Hiển thị các bài đăng có nhãn Trải nghiệm du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trải nghiệm du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Trải nghiệm khó quên trên bãi Đầm Trầu ở Côn Đảo

Được ví như "nàng tiên còn say giấc nồng", bãi Đầm Trầu ở Côn Đảo thôi thúc du khách đến tham quan bằng chính sự yên bình, quan cảnh đẹp và hoang sơ vốn có.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo

Đầm Trầu là một trong những bãi tắm đẹp nhất ở Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm thị trấn 14 km và sân bay Cỏ Ống 12 km. Đây là điểm đến lý tưởng cho các chuyến dã ngoại, tắm biển, ngắm san hô và trải nghiệm hành trình phiêu lưu, khám phá miền đảo xa.
Bãi tắm được nhiều du khách đánh giá là khá hoang sơ, phong cảnh đẹp với làn nước biển trong xanh, những bờ cát trắng mịn trải dài ngay dưới chân vách đá. Ảnh:Trần Minh Sướng.

Từ xa nhìn lại, bãi Đầm Trầu như một ốc đảo giữa đại dương xanh thẳm. Khi tiến lại gần, nơi đây là chốn dừng chân giải tỏa mọi lo toan của cuộc sống, để chìm đắm trong sự yên bình của thiên nhiên.

Không chỉ có quan cảnh thơ mộng, những cánh rừng nguyên sinh, bãi tắm đẹp, Đầm Trầu còn lôi cuốn lữ khách với những rặng san hô đầy màu sắc. Một chuyến khám phá lòng đại dương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp san hô và ngắm nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội, sẽ mang lại cảm xúc mới trong lòng du khách.

Từ bãi biển, có thể trông ra xa là những hòn đảo lân cận, cánh chim hải âu tung cánh chao lượn, thuyền ngư dân nhấp nhô mẻ cá hay các tàu du lịch chở khách ra đảo…
Du khách có dịp qua đêm ở đây, hãy chờ đợi thêm khoảng khắc bình minh tươi đẹp, có thể xin ngư dân trải nghiệm đánh bắt cá. Biết đâu khi thuyền trở về bạn sẽ có những mẻ cá, hải sẳn đầy ắp cho những bữa tiệc nướng cùng bạn bè. Ảnh: Trần Minh Sướng.

Ngay ở bãi Đầm Trầu còn có những vách đá cheo leo được tạo hình rất độc đáo. Trên một triền đá vươn ra biển, bạn có thể ngắm nhìn hai tảng đá lớn nằm chụm đầu vào nhau trông như cặp chim hải âu quấn quýt.

Hình dáng độc đáo của đôi tảng đá ấy gọi là Hòn Cau, nơi gắn liền với câu chuyện truyền thuyết cổ xưa. Đó là chuyện tình buồn, đầy oan nghiệt của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được vì cả hai là anh em cùng cha khác mẹ.

Buổi tối, bạn có thể thuê lều cắm trại qua đêm ngay tại bãi biển. Trong đêm, tiếng sóng vỗ miên man hòa trong tiếng vi vu của gió biển làm lay lắt những ngọn dừa, cành cây tạo những âm thanh vui tai, khiến bạn chìm vào giấc ngủ sâu mà không hay biết.

Xuân Lộc

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

Đi dạo phố cổ về đêm, thưởng thức cao lầu, may đồ lấy ngay, du thuyền trên sông Hoài buổi tối... là những trải nghiệm khó quên khi đến thăm mảnh đất từng là “thương cảng phồn vinh bậc nhất Đông Nam Á” này.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An

Nếu một ngày bạn ghé thăm “di sản văn hóa thế giới” Hội An và loay hoay chưa biết nên làm gì. Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và con người nơi đây.

1. Đi dạo Phố Cổ về đêm

Một trải nghiệm đơn giản, bạn chỉ cần bước ra ngoài phố và ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, những phố đèn lồng đủ màu về đêm. Bạn sẽ ngỡ như mình lạc vào buổi dạ tiệc của ánh sáng, một bức tranh kết hợp giữa sự bình lặng của kiến trúc cổ xưa với hình ảnh dân dã và sự sôi nổi của cuộc sống hiện đại. Có lẽ đẹp nhất vẫn là khúc dọc bờ sông Hoài, nơi những vệt màu lấp lánh trên mặt nước. Hội An còn đẹp hơn nữa khi không còn du khách và những hàng quán, khi ấy phố cổ mới thật sự trở về với dáng hình xưa cũ, trầm mặc nhất.
Hội An được Tourpia vinh danh là một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới.

2. Thả đèn hoa đăng

Vẫn trong buổi tối ấy, bên cạnh việc chỉ quan sát, bạn có thể hòa mình vào cùng trang trí cho bữa tiệc ánh sáng trên bờ sông. Một trải nghiệm thú vị mà rất nhiều khách du lịch thích làm là thả hoa đăng trên sông Hoài. Chính tay bạn sẽ là người thả những chiếc đèn nhỏ lấp lánh xuống sông, với hy vọng những chiếc đèn sẽ mang lại may mắn cho gia đình và người thân. Bên cạnh đèn lồng, thì hoa đăng cũng dần trở thành nét đặc trưng của du lịch Hội An.

3. Thưởng thức món Cao Lầu

Cao Lầu là món ăn đặc sản mà bất cứ ai khi tới Hội An cũng nên thử. Nguồn gốc cái tên của món ăn này rất thú vị, xưa kia khi thương nhân tới Hội An buôn bán họ phải ăn món này ở trên “lầu cao” để vừa ăn, vừa trông coi hàng nên từ đấy cái tên Cao Lầu hình thành. Một bát cao lầu đủ vị ngon có cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ vị chua, cay, chát, ngọt của rau sống, hương thơm của mắm, bột thơm, nước tương, nước thịt… và miếng tóp mỡ giòn tan trong miệng. Bạn có thể tìm ăn ở quán Bà Bé nằm trong khu chợ ngay đầu đường Trần Phú, quán đầu ngõ 69 Phan Châu Trinh, hay quán Hát ở ngã tư Trần Phú giao với Hoàng Diệu hay các nhà hàng cho khách nước ngoài ở dọc phố Bạch Đằng.

4. Ăn bánh mì “ngon nhất trên đời”

Cách đây không lâu, David Farley - phóng viên đài BBC chuyên viết về du lịch và ẩm thực đã nhận xét “bánh mì ở Việt Nam kì diệu nhất thế giới” trong bài “Có phải bánh mì Việt Nam là bánh kẹp ngon nhất thế giới?” sau khi ăn tổng cộng 15 ổ bánh mì ở nhiều tiệm khác nhau trên khắp Việt Nam. Một trong số đó có bánh mì Hội An. Thật vậy, ở Hội An có những tiệm bánh mì rất nổi tiếng với du khách nước ngoài, đó là bánh mì Phượng (Phan Châu Trinh), bánh mỳ Madam Khanh (Trần Cao Vân) và bánh mì bà Lành (Cửa Đại). Bánh mỳ Hội An với những lát thịt lợn, pate, dưa leo, rau thơm và loại nước sốt thịt đặc trưng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

5. Đi thuyền trên sông Hoài buổi tối

Đi thuyền ngắm một góc Phố Cổ vào đêm và thả hoa đăng rất được các cặp đôi yêu thích, đặc biệt là những người đến Hội An để chụp đám cưới. Tuy nhiên nếu bạn không có đôi thì vẫn có thể đi cùng gia đình, bạn bè.
Một dịch vụ rất lãng mạn bên cạnh “thả hoa đăng”, nếu đã chán đi bộ bạn có thể lênh đênh trên dòng nước lấp lánh đủ sắc màu của con sông Hoài.

6. Cà phê ở Hội An

Hội An có hai quán cà phê cóc rất đông người uống vào buổi sáng, đó là quán cô Thảo nằm ngay khúc quanh từ cầu Nhật ra đường Bạch Đằng, khách ở đây chủ yếu là người trẻ. Bên kia cầu là quán dành cho những người trung tuổi. Ngồi ở cả hai quán đều có thể nhìn thấy bờ sông Hoài, cảnh kéo lưới và một dãy phố An Hội. Buổi sáng trong lành trước giờ cấm xe có động cơ, ngồi uống một ly café sau khi ăn bánh mì Phượng là một cách khởi động nhẹ nhàng cho ngày mới ở Phố Cổ. Ngoài ra ở Hội An còn có một quán phòng trà đặc biệt, người phục vụ là người khiếm thính. Quán Reaching Out ở 131 Trần Phú. Đến Reaching Out bạn sẽ được tận hưởng không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh – rất tuyệt để nhâm nhi ly café và đọc một cuốn sách bỏ túi.

7. May đồ thời trang lấy ngay

Hội An có rất nhiều điều hấp dẫn khách du lich trong và ngoài nước, một trong số đó là những cửa hiệu cắt may quần, áo, giày, dép, túi xách… lấy ngay trong ngày. Tạp chí Forbes đã từng vinh danh một trong những tiệm “may nóng” ở Hội An bởi dịch vụ độc đáo, cách phục vụ chuyên nghiệp. Chỉ sau khoảng 4 giờ, bạn có thể nhận được món đồ mà mình vừa đặt may. Phong cách thời trang ở Hội An vô cùng độc đáo, hợp thời và giá chỉ dao động từ 15 - 100 USD.

8. Tắm biển

Hội An có những bãi biển nổi tiếng trên thế giới bởi bờ cát trắng, nước biển trong và nắng vàng. Biển Cửa Đại với những bãi cát trắng trải dài, hàng dừa và nước biển trong vắt, nhưng tiếc là Cửa Đại mới bị nước biểm làm sạt bờ vào giữa tháng 10/2014 đang trong thời kỳ được phục hồi. Tuy nhiên, Hội An còn có An Bàng được lọt vào top một trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Biển An Bàng thích hợp với những người đi tìm không gian tự do, yên tĩnh. Bạn có thể thả hồn mình ở một bãi biển không ô lọng, bàn ghế, chỉ có sóng biển, nước trong vắt, phơi mình dưới ánh nắng rực rỡ, đọc sách, thưởng thức ly rượu nhẹ, hay uống vài chai bia lạnh… một trải nghiệm rất riêng ở phố Hội.

9. Tìm đến những ngôi nhà cổ

Bên trong phòng khách ngôi nhà cổ Tấn Ký.

Những ngôi nhà cổ là di sản vô giá mà Hội An gìn giữ được sau bao cuộc chiến tranh, đô thị hóa và cả sự tàn phá từ thiên nhiên. Cứ mùa mưa lũ là Hội An lụt, có năm lịch sử nước dâng cả tầng một ngôi nhà chìm trong nước. Nhưng qua bao biến cố, những ngôi nhà cổ vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu, cả về kiến trúc lẫn cái hồn. Được nhiều người biết đến nhất là nhà cổ Tân Ký, ngôi nhà đầu tiên được công nhận là di tích quốc gia ở Hội An và đây cũng là nơi từng đón tiếp nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Bên cạnh Tân Ký, còn nhà cổ Phùng Hưng, Quân Thắng… hay các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông… mang đậm kiến trúc người Hoa, được các thương nhân người Hoa xây dựng để tưởng nhớ tới quê hương họ.

10. Lặn biển ngắm san hô ở Cù Lao Chàm

Đảo Cù Lao Chàm cách Phố Cổ khoảng 15 km, là một trong những nơi không nên bỏ lỡ khi tới Hội An. Dịch vụ du lịch ở Cù Lao Chàm tuy chưa phát triển, nhưng vì lẽ đó mà Cù Lao Chàm giữ được nét hoang sơ của mình. Đến Cù Lao Chàm bạn có thể trải nghiệm dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đốt lửa trại, ngủ homestay ở nhà dân và thưởng thức hải sản tươi - ngon - bổ - rẻ.

11. Chơi trò chơi dân gian

Một trải nghiệm rất vui ở Hội An đó là tham gia các trò chơi dân gian. Buổi tối khi đã đi dạo một vòng và cần nghỉ ngơi, bạn có thể dừng chân ở ngay đầu phố Nguyễn Thái Học hay công viên Kazik để hòa mình vào không khí vui vẻ, nhộn nhịp trong các trò chơi bài Chòi, đập bùng binh...

12. Chụp một bức ảnh kỷ niệm ở Hội An

Bức tường “huyền thoại” được rất nhiều nhiếp ảnh gia yêu thích ở phố Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Lê Thắng.

Website BuzzFeed Travel từng xếp hạng Hội An ở vị trí thứ 3 trong danh sách những địa điểm chụp ảnh selfie (tự sướng) tuyệt nhất thế giới. Vì thế đến Hội An, đừng quên chụp selfie với các địa danh nổi tiếng như: cầu Nhật, cầu An Hội, bức tường huyền thoại ở Hoàng Văn Thụ, hẻm ngõ giếng, bờ sông Hoài…

13. Đi phà qua Cẩm Kim

Lại một lần nữa bạn có thể trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sông nước, chỉ với 2.000 đồng một lượt, bạn sẽ được ngồi trên con đò địa phương để đi qua thị xã Cẩm Kim, nơi có làng nghề mộc từng rất nổi tiếng ở Hội An. Tuy những gia đình làm nghề không còn nhiều, nhưng việc ngồi trên con đò đi sang Cẩm Kim, ngắm Phố Cổ từ phía xa, hít thở làn gió mát trên con sông Thu Bồn thôi cũng là một trải nghiệm rất riêng rồi.

14. Mua một chiếc đèn lồng làm quà lưu niệm

Món quà lưu niệm thường thấy và đặc trưng nhất ở Hội An có lẽ là những chiếc đèn lồng. Chọn lấy một chiếc để tặng người thân hoặc đem về treo trong nhà, cũng là một điều thú vị để nhớ về Phố Cổ.

15. Đến Hội An vào ngày rằm

Nếu đến Hội An vào đúng ngày lễ hội trăng rằm (ngày 14 âm lịch) thì bạn thật sự là một người may mắn. Vào ngày này, phố cổ Hội An tắt hết đèn và treo lên những chiếc đèn lồng rực rỡ, thả hoa đăng sáng rực bờ sông. Đó thật sự là một không gian tuyệt vời cho những ai yêu thích vẻ đẹp tĩnh lặng của phố cổ Hội An. Ngoài ngày rằm, bạn có thể tới Hội An vào những ngày đặc biệt khác như lễ bà Thiên Hậu, lễ Vu Lan, Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu… để được hòa mình vào những nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo ở mảnh đất này. Phố cổ Hội An tuy nhỏ, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu.

Trần Việt Anh

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Những trải nghiệm lạ ở Brunei

Xem người dân câu cá trước thánh đường và trò chuyện với lính gác cung điện Hoàng gia là những trải nghiệm bạn có thể thử ở “xứ sở dầu mỏ” của Đông Nam Á.
Xem thêm: Dọc ngang Myanmar trên những chuyến bus đêm

Dưới đây là những điều thú vị bạn có thể trải ngiệm khi đến với đất nước Brunei.

Dạo phố vào 2h sáng

Tại quốc gia khá “kín cổng cao tường” này, bạn rất an toàn khi rong ruổi ngoài đường bất kể ngày hay đêm. Lúc 2h sáng, đường sá vắng lặng như tờ, song bạn có thể đi bộ vô tư mà không sợ bị cướp giật vì an ninh ở Brunei rất đảm bảo.

Cắm trại ngủ qua đêm bên bờ biển

Cắm trại bãi biển xuyên đêm mà đồ đạc, xe cộ không bị mất. Bạn sẽ cảm nhận được nét bình yên khi nằm trên cát ngắm sao trời, thưởng thức hải sản nướng, nghe nhạc êm dịu và thiu thiu ngủ dưới làn gió biển mát rượi.

Lái xe tốc độ cao trên đường vắng

Đường sá ở Brunei tốt và vắng, bạn có thể lái xe bon bon ra ngoại ô để đi dã ngoại với tốc độ cao. Trên đường di chuyển, bạn còn có thể dừng xe bên vệ đường và chụp ảnh thỏa thích.
Khu sinh thái Merimbun là một trong số khu vườn di sản Asian. Ảnh: Hạnh Phan

Nghỉ ngơi tại khu sinh thái Merimbun

Khu sinh thái Merimbun cách trung tâm thủ đô Bandar khoảng 30 - 45 phút ô tô, có bảng cảnh báo coi chừng cá sấu với hình vẽ vui nhộn. Không gian ở đây rộng rãi với hồ nước, cây xanh và đặc biệt ngập tràn mùi thoang thoảng của cỏ thơm.

Trò chuyện với lính gác Cung điện Hoàng gia lúc nửa đêm

12h đêm, trên đường dạo chơi, bạn có thể tới trước Cung điện Hoàng gia Brunei chụp hình và trò chuyện cùng cảnh sát canh gác ở đó.

Thăm trung tâm khai thác và lọc dầu Seria

Đi tham quan trung tâm khai thác và lọc dầu Seria – nơi mang lại sự thịnh vượng cho Vương quốc Brunei và ngắm nhìn những dàn khoan trong cự ly gần.

Giao lưu ẩm thực khi sống cùng người dân Brunei

Lưu trú ở nhà người dân, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đậm chất địa phương qua các bữa cơm họ nấu. Đồng thời, đây còn là dịp bạn vào bếp chế biến món cánh gà chiên nước mắm hoặc món phở bò Việt Nam để giao lưu ẩm thực mời bạn bè.

Xem người dân câu cá cạnh thánh đường dát vàng

Buổi tối trong khu hồ nước phía trước thánh đường dát vàng Omar Ali Saifuddien, bạn xem người địa phương câu cá giải trí. Câu được cá, họ thả xuống hồ và câu tiếp.
Thánh đường Omar Ali Saifuddien là biểu tượng cho sự giàu sang của đất nước Brunei. Ảnh: Hạnh Phan

Học vài câu giao tiếp từ nhân viên hải quan

Hải quan Brunei thân thiện, niềm nở trò chuyện cùng du khách. Thậm chí họ còn hướng dẫn cho bạn cách nói một số câu chào xã giao bằng tiếng địa phương.

Hạnh Phan

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Thấy khách ghé vào, chủ nhà niềm nở đón chào rồi tiến ra vườn chọn những trái chín thơm ngon nhất, hái xuống cho mọi người thưởng thức ngay tại chỗ.  

Cù Lao Dài là tên gọi xa xưa của vùng đất do phù sa bồi đắp, nay thuộc hai xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sở dĩ có cái tên này vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Tuy nhiên người miền Tây thường đọc trại từ, nên "giày" biến thành "dài".

Để đến được Cù Lao Dài, bạn có thể đi bằng hai cách là dùng đò ở bến đò Vũng Liêm với giá 20.000 đồng hoặc chạy xe máy qua phà. Người dân địa phương chủ yếu lựa chọn cách thứ hai vì rút ngắn thời gian di chuyển. Chỉ cần qua phà là đến địa phận Cù Lao Dài. Nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc của thôn quê, với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng. 


Người dân Cù Lao Dài có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê và sẵn sàng hái xuống để mời khách. Ảnh: Thảo Nghi

Đặt chân đến xã Thanh Bình, bạn có thể chạy xe dọc con đường nhỏ và xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương. Có rất nhiều loại khác nhau như sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, bưởi...

Chủ vườn người miền Tây đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Bạn có thể vừa ngồi trên chiếc võng đu đưa, vừa ăn miếng mít thơm lừng và trò chuyện rôm rả. Nhiều người có thể mua trái cây ngay tại vườn và được người dân chỉ cách chọn loại ngon trên thị trường.

Sau khi thưởng thức các loại trái cây ngon ngọt, du khách có thể đến quán của dân địa phương là Vườn Dừa để thưởng thức những món ăn hấp dẫn đặc trưng, hay tự tay đổ chiếc bánh xèo vàng giòn trên chảo gang.


Bánh xèo miệt vườn ở Cù Lao Dài vừa dai vừa mềm. Nhiều lúc thực khách cứ dùng tay xé ra rồi ăn mãi không ngừng được. Ảnh: Thảo Nghi

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên mà không cần dầu. Nếu chảo quá khô, họ có thể lấy miếng mỡ di một vòng trên chảo rồi lấy ra, sau đó đổ bột, cho thêm giá, hành, tôm, hến... Chiếc bánh xèo được đặt trên lá chuối, ăn cùng các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.

Ngoài ra, ở đây còn nhiều món gắn bó với miền Tây như gỏi gà nấu rịu, ốc nướng tiêu xanh, lẩu trái bần và cơm thịt kho tàu...

Nếu chỉ ăn uống, du khách chưa thể trải nghiệm hết cuộc sống của người dân miền Tây. Đến đây, nhiều người còn bị mê mẩn bởi những giai điệu đơn ca tài tử như "Lan và Điệp", "Dạ cổ hoài lang"... Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử là các nghệ nhân không đứng hát hay mặc áo dài, mà cứ tự nhiên ngồi trên ghế cất cao giọng ngân trong trang phục giản dị. 


Những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" đang cất cao giọng hát với những khúc nhạc như Tâm sự Huyền Trân, Vọng Kim Lang... Ảnh: Bảo Thu

Hành trình về miền Tây luôn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cách sống phóng khoáng, chân tình của người dân. Bạn có thể tự mình khám phá vùng đất bằng xe máy, hoặc đăng ký đi tour các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Cù Lao Dài (hai ngày một đêm) với chi phí 1.590.000 đồng.

Thảo Nghi (VnExpress)

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Phú Yên mùa hè không chỉ cho du khách cơ hội đắm mình vào biển xanh mà còn là điểm săn ảnh lý tưởng của các nhiếp ảnh gia cũng như chốn phiêu lưu các tay phượt trẻ.
Là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có ba mặt giáp núi và hệ thống sông, đầm, vịnh, hải đảo... đa dạng. Điểm đến này hiện vẫn còn nhiều những thắng cảnh đẹp, hoang sơ và đầy bí ẩn.

