ôtô (giá vé khoảng 540 tệ/khứ hồi)

Ngày 1: 9-10h xe đón ở Hà Nội. 13-14h đến cửa khẩu check-in.

Bắt taxi ra bến xe Bằng Tường (30 tệ). Chờ 17h30 lên xe, ngủ đến sáng hôm sau 7h tới bến xe Việt Tú Nam. Bến xe này cách hai khách sạn Đức Chính và Gia Viên chỉ 100-200 m.

Ngày 2 & 3: Sáng đi chợ, chiều đi chợ, tối đi chơi, shopping, chụp hình, ăn uống...

Ngày 4: 12h trưa trả phòng, gửi hành lý dưới sảnh khách sạn, sau đó bắt taxi và mua sắm nốt trước khi về. Miễn sao 19h có mặt ở bến xe (nếu đi ô tô) hoặc 17h chiều ở bến tàu (nếu đi tàu cao tốc) là được. Ngày hôm sau đến cửa khẩu check-in và lên xe về Hà Nội.

Một số lưu ý khi đi

Các bạn hoàn toàn có thể không cần thuê phiên dịch, tự đi sẽ tiết kiệm được 250 tệ/ngày phiên dịch.

Khi không có phiên dịch, bạn có thể đi theo hướng nào tùy thích mà không sợ ảnh hưởng đến ai. Muốn trả giá hay yêu cầu gì cũng không sợ mất thể diện. Đa số phiên dịch khi trả giá đều không tỉ mỉ cân nhắc đồng tiền lời lỗ như người mua hàng.

Ở đây có buffet đồ nướng, bình dân là 30 tệ/người (miễn phí nước uống). Buffet ở nhà hàng khoảng hơn 100 tệ kèm nước (đủ món Á, Âu, Trung, Nhật, Hàn)

Bạn chỉ cần chỉ và chỉ, lắc đầu gật đầu, hỏi giá tiền với những câu đơn giản bằng tiếng Anh vì đa số dân ở đây nói không siêu tiếng Anh, nhưng họ có thể nhìn bạn chỉ và đoán được bạn muốn gì. Đặc biệt các bạn sẽ không lo bị chặt chém vì nhìn mình ngu ngơ. Người bán hàng nói giá, bạn cân nhắc xem nên mua hay đi, sẽ không ai chửi bới hay bắt khách phải mua hàng.

Khi cần đi mua sắm ở các trung tâm lớn, hàng hiệu và ăn uống thì bạn cần thổ địa dẫn đi. Hoặc trước khi đi viết ra giấy các điểm cần đến rồi đưa cho ông tài xế và đi. Nếu không biết tiếng Trung bạn có thể nhờ những người ở khách sạn ghi ra địa điểm muốn đi ra giấy.

Quảng Châu có các khu chợ riêng cho từng mặt hàng, bạn nên dành một ngày đầu để tham quan và lựa chọn. Sau đó tới từng điểm lấy hàng mình cần, đôi khi có những nơi có hàng vừa đẹp giá lại rẻ, còn một số điểm bán hàng lại vừa mắc mà chất lượng không như ý.

Hàng Quảng Châu bán theo mùa, khí hậu nóng lạnh quyết định đến gu thẩm mỹ và hàng hóa bán ra ở từng cửa hiệu. Nên thường bạn đi mùa hè là hàng sẽ hợp với khí hậu Việt Nam hơn cả.

Không cần thủ sẵn tiền lẻ khi mua bán, vì Trung Quốc họ cũng có sẵn tiền lẻ để thối cho bạn khi cần thiết. Và nhất là khi bạn đi buôn thì mang theo nhiều tiền chẵn đỡ nặng tay chân.

Chợ ở Quảng Châu thực chất là các trung tâm lướn với lực lượng an ninh hoành tráng, bạn không cần lo chuyện cướp giật, chỉ cần cẩn thận mang túi xách và không để bị lạc mà thôi.

Đi mua buôn ở chợ 13 十三 tại Quảng Châu là hàng quần áo thời trang rẻ nhất so với tất cả các nơi bán khác tại Trung Quốc. Bạn nên đi lùng nhiều để có hàng độc giá tốt. Tuy nhiên chợ này đúng 12h trưa là đóng cửa. Khi đó bạn có thể tới các gian hàng đối diện trung tâm chợ để mua với giá cũng rất phải chăng. Ngoài ra các bạn còn có thể đi Zhanxi, Huimei, Baima... Tối có thể đi Tianhecheng, Beijinglu ăn uống và mua sắm.

Hoa mắt vì hàng hóa ở Quảng Châu vừa rẻ vừa đẹp

Nên mua hay mượn tại khách sạn chiếc xe đẩy hàng nhỏ để vận chuyển. Vì đa số mỗi lần đi mua đều vác về các bao tải đồ nên sức người không thể kéo hết được. Càng phải đi hai người để có một người ngồi trông hàng để người kia lựa hàng về cho nhanh, đỡ tốn chi phí đi lại. Hoặc nếu chỉ đi một mình, bạn đi lựa hàng và gom hoá đơn mua hàng lại. Sau đó xuống cổng chính thuê cửu vạn đi gom hàng cho bạn (khoảng 50 tệ, lắc đầu nhiều vào nếu họ đòi nhiều hơn, đứng một lúc là người ta sẽ đồng ý)

Hoặc cách nữa là bạn bảo chủ từng shop mang hàng xuống địa điểm bạn đang đợi (tiết kiệm được mấy chục tệ tiền cửu vạn nhưng lại yêu cầu bạn phải giỏi tiếng và nói chính xác, không thì rất mất thời gian, tìm tới tìm lui, kiểm hàng lâu la)

Nhớ là dù bận rộn cách mấy, hàng hóa gói chặt thế nào cũng lấy ra kiểm lại từng món hàng. Quần áo thường bị trộn khác size, gán mác này mà size quần kia, hàng cũ đứt nút, quần bị rách lỗ, hàng cũ tân trang lại rất thường xuyên… đôi khi còn ghi nhầm hóa đơn cho bạn nữa. Tuyệt đối trả tiền sau khi đã nhận hàng đầy đủ. Bởi bạn không thể ghé lại đổi hoặc trả hàng cho họ.

Món ăn ở Trung Quốc nói chung đều dễ ăn, chỉ có giá tiền là khác nhiều thôi. Hạn chế đi ở các tiệm ăn lớn giá rất đắt đỏ.

Đừng mua sim card tại cửa khẩu vì giá mắc lại thời gian gọi ít, đa số là sim khuyến mãi (như Viettel). Cứ mua một cái sim tại gần khách sạn và nạp tiền là sử dụng tốt nhất. Hoặc chat voice cho đỡ tốn chi phí.

Nếu bạn muốn gắn bó lâu dài hơn cho các chuyến buôn hàng thì nên mua bản đồ và đi xe bus, giá rẻ hơn taxi 10 lần, mỗi lần đi 1,2 tệ, hoặc tàu điện ngầm. Nhưng sẽ rất khó đối với các bạn mới sang lần đầu hoặc lần thứ hai

Kho đóng hàng: ở đây có rất nhiều kho đóng hàng cho các bạn lựa chọn, ngay cạnh ở hai khách sạn trên đều có. 60 tệ tiền đóng bao va 22.000 đồng/kg về Hà Nội, các tỉnh khác sẽ đắt hơn, 100.000 đồng tiền xe ôm về tận nhà hoặc cửa hàng. Các bạn nhớ ghi rõ tên, số điện thoại người nhận hàng ở Việt Nam là được.

Chú ý

Cài đặt sẵn phần mềm cho iPhone để có thể vào được Facebook ở Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia chặn Facebook, chính vì thế trước khi sang đây bạn nên download trước tài khoản VPN để vào được Facebook, kiểm tra hàng hoá và tiện liên hệ với mọi người ở nhà.

Theo Ngôi sao

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Mua gì khi đi du lịch Mỹ?

Mua gì khi đi du lịch Mỹ chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều các du khách quan tâm. Bạn có thể cân nhắc những gợi ý về các món quà sau đây để đưa ra quyết định hợp lý khi mua quà cho bạn bè, người thân.Xem thêm: Vẻ đẹp nước Mỹ khi đang dịch chuyển
Nước Mỹ chính là thiên đường shopping với rất nhiều những mart (chợ), mall (phức hợp nhiều cửa hàng), store (cửa hàng), outlet (điểm bán sản phẩm xuất phát thẳng từ nhà máy sản xuất).

