Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

5 cù lao dọc miền Trung cho chuyến du xuân Bính Thân

Cù Lao Chàm, Cù Lao Thu, Cù Lao Câu... đều là những nơi có phong cảnh hữu tình, hoang sơ và nhiều món ăn đặc trưng hấp dẫn, thích hợp để bạn bè hoặc gia đình du ngoạn dịp đầu năm.Xem thêm: Du xuân ở khắp mọi miền đất nước
Dưới đây là gợi ý về 5 cù lao miền Trung có thiên nhiên hoang sơ, dân địa phương thân thiện và thời tiết đẹp để du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ Tết tới đây.

Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Trước khi lên tàu tới Cù Lao Chàm du khách được hướng dẫn viên dặn trước là không sử dụng hoặc đem túi nilon theo để bảo vệ môi trường trong sạch nơi đây. Ảnh: Hương Chi

Cách cảng Cửa Đại (Hội An) khoảng 15 km, Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo nhỏ mang vẻ đẹp hoang sơ, thu hút du khách bởi sự phát triển du lịch xanh và cuộc sống bình dị của những người dân chài. Từ biển Cửa Đại có hai loại phương tiện để ra đảo, nếu đi tàu gỗ sẽ mất khoảng một tiếng còn nếu chọn tàu cao tốc thì khoảng 20 phút. Nhà nghỉ ở đây chủ yếu dạng homestay, tập trung tại Bãi Làng, Bãi Hương. Điều đặc biệt là người dân và du khách ở Cù Lao Chàm không sử dụng túi nilon mà mang theo làn, giỏ xách hoặc người bán gói đồ trong lá, giấy báo. Chính vì thế Cù Lao Chàm được xem là hòn đảo thân thiện.

Bạn nên ra đảo vào sáng sớm để đi chợ, đặt người dân chế biến các món hải sản, sau đó đi dạo và tận hưởng không khí tuyệt vời của vùng biển hoang sơ. Các bãi Ông, bãi Hương, bãi Chồng... ngập tràn nắng vàng, nước trong vắt, thích hợp cho việc bơi, tắm nắng. Nếu muốn lặn biển ngắm san hô hay đi thuyền dạo quanh đảo, hãy hỏi dịch vụ của người dân và sẽ được tư vấn vùng nước đẹp nhất.

Cù Lao Xanh, Bình Định

Con đường dẫn đến hải đăng. Ảnh: Tiến Hùng

Cù Lao Xanh (còn gọi là đảo Vân Phi), thuộc xã đảo Nhơn Châu là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách thành phố Quy Nhơn 24 km, có diện tích khoảng 364 ha, là điểm đến mới cho những người mê khám phá biển đảo.

Điểm khởi hành đi Cù Lao Xanh là bến tàu Hàm Tử. Cảnh vật trên đảo còn khá hoang sơ, có hải đăng cổ mang kiến trúc gothic, là điểm ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển và cuộc sống dân chài nơi đây. Những dịch vụ lưu trú ở đảo chưa thực sự phát triển, chỉ có các nhà trọ, bạn có thể hỏi người dân ở homestay và đặt bữa ăn, hòa mình vào cuộc sống của ngư dân đi đánh cá. Đặc biệt, khoảng 3h sáng, người dân đảo thường chong đèn trên ghe để vớt mực nhảy, bạn nên thử trải nghiệm này.

Cù Lao Mái Nhà, Phú Yên

Bãi cát trắng trên Cù Lao Mái Nhà. Ảnh: Lộc Phan

Cù Lao Mái Nhà là một hòn đảo nhỏ, thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 27 km về hướng bắc. Xung quanh đảo được bao bọc bởi những dãy núi cao trập trùng, cây cối xanh rì, bãi biển cát trắng mịn màng, hoang sơ, nước biển trong đến nỗi có thể nhìn thấy từng rạn san hô bên dưới. Đảo chưa phát triển nhiều dịch vụ du lịch, nếu đi theo nhóm bạn có thể mang lều theo, cắm trại gần bờ biển, mua hải sản của ngư dân, và sáng hôm sau ngắm bình minh trên biển tuyệt đẹp.

Cù Lao Câu, Bình Thuận

Khung cảnh biển tuyệt đẹp ở Cù Lao Câu. Ảnh: Nguyễn Đình Thành

Cù Lao Câu là hòn đảo nổi giữa biển, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km về hướng đông bắc. Từ đất liền đi ra Cù Lao Câu các bạn có thể xuất phát từ nhiều điểm: cảng cá Phước Thể, thị trấn Liên Hương, thị trấn Cà Ná, xã Vĩnh Tân… bằng tàu gỗ hoặc cano. Trên Cù Lao Câu ngoài những bãi biển hoang sơ thì có Hang Yến, Hang Ba Hòn, đền thờ Thần Nam Hải… là những điểm tham quan. Các đặc sản nên thử là ốc vú nàng, cua mặt trăng…

Cù Lao Thu, Bình Thuận

Ghềnh đá tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Còn được biết đến với cái tên đảo Phú Quý, Cù Lao Thu là điểm đến hấp dẫn du khách của tỉnh Bình Thuận, thích hợp với một chuyến đi 3 ngày 2 đêm chơi Tết. Từ Phan Thiết, tàu khởi hành đi Phú Quý chạy hàng ngày, xuất phát 8h sáng và 11h trưa nhưng lịch trình có thể thay đổi theo thời tiết. Lên đảo, bạn có thể thuê xe máy của người dân với giá khoảng 100.000 đồng/ ngày để đi tham quan quanh đảo: chợ cá Long Hải, làng chài Ngũ Phong, Tam Thanh; ngắm bình minh tại mũi Doi Thầy, hòn Trang, gành Đá Đen; ngắm hoàng hôn từ hải đăng trên núi Cấm; ghé thăm Vạn An Thạnh nơi lưu giữ bộ xương cá voi khổng lồ. Đặc sản trên đảo có rau câu chân vịt, cua huỳnh đế, hải sâm, cá mú đỏ…

Má Lúm (VnExpress)

Báo Anh so sánh du lịch ở Hà Nội và TP HCM

Trang du lịch Roughguides nhận xét cả Hà Nội và TP HCM đều là "thiên đường ẩm thực" nhưng hương vị cà phê và cuộc sống về đêm mỗi nơi lại mang nét riêng.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

Dưới đây là một số điểm khác biệt cũng như tương đồng giữa hai thành phố lớn của Việt Nam.

Văn hóa

Hà Nội và TP HCM đều có những công trình như bảo tàng, đền chùa và kiến trúc thuộc địa ấn tượng. Cả hai cùng có nhà thờ là di tích Pháp cổ và những điểm diễn múa rối nước truyền thống.

TP HCM có nhiều công viên chủ đề hơn, vì thế nếu bạn thích các trò chơi như đu quay, tàu lượn... hãy đến phương Nam. Nếu thích xem triển lãm, Hà Nội là lựa chọn tốt hơn với nhiều địa chỉ hấp dẫn trưng bày các tác phẩm mỹ thuật và nghệ thuật đương đại.

Người dân thủ đô có đôi chút khó gần và người TP HCM lại cởi mở hơn. TP HCM cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây nhiều hơn Hà Nội, đặc biệt là Hoa KỳPháp. Những xu hướng mới nhất của giới trẻ, sự bùng nổ trong kinh doanh và công nghệ cũng hội tụ ở thành phố này. 

Nhà thờ Đức Bà ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Roughguides

Cuộc sống về đêm

Theo quy định, hầu hết các hàng quán đều đóng cửa sau nửa đêm vì vậy khách quốc tế có thể thấy một số chỗ đóng cửa sớm hơn lệ thường.

TP HCM có thể "thức khuya" hơn so với Hà Nội mặc dù ở thủ đô cũng có rất nhiều quán bar phục vụ du khách đi tiệc muộn. Những con đường hẹp trên khu phố cổ Hà Nội khi đêm xuống thực sự sống động với hàng nghìn người dân và du khách cùng tìm chốn vui chơi, ăn uống. Các hàng quán đồ ăn vặt, thịt nướng, chân gà... la liệt hè phố.

Nhiều quán bar ở TP HCM biểu diễn nhạc sống cuối tuần và phục vụ những ly cocktail hấp dẫn. Nếu bạn tìm kiếm một tối vui chơi, một câu lạc bộ đêm có điều hòa nhiệt độ, nơi có thể tiệc tùng vài tiếng đồng hồ thì TP HCM là lựa chọn tốt nhất.

Ẩm thực

Du khách có thể tìm được các hàng ăn ngon, rẻ ở Hà Nội và TP HCM. Đặc biệt, ẩm thực đường phố đa dạng và xuất hiện khắp nơi khiến du khách "không thể cưỡng được" dù ở đâu đi nữa. Hà Nội nổi tiếng với phở, một trong các món ăn truyền thống của Việt Nam mà bạn có thể tìm thấy quán ăn ở bất kỳ con phố nào.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Ẩm thực đường phố ở TP HCM cũng nhiều không kém ở Hà Nội nhưng khẩu vị có phần ngọt hơn. Cả hai nơi đều là "thiên đường ẩm thực" và có rất nhiều món ngon chờ bạn khám phá hơn là bánh mì và phở.

