Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Những lễ hội đầu xuân của Việt Nam

Trên khắp các vùng miền của tổ quốc, tháng Giêng, vốn được coi là tháng ăn chơi, là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội độc đáo và đặc sắc nhất trong năm như chùa Hương, Yên Tử, chọi trâu.
Xem thêm: Những điểm đến lý tưởng cho tháng 2

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội


Hội chùa Hương diễn ra tại xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc như bơi thuyền, leo núi, xem các chiếu hát chèo, hát văn…Ảnh: giacngo.
Xem thêm: Chùa Hương ngày khai hội

Hội Lim, Bắc Ninh


Là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc với nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, nấu cơm... Đặc sắc hơn cả là phần hát hội, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông...Ảnh:dulichbinhduong.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh


Đây là một lễ hội lớn ở xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngày khai hội được tổ chức vào ngày 10/1 âm lịch. Lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… và thu hút hàng triệu lượt khách dâng hương hàng năm. Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách trong năm nay. Ảnh: ditichlichsuvanhoa.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử

Hội gò Đống Đa, Hà Nội

Hội diễn ra ngày 5/1 âm lịch hàng năm tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng: Khương Thương, Thịnh Hào… ăn mặc theo lễ phục hội, đi sau là cờ, biểu, lộng kiệu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…Ảnh: Quý Đoàn.

Lễ hội đền Gióng, Hà Nội


Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội. Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 6/1 âm lịch hàng năm và kéo dài trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Ảnh: trithuc9.

Lễ hội Cổ Loa, Hà Nội

 
Được tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch, lễ hội Cổ Loa diễn ra tại huyện Đông Anh nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc, định đô tại Cổ Loa. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng... Ảnh: yeunhiepanh.

Hội Xoan, Phú Thọ


Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng tại huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ nhằm tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông. Ảnh: phuthodfa.

Lễ hội đền Trần, Nam Định


Thường gọi là Lễ khai ấn đền Trần, diễn ra từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại đền Trần ở Nam Định (phường Lộc Vượng). Đây là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần. Điểm nhấn trong lễ hội là lễ khai ấn - thu hút hàng vạn người dân từ khắp mọi nơi đổ về xin ấn cầu mong một năm mới thành đạt, phát tài. Sau ngày khai ấn là các nghi thức quan trọng như lễ rước nước, tế cá…Ảnh: dulichthienthai.

Lễ hội Bà chúa Kho, Bắc Ninh


Lễ hội diễn ra ngày 14 tháng Giêng ở đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc". Ảnh: hoangviet.

Hội cầu ngư, Huế


Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng tại Thái Dương Hạ, Thuận An, thành phố Huế để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Trò diễn bủa lưới trong hội cầu ngư sẽ được tổ chức trước đình làng. Sau đó là cuộc đua thuyền trên phá của các xã lận cận. Kết thúc buổi lễ là bữa cơm thân mật giữa quan khách và dân làng ở địa phương. Ảnh:dulichvietnam.

Lễ hội Đền Bà Đen, Tây Ninh


Còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380 m ở Tây Ninh. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hàng năm, đến ngày lễ hội đền Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm nghìn người. Ảnh:baogialai.

Vĩnh Hy (VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến