Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Kinh nghiệm cần biết trước khi du lịch bụi Bangkok

Du khách không chỉ có cơ hội khám phá sự sôi động, nhộn nhịp của phố Tây Khao San, China Towm mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa và lịch sử lâu đời tại các ngôi chùa cổ.
Bangkok (Thái Lan) có sự hòa quyện của hiện đại và truyền thống, bên cạnh không khí sôi động ở phố Tây Khao San còn có vẻ đẹp hoành tráng, lộng lẫy của Cung điện Hoàng gia hay kho tàng văn hóa, lịch sử ở Wat Pho, Wat Arun...
Xem thêm: 48 tiếng vui vẻ ở Bangkok ngày cuối tuần

Dưới đây là những kinh nghiệm thiết thực, dành cho các du khách lần đầu đi Bangkok.

Tiền Thái Lan là baht, tỉ giá 1 baht tương đương 620 đồng.

Nên đi máy bay hay đường bộ?

Đi du lịch bằng máy bay tiện nhất, chi phí không đắt hơn nhiều so với đi bus, lại tiết kiệm thời gian, sức lực. Với các bạn ở Hà Nội, vượt qua quãng đường dài (qua Lào) để đến Bangkok không phải chuyện đơn giản. Bạn chỉ cần canh vé giá rẻ (trước 2-3 tháng). Một số hãng hàng không bán vé khứ hồi đôi khi chỉ 1,5 – 2 triệu đồng. Còn các bạn muốn tiết kiệm tối đa chi phí thì phương án tốt nhất là đi bus.

Lưu ý: Đi máy bay bạn nên sử dụng tàu cao tốc trên cao của sân bay hoặc xe buýt của thành phố để di chuyển vì hai sân bay ở Bangkok cách trung tâm tầm 20 - 30 km.

Đường hàng không

Rất nhiều hãng hàng không bán vé đi từ Việt Nam sang Bangkok như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air, AirAsia, Nok Air... Tuy nhiên, AirAsia được đánh giá là có giá rẻ nhất, đúng kiểu dành cho dân đi bụi, không dịch vụ kèm theo, cân nặng hành lý thoải mái (khoảng 20 kg hành lý ký gửi và 10 kg xách tay cho bạn tha hồ mua sắm). Nhớ đặt trước khoảng 2 - 3 tháng để có vé giá rẻ.

Hướng dẫn đi từ sân bay về trung tâm thành phố

Bạn nên biết ở Bangkok có hai sân bay Suvarnabhumi (sân bay quốc tế ) và Don Muang (sân bay dành cho các hãng giá rẻ và nội địa là chủ yếu).

Ở Suvarnabhumi bạn chỉ cần đi tàu cao tốc của sân bay giá 40 baht là có thể về tới trung tâm thành phố (khu Victory), và đi thêm taxi 75 bath sẽ tới được khu Cung điện Hoàng gia (Grand Palace) hoặc khu phố Tây Khao San.

Ở Don Muang bạn đi mini bus giá 150 baht tới Khao San. Đi xe bus công cộng của sân bay bạn bắt ở ngay dưới tầng một (có biển chỉ dẫn, hoặc nhìn chỗ nào đông người xếp hàng) và phải xếp hàng chờ dài.

Đường bộ

Từ Hà Nội: Chuyến 1 (Hà Nội - Viêng Chăn). Chuyến 2 (Viêng Chăn - Nong Khai). Chuyến 3 (Nong Khai - Bangkok).

Từ TP Hồ Chí Minh: Chuyến 1 (Phạm Ngũ Lão - Phnom Penh). Chuyến 2 (Phnom Penh - Bangkok). Hoặc có thể mua vé Hồ Chí Minh - Bangkok nhưng nếu chuyển xe bạn có thể tiết kiệm được 107 - 180 baht.

Lưu ý: Vì tình trạng người Việt nhập cư làm việc chui nhiều nên lúc nhập cảnh từ Lào hoặc Campuchia vào Thái Lan, cảnh sát rất hay vòi tiền các bạn nữ người Việt, hoặc những người không biết tiếng Anh. Mọi người lưu ý khi nhập cảnh: nhất định không trả bất cứ đồng phí nào và nhớ nói tiếng Anh với cảnh sát, tự tin, tươi cười thoải mái khi làm thủ tục.

