Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch Miền tây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lịch Miền tây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Bông điên điển và loạt món ngon từ điên điển mùa nước nổi

Bông điên điển là loại sản vật tiêu biểu của mùa nước nổi ở miền Tây, với vị thanh mát, hơi nhẫn, bùi bùi. Loài hoa này có thể được chế biến ra rất nhiều món ăn ngon.

Bông điên điển và loạt món ngon từ điên điển mùa nước nổi

Bông điên điển xào

Bông điên điển xào

Đối với bông điên điển, xào là cách chế biến không quá cầu kỳ nhưng mang đến hương vị hấp dẫn, bắt cơm. Điên điển thường được xào chung với tép, thịt bò, trứng, thậm chí là chỉ cần xào với tỏi thôi cũng đã rất ngon.

Bông điên điển muối dưa

Bông điên điển muối dưa

Bông điên điển muối dưa là một trong những cách chế biến lạ vị để thưởng thức đặc sản này. Người ta thường muối bông điên điển với giá, hẹ, ớt, hành tím... Tuy nhiên, để món ăn thơm ngon, trước khi muối, bông điên điển phải được sơ chế sạch, nhặt bỏ từng cọng, bỏ cả những phần dập úa, chỉ giữ lấy bông đạt yêu cầu.

Lẩu mắm

Lẩu mắm

Lẩu mắm miền Tây có nguyên liệu đa dạng. Thành phần chất đạm thường có đủ các loại cá (cá lóc, cá hú, cá kèo...), lươn, tôm, mực, ba rọi, heo quay, chả cá... Các loại rau, hoa, củ ăn kèm cũng rất phong phú, như bông điên điển, bông súng, bông so đũa, bông bí, bông lục bình, khổ qua, cà tím, rau nhút, rau đắng, kèo nèo, muống bào, bắp chuối, giá, bạc hà...

Bún cá

Bún cá

Bún cá là đặc sản trứ danh ở Châu Đốc, An Giang cuốn hút thực khách bởi nước dùng đậm đà, thơm mùi mắm, kết hợp cùng những miếng nạc cá lóc đồng vàng màu nghệ, những miếng heo quay mỡ béo, da giòn... Đặc biệt, món ăn sẽ kém phần hấp dẫn nếu thiếu bông điên điển ăn kèm giá sống, rau muống, rau thơm...

Bánh xèo

Bánh xèo

Người miền Tây thường cho bông điên điển vào làm nhân bánh xèo. Tại vùng sông nước Cửu Long, món bánh xèo không giống một số nơi, thường được đổ trong chảo to với lớp vỏ bánh mỏng, giòn, kết hợp cùng các nguyên liệu như tép, thịt heo, thịt vịt, đậu xanh...

Gỏi điên điển

Gỏi điên điển

Gỏi bông điên điển ở miền Tây thường trộn cùng những con tép nhỏ tươi rói, được gọi là tép đồng, tép rong, tép riu, tép trấu, tép mòng, tép muỗi... Tùy nguyên liệu kết hợp, cách chế biến của người nấu, vùng miền... gỏi bông điên điển trộn tép có nhiều hương vị khác nhau. Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hấp dẫn, món gỏi này thích hợp để phục vụ khai vị.

Xem thêm: Nhớ thương ẩm thực miền Tây mùa nước nổi

Tổng hợp


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Bánh bèo và loạt phiên bản độc đáo ngon khó cưỡng

Cùng một tên gọi nhưng món bánh bèo ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, hương vị khác nhau.

Bánh bèo và loạt phiên bản độc đáo ngon khó cưỡng

Bánh bèo Huế


Bánh bèo Huế

Từ lâu bánh bèo đã là một món ăn đặc sản Huế được không chỉ người dân địa phương yêu thích mà rất nhiều du khách đến đây cũng muốn nếm thử ít nhất một lần. Đúng với cách "ăn hương ăn hoa" của người dân cố đô, bánh bèo được thưởng thức trong những chén nhỏ. Phần bánh vừa miệng với lớp vỏ mỏng, trắng đục, đầy ắp nhân tôm chấy, tóp mỡ, hành phi, mỡ hành trông rất bắt mắt. Cái khéo ở đây là nước chấm với đủ vị mặn, ngọt, cay rất hài hòa.

Bánh bèo Đà Nẵng


Bánh bèo Đà Nẵng

Khác với nhân tôm chấy của Huế, bánh bèo Đà Nẵng được ăn cùng với nhân ướt, thêm chút đậu phộng rang giã nhỏ, và chan nước mắm pha loãng ăn kèm. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là phần nhân màu điều, hơi béo, được làm từ thịt nạc xay, mộc nhĩ và tôm băm nhuyễn, nấu cùng ít bột bánh pha nước tạo độ sánh.

Bánh bèo Hải Phòng


Bánh bèo Hải Phòng

Bánh bèo ở đất cảng Hải Phòng có ngoại hình giống món bánh đúc, nhưng mang hương vị đặc trưng riêng. Đó là vị bánh mềm tan, thoảng hương lá chuối, quyện cùng cái ngậy béo của nhân thịt, nước chấm hài hòa. Nước dùng từ xương được ninh kĩ hòa cùng các gia vị như tỏi, ớt, giấm tạo nên bát nước chấm đặc biệt.

Bánh bèo Nghệ An


Bánh bèo Nghệ An

Bánh bèo Nghệ An có nhiều nét tương đồng với món bánh bột lọc trần xứ Huế. Bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc, vắt thành hình tròn dẹt, gập đôi lại để giữ nhân bên trong rồi gói lại bằng lá chuối. Khi chín, vỏ bánh trong để lộ phần nhân tôm và thịt nạc bắt mắt. Bánh sau khi làm chín sẽ ăn kèm với nước mắm pha sẵn đổ ngập lên kèm theo ít rau thơm và hành khô rắc đều trên.

Bánh bèo miền Tây


Bánh bèo miền Tây

Bánh bèo miền Tây là loại bánh ngọt, có màu xanh của lá dứa. Khi ăn, người bán cho thêm phần nhân đậu xanh, chan nước cốt dừa và rắc mè rang lên trên chiếc bánh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị hài hòa của vỏ bánh ngọt dịu, nước cốt dừa béo ngậy và mè rang bùi thơm.


Tổng hợp

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Thơm ngọt, mát lành hương vị thốt nốt An Giang

Nếu có dịp về các huyện như Tri Tôn, Tịnh Biên (Châu Đốc) thuộc tỉnh An Giang, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng có cây thốt nốt. Hình ảnh cây thốt nốt được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khờ-me Nam Bộ và cũng là cây đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí này.

Thơm ngọt, mát lành hương vị thốt nốt An Giang

Thốt nốt là một loại cây không nhánh, giống cây dừa nhưng thân cao to hơn, lá xòe tán tròn như lá cọ. Thốt nốt trổ quả thành quày, trái to như trái dừa xiêm, bên trong có nhân (cơm) màu trắng trong như cơm dừa nước, có ít nước ngọt và mát.

Nước thốt nốt tươi


Nước thốt nốt nguyên chất là thức uống giải khát tuyệt hảo, thơm mát, có vị ngọt thanh mnag hương vị đặc trưng riêng của miền Tây mà không nơi nào có được. Nước thốt nốt rất dễ bị lên men, vì thế chúng không thể để lâu, do đó bạn chỉ có thể thưởng thức ngay tại mảnh đất quê hương thốt nốt chứ không thể đưa đi xa. Có thể nói, đây là thức uống lý tưởng nhất để đánh bay cơn khát mùa hè khi du lịch đến vùng đất An Giang.

Cơm thốt nốt


Cơm thốt nốt cũng là sản phẩm được nhiều người ưa thích và thường hay mua về làm quà biếu. Cơm thốt nốt dẻo, dai, ngòn ngọt như dừa xiêm nhưng thơm ngon hơn. Nếu không có nước thốt nốt nguyên chất, bạn chỉ cần cho cơm thốt nốt vào ly, thêm một muỗng đường và ít nước đá bào là sẽ có ly nước thoảng hương vị đặc trưng của thốt nốt.

Trái thốt nốt tươi

Nên mua thốt nốt nguyên trái sẽ bảo quản được lâu. Khi mua thốt nốt, bạn nên chú ý chọn lọai cuống còn tươi, trái đều đặn, không bị móp, giập. Dùng tay búng vào vỏ trái để biết trái già hoặc non. Chỉ nên chọn những trái bánh tẻ, không già không non, cơm sẽ ngọt, béo, dẻo và thơm. Bởi trái già cơm cứng, vị lạt, trái non không có cơm.

Đường thốt nốt


Một đặc sản khác của An Giang là đường thốt nốt làm từ nước thốt nốt hứng từ trên cây. Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh, được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Vị ngọt thanh, thơm ngon của đường thốt nốt không chỉ nấu chè làm bánh rất ngon mà còn có tác dụng làm mát cơ thể, chữa viêm họng. Đây cũng là lý do vì sao khách du lịch thường chọn mua đường thốt nốt về làm quà cho người thân và bạn bè.

Bánh bò thốt nốt


Một trong những món bánh tuyệt hảo của người An Giang làm từ thốt nốt là bánh bò thốt nốt. Bánh làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn. Bánh ăn ngon nhất khi còn nóng hổi, ăn chậm rãi để thưởng thức vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của thốt nốt tan trong miệng, ngon đến nỗi bạn có thể ăn no mà không ngán.

Từ thốt nốt, người An Giang còn làm món cơm thốt nốt ướp đường, bánh gói thốt nốt, rượu thốt nốt… Nếu có dịp về miền Tây, bạn đừng bỏ qua các món đặc sản từ thốt nốt nhé! 


Tổng hợp

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Về miền Tây thưởng thức trái ngon mùa hè

Trái cây Nam Bộ có quanh năm, nhưng mùa hè là thời điểm trái cây chín rộ ở miền Tây với nhiều chủng loại và ngon, ngọt nhất.

Về miền Tây thưởng thức trái ngon mùa hè

Thanh long, Long An

Thanh long, Long An

Nói đến các đặc sản nổi tiếng Long An không thể không nhắc đến thanh long Châu Thành với vị ngọt và mát, vỏ đỏ tươi căng bóng được trồng thành thẳng tấp đua nhau xõa trái. 

Thanh long là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa một hàm lượng vitamin C, carotin, canxi, một số loại vitamin B cùng một số chất dinh dưỡng và chất oxy hóa khác. Ăn thanh long rất tốt cho da và thị lực, đặc biệt với người bị huyết áp cao hoặc mắc bệnh tiểu đường thì ăn thanh long rất có lợi. Ngoài ra, trái thanh long còn được chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng như thanh long dầm sữa chua, thạch thanh long hay sinh tố yaout thanh long… Thanh long Châu Thành hiện có 2 loại thanh long chính là thanh long ruột đỏ vỏ hồng hay đỏ và thanh long ruột đỏ vỏ đỏ. Trong đó, thanh long ruột đỏ với màu sắc bắt mắt được nhiều du khách mua về làm quà cho người thân sau chuyến du lịch miền Tây về Long An.

Xoài cát Hòa Lộc, Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc, Tiền Giang

Tiền Giang nổi tiếng là vùng đất có nhiều hoa thơm trái ngọt làm say lòng người, trong đó phải kể đến loại trái cây giúp người dân nơi đây đang ngày càng ăn nên làm ra, chính là xoài cát Hòa Lộc. 

Khác với những loại xoài khác, xoài cát Hòa Lộc ở đây quả không to, chừng chưa đầy nửa cân một quả. Từng quả có dáng thuôn dài, tròn mình, đỉnh nhọn, gần cuống có bầu tròn đặc trưng. Khi chín, xoài cát Hòa Lộc cho màu vàng tươi, vỏ mỏng, bề ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn đặc trưng và bề mặt có đốm tròn nhỏ, màu nâu đen và rất chắc thịt, rất ngọt, khi cắt ra có mùi thơm dịu nhẹ không lẫn với bất kì loại xoài trồng từ nơi nào khác.

Sầu riêng Cái Mơn, Bến Tre

Sầu riêng Cái Mơn, Bến Tre

Vườn cây ăn trái Cái Mơn, Bến Tre là vựa trái cây lớn nhất nhì miền Nam và được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Các vườn trái cây Cái Mơn được bao bọc giữa bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên và Hàm Luông nên quanh năm khí hậu ôn hòa, cây lá sum suê, tươi tốt. 