Nhiều khách du lịch đến thăm Mỹ vào kỳ nghỉ tận hưởng việc mua sắm giá rẻ. Rượu whisky của Mỹ, quần jean thời trang, quần áo trẻ con, khăn tắm vải lông và khăn trải giường tốt là những mặt hàng phổ biến cho những người mua sắm từ các nước khác. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều món hời khi mua sắm tại Mỹ nếu bạn biết nơi mua sắm nằm ở đâu và làm thế nào để tận dụng lợi thế của việc bán hàng cạnh tranh.

1. Quần áo thời trang

Đến với nước Mỹ là đến với kinh đô thời trang. Sở hữu hàng loạt các kinh đô mua sắm sầm uất vào hàng bậc nhất Thế giới, bởi vậy chuyến du lịch Mỹ của du khách không thể không kể đến hoạt động shopping đầy thú vị. Một mặt hàng thường được các du khách lựa chọn để sở hữu và mang về làm quà cho gia đình, bạn bè thường là các mặt hàng về quần áo thời trang. Nên mua gì khi đi du lịch Mỹ? Bạt ngàn quần áo thời trang của các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên Thế giới đều tụ hội chung tại nơi đây. Quần áo cho trẻ em, thời trang nam, nữ với những món đồ hàng hiệu đắt giá và độc, lạ đảm bảo sẽ khiến du khách thích mê khi shopping trong các trung tâm thương mại hay các con phố mua sắm sầm uất của đất nước Hoa Kỳ.

Mua sắm quần áo thời trang ở Mỹ

2. Giày dép, phụ kiện thời trang

Phụ kiện thời trang cũng là một gợi ý không tồi nếu du khách không biết mua gì, làm quà khi đi du lịch Mỹ. Túi xách, kính mắt, dây chuyền, hoa tai,....tất cả những phụ kiện độc đáo này đều có thể được tìm thấy tại các trung tâm thương mại lớn hoặc các cửa hàng nằm trong các dãy phố mua sắm sầm uất và nhộn nhịp. Bạn mong muốn sở hữu một món quà phụ kiện nhỏ xinh, độc và lạ? Vậy đừng chần chờ mà mua sắm chúng ngay thôi!

Mua sắm giày dép, phụ kiện thời trang ở Mỹ

3. Nước hoa và mỹ phẩm

Mua gì khi đi du lịch Mỹ? Bạn nghĩ sao khi sở hữu mỹ phẩm và nước hoa hàng hiệu đảm bảo chính hãng khi shopping ngay trên đất Hoa Kỳ? Mỹ phẩm, nước hoa hàng hiệu du khách có thể mua ở các trung tâm thương mại với chất lượng đảm bảo tuy giá khá cao. Ngoài ra cũng có thể mua sắm thoải mái tại các shopping malls, outlets và siêu thị với mức giá rẻ hơn, không cần mặc cả vì có giá niêm yết và chất lượng cũng khá ổn.

Mua sắm nước hoa, mỹ phẩm ở Mỹ

4. Đồ điện tử

Đồ điện tử cũng là một gợi ý không tồi khi bạn đang không biết mua gì khi đi du lịch Mỹ. Đồ điện tử như điện thoại, laptop… có thể mua tại các trung tâm điện máy lớn tại Mỹ với giá thành nếu tính ra tiền Việt sẽ khá rẻ so với việc sở hữu chúng ở quê nhà. Tuy nhiên du khách cũng nên cân nhắc khoản tiền thuế phải nộp khi về Việt Nam. Theo luật Việt Nam nếu hàng hóa mua về trên 300$ sẽ phải đóng thuế tùy theo từng mặt hàng.


Mua sắm đồ điện tử ở Mỹ

Sưu tầm

Các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ

Hoa Kỳ là đất nước xa hoa, sầm uất bậc nhất thế giới và là nơi tuyệt vời nhất cho những tín đồ shopping. Cùng khám phá các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ qua bài viết dưới đây.

Xem thêm: Những cửa hàng kem ngon nhất nước Mỹ

Đến với nước Mỹ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những tòa nhà cao tầng với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, những công viên quốc gia rộng lớn với hệ sinh thái đa dạng và khám phá những nét thú vị trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, nơi đây còn là địa điểm lý tưởng để du khách thỏa mãn đam mê mua sắm của mình.