Văn hóa cà phê ảnh hưởng từ người Pháp đều có ở hai thành phố lớn. Cà phê ở TP HCM ngọt hơn nhưng không đậm đà. Mặc dù hai nơi cùng có nhiều món đồ ăn uống ngon hấp dẫn du khách quốc tế, TP HCM vẫn nhỉnh hơn Hà Nội về sự phóng khoáng và chất lượng khi chọn lựa. 

Bánh xèo - một trong những món đặc sản của Việt Nam bạn có thể tìm thấy cả ở Hà Nội và TP HCM. Ảnh: Roughguides

Mua sắm

Hà Nội là lựa chọn lý tưởng để mua đồ thủ công mỹ nghệ và các món hàng làm từ lụa. Những người thợ thủ công chuyên về chạm khắc gỗ, thêu thùa và làm hàng sơn mài, bạn dễ dàng tìm thấy trên các con phố cổ.

TP HCM cho bạn nhiều lựa chọn khi mua đồ lưu niệm, chợ Bến Thành, các cửa hàng đồ hiệu ở con đường sầm uất Đồng Khởi. Thành phố này là miền đất của những siêu thị gồm rất nhiều cửa hàng, nhãn hiệu nổi tiếng...

Thư giãn

Hà Nội phát triển nhanh chóng với những tòa nhà cao tầng đến mức bạn sẽ phải bước ra khỏi khu phố cổ mới có thể tìm được đường chân trời. Cả Hà Nội và TP HCM đều đông đúc với khoảng 8 triệu dân. Những con phố của Hà Nội tắc đường tới mức rất khó di chuyển vào giờ cao điểm và không ngừng ồn ào.

Giao thông ở cả hai thành phố luôn tấp nập với rất nhiều xe máy, ôtô. Những con phố mới rộng hơn của TP HCM hiện nay cũng cho phép mọi người di chuyển dễ hơn. Do đó, đi bộ trong thành phố vẫn chưa có vẻ yên bình.

Hà Nội vào tháng 1 có thời tiết khá lạnh, có khi chỉ khoảng 17 độ C, trong khi TP HCM hiếm khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Vì độ ẩm cao nên bạn sẽ luôn bị ra mồ hôi dù ở thành phố nào đi nữa.

Ở Tp. Hồ Chí Minh, để trốn nắng nóng bạn hãy tới công viên nơi có những cây lớn tỏa bóng xanh mát, hoặc vườn bách thảo...

Hồ Hoàn Kiếm được mệnh danh là "trái tim" của Hà Nội, một địa điểm hấp dẫn đối với tất cả người dân lẫn du khách. Đây là nơi bạn vừa có thể thoát khỏi sự xô bồ trên các con phố vừa được quan sát người già tập thể dục hoặc thư giãn bên những ván cờ...

Hồ Hoàn Kiếm trong khoảnh khắc thanh bình. Ảnh: Roughguides

Du lịch trong ngày

Vịnh Hạ Long đẹp như mơ với những núi đá vôi nổi trên giữa mặt nước phẳng lặng, là một trong các điểm đến thu hút du khách bậc nhất của Việt Nam. Du khách có thể dễ dàng đặt tour từ Hà Nội tới đây.

Địa đạo Củ Chi chỉ cách TP HCM khoảng 2 giờ đi xe, đồng thời là địa điểm du lịch trong ngày lý tưởng. Địa đạo được xây dựng trong chiến tranh, cho phép du khách tham quan các lối đi, hầm hào, bẫy bằng cách trực tiếp chui xuống tận nơi.

 Hương Chi (VnExpress)

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

10 đặc sản nên mua làm quà khi du xuân miền Bắc

Trên hành trình du xuân từ đồng bằng sông Hồng tới vùng núi Tây Bắc đều có những đặc sản vùng miền bạn nên mua làm quà cho người thân, bạn bè.
Dưới đây là những món rất đặc sắc bạn có thể mua làm quà cho người thân dịp Tết cận kề:

Ô mai, bánh cốm Hà Nội

Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Bạn có sự lựa chọn đa dạng các loại ô mai như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, hồng, đào, me… tập trung nhiều ở phố Hàng Đường.

