Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Ba món nóng hổi cho ngày mưa Sài Gòn

Dưới đây là gợi ý những món ngon bạn có thể thưởng thức khi Sài Gòn có mưa.

Ba món nóng hổi cho ngày mưa Sài Gòn

Xem thêm: Báo Anh gợi ý 5 cách độc đáo khám phá Sài Gòn

Bún mọc

Nằm ở ngã tư đường Nguyễn An Ninh và Trương Định, quận 1, quán bún mọc Thanh Mai mở cửa từ đầu năm 1980. Đây là một trong những địa chỉ bán bún mọc hiếm hoi được lòng người Sài Gòn nhờ hương vị thơm ngon.

Bún mọc

Nước lèo được hầm từ xương, viên mọc dai và thoang thoảng hương thơm là điều gây thương nhớ cho thực khách đến quán bún mọc này. Toàn bộ phần mọc đều được chế biến từ giò sống, nấm mèo băm nhỏ và các loại gia vị theo công thức rồi hấp lên. Mỗi tô bún mọc đầy đủ tại quán có hai cỡ lớn và nhỏ, giá lần lượt là 60.000 và 55.000 đồng.

Bún mọc

Quán thường mở cửa từ 5h nên thích hợp cho bữa sáng.

Bánh xèo

Thực khách có thể tìm đến quán bánh xèo miền Tây nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, quận 3. Quán đã có hơn 30 năm thâm niên. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy địa chỉ này nhờ khu bếp đổ bánh có khoảng 10 chiếc chảo lớn nằm ngay trước quán.

Bánh xèo

Điểm cộng ở đây là bánh luôn được đổ trực tiếp nên khi mang ra cho khách lúc nào cũng thơm ngon, nóng giòn. Chiếc bánh được nhiều khách đánh giá có mùi vị ngon, vỏ ngoài không quá dày hoặc quá mỏng.

Khách có thể lựa chọn các loại nhân tuỳ theo sở thích như bánh xèo hải sản, bánh xèo trứng, tôm thịt hoặc bánh xèo thập cẩm. Để không bị ngán, chủ hàng còn cho thêm lá cóc vào đĩa rau sống, đây cũng là điểm nhấn tạo sự khác lạ so với các địa chỉ bánh xèo khác.

Bánh xèo

Mỗi chiếc bánh có giá dao động 30.000 - 50.000 đồng, tuỳ theo loại nhân. Ngoài bánh xèo, quán còn có phục vụ bánh khọt. Món ăn được khách đánh giá có vỏ bánh giòn và thơm mùi nước cốt dừa.

Cháo

Sài Gòn có nhiều quán cháo khác nhau. Ngoài cháo lòng, cháo gà hoặc vịt, thực khách có thể tìm thử cháo mực để đổi vị ở một quán ăn nằm trên mặt tiền đường Phó Đức Chính, quận 1.

Cháo

Quán mở cách đây hơn 20 năm. Vị cháo ngọt đượm nhờ chủ dùng khô mực xé nhỏ nấu chung với xương heo và tôm khô. Trời mưa, thưởng thức một tô cháo nóng hổi sẽ làm bạn thích thú.

Ngoài thực đơn chính là cháo mực, khách có thể gọi thêm bánh canh giò nạc, nui thịt... Người thích ăn thêm có thể gọi chân gà, đùi gà hoặc trứng bắc thảo. Quán mở cửa từ sáng đến tối, có không gian ngồi bên trong nhà nên bạn không sợ bị dính mưa.

Cháo


Tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Du lịch Hội An và những quán ăn nhất định phải biết

Nằm yên bình ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam; phố cổ Hội An như một viên ngọc quý giá lưu giữ toàn bộ lịch sử của đất nước. Thành phố đón chào khách du lịch gần xa không chỉ bởi một vẻ tĩnh lặng huyền bí hay nét dung dị, kiều diễm mà còn bởi những món ăn đậm đà phong vị miền Trung pha lẫn chút hoài niệm vương vấn không nguôi.

Du lịch Hội An và những quán ăn nhất định phải biết

Nếu có dịp đặt chân đến khu di sản trân quý này, đừng quên ghé thăm những quán ăn sau đây để cảm nhận hết cái “thần” trong nghệ thuật ẩm thực Hội An 


Cơm gà Bà Buội (22 Phan Chu Trinh, Minh An, TP. Hội An) 

Cơm gà Bà Buội

Là một trong những quán ăn lâu đời, cơm gà Bà Buội đã có mặt ở Hội An từ những năm 50 của thế kỷ XX. Trước đây, món cơm chỉ được bán rong trong chợ và sau thười gian tích góp cả gia đình đã xây dựng được một tiệc cơm riêng. 
Khác với những nơi khác, tại đây dùng loại gạo tẻ thơm dẻo, được ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà loại thả vườn còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Đĩa cơm được bày ra gọn gàng với gà xé, hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế bên trên. Ngoài ra, còn có thêm một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Món ăn hòa quyện giữ mùi thơm gạp tẻ và thịt gà ccùng vị ngọt đặc trưng không ai có thể chối từ. Lưu ý là quán Bà Buội bán rất đắt, chỉ tầm tới khoảng 19h là hết cơm nên bạn nhớ phải nhanh lên nhé.

Thanh Cao Lầu (26 Thái Phiên, TP. Hội An) 

Thanh Cao Lầu

Ai cũng biết Cao Lầu là món ăn quốc hồn, quốc túy của phố cổ Hội An. Nhưng bạn có biết nơi nào có thể thưởng thức đặc sản này đúng điệu nhất không ? Câu trả lời là Thanh Cao Lầu. Dù chỉ là mộn quán nhỏ bình dân nhưng nơi đay được vô số tín đồ du lịch trong ngoài nước yêu thích. 
Lý do là vì món Cao lầu ở đây mang hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được. Bát cao lầu đầy ắp, sợi cao lầu vàng nhạt, to bản, dai dai, mềm mềm, những miếng thịt lại được thái cẩn thận dày dặn, đậm đà, ngon miệng. Hương vị của đủ loại nguyên liệu quyện vào nhau và tạo nên một tổng thể hài hòa đến khó tả. 

Bánh bao, bánh vạc Hoa Hồng Trắng (533 Hai Bà Trưng, TP. Hội An) 


Bánh bao, bánh vạc Hoa Hồng Trắng

Hai loại bánh có nguyên liệu cách làm khá giống nhau và thường được dùng chung trên một đĩa. Nguyên liệu chính để làm bánh là loại gạo trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn, nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào. Ngoài ra 2 loại nhân còn được ướp với những gia vị bí truyền nên chúng ta chỉ có thể thưởng thức món bánh ngon nhất tại Hội An. 
Thăm phố cổ, đừng quên ghé vào nhà hàng Hoa Hồng Trắng nổi tiếng. Tại đây, bạn không chỉ thưởng thức được bánh bao, bánh vạc hảo hạng mà còn có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh công phu của những đầu bếp lão luyện. 

Bánh đập - Hến xào quán Bà Già (Thôn 1, xã Cẩm Nam, TP. Hội An) 

Bánh đập - Hến xào quán Bà Già

2 món ăn này phải đi chung với nhau thì mới gọi là đúng điệu. Bánh đập là sự kết hợp của bánh tráng nướng và bánh tráng ướt cùng một số nguyên liệu khác. Người ta sẽ ghép bánh ướt và bánh tráng nướng lại, ở giữa quệt đậu xanh say nhuyễn, sau đó, dùng tay đập nhẹ để hai miếng dính lại với nhau. Khi đã đạt độ mỏng hợp lý, bánh sẽ được gấp đôi lại sau đó dọn ra cùng một đĩa hến xào. Món này thường được chấm với nước mắm cái pha đường, hành phi, dứa bằm nhỏ, tỏi và ớt sừng xanh để làm dậy lên mùi thơm hấp dẫn. 

Hoành thánh quán Vạn Lộc (27 Trần Phú, TP. Hội An) 

Hoành thánh quán Vạn Lộc

Hoành thánh, một món ăn của người Hoa nhưng khi lưu truyền tới Hội An đã trở thành một món đặc sản hấp dẫn du khách gần xa qua bao nhiêu năm lịch sử. Điểm đặc biệt là hoành thánh Hội An có nhiều loại: hoành thánh nước, hoành thánh chiên nhưng có thể nói mỗi loại có một vị riêng, đều được điều chế cầu kỳ. Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân bánh được chế biến từ những con tôm đất còn tươi, ướp gia vị và giã nhuyễn nên sẽ có vị mặn mặn ngọt ngọt đặc trưng miền Trung. Nếu hoành thánh hấp mềm ngọt, thấm đẫm hương vị của nước dùng thì hoành thánh chiên lại giòn tan, thơm nức mũi. 

Bánh mì cô Phượng (2B Phan Châu Trinh, TP.Hội An)

Bánh mì cô Phượng

Nhiều du khách phương Tây ví von đây là Món ăn vặt ngon nhất dưới hạ giới. Bánh mì không chỉ là đăc sản của Hội An mà còn của cả Việt Nam. Tại tiệm cô Phượng, món bánh đặc trưng với phần bánh mỏng giòn; Trước khi chế biến bánh sẽ được giữ ấm trong một khoang tủ gỗ bởi nhiệt độ của một chiếc bếp than; ngoài ra nguyên liệu cũng đều được tự chế biến chứ không sử dụng nguyên liệu có sẵn. Ổ bánh mì đầy ụ nhân phần thịt, chả, ba tê, nước sốt đậm đà hảo hạng khó lòng cưỡng lại. 


Nguồn Tổng hợp 

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

10 món ngon khó cưỡng ở Đà Nẵng

Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu, thành phố xanh – sạch – đẹp hấp dẫn du khách bởi nhiều địa điểm du lịch và ẩm thực đặc sắc, ngon khó cưỡng.

10 món ngon khó cưỡng ở Đà Nẵng

Là tâm điểm của ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, Đà Nẵng trở thành nơi du lịch lí tưởng. Dạo quanh một vòng thành phố, tận hưởng không khí của mảnh đất miền Trung sẽ thấy sự khác biệt của một thành phố du lịch thân thiện với môi trường. 

Chương trình “5 không”: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của khiến cho bạn và gia đình sẽ khá yên tâm và thoải mái cảm nhận vẻ đẹp phong cảnh, sự thân thiện, hòa đồng của con người và nhất là những món “đặc sản” nơi đây. Bạn cứ yên tâm là đồ ăn ở Đà Nẵng đúng theo tiêu chí ngon - bổ - rẻ, nhất định không sợ “lỗ”.

1. Mì Quảng

Mì Quảng

Khỏi phải nói thì ai cũng biết mì Quảng là món nổi danh của Đà Thành. Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Mì Quảng ăn khô.

Thực khách trộn đều tất cả nguyên liệu vào một tô, bên cạnh là tô nước lèo được ninh từ xương heo ngon cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu đẹp mắt. Mì Quảng ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí, bắp chuối sắt mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.

Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái.

2. Gỏi cá Nam Ô

Gỏi cá Nam Ô

Ăn rồi là dễ nghiện, nhưng ít người dám thử món này bởi nó làm từ cá sống. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.

Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.

Có hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.

Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.

3. Bún chả cá

Bún chả cá

Thực ra, cứ đến miền Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng mới thật đặc biệt. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…

Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến người ăn có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.

Ngoài món bún chả cá, người Đà Nẵng còn khoái khẩu với món bún cá lát. Thay vì chả cá thì người ta để nguyên cá tươi, cắt khoanh và kho sơ qua với gia vị cho thấm. Các loại cá này thường là cá thu, cá ngừ hoặc cá cam tùy vào mỗi mùa trong năm tại Đà Nẵng.

Có nhiều quán bún chả cá ở đây, nhưng một số nơi bạn nên ghé qua nếu tiện đường: quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán cả ngày từ 7h - 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h - 10h ở đường Trần Cao Vân (đối diện chợ Tam Tòa). Tất cả đều có giá phải chăng vô cùng, chỉ từ 15.000 đồng/tô.

4. Bánh tráng thịt heo

Bánh tráng thịt heo

Không đòi hỏi chế biến cầu kì, mà đơn giản và rất dễ ăn. Thịt heo cuốn bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến hương vị hoàn hảo. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát…

Tuyệt chiêu của món này phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm nêm.

Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… tùy nhà hàng sang trọng hay bình dân với giá khoảng từ 30.000 - 80.000 đồng.

5. Bánh xèo

Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng không nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm tự bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. 

Rau sống sạch sẽ,  gồm xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.

Bánh xèo ăn nóng, quấn trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải to. Từng miếng bánh khi vào trong miệng còn thấy được độ giòn vừa, thêm mùi béo ngậy, vị ngọt của tôm và thịt với man mát các loại rau hòa chút chát chát của chuối xanh. Ăn một lần rồi nhớ mãi. Giá bành xèo cũng “mềm”, chỉ từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng…

6. Bánh bèo

Bánh bèo

Thứ bánh dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị lại có sức quyến rũ lớn đối với cả dân bản địa và du khách tới Đà Nẵng. Chỉ một tên nhưng bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.

Nhân bánh  làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường nhưng lại khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.

Đến Đà Nẵng, ngồi quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh mới thật thú! Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố và nhà hàng, khách sạn. Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.

7. Bê thui Cầu Mống

Bê thui Cầu Mống

“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.

Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Khi dọn ra, được pha thái khéo léo, từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da.

Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…

Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm quả khiến người ta dễ “quên sầu”. Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km.

8. Chè xoa xoa hạt lựu

Chè xoa xoa hạt lựu

Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành. 

Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.

Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly. 

9. Ốc hút

Ốc hút

Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều có cơ hội được thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.

10. Mít trộn

Mít trộn

Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.

Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè là “đúng sách”. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm... tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Các quán thường bán chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa mít.


Nguồn ảnh: Internet
Tổng hợp 

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Thiên đường ẩm thực chay của người Hồi giáo tại Indonesia

Người Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi, vì vậy ăn chay là một phần văn hóa quen thuộc trong đời sống của người dân đất nước này. Cùng khám phá thiên đường ẩm thực chay của người Hồi Giáo tại đây. 

Thiên đường ẩm thực chay của người Hồi giáo tại Indonesia

Trong đạo Hồi không có quan niệm ăn chay ( không thịt) như bên Phật giáo, nhưng có giới luật ngăn cấm những thứ không được ăn theo Thiên kinh Q'ran. Cụ thể là không uống rượu, không ăn thịt thú vật chết, không ăn máu, không ăn thịt heo, không ăn đồ ăn đã được cũng dân cho các thần linh khác...

Bakwan Jagung

Bakwan Jagung

Món ăn này có thành phần chủ yếu từ ngô, giống với món bánh ngô chiên ở Việt Nam. Người Indonesia coi đây là món ăn vặt phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Món ăn chay hấp dẫn này được bán rất nhiều ở đường phố Indonesia. 

Thành phần món ăn này đa dạng hơn món bánh ngô ở Việt Nam, bao gồm ngô, bột mì, bột gạo, cần tây, hành lá, trứng gà, tỏi băm, băm nhỏ, muối và tiêu. Tất cả được trộn đều với bột và chiên đến khi bánh vàng giòn. Người Indonesia dùng món bánh này cùng cơm và sử dụng tương ớt làm gia vị chấm. 

Sayur lodeh

Sayur lodeh

Món ăn này là súp bầu hầm nước cốt dừa. Thành phần chính trong món ăn là bầu, đậu phụ, đậu dài và trứng. Người Indonesia sử dụng món ăn truyền thống này trong tháng ăn chay Ramanda, đặc biệt trong dịp lễ đón năm mới Idul Fitri, hay còn gọi là lễ Lebaran. 

Jogja gudeg

Jogja gudeg

Gudeg là đặc sản của thành phố Yogyakarta. Mít được hầm hàng tiếng liền cùng nước dừa, đường cọ cho tới khi mềm. Món ăn ngọt ngào này được thêm một số gia vị, trong đó có lá tếch để tạo màu nâu hấp dẫn. Gudeg được ăn cùng cơm, trứng luộc, gà và da bò chiên giòn. 

Lontong Cap Gomeh

Lontong Cap Gomeh

Lontong Cap Go Meh hay còn gọi là Lontong Terang Bulan, là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán của người Indonesia. Bánh Lontong gồm có thành phần nước dừa, rau nấu, trứng luộc, thêm thịt gà nếu du khách không thích ăn chay. Người Indonesia làm chiếc bánh hình trụ với ý nghĩa chúc sức khỏe dồi dào, tượng trưng cho tuổi thọ. Trứng và các loại gia vị tượng trưng cho may mắn và nước sốt dừa đại diện cho sự giàu có. 

Mie Tek Tek

Mie Tek Tek

Mì Mie Tek Tek rất nổi tiếng tại Jakarta. Món ăn được làm rất đơn giản, là mì xào cùng trứng và rau. Mie Tek Tek được bán trên các xe đẩy, tên gọi của món ăn đường phố này bắt nguồn từ tiếng rao bán hàng phát ra từ âm thanh "tek tek" của 2 que gỗ mà người bán hàng sử dụng.

Gado gado

Gado gado

Gado Gado là một hỗn hợp các loại rau xào chung với nước sốt đậu tương. Món salad truyền thống của người Indonesia có vị thanh đạm, giàu protein và thích hợp cho những du khách ăn chay.

Nguồn ảnh: Internet 
Tổng hợp 

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Món ngon Hà Tĩnh, ăn rồi khó quên

Hà Tĩnh không phải là nơi có quá nhiều danh lam thắng cảnh mê mẩn lòng người, nhưng lại sở hữu những món ăn cực kỳ hấp dẫn. Du khách khi đến đây đều cố gắng thưởng thức cho bằng hết những sản vật địa phương này. 

Món ngon Hà Tĩnh, ăn rồi khó quên

Cu đơ

Cu đơ

Thứ đặc sản nức tiếng Hà Tĩnh không thể không nhắc đến đó là Cu Đơ. Đây là một loại bánh có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài có vẻ sần sùi nhưng bên trong nó chứa đựng bao vị ngon ngọt, tinh túy thuần khiết nhất của con người Hà Tĩnh.

Bánh có vị thơm thơm béo ngậy của mật mía, vị cay gây gây thơm nồng của gừng và đặc biệt là sự giòn tan của lạc và bánh tráng trứng. Lạc được tuyển chọn từ lạc núi nên to tròn, mọng và béo. Cầm miếng bánh nặng tay, cắn miếng bánh vừa dẻo dai vừa thơm nồng, béo ngậy và nhâm nhi thêm một ly trà đắng thì còn gì tuyệt hơn khi đến Hà Tĩnh.

Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh Bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo là món ăn dân dã mà bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể mua được nhưng ở mỗi vùng đất bánh lại mang hương vị và bản sắc riêng của nơi đó. Bánh bèo Hà Tĩnh cũng thế, nó mang một hương sắc riêng mà khi ăn vào bạn không thể nhầm lẫn với bánh nơi khác được. 

Bánh bèo được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm. Khi ăn cho thêm một ít tương ớt, tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt của chanh đường rất hấp dẫn.

Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.

Ram bánh mướt

Ram bánh mướt

Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác mà không có nơi nào có được. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt – món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. 

Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.

Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa của hai loại bánh khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Tuy cách chế biến khác nhau nhưng cả hai loại bánh cùng được làm từ gạo nếp, ngon, trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc, mịn. Người làm bánh khéo léo phải biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai.

Gỏi cá đục

Nhắc đến những món đặc sản Hà Tĩnh, ta không quên nhắc đến gỏi cá đục – một món ăn gắn liền với miền biển, sông nước- một thức quà đặc biệt riêng của vùng biển Xuân Nghi.

Gỏi cá đục

Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.

Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt mà không nơi nào có được.

Bánh gai Đức Thọ

Bánh gai Đức Thọ

Bánh gai- cái tên dân giã, không xa lạ gì với những người dân vùng quê miền trung. Cái thứ bánh được làm từ lá gai, hòa quyện cùng mật mía. Bánh gai bắt nguồn từ vùng quê Đức Thọ sau đó lan truyền dần sang các vùng quê khác ở miền trung. 

Công đoạn làm bánh cực kì công phu và mất thời gian. Lá gai được hái từ những vườn lá, chọn lá to dầy nhất, đem về nấu cùng mật mía, sau đó được trộn với bột gạo, giã nhuyễn, nhào nặn rất công phu. Nhân bánh được làm từ đậu tằm, mứt dừa, bánh mặn thì có thêm thịt mỡ vừa béo vừa ngậy. Bánh còn được tráng một lớp vừng bên ngoài. Vỏ bánh có màu đen, màu đặc trưng của mật mía và lá gai. Khi ăn bánh, người ăn có thể cảm nhận được vị ngon lành, ngậy, béo bùi mà dân dã của vùng quê.

Hến sông La 

Hến sông La

Hầu như vùng sông nước nào cũng có hến. Và hến cũng là món ăn ưa thích của nhiều gia đình Việt. Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. 

Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng, canh hến nấu rau tập tàng, cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.

Mực nhảy Vũng Áng

Mực nhảy Vũng Áng

Vùng biển Vũng Áng Hà Tĩnh là một vùng biển đẹp nổi tiếng, là khu kinh tế sầm uất, nổi tiếng với những loài hải sản tươi ngon, đặc sản… Ở đây nổi tiếng với mực nhảy vì những con mực ở đây rất to và được chế biến ngay sau khi đánh bắt nên người dân ở đây gọi là mực nhảy. 

Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi. Mực nhảy có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.

Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng ở vùng Hương Khê Hà Tĩnh được bạn bè gần xa biết đến. Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ chứ không to như những loại bưởi khác, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. 

Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước. Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng thơm ngon được người dân nhớ đến bằng câu hò: “Mời về Phúc Trạch quê em/ Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ.."

Cam bù Hương Sơn

 Cam bù Hương Sơn

Nếu bạn đến Hương Sơn, Hà Tĩnh vào dịp gần tết bạn sẽ được ngập tràn trong thế giới cam bù. Cam bù được người dân chọn làm một trong năm thứ quả bày trên mâm ngũ quả với mong muốn căng tràn no đủ. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. 

Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản Hà Tĩnh mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến đây.

Hình ảnh: Internet
Tổng hợp 

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Du lịch tại nhà qua những thước phim ẩm thực tuyệt vời

Ẩm thực là đề tài lớn để các nhà làm phim khai thác, từ câu chuyện về tình yêu của những người đam mê ẩm thực đến sự đa dạng của các món ăn từ Đông sang Tây và sự kết hợp của những tài năng thiên bẩm trong nghề đầu bếp. Chúng ta cùng du lịch tại nhà những bộ phim "đẹp" về ẩm thực nhé!

Du lịch tại nhà qua những thước phim ẩm thực tuyệt vời

1. Little Forest - Cánh rừng nhỏ

Little Forest - Cánh rừng nhỏ

Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông luân phiên trong bộ phim mang sắc thái "slice of life", Little Fores đã mang đến một dòng chảy ẩm thực theo mùa của Nhật Bản.