Món kem dừa thơm ngon ở Bangkok. Ảnh: Trần Việt Anh

Nên di chuyển bằng gì cho thuận tiện?

Phương tiện hữu ích nhất là xe máy, vì ở Bangkok rất hay tắc đường và các địa điểm du lịch thường nằm xa nhau. Nếu không bạn có thể chọn taxi. Lưu ý, đi taxi phải có đồng hồ, không theo giá thỏa thuận vì luôn đắt hơn gấp 2, 3 lần. Phương tiện công cộng như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, bus, thuyền dưới sông, phà… của chính phủ đều rất rẻ.

Giá taxi khoảng 15 baht/km

Giá tuk tuk khoảng 20 baht/km
Giá phà 3 baht/lượt
Giá thuê xe máy trung bình 150 - 200 baht/ngày (thuê ngay tại khách sạn bạn ở hoặc nhờ lễ tân gọi giúp).

Nên thuê khách sạn ở khu nào?

Có 4 - 5 khu vực mà khách du lịch thường thuê khách sạn khi ở Bangkok, tuy nhiên có 3 khu mà bạn nên thuê nhất là: gần Khao San, China Town và chợ Pratunam.

Khao San road, "phố Tây" nổi tiếng nhất ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Trần Việt Anh

Khao San

Khu cho dân du lịch bụi hay còn gọi là khu phố Tây. Ở đây giống Bùi Viện của Sài Gòn và Tạ Hiện của Hà Nội, nhưng có phần vui hơn vì hàng quán buổi tối được bày tràn ra lòng phố, nhạc ở quán bia mở vui nhộn tới tận sáng. Bạn sẽ được gặp cả "thế giới" dù chỉ ở Khao San. Khu vực này cũng gần Cung điện Hoàng gia và các ngôi chùa nổi tiếng khu trung tâm. Ở đây có những hostel giá rẻ chỉ 180 baht/đêm, phòng có sự riêng tư chất lượng và đặc biệt là nhiều quán ăn ngon, rẻ.

Pratunam

Khu vực này dành cho người thích mua sắm. Pratunam là khu chợ bán buôn, nằm ngay sát các trung tâm thương mại lớn như Center World, Siam Paragon, Siam Center, BigC… thiên đường mua sắm, đồ thời trang giảm giá. Ở khu Pratunam giường ngủ phòng tập thể trong hostel giá cao hơn Khao San, giá từ 250 baht/đêm, nhưng phòng ốc chất lượng tốt. Ở đây đi taxi qua Cung điện Hoàng gia chỉ khoảng 50 - 75 baht, đi xe máy mất khoảng 10 phút.
Xem thêm: 8 trung tâm mua sắm tại Bangkok - Thái Lan

China Town

China Town là nơi khách Trung Quốc và Việt Nam ở nhiều nhất. Về đêm đây là một khu phố nhộn nhịp hàng quán bán đồ ăn, những món ăn Trung Quốc rất ngon và lạ vị. Ban ngày ở khu này bạn có thể đi thăm các ngôi chùa như Traimit (tượng Phật ngồi bằng vàng từ thời Sukhothai - một trong 3 quốc bảo của Thái Lan) hay Wat Suthep. Và rẽ sang thăm Cung điện Hoàng gia chỉ mất khoảng 5 phút đi xe máy.

Mẹo: Để có phòng rẻ, các bạn nên đặt trước tối thiểu một tháng. Và nhớ để ý kỹ phần đánh giá của các khách đã ở trước (khi đặt trên các trang web), cũng như xem kỹ hình ảnh của phòng.

Khu China Town người xe tấp nập. Ảnh: Trần Việt Anh

Món ăn nào nên thử ở Bangkok?

Thái Lan có rất nhiều món ăn mà bạn nên thử như: pad Thái ở quán Thip Sa Mai ngon nhất Bangkok, tom yum (gỏi tôm, siêu cay), gỏi miến, som tam (món gỏi đu đủ đặc sản của Thái Lan, cũng rất cay), xôi xoài, thịt nướng, nem nướng, mực nướng, cơm Thái, mì bát... 
Xem thêm: 10 món ngon đường phố hấp dẫn khi đi du lịch Thái Lan

Đi tham quan những điểm nào ở Bangkok?

Cung điện Hoàng Gia (Grand Palace): Nơi có cung điện hoàng gia và ngôi chùa Phật Ngọc linh thiêng nhất Thái Lan. Giá vé 500 baht, miễn phí cho người Thái Lan.

Wat Pho: Nằm ngay cạnh Cung điện Hoàng Gia, ngôi chùa lớn nhất Bangkok, nổi tiếng với các bảo tháp cao đẹp và bức tượng Phật nằm nghiêng khảm vàng rất lớn. Giá vé 100 baht. Giờ mở cửa là 8h -17h.

Những ngôi bảo tháp được trang trí tinh xảo ở chùa Wat Pho. Ảnh: Trần Việt Anh

Wat Saket (Golden Mount): Ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi cao, có ngọn tháp khảm vàng, đây cũng là một trong những nơi rất linh thiêng ở Bangkok. Đặc biệt, là một nơi ngắm hoàng hôn không thể lý tưởng hơn. Giá vé thì siêu rẻ 20 baht. Mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn.

Wat Arun: Ngôi đền nằm bên kia sông, đối diện Cung điện Hoàng gia, một trong những biểu tượng du lịch của Bangkok. Ngôi đền cổ được xây từ thời vua Rama I.

Khao San: Phố Tây nhộn nhịp, thích hợp cho các buổi tiệc tùng về đêm và trải nghiệm khám phá ẩm thực đường phố.

Bayoke: Tòa nhà cao nhất Thái Lan, đứng ở đây bạn sẽ quan sát được toàn bộ thủ đô Bangkok vào ban đêm, một cảnh tượng đầy mê hoặc. Tới đây bạn nên kết hợp ăn buffet, mua vé của công ty Đivui sẽ rẻ hơn mua trực tiếp hoặc mua qua đại lý. Giá vé kèm buffet, ngắm cảnh là 350 - 400 baht.

Chợ Pratunam - Center World - Ngôi đền thờ Brahama - Siam Paragon: Những nơi này dành cho tâm hồn say mê mua sắm. Buổi tối dạo chơi ăn món đường phố và mua đồ rất thú vị.

China Town: Đây là địa điểm không thể không tới ở Bangkok, đồ ăn Trung Quốc ở đây rất ngon.

Wat Traimit (Chùa Vàng): ngôi chùa có tượng Phật ngồi bằng vàng nặng 5 tấn, tượng cổ từ thời Sukhothai (thế kỷ 8-12), một trong ba bức tượng Phật được coi là bảo quốc ở Thái Lan, chùa nằm ngay cạnh khu China Town với giá vé 40 baht. Giờ mở cửa là 8h - 17h.

Chợ cuối tuần Chatuchak: Chợ mở bán vào thứ 7 và chủ nhật, có rất nhiều đồ đẹp (quần áo, giày dép, nội thất) đây là đầu mối bán buôn lớn ở Bangkok. Ở đây không mất vé, đừng quên thử món kem dừa.

Chợ cuối tuần Chatuchak. Ảnh: Trần Việt Anh

Wat Suthep và cổng giải trí kì diệu (Giant Wings): Chùa nằm ngay gần Cung điện Hoàng gia, có bức tượng Phật ngồi lớn nhất ở Bangkok. Và trước cổng chùa là biểu tượng xích đu có tên “cổng giải trí kì diệu” - một trong những biểu tượng du lịch Bangkok.

Ngoài ra còn Soi Cowboy nổi tiếng là phố đèn đỏ ở Bangkok với sexy show, ladyboys show, Bảo tàng quốc gia Thái Lan, Night train market (một địa điểm vui chơi cũng bán đồ lưu niệm và đồ ăn uống cho du khách với sự trang trí gây ấn tượng).

Trần Việt Anh (VnExpress)

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

7 đặc sản miền Tây mùa nào cũng có

Không cần phải là mùa nước nổi, những món ngon dân dã hóa đặc sản của miền Tây như bánh xèo, bún cá, lẩu mắm… luôn níu chân du khách bằng hương vị đậm đà khó quên.
Xem thêm: Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Cá lóc nướng trui


Về Bến Tre, Tiền Giang hay An Giang… vào bất kỳ tháng nào, bạn cũng sẽ được người miền Tây hiếu khách mời món ăn dân dã này. Cá lóc vừa bắt dưới ao, rửa sạch, xuyên que tre từ miệng tới đuôi, sau đó cắm xuống đất và ém rơm khô xung quanh để nướng. Người nướng phải ước chừng được lượng rơm vừa đủ để cá chín tới, chín đều. Rơm tàn, cá được cạo lớp vảy bên ngoài bằng một bó rơm khô nhưng mềm mại đủ để không bị tróc da cá. Cá lóc nướng được ăn cùng rau sống, cuốn bánh tráng, sẽ thấy thịt cá chín mềm, vị thơm nồng của các loại rau. Ảnh: Má Lúm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Bánh xèo


Bánh xèo thường được đổ trong chảo lớn và có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm... Nước chấm đóng vai trò quan trọng với vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường... Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm. Bạn có thể ghé bất cứ chợ nào ở các tỉnh miền Tây để ăn bánh xèo với giá 8.000 - 10.000 đồng một cái. Ảnh: Má Lúm.

Bún cá


Đây là món ăn không thể bỏ qua với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng... Không giống bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Nước dùng chính là thành phần tốn nhiều thời gian nhất trong việc chế biến món ăn này. Để nấu nước dùng, người dân thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước trong và có vị ngọt. Ảnh: Khánh Bằng.

Cháo cá lóc rau đắng


Nguyên liệu để chế biến món ăn này chính là cá lóc đồng. Cá lóc to, được làm sạch, ướp gia vị, hấp chín, lọc hết xương, tách thịt cá ra riêng đĩa. Rau đắng đất mọc tự nhiên trong vườn nhà. Cháo được nấu bằng gạo tẻ nở bung hết hạt, ninh thật kỹ. Tô cháo gồm thịt cá lóc, chút nấm rơm, một ít tương, lạc, giá, rắc một ít tiêu, hành, rau thơm thái nhỏ, gừng tươi, ớt, chanh. Đĩa rau đắng xanh tươi, mới ăn thì thấy rất đắng, sau cùng lại thấy vị ngọt nơi cổ họng, làm tô cháo cá lóc dân dã thật khó quên. Ảnh: Lam Linh.

Lẩu mắm

Nồi lẩu mắm được nấu khá cầu kỳ. Nước lẩu được nấu từ mắm sặc, mắm trèn và mắm linh với nước dừa hoặc nước hầm xương heo. Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau đồng mọc hoang như bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ... Rau được rửa sạch, khi ăn chỉ cần nhúng qua nước lẩu hơi tái, sẽ cảm nhận vị giòn giòn, thấm đượm mùi mắm mà không mất đi vị tươi mát. Món lẩu mắm Cần Thơ là đặc sản trứ danh bạn nên thử khi về xứ này, ghé các quán ăn ở khu vực Bãi Cát, chợ Mới, đường Nguyễn Văn Cừ… Ảnh: Thanh Viên.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Bánh tằm bì


Bánh tằm bì gồm những sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo, được cho vào một chiếc đĩa, sau đó cho bì thái sợi, thịt heo xắt mỏng, ít rau thơm, dưa leo, giá sống, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho khách. Phần bì giòn bùi, thịt heo nướng thơm ngon, nước cốt dừa vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Khi ăn món này, trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng có thể chan thêm ít nước mắm ngọt. Ảnh: Khánh Hòa.

Gà hấp lá trúc


Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang, có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp CampuchiaTịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Gà sau khi làm sạch, ướp với gia vị thì “nhồi bụng” bằng nấm mèo, hành lá, bún… và hấp cùng lớp lá trúc. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Ảnh: Vĩnh Hy.

Má Lúm (VnExpress)

Những quán ăn vặt hút khách ở Đà Nẵng

Bánh tráng nướng, da heo trộn hay ram bắp là những món ăn vặt rất thú vị cho một buổi chiều lang thang ở Đà Nẵng.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn Huế - Đà Nẵng - Hội An

Du khách có thể thưởng thức những món ăn vặt với giá 15.000 - 40.000 đồng.

Bánh tráng hẻm Lê Đình Dương

Nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc phố Lê Đình Dương, gần khu vực Cầu Rồng, quán ăn nhỏ nhưng từ lâu đã thu hút khách bản địa ở Đà Nẵng. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều món ăn vặt ở đây sau khi khám phá thành phố biển như bánh tráng trứng, bánh kẹp, bánh pate.... Món được nhiều thực khách lựa chọn hơn cả là bánh tráng nướng giống kiểu Đà Lạt 
.
Những chiếc bánh tráng nướng giòn rụm là món quà vặt thú vị khi lang thang Đà Nẵng. Ảnh: yeudanang

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn rụm, nhân gồm lạp xưởng, trứng, mỡ hành... đầy đặn, béo mà ăn không cảm giác bị ngấy. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Da heo trộn, bánh bột lọc Lý Thái Tổ

Quán sạch sẽ, thoáng mát nằm trên đường Lý Thái Tổ, là thiên đường ăn vặt cho giới trẻ ở Đà Nẵng. Nhiều thực khách đến đây rất thích thú với món da heo trộn.

Những miếng da heo được luộc chín rồi xắt thành sợi mỏng, trộn cùng với các loại rau thơm, cà rốt hay đu đủ nạo sợi, chút hành khô phi thơm và nước chấm được pha chua ngọt. Điểm xuyết lên trên đĩa da heo trộn là lạc rang được giã dập, bùi bùi.

Da heo trộn là món ăn đường phố hấp dẫn thực khách. Ảnh: bepgiadinh

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận độ dai sần sật của bì, độ giòn của đu đủ hay cà rốt thái sợi, thoảng vị hành phi lẫn trong thứ nước trộn hấp dẫn. Ngoài ra ở đây cũng có món bánh bột lọc tôm khá ngon. Giá các món từ 15.000 đến 30.000 đồng một đĩa.

Ram bắp Phan Tứ

Quán bình dân nhưng không gian lịch sự, thoáng mát, chuyên phục vụ các đặc sản xứ Quảng, nằm trên đường Phan Tứ. Đến đây bạn nhất định phải thử món ram bắp thơm ngon.

Cách chế biến món ăn này rất đơn giản, bắp non được nạo ra, thêm chút trứng gà và thịt bằm rồi cuốn vào chiếc bánh tráng, rán vàng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị giòn tan của bánh tráng cuốn cùng rau sống, rất thích hợp cho ăn bữa nhẹ vào buổi chiều.

Ram bắp là món ăn vặt phù hợp cho bữa ăn nhẹ buổi chiều. Ảnh: cadn

Vừa ngồi thưởng thức các món ăn vặt nơi đây, bạn vừa được cảm nhận những làn gió biển mát rượi thổi vào. Ngoài ra du khách có thể thử các món ăn khác như ram cuốn cải, bún thịt nướng, nem lụi... giá từ 20.000 đến 40.000 đồng mỗi suất.

Bánh tráng kẹp Núi Thành

Nằm ở đường Núi Thành, quận Hải Châu, quán ăn này có đủ các loại bánh tráng, nhưng nhiều thực khách mê mẩn nhất là bánh ướt trứng, bánh ướt pate hay bánh tráng kẹp...

Bánh tráng kẹp giòn rụm. Ảnh: Út Faifoo

Những chiếc bánh tráng được phết lên một lớp trứng cút, hành khô phi thơm, hành lá nướng trên than hồng đến khi giòn tan, tỏa mùi thơm phức cuốn hút bất cứ thực khách nào ghé qua. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Anh Phương (VnExpress)

Bài đăng phổ biến