Là đặc sản của Hà Nội, bánh cốm hấp dẫn bởi lớp cốm dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Bạn có thể mua ở phố Hàng Than.
Xem thêm: Lời khuyên khám phá Hà Nội

Bánh đậu xanh Hải Dương

Từ lâu loại bánh này đã trở thành thứ đặc sản mà bất cứ người dân Hải Dương nào cũng phải tự hào. Bánh được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, trộn với một ít mỡ và đường tạo nên hương vị bánh vừa thanh ngọt vừa béo ở đầu lưỡi. Bánh được đóng trong hộp giấy tiện dụng để mua làm quà.

Bạn có thể mua bánh đậu xanh ở thành phố Hải Dương, các cửa hàng trên quốc lộ 5. Ảnh: Ngoisao

Cơm cháy Ninh Bình

Là một trong những đặc sản của vùng đất cố đô, cơm cháy được chế biến theo quy trình kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu. Để cơm được ngon người ta dùng gạo nếp hương, nấu bằng nồi gang trên than củi, để lửa cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên, để chỗ thoáng, lúc gần ăn mới chiên giòn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo.
Xem thêm: Các điểm tham quan du lịch Ninh Bình

Bánh gai Nam Định

Nam Định có khá nhiều nhà trồng lá gai, đó là nguyên liệu chủ yếu làm nên vị ngon đặc trưng của bánh gai. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi. Nổi tiếng nhất là bánh gai bà Thi, được nhiều người mua làm quà mỗi khi ghé thăm nơi đây.

Bánh cáy Thái Bình

Làm bánh cáy ở Thái Bình phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ việc ngâm nếp, nấu xôi gấc, lấy nước gừng, rang thóc thành hạt “nẻ” (vỏ thóc bóc ra), mỡ phần, nạo dừa, ngâm đường 15 ngày. Ngoài ra còn phải chuẩn bị mạch nha, hương hoa bưởi, mứt bí… Đầu tiên, người ta chiên hạt nếp đã rang đến khi giòn và có màu trứng cáy. Sau đó, trộn các nguyên liệu còn lại vào với nhau cho đến khi chúng kết dính với nhau thành một khối như cục bột và cho vào khuôn có sẵn để ép thành bánh cáy thành phẩm.

Bánh cáy khi ăn cắt thành khúc. Ảnh: Ngoisao

Chè Thái Nguyên

Từ lâu, chè Thái Nguyên đã trở thành một thức quà đặc biệt của nhiều du khách khi ghé thăm xứ chè. Sau quy trình hái và chế biến nghiêm ngặt, chè có hương thơm dịu đặc trưng, màu nước xanh trong, vị chát dịu khi mới uống, sau đó là vị ngọt lắng sâu. Các loại chè đa dạng về hương vị, khối lượng để bạn lựa chọn mua làm quà.
Xem thêm: 8 đồi chè đẹp như tranh ở Việt Nam tha hồ chụp ảnh

Chả mực Hạ Long

Điều làm nên hương vị đặc trưng cho chả mực Hạ Long nằm ở kỹ thuật giã tay, thay vì xay máy như nhiều nơi khác. Sau khi được nêm nếm gia vị, những miếng chả tròn đầy được rán trên chảo dầu sôi sục cho chuyển sang màu vàng bắt mắt và tỏa hương thơm nức mũi. Nhờ vậy, chả mực Hạ Long có độ giòn và vị đậm đà rất tự nhiên, thích hợp để ăn kèm xôi trắng hoặc bánh ướt.

Chả mực Hạ Long được nhiều người ưa thích. Ảnh: Nguyên Chi.

Măng khô Hòa Bình

Măng khô được chế biến từ măng tươi bằng cách phơi kiệt và sấy khô hoàn toàn. Nếu gặp được nắng, măng có màu vàng ruộm tự nhiên. Nếu thời tiết không thuận lợi, những người làm măng sẽ treo măng lên gác bếp, khi măng khô sẽ chuyển sang màu vàng. Lúc này người ta mới xé măng ra thành từng miếng nhỏ hơn rồi phơi thêm lần nữa cho khô hẳn. Măng khô có thể kết hợp chế biến nhiều món như hầm xương, miến ngan… thích hợp làm quà tặng cho gia đình.
Xem thêm: Ba Khan - chốn bồng lai ngay gần Hà Nội

Bánh cóc mò Thái Nguyên

Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Bánh cóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là chín, được bán thành chùm ở các chợ trên Thái Nguyên.

Lạp xưởng Điện Biên

Lạp xưởng thường làm trước dịp Tết vài ba tháng, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng thấy ngon. Lòng để làm lạp xưởng là lòng non. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn. Lạp xưởng được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp, là món ăn trong nhiều dịp lễ Tết của người Điện Biên.
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Má Lúm (VnExpress)

Bài đăng phổ biến