1. Các địa điểm mua sắm ở thành phố New York - Mỹ


Đối với những bạn nữ sành điệu thời trang thì một chuyến viếng thăm New York là điều không thể bỏ qua, nơi đây tập hợp rất nhiều các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ. Từ các cửa hàng ở Fifth Avenue đến những món ‘không đụng hàng’ ở khu Soho và Meatpacking District, đầy tràn các shop dọc theo vỉa hè của thành phố. Hãy ghé qua chuỗi cửa hàng Bloomingdales để chọn một hoặc hai túi xách thời trang, ngắm các quầy hàng trang điểm và sau đó đến thiên đường của các loại giày. Nếu chi tiêu đến 300 USD hoặc hơn, bạn có thể được tặng một giỏ xách to độc đáo. Để tìm hiểu những kiểu thời trang mới, hãy đến cửa hàng Barney trên đại lộ Madison.

Đại lộ Madison ở New York - Mỹ


Với người thích sản phẩm của Apple, nên dành một giờ tại cửa hàng chính của hãng gần công viên Central Park để chọn vài món giá rẻ bất ngờ, giảm khoảng 20% so với cùng mặt hàng bán tại London, Paris… Chuyến đi du lịch, shopping ở New York sẽ không trọn vẹn nếu không ghé vào cửa hàng trang sức Tiffany & Co. Có thể nói New York là thành phố sở hữu quá nhiều các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ.

2. Các địa điểm mua sắm ở thành phố Los Angeles - Mỹ


Hãy bắt đầu chuyến mua sắm mệt nghỉ của bạn tại phố Rodeo Drive ở thành phố Los Angeles - Mỹ. Thành phố L.A cũng là một thành phố nổi tiếng với các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ .Trong khi nhiều cửa hàng chỉ như một nơi gặp gỡ, đây là nơi để bạn nhìn ngắm và cũng là điểm tuyệt vời để nhận ra những nhân vật nổi tiếng. Tìm hiểu xu hướng thời trang mới nhất, nên đến đại lộ Robertson Avenue, bạn sẽ tìm thấy ở đây các nhãn hàng cao cấp như Ralph Lauren, Dolce & Gabbana và Tory Birch. Muốn mua vài món ‘hàng độc’, thử tìm đến đại lộ Melrose Avenue vào buổi chiều.

Đại lộ Melrose Avenue ở Los Angeles - Mỹ

New Hampshire là địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ có thể không có ngay trong đầu bạn khi lập kế hoạch mua sắm, nhưng đó là điều nên làm! North Conway có khu thương mại Settlers’ Green Outlet Village, cửa hàng miễn thuế lớn nhất bang. Trước khi bạn khám phá vùng nông thôn ngoạn mục trong vùng, nên ghé qua gian hàng của hãng Nike hoặc Timberland để chọn vài đôi giày chất lượng. Nếu chưa có gì làm quà cho con trẻ đang mong đợi ở nhà, bạn nên chọn một hoặc hai món tại gian hàng Toys R Us, còn muốn chọn quần jean, phải nhanh chân đến cửa hàng Levi’s.

3. Các địa điểm mua sắm ở thành phố San Francisco - Mỹ


Các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ tại thành phố San Francisco rất đa dạng và thú vị, được coi như một trong những điểm shopping được yêu thích trên thế giới. bạn sẽ mất nhiều thời gian và cả .. “sức lực” nữa trong những khu mua sắm nổi tiếng như quận Mission, Union Square, Hayes Valley, Upper Fillmore, Sacramento Street, Chinatown và khu trung tâm mua sắm trong thành phố của San Francisco Shopping Center. Mỗi một shop giới thiệu đến bạn những mặt hàng khác nhau với những phong cách cực kì đa dạng.

Westfield là một trung tâm mua sắm sang trọng, đối tượng chủ yếu là khách du lịch và khách tham quan và ở đây có nhiều thương hiệu nổi tiếng của nhiều hãng trên thế giới.