Sầu riêng Cái Mơn không ngọt gắt như Chuồng Bò, cũng không nhạt dịu, hơi béo như Ri 6. Cái ngọt của sầu riêng Cái Mơn là sự đậm đà, vừa phải làm người ăn không cảm thấy ngán hay gắt khi vừa chạm miếng đầu tiên. Điều đặc biệt chú ý nhất là hương thơm của sầu riêng Cái Mơn rất đặc trưng, rất sâu đậm. Ai đã một lần ăn rồi chắc chắc có thể phân biệt được khi trộn lẫn cùng những loại khác.

Dâu da, Phong Điền

Dâu da, Phong Điền

Những ngày cuối của tháng 5, các vườn dâu da ở miền Tây bắt đầu chín rộ, trong đó có các vườn dâu ở Phong Điền, Cần Thơ. Cây nào cũng sum suê, trái no tròn, có loại màu xanh, có loại màu vàng óng ả. Đặc điểm loài của dâu là khi có mưa xuống thì trái bắt đầu ngọt dần cho đến lúc cuối mùa. 

Dâu da ở đây có nhiều giống, mùi vị, độ chua ngọt khác nhau. Loại ngọt và hơi ngọt có dâu xanh, dâu Bà Phước, dâu miền dưới, dâu Hạ Châu, dâu bòn bon. Hiện nay, dâu bòn bon được coi là thế mạnh của một số nhà vườn miền Tây.

Chôm chôm, Vĩnh Long

Chôm chôm, Vĩnh Long

Cứ vào tháng 7, các vườn chôm chôm ở Vĩnh Long lại đón tiếp rất nhiều khách du lịch đến tham quan và hái trái. Thiên nhiên và điều kiện thổ nhưỡng ở Vĩnh Long thuận lợi cho chôm chôm phát triển nên cho ra đời những chùm quả có vị ngọt đậm đà, róc hạt.

Du khách ghé thăm miệt vườn chôm chôm có thể trực tiếp hái trên cây và ăn thỏa thích. Nhà vườn chỉ tính đầu người khoảng 20.000 - 30.000 đồng cho chôm chôm loại thường. Riêng ở một khu vực trồng toàn các gốc chôm chôm nhãn (giống chôm chôm cơm ngọt, vỏ tróc) được tính giá theo cân, với mức giá dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg.


Tổng hợp

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Khoảng 200 món ăn tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đang diễn ra tại TP Cần Thơ, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và thưởng thức các món ăn ngon mỗi ngày.


Đây là lễ hội lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 5-9/4 tại khuôn viên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (số 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Năm 2017, Vietravel Cần Thơ đánh dấu 5 năm đồng hành cùng Lễ hội, góp phần tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ tới du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 sẽ có nhiều điểm mới và được cải tiến so với 5 lần tổ chức trước đây. Lễ hội có quy mô khoảng 200 gian hàng, trong đó có 100 gian hàng bánh dân gian Nam Bộ và 100 gian hàng đặc sản các vùng miền khác trong cả nước. 


Bánh xèo ở miền Tây được nhiều du khách ưa thích. "Bánh xèo ăn rất ngon khi dùng tay bốc bột chiên gói với rau sống, rồi chấm nước mắm chua ngọt", một khách du lịch nói.


"Bánh gói bằng lá dừa, bên trong là nếp, đậu trắng, một ít cơm dừa. Người Kinh gọi là bánh trái lựu. Mỗi chiếc bánh giá 1.000 đồng"


Cốm dẹp trộn với đường và dừa là món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.


Bánh tét nhân thập cẩm của Cần Thơ, giá cao nhất là 70.000 đồng một đòn.


Bánh đúc nước dừa


Một trong những loại bánh dân gian Nam Bộ là bánh hỏi, thường được dùng để gói rau sống với thịt heo quay, chấm nước mắm chua ngọt.


Không chỉ thưởng thức các loại bánh dân gian Nam Bộ, du khách còn được ăn cá lóc nướng trui, hải sản nướng...


... Và thịt heo nướng, ốc nướng tiêu dân dã.


Bún nước lèo có tôm, thịt heo quay và cá lóc là món ăn đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Các gian hàng bánh dân gian Nam bộ sẽ được ưu tiên trưng bày ở khu chính nhằm nêu bật giá trị văn hóa bánh dân gian Nam bộ qua ba yếu tố được thể hiện xuyên suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội: Văn hóa làm bánh - văn hóa bán bánh - văn hóa thưởng thức bánh. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có sự tái hiện bộ sưu tập dụng cụ làm bánh truyền thống tại khu trưng bày làm bánh.



Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều chương trình hoạt động phong phú đa dạng hấp dẫn thu hút du khách như biểu diễn đờn ca tài tử, biểu diễn múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian các nước ASEAN, các trò chơi dân gian, hoạt động quảng bá du lịch - ẩm thực Cần Thơ…

 Xem thêm : Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực, muốn thưởng thức các loại bánh thì hãy lên kế hoạch ngay cho mình đến với  Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2017 nhé . 





Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Thấy khách ghé vào, chủ nhà niềm nở đón chào rồi tiến ra vườn chọn những trái chín thơm ngon nhất, hái xuống cho mọi người thưởng thức ngay tại chỗ.  

Cù Lao Dài là tên gọi xa xưa của vùng đất do phù sa bồi đắp, nay thuộc hai xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sở dĩ có cái tên này vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Tuy nhiên người miền Tây thường đọc trại từ, nên "giày" biến thành "dài".

Để đến được Cù Lao Dài, bạn có thể đi bằng hai cách là dùng đò ở bến đò Vũng Liêm với giá 20.000 đồng hoặc chạy xe máy qua phà. Người dân địa phương chủ yếu lựa chọn cách thứ hai vì rút ngắn thời gian di chuyển. Chỉ cần qua phà là đến địa phận Cù Lao Dài. Nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ mộc mạc của thôn quê, với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng. 


Người dân Cù Lao Dài có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê và sẵn sàng hái xuống để mời khách. Ảnh: Thảo Nghi

Đặt chân đến xã Thanh Bình, bạn có thể chạy xe dọc con đường nhỏ và xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương. Có rất nhiều loại khác nhau như sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, bưởi...

Chủ vườn người miền Tây đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Bạn có thể vừa ngồi trên chiếc võng đu đưa, vừa ăn miếng mít thơm lừng và trò chuyện rôm rả. Nhiều người có thể mua trái cây ngay tại vườn và được người dân chỉ cách chọn loại ngon trên thị trường.

Sau khi thưởng thức các loại trái cây ngon ngọt, du khách có thể đến quán của dân địa phương là Vườn Dừa để thưởng thức những món ăn hấp dẫn đặc trưng, hay tự tay đổ chiếc bánh xèo vàng giòn trên chảo gang.


Bánh xèo miệt vườn ở Cù Lao Dài vừa dai vừa mềm. Nhiều lúc thực khách cứ dùng tay xé ra rồi ăn mãi không ngừng được. Ảnh: Thảo Nghi

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên mà không cần dầu. Nếu chảo quá khô, họ có thể lấy miếng mỡ di một vòng trên chảo rồi lấy ra, sau đó đổ bột, cho thêm giá, hành, tôm, hến... Chiếc bánh xèo được đặt trên lá chuối, ăn cùng các loại rau và chấm nước mắm chua ngọt.

Ngoài ra, ở đây còn nhiều món gắn bó với miền Tây như gỏi gà nấu rịu, ốc nướng tiêu xanh, lẩu trái bần và cơm thịt kho tàu...

Nếu chỉ ăn uống, du khách chưa thể trải nghiệm hết cuộc sống của người dân miền Tây. Đến đây, nhiều người còn bị mê mẩn bởi những giai điệu đơn ca tài tử như "Lan và Điệp", "Dạ cổ hoài lang"... Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử là các nghệ nhân không đứng hát hay mặc áo dài, mà cứ tự nhiên ngồi trên ghế cất cao giọng ngân trong trang phục giản dị. 


Những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn" đang cất cao giọng hát với những khúc nhạc như Tâm sự Huyền Trân, Vọng Kim Lang... Ảnh: Bảo Thu

Hành trình về miền Tây luôn để lại nhiều dấu ấn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cách sống phóng khoáng, chân tình của người dân. Bạn có thể tự mình khám phá vùng đất bằng xe máy, hoặc đăng ký đi tour các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Cù Lao Dài (hai ngày một đêm) với chi phí 1.590.000 đồng.

Thảo Nghi (VnExpress)

Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Đến miền Tây vào mùa con nước, chuyện trò rôm rả với người dân địa phương và thưởng thức cháo vịt sóng sánh, béo ngậy là một trải nghiệm thú vị dành cho lữ khách.
 

Với người miền Tây Nam Bộ, vào mùa nước tháng 9 âm lịch, những cánh đồng chỗ nào cũng trắng xóa. Mùa nước về cũng là lúc nơi đây bước vào vụ thu hoạch lúa, nguồn thức ăn dồi dào, hàng trăm đàn vịt tràn xuống ruộng. Những con vịt xiêm béo tròn, kêu quang quác cả một vùng rộng lớn.

Người dân sau vụ lúa cũng rảnh rang và thường đãi nhau những món ngon từ vịt. Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng, họ bắt lại và làm món nướng, luộc, nấu chao... Nhưng dễ làm và dễ ăn hơn cả là món cháo vịt, lai rai làm mồi nhậu ấm bụng mỗi buổi tối.

Vịt được chọn là những con nhỏ, khoảng hơn một kg vừa chắc thịt lại thơm ngon. Để khử bớt mùi hôi, vịt sau khi làm sạch lông sẽ dùng gừng hoặc rượu trắng sát nhẹ. 


Vịt được chặt thành miếng, rắc thêm chút hành phi thơm vàng óng, chấm với nước mắm tỏi là món ăn dân dã ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: giamua

Thịt vịt được cho vào nồi nước luộc cùng chút gừng, muối, và hành củ đã được nướng chín và đập dập. Khi nước sôi phải giảm nhỏ lửa và hớt hết bọt để nước luộc vịt được trong.

Muốn cháo vịt ngon phải chọn loại gạo thơm, thêm một nắm gạo nếp cho dẻo, vo sạch rồi cho vào chảo rang lên đến khi ngả sang màu vàng nhạt. Khi luộc vịt chín vớt ra cho gạo vào nồi đun trên bếp để hạt gạo nở bung, tỏa ra mùi thơm nức.

Thịt vịt luộc được chặt ra thành từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm pha chua ngọt, cùng tỏi, ớt giã nhuyễn, thêm vài sợi gừng thái nhỏ, gia giảm cho vừa miệng.

Cháo nóng được rắc thêm hành lá, tía tô hay rau mùi thái nhỏ, thêm chút tiêu xay cho dậy vị, ăn kèm với thịt vịt luộc chấm mắm tỏi. Bạn sẽ cảm nhận những miếng thịt ngọt, béo mà không ngấy, lẫn trong bát cháo sóng sánh.

Anh Phương (VnExpress)

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Ba bãi biển hoang sơ đẹp như tranh hút hồn teens mê phượt

Cô Tô, Lý Sơn, Nam Du là những nơi bạn sẽ cảm thấy thật sự tự do, được vùng vẫy thoải mái sau những ngày mệt mỏi, tận hưởng không khí thoáng đãng, bình yên.

Thời gian gần đây xu hướng du lịch bụi phát triển khá mạnh, rất nhiều người đã tự khám phá những bãi biển hoang sơ, ít bị thương mại hóa. Nhiều nơi còn thiếu thốn điều kiện sinh hoạt nhưng bù lại, bạn sẽ được tận hưởng không khí thoáng đãng, bình yên và thoải mái bên những bờ cát trắng mịn, hải sản phong phú. Bạn sẽ cảm thấy mình thật sự tự do, được vùng vẫy thoải mái sau những ngày mệt mỏi và khám phá những làng chài xung quanh để cảm nhận được tình người ấm áp.

Ba bãi biển sau đây nằm ở ba miền bắc, trung, nam là những nơi bạn nên ghé qua dù chỉ một lần:

Cô Tô

Cô Tô là một quần đảo nằm về phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, cách TP Hạ Long chừng 80km với hơn 6.000 hộ dân và 50 hòn đảo lớn nhỏ. Từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng bắt xe khách tới ngã ba Vân Đồn, sau đó đi xe ôm hoặc thuê xe máy tới cảng Cái Rồng để chờ sáng hôm sau đi tàu ra đảo.



Biển Cô Tô trải dài, trắng mịn.

Hai bãi biển đẹp nhất là Hồng Vàn và Vàn Chảy, chỉ cách trung tâm thị trấn Cô Tô khoảng 20 phút chạy xe. Bãi cát trải dài, trắng mịn, nước xanh trong và khá vắng người. Từ đây có thể nhìn bao quát được những đảo lớn nhỏ khác nhau. Ngoài biển thì Cô Tô còn có một địa điểm không thể bỏ qua là hải đăng. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt tới toàn bọ cảnh quan trên đảo với rừng cây xanh rợp, bờ biển lấp lánh, con đường dọc ngang đảo và những tàu cá màu mè neo đậu trong vùng.

Lý Sơn

Đi xuôi xuống dọc theo những con đường miền Trung, bạn nên thử tới Lý Sơn một lần. Lý Sơn hay còn gọi là Cù Lao Ré, thuộc địa phận của tỉnh Quảng Ngãi, hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. Để tới được Lý Sơn, các bạn có thể đặt vé máy bay tới Đà Nẵng hoặc Chu Lai rồi từ đó bắt xe tới cảng Sa Kỳ. Ngủ lại ở cảng một đêm để sáng hôm sau bắt chuyến tàu cao tốc vào lúc 8h sáng để ra Lý Sơn.


Bạn có thể thuê một chiếc xe máy với giá cực kỳ phải chăng để tiện đi lại. Những điểm đến đầu tiên có lẽ nên là chùa Hang, chùa Đục và Quan âm đà lớn nhất đảo. Tượng Phật Quan Thế Âm một tay bắt ấn, một tay cầm bình nước cam lồ nhìn ra biển cả mênh mông, có ý nghĩa dõi theo và chở che cho những ngư dân ngày đêm trên biển, bảo vệ cuộc sống của họ khỏi những cơn bão tố.


Một góc của đảo bé Lý Sơn.

Ở Lý Sơn bạn dùng từ "đẹp" có lẽ là chưa đủ, để có để khám phá được hết vẻ đẹp của hòn ngọc giữa biển khơi này bạn nên dành một hoặc hai ngày ở đảo Bé. Từ Lý Sơn bạn sẽ đi thuyền khoảng nửa tiếng, cả đảo bé chỉ có khoảng hơn 2 chục hộ dân, không có nước ngọt và lương thực, hoàn toàn được cung cấp từ đảo Lý Sơn. Nhưng bãi biển Lý Sơn bé là thiên đường cho những buổi cắm trại hoang dã.

Nam Du

Xuôi đến tận cực Nam của tổ quốc, vùng đất được mệnh danh là viên ngọc thô của phương nam chính là quần đảo Nam Du. Nam Du cũng còn khá lạ lẫm với nhiều người. Nằm ở phía đông nam đảo Phú Quốc và cách bờ biển Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khoảng 65 hải lý, quần đảo Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời giữa vịnh Thái Lan. Bạn có thể đi ôtô, tàu hoặc máy bay xuống thành phố Rạch Giá và từ đây, sau ba tiếng đi tàu cao tốc, bạn sẽ đặt chân lên Hòn Lớn.


Nam Du - nơi biển xanh cát trắng.

So với Cô Tô và Lý Sơn, Nam Du còn hoang sơ hơn rất nhiều, du lịch gần như chưa phát triển nên cơ sở hạ tầng, đường xá, dịch vụ chưa hoàn thiện. Bạn sẽ phải vượt qua chặng đường khá khó khăn mới có thể đến được bãi biển đẹp như bãi Mến. Nhưng cảnh đẹp và được thả mình xuống làn nước mát lạnh đó, mọi mệt mỏi đều tan biến mà thay vào đó là cảm giác sảng khoái.


Ngoài bãi Mến, bạn có thể đi bộ lên ngắm khung cảnh hồ nước Bãi Nhum của Hòn Lớn, hoặc mạo hiểm hơn nữa là men theo bãi đá ở bến tàu đi chinh phục mỏm đá hình đầu rồng. Rồi bạn có thể đi xe ôm lên ngọn hải đăng để thấy được toàn cảnh Nam Du với các đảo nằm dài xanh ngút ngàn tầm mắt. Đặc biệt, vào lúc mặt trời mọc hay sắp lặn thì khung cảnh rất lãng mạn. Dịch vụ ở Nam Du chưa phát triển nên cũng là cơ hội để bạn cảm nhận và sống cuộc sống hàng ngày cùng với những ngư dân bằng cách ở trọ ngay tại chính gia đình họ. Không có những tiện nghi hiện đại như máy lạnh, nhà nghỉ cao tầng… nhưng đó sẽ là một trải nghiệm quý giá và có ý nghĩa trong suốt hành trình của bạn.

Ngôi Sao

Bài đăng phổ biến