Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đến thăm quê hương hoa anh đào

Xuất hiện ở Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng rộng rãi khắp đất nước trước thời tiền sử, hoa anh đào đã trở thành dấu ấn văn hóa đặc sắc của xứ sở mặt trời mọc và các lễ hội ngắm hoa Hanami hàng năm thu hút đến gần 5 triệu lượt du khách tham gia đã chứng minh sức hấp dẫn của loài hoa này.


Nhiều người tin rằng hoa anh đào có nguồn gốc từ nơi nào đó thuộc dãy Himalayas. Các học giả suy đoán loại cây này đã du nhập vào Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng phổ biến trên toàn nước Nhật trước thời tiền sử. Trải qua nhiều thế kỷ lai giống, hiện Nhật đã có hơn 300 loài cây hoa anh đào khác nhau.


Theo bản ghi sớm nhất được tìm thấy thì lễ hội ngắm hoa anh đào hay còn gọi là Hanami trở thành phổ biến trong suốt thời kỳ Heian (năm 794 – 1185) khi mà các hoàng đế và thành viên hoàng gia bắt đầu tổ chức các bữa yến tiệc dưới những gốc cây anh đào. Những buổi tiệc hoàng gia này đã mở đường cho hàng loạt các bữa tiệc ngắm hoa được tổ chức rộng rãi sau đó của mọi thành viên, tầng lớp trong xã hội Nhật Bản. Nhiều thế kỷ sau, các cây hoa anh đào vẫn được coi là biểu tượng văn hóa linh thiêng của quốc gia và truyền thống Hanami vẫn được duy trì gần như nguyên dạng.


Từ tháng 3 đến tháng 4, thậm chí đến đầu tháng 5 hằng năm, dường như hoa anh đào ngự trị cả không gian thơ mộng của đất nước Nhật Bản. Hai tuần lễ vàng là thời điểm hoa anh đào nở rộ đẹp nhất ở bất kỳ thành phố nào, từ Tokyo đến Osaka hay Kyoto...


Ngày khai hội Hanami sẽ chỉ được thông báo khi những cây anh đào biểu tượng ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa. Thời điểm diễn ra lễ hội Hanami cũng là khi người dân Nhật Bản tạm gác lại công việc để hòa mình vào những bữa tiệc ngoài trời, uống rượu sake, ăn bánh sakura, ca hát, giao lưu, trò chuyện cả ngày lẫn đêm và không quên chụp ảnh dưới những tán hoa anh đào nở rộ. Người Nhật còn truyền tai nhau rằng, nếu cánh hoa rơi vào chén rượu sake của ai đó, người đó có thể gặp may mắn cả năm.


Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản mà hoa Anh đào nở rộ bên bờ tả ngạn sông Potomac, quanh hồ Tidal Basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ của thành phố Washington DC của Mỹ; gần tháp Eiffel, Pháp hay tại sân vận động Olympic Munich, Đức; Công viên Côn Minh (Trung Quốc)…và khắp mọi miền của đất nước Hàn Quốc, cũng trở thành sự kiện hấp dẫn nhiều du khách kéo về chiêm ngưỡng và lưu lại khoảng khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.
(Theo DanTri)

'Con đường cà phê' ngắm biển thú vị ở Hàn Quốc

Nếu muốn trải nghiệm du lịch biển Hàn Quốc không chỉ đơn thuần tắm biển và ăn hải sản, hãy đến Anmok để tận hưởng trải nghiệm cà phê ngắm biển độc đáo.
Xem thêm: Du lịch Hàn Quốc với mùa hoa Anh Đào

Gangneung là thành phố trực thuộc khu vực Gangwon ở phía đông bắc Hàn Quốc. Nơi đây được biết đến với hàng loạt bãi tắm lớn nhỏ trải dọc đường ven biển phía đông từ bắc xuống nam như Sokcho, Gyeongpodae, Donghae, Anmok, Jeongdongjin… Về cơ bản, những bãi tắm này đều giống nhau, nước biển xanh và sạch, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng mà lượng khách du lịch có thể nhiều hoặc ít. Nếu muốn tắm biển, bạn có thể lựa chọn bất cứ bãi tắm nào ở Gangneung.


Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm du lịch biển ở Hàn Quốc không chỉ đơn thuần gồm tắm biển và ăn hải sản (hoạt động bạn có thể làm ở bất kỳ bãi biển nào trên thế giới), hãy đến với Anmok để tận hưởng cảm giác cà phê ngắm biển độc đáo.

Khu vực cảng Anmok còn có tên gọi khác là “con đường cà phê Anmok” hay “con đường cà phê Gangneung”. Những năm 1990, xung quanh bãi biển Anmok chỉ có những máy bán cà phê tự động, nhưng từ khi đó, người Hàn đã bắt đầu mua cà phê từ những thiết bị này để vừa đứng nhâm nhi, vừa nhìn ra đại dương mênh mông.

Những năm gần đây, Anmok bắt đầu đình đám vượt trội vì có vô số quán cà phê hội tụ, ngồi cà phê ngắm biển ở “con đường cà phê” cũng được liệt kê vào danh sách những việc “nên làm - cần làm - phải làm” khi đến Gangneung. Dù đi du lịch theo nhóm hay lang thang một mình, đã đến Gangneung, người ta nhất định sẽ không bỏ qua hoạt động tưởng như chẳng có gì đặc biệt nhưng lại rất đặc biệt này.

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc phủ sóng khắp Hàn Quốc như Starbucks, Bene, Hollys Coffee, Angel-in-us… người ta dễ dàng tìm được hàng chục tiệm cà phê bánh ngọt khác nhau nằm dọc con đường dẫn ra hai ngọn hải đăng đỏ và trắng ở cảng Anmok. Từ những quán cà phê hiện đại mang phong cách Hàn Quốc điển hình với cửa kính sáng choang, đèn vàng ấm áp như L.Bean, AM, Coffee Cupper…, đến những quán cà phê nhạc sống rộn ràng như Kikrus, hoặc quán cà phê bắt mắt với vẻ ngoài và tên gọi vùng đất Santorini của Hi Lạp, tất cả đều góp phần làm nên một “con đường cà phê” rất riêng của Hàn Quốc.

Các quán cà phê đều có view nhìn ra biển đẹp tuyệt vời.

Thông thường, những quán cà phê này đều có từ hai tầng trở lên. Để thuận lợi cho mục đích ngắm biển, tầng 2 và tầng 3 (đặc biệt là khu vực ban công hoặc khu vực sát cửa kính) luôn kín chỗ so với tầng 1. Sự kết hợp hài hòa giữa biển xanh cát trắng, tiếng sóng rì rào, cà phê đắng và bánh ngọt sẽ tạo nên bữa tiệc thỏa mãn giác quan cho những khách du lịch muốn bỏ quên cuộc sống bận rộn, lười biếng thả trôi bản thân cùng thiên nhiên.

Một số hướng dẫn về trải nghiệm cà phê ngắm biển ở Gangneung:

Đi lại: Từ bến xe khách Seoul (Central City hoặc East Seoul) ngồi xe hơn 2 tiếng rưỡi tới Gangneung. Từ bến xe khách Gangneung, tìm xe bus số 202-1, 302, 303-1, 503, xuống ở bến Anmok (thời gian di chuyển từ 30 đến 40 phút).

Thời gian hoạt động: Các cửa tiệm cà phê ở Anmok thường mở cửa vào khoảng 8 - 9h30 sáng và đóng cửa vào 1 - 2h đêm. Khoảng thời gian vắng khách nhất thường là sáng sớm, đông khách nhất là trưa và chiều, sau các bữa ăn.


Menu và giá cả: Tập hợp đầy đủ các loại đồ uống quen thuộc như các loại cà phê, nước ép hoa quả, trà sữa… Bánh ngọt ở đây cũng khá đa dạng với strawberry, cherry cake, tiramisu, choux cream, green grape tart, blueberry tart… Giá cả chung cho cả đồ uống và bánh ngọt là từ 4.000 won trở lên (1.000 won tương đương 20.000 VND).

Do ôtô được phép đỗ ở ven biển nên nếu có thể, hãy nhanh chân chọn chỗ ở khu vực tầng 2 và tầng 3, nếu không trải nghiệm cà phê ngắm biển của bạn sẽ bị đổi thành cà phê ngắm… ôtô.