Khu mua sắm San Francisco Shopping Center

4. Các địa điểm mua sắm ở thành phố Chicago - Mỹ


Với khoảng không gian rộng lớn và các cửa hàng thời trang nổi tiếng, mua sắm ở Chicago không chỉ thu hút đông đảo người Mỹ mà còn hấp dẫn hàng triệu cư dân trên thế giới nghiền shopping. Mười ba tòa nhà trải dài trên đại lộ North Michigan được gọi là The Magnificent Mile (Dặm đường tuyệt vời) khiến Chicago là một trong những thành phố mua sắm tốt nhất ở Mỹ - nơi tập trung đông đảo các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ. Tại đây quy tụ tất cả các cửa hàng cao cấp, cửa hiệu và tiệm trang sức đông khách.

Chỉ cần đặt chân xuống sân bay quốc tế O"Hare, bạn sẽ được trao tận tay những tờ rơi quảng cáo mời gọi đến các trung tâm mua sắm như Magnificent Mile, một thiên đường mua sắm ở Mỹ với đủ các cửa hàng của mọi thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới.

Phố mua sắm Magnificent Mile ở Mỹ

Ngoài ra còn có 4 các địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Mỹ như: North Michigan Shops; Water Tower Place; Chicago Place; The Shops at North Bridge. Các cụm thiên đường mua sắm này cạnh tranh thu hút khách bằng những hồ nước phun tuyệt đẹp, những lồng thang máy thật nguy nga, hiện đại toàn bằng kính trong và những bức tượng điêu khắc độc đáo. Ngoài khu vực trên, còn có các địa chỉ mua sắm khác như State Street/The Loop, phòng trưng bày River North và cửa hàng thời trang thủ công ở Wicker Park.

Sưu tầm

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Nên mua gì khi đi du lịch Úc?

Mỗi vùng miền, mỗi đất nước đều có những thứ đặc sản khác nhau để du khách có thể lựa chọn mua về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè. Dưới đây là những đặc sản tiêu biểu nên mua về làm quà khi đi du lịch Úc.
Xem thêm: Những điều bạn có thể chưa biết về Australia

1. Gấu bông chuột túi - Món đồ lưu niệm nên mua làm quà khi đi du lịch Úc

Chuột túi kangaroo hay gấu koala là biểu tượng của nước Australia và thật dễ hiểu khi nó cũng trở nên món quà lưu niệm nên mua khi đi du lịch đến Úc. Những con gấu bông nhiều kích cỡ được bày bán trong cửa hàng lưu niệm. Bạn có thể mua về để đặt trong tủ kính hoặc trên bàn để gợi nhớ khoảng thời gian ở châu đại dương.

Món quà gấu bông chuột túi

2. Rượu vang - Tinh túy văn hóa ẩm thực của nước Úc

Danh sách mua sắm tại Úc của bạn sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu vắng một số loại rượu vang nổi tiếng. Thung lũng Barossa ở Nam Úc là quê hương của một số loại rượu vang đỏ nổi tiếng nhất của Úc trong đó có loại rượu nổi tiếng thế giới Grange Hermitage của Penfold. Bạn thậm chí có thể làm cho mình một ít rượu mang hương vị thơm ngon riêng và mang chúng về nhà. Một số vùng khác nổi tiếng về rượu có thể kể đến là vùng sông Margaret và thung lung Swan ở Tây Úc, thung lũng Hunter ở New South Wales và thung lũng Yarra gần Melbourne. Bạn đang băn khoăn không biết nên mua gì khi đi du lịch Úc? Lựa chọn một chai rượu vang Úc về làm quà là một sự lựa chọn chính xác đấy nhé!

Rượu vang Úc

3. Bơ Vegemite - Món ăn nên mua nhất khi đi du lịch Úc

Vegemite là một loại bơ thực vật độc nhất vô nhị của Úc, tại đất nước này, 90% người dân Úc có 1 hũ bơ Vegemite trong gian bếp nhà mình. Nên mua gì khi đi du lịch Úc? Bạn có thể cân nhắc "gói ghém" món quà từ xứ sở Kangaroo là một hộp bơ Vegemite thơm ngon và bổ dưỡng đấy nhé! Bơ được chiết xuất từ men bia, người dân Úc thường phết bánh mì hoặc bánh quy giòn, vì loại bơ này được cho là rất giàu vitamin B. Tuy vậy, vị của loại thực phẩm này lại rất kén người thưởng thức, nên chỉ có thể hoặc là cực thích, hoặc là cực ghét bơ Vegemite.