Little Forest - Cánh rừng nhỏ

Từ cánh đồng nhỏ, cô gái tự tay trồng lúa, làm vườn, tự mình thu lượm các nguyên liệu trong tự nhiên và chế biến các món ăn theo ký ức tuổi thơ. Món Komesana (nước từ cơm rượu) là thức uống giải khát cho mùa hè. Trước hết phải chuẩn bị cơm rượu, cho koji vào và để trong phòng lên men vào mùa hè qua một đêm. Sáng hôm sau, để đẩy nhanh quá trình lên men, cho men làm bánh mỳ vào trộn đều. Bọt nổi lên uống vô cùng sảng khoái, thanh nhẹ. Dùng vải lọc nước cho vào lọ thủy tinh rồi để vào ngăn mát tủ lạnh thì không thức uống nào sánh bằng giữa mùa hè oi bức.

Little Forest - Cánh rừng nhỏ

Món cơm hạt dẻ cũng được nấu cầu kỳ, hạt dẻ lượm vào mùa thu tách vỏ lấy phần thịt trong hạt rồi giã nhỏ. Cho sake, nước tương vào nấu chung với gạo. Cứ mười phần gạo thì cho 2 phần quả, một phần nước tương và sake. Cơm ăn bùi bùi, thơm mùi gạo mới, mùi hạt dẻ.

Little Forest - Cánh rừng nhỏ

Bộ phim truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đang bức bối với cuộc sống cơm áo gạo tiền, mong muốn có sự tươi mới trong quãng đường tuổi trẻ. Những thước phim ẩm thực tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Nhật Bản, thứ ẩm thực chỉn chu, tỉ mỉ bậc nhất. 

2. Let’s eat - Thực thần

Let’s eat - Thực thần


Series phim của đài TVN Hàn Quốc đã đi đến mùa thứ ba và được khán giả ví von là giống như một show ẩm thực hơn là một bộ phim truyền hình. Thực thần cho người xem cảm giác chân thực, kích thích tột độ vị giác của khán giả bằng những món ăn ngon không cưỡng nổi.

Có thể kể đến là món cua Gegukji. Cua đầy ắp thịt trong nồi lẩu kimchi đang sôi sùng sục tỏa hơi nghi ngút. Vị cay của kim chi quện vào với vị thanh của cua biển và các loại rau củ ăn kèm có thể khiến bất cứ vị thực khách nào cũng phải suýt xoa khen ngon.


Xem đến đây thôi đã đủ lý do để quyết tâm đến Hàn Quốc một lần ăn thỏa thích rồi phải không?

3. Eat Drink Man Woman - Ẩm thực nam nữ

Bộ phim của Lý An có thể xem là một trong những thước phim kinh điển về ẩm thực Trung Hoa. Các món ăn trong phim là sự hòa quện hài hòa của gia vị, văn hóa, lối sống của người Trung Quốc, gợi lên cảm giác ấm áp, gần gũi của bữa cơm gia đình trong văn hóa Á Đông.

Eat Drink Man Woman - Ẩm thực nam nữ

Bữa cơm gia đình đông đủ với đủ mỹ thực: Món lẩu được nấu từ nước hầm xương gà, ninh đến khi nước béo ngậy và ngọt; món rau cải chưng thịt được dưới nước sốt đậm đà; món vịt quay Bắc Kinh vàng ươm óng ánh;…

4. This Is Not What I Expected - Hướng dẫn sử dụng đàn ông

This Is Not What I Expected - Hướng dẫn sử dụng đàn ông

Cô nàng Châu Đông Vũ trong phim hóa thân thành một nữ đầu bếp đầy tài năng bên cạnh Lộ Tấn - một kẻ khó hầu hạ trong chuyện ăn uống và ám ảnh với độ chính xác về thời gian trong nấu ăn.

This Is Not What I Expected - Hướng dẫn sử dụng đàn ông

Món mỳ gói cũng trở thành một món ăn đủ độ tinh tế khi căn chỉnh thời gian mỳ mở trong nước sôi và độ chín của trứng gà! Nhưng với tay nghề nấu nướng tuyệt đỉnh của mình, Cô nàng Châu Đông Vũ đã trổ tài làm những món ăn Đông Tây kết hợp ngon đến nỗi khiến chàng mê mẩn, ăn một lần nhớ mãi không quên!

5. The Hundred-Foot Journey – Hành trình 100 bước chân

Quả không ngoa khi nói rằng The Hundred-Foot Journey là một sự kết hợp tinh tế giữa Đông và Tây. Đầu bếp Ấn Độ ... mê mẩn ẩm thực châu Âu và đi trên một con đường gian nan để chinh phục các món Pháp trứ danh.

The Hundred-Foot Journey – Hành trình 100 bước chân

Phim nói lên sự cầu mỳ trong ẩm thực của người Pháp. Mọi điểm bắt đầu đều từ căn bản. Chỉ với năm loại nước sốt gồm Tomate, veloate, hollandaise, espagnole và bechamel để ăn kèm thịt, phim cũng cho thấy sự tinh tế trong hương vị của mỹ thực nước Pháp.

Nếu đối với Hassan đậu lên men tẩm bột nướng giòn là hương vị của mẹ thì với Marguerite đùi lợn nhúng giấm là hương vị của cha cô. Bên cạnh những ký ức đẹp đẽ ẩn trong món ăn về những người dấu yêu thân thiết, phim còn là sự giao thoa cho ẩm thực phương Đông và phương Tây trong ký ức của những người đầu bếp.

The Hundred-Foot Journey – Hành trình 100 bước chân

Các món ăn vừa là sự tỷ mỉ trong chế biến vừa là sự sáng tạo không ngừng nghỉ với các nguyên liệu, lại thật gần gũi, giản đơn khi ngồi xuống bên những người yêu quý ăn một bữa cơm.

Xem thêm: Những trải nghiệm đáng nhớ ở đất nước sông Hằng

6. The Chef – Siêu đầu bếp

Bộ phim giàu tình cảm này mang đến một màu sắc hạnh phúc trên chiếc xe bán đồ ăn bên lề đường của một đầu bếp siêu đẳng. Các món ăn ngon chuẩn vị Michelin lại xuất hiện bên đường khiến mọi người không khỏi mơ ước một lần được ghé qua thưởng thức. Đó là còn chưa kể đến những món ăn khác dưới bàn tay của đầu bếp Carl Casper!

 The Chef – Siêu đầu bếp

Có thể nói rằng nếu một ngày bạn chán tất cả mọi thứ, chỉ cần một chiếc xe bán đồ ăn và bạn bè, những người thân bên cạnh, cùng nhau làm món ăn ngon mỗi ngày bán cho những người gặp trên khắp chặng đường đi qua, như vậy thôi cũng đã đủ để hạnh phúc và vui sống mỗi ngày.

7. Ẩm thực Việt qua phim: Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng

Ẩm thực Việt qua phim: Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng

" Mùa hè chiều thẳng đứng" và "Mùi đu đủ xanh" là những thước phim hiếm hoi nói về ẩm thực Việt trong một nhịp chảy chân thật của những người dân Việt. Cây đu đủ sai quả trong vườn, món nộm đu đủ với nước mắm ớt, mỡ lợn để xào rau, giò lụa, thịt gà ngày tết làm sống dậy một vẻ đẹp thuần khiết rất Việt Nam trong ẩm thực.

Ẩm thực Việt qua phim: Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng

Bất cứ món ăn dân dã nào cũng được quay một cách tỉ mỉ và chỉn chu, kích thích vị giác của những khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ. Những thước phim tuyệt vời khiến cho bất kì ai cũng muốn một lần thong dong khắp Việt Nam để có thể tận hưởng không khí, cảnh quan và thưởng thức ẩm thực đậm chất Việt. 


Tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet

Bài đăng phổ biến