Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

TỐ CHẤT CỦA MỘT HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Bạn muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch? Có bao giờ bạn tự hỏi tố chất cần thiết cho một hướng dẫn viên du lịch là gì?
Làm công việc gì cũng vậy, chúng ta cũng cần những tố chất nhất định cho nghề nghiệp. Hơn nữa, hướng dẫn viên du lịch là một công việc đặc thù. Nếu ai đã chọn hướng dẫn là cái nghề, cái nghiệp của mình rồi thì đều thấm thía những nỗi nhọc nhằn, gian truân của người dẫn đường.


TỐ CHẤT CỦA MỘT HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Bạn đã đi du lịch theo tour, đã từng tiếp xúc với nhiều hướng dẫn viên khác nhau. Và, chắc hẳn cũng đã từng thấy yêu mến cũng như “chán” một anh hay một cô hướng dẫn viên nào đó…Điều gì làm lên sự khác biệt giữa một người hướng dẫn viên giỏi và người hướng dẫn viên chưa giỏi?

Bước vào nghề này điều kiện tiên quyết bạn phải có là:

1. Sự yêu thích, lòng say mê

Không chỉ làm hướng dẫn viên đâu, mà trong bất cứ công việc gì bạn làm nếu không có sự yêu thích và lòng say mê thì có thể cho đó là “địa ngục”. Tôi sẽ không phân tích sâu vào vấn đề thế nào là yêu thích, thế nào mà say mê. Thay vào đó, tôi sẽ nói về khía cạnh thực tế khi bạn có ý định dấn thân và nghề này:

Thứ nhất, hướng dẫn viên du lịch là một công việc rất vất vả, có khi còn là nguy hiểm nữa.

Thứ hai, hướng dẫn viên du lịch không phải là công việc có tính chất ổn định và hốt bạc như bạn nghĩ.

Thứ ba, hướng dẫn viên du lịch không phải bạn thích là làm được.

Không phải là dọa các bạn, nhưng thật sự công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, nỗ lực thì mới theo được nghề, và để sống với nó như một cái nghiệp thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

2. Sức khỏe

Sức khỏe được xếp ở hàng thứ hai sau sự yêu thích và say mê nhưng là điều kiện không thể thiếu. Có thể nói điều kiện cần là sự yêu thích và lòng say mê và điều kiện đủ là sức khỏe để có thể trở thành hướng dẫn viên.

3. Kiến thức và kỹ năng

Như bạn biết đấy, hướng dẫn viên là công việc tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với lịch sử, giữa con người với văn hóa. Chính vì vậy kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử là không thể thiếu. Ngoài ra, làm thế nào đem những người bạn nước ngoài đến gần với Việt Nam, hiểu và yêu đất nước ta hơn thì còn phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ của người hướng dẫn (nghe và nói là 2 kĩ năng quan trọng nhất). Đem đến sự hứng thú, vui vẻ cho khách du lịch hay không là nhờ kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tổ chức, kĩ năng quan sát của người hướng dẫn viên.

Đó là những điều kiện tiên quyết để bạn có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Còn trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi thì bạn còn cần

* Nhiều tố chất khác và một trong những tố chất đó là:

4. Lòng yêu nghề, cái tâm cho nghề

Nếu bạn không thể vượt qua những khó khăn ban đầu khi bước vào nghề thì làm sao bạn có thể trở nên chuyên nghiệp? Phải yêu nghề lắm, phải đam mê lắm một người mới gắn bó được với nghề vài năm, rồi duy trì lòng yêu nghề đó tới cả chục năm, và gắn bó chọn đời với nghề.

Giới trẻ giờ thích trải nghiệm những cái mới, thích thay đổi và làm nhiều công việc khác nhau. Có lẽ, hướng dẫn viên chỉ được chọn làm nghề tay trái???

5. Luôn học hỏi và tìm tòi

Kiến thức là vô cùng quan trọng để bạn trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Kiến thức sâu rộng về xã hội, văn hóa giờ đây không chỉ dừng ở địa phương nữa mà mang tính quốc tế, có nghĩa là bạn phải biết được về tình hình xã hội, nền văn hóa đất nước của cả những người khách của mình. Không ngừng nâng cao vốn ngoại ngữ. Đừng dừng lại ở một ngôn ngữ, hãy học tất cả những gì bạn có thể…

Có tới 1001 những điều hướng dẫn viên cần quan tâm học hỏi và trau dồi. Nếu bạn ngại học hỏi, không thích sự thay đổi thì bạn chọn nhầm nghề rồi đó.

Làm hướng dẫn viên mỗi chuyến đi, mỗi nơi đến, mỗi người khách là những điều mới mẻ khác nhau…

6. Xây dựng hình ảnh

– Phong thái : tự tin.
– Tâm thế : nhiệt tình, cởi mở, thân thiện, nồng ấm…
– Tác phong : nhanh nhẹn, hoạt bát…
– Ngoại hình : gọn gang, ưa nhìn…
– Phong cách: mỗi người hướng dẫn viên có một phong cách riêng để du khách có những ấn tượng tốt đẹp.

Bạn không chỉ là hướng dẫn viên mà bạn còn là đại diện cho nước nhà với bạn bè quốc tế khi giới thiệu đến họ thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Thông qua bạn, du khách sẽ có đánh giá riêng của họ…Chính vì vậy bạn phải tạo cho mình hình ảnh chuyên nghiệp theo tiêu chí trên được.

Hãy suy nghĩ kĩ, xây dựng cho mình niềm tin và những tố chất cần thiết khi bước vào bất cứ ngành nghề nào, không chỉ là hướng dẫn viên du lịch ( một công việc thú vị nhưng cũng đầy chông gai).

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Du lịch Việt Nam thưởng thức 10 món ngon không thể cưỡng lại

Du khách quốc tế khi dừng chân tại Việt Nam không chỉ bị mê mệt với danh lam thắng cảnh, con người thân thiện mà còn bởi những món ăn tuyệt ngon khó lòng cưỡng nổi. Sau đây là 10 món ngon của Việt Nam làm du khách quốc tế “say như điếu đổ”.

Du lịch Việt Nam thưởng thức 10 món ngon không thể cưỡng lại

Phở Hà Nội


Món phở được coi là tinh hoa ẩm thực của người dân Thủ đô. Phở ở đây rất ngon và có nhiều vị như phở bò, phở gà cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng như Phở Thìn, Phở Lý Quốc Sư, Phở Bát Đàn…. Không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân mà phở còn là “đặc sản” mà bất cứ khách du lịch nước ngoài nào đến Hà Nội đều muốn thưởng thức ít nhất 1 lần.

Cháo lươn xứ Nghệ


Món cháo lươn đã trở thành “niềm tự hào xứ Nghệ” với cách chế biến cực kỳ đặc biệt và hương vị tuyệt vời “không nơi mô có được”. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm, ngọt, thấm đẫm gia vị.

Cơm hến Huế


Được đánh giá là món ăn “khơi dậy mọi tế bào vị giác” của người thưởng thức, cơm hến trở thành một biểu tượng của ẩm thực xứ Huế. Món đặc sản này được làm từ cơm nguội trộn cùng bạc hà, hến xào, da heo chiên giòn, đậu phộng và ruốc, mang lại vị đậm đà và cay nồng rất đặc trưng.

Cao lầu Hội An


Cao lầu là một món ngon trứ danh của Hội An. Cao lầu không cần nước lèo, nhưng thay vào là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Để làm thịt xíu người ta chọn thịt đùi heo nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương. Còn tép mỡ cũng là một nguyên liệu phụ khác lạ, trước làm bằng da heo chiên giòn, nay thay bằng bột làm sợi cao lầu. Ngoài ra để cho món cao lầu thêm thơm, người chế biến thường thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ.

Bánh căn Phan Thiết


Bánh căn Phan Thiết nổi tiếng bởi thức ăn kèm đa dạng và đậm đà hơn so với địa phương khác. Món ăn nóng hổi dùng kèm cá kho, xíu mại, trứng luộc, tóp mỡ cùng nước sốt cá kho hoặc sốt cà chua. Các loại rau gia vị cũng đa dạng không kém, gồm xoài xanh băm, khế chua, chuối chát, dưa leo, rau húng, xà lách… 

Bánh ướt lòng gà Đà Lạt


Khác với nhiều nơi, bánh ướt ở Đà Lạt ăn với gỏi gà, lòng gà, chính sự khác biệt này đã tạo nên một sự độc đáo của món này nơi xứ ngàn hoa. Bánh ướt bột gạo mềm, lòng gà, thịt gà ta thả vườn giòn dai cùng chén nước chấm chua ngọt, cay cay được pha theo chế theo hương vị đặc biệt của Đà Lạt khiến người ăn phải nghiện.

Cơm tấm Sài Gòn


Cơm tấm là một món ăn sáng rất được ưa chuộng ở Tp. HCM. Cái tên gọi cơm tấm bắt nguồn từ việc loại gạo để nấu thành cơm là tấm, đó là những hạt gạo bị gãy vụn, rớt ra khi sàn gạo. Nhưng ngày nay, món cơm tấm ít dùng hạt tấm mà dùng loại gạo ngon nên chất lượng cơm ngon hơn trước và từ đó cái tên cơm tấm cũng được dùng mà thay vào là “cơm sườn”, “cơm sườn bì chả”. Cơm sườn thường được dùng kèm với rau, cà chua, dưa leo, cải chua và nước mắm chua ngọt hoặc nước tương.

Bánh tằm Ngan Dừa Bạc Liêu


Sở dĩ có cái tên lạ tai này là bởi món bánh tằm trứ danh là sản phẩm của thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Bánh được làm từ bột gạo, se thành sợi nhỏ như con tằm rồi hấp, ăn kèm nhiều thành phần như xíu mại, bì lợn, thịt nạc, đậu phộng rang, dưa chuột, rau sống, tất cả đều thái nhỏ. Sẽ mất ngon nếu bánh tằm xíu mại mà không có nước cốt dừa, cùng với vài muỗng nước mắm chua cay rưới lên trên, khi ăn có hương vị béo ngậy, đậm đà, vui miệng.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ


Bánh tét lá cẩm là đặc sản ở Cần Thơ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh nhà họ Huỳnh, đòn bánh tét đơn giản trở nên bắt mắt hơn với màu tím lá cẩm. Bánh tét lá cẩm là một “bản giao hưởng” vị giác nhẹ nhàng nhưng đậm đà, được “tấu” bởi “nhạc công” là từng thành phần giao thoa hoà hợp với nhau một cách vừa phải. Vị mằn mặn của trứng muối khi hòa quyện với vị deo dẻo của bột nếp tạo thành một hương vị đặc trưng không thể lẫn của bánh tét lá cẩm. Phần nhân này của bánh cũng có phần khác hơn bánh tét thông thường là sử dụng nguyên liệu có tôm khô, thịt ba rọi không lựa thịt nhiều mỡ nên ăn có vị mặn vừa phải, không ngán.

Bún cá Châu Đốc


Bún cá là món ăn nổi tiếng ở An Giang, bún cá Châu Đốc không do người Việt sáng tạo mà du nhập từ nước láng giềng Campuchia. “Linh hồn” của món này nằm ở vị nước lèo được nêm nếm từ mắm cá linh và mắm ruốc. Đây là một trong số món ăn bày bán khá phổ biến ở trung tâm Châu Đốc, bạn có thể dùng vào bữa sáng. Nước lèo có màu vàng nhạt do còn có thêm củ nghệ giã nát. Bắc trên bếp lửa riu riu, cá hoà cùng nước hầm xương tạo nên độ hấp dẫn. Ngày nay, nhiều nơi còn hầm thêm xương ống để nước ngọt hơn và phục vụ kèm thịt heo quay. Trong tô bún có các loại rau ở dưới cùng như bông điên điển, một đặc sản từ những cánh đồng miền Tây.


Tổng hợp

8 điều cần có của nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp

Muốn để khách hàng thành “thượng đế”, người quản lý phải luôn ghi nhớ 8 điều sau đây khi đào tạo nhân viên nhà hàng vì chính họ sẽ là nhân tố tạo ra sự khác biệt cho nhà hàng hay tóm gọn lại đó là thái độ nhân viên phục vụ nhà hàng.


8 điều cần có của nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp

1 – Hiểu về sản phẩm

Việc nắm rõ về về những món ăn/đồ uống mà bạn giới thiệu cho khách hàng là một điều cần thiết. Hãy hướng dẫn thật kĩ càng để nhân viên nắm rõ các món ăn được nấu từ những nguyên liệu gì, vị của nó ra sao và giá trị dinh dưỡng của mỗi món ăn như thế nào. Sự tỉ mỉ và chi tiết trong cách tư vấn sẽ tăng mức độ hiếu kì của khách hàng và giúp họ lựa chọn dễ dàng hơn.

2 – Ân cần, chu đáo

Đừng bao giờ đánh giá thấp khách hàng cho dù họ không sang trọng hay lịch sự. Hãy đối xử với khách hàng bằng một thái độ ân cần như với những người thân. Một nhân viên giỏi là người biết tinh tế quan sát những gì đang xảy ra trong nhà hàng và xử lý mọi chuyện một cách khéo léo nhất. Ví dụ, chủ động rót thêm nước cho khách khi cốc của họ đã hết hay chuẩn bị bàn ăn dành cho trẻ em khi thấy khách có em bé. Mọi chi tiết nhỏ sẽ tạo nên một ấn tượng tốt trong tâm trí thực khách.

3 – Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp không chỉ được thể hiện qua lời nói mà còn qua cử chỉ-ngôn ngữ cơ thể. Đó là cách đưa đồ cho khách bằng hai tay, luôn mỉm cười và nhìn vào mắt họ và hay cúi chào khi ra về đều là những điều tối thiểu phải biết khi làm trong ngành dịch vụ.

4 – Kiên nhẫn

Tìm ra nhu cầu thực sự của khách hàng, những điều ẩn giấu mà họ không thể bộc lộ ra bên ngoài chính là nhiệm vụ của người chủ nhà hàng. Để làm được điều này đòi hỏi một sự kiên nhẫn quan sát và lắng nghe những phản hồi từ khách hàng. Nhà quản trị nên chăm chỉ đọc các phản hồi trên các trang cộng đồng như Facebook, Foodbook để biết được khách hàng đang không hài lòng điều gì về nhà hàng/quán café để có biện pháp cải thiện.

5 – Trung thực

Trung thực và rõ ràng của nhân viên trong các mọi hành vi sẽ giúp bảo vệ hình ảnh của nhà hàng/quán café. Chỉ cần một hành động nhỏ như không trả lại đúng tiền thừa cho khách hay tính thêm món ăn vào hóa đơn sẽ làm cho khách hàng của bạn một đi không trở lại.

6 – Linh hoạt

Có rất nhiều kiểu khách hàng mà bạn không thể lường trước được. Với những người dễ tính, thoải mái, nhân viên không cần mất quá nhiều công sức để phục vụ. Tuy nhiên cũng có những người khó tính, đòi hỏi cao thì nhân viên cần phải để ý hơn từng chi tiết nhỏ để làm hài lòng khách hàng. Sự ứng biến linh hoạt, dễ dàng thích nghi trong môi trường phục vụ, nơi có rất nhiều tình huống phức tạp xảy ra chính là một yếu tố quan trọng bạn cần phải đào tạo nhân viên.

7 – Tự kiểm soát

Là một nhân viên chuyên nghiệp, tuyệt đối không bao giờ được đánh mất bình tĩnh, tự chủ ngay cả khi khách hàng có những phản ứng thô lỗ hay xúc phạm, hãy nhớ “khách hàng luôn đúng” – đó chính là điều mà mọi nhà quản lý cần đào tạo nhân viên.

Phải luôn kiểm soát được hành vi của mình, không nên đáp trả lại bất lịch sự vì xung quanh bạn cũng có rất nhiều khách hàng khác đang chứng kiến. Bình tĩnh, nhanh chóng tìm ra vấn đề và giải quyết để kết thúc những ồn ào không đáng có.

8 – Trách nhiệm

Khách hàng sẽ đánh giá thấp nhà hàng/quán café nếu như không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cho những bất tiện, phiền toái mà họ gặp phải. Với tất cả những gì xảy ra trong nhà hàng/quán cafe, trách nhiệm đều thuộc về tất cả mọi người chứ không riêng gì ai. Dù là nhân viên đảm nhiệm bộ phận nào đi chăng nữa, hãy hướng dẫn họ đề cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn sẵn sàng thay mặt nhà hàng/quán café để đưa ra các hướng giải quyết tình huống ngoài ý muốn.

Bài đăng phổ biến