Bơ vegemite ở Úc

4. Đá Opal - Trang sức nên mua về làm quà khi đi du lịch Úc

Tại xứ sở kangaroo xinh đẹp, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng và mua nhiều mẫu đá quý độc đáo. Vùng Coober Pedy thuộc Nam Úc là nơi khai thác hầu hết đá Opal (ngọc mắt mèo) quý giá của thế giới. Hay vùng Kimberley ở Tây Úc, cũng là nơi bạn có thể sắm cho mình những viên kim cương hồng quý hiếm ngay tại mỏ kim cương Argyle hoặc những hạt ngọc trai thật bắt mắt ở Broome. Đây cũng là một gợi ý hay ho khi bạn vẫn chưa biết nên mua gì khi đi du lịch Úc đấy nhé!

Đá opal ở Úc

5. Các tác phẩm nghệ thuật thổ dân - Nét văn hóa độc đáo ở Úc

Các tác phẩm nghệ thuật thổ dân được trưng bày ở khắp các tiểu bang của Úc, tuy nhiên, tiểu bang Northern Territory là một trong những nơi tốt nhất để bạn lựa chọn bởi lẽ nơi đây có một số lượng lớn người Thổ dân sinh sống. Bạn có thể mua các tác phẩm nghệ thuật thổ dân về làm quà khi vẫn băn khoăn nên mua gì khi đi du lịch Úc. Một số địa chỉ nổi bật bạn có thể ghé qua là: Quần thể Văn hóa Araluen tại Alice Springs, và các phòng trưng bày nghệ thuật bản địa tại Katherine, Kakadu và vùng Arnhem Land.

6. Dầu cây chè - Món quà "ấm áp" nên mua về làm quà khi đi du lịch Úc

Một đặc sản khác có lợi cho sức khỏe của Úc có thể kể đến là dầu cây chè. Nếu bạn muốn mua món quà có lợi cho sức khỏe và đang không biết nên mua gì khi du lịch Úc thì dầu cây chè chính là sự lựa chọn đúng đắn. Người dân bản địa ở phía đông bắc New South Wales đã biết đến tính sát trùng và chữa lành vết thương của dầu cây chè hàng ngàn năm nay. Họ đã nghiền lá chè, đắp vào vết thương hở hay hít tinh dầu từ lá chè để làm giảm thiểu tình trạng khó thở, viêm đường hô hấp. Trong Thế chiến II, lính Úc được phát dầu chè trong bộ dụng cụ sơ cứu cá nhân của mình. Dầu cũng được sử dụng như một loại chống côn trùng hiệu quả đồng thời sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ gội đầu cho đến chữa hôi chân.

Dầu cây chè ở Úc

Sưu tầm

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Hướng dẫn hoàn thuế khi shopping ở Singapore

Là khách du lịch tại Singapore và mua sắm từ 100 đôla Singapore trở lên, bạn có thể được hoàn 7% thuế.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Singapore

Khi kết thúc chuyến du lịch Singapore và mang về nhà các món hàng đã mua tại các cửa hàng tham gia chương trình hoàn thuế dành cho du khách, từ 100 đôla Singapore trở lên, bạn sẽ có đủ điều kiện được hoàn thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST).

Du khách có thể khai hoàn thuế GST tại sảnh khởi hành của sân bay Quốc tế Changi và Sân bay Seletar. Từ 21/1/2013, du khách khởi hành từ Singapore trên du thuyền quốc tế (không bao gồm tàu không rõ hành trình, tàu đi vòng quanh và phà địa phương) qua Trung tâm Du thuyền Marina Bay Cruise Centre Singapore và ga hành khách Quốc tế tại Trung tâm HarbourFront cũng có thể được hoàn thuế. Khi điểm đến cuối cùng của tàu không phải là Singapore và hành trình bao gồm việc con tàu quay lại Singapore hơn một lần, du khách chỉ có thể yêu cầu hoàn thuế GST tại điểm khởi hành cuối cùng từ Singapore trong chuyến đi đó.

Việc hoàn thuế GST giờ đây trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhờ Chương trình Hoàn thuế Điện tử cho Du khách (eTRS). Bạn chỉ cần chọn một thẻ tín dụng/ghi nợ làm thẻ tính tiền khi mua sắm hàng miễn thuế. Thẻ tính tiền này cho phép bạn dễ dàng truy vấn toàn bộ chi tiết giao dịch mua hàng khi bạn khai hoàn thuế GST tại các Máy tự phục vụ eTRS ở sân bay và cảng hành khách tàu biển. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các phiếu eTRS được phát tại điểm mua hàng để làm thủ tục hoàn thuế tại sân bay và bến tàu. Bạn vẫn có thể thanh toán bằng bất cứ thẻ tín dụng/ghi nợ nào hoặc bằng tiền mặt.

4 bước đơn giản để thực hiện hoàn thuế:

1. Tại cửa hàng

Khi mua sắm tại những cửa hàng bán lẻ tham gia eTRS, hãy sử dụng một thẻ tín dụng/ghi nợ làm thẻ tính tiền để kết nối tất cả các khoản mua. Yêu cầu cửa hàng cấp phiếu eTRS, hoá đơn/biên nhận gốc trước khi rời khỏi cửa hàng.

2. Trước khi khởi hành

Nếu bạn dự định làm thủ tục ký gửi hành lý cho hàng hóa đã mua, trước hết, hãy khai hoàn thuế GST tại các máy tự phục vụ eTRS đặt tại sảnh làm thủ tục đăng ký khởi hành (trước khi làm thủ tục hải quan) của sân bay hoặc tầng 1 của bến tàu, bằng cách sử dụng thẻ tính tiền hay phiếu eTRS. Bạn sẽ không được hoàn thuế nếu đã làm thủ tục ký gửi hành lý trước khi khai hoàn thuế cho hàng hóa đã mua.

Nếu bạn dự định xách tay hàng hóa đã mua, hãy đến Phòng chờ Quá cảnh Khởi hành (sau khi làm thủ tục hải quan) của sân bay hoặc tầng 2 của bến tàu cùng với hàng hóa đã mua và khai hoàn thuế GST tại các máy tự phục vụ eTRS.

3. Tại máy tự phục vụ eTRS

Những điểm hoàn thuế online tại sân bay Changi.

Hãy sử dụng thẻ tín dụng/ghi nợ mà bạn dùng làm thẻ tính tiền để truy vấn tất cả thông tin mua hàng. Hãy quét từng phiếu TRS riêng lẻ để truy vấn thông tin mua hàng của bạn yhực hiện theo hướng dẫn trên máy tự phục vụ eTRS để khai hoàn thuế GST. Có thể bạn sẽ được yêu cầu xuất trình hàng hóa đã mua, hóa đơn/biên nhận gốc và thẻ bay/vé máy bay đã xác nhận/phiếu xác nhận hiển thị hành trình du thuyền tại quầy kiểm tra hải quan.

4. Nhận hoàn thuế

Khi khởi hành từ sân bay Quốc tế Changi, bạn sẽ được nhận tiền hoàn thuế qua thẻ tín dụng hoặc tiền mặt. Khi khởi hành từ sân bay Seletar, Trung tâm Du thuyền Marina Bay Cruise Centre Singapore hoặc nhà ga Hành khách Quốc tế tại Trung tâm HarbourFront, bạn sẽ được nhận tiền hoàn thuế qua thẻ tín dụng hoặc séc ngân hàng.

Nếu chọn cách nhận tiền hoàn thuế trực tiếp vào thẻ tín dụng, bạn có thể lên thẳng máy bay sau khi hoàn tất bản khai. Số tiền hoàn lại sẽ được chuyển vào thẻ tín dụng của bạn trong 10 ngày.

Nếu chọn cách nhận tiền hoàn thuế bằng tiền mặt, bạn hãy đến quầy Hoàn thuế Trung tâm (Central Refund Counter) tại phòng chờ Quá cảnh Khởi hành (sau khi làm thủ tục hải quan) với phiếu thông báo đã được phê duyệt để nhận tiền mặt.

Nếu chọn cách nhận tiền hoàn thuế bằng séc ngân hàng, bạn phải cung cấp các thông tin như tên người được trả tiền và địa chỉ email trên phiếu Thông báo đã được phê duyệt và thả phiếu vào hộp dành cho hoàn thuế bằng séc. Séc ngân hàng sẽ được gửi cho bạn sau 14 ngày kể từ ngày gửi phiếu thông báo được phê duyệt vào hộp.

Theo Tổng cục Du lịch Singapore

Bài đăng phổ biến