So với các quán cà phê bình thường thuộc con đường dọc ven biển, Hollys Coffee nằm ở vị trí đặc biệt hơn hẳn (mỏm đất nhô ra biển), nên du khách có thể cân nhắc lựa chọn quán cà phê này để có tầm nhìn khác lạ hơn.

HanaZ (theo NgoiSao)

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội

Hội An giữ chân khách không chỉ bởi vẻ đẹp trầm mặc của phố cổ mà còn vì những món ăn chỉ ở đây mới ngon.

Hội An nhỏ bé, xinh xắn và gợi cảm. Cuộc sống chậm rãi tưởng như hững hờ nhưng chứa đựng dòng chảy bền bỉ thuần khiết bên trong khiến ai đã đến Hội An không thể nào không lưu luyến khi rời đi.

Mọi người thường nói, Hội An đi một vòng là hết. Nhưng nếu bạn chậm rãi hơn thì sẽ thấy nhiều điều để ngắm nghía và suy ngẫm về thành phố này. Không chỉ những ngôi nhà cổ, màu sắc chợ đêm phố cổ, những cửa hàng quần áo, giày dép may lấy ngay trong ngày mà Hội An còn khiến khách du lịch say mê bởi những món ăn không đâu ngon như ở thành phố này.
Xem thêm: 15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

1. Cơm gà

Nổi tiếng nhất Hội An chắc phải nói tới cơm gà. Gạo để nấu cơm phải là gạo ngon, mềm và dẻo ngâm cùng nghệ để khi nấu hạt gạo có màu vàng óng, còn gà nhất định phải là gà thả vườn đẻ qua một đến hai lứa, thơm và chắc thịt.

Gà sau khi luộc chín, vớt ra để nguội rồi lọc xương ninh tiếp để nước dùng ngọt đậm. Thịt gà xé vừa miếng bóp hành tây, muối tiêu và rau răm rồi để riêng ra. Đổ nước luộc gà đã ninh kỹ vào gạo và thả thêm vài miếng mỡ gà để cơm chín vừa tơi mềm, óng mỡ căng tròn hạt và thơm phưng phức mùi gà.

Một đĩa cơm gà thường có giá bán khoảng 35.000 đồng, tùy theo sở thích mà khách hàng tự cho tương ớt Hội An trộn vào cùng cơm

Khi dọn cơm gà cho khách ăn, người bán xúc cơm ra đĩa rồi cho gà xé lên trên, tiếp nữa là đu đủ nạo sợi muối chua dịu, rau thơm Trà Quế, và nước tương. Người dùng còn được khuyến mại thêm một chén súp nước canh gà để ăn kèm cho đỡ khô. Nếu muốn ăn thêm thịt gà, bạn có thể gọi riêng một đĩa gà trộn, nhiều quán đặt luôn miếng xương đùi vẫn còn dính một phần thịt gà vào đĩa gà trộn, khiến khách mới chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thòm thèm.

2. Cao lầu

Theo nhiều người kể lại, món Cao lầu có mặt ở Hội An từ lâu lắm rồi, khi cảng Hội An mở cửa cho thuyền thương nhân Nhật BảnTrung Quốc ghé vào buôn bán, thông thương từ những năm thế kỷ thứ 17. Chính vì thế mà món cao lầu có gì đó gợi nhớ đến mì Udon của người Nhật và hương vị hơi giống ẩm thực của mảnh đất Trung Hoa, nhưng vẫn rất đặc trưng của vùng đất phố Hội.
Cao lầu Hội An bán ở rất nhiều nơi, từ các gánh lề đường đến nhà hàng sang trọng, nhưng ngon nhất phải kể tới quán Cao lầu trên đường Trần Phú đã có trên 100 năm tuổi

Cao lầu thực chất là sợi phở khô màu vàng nhạt, luộc lên giống sợi mỳ, ăn dai dai, sần sật. Khi ăn, người ta trụng giá sống rồi xếp vào tô, sau đó mới cho mỳ lên, thêm vài miếng thịt xá xít thái lát mỏng, vài miếng da heo hoặc tóp mỡ chiên giòn, bánh tráng, nước tương, rau thơm Trà Quế và ớt xanh cho người thích ăn cay.