Dưới đây là lịch trình hai ngày cho du khách đến Phú Yên.

Ngày 1: Di chuyển ra Phú Yên

Nếu di chuyển từ Sài Gòn, bạn có thể bắt xe khách ở bến xe miền Đông chuyến 17h hoặc 18h tối để đến Phú Yên vào buổi sáng sớm. Giá vé xe khứ hồi là 540.000 đồng một người. Thời gian di chuyển khoảng 12 tiếng.

Nếu di chuyển từ Hà Nội, bạn sẽ phải đi chặng đường xa hơn với khoảng 1.250 km, tổng thời gian di chuyển là 26 tiếng, giá vé trung bình 1.300.000 đồng khứ hồi. Ngoài ra, bạn có thể chọn phương tiện máy bay để tiết kiệm thời gian, giá vé khoảng 5.000.000 đồng cho đi và về.

Bạn sẽ đến nơi tầm 5h hoặc 5h30, hãy sắp xếp, kiểm tra đồ đạc và bắt đầu hành trình khám phá. Bạn có thể nhận phòng vào lúc 14h00 theo quy định của khách sạn. Ngoài ra, để tiện cho việc di chuyển, bạn nên thuê xe máy với giá 80.000 đến 120.000 chiếc/ ngày.

Dùng điểm tâm sáng với món lẩu cháo mực tươi - đặc sản xứ biển. Sau đó bạn xuất phát đến ngọn hải đăng Đại Lãnh.

Đón bình minh trên ngọn hải đăng

Đại Lãnh (hay Mũi Điện) có những triền cát rất đẹp. Men theo đường mòn bạn có thể lên ngọn hải đăng, từ đây phóng tầm mắt ôm trọn cảnh biển bao la, nhìn những con tàu ngược xuôi trên biển. Đây chính là nơi nhìn thấy bình minh sớm nhất ở Việt Nam. Ngọn hải đăng này có tuổi đời lên tới 100 năm và vẫn còn hoạt động. Phí tham quan khoảng 10.000 đồng một người.

10h ngang qua Đèo Cả, ngắm vịnh Vũng Rô

Trên đường trở về Tuy Hòa, bạn có thể dừng lại ngắm vịnh Vũng Rô và nghe kể thêm về Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Kế đó, nếu vẫn còn thích thú khám phá, hãy tìm hiểu cách thức bắt tôm hùm của dân địa phương và quan sát nhịp sống của ngư dân.

11h trở về Tuy Hòa ăn trưa

Đặc sản Phú Yên có món hấp dẫn như cơm gà, cá ngừ, cháo hàu, bánh canh hẹ... Bạn cũng nên thử qua gỏi cá mai, bún mực hoặc các loại hải sản tươi ngon.




Vẻ đẹp bình dị của Phú Yên. Ảnh: Khánh Bằng.

14h tham quan núi Nhạn

Đây là ngọn núi cao khoảng 60 m so với mặt nước biển, nhìn từ xa trông như con chim nhạn đang sải cánh bay. Trên núi có ngôi tháp cổ kính được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật của người Chăm. Đứng từ đỉnh, bạn có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những mảng xanh của biển, cây cỏ và nhà cửa.

16h lang thang thành phố Tuy Hòa

Buổi chiều là thời điểm phù hợp để đi hóng gió biển. Bạn có thể ghé qua khu quảng trường 1/4 để uống nước, ăn vặt và cảm nhận nhịp sống của người dân vùng biển nơi đây.

18h tiếp tục khám phá ẩm thực tối

Nếu bạn không muốn ăn no mà đang tìm kiếm các món đặc sản vùng miền, hãy thử đi dọc biển chọn các món hải sản nướng, đừng bỏ lỡ cá ngừ đại dương - món ăn nổi tiếng gắn liền với vùng đất Phú Yên.

20h dạo chơi

Sau khi ăn tối, địa chỉ để thư giãn là Sky Lounge trên tầng thượng khách sạn Cendeluxe. Tại đây bạn có thể uống cà phê, ngắm cảnh thành phố về đêm. Giá một đồ uống khoảng 80.000 đồng.

21h - 22h về khách sạn nghỉ ngơi


Gành Đá Đĩa rộng 50 m và trải dài hơn 200 m. Ảnh: Lê Cao Trí

Ngày 2: Gành Đá Đĩa - Nhà thờ Mằng Lăng - Đầm Ô Loan

5h đón bình minh trên biển

Để ngắm toàn cảnh bình minh, bạn nên dậy sớm và di chuyển tới biển ngay tại Tuy Hòa. Lúc này mặt trời mới lên, nắng chiếu nhẹ xuống biển tạo nên những vệt sáng rất đẹp mắt.

7h ăn sáng ở những quán gần biển hoặc dọc đường

Bạn tiếp tục đến những quán ven đường để thưởng thức các món ngon nóng hổi của Phú Yên.

8h khởi hành về phía Bắc Tuy Hòa và đi tham quan Gành Đá Đĩa

Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Phú Yên. Nhìn xa Gành Đá Đĩa giống một tổ ong khổng lồ với những khối trụ vuông vức xếp liền nhau vươn mình ra biển. Bãi đá được ví như hàng nghìn viên ngọc đen nổi bật giữa biển xanh và sóng trắng. Bạn còn bắt gặp những chiếc thuyền thúng của ngư dân neo đậu thấp thoáng tạo nên sự hài hòa, yên ả cho bức tranh miền biển nên thơ.

11h tham quan nhà thờ Mằng Lăng

Đây là một trong những nhà thờ cổ lâu đời nhất ở Việt Nam, tọa lạc bên bờ sông Kỳ Lộ (dân địa phương gọi là sông Cái). Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic có nhiều hoa văn trang trí kết hợp với màu xanh xám giản dị tạo nên nét cổ kính, huyền bí. Đây là nơi lưu giữ quyển sách Tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ do linh mục Alexandre de Rhodes biên soạn.

13h đi ăn trưa

Để tiện cho việc di chuyển và tiết kiệm thời gian, bạn có thể chuẩn bị đồ ăn mang theo như như bánh mì, nước suối, đồ hộp...


Bao tử cá ngừ hầm tiêu xanh đậm đà tại Phú Yên. Ảnh: Huấn Phan

14h tham quan Đầm Ô Loan

Ở đây bạn có thể thưởng thức món hàu và sò huyết có tiếng tại đây. Dạo chơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp say lòng người của phong cảnh đầm. Bạn có thể chờ đến chiều để ngắm hoàng hôn. Trong ánh sáng chập choạng cuối ngày, cảnh hoàng hôn trên đầm Ô Loan tạo cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn không chuyên.

18h về trung tâm thành phố ăn tối, sau đó về Sài Gòn hoặc Hà Nội. Kết thúc chuyến đi.

Xem thêm: 7 thiên đường nghỉ dưỡng hấp dẫn mùa hè

Lan Thoa (Theo VnExpress)

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Một lần trải nghiệm du lịch Hy Lạp

Người Hy Lạp uống loại cà phê đen, đậm và xay mịn gọi là kafedaki. Thứ thức uống truyền thống này được pha trong bình có tay cầm dài gọi là briki. Những bình briki được rót vào hai, bốn hoặc sáu cốc. Cà phê Hy Lạp không nên rót nhiều vì nó có lớp bọt nổi lên trên, thứ bọt đó được cho là mang theo may mắn, nhưng lại rất dễ tan ra. Cà phê được uống không đường, ngọt vừa hoặc rất ngọt và kèm theo một ly nước lạnh
Một hòn đảo của Hy Lạp trong vùng biển Ionian.

Một và thông tin cần biết khi đến Hy Lạp:


1. Chuẩn bị ổ cắm nếu bạn mang theo sạc điện thoại hay máy tính xách tay, dao cạo râu điện.... Ổ cắm ở Hy Lạp thụt tít vào trong tường đến 3 - 4cm. Chỉ có loại ổ cắm dẹt dẹt mới chui vào được.

2. Khi đặt KS, đi TX v.v.v... đều phải thoả thuận trước giá cả rõ ràng, hoặc có confirm bằng email nếu KS bạn đặt có email. Nhiều khi họ hay bất ngờ tăng giá 1 cách lạ lùng.

3. Khi đến SB bạn có thể lấy bản đồ tàu điện và Metro. Vì Athens cũng nhỏ nên đi lại rất tiện, Ga thường ở sát những trung tâm giải trí hoặc thắng cảnh.

4. Ở Athens chỉ nên ở 2 đến 3 ngày, arrival ngày T1 đi chơi rồi tối hoặc chiều hôm sau đi ra cảng mua vé Ferry mà đi chơi.
LE ở đến 4 ngày, chẳng có việc gì làm, chân tay thừa thãi thành ra lại mua bán ăn uống nhiều quá, tốn tiền.

5. Đi du lịch Hy Lạp vào mùa offseason thì giá cả rất rẻ, đặc biệt là đến các đảo. Tránh tháng 7, 8 rất đông, ngoài ra vào tầm T3,4 và đầu tháng 5 bạn có thể kiếm được những căn nhà nghỉ cực ngon lành, hoặc căn hộ gia đình có bếp tự nấu ăn với giá ~ 50EUR (Cho 2 - 3 người nếu bạn đi theo nhóm)

Trải nghiệm du lịch Hy Lạp

Đi chơi thôi, cái đầu gọi cái chân...sau khi xem xét lịch trình tôi lên máy bay đi Hy Lạp

Sau 4 ngày ở Athens cũng tù túng nên quyết định tiếp tục hành trình. Đi tàu du lịch Ý thì không có xiền nên LE quyết định đi Sifnos, một hòn đảo tít tắp ngoài khơi của Hi Lạp, . Đi thì đi ngán gì đời gái. Chuyến đi này thành công dữ dội nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là chuyện leo trèo thám hiểm không mang bản đồ

Đảo nào ở Hi Lạp cũng là núi cả, Sifnos cũng vậy. Ngoài khu cảng ra các thành phố đều ở lưng chừng núi hoặc ở những mỏm núi hiên ngang chĩa thẳng ra biển.
Sau 3h đi biển bằng speed boat LE đã hạ cánh an toàn ở Sifnos. Thuê 1 con xe máy bự tổ chảng, chằng kỹ hành lý ở sau xe rồi phi thẳng từ Agia Marina (cảng) về Appolonia - Thủ đô của Sifnos - cũng là đỉnh cao nhất của hòn đảo.

Chiếc xe Suzuki gào rú khi đi loanh quanh các sườn núi, như 1 con thú hoang được xổng chuồng. Thường những con đường thế này được gọi là đường cổ điển ở Châu âu vì hầu hết những con đường mới xây đều có cầu vượt, đào hào thông qua núi..vv.. chứ không ngoằn nghèo cheo leo như thế này. Châu Âu vào mùa hè phải đến 8 -9 h mới bắt đầu tối, nên khi LE đặt chân lên đảo lúc 6h thì vẫn đủ thời gian để ngắm cho đã mắt những cảnh vật khoẻ mạnh, vững chãi, mạnh mẽ của thiên nhiên nơi đây.

Vào đến TT của Apolonia thì có 1 cái trạm thông tin KS, nhà hàng vvvv ở lưng chừng đồi, tớ vớ bừa 1 cái KS có tên rất Ý là Mama-mia, nằm trên 1 khu đất đầy cây ôliu và hoa xương rồng. Giá phòng 20EUR 1 đêm có bếp để nấu ăn, có 1 phòng khách 1 phòng ngủ, ban công rộng bao quanh nhà., ngoài ra còn có 1 đống trang thiết bị khác như bàn ghế uống trà ngoài sân,. ghế tắm nắng vvv., đúng là sướng quá thế mới gọi là giá cả chứ. Đường lên “nhà mới” khá là cao, phải leo chừng 10’ mới đến nếu đi theo những bậc thang đá trắng, còn nếu phi xe máy theo đường xi măng lên thì chừng 5’. Ngồi trên lan can nhà có thể nhìn thấy biển đằng xa và sau lưng là núi non hung vĩ. Ngôi nhà màu xanh lá cây nhạt, bàn ghế trắng, đệm trắng, chăn xanh, cả phòng ngủ 3 mặt là cửa kính,. phòng khách cũng tràn ngập ánh nắng., đây đúng là nơi lý tưởng nếu đôi vợ chồng nào muốn ở tuần trăng mật, tuy nhiên LE sở hữu căn nhà 1 mình.

Những ngày nghỉ ngơi bắt đầu, chiều chiều đi mua bánh mỳ, mứt, rau và gạo để sang có thể nấu ăn, trưa là vác xe máy đi chiến đấu. Đến tối mịt mới về nhà, nấu 1 nồi cháo pha 1 ấm trà bê ra sảnh ngồi đọc sách. KS không có TV, chẳng có đài đóm gì nhưng bù lại tớ đang có trong tay đến 5 quyển sách mới chẳng có gì ngăn cản mình đọc sách cả.

Để tớ kể cho mọi người nghe về Sifnos,. nếu ai đã đến Hi Lạp chắc không còn ngạc nhiên vì những màu sắc nữa, trắng và xanh, những ngôi nhà vườn, biển, trời, cối xay gió.vv.
Sifnos cũng vậy, nhưng mạnh mẽ hơn với kiến trúc dựa vào núi, vượt lên độ cao của đồi.

Chiếc xe máy nhiều khi cũng vô dụng. LE phải nhờ đến đôi xăng đan, sang nai nịt gọn gàng mới có thể leo lên để khám phá, cả nửa ngày phải làm quen với động từ leo lên. Những bậc thang đá nối nhau không mệt mỏi, ngoằn nghèo lên cao hơn cao hơn dẫn qua những ngôi làng, khi hết làng thì lại gặp đường đất tít mít, những con la, lừa lầm lũi thồ những bọc hàng cho chủ.

Lần đầu tiên leo bộ LE đã say Sifnos như điếu đổ., say từ cái màu trắng mênh mang, những mái vòm xanh da trời, chú thích thêm là những mái vòm đó là mái nhà thờ, chỉ có mái nhà thờ mới được sơn xanh, ngoài ra các cửa sổ cũng có màu xanh ngăn ngắt ấy… Chấm phá trong sắc màu con người tạo nên, điều kỳ lạ ở Sifnos là do thiên nhiên chấm phá., những cây chanh vàng trĩu trịt sai đến nỗi có cảm giác là cây nhựa ( và chắc chắn bài Lemon tree được viết ở Sifnos), những bông hoa xương rồng tím ngắt đến kỳ lạ, màu của hoa cúc dại vàng rực hai bên đường…Khi đi qua làng thì LE chạm đến đỉnh núi, trên đỉnh núi gió thổi hoang dại, cây cối cũng hoang dại, những phiên dậu bằng đá dẹt chồng lên nhau, những ngôi nhà bằng đá dẹt hoang phế…nhưng sau chỗ ngoặt 1 ngôi nhà trắng hiện ra với Pin mặt trời, khói quấn quít trên nóc nhà…Sự hiện hữu của ngôi nhà làm tôi ngạc nhiên đến nỗi gần như bước vào sân nhà. Ngạc nghiên hơn là người chủ nhà bước ra và cười tươi đến nỗi tôi nghĩ đó là mặt trời vậy, người phụ nữ trẻ có mái tóc vàng mặc quần “sịp” áo phông đỏ và bế 1 thằng nhóc mắt xanh biếc đang cười hi hi …Đặc biệt hơn nữa đó là 1 gia đình nguời Đan Mạch, người phụ nữ đó là con gái của 2 vị chủ nhà, Nana và Piere, Piere đã xây ngôi nhà trên đồi này cách đây 14 năm, sau khi Nana ( luật sư) nghỉ hưu thì họ chuyển về đây sống. 3 hôm nữa là SN Piere nên cả gia đình bay từ Đan Mạch sang. Họ là những người rất nồng ấm, thậm chí còn hơi lôi thôi, nhà cửa như người sống trong hang, quần áo vắt khắp nơi, cô con gái là kỹ sư hàng không nên trông càng máu lửa… tôi bị nghẽn ở gia đình họ đến gần trưa, trèo lên mái nhà đọc Stepen King, ăn bánh mỳ, chơi với thằng cu con. Hôm đó là T7, ngày hôm sau sẽ là CN, CN ở Đảo tất cả các gia đình sẽ nghỉ làm việc, các cửa tiệm sẽ đóng, các du khách khi đến các đảo nên biết quy luật này.

Tôi tiếp tục lên đường lúc 11h trưa, Piere vác thằng cháu lên vai, tay xách cái niêu đất cùng đi với tôi xuống mé đồi bên kia. Trong niêu đất mà Piere xách có thịt, đậu cứng, hành tây xẳt nhỏ và 1 số gia vị khác như ớt, cheese… Đây là 1 truyền thống thú vị ở đảo. Các lò bánh mỳ sẽ dừng nướng bánh vào trưa T7 vì CN là ngày nghỉ nhưng tất nhiên lò bánh vẫn nóng than, chính vì thế các gia đình cứ trưa T7 lại chuận bị nón ninh đem xuống lò bánh mỳ trong làng để đút nhờ,. đến sáng CN sau khi đi lễ nhà thờ sẽ qua lò bánh lấy nồi ninh nhà mình về ăn trưa. Tôi rất háo hức được nếm thử món này vì thế sau khi chia tay Piere tôi đã có cái hẹn ăn trưa cho ngày CN… Đi theo hướng Piere chỉ đường lên 1 quả đồi khác rồi đi xuyên qua thành phố
Artemonas để về nhà, theo ông thì quãng đường này sẽ chiếm 3h đi bộ của tôi.

Hồ hởi tôi bắt tay đi ngay, qua những vườn ô liu đầy hoa, qua những ngôi nhà thờ hoang vắng… tôi lại nhìn thấy biển trước mặt, máu đi ra biển tôi hăm hở dấn bước… nhưng đi mãi mà không đến biển cho đến khoảng 30’ sau thì tôi đến đường cái con đuờng men theo mép vực ngoằn nghèo dẫn lên lưng chừng núi rồi mất hút theo chỗ ngoặt… Quay lại đường cũ để về thì không phải tính cách của tôi nên tôi dấn bước đi men theo đường cái, tự đánh giá hướng đi để có thể về nhà. Vì vụ đi lạc này mà tôi đuợc chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp tuyệt vời của mé bên này hòn đảo, thầm hứa nếu tôi về được nhà nhất định sẽ lôi xe quay lại đây…chặng đường về nhà thật chẳng mấy dễ dàng, trời nắng chang chang, chỉ có 1 chai nước với mẩu bánh mì tôi nghiến ngấu hết để có sức leo.. càng leo con đường càng dài hun hút trước mặt dài đến nản chí,, khi chạm đến ngôi làng đầu tiên cheo leo trên núi tôi quết định nhảy vào làng, công nhận phong cảnh trong làng đẹp quên sầu luôn nên thân tôi cũng đỡ mệt, mắt không ngừng tìm kiếm mái nhà thờ quen thuộc của Apolonia…

Cũng may là tôi đã đi qua được 1 ngôi làng nên lòng tự tin được củng cố. Tôi tiếp tục định hướng theo ngọn núi cao nhất đảo mà từ cửa sổ phòng ngủ tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ trên đỉnh để đi về…
Lê lết thân tôi qua thêm 1 ngôi làng đẹp hơn cả trong mơ nữa thì tôi bắt đầu đổ dốc., như vậy có nghĩa là tôi đã đi qua 2 ngọn núi và nhiệm vụ của tôi là phải tìm được ngọn núi T3 là Apolonia.Nhưng cứ men theo sườn đồi mãi thì tôi cũng vẫn chưa tìm được apolonia thân yêu của tôi. Xin chú thích là đây là ngày T2 tôi ở đảo, chưa đi hết đảo được. Âu cũng là cái dại của tôi. Lúc này đã là 5h chiều, thú thực là tôi đã phải dừng lại nạp năng lượng 1 lần ở 1 siêu thị trong làng bằng kem và nước ưống. Khi đi đến 1 ngã 3 có biển chỉ về Kastrop, 1 biển chỉ thẳng ra Vitha nhìn trước mặt là mênh mông làng xóm xanh trắng như nhau, tôi gần như phát điên., lúc này còn điên thật vì tôi chợt nhớ ra là đã bỏ quên cái túi đeo hông ở nhà Piere khi tôi tháo nó ra trong nhà tắm, mà trong túi lại có chìa khoá KS.

Tôi ngôì giữa ngã 3 đường, mệt mỏi, chân mỏi nhừ nhừ thì đúng lúc ấy tôi nhìn thấy Philipo ông chủ nhà hàng Mamamia, tôi lao ra đường hét ầm lên Philipo, có lẽ ông ta chưa bao giờ thấy khách hàng nào lại yêu quý mình như thế nên cười rất tươi. Khi lao đến chỗ ông ta dừng xe tôi len lén nhìn lên, đó chính là con đường dẫn lên KS, cha mẹ ơi, tôi cười rất tuơi và nói “ Tối tôi xuống ăn Pizza nhé” Philipo cười và phóng đi. Cũng lạ, chỉ cách 1 vách núi nhô ra mà tôi không nhận ra đường về nhà… Leo lên đồi tôi nằm phịch ngoài sân đến hơn 1 tiếng rồi lại lụi hụi leo lên đỉnh núi để lấy chìa khoá vào nhà… Đêm ấy sau khi ăn 1 cái Pizza to đùng, tôi về nhà leo lên giưòng ngủ 1 mạch. Mệt mỏi và sung sướng…. Lại sẵn sàng cho 1 ngày mới sắp đến….


Bài đăng phổ biến