Lý giải tại sao không nơi nào có món Cao lầu ngon như Hội An, người ta cho rằng vì các quán bán Cao lầu tại đây thường dành tầng trên cao cho khách ngồi ăn. Vừa thưởng thức vị thơm, giòn, ngọt, cay của bát Cao lầu, vừa ngắm sắc màu của phố cổ khi lên đèn ở dưới mới ra đúng được kiểu ăn và vị ngon của món.

3. Hoành thánh

Hoành thánh là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã gắn bó thân thiết với đời sống người dân Hội An nên đã trở thành món ăn truyền thống của vùng đất này

Nguyên liệu quan trọng nhất làm nên món hoành thánh ngon chính là mỳ sợi làm từ bột mỳ, trứng cán nhuyễn càng mỏng càng tốt và cắt thành từng miếng vuông nhỏ rồi tùy theo khách ăn tôm, gà hay heo mà xào nhân bỏ nhân vào giữa, dùng tay túm đều 4 góc bóp nhẹ cho miệng khít lại sau đó mới tiếp tục chế biến thành hoành thánh chiên, hoành thánh nước hay hoành thánh mỳ.

Hoành thánh nước là bát hoành thành gồm 5, 7 miếng hoành thánh được trụng nước sôi cho chín rồi đặt vào bát, chan nước dùng ninh từ xương heo, cà chua, hành tây xay nhỏ với dầu ăn, bắp su, dứa chín. Hoành thánh chiên hấp dẫn với đĩa bánh chiên vàng rộm rưới nước sốt cà chua khoai tây lên bề mặt. Còn hoành thánh mỳ thì ăn kèm mỳ, khá giống với với mỳ vằn thắn thông thường. Dù ăn kiểu nào, đây vẫn là món ăn không thể không thử khi đến với Hội An.

4. Chè

Một cốc chè ở đây chỉ có giá 8 nghìn đồng. Nếu bạn mua ở các gánh hàng rong thì chỉ có 6 nghìn một cốc mà chất lượng ngon không kém gì chè bán trong quán

Một trong những món ăn vặt không thể bỏ qua khi đi du lịch Hội An đó chính là các món chè ngon có tiếng ở đây. Chè phố Hội đa dạng về chủng loại nhưng nổi tiếng nhất phải là chè bắp Cẩm Nam, chè thưng Cẩm Châu, chè hạt sen và chè đậu ván.

Mỗi loại có một vị ngon riêng, nếu ở lâu bạn nên thử hết các loại chè để cảm nhận từng nét đặc trưng riêng của món ăn bình dị, dân dã nhưng không kém phần quyến rũ này. Đặc biệt khi lang thang ngắm nhìn và mua sắm ở phố cổ vào buổi tối đã mỏi chân, bạn có thể dừng nghỉ tại rất nhiều quán chè ven sông Hoài để nhấm nháp vị ngọt ngào của đất phố Hội.

5. Bánh đập hến xào

Nhắc đến món bánh đập hến xào Hội An chắc hẳn ai đã từng đến vùng đất này đều nhớ. Đây là món ăn kết hợp giữa cái mềm mại của bánh ướt, cái giòn tan của bánh tráng và mùi ngọt ngon hấp dẫn của hến xào ở Cồn Hến được bán rất nhiều ở các gánh hàng rong trong phố.
Buổi chiều nhập nhoạng tối trời, ngồi ăn bánh đập của các bà hàng rong dưới chân cầu sẽ để lại những dư âm về Hội An không thể nào quên trong lòng mỗi du khách.

Hến xúc ở Cồn Hến là điều tạo nên sự khác lạ cho món ăn này. Hến nhỏ đều con, được xào qua để vừa chín tới vẫn giữ độ ngọt của hến, sau đó cho thêm chút xíu gia vị, đậu phộng rang, hành phi, sa tế, rau răm thái nhỏ rồi trút món hến xào ra đĩa, dọn thêm vào chiếc bánh đập để du khách thưởng thức. Khi ăn, khách xúc một chút hến cho vào bánh, rưới thêm nước chấm, ớt chưng, nước tương rồi cắn từng miếng nhỏ để cảm nhận vị ngon không ở đâu có của món ăn rất Hội An này.

Tham khảo tour du lịch Hội An của Vietravel tại website travel.com.vn
 
(Theo Công luận)

Bài đăng